Phượng Hồng sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang trong một gia đình Phật tử thuần thành. Sáu tuổi ông đã được mẹ cho theo lên chùa trong những ngày lễ. Phật pháp bắt đầu thấm vào tâm hồn, vào máu thịt ông từ những ngày thơ bé như thế.
Cũng từ những ngày thơ ấu, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu hội hoạ. Đi đâu, nhìn thấy gì ông cũng thích vẽ lại trên giấy, trên tường, trên mặt đất hay bất cứ nơi nào ông có thể vẽ. Những ngày tháng ấy ông vẽ hoàn toàn bằng bản năng nghệ thuật trời phú, chẳng có ai hướng dẫn, chỉ bảo, nhưng vì thích vẽ nên ông cứ vẽ.
Bước chân đầu tiên Phượng Hồng in dấu trên con đường nghệ thuật là cuộc triển lãm tranh về Phật giáo năm 15 tuổi. Bức tranh của Phượng Hồng được một ông chủ giàu có thời bấy giờ mua với giá khá cao. Đã kiếm được tiền bằng tài năng của mình nhưng khi ấy, ông không hề nghĩ rằng tới một ngày nào đó; mình lại trở lại hoạ sĩ, mà là một hoạ sĩ có tên tuổi trong làng mỹ thuật, để lại dấu ấn nghệ thuật đặc sắc trong trường phái tranh thiền. Cũng vì chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành hoạ sĩ nên khi lớn lên, ông cũng không thi vào trường mỹ thuật mà chọn nghề kỹ thuật.
Sau giải phóng, cái nghề kỹ thuật được đào tạo bài bản không nuôi nổi Phượng Hồng, ông tìm về với năng khiếu hội hoạ trời phú như một định mệnh. Vì không được đào tạo một cách bài bản tại trường lớp nên lúc nào ông cũng nỗ lực tự học, tự trau dồi kiến thức hội hoạ cho mình bằng cách đọc sách, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp …, vì vậy, ông cũng có một kiến thức mỹ thuật khá phong phú, am hiểu sâu sắc nhiều trường phái, nhiều kỹ thuật vẽ.
Khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật, Phương Hồng không có ý khẳng định cái tôi nghệ sĩ mà đơn giản chỉ là ghi lại những cảm xúc của mình bằng đường nét, bằng màu sắc, hơn nữa là để tri ân song thân, Phật pháp đã cho mình hiện hữu trên cõi đời này. Việc không được học hành nghệ thuật một cách bài bản đối với Phượng Hồng không hẳn là một thiệt thòi. Ông vẽ nhanh, vẽ nhiều, vẽ khoẻ vì ông bỏ qua những bước mang tính khuôn sáo của hội hoạ, không bị gò bó trong những logic thông thường . Khi cảm xúc ùa tới là ông cầm cọ lên vẽ luôn một mạch cho đến khi hoàn thành tác phẩm mà không hề phác thảo.
Tranh của Phượng Hồng đậm chất đạo học phương Đông, an nhiên, mộc mạc, dung dị, thâm trầm, có sự kết hợp hài hoà giữa cảm tính và lý tính, giữa thực và hư, giữa đạo với đời. Xem tranh ông, nhiều người nhận ra phảng phất một chút gì đó tranh thuỷ mặc của Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng lại có nét riêng rất Việt Nam, rất Phượng Hồng. Phượng Hồng vẽ trên nhiều chất liệu, sơn dầu, sơn mài, giấy dó nhưng ông tâm đắc nhất vẫn là tranh màu nước trên vải.
Hoạ sĩ Phượng Hồng và tác giả
Tranh Phượng Hồng không chủ trương làm thoả mãn thị giác của người xem mà chính là để mọi người tự cảm nhận, hay nói cách khác: tranh của ông gợi nhiều hơn tả. Mỗi bức tranh của ông đều là phương tiện giúp cho người xem tự soi lại chính mình và tìm về với sự bình yên, thanh thản, mà để làm được điều đó thì không thể có dòng tranh nào khác ngoài tranh thiền. Ông tâm sự: “Nhiều khi ông không cố ý để vẽ tranh thiền, nhưng người xem vẫn nhận ra, vẫn cảm thấy trong tranh ông có hơi thở an nhiên, tĩnh tại của thiền. Có lẽ vì trong lúc vẽ cũng là lúc ông đang thiền chứ không phải đắm trong mê lạc nên cái thần thái của thiền đã nhập vào trong cái thần của từng bức hoạ.” Cũng bởi vẽ trong trạng thái thiền nên ông bỏ đi cái tôi của người nghệ sĩ, để cho thiền tự do bộc lộ một cách tự nhiên nhất. Nhiều lúc ông vẽ mà chẳng biết mình đang vẽ gì. Cho đến khi tác phẩm hoàn thành, buông cọ ra ông cũng không thể giải thích hết về ý nghĩa bức hoạ của mình. Thiền vốn vô ngôn, mỗi người đều có thể hiểu và cảm theo cách riêng của mình. Vì vậy, xem tranh Phượng Hồng, ở đâu cũng thấy bóng dáng của thiền nhưng ta không hề cảm thấy sự trùng lặp trong ý tưởng hay cách thể hiện. Cũng thật khó để có thể gọi tên một cách chính xác phong cách hội hoạ của Phượng Hồng mặc dù rất dễ để nhận ra.
Để sống và vẽ cho đến ngày hôm nay, Phượng Hồng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, cơ cực, bị bủa vây bởi những thứ cơm áo gạo tiền hết sức đời thường. Những lúc như vậy ông lại tựa mình vào Phật pháp. Nhờ am hiểu Phật pháp mà ông đón nhận và vượt qua gian khó, khổ đau một cách nhẹ nhàng. Khi vượt qua rồi ông cũng không oán hờn, không chấp ngã mà còn biết ơn điều đó vì nó giúp ông thêm chất liệu để vẽ nhanh hơn, khoẻ hơn, thêm niềm tin vào Phật pháp nhiệm màu. Có thể nói, tranh của Phượng Hồng là tranh của sự buông bỏ nên xem tranh của ông, ta không thấy những cái khốc liệt, dữ dội mà cái gì cũng thanh thoát, hiền lành, vô hại. Để đạt tới điều đó, chính bản thân ông cũng đã tự buông bỏ rất nhiều.
Thiên nhiên và Phật pháp là hai người thầy vĩ đại nhất của Phượng Hồng, là nguồn cảm hứng chủ đạo trong hầu hết các sáng tác của ông. Soi vào thiên nhiên, ở đâu ông cũng nhìn thấy pháp thân của Đức Phật , đắm mình trong Phật pháp, ông lại cảm thấy mình đang hoà mình vào với thiên nhiên, bình an và sâu lắng.
Phượng Hồng sống trung thực với lời Phật dạy và thản nhiên trước danh lợi, ông chỉ chọn cho mình một nhiệm vụ suốt cuộc đời là vẽ. Giờ đây, khi nhắc đến dòng tranh thiền, người ta không thể không nhớ đến Phượng Hồng, và nhắc đến Phượng Hồng là phải nhắc đến tranh thiền, nhưng chưa bao giờ ông lấy thành tích đó ra để khoe khoang hay lên mặt với ai. Phượng Hồng tâm sự: “Ông mong một ngày nào đó, ông quên đi mình là ai, ông vẽ mà chẳng cần biết mình vẽ cái gì, vẽ để làm gì, quên đi những danh hiệu, quên đi những khen chê để mình như giọt sương tan trong bể Phật.”