Bên lề chuyến Ấn du... Những bông hoa vàng dưới cội bồ đề (9) | |||||
|
|||||
Đã nghe, đã tới và... đã thấy
Một ngày không tắm. Một đêm ngủ trời nóng trên 40 độ lại nghe tiếng máy lạnh rù rì chẳng mang một chút hơi lạnh hay tạo chút gió trong căn phòng ngột ngạt của khách sạn 3 sao ($40 Úc kim/đêm). Chúng tôi phải tắt đèn sớm để khỏi phải thấy thằn lằn bò trên trần.
Không còn cảnh vợ chồng nói chuyện với nhau như ở mọi khách sạn khác. Nhà tôi trông trời mau sáng. Tôi cảm thấy mình bất lực, đi hỏi thăm các khách sạn chung quanh để xem có nơi nào khá hơn, nhưng trên con đường không đèn tối om này các khách sạn đều giống nhau, một số phòng đợi và tiếp tân còn nóng hơn khách sạn tôi đang ở. Tôi không biết các loại nhà trọ guest house ở đây còn tệ chừng nào.
Ngày cuối cùng trên đất Phật, tôi dậy sớm sau một ngày không tắm, một đêm ngủ không ngon giấc. Tôi lại đến Chùa Đại Bồ Đề lần thứ ba để chiêm ngưỡng khung cảnh tịch mịch buổi sáng của đệ nhất thánh tích Phật giáo, rồi trở về khách sạn chuẩn bị lên đường.
Khách sạn giúp chúng tôi gọi xe thuê đi từ Bodhgaya lên phi trường Patna. Đường dài 125 cây số. Xe hơi nhỏ 2,000 Rupee. Tôi phải nói với anh tài xế trẻ rằng tôi đã trả tiền cho khách sạn và tế nhị không nói số tiền là bao nhiêu. Anh ta xin cho một người anh (em) trai được tháp tùng lên Patna. Chúng tôi ngồi băng ghế sau. Kiếng chắn gió xe phía trước có một đường nứt dài. Xe không có seatbelt. Tôi không dám đòi hỏi gì thêm, bởi kiếm được xe rời khách sạn là mừng lắm rồi.
Chúng tôi khởi hành lúc 8.30am. Anh tài xế giữ tốc độ trung bình 60 cây số giờ là cũng tương đối nhanh đối với con đường nhỏ, quanh co, hai phần ba xấu. Mỗi lần anh tài xế trẻ qua mặt các xe khác là tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau hai tiếng, xe vào con đường mới làm có đóng tiền thuế, dù vẫn nhỏ nhưng tốt hơn để xe có thể chạy từ 80 đến 100 cây số mà vẫn cảm thấy an toàn. Chúng tôi tới phi trường đúng 12 trưa, chỉ mất 3 tiếng rưỡi. Tôi cho anh tài xế tiền típ để cám ơn đã đưa chúng tôi đến nơi an toàn. Đi chơi xa như ở Ấn Độ mới thấy mình may mắn, và cám ơn trời đã được sống ở một đất nước như Úc.
Một giờ rưỡi bay từ Patna lên New Delhi, chúng tôi đợi thêm 8 tiếng để chờ chuyến bay trở về Úc vì không thể nào mua được các chuyến bay đi liên tục như mình muốn dù bỏ ra nhiều ngày lên mạng tìm tòi sắp xếp làm sao đi cho nhanh và tiện nhất. Tuy nhiên, chuyến bay từ New Delhi về Melbourne này tương đối ngắn nhất: bay qua Hồng Kông 5 tiếng rưỡi, đợi hơn 1 tiếng và bay về Úc mất 9 tiếng 50 phút.
Từ cái nóng cháy người của mùa hè tiểu lục địa Ấn, chúng tôi được mơn trớn bởi cái lạnh dịu dàng những ngày còn lại của mùa thu, hạnh phúc vì trở lại Melbourne, bởi không nơi đâu hơn quê nhà mình.
Liên Hiệp Quốc Phật Tự
Như đã nói trong bài trước, sau khi chính phủ Ấn Độ giao quyền quản trị Chùa Đại Bồ Đề (Mahabodhi Temple) cho một ủy ban 11 người gồm 5 đại diện Ấn giáo và 5 đại diện Phật giáo coi sóc, chính phủ còn khuyến khích các nước Phật giáo tới Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) xây chùa, ngoài mục đích giúp con Phật tới chiêm ngưỡng nơi Đức Phật thành đạo, lại còn để phát triển ngành du lịch.
Từ cổng vào đã thấy có nhiều chùa, vào bên trong vô số chùa. Gần khách sạn tôi thấy chùa Thái, Nhật, Tàu, Bhutan v.v...
Tôi được biết ở Bồ Đề Đạo Tràng có chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, một người đã xây ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Lâm Tì Ni (nước Nepal) nơi Đức Phật đản sinh.
Cách đây vài năm, nhà sách Hồng-Anh Thư-Xã của chúng tôi được gởi tặng 3 cuốn sách của thầy Huyền Diệu viết về cuộc đời của thầy và hành trình xây dựng hai ngôi chùa có tên Việt Nam Phật Quốc Tự ở xứ Phật. Như trong sách ghi, Việt Nam Phật Quốc Tự luôn mở cửa đón Phật Tử vàvì thế có những khách hành hương và du lịch vì lý do này nọ, đã tới “ở chùa” trong hai nơi này.
Vào khuôn viên Chùa Đại Bồ Đề ở Bodhgaya miễn phí, nhưng nếu an ninh thấy bạn cầm máy ảnh, sẽ mời bạn tới quầy mua vé 20 Rupee để được chụp hình bên trong bảo tháp. Sẽ có nhiều người đi theo đề nghị làm tour guide cho bạn. Một thanh niên Ấn mặt mày sạch sẽ đi theo chúng tôi nhưng tôi nói tôi không cần hướng dẫn và không muốn bị quấy rối nhưng anh cứ đi theo xin được “thực tập tiếng Anh”.
Anh lẽo đẽo giữa trời nắng bắt chuyện, nói anh là người Ấn giáo nhưng cũng thờ kính Phật, cha mẹ của anh cũng vậy, rằng người dân ở đây hòa đồng tôn giáo và nhiều người theo cả hai đạo. Anh hỏi chúng tôi ở đâu rồi khoe thẻ học sinh đang học computer, nói nhà nghèo không có phương tiện học hành nên hỏi chúng tôi có thể giúp anh qua Úc được không. Rồi anh lại hỏi chúng tôi có muốn đến thăm chùa Việt Nam cách đây 2 cây số không để anh chở bằng xe gắn máy.
Tôi có cảm giác không ai làm việc không công cho mình nên khi vào bên trong bảo tháp, không khí mát mẻ lại gặp một ni cô và hàn huyên, chúng tôi đã cố ngồi lâu để cắt cái đuôi đi theo “thực tập tiếng Anh” với chúng tôi.
Những bông hoa vàng dưới cội bồ đề
Bước vào chánh điện, tôi đến gần tượng Phật để chiêm ngắm và chụp hình kỷ niệm. Nhưng nhà tôi thấy một ni cô ngồi tụng niệm bên cạnh có cuốn kinh tiếng Việt bèn đến hỏi thăm. Gặp đồng hương, thế là ni cô vồn vã nói chuyện. Ni cô Minh Hạnh người Bình Định, cùng quê với thày Thích Quảng Ba ở Canberra, từng qua Úc và nói sau này muốn qua sống ở Úc. Ni cô tu học ở New Delhi được 10 năm và sắp hoàn tất luận án tiến sĩ trong năm nay. Trong mùa Phật Đản, ni cô xuống Bồ Đề Đạo Tràng và tạm trú trong một ngôi chùa Đài Loan. Ni cô cho biết ở đây có nhiều chùa Việt (của các tăng lữ ở các nước ngoại quốc) nhưng lúc này trời nóng nên các thầy trở về xứ của các thầy, kể cả thầy Huyền Diệu của Việt Nam Phật Quốc Tự.
Nghe chúng tôi nói trời ở đây quá nóng, ni cô Minh Hạnh cho biết nhiệt độ trung bình từ 43 độ và có lúc lên tới 48 độ C nên theo ni cô, cái nóng hôm nay chưa ăn thua gì.
Kể chuyện mưa lớn đêm trước làm điện bị cúp, ni cô nói ngày lễ Phật Đản tuần trước có cả ngàn người Đài Loan, Ấn Độ đi từ Chùa Khổ Hạnh về Bảo Tháp. Đêm trước mưa nhưng cầu nguyện dưới cây Bồ Đề, ni cô thấy rất linh thiêng, bởi sáng hôm sau trời đẹp như có phép lạ (tôi lại có duyên gặp ni cô Minh Hạnh thêm một lần nữa dưới cây Bồ Đề).
Chia tay ni cô người Bình Định, chúng tôi ra sau cây Bồ Đề, gặp một ni cô lớn tuổi đang chăm chú đọc cuốn “Kinh Vạn Phật”. Nhà tôi ngồi bên ni cô hồi lâu mà ni cô chẳng biết. Gặp đồng hương ở xứ người nên dù xa lạ, vẫn có những lời hỏi thăm nhau. Ni cô Diệu Ngộ ở Hà Nội, sang tu học trong 3 tháng và ở tạm trong chùa Miến Điện. Tối đến, tôi thấy ni cô Diệu Ngọ ngồi tụng kinh trong chánh điện bảo tháp với các vị sư và ni các nước Á Châu trong đó có một vị nữ tu sĩ mặc áo màu xanh tím, cổ khoác khăn trắng, tóc để kiểu búp-bê có vẻ là người Đài Loan hay Nhật nhưng tôi không hiểu bà thuộc hệ phái nào. Sáng hôm sau, lại gặp ni cô Diệu Ngộ một lần nữa ở dưới cây Bồ Đề.
Cũng sáng sớm này, thấy một ni cô trẻ cầm cuốn kinh chữ ngoại quốc đọc, nhưng tôi nghĩ là người Việt nên chào hỏi và được biết đấy là ni cô Huệ Tín từ Sài Gòn sang tu học ở Ấn Độ được 9 năm và hiện trú ngụ ở một chùa Trung Quốc. Ni cô đọc sách bằng tiếng Pali (ngôn ngữ của Đức Thích Ca). Hỏi học như thế thì bao giờ lấy bằng tiến sĩ, ni cô Huệ Tín chỉ vào cây Bồ Đề trước mặt và nói “chỉ cần bằng đó”.
Đến Chùa Đại Bồ Đề, ngoài gặp 3 ni cô Việt Nam, tôi thấy những bánh xe pháp luân (luân xa) quanh chùa có những câu chú bằng tiếng Việt, chứng tỏ có nhiều người Việt Nam hành hương ở đất thánh này.
Một ông sư Ấn tên Dharnidhar khi biết tôi là người Việt Nam, đã giúp tôi chụp hình và khoe có một ông thầy là người Việt Nam.
Sự hiện diện của văn hóa Việt không những ở những ngôi chùa mà còn ở những chiếc xe kéo ba bánh tặng cho những người đàn ông đạp xe chở khách kiếm sống, bởi tôi thấy có những chiếc xe ghi những giòng chữ Việt như “Chơn Tịnh Canada” hay “Ngọc Minh và các bạn California”. Những người này tính một cuốc chừng một hai cây số với giá 10 Rupee (khoảng 20 xu Úc).
Giá trên trời
Trong bài viết chuyến đi thăm Lăng Taj Mahal ở thành phố Agra gần New Delhi, tôi có kể chuyện mua một cái bàn bằng cẩm thạch khảm hoa văn nặng 117 ký lô tại một cửa tiệm Agra Art Gallery khi người hướng dẫn du lịch chở tôi và hai cô tiếp viên hàng không người Ai Cập đến xem. Người chủ cho giá và nài nỉ mua. Thông thường, người ta chỉ trả 1/2 giá rao (đủ để bị chủ tiệm nguýt ngoáy hay rủa thầm), nhưng ở Agra nhà tôi chỉ trả khoảng 1/5 của giá thách mà ông chủ vẫn bán nên đến bây giờ tôi vẫn không biết có mua hớ hay không.
Sau này, khi lên mạng đọc vài bút ký của khách hành hương, một Phật tử ở Việt Nam đã được một nhà sư cảnh cáo hãy coi chừng giá cả trên trời của người Ấn, và vì thế khi mua áo quần và ví xách, ông này trả chỉ 1/10 giá nói thách mà họ vẫn bán. Vẫn biết mua đồ lưu niệm thì mắc rẻ là “chuyện nhỏ” nhưng nếu mua món hàng nhiều tiền ở ngoài đường hay trong các cửa hàng dành cho du khách, bạn cần thận trọng.
Và cuối cùng, qua kinh nghiệm của chúng tôi, bạn không nên du lịch (hay hành hương) Ấn Độ vào mùa hè.
Hẹn bạn đọc mục “Kể chuyện đường xa” một dịp khác.
Nguyễn Hồng Anh Melbourne 29.8.2012
(TVTS số 1379) Nepal: 7 bài http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ http://www.tivituansan.com.au/ |