HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN &
KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2005
(Giảng chung cho Phật tử và tín hữu Cơ Đốc)
Phần Một
ĐỐI TƯỢNG SIÊU HÌNH
PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN
Thiết lập sự giao cảm
Người cầu nguyện và đấng được cầu nguyện là hai thực tại gọi là không pháp, tức là hai thực tại không tách rời nhau được. Không pháp có thể được dịch là interrelated realities. Điều đó là rất căn bản trong đạo Bụt. Tôi tin chắc rằng trong Cơ-đốc giáo, những người giác ngộ, những người tu lâu, những người có tuệ giác, cũng thấy được như vậy. Họ thấy rằng Chúa ở trong trái tim của mình, Chúa là mình, và mình là Chúa, không phải mình và Chúa là hai thực tại riệng biệt. Chúng ta không bị chia cách bởi những danh từ. Nếu thật sự tu học thì chúng ta có cùng một bản chất của tình thương, của chánh niệm, của tuệ giác với Bụt, với Chúa. Vì vậy cho nên có những tín hữu Ki-tô thấy rất rõ rằng đối tượng của cầu nguyện và người cầu nguyện không phải là hai đối tượng tách biệt.
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch, the one who bows and the one who is bowed to, are both by nature empty. Empty là không, là trống rỗng. Đó là giáo pháp về sūnyatā của đạo Bụt. Trống rỗng ở đây không có nghĩa là không có mặt. Trống rỗng ở đây có nghĩa là chẳng có một cái thực thể riêng biệt. Thượng đế và ta là cùng một bản chất. Giữa ta với Chúa không có một sự phân biệt, cũng như người thiền sinh trên đây với ông chú, với bà ngoại của cô, không phải là ba cái thực tại tách biệt. Phải thấy cho được như vậy.
Cho nên khi đi sang câu quán niệm thứ hai thì ta mới hiểu được: Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, nghĩa là “vì vậy cho nên sự cảm thông, sự giao tiếp giữa hai bên nó không thể nào diễn tả được”. Tiếng Anh mình có thể dịch là Therefore the communication between them is inexpressibly perfect. Vì vậy cho nên sự truyền thông giữa đôi ta (mình và đấng mình cầu) là mầu nhiệm vô cùng. Nó không lệ thuộc vào thời gian, nó không cần tới không gian, và khi mình quán niệm như vậy, khi mình thiết lập được sự liên hệ chặt chẽ giữa mình và người mà mình cầu, khi mình thấy được tính cách tuơng tức giữa mình và người mình cầu nguyện rồi, thì lúc đó sự cảm thông, sự cảm ứng mới được thực hiện, và thực hiện liền lập tức. Lúc đó trong đường dây mới thật có luồng điện, nếu không thì hoàn toàn không có hiệu quả, totally flat!
Từ câu hỏi thứ năm (Cầu ai?) chúng ta trở lại câu hỏi thứ hai (Có một phương thức nào đảm bảo đem lại kết quả cho sự cầu nguyện hay không?), thì qua hai câu quán niệm:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
chúng ta đã thoáng thấy cái nguyên tắc đầu của phương pháp cầu nguyện. Đó là: Cái cảm ứng đạo giao, cái sự thông cảm giữa ta và đấng ta cầu nguyện phải được thiết lập trước. Sự thông cảm đó không cần thời gian, mà cũng không bị không gian chi phối.
Chúng ta biết rằng khi đài truyền hình ABC gửi những tín hiệu lên vệ tinh viễn thông và những tín hiệu đó từ trên vệ tinh phát chiếu xuống để cho máy truyền hình của ta tiếp nhận, thì cũng cần một khoảng thời gian ngắn để các làn sóng truyền qua không gian. Nhưng trong trường hợp cầu nguyện, khi chúng ta thiết lập được cảm thông giữa chúng ta bới Bụt, thì sự cảm thông đó hoàn toàn vượt khỏi ranh giới thời gian và không gian. Chúng ta không cần đợi một vài ngày sau mới thấy có kết quả, kết quả có tức thời! Khi pha cà-phê làm sẵn, instant coffee, thì tuy họ gọi là instant, nhưng chúng ta cũng phải nấu nước sôi, phải cần thì giờ để pha cà-phê, thì mới có cà-phê để uống. Còn ở đây, ta không cần chờ đợi chút nào cả, dù chỉ là một sát-na[3].
Như vậy thì cái phương thức cầu nguyện có hiệu quả đó được làm bằng một số những yếu tố, những nguyên tắc. Đầu tiên là nguyên tắc Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cho nên Cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Nói khác đi, trước tiên ta phải thiết lập cho được sự liên hệ không thể nghĩ bàn giữa ta và đấng ta cầu nguyện. Nó tương đương với việc thiết lập đường dây trong vấn đề truyền thông bằng điện thoại.
Năng lượng tu tập
Yếu tố thứ hai của sự cầu nguyện là phải có năng lượng, tương đương với vấn đề phải có dòng điện trong đường dây điện thoại.
Trong sự cầu nguyện, dòng điện đó là tình thương, là chánh niệm, là chánh định. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương (tức là từ và bi), thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện.
Như vậy tiến trình của việc cầu nguyện là trước hết ta phải thiết lập sự liên hệ, tức là nối cho được đường dây; kế đó ta phải chuyền năng lượng của chánh niệm qua đường dây đó. Dù trong tư thế ngồi, trong tư thế đứng, trong tư thế quỳ, hay trong tư thế nằm, nếu chúng ta có năng lượng của niệm, của định, của từ, và của bi thì chúng ta có thể cầu nguyện được, và hiệu quả của sự cầu nguyện có thể tức thời, xảy ra cùng một lúc với sự cầu nguyện.
Nếu hành trì như vậy mà kết quả của sự cầu nguyện vẫn không thấy, thì chúng ta thường phân vân với câu hỏi thứ tư: Nếu cầu nguyện không có kết quả, đó có phải là do đức tin yếu kém hay không? Đó có phải là do tình thương không có mặt, hoặc còn yếu kém hay không?
Đúng vậy! Nếu cầu nguyện mà không đủ niệm, mà thiếu định, thiếu từ, thiếu bi, thì việc cầu nguyện sẽ không thành công. Các yếu tố đó là những năng lượng cần có để chuyền vào đường dây. Khi trái tim của anh chưa mở ra, làm sao anh thấy khỏe được? Khi trái tim anh đã mở ra rồi thì anh thấy khỏe liền lập tức, anh thấy sự cầu nguyện có hiệu quả liền lập tức, rõ nhất là trong thân và trong tâm của chính anh, anh không cần thì giờ chờ đợi kết quả.
Không những đức tin cần phải có tình thương, mà còn cần phải có niệm. Theo sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai thì niệm là sự có mặt đích thực của thân và tâm. Thân và tâm về cùng một mối, trong giờ phút hiện tại. Nếu không có điều đó thì chúng ta không cầu nguyện được, dù chúng ta là người Cơ-đốc giáo hay là người Hồi giáo. Nếu anh không có mặt thì ai là người đang cầu nguyện đây? Cho nên anh phải có mặt đích thực, thân và tâm anh phải an ổn tìm về một mối ngay trong giây phút đó, tức là anh phải có niệm trong lúc anh cầu nguyện. Khi có niệm thì anh có định, tức là có điều kiện để dẫn đến cái thấy sâu sắc (Tuệ).
Cái mà chúng ta nói là nguyên tắc đầu tiên, sự cảm ứng đạo giao, năng lễ sở lễ tánh không tịch, là một cái tuệ. Cái tuệ đó có thể được gọi là Không, là Tương tức, the nature of interbeing. Khi chúng ta chắp tay lại và quán tưởng Năng lễ, sở lễ tánh không tịch là chúng ta đem cái tuệ giác Bát nhã, cái tuệ giác tương tức vào để thiết lập sự liên hệ giữa ta và đấng ta cầu nguyện. Nếu không có cái đó thì cầu nguyện sẽ không thành. Nếu không có cái đó thì sự khấn vái chỉ là một sự mê tín.
Khi ta cầu ông nội, bà ngoại, hay là ông chú, chúng ta phải có cái tuệ giác tương tức này thì chúng ta mới chạm tới được những tế bào của ông chú, của bà ngoại ở trong ta. Nhờ vậy mà những tế bào đó mới bắt đầu sống dậy trong ta, bắt đầu hoạt động để giúp những tế bào khác tăng trưởng, những năng lượng đó giúp chúng ta biết đi thiền hành, biết thở, biết nuôi dưỡng, chăm sóc những tế bào khác ở trong chúng ta. Ngay lúc chúng ta chạm được tới ông nội, bà ngoại, ông chú thì những tế bào tươi tốt đó bắt tay vào việc liền lập tức, không cần chờ đợi một thời gian nào cả.
Cũng vậy, khi chúng ta đã tiếp xúc được với Bụt ở trong ta rồi, khi chúng ta đã tiếp xúc được với Bồ tát Quán Thế Âm trong ta rồi, thì không đợi thời gian nữa, cái năng lượng đó của ta và của Bụt đã giao nhau và trong ta đã bắt đầu có sự chuyển đổi.
Nghiệp báo và sự cầu nguyện
Chúng ta đi sang câu hỏi thứ ba: Nếu Thượng đế đã quyết định như vậy, nếu cái nghiệp lực nó đã như vậy rồi, thì làm sao chúng ta có thể thay đổi được mà cầu nguyện cho mất công? Câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi lại là Tại sao không?
Trong đạo Bụt chúng ta đã học được rằng tất cả đều là vô thường, nghĩa là có thể thay đổi được. Hôm nay khỏe, ngày mai bệnh; hôm nay bệnh ngày mai có thể hết bệnh. Tất cả đều vâng theo luật nhân quả.Vì vậy nếu chúng ta có một năng lượng mới, có một tuệ giác mới, có một niềm tin mới, thì chúng ta có thể mở ra một giai đoạn mới của thân và của tâm. Vì vậy cho nên khi ngồi lại để thực tập đem thân, tâm về một mối, và đưa năng lượng tình thương của mình về cho bà con hoặc sư chị, hay sư em của mình, thì lúc đó chúng ta đang chế tác ra một năng lượng mới. Năng lượng đó lập tức làm cho trái tim ta mở ra. Chúng ta có cam lồ, có từ bi, và cái khoảng từ Làng Mai đến Hà-nội không có nghĩa gì cả. Khoảng cách đó so với khoảng cách từ đây đến vệ tinh viễn thông ngắn hơn rất nhiều. Mà ngay cả khoảng cách từ đây đến về tinh viễn thông cũng chẳng có nghĩa gì cả so với việc thiết lập giao cảm giữa người cầu và người được cầu trong đạo Bụt. Trong sự cảm thông không thể nghĩ, không thể bàn, trong cái nguyên tắc năng lễ, sở lễ tánh không tịch thì thời gian và không gian không là một trở ngại nào cả. Vậy thì cái ý chí của Thượng đế, cái volonté của Thượng đế cũng là cái ý chí của ta, tại vì Thượng đế và ta không phải là hai thực tại riêng biệt. Nếu ta muốn thay đổi thì Thượng đế cũng sẽ chiều ta. Cụ Nguyễn Du cũng đã thấy điều đó:
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nghiệp trước, đền bồi duyên sau.
Vấn đề chính là anh có chịu thay đổi hay không, anh có muốn thay đổi hay vẫn thích ôm lấy cái thú đau thương, cái thích thả hồn trong mộng? Nếu anh thực tâm muốn thay đổi thì Thượng đế cũng sẽ chiều anh để thay đổi.
Khi nên trời cũng chiều người, trời đây là cái tha lực, mà trời và ta không phải là hai thực thể cách biệt. Giữa cha và con cũng vậy, giữa mẹ và con cũng vậy, nếu con thay đổi thì mẹ thay đổi, nếu con thay đổi thì cha cũng sẽ thay đổi. Quý hồ là cái năng lượng phát xuất từ người con, nó làm thay đổi trong trái tim của người con trước, rồi nó sẽ tạo ra sự thay đổi trong trái tim của người cha, người mẹ sau. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không phải là những thực tại độc lập với nhau. Cho nên tuy Thượng đế đã an bài như vậy, Thượng đế muốn như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được, tại vì nói theo ngôn ngữ của Cơ-đốc giáo, chúng ta là con của Thượng đế.
Giữa tạo hóa (Thượng đế) và tạo vật (vũ trụ chúng sanh) có liên hệ gì? Một bên là Creator, một bên là Creature. Một bên là Creator, một bên là Creature. Một bên là Năng sáng tạo, một bên là Sở sáng tạo, Nếu có dính líu gì, nếu có liên hệ gì thì mới gọi là Năng với Sở, nếu không thì tại sao gọi là Năng và Sở?
Năng sáng tạo là Thượng đế, Sở sáng tạo là thế giới vũ trụ của chúng ta. Giữa cái năng và cái sở có một liên hệ mật thiết, như giữa cái trái và cái phải, cái ngày và cái đêm, cái no và cái đói. Cũng như vật thấy và vật bị thấy, theo định luật tia tới và tia phản chiếu trong quang học, chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Góc tới thay đổi, thì góc phản chiếu đổi theo liền lập tức. Vì vậy cho nên cái mà chúng ta gọi là ý chí của Thượng đế, La volonté de Dieu, cũng dính líu tới cái volonté của ta, cái ý chí của ta.
Thành ra nghiệp báo có thể thay đổi được.