Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI. Phát Huy Phật Tính

01/02/201112:23(Xem: 2097)
Chương VI. Phát Huy Phật Tính

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TÂM LINH
Thích Trí Hoằng
Hải Ấn 2002

Chương VI. Phát Huy Phật Tính

Phát Huy Phật Tính

Sau khi thành đạo dưới cội cây bồ đề, Đức Phật lưỡng lự trong vấn đề giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh. Vì căn tánh u mê, vì sân hận tràn đầy và vì tham chấp quá lớn của chúng sinh, Ngài do dự Phật pháp không có cơ hội thấm nhuần vào lớp đất quá dày của mê tín, của tham chấp vào thần quyền, đặc quyền mà chế độ giai cấp đang thống trị xã hội Ấn Độ. Sau những ngày thiền định để tìm phương cứu độ, cùng sự cầu thỉnh của chư thiên, một sáng tham thiền bên hồ, Ngài nhìn vào những đóa hoa sen. Có những hoa đã nở, có những nụ sắp nở, có những nụ còn đang chìm dưới mặt nước. Sau đó, Ngài quán chiếu vào tâm của chúng sanh để thấy rằng có những chúng sinh đã triển khai Phật tính, có chúng sinh sắp triển khai và có chúng sinh sẽ triển khai. Cho dầu chúng sanh tâm trí u ám đến mức độ nào, tất cả đều có Phật tính và một ngày nào đó Phật tính sẽ hiển lộ như những đóa sen sẽ tuần tự vươn lên khỏi bùn lầy để nở ra những đóa hoa tươi đẹp và thơm ngát. Ngài rời cội cây bồ đề để bắt đầu công cuộc giáo hóa.

Giáo pháp của Đức Phật chỉ có một mục đích là giải thoát chúng sinh ra khỏi biển khổ: “Như nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị đó là vị giải thoát.” Điều này được nhìn thấy rõ ràng trong các kinh điển Phật Giáo. Tam Tạng Kinh kết tập tất cả những lời dạy của đức Phật với một nội dung duy nhất là dạy cho chúng sinh con đường giải thoát. Tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, Ngài chỉ dạy những phương pháp khác nhau. Thuật ngữ Phật Giáo gọi những phương pháp hành trì khác nhau bằng danh từ “tám vạn bốn ngàn pháp môn,” có nghĩa là có đến tám mươi bốn ngàn cửa ngõ dẫn đến Phật Pháp hay vô số con đường tu tập.

Trong vô số những con đường đó, có một con đường đã đưa đạo Phật Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên vượt qua những cơn pháp nạn nguy khốc, tiềm ẩn trong dân gian để chờ ngày khôi phục. Có một con đường linh động uyển chuyển, hợp thời hợp cảnh, giản hóa sự hành trì đến mức tối đa để đưa hành giả tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với Phật tính của mình. Có một con đường đã đưa đạo Phật đi vào dân gian, đi vào lòng người và đã tương sinh cộng tồn với dân tộc suốt chiều dài lịch sử. Trải qua bao nguy khốn, pháp môn này đã thăng trầm cùng dân tộc để đưa dân tộc đến bến bờ an vui. Con đường này chính là Pháp Môn Tịnh Độ.

Đôi Dòng Lịch Sử

Tại Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn vài ba trăm năm, sự phân phái bắt đầu thành hình. Trong sự tranh luận để xiển dương giáo nghĩa của tông môn mình, các bộ phái đã đi sâu vào con đường triết lý. Trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, sự tu tập hành trì chỉ giới hạn trong phạm vi tu viện cho chư tăng xuất gia mà thôi. Còn hàng Phật tử tại gia chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Do đó Phật Giáo đóng khung trong bốn bức tường của tu viện và sự học hỏi hành trì giáo pháp hầu như độc quyền của giới tu sĩ. Thêm vào đó sự say mê trong vấn đề luận giải kiến thức của hàng tăng sĩ trí thức đã đưa Phật Giáo xa rời quần chúng. Từ thời vua A Dục, khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên, cho đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên là giai đoạn hình thành và phát triển của Phật Giáo Đại Thừa. Phong trào này đã đại chúng hóa Phật Giáo và đưa Phật Giáo về với cộng đồng nhân dân. Các luận sư nổi tiếng của Phật giáo đương thời là Mã Minh, Long Thọ và Thế Thân đã tích cực xiển dương Tịnh Độ. Từ đó vai trò của cư sĩ được đề cao, các kinh như Duy Ma Cật, Pháp Hoa được quảng bá. Trong việc đơn giản hóa cách hành trì các kinh như Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ… được trì tụng và pháp môn Tịnh Độ được phổ cập trong quần chúng. Kinh Quán Vô Lượng Thọ (kinh quán tưởng Đức Phật A Di Đà) là cuốn kinh được đức Phật thuyết pháp để độ cho hoàng thái hậu Vi Đề Hy đang bị con là vua A Xà Thế giam cầm trong ngục tối. Nhờ phương pháp niệm Phật hoàng thái hậu đã thoát khỏi tất cả những khổ não, thể hiện tịnh độ trong lao tù và lúc lâm chung được vãng sanh về thế giới cực lạc.

Tại Trung Quốc, Kinh A Di Đà được phiên dịch rất sớm vào thế kỷ thứ hai. Nhưng Tịnh Độ Tông chưa phát triển thành tông phái. Mãi đến thế kỷ thứ năm Huệ Viễn Đại Sư mới lập thành tông phái. Sau loạn An Lộc Sơn (thế kỷ thứ tám) lòng người ly tán, trong thời điểm này Tịnh Độ Tông phát triển mạnh mẽ. Đại Sư Pháp Chiếu đã sáng tạo phương pháp “ngũ hội niệm Phật” với âm điệu du dương trầm bổng nghe như thiên nhạc cõi cực lạc. Phương pháp này cho đến ngày nay vẫn còn trì niệm. Qua những cơn pháp nạn, chùa chiền bị phá hủy, tăng chúng bị cưỡng bách hoàn tục, Phật Giáo tưởng chừng như mất tích trên lục địa Trung Quốc. Lúc đó hầu hết các tông phái như Hoa Nghiêm, Thiên Thai… đều bị tiêu diệt, chỉ còn hai tông phái sống sót và quang phục được, đó là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Thiền Tông nhờ không nương vào giáo lý kinh điển, còn Tịnh Độ Tông nhờ phương pháp hành trì đơn giản của Niệm Phật với “Lục Tự Di Đà” (sáu chữ: Nam Mô A Di Đà Phật). Còn những tôn phái khác đòi hỏi sự học tập nghiên cứu sâu sắc kinh điển không có cơ hội để phục hồi.

Tại Nhật, Tịnh Độ Tông phát khởi từ thế kỷ thứ 12. Đại sư Hònen (1133-1212) và Shinran (1173-1262) là những người đã xiển dương giáo lý tịnh độ. Xã hội Nhật cuối thời Heian và khởi đầu của thời Kamakura là thời kỳ nội chiến nhiễu nhương, thiên tai địch họa. Tâm trạng dân chúng hoang mang và bi quan. Chính trong thời kỳ này Tịnh Độ Tông đã mang lại niềm hy vọng cho quảng đại quần chúng trong đức tin vào sự hộ trì và cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Trong thời kỳ này, Phật giáo tại Nhật cũng rơi vào tình trạng bị cô lập trong bốn bức tường tu viện và trong hàng rào của giai cấp quý tộc. Những buổi thuyết pháp đàm kinh là những sinh hoạt của giới tu sĩ và thượng lưu trí thức. Còn đại đa số quần chúng không có cơ hội tham dự. Hai đại sư Hònen và Shinran đã mang đạo Phật đến quần chúng bình dân bằng sự hành trì đơn giản của phương pháp Niệm Phật.

Tại Việt Nam, Tịnh Độ Tông truyền vào rất sớm, có lẽ sau Trung Quốc không lâu, vì nước ta trong giai đoạn trước thế kỷ thứ 10 là thời kỳ nội thuộc. Từ sau thời độc lập, dưới các triều đại quân chủ Phật Giáo như Lý, Trần, Tịnh Độ Tông cũng được trọng vọng. Tuy triều Lý chịu ảnh hưởng lớn của Mật Tông, và triều Trần ảnh hưởng của Thiền Tông nhưng Tịnh Độ Tông vẫn tồn tại song hành. Pho tượng Phật A Di Đà của chùa Phật Tích, Bắc Ninh được tạc vào đời vua Lý Thánh Tôn, 1057 là vết tích sớm nhất của Tịnh Độ Tông tại Việt Nam. Sách Thiền Uyển Tập Anh nhắc đến sự tích Ngài Không Lộ đời Lý đúc tượng Phật A Di Đà bằng đồng, ngài Tịnh Lực đắc pháp “Niệm Phật Tam Muội” và dạy đệ tử: “nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì nên trì niệm bằng cả tâm lẫn khẩu.” Sang đến triều Trần, Tịnh Độ Tông vẫn còn ảnh hưởng lớn trong sự hành trì. Vua Trần Thái Tông trong tác phẩm Khóa Hư Lục viết: “Đối với bậc hạ trí, miệng phải chuyên lời niệm Phật, tâm phải mong thấy tướng Phật, thân phải nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng tu hành không thối chuyển, sau khi mạng chung sẽ tùy thiện niệm của mình mà được sinh về nước Phật, sau đó được nghe Chánh pháp do chư Phật giảng dạy mà chứng được quả vị bồ đề.” Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng quan niệm đức Phật A Di Đà là pháp thân có mặt khắp nơi và có mặt trong tự tâm của mỗi người như mặt trăng soi bóng trên mặt nước:

Di Đà vốn thực pháp thân ta
Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

Sang đến đời Hậu Lê, triều đình sùng thượng Khổng Giáo, các nhà Nho bắt đầu hủy báng Phật Giáo. Đạo Phật lúc đó đã rời cung đình, trở về làng mạc, tiềm ẩn trong dân gian. Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, trong niềm đau chia cắt đất nước, trong nỗi thống khổ của cuộc chiến tương tàn, Tịnh Độ Tông vẫn là giọt nước cam lồ rưới vào những vết thương đau nhức, vẫn là niềm tin và nguồn hy vọng cho nhân dân cùng khổ. Sức mạnh đó vẫn tiếp tục qua đến triều Nguyễn, rồi Pháp thuộc, rồi thời quốc cộng, rồi thời cộng sản. Với niềm tin vững chãi, với sự hành trì đơn giản, Tịnh Độ Tông đã là sức sống tiềm tàng để đưa dân tộc vượt qua bao thăng trầm, nguy biến. Qua cuộc thử lửa đó, những pháp môn đặt căn bản trên kinh điển giáo lý thâm áo như Mật Tông, hay trên công phu tĩnh tọa như Thiền Tông đã không tồn tại trước những khắc nghiệt của hoàn cảnh. Duy Tịnh Độ Tông với pháp môn Niệm Phật đã linh động hóa thân tiềm ẩn trong thôn làng, làm điểm tựa tâm linh cho nhân dân, làm niềm hy vọng cuối cùng để đưa dân tộc vượt thoát biển khổ của hận thù tranh chấp. Từ đó tiếng “Mô Phật” trở thành tiếng kêu cứu, tiếng cảnh tỉnh trong những lúc khó khăn hoạn nạn và là thuật ngữ quen thuộc sử dụng hàng ngày trong cuộc sống. Do đó chúng ta hiểu được tại sao Phật Giáo Việt Nam vốn có gốc rễ trong Mật Tông và Thiền Tông, nhưng pháp môn hành trì chính yếu lại là Tịnh Độ Tông.

Đức Phật A Di Đà

Tiếng Phạn là Amita Buddha. Amita có nghĩa là nguồn sáng vô biên, là sự sống vô cùng. Về sự tích của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã thuật lại trong nhiều bộ kinh. Theo Kinh Đại A Di Đà, tiền thân của Ngài là quốc vương Kiều Thi La trong thời quá khứ xuất gia làm tỳ kheo hiệu Pháp Tạng. Trong lúc tu tập ngài đã phát 48 lời nguyện độ tất cả chúng sanh. Với lòng từ bi vô lượng đó, sau khi thành Phật Ngài đã thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc làm đạo tràng cho những chúng sanh cầu giải thoát, đến đó tu tập cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn.

Ngài là Nguồn Sáng Vô Biên: tự thân ngài hào quang sáng suốt, chiếu khắp mười phương, không vật gì có thể ngăn che được. Ánh sáng đó soi chiếu đến đâu chúng sanh được giác ngộ giải thoát. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật nói đến tính chất của nguồn sáng đó:

-Vô Lượng Quang: ánh sáng trí tuệ đó không đo lường được.

-Vô Biên Quang: nguồn sáng đó vô cùng, chiếu đến đâu chúng sanh giác ngộ đến đó.

-Vô Ngại Quang: ánh sáng đó tự tại như hư không, không bị vật gì ngăn che.

-Vô Đối Quang: ánh sáng đó thanh tịnh, không gì có thể so sánh được.

-Viêm Vương Quang: là vua của tất cả các nguồn sáng.

-Thanh Tịnh Quang: nguồn sáng đó trong suốt, không một vết bụi.

-Hoan Hỷ Quang: nguồn sáng của sự giải thoát, ai nhìn thấy đều được an lạc.

-Trí Huệ Quang: hào quang của trí tuệ, chiếu đến đâu xua tan những bóng đen của tham dục, u minh.

-Bất Đoạn Quang: nguồn sáng đó không bao giờ đứt đoạn.

-Nan Tư Quang: nguồn sáng này không thể dùng trí óc thông thường để suy xét được.

-Vô Xưng Quang: nguồn sáng đó không thể dùng danh tướng hình thức để biết được.

-Siêu Nhật Nguyệt Quang: nguồn sáng đó sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng.

Đó là một số những tính chất của nguồn sáng giác ngộ của Đức Phật A Di Đà. Hào quang đó có thể soi chiếu khắp cùng vũ trụ, không một vật gì có thể ngăn cản được. Từ những từng trời cao ngất đến những địa ngục tối tăm, khắp nơi nơi chúng sanh đều cảm nhận được nguồn sáng từ bi giác ngộ đó của Đức Phật A Di Đà, đều cảm nhận được sự tiếp độ vô cùng của Ngài.

Ngài là Sự Sống Vô Cùng: về sự sống của Đức Phật Di Đà cùng chư Phật và thánh chúng trong thế giới cực lạc là vô cùng. Chúng ta không thể lấy đơn vị thời gian của thế gian để đo lường được.

-Sự sống đó là vĩnh cửu, là biểu hiện của sự giác ngộ. Khi đã giác ngộ không còn bị đày đọa trở lại trong luân hồi lục đạo. Cũng như vàng khi đã đãi lọc không bao giờ trở lại thành quặng đất.

-Sự sống đó biểu hiện sự thường xuyên có mặt khắp nơi và bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể luân hồi trong ngàn vạn ức kiếp thì trong ngàn vạn ức kiếp đó lúc nào Đức Phật A Di Đà cũng có mặt để tiếp độ.

-Sự sống đó biểu hiện nguồn sống linh động của chân tâm, là bản chất thường tại của tuệ giác. Cho dầu chúng ta bị vô minh che lấp, nhưng bản tánh trong sáng của chân tâm lúc nào cũng hiển hiện, như viên kim cương bị bụi che mờ nhưng khả năng chiếu sáng của kim cương lúc nào cũng hiện diện, khi lau bụi đi sự trong sáng đó hiển lộ toàn diện.

-Sự sống đó là nguồn sinh lực vô biên, biểu hiện lòng từ bi vô lượng của Đức Phật A Di Đà.

-Sự sống đó là năng lực vô tận, biểu hiện đại nguyện cứu độ vô cùng của Đức Phật A Di Đà.

-Sự sống có nghĩa là sự tăng trưởng, sự lớn mạnh. Điều đó biểu hiện sự chuyển hóa không ngừng, sự tiến bộ liên tục của sự tu tập và sự lớn mạnh của bản tâm từ tâm nguyện tu tập giải thoát cho chính mình đến tâm vị tha giúp người thoát khổ. Sự sống đó biểu hiện năng lực chuyển hóa của Đức Phật A Di Đà.

Đó là những ý nghĩa thâm sâu biểu hiện trong sự sống vô cùng của Đức Phật A Di Đà. Nguồn sống vô tận của Ngài là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho những rung cảm tâm linh, là chỗ hướng đến cho những con thuyền lênh đênh trên biển khổ.

Ngài là Lòng Từ Bi Vô Lượng: từ khi còn là tỳ kheo Pháp Tạng, Ngài đã phát những nguyện lớn để cứu độ tất cả chúng sanh. Đó là bốn mươi tám lời nguyện. Trong những lời nguyện đó, Ngài phát tâm dũng mãnh dùng mọi phương tiện để giúp chúng sanh thoát mọi khổ não. Từ cái khổ vật chất như thiếu ăn mặc, thuốc thang, cho đến những cái khổ về tinh thần như tham vọng, hận thù và mê muội. Cũng như những thống khổ luân lạc trong ba đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Những nỗi khổ do sự phân biệt nam nữ, giàu nghèo… Trong nước của Ngài mọi sự đều đầy đủ, đều thanh tịnh từ nơi ở đến tâm địa của chúng sanh. Mọi người đều trang nghiêm thân tâm bằng giới đức và đều tinh tấn cho đến ngày giác ngộ.

Quán chiếu sâu sắc nỗi khổ trong lục đạo luân hồi và thấu hiểu tinh thần yếu đuối của chúng sanh, vì lòng từ bi vô lượng muốn cứu vớt chúng sanh, Đức Phật A Di Đà đã phương tiện thiết lập ra cõi Tây Phương Cực Lạc là cõi trung gian giữa thế giới luân hồi và cõi Niết Bàn. Tất cả chúng sanh niệm tưởng đến Ngài, cho dầu với khả năng nhỏ nhoi chỉ đủ sức để niệm Phật trong một thời gian ngắn, cho dầu những chúng sanh đó vẫn còn nặng nghiệp, Ngài cũng nguyện cứu độ tất cả những chúng sanh đó về thế giới cực lạc. Đó là “đới nghiệp vãng sanh” (lúc vãng sanh mang nghiệp theo). Tại Tây Phương Cực Lạc các chúng sanh đó tiếp tục tu tập cho đến ngày giải thoát hoàn toàn. Sự tu tập ở cõi Tịnh Độ chỉ có sự tiến bộ chứ không có thoái bộ.

Vì chúng sanh ở đây được nghe chư Phật, chư Bồ Tát thuyết pháp hàng ngày. Với khung cảnh thanh tịnh trang nghiêm của thế giới cực lạc, với sự sách tấn của thánh chúng, thì sự giác ngộ chắc chắn sẽ hoàn thành trong tương lai.

Ngài là Đóa Sen Trong Ngần: Biểu tượng của Đức Phật A Di Đà là đóa sen thơm ngát. Ngài đã xuất hiện trong cõi đời uế trược để quyết tâm tu tập cho đến giác ngộ hoàn toàn, như hoa sen sinh ra trong bùn lầy nhưng vươn lên khỏi bùn lầy và chuyển hóa chất liệu bùn lầy thành những đóa hoa sen tinh khiết. Ngài cũng vì sự khổ não của thế giới Ta Bà mà thiết lập cõi Tịnh Độ, vì sự đau khổ của chúng sinh mà đi vào cõi đời uế trược để thị hiện cứu độ.

Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Đức Phật Thích Ca dạy: “Bực sa môn dấn thân vào đời ô trược này, phải giữ gìn như hoa sen mọc dưới bùn mà không nhiễm dơ.” Trong ao thất bảo ở cõi cực lạc có bốn loại sen: xanh vàng đỏ trắng. Hoa màu nào chiếu hào quang màu ấy tỏa hương thơm tinh khiết. Những người tu hành khi về cõi ấy nương theo hoa sen mà sanh ra, chuyển hóa con người tham sân của mình thành con người thanh khiết trong “cửu phẩm liên hoa.” Đó là hình ảnh tuyệt đẹp diễn tả sự kết tinh của công đức tu tập. Sự tinh tấn như những chất liệu chuyển hóa khổ đau thành tịnh độ như sen chuyển bùn thành hoa. Từ đó Tịnh Độ Tông cũng có tên là Liên Tông.

Tự Tánh Di Đà: Trong giáo nghĩa Tịnh Độ Tông, Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc và cũng là pháp thân, là nguồn sáng của giác ngộ. Pháp thân đó có mặt cùng khắp trong vũ trụ và cũng có mặt trong tự tâm của mỗi chúng sanh. Như mặt trăng vằng vặc trên không và hiển hiện trong khắp ao hồ.. Đức Phật A Di Đà có mặt khắp nơi và trong tự tâm mỗi chúng sanh đều có Phật tánh Di Đà. Tự Tánh Di Đà là sự biểu hiện của Phật Tánh để mỗi chúng sanh cảm nhận rằng trong tự tâm của chính mình tiềm ẩn Đức Phật A Di Đà. Tự Tánh đó chính là khả năng giác ngộ của mỗi người. Sự giác ngộ là nguồn sáng vô biên, là sự sống vô cùng, là lòng từ bi vô lượng và là đóa sen tinh khiết giữa thế giới ô nhiễm. Khả năng đó có mặt trong mỗi chúng sanh với đầy đủ những đức tính của Đức Phật A Di Đà. Cho nên hình ảnh Đức Phật A Di Đà chính là sự biểu hiện của bản tánh giác ngộ của chư Phật và chúng sanh trong khắp không gian và thời gian.

Thế Giới Tịnh Độ

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca diễn tả cảnh Tây Phương Cực Lạc:

-Dân chúng trong nước đó không còn biết đến các điều khổ, chỉ tận hưởng các niềm vui.

-Nước Cực Lạc có hồ thất bảo chứa đựng nước của tám thứ công đức, dưới đáy hồ cát là vàng, bốn phía có lối đi trang sức bằng vàng, bạc, lưu ly, phía có lối đi trang sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lệ. Có nhiều đền đài xây bằng châu báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách, trân châu. Có những hoa sen lớn đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng. Sen màu nào chiếu hào quang màu đó và tỏa hương thơm vi diệu thanh khiết.

-Mỗi ngày có sáu lần mưa hoa Mạn Đà La.

-Có những loài chim đủ màu như bạch hạc, khổng tước, oanh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, cọng mạng… suốt ngày đêm hót lên những âm thanh vi diệu ca ngợi các pháp ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần.. Dân chúng nghe những pháp âm đó đều hướng tâm tôn kính Phật, Pháp, Tăng.

-Mỗi khi có gió nhẹ lay động các hàng cây thất bảo phát lên những âm thanh vi diệu như trăm ngàn nhạc khí đồng thời tấu lên. Dân trong nước ấy khi nghe các âm thanh đó đều nhất tâm niệm Phật, Pháp, Tăng.

-Chúng sanh nên phát nguyện sinh về cõi ấy, vì thường xuyên được gặp chư Phật, Bồ Tát và nghe các Ngài giáo hóa.

-Chúng sanh khi nghe đến danh hiệu Đức Phật A Di Đà nên phát tâm trì niệm nhất tâm bấn loạn từ một ngày cho đến bảy ngày, khi lâm chung người đó tâm không điên đảo sẽ được Đức Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng tiếp dẫn về cõi Tây Phương Tịnh Độ.

-Nếu có người phát nguyện sanh về cõi Tịnh Độ, thì người đó trong lúc phát nguyện đã đạt quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển và đã có mặt tại Tây Phương Cực Lạc, tuy thân xác vẫn còn tại cõi Ta Bà.

Đó là đại cương những điểm căn bản về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là một cõi thuần khiết từ đất đai nhà cửa đều được xây dựng bằng nhũung màu sắc rực rỡ quý báu của các loại châu ngọc. Chúng sanh trong đó tâm đã thuần thiện, không còn các khổ não từ vật chất đến tinh thần. Những âm thanh của cây lá, chim chóc đều là những lời thuyết pháp vi diệu để trợ duyên cho chúng sanh trên con đường tu tập. Do đó khi đã vãng sanh về thế giới đó sự tu tập chóng thành tựu và sự chứng ngộ là điều hiển nhiên.

Về Kinh Di Đà, tôi còn nhớ câu chuyện do hòa thượng Thiện Siêu kể cho đại chúng trong trường hạ tại chùa Già Lam khoảng năm 1970. Hòa Thượng kể: vào trước thời kháng chiến, hòa thượng Trí Thủ là giám viện Phật Học Đường Báo Quốc. Trong Chùa chư Tăng rất đông gồm phần lớn quý thầy mà bây giờ là các vị lãnh đạo của giáo hội. Lúc đó ảnh hưởng tinh thần cách mạng của Thái Hư Đại Sư, quý thầy cũng muốn cải cách. Có hôm đại chúng quyết định không tụng kinh Di Đà. Hòa Thượng gọi lên hỏi. Quý thầy thưa Kinh Di Đà chỉ là bài văn tả cảnh Tây Phương, không ích lợi cho sự tu tập. Hòa Thượng vừa tức cười vừa giảng giải. Kinh Di Đà chính là một bài kinh quan trọng trong việc chuyển hóa nội tâm. Khi tâm hướng về cảnh giới thanh tịnh thuần khiết thì những phiền não không nổi lên và các thiện căn được phát triển. Khi tâm tư duy thế giới cực lạc thì cảnh giới mình đang sống cũng là cõi Tịnh Độ. Sự tu tập chính là sự huân tập dần dần để chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển Ta Bà thành Tịnh Độ.

Duy Tâm Tịnh Độ

Cõi Tịnh Độ không phải chỉ có mặt tại Tây Phương Cực Lạc, nhưng cũng có mặt tại đây trong giờ phút này ở ngay trong tự tâm của mình. Khi tâm an tịnh thì thế giới mình đang sống là Niết Bàn, Cực Lạc, khi tâm loạn động thì cảnh giới địa ngục hiển bày. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã bày tỏ triết lý này qua các vần thơ:

Người vui thì cảnh cũng vui
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Tịnh Độ là Đây: Người tu Tịnh Độ cũng có thể kinh nghiệm được cảnh giới Cực Lạc ngay tại thế giới này. Đó cũng là ý nghĩa của điều dạy trong Kinh A Di Đà: Nếu có người phát nguyện sanh về cõi Tịnh Độ, thì người đó trong lúc phát nguyện đã đạt quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển và đã có mặt tại Tây Phương Cực Lạc, tuy thân xác vẫn còn tại cõi Ta Bà.

Điều này chúng ta có thể hiểu được. Nếu trong một ngày đẹp trời, chúng ta vào công viên đi kinh hành niệm Phật cho đến lúc tâm an tịnh, các phiền não đã lắng. Lúc đó các giác quan của chúng ta sẽ nhạy bén hơn để thấy bầu trời trong hơn, cây lá xanh hơn, hoa cỏ rực rỡ hơn, hương thơm ngát hơn, chim hót hay hơn… cảnh tượng chung quanh chúng ta tự nhiên rực rỡ, trong sáng hẳn lên. Tất cả màu sắc đẹp như những màu của các loại châu báu, vàng ngọc. Lúc đó chúng ta cảm thấy như đang ở trong một thế giới thần tiên, cảnh giới đó tương tự như cảnh giới diễn tả trong Kinh A Di Đà với đất bằng vàng, ao thất bảo, cây bằng ngọc… và tiếng thông reo, chim hót nghe thanh thoát như những pháp âm vi diệu. Kinh nghiệm này cũng được cụ Nguyễn Du diễn tả trong Truyện Kiều, lúc cô Kiều trông thấy Kim Trọng xuất hiện: “Một vùng như thể cây Quỳnh cành Giao.” Nghĩa là khu vực nơi Kim Trọng xuất hiện, cây cối đột nhiên biến đổi thành xinh đẹp lạ thường, tất cả trong sáng, lấp lánh, rực rỡ như làm bằng ngọc Quỳnh và ngọc Giao.

Tịnh Độ là Bây Giờ: Người tu Tịnh Độ có thể cảm nghiệm thế giới cực lạc ngay tức khắc, trong lúc còn đang sống chứ không phải đến lúc lâm chung mới vãng sanh cực lạc. Như trong đoạn kinh trên đã dẫn, khi người phát nguyện vãgn sanh họ đã có mặt ngay tại Tây Phương Cực Lạc rồi. Hay nói cách khác lúc đó tâm của họ đã an trú trong cảnh giới Tịnh Độ rồi. Khi tâm đã an tịnh, những phiền não đã lắng đọng, thế giới chung quanh cũng thanh tịnh. Lúc đó hành giả đã thực sự sống trong thế giới tịnh độ. Trong Kinh A Di Đà cho biết cõi Cực Lạc cách đây hàng muôn ức cõi Phật, tuy nhiên với người thâm tính nơi Đức Phật A Di Đà thì cõi Cực Lạc hiện ra trong khoảnh khắc.

Lý tưởng cao tột của người tu Tịnh Độ là sự chuyển hóa: Chuyển Ta Bà Thành Tịnh Độ, Chuyển Phiền Não Thành Bồ Đề. Cảnh giới Tịnh Độ có thể thực hiện ngay trong kiếp sống này, có thể cảm nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Khi phiền não đã được chuyển hóa, nội tâm thanh tịnh thì đó là Tịnh Độ. Tuy nhiên nỗ lực tu tập không ngừng ở đây, với hạnh nguyện Bồ Tát, sự chuyển hóa không những chỉ cho cá nhân, nhưng còn mang lại lợi ích cho tất cả chúng sanh. Do đó sứ mạng chuyển hóa thế giới khổ đau thành thế giới an lạc là con đường tu tập. Trong lý tưởng đó người tu Tịnh Độ muốn thể hiện thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà ngay trong lòng thế gian đau khổ. Từ đó những hình thức dấn thân cứu thế ra đời trong các hoạt động từ thiện như dưỡng lão, tế bần, cô nhi, bệnh xá…

Con Đường Tu Tập

Phương pháp tu tập của Tịnh Độ rất đơn giản. Chỉ tập trung vào sự trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà: Nam Mô A Di Đà Phật. Sự hành trì này đặt trên những căn bản sau:

Đức Tin:tin tưởng sâu xa vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Đó cũng chính là niềm tin sâu sắc vào bản tâm thanh tịnh của chính mình. Chỉ có nỗ lực phát huy toàn diện Đức Phật Di Đà trong tự tâm mới đưa mình ra khỏi khổ đau. Tín tâm đây cũng có nghĩa là tự tin vào khả năng giác ngộ của chính mình. Yếu tố tha lực cũng được nhấn mạnh trong sự hành trì. Tuy nhiên tha lực ở đây chính là phương tiện thiện xảo để phát triển tự lực. Khi chúng ta có đức tin thì chúng ta nỗ lực dễ dàng, từ đó dễ thành đạt.

Phát Nguyện: phát nguyện vãng sanh về thế giới cực lạc. Phát nguyện vãng sanh là sự chuyển hóa nội tâm phiền não của mình thành giác ngộ, là sự chuyển sinh con người tham sân của mình vào đóa sen thanh tịnh trong cõi tịnh độ. Sự phát nguyện đây chính là sự tự nguyện chuyển hóa, hướng về con đường sáng, con đường giác ngộ giải thoát.

Hành Trì:Trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Sự trì niệm này có mục đích chuyển hóa ba nghiệp thân (hành động), khẩu (ngôn ngữ), ý (tư tưởng). Do đó trong khi trì niệm cả ba phương diện trên đều được thực hành cùng một lúc:

-Thân: ngồi tĩnh tọa, hoặc lần chuỗi, hoặc kinh hành… theo dõi các động tác đi, đứng, nằm, ngồi cho đoan nghiêm chánh niệm. Với ý thức sáng suốt về những cử động của thân như thế thì những hành động tiêu cực sẽ được loại trừ.

-Khẩu: miệng niệm Phật liên tục. Niệm thành tiếng hoặc niệm thầm. Niệm theo hơi thở. Khi ngôn ngữ đã được tập trung vào việc niệm Phật thì những lời tiếng xấu ác không có cơ hội trỗi dậy.

-Ý: quán tưởng về đức tướng trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và sự thanh tịnh của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Khi ý tưởng đã tập trung về phương diện tích cực thì những điều tiêu cực sẽ được chuyển hóa và nội tâm sẽ thanh tịnh sáng suốt.

Sự hành trì như thế cho đến lúc “nhất tâm bất loạn” nghĩa là thân tâm hợp nhất trong việc niệm Phật. Lúc đó tự thân chính là Đức Phật A Di Đà, thế giới đang sống chính là cõi Tịnh Độ.

Niệm Phật Tức Niệm Tâm: Niệm tưởng đến đức Phật, tức là niệm tưởng đến đức Phật trong tự tâm của chính mình. Qua những phân tích trên chúng ta nhận thấy phương pháp niệm Phật có những chủ đích:

-ý thức rằng mỗi người có một Đức Phật A Di Đà trong tự tâm.

-đánh động Phật tính tiềm tàng trong mỗi người.

-khai triển khả năng chuyển hóa giác ngộ trong mỗi người.

-thể nghiệm tịnh độ bây giờ và tại đây.

-thực hiện thế giới cực lạc ngay trong lòng thế gian đau khổ.

Với những chủ đích trên, những người tu tịnh độ khi gặp nhau thường chắp tay chào miệng niệm “ A Di Đà Phật” với ý nghĩa kính lễ Đức Phật A Di Đà là vị đang đứng trước mặt mình. Trong quá trình tu tập sự nhận diện Phật tính có mặt trong tự tâm cũng như trong người khác là điều quan trọng.

Tóm lại, pháp môn tịnh độ là con đường tu tập đơn giản dễ dàng phổ cập trong quảng đại quần chúng. Mọi người già trẻ, nam nữ, sang hèn, trí thức bình dân ai ai cũng có thể tu tập được bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Nhờ tính cách đơn giản này đạo Phật đã đại chúng hóa, là pháp môn tu tập cho quảng đại quần chúng chứ không phải chỉ dành riêng cho giới tu sĩ, quý tộc, hay thượng lưu trí thức.

Pháp môn tịnh độ là sức sống mãnh liệt đã tồn tại sau những cơn pháp nạn tàn khốc. Trong khi các tông phái khác không đủ điều kiện để hồi sinh thì Tịnh Độ Tông với đức tin vững chãi, với sự hành trì đơn giản đã mang đạo Phật đi vào lòng người và tiềm ẩn trong dân gian cho đến ngày quang phục.

Pháp môn tịnh độ là sự linh động uyển chuyển thích hợp với từng hoàn cảnh từng địa phương. Tiếng niệm Phật từ đó cũng thay đổi theo từng quốc độ. Tịnh Độ tông đã vượt khỏi hàng rào tu viện để đi vào xóm làng. Từ đó mọi người ai cũng có thể cùng nhau hướng dẫn tu tập qua những nhóm liên xã.

Pháp môn tịnh độ là con đường tu tập trực diện tiếp xúc với Phật tánh của chính mình hàng ngày trong nỗ lực phát huy tuệ giác vô biên trong tự tâm, con đường đơn giản đưa hành giả trực diện với chân tâm, trực ngộ chân lý bằng sự thể nghiệm; là sự tự tin vào khả tính giác ngộ của tự tâm; là quyết tâm hướng về con đường tu tập giải thoát.

Pháp môn tịnh độ là con đường chuyển hóa nội tâm tham sân thành giác ngộ, chuyển sinh con người phiền não vào những đóa sen “cửu phẩm liên hoa” thanh khiết của sự giải thoát; là phương tiện tuyệt hảo để khai triển Phật tính.

Pháp môn tịnh độ là sự thể hiện lòng từ bi vô lượng trong những hoạt động cứu tế. Đưa đạo Phật đến với nhân dân cùng khổ; là lý tưởng cải cách xã hội trong ước nguyện thể hiện cực lạc thế giới trong lòng thế gian đau khổ.

Pháp môn tịnh độ là niềm hy vọng của tầng lớp nhân dân cùng khổ; là ánh sáng trong đêm tối hãi hùng của thời cuộc nhiễu nhương. Trong hoàn cảnh cùng khốn đó Tịnh Độ Tông như ngọn đuốc soi đường đưa dân tộc vượt qua những cơn hiểm nạn và sự tu tập đã đem lại cho dân tộc nghị lực để phấn đấu cải thiện hoàn cảnh sống để đưa đất nước vượt khỏi lầm than, chuyển thế giới khổ đau thành cõi Tịnh Độ.

Trong lý tưởng đó ngày nay Đạo Phật đã có những đóng góp tích cực vào những giải quyết khổ đau tại xã hội Tây phương. Một xã hội tiêu thụ thừa thãi về vật chất, căng thẳng về tâm trí và băng hoại về tâm linh. Trước nỗi khổ đau đa diện đó, Đạo Phật với những pháp môn tu tập thiết thực đã giúp con người thoát khổ. Với phương pháp ăn chay giúp con người tránh khỏi những bệnh tật hiểm nghèo. Với các phương pháp tu tập giúp con người bớt căng thẳng về tâm trí và phát triển tâm linh. Đó là lý do tại sao Đạo Phật càng ngày càng phát triển mạnh tại Tây phương. Tịnh Độ Tông với phương pháp hành trì đơn giản, thiết thực và trực tiếp sẽ là những đóng góp lớn cho công cuộc hoằng pháp tại phương Tây.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1117)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 4842)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2601)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 23936)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 12873)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 6872)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 8774)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13252)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 7917)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5708)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com