- Lời Giới Thiệu
- Về Tác Giả
- Lời Dẫn Nhập
- Lời Người Dịch
- Sự Hình Thành Các Chương Trong Sách
- Chương 1: Kho Báu Ẩn Tàng
- Chương 2: Quan Điểm Của Đức Phật Về Sự Thành Đạt
- Chương 3: Tạo Ra Tài Sản
- Chương 4: Gìn Giữ Tài Sản
- Chương 5: Quan điểm của Đức Phật Về Các Mối Quan Hệ
- Chương 6: Mối Quan Hệ Trong Hôn Nhân
- Chương 7: Bổn Phận Cha Mẹ
- Chương 8: Giải Quyết Mâu Thuẫn
- Chương 9: Thành Đạt Trong Xã hội
- Chương 10: Quan điểm của Đức Phật Về Sự Quyết Định
- Chương 11: Lý Luận Đúng, Quyết Định Hay
- Chương 12: Những Điều Không Nên Làm
- Chương 13: Phát triển Nhân Cách Tốt Đẹp
- Chương 14: Hạnh phúc Bền Vững
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội
Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010
Chương 4
Gìn Giữ Tài Sản
Mục tiêu của người cư sĩ tại gia, “Tôi phải sống lâu, sống xứng đáng với dòng tộc, với thầy tổ, với con cái, bằng của cải đã kiếm được bằng những phương tiện chân chánh”, là một ý nguyện dễ dàng được chấp nhận, và có thể thành tựu.[1]
Tăng Chi Bộ Kinh
Đức Phật quán sát có hai loại người giàu có: những người có của cải, nhưng không giữ được, và những người trở nên giàu có và gìn giữ được tài sản của họ. “Một số gia đình kiếm được tài sản lớn, nhưng không thể giữ chúng được lâu”[2], và cũng trong bản kinh đó, Đức Phật nhắc đến những gia đình khác giữ được tài sản của họ không biến chuyển. Đức Phật đã quán sát tại sao và bằng cách nào mà có người thành công trong việc gìn giữ tài sản của họ, trong khi người khác thì không làm được. Trong nhiều trường hợp, Đức Phật nhận thấy rằng các thói quen, cá tính, cách hành xử của một cá nhân là những yếu tố đóng góp vào việc thành công hay thất bại của người đó. Đức Phật sẳn lòng hướng dẫn các vị đệ tử tại gia giàu có để giúp họ tránh khỏi các tai họa và để giúp cho sự thành công của họ được vững bền. Đức Phật đưa ra một số nguyên tắc để giúp hàng đệ tử tại gia của Ngài gìn giữ tài sản của họ được trọn vẹn. Chương này được triển khai dựa trên các nguyên tắc đó.
Điều quan trọng là chúng ta cần xem xét triết lý của Đức Phật về đời sống tại gia để có thể hiểu được sự hướng dẫn để tiến đến thành công vững bền của Ngài dành cho hàng đệ tử tại gia. Ngài cho rằng chỉ thành đạt trong một thời gian ngắn thì không phải là thành công thực sự –vì mục đích của người cư sĩ không chỉ là có được của cải, tài sản mà còn là gìn giữ, duy trì được nó. Trong lúc gắng công để đạt được những thành công vật chất, ta cũng cần phải hướng đến những sự sung túc bền vững cho suốt cuộc đời.[3]
Hãy phân tích từng điều hướng dẫn của Đức Phật trong việc duy trì tài sản (tập trung vào kinh Vyagghapajjavà Pattakamma trong Tăng Chi Bộ Kinh, và kinh Sigalovada trong Trường Bộ Kinh).
Bước 1: Phải Có Biện Pháp Bảo Vệ Tài Sản
Hành động bảo vệ là một trong những điều kiện quan trọng nhất để gìn giữ tài sản của mình. Đức Phật bảo rằng, “Người cư sĩ đã tạo ra tài sản bằng nỗ lực chân chánh, với khả năng và những phương tiện minh bạch. Người đó phải có hành động bảo vệ tài sản đó khỏi các vị vua chúa, lửa, nước, kẻ trộm và những thân quyến không tốt”.[4]
Lời dây của Đức Phật về việc bảo vệ tài sản phản ảnh những mối đe dọa mà người giàu có trong thời đại của Ngài phải đối mặt. Xét kỹ hơn ta thấy rằng các mối đe dọa tương tự cũng có mặt trong xã hội ngày nay. Luật pháp ngày nay, trong nhiều trường hợp, cũng cho phép chính quyền hoặc các cơ quan tài chánh tịch thu tài sản cá nhân. Trộm cướp –dưới nhiều dạng cũ và mới- cũng bùng nổ trong xã hội ngày nay; và lửa, bão lụt tiếp tục gây tổn thất cho tài sản nhà nước. Sau hai mươi lăm thể kỷ, con người vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa như thế đối với tài sản của họ.
Để gìn giữ tài sản cá nhân khỏi sự chi phối của chính quyền, Đức Phật khuyên chúng ta tạo ra của cải, tài sản một cách chân chánh và làm đầy đủ bổn phận đối với chính quyền. Khi hướng dẫn ta đến sự thành đạt, Đức Phật luôn nhắc nhở ta rằng tài sản phải được tạo ra bằng những phương tiện chân chánh, minh bạch. Dhammikehi dhammaladdhehi (sử dụng phương tiện chân chánh và đạt mục đích qua phương tiện vô hại)[5], là câu mà Đức Phật luôn dùng để nhấn mạnh đến “sự nỗ lực chân chánh để đạt được thành công vật chất”. Bằng phương tiện chân chánh, người thành đạt sẽ giảm thiểu được mối đe dọa là chính quyền sẽ tịch thu tài sản của mình.
Đức Phật cũng dạy rằng người công dân và chính quyền cần hợp tác chặt chẻ với nhau vì bổn phận và trách nhiệm. Như đã nói trước đây, việc trả thuế là bổn phận hàng đầu của người công dân đối với chính quyền. Đức Phật dùng từ ngữ rajabali để nói đến phần tài sản một cá nhân phải đóng cho chính quyền.[6]Khi đã thực hiện đầy đủ những bổn phận này, người giàu có giảm thiểu tối đa, nếu không nói là loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa bị chính quyền tịch thu tài sản.
Vào thời Đức Phật, người ta thường bảo vệ tài sản khỏi bị trộm cướp bằng cách giữ nó bên mình. Ngày nay người ta gửi tiền bạc, của cải với người khác như là các cơ quan tài chánh. Sự sụp đổ của các cơ quan tài chánh lớn do tham nhũng và những lý do khác biểu lộ nhu cầu cần phải đầu tư tài sản một các khôn ngoan để bảo vệ chúng khỏi những tên cướp của thời đại tân tiến. Trong trường hợp này để có được sự bảo vệ tối đa, ta vẫn có thể làm theo lời Phật dạy bằng cách chọn lựa những cơ quan tài chính đáng tin cậy nhất để gửi hay đầu tư tài sản vào đó.
Đức Phật cũng khuyên ta bảo vệ tài sản bằng cách có những biện pháp gìn giữ nó khỏi “lửa và nước” (aggito va udakato va)[7]–nói rộng ra, chúng ta có thể coi đây là bao gồm cả những loại thiên tai khác và các thảm họa bất ngờ tương tự.
Có các biện pháp để gìn giữ tài sản khỏi tay những “người quyến thuộc không tốt” (appiyato dayadato), cũng là một cách bảo vệ khác. Dầu lời khuyên này có thể quan trọng hơn vào thời Đức Phật, nhưng trong xã hội ngày nay, chúng ta cũng khó thể bỏ qua. Thí dụ, một số người cho thân quyến mượn những số tiền khá lớn chỉ dựa vào lòng tin. Tuy nhiên, người được hưởng lợi có thể phản bội tất cả mọi lòng tin, và không bao giờ trả lại tiền đã mượn. Trong một số nền văn hóa, các bậc cha mẹ và ông bà là dễ gặp điều nguy hiểm này. Những người con đã trưởng thành hoặc con dâu, con rể có thể cắt xén của cải, tài sản của những người thân quyến trọng tuổi này. Những sự kiện này cho ta thấy các biện pháp để bảo vệ tài sản khỏi những người quyến thuộc xấu là một nhu cầu chính đáng đối với một số người trong xã hội ngày nay.
Nói chung, Đức Phật động viên cộng đồng cư sĩ cần phải có những biện pháp tích cực đế bảo vệ tài sản của họ. Sự bảo vệ này rất cần thiết để họ có thể tận hưởng sự thành đạt dài lâu suốt cuộc đời. Cụm từ mà Đức Phật dùng arakkha sampada xác lập việc bảo vệ tài sản và ám chỉ sự quan trọng vược bực của nó: đó là câu nói có nghĩa là “có biện pháp để bảo vệ tài sản cũng tương tự như thực hiện một nghĩa vụ cao thượng”.
Bước 2: Chọn Người Có Trí Và Có Đạo Đức Để Làm Bạn & Học Hỏi
Đức Phật luôn nhắc nhở các đệ tử của Ngài rằng những người có trí tuệ và đạo đức là một tài sản đối với người giàu có và là lá chắn bảo vệ sự thành đạt của người đó. Theo lời khuyên của Đức Phật đối với người thanh niên trẻ Dighajanu, những người bạn như thế sẽ mang đến “lợi ích và hạnh phúc trong tương lai” cho những người sống đời thế tục “chấp nhận giữ vàng và bạc”.[8]
Hơn thế nữa, Đức Phật dạy người thanh niên trẻ Sigala rằng khi giao tiếp với những người vô kỷ luật và vô đạo đức thì đó là một “kênh qua đó tài sản sẽ biến mất”[9]như thế nào. Do đó, Đức Phật, với trí tuệ của Ngài, đã thảo luận rất tỉ mỉ sự liên hệ, giao tiếp có thể bảo vệ hoặc hủy hoại tài sản của một cá nhân như thế nào.
Đức Phật khuyên các đệ tử cư sĩ của Ngài giữ mối liên hệ với các vị thầy, các nhà cố vấn có khả năng, để đối thoại, và nhất là trao đổi ý tưởng với họ. Bằng cách đó, họ có thể phát triển nhân cách, đạt được sự hiểu biết và khả năng –là những yếu tố làm tăng thêm sự thành đạt của họ.
Ta có thể xác nhận một người thầy, người cố vấn bởi bốn đặc tính: có giới hạnh, tiến bộ nội tâm, sức mạnh tinh thần, và trí tuệ. Lời nói, hành động của vị ấy trong những hoàn cảnh nghịch ý và tư tưởng phát biểu khi thảo luận, sẽ luôn phản ảnh cá tính của vị ấy. Bằng cách duy trì một mối liên hệ dài lâu với vị ấy và quán sát một cách chánh niệm về hành vi của vị ấy, ta có thể biết rằng vị ấy có xứng đáng hay không.[10]
Sự lựa chọn khôn ngoan những bằng hữu thân thiết cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố sự thành công của người cư sĩ. Đức Phật đã xác định vai trò quan trọng của xã hội, môi trường và ảnh hưởng bạn bè trong cuộc đời chúng ta; và Ngài đã diễn tả một cách sống động loại bạn bè mang đến sự thất bại cho ta.
Thí dụ, một số người có thể khen tặng ta quá đáng, hoặc giúp ta thì ít nhưng mong đợi ở ta nhiều lợi lộc.[11]Số khác có thể thực hiện yêu cầu được giúp đở của ta; nhưng họ từ chối bằng cách nói rằng, “Rất tiếc, nếu bạn hỏi tôi sớm hơn thì tôi đã giúp được rồi”; hay “Bây giờ thì không tiện, có thể tương lai vậy”.[12][13]Số khác nữa thì chấp nhận cả hành động tốt cũng như xấu của ta, ca tụng ta ở trước mặt, nhưng lại chỉ trích ta phía sau lưng. Lại cũng có một số người có thể lôi kéo cả những người thành đạt vào rượu chè, cờ bạc, và khiến họ nhiễm những thói quen tai hại tương tự như thế.
Đức Phật cảnh báo rằng vẻ bề ngoài của bạn bè hay những hành động ấn tượng nhất thời chưa đủ để thuyết phục rằng đó là những bằng chứng rõ ràng. Để đánh giá họ, chúng ta cần quán sát hành vi của họ trong một thời gian, để có thể hiểu đúng về họ. Và nếu ta muốn được thành đạt hơn, ta cần phải tránh “những kẻ thù đội lốt bằng hữu”.[14]
Để làm rõ hơn, Đức Phật mô tả một số đặc tính nổi bật của một người bạn thực sự có thể giúp ta đi đến thành công. Những đặc tính này bao gồm việc giúp đỡ ta khi ta cần, giữ bí mật cho ta, giữ tình cảm không thay đổi, và khuyên ta sửa đổi những thói quen xấu, như rượu chè. Tình bằng hữu chân thật giữa hai người cũng có thể được phát hiện khi họ có khuynh hướng nói tốt về nhau trước mặt người khác.[15]Được giao tiếp với những người bạn có các đặc tính như vậy sẽ là nền tảng cho người cư sĩ củng cố tốt hơn sự thành công của mình.
Bước 3: Chi Tiêu Có Kế Hoạch
Để gìn giữ và phát huy sự thành đạt đã có được, Đức Phật khuyên các gia đình và cá nhân cần phải có kế hoạch chi tiêu. Ngài đặc biệt nhắc nhở những người với cách sống phong lưu dầu chỉ kiếm được rất ít, rằng chẳng bao lâu họ sẽ làm tiêu hết của cải.
Một kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ hướng dẫn người cư sĩ chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm một phần số tiền kiếm được một cách khôn ngoan. Đức Phật nhấn mạnh đến sự quan trọng của một kế hoạch như thế và cho ta biết thế nào là “cân bằng chi tiêu”.
Người có trí biết số tiền kiếm được và chi tiêu của họ; với sự hiểu biết đó, người ấy tính toán như thế này: “Sự chi tiêu của tôi khôngđược quá số tiền kiếm được, mà cũng không được chiếm quá ít so với tổng số tiền tôi kiếm được”.
Người có kinh nghiệm sử dụng cân [loại có hai đĩa cùng trọng lượng treo ở hai đầu cán cân] biết rằng, “Nếu tôi đặt trọng lượng này hay trọng lượng kia vào đĩa cân này, thì đĩa cân kia sẽ lên hay xuống theo mức độ đó”. Tương tự, người chủ gia đình phải biết cách cân bằng số tiền chi tiêu.[16]
Như đã đề cập trong chương 2, Đức Phật khuyên chúng ta nên để một phần tư của tổng số tiền kiếm được dùng cho cá nhân. Phần tiền còn lại cần được dùng để đầu tư và tiết kiệm.
Rõ ràng, những hạn chế được đề ra không phải là để cản trở người cư sĩ hưởng thụ cuộc sống. Như đã đề cập trong chương 1, Đức Phật cho rằng tài sản cần được sử dụng để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con người; tuy nhiên phần trăm sử dụng cho mục đích đó cần phải tương ưng với số tiền họ kiếm được. Không tuân thủ theo nguyên tắc vàng này sẽ đưa ta đến nhiều phiền toái.
Lời khuyên này hữu ích trong xã hội hiện đại hơn bất cứ lúc nào khác, khi sự cám dỗ luôn được đẩy mạnh để lôi kéo người ta vào cách sống hoang phí. Các hình thức quảng cáo đầy hấp dẫn đập vào mắt, vào tâm trí ta những hình ảnh của xe đẹp, nhà sang và những sản phẩm hấp dẫn khác. Lời mời gọi của chúng hấp dẫn đến nỗi một cuộc sống lịch lãm, bằng bất cứ phương tiện nào, gần như đã trở thành là mẫu mực cho mọi người. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của những niềm hy vọng quen thuộc như thế; và áp lực xã hội khiến nhiều người không có kiên nhẫn với sự chi tiêu cân bằng.
Nói chung, xã hội coi trọng con người dựa vào những gì họ có: xe hơi, nhà cửa, và những của cải vật chất khác. Bị tẩy não bởi các giá trị xã hội này, nhiều người không thể có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, thay vào đó họ sử dụng việc trả tiền “dễ dàng” bằng thẻ tín dụng và những cách trả tiền góp hằng tháng để mua rất nhiều thứ, với mức lãi phí rất cao –làm cho kẻ khác thêm giàu, trong khi làm hại bản thân mình. Lần nữa, kế hoạch chi tiêu được Đức Phật đề nghị có thể trở nên rất hữu ích.
Đức Phật nhận định rằng không mắc nợ là một sự nhẹ nhàng, thư thái lớn (anana sukha) đối với người cư sĩ.[17]Dựa vào tiền vay mượn để hưởng thụ một cuộc sống xa hoa là một trong những sai lầm lớn nhất mà người cư sĩ có thể phạm. Đức Phật đã so sánh một người như thế với “kẻ đã hái tất cả trái trên cây để chỉ ăn trái chín”.[18]
Bước 4: Biện Pháp Tự Bảo Vệ
Đức Phật cũng quan tâm đến sự nguy hiểm đối với sinh mạng của người cư sĩ giàu có và các thành viên trong gia đình họ. Ngài nhắc nhở “người giàu cần phải có biện pháp để tự bảo vệ, và bảo toàn cuộc sống”,[19]bằng tài sản đã kiếm được bằng những phương tiện chân chánh.
Tư duy đằng sau các biện pháp bảo vệ này là ta đáng sống một cuộc đời hạnh phúc và bình an với thân quyến trong gia đình. Theo triết lý của Đức Phật, người giàu sang cần có những kỳ vọng lớn: “Tôi phải sống thọ với gia đình và quý thầy của tôi”.[20]Hành động cẩn trọng sẽ khiến điều này có thể thực hiện được.
Năm yếu tố có thể là mối đe dọa cho sự an toàn cá nhân và an toàn tài sản của người giàu. Đó là: nước, lửa, chính quyền (vua chúa), trộm cướp và các thân quyến xấu. Đức Phật đã nêu các nguyên nhân trên như là những điều có thể nguy hiểm đến tài sản. Ngài lặp lại các yếu tố này như là những mối đe dọa có thể xảy đến đối với sinh mạng của người giàu sang. Dường như Ngài coi việc an toàn cá nhân là một mối quan tâm lớn và sự tự bảo vệ là cần thiết để tránh những mối nguy hiểm từ nhiều nguyên nhân.[21]
Theo Đức Phật, “sống ở nơi thích hợp” đem lại nhiều lợi ích cho người cư sĩ”.[22]Một mặt, những điều ích lợi có thể là về mặt tinh thần, mặt khác, chúng có thể làm tăng thêm sự an toàn cho cá nhân. Chúng ta có thể suy đoán rằng Đức Phật muốn khuyên hàng đệ tử tại gia của Ngài tránh những khu vực bất an, cũng như những vùng dễ dàng bị “lũ lụt cuốn trôi đi”.[23]
Hơn thế nữa, Đức Phật cũng lưu ý chúng ta rằng sự sợ hãi, mối nguy hiểm, và bất hạnh, tất cả đều xuất phát từ người chưa trưởng thành và cơ hội (bala), chứ không phải từ người trưởng thành và có đức hạnh (pandita)[24]. Những nhận định này cho ta thấy Đức Phật khuyên ta sống trong khu vực an toàn để được bảo vệ: là những nơi mà sự nguy hiểm do thiên tai và con người tạo ra là rất ít.
Tự bảo vệ bản thân và thành viên trong gia đình khỏi sự trừng phạt của pháp luật (chính quyền) là một khía cạnh quan trọng khác của sự an toàn. Cả gia đình cần tuân thủ luật pháp của nhà nước; và những hành động của bản thân –kể cả cách kiếm sống- cần phải an toàn cho xã hội. Mỗi khi nói về cách sử dụng tài sản, Đức Phật thường nhấn mạnh rằng tài sản cần phải được tạo ra một cách hợp pháp, và các bổn phận đối với chính quyền cần được thể hiện qua việc đóng thuế. Ta cần phải có các biện pháp này để bảo vệ bản thân và các thành viên trong gia đình khỏi phạm luật.
Hơn thế nữa, để tránh những hoàn cảnh bi thương do tai nạn hay kẻ thủ ác mang đến, Đức Phật cho ta một lời khuyên rất đơn giản mà rất hữu ích là: “Đừng đi đâu vào thời gian không an toàn”.[25]Nhiều người cứ đi ra “đường vào những giờ nguy hiểm” liều mạng họ và tạo ra nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình.[26]
Nói chung, Đức Phật khuyên ta nên cẩn trọng đối với những hoàn cảnh nguy hiểm. Đó là chìa khóa bảo vệ bản thân ta và các thành viên trong gia đình –mà cũng là bảo vệ tài sản của ta.
Bước 5: Cần Có Biện Pháp Đúng Thời Điểm
Điều kiện quan trọng nhất cho bất cứ sự thành đạt nào đã được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt quyển sách. Chương 3 đã lưu ý chúng ta về việc đúng thời điểm (timing) thiết yếu như thế nào để khởi đầu bất cứ nỗ lực để thành công nào và duy trì sự thành đạt.
Theo Đức Phật, hành động đúng lúc, đúng thời hỗ trợ cho sự thành công bằng hai cách. Đầu tiên, do đã tháo gở được sự gián đoạn, nó khiến cho tiến độ đã đạt được cứ thế mà đi tới. Thứ đến, hành động đúng lúc thuyết phục người khác –đồng nghiệp, công nhân và đối tác- cũng hành động đúng tiến độ.[27]Đức Phật đã khuyên vua Kosala rằng hành động đúng lúc sẽ bảo vệ và làm tăng trưởng tài sản của vua. Ngài giải thích rằng khi nhà vua tuân thủ nguyên tắc đúng lúc, đúng thời, người khác cũng sẽ làm thế.
Như đã nói trước đây, hành động đúng lúc là đối nghịch với sự lười biếng, thờ ơ, vô tâm, chần chừ, hay bất cứ từ ngữ nào có thể gợi lên ý nghĩa của sự thiếu nhiệt tình, thiếu năng lượng, hay thiếu sẵn sàng để làm điều gì cần thiết. Chế ngự được sự thụ động ở thân hay tâm không chỉ giúp ta vực dậy sự thành công mà còn làm cho nó được vững bền.
Bước 6: Tránh Sa Đà Trong Các Mối Quan Hệ Tình Cảm
Trong một ẩn dụ, Đức Phật đã so sánh tài sản với những giọt nước thủy tinh lóng lánh trên mặt nước hồ đẹp đẻ. Tham dự vào những mối liên hệ tình dục bừa bải là một kênh rộng mở khiến nước hồ chảy thoát ra ngoài và làm cạn hồ. Tránh xa những mối liên hệ như thế sẽ đóng kín “dòng kênh” không để tài sản bị tiêu mòn đi.[28]
Dĩ nhiên Đức Phật chẳng bao giờ cố ý muốn hạn chế đời sống tình dục của cá nhân, nhưng Ngài đã khuyên các đệ tử tại gia cần phải có chừng mực, nều họ muốn duy trì sự thành đạt của mình. Và Ngài đã dùng thuật ngữ itthidhutto (trở thành một kẻ săn phụ nữ) để nói đến sự sa đà trong liên hệ tình dục. Thuật ngữ này ám chỉ một loại nghiện ngập trong những mối liên hệ tình cảm: một sự nghiện ngập mà theo Đức Phật, là một mối đe dọa khủng khiếp đối với người thành đạt.
Theo lời Đức Phật, “những gì người ta đã tạo ra sẽ bị hao mòn đi”, khi dính vào những mối liên hệ tình dục bừa bãi.[29]Tránh được những mối liên hệ tình cảm chồng chéo đó mang đến cho ta sự bền vững và sự thành đạt được phát triển.
Bước 7: Kiềm Chế Không Để Nghiện Các Chất Gây Say
Nói một cách bóng bẩy thì nghiện các chất gây say cũng là một “kênh làm tiêu chảy tài sản của một cá nhân”.[30]Phân tích vấn đề này, Đức Phật nêu đến những hậu quả tai hại của thói quen nguy hiểm này: bệnh hoạn, tiếng xấu, không biết xấu hổ, tinh thần kiệt quệ, què quặt, phạm pháp -là nguyên nhân của sự lụn bại và là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thành đạt của một cá nhân.[31]
Xã hội ngày nay đầy rẫy những thí dụ điển hình cho quan điểm này. Các vấn đề sức khỏe gây ra bởi việc sử dụng bừa bải ma túy, thuốc lá và rượu là những sát thủ lớn trong thời đại của chúng ta. Như bệnh thận hay tim mạch liên quan đến chứng nghiện rượu, còn ung thư phổi do hút thuốc lá, có thể ngay lập tức làm hoán chuyển bao năm thành đạt trong một đời người.
Xung đột gắt gao có thể xảy ra trong gia đình khi người chồng hay vợ trở thành kẻ nghiện rượu hay ma túy. Ly hôn và cuộc chiến giành quyển nuôi con có thể đi kèm theo, đem lại bao khổ đau và mất mát tiền của. Kết quả là sự phát triển vững bền của một gia đình phải gánh chịu một đòn giáng nặng.
Cũng cần nói thêm là việc sử dụng ma túy, rượu chè và những vấn đề pháp lý dường như luôn đi kèm với nhau. Rõ ràng, chứng nghiện rượu hay ma túy đã làm phát sinh ra nhiều vấn đề nguy hiểm, như lái xe khi say rượu và buôn bán ma túy. Những hành động phạm pháp này đưa đến kiện tụng, tranh cãi pháp lý, tạo ra những hậu quả không thể bồi đắp. Đối với một người vừa ổn định cuộc sống, những vấn đề như thế thật khó thể chấp nhận.
Kiềm chế không để nghiện những chất gây say như rượu, thuốc lá và ma túy, là tháo gở được những nguyên nhân có thể tước đoạt khỏi tay ta sự thành công. Điều đó cũng dọn cho ta con đường đến một cuộc sống năng nổ, một cuộc sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác. Theo kim ngôn của Đức Phật, không nghiện các chất gây say là một ayamukha hay “nguồn của sự phát đạt hơn”.[32]
Bước 8: Hãy Dứt Bỏ Thói Quen Cờ Bạc
Một thói quen nữa mà Đức Phật coi là mối đe dọa cho sự thành công của một người là sự cờ bạc không kiềm chế. Thói quen này, theo sự đánh giá của Đức Phật, đem đến nhiều hậu quả tiêu cực như là mất bạn, thiếu lòng tự tin, tài sản tiêu hao và nhiều nỗi đau khổ khác. Ngài gọi thói quen nguy hiểm này là “một kênh rộng mở để tháo chảy của cải”.[33]
Đức Phật luôn phản đối tánh cờ bạc, chính yếu bởi vì Ngài luôn tán thán khả năng tự thân của con người hơn là sự may mắn cá nhân như là phương tiện đưa đến thành công. Đối với Đức Phật, tùy thuộc vào may mắn là sự chối bỏ khả năng để thành công của con người. Khi đã chọn con đường sai lầm đó, kẻ nghiện cờ bạc sẽ kết thúc trong hoang mang, đổ vỡ, hơn là trong một hoàn cảnh may mắn mà người đó đã mơ tưởng đến.
Ngày nay các hình thức cờ bạc đã biến đổi rất nhiều. Chơi xổ số, cờ bạc trong casino, và đánh cược trên mạng đã thống lãnh các hình thức cờ bạc có tổ chức và hợp pháp. Tuy nhiên, những hậu quả tiêu cực của việc cờ bạc không kiềm chế thì chẳng thay đổi chút nào. Ngày nay cũng thế, một kẻ quen cờ bạc cũng phải bị mất mát của cải, cũng than khóc về những thất bại tài chánh, và không thể có được sự tin tưởng của những người quan trọng. Mỗi một ảnh hưởng tiêu cực này đóng một vai trò riêng trong việc kéo người đó xuống khỏi nấc thang tiến đến thành công.
Khi giữ mình tránh xa khỏi thói quen tai hại này, là ta đã che chắn thêm được một “kênh làm tiêu chảy tài sản”[34]khác nữa.
Bước 9: Tránh Sự Hưởng Thụ Quá Đà Các Thú Tiêu Khiển
Cuối cùng, Đức Phật dạy hàng đệ tử tại gia tránh sự hưởng thụ quá đà các thú tiêu khiển để tài sản của họ không bị hao mòn. Ngài lưu ý chúng ta rằng một người luôn thưởng thức “đờn ca, múa hát, kịch nghệ” có khuynh hướng kéo sự thành công của mình xuống dốc.[35]Thuật ngữ được dùng ở đây là abhicarano, có nghĩa là “nhiều hơn những cuộc thăm viếng thường kỳ” đến các hội hè nơi có đủ mọi trò giải trí.
Dầu Đức Phật chẳng bao giờ đòi hỏi đệ tử tại gia của Ngài không được giải trí, Ngài chỉ khuyên họ phải biết giới hạn của sự giải trí. Vượt quá những giới hạn này là mối đe dọa cho sự tiến bộ đã đạt được.
Đức Phật cho rằng đờn ca, múa hát, tuống tích và các chương trình biểu diễn âm nhạc là những loại giải trí gây nghiện để thỏa mãn vui chơi trong chốc lát. Dĩ nhiên, ngày nay, nhiều hình thức “giải trí” đã được biến đổi. Ra ngoài, người ta có thể thấy nhà hát, rạp chiếu bóng, sân chơi, câu lạc bộ, và nhiều nơi giải trí khác. Ở nhà, thì có các “trung tâm giải trí” (entertainment centers), tạo ra nhiều hình thức “giải trí trên sofa”. Ngoài ra, còn có các phương tiện giải trí điện tử như trò chơi trực tuyến (game online) trong mỗi phòng cho mỗi thành viên trong gia đình được tự do hưởng thụ. Tất cả những phương tiện giải trí này có thể được bao gồm trong định nghĩa của Đức Phật về sự giải trí, và nghiện bất cứ hình thức giải trí nào cũng ảnh hưởng đến sự tiến bộ mà ta có thể đạt được trong đời.
Dầu Đức Phật không cấm người đệ tử tại gia tìm niềm vui trong việc giải trí, Ngài chỉ khuyên họ không đi quá giới hạn khiến cho sự tiến bộ của họ bị gián đoạn.
TÓM TẮT
Nói chung, Đức Phật đã dành cho hàng đệ tử tại gia của Ngài những lời khuyên và hướng dẫn vô giá để củng cố và duy trì sự thành công của họ được bền vững suốt đời. Ngài khuyến khích họ phải có biện pháp để bảo vệ tài sản, để tham vấn và kết thân với người trí, để có những hành động đúng lúc, để sử dụng tài sản có kế hoạch, và để lưu tâm đến việc tự bảo vệ. Ngài cũng khuyên họ tránh sa đà trong những mối liên hệ tình cảm, trong việc giải trí và kiềm chế việc sử dụng các chất gây nghiện cũng như cờ bạc.
Các quy tắc này hàm ý rằng ngược lại, tính chuyên nghiệp, sự biết nhìn xa và sự thay đổi cách cư xử là những yếu tố chánh cho sự thành đạt cả đời người.
[1]Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Pattakamma
[2]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Abhinna: Kinh Kula
[3]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma Kinh Pattakamma
[4]Như trên
[5]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Pattakamma
[6]Như trên
[7]Như trên
[8]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja
[9]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
[10]Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosa Samyutta: Kinh Sattajatila; 173-174
[11]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
[12]Như trên
[13]Như trên
[14]Như trên
[15]Như trên
[16]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja
[17]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Anana
[18]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja
[19]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Pattakamma
[20]Như trên
[21]Như trên
[22]Kinh Tập (Sutta Nipata): Phẩm Culla: Kinh Mangala
[23]Kinh Pháp Cú: Câu 47
[24]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala: Kinh Bhaya
[25]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-465
[26]Như trên
[27]Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Kinh Kalyanamitta; 180-182
[28]Tương Ưng Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Ujjaya
[29]Kinh Tập: Phẩm Uraga: Kinh Parabhava
[30]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
[31]Như trên
[32]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Vyagghapajja
[33]Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
[34]Như trên
[35]Như trên