- 01. Mười hai nhân duyên (dvādaśāṅgapratītya-samutpāda)
- 02. Bốn sự thật (catur-vidhaṃ satyam)
- 03. Tứ niệm trụ (catvāri smṛty-upasthānāni)
- 04. Tứ chánh cần (Catvāriprahāṇāni)
- 05. Tứ thần túc (Catvāra-ṛddhipādāḥ)
- 06. Ngũ căn - Ngũ lực (Pañcānāmindriyāṇām - Pañcānāṃ balānām )
- 07. Thất giác chi (Saptabodhyaṅgāni)
- 08. Bát chánh đạo
Lời mở đầu
Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết giáo của đức Đạo sư, sau khi Ngài diệt độ còn để lại cho chúng ta một gia tài pháp ngữ đồ sộ, được các đệ tử của Ngài tuyên thuyết độc tụng và ghi chép lại thành văn bản mãi cho đến ngày hôm nay, chúng ta biết được qua ba tạng giáo điển của Nam truyền và Bắc truyền thuộc hai hệ ngôn ngữ sanskrite (Hán tạng) và Pāli (Pàli tạng). Hai tạng này hiện đang đại diện cho Phật giáo phát triển sau này là Đại thừa và Tiểu thừa. Những giáo pháp được đức Đạo sư nói ra không ngòai mục đích ban vui cứu khổ đưa đến an vui Niết-bàn giải thóat, cho dù là thiên kinh vạn quyển được triển khai từ những lời dạy cơ bản của Ngài, nhưng ý nghĩa của chúng vẫn không ngoài ý nghĩa của những lời dạy cơ bản từ đức Đạo sư qua Mười hai nhân duyên, Bốn sự thật cùng Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ở đây chúng tôi cố gắng trình bày một cách tổng hợp qua hai quan điểm Đại và Tiểu thừa theo sự chứng đắc và ngộ giải của họ theo những chỗ đồng dị tùy thuộc vào căn cơ nhận thức của họ mà lý giải những giáo lý cơ bản này.
Với thập nhị nhân duyên Ngài đã khám phá ra nguyên nhân chính yếu của vòng tròn sinh khởi và huỷ diệt khổ đau của sinh tử luân hồi. Theo phương pháp quán thuận nghịch, tức là cách quán lưu chuyển và hoàn diệt của thập nhị nhân duyên. Trong 49 ngày đêm Ngài ngồi tư duy dưới bóng cây Bồ-đề không ngoài vấn đề này. Vấn đề sinh, lão, bệnh, tử được Ngài đặt ra như là một tiên quyết là làm sao biết được vấn đề con người từ đâu sinh ra? Và khi chết sẽ đi về đâu? Đây là giáo nghĩa cơ bản của những lời dạy cơ bản của đức Phật đối với ngoại hàm trong cách giải thích mọi hiện tượng nhân duyên sinh khởi và biến dịch của nhân sinh cùng vũ trụ được Ngài triển khai rộng theo thời gian và không gian của ba đời theo luật tắc nhân quả, qua nhận thức quán chiếu lưu chuyển và hòan diệt theo định thức duyên khởi quán hay còn gọi là duyên sinh quán. Mười hai chi này làm nhân và duyên vào nhau mà hiện khởi theo chiều lưu chuyển sinh khởi hay ngược lại, làm nhân duyên cho nhau mà biến diệt theo chiều hòan diệt trong nhận thức quán lưu chuyển và hòan diệt.
Với Tứ đế là giáo nghĩa cơ bản nội hàm dùng để giải thích mọi hiện tượng nhân sinh vũ trụ được quy nạp từ thập nhị nhân duyên, là con đường trung đạo duy nhất giải thoát sinh tử luân hồi, là những lời dạy đại cương trên đại thể của giáo nghĩa nguyên thỉ của đức Phật cho cả Tiều thừa lẫn Đại thừa sau này.
Với bốn phạm trù thân, thọ, tâm và pháp là nơi để hành giả tập trung tâm niệm vào một trong bốn điểm này khi tu tập, mục đích là đề phòng và, đình chỉ những tạp niệm vọng tưởng khởi lên. Đây là bốn loại phương pháp dùng để đạt chân lý trong pháp môn tu hành theo kinh điển Phật giáo Nguyên thỉ mà đức Đạo sư đã chỉ dạy.
Với bốn Chánh cần này giúp hành giả siêng năng tinh tấn (cần) để có thể đoạn trừ (đọan) ác cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của chúng ta trong việc hành thiện.
Với bốn pháp thiền định này, là bốn thứ phương tiện giúp hành giả thành tựu các tam-ma-địa (samadhi-chánh định)
Với năm căn là nền tảng có khả năng sản sinh và tăng thượng các thiện nghiệp, thì năm lực chính là sức mạnh để chận đứng, triệt tiêu các thế lực vô minh phiền não bất thiện và, tác dụng các khả năng tăng thượng các pháp lành.
Với bảy pháp như ý túc có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thóat.
Và cuối cùng là tám con đường chân chánh này là một phương pháp chính xác để hành giả hướng đến Niết-bàn giải thoát, là một con đường ngắn nhất đưa hành giả đến chỗ an vui tịch tĩnh, là con đường được Đạo sư nói ra lần đầu tiên sau khi Ngài thành Đạo tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như bạn tu của Ngài trước đó để tránh xa hai thái độ sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và, khoái lạc (hạnh phúc) đưa hành giả đến con đường Trung đạo không vướng mắc hai bên.
Tóm lại từ những pháp cơ bản này được đức Đạo sư triển khai ra thành vô lượng pháp môn để đối trị với vô lượng phiền não có được từ chúng sanh qua sự tạo tác của thân-khẩu-ý để tạo thành nghiệp nhân khổ cho kết quả trong ba cõi sáu đường. Đó chính là cách quán của lưu chuyển sinh khởi trong luân hồi và, ngược lại là quán hòan diệt để chấm dứt khổ sinh tử luân hồi qua những phương pháp tu tập như những pháp mà đức Đạo sư đã dạy như trên, đó gọi là tu hòan diệt quán; chúng cũng chính là con đường Trung đạo ngắn nhất để đưa hành giả đạt đến giải thóat mọi trói buộc khổ đau được mọi sự an vui trong cuộc sống qua trạng thái Niết-bàn vắng lặng.
Trọng Thu 2006
Thích Đức Thắng