Vương quốc cổ Phù-Nam
Vùng đất trù phú Nam Bộ của Việt nam ngày nay từ khu vực Đồng Nai đến Hà Tiên xưa thuộc Vương Quốc Phù Nam. Phù Nam là tên phiên âm tiếng Hán của từ Phnom có nghĩa là núi. Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái thì người Tàu thời xưa gọi tên nước này là ‘Diệu Nghiêm’. Vương quốc Phù Nam là vương quốc đầu tiên hình thành tại Đông Nam châu Á, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Chúng ta có thể khẳng định rằng xã hội văn minh đã hiện hữu tại vùng đất này rất lâu trước khi vương quốc được thành lập.
Lịch sử bắt đầu từ khoảng năm thứ nhứt sau Công nguyên khi tại châu Âu, Đại Đế Claudius ra sức chinh phục đất Anh Cát Lợi và tại Trung Hoa là nhà Tây Hán. Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một vị giáo sĩ anh hùng (Brahman) người Ấn Độ tên là Kaundinya được thần linh chỉ đường xuống thuyền xuôi về hướng đông. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, thuyền của Kaundinya đến được đất liền của đồng bằng sông Cửu Long. Bỗng từ đất liền xuất hiện một mỹ nhân trên chiếc thuyền nan bơi ra chặn thuyền của Kaundinya lại. Mỹ nữ này là Nữ Chúa Soma, con gái của vua Rắn Hổ mười đầu. Trận thư hùng diễn ra giữa anh hùng và giai nhân. Nhờ phép thuật thần thông nên Kaundinya thắng trận. Nữ chúa Soma cầu hòa. Sau đó không lâu hai người yêu rồi cưới nhau sinh ra một người con trai. Người con trai này trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Phù-Nam lấy hiệu là Kampu.
Kinh đô trù phú của vương quốc được xây dựng tại thành Vyadhapura. Hầu hết những dữ kiện liên quan đến vương quốc cổ nhất Đông Nam Á này đều đến từ sử liệu Trung Hoa và di vật khai quật được ở Óc-Eo. Chính vì thế tên các vương triều thường là do phiên âm ra tiếng Hán. Vào năm 245 sau Công nguyên nhà Hán Trung Hoa sai sứ giả là K’ang T’ai đi kinh lý vương quốc Phù Nam. Ông đã mô tả là vương quốc này đã biết cách luyện kim, kinh đô Vyadhapura có xây thành bằng gạch kiên cố chung quanh, có hệ thống kinh đào để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ. K’ang T’ai cũng nói rằng vương quốc Phù Nam có thư viện với nhiều sách vở chữ Phạn, có luật lệ, hệ thống thâu thuế và nông nghiệp, thương mãi đều phát triển. Thường thì người Hoa có tục lệ khinh khi những dân tộc không phải là Hán tộc. K’ang T’ai đã kết luận rằng người Phù Nam là một dân tộc man di, nước da đen đúa xấu xí, tóc quăn và đa số ở truồng, đi chân không. Ông sứ giả có than phiền điều này với quốc vương Phù Nam là vua Hun Fan Huang. Nhà vua sau đó ra lệnh cho tất cả thần dân của Ngài về sau phải quấn vải vào phần dưới thân thể, tiền thân của chiếc sà-rong mà người Thái, Miên và Mã Lai thường mặc ngày nay.
Những lời kể lại của thương nhân các nơi khác lại tỏ ra thán phục nền văn minh và sự hùng cường của Phù Nam. Họ kể rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc diêm dúa, ở cung điện nguy nga bật nhất và nước Phù Nam có rất nhiều đồ châu bảo vàng bạc quí giá. Vương quốc sử dụng chữ Phạn cổ Sanscrit của Ấn Độ trong công việc hành chánh và thương mãi. Trong vòng 300 năm sau ngày lập quốc, Phù Nam đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh. Vương quốc Phù Nam đã chinh phục được hầu như toàn thể những khu dân cư của vùng Mã Lai -Thái lan – Miên và nam Miến Điện để kiểm soát đường hàng hải của các thương thuyền giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Hào quang cường thịnh và cách tổ chức hành chánh của Phù Nam đã làm gương mẫu cho những nền văn minh sau này như là tiểu vương quốc Sri Vijaya (Palembang), Sailendra ở Java Indonesia, và Malacca góp phần truyền bá văn minh Ấn Độ đến những thành phố, bộ lạc phiên thuộc dưới quyền kiểm soát của Phù Nam. Óc-Eo ngày xưa là một thương cảng trù phú có nhiều thương thuyền ghé lại. Vào thời điểm này thương gia đến Óc-Eo tấp nập từ đông sang tây: Đế quốc La Mã qua Ấn Độ và Trung Hoa. Người ta đã tìm được những đồng tiền cổ của La Mã tại đây. Con của Hun Fan Huang là Fan-Shih-Man lên nối ngôi khoảng đầu thế kỷ thứ 3. Tiếp theo là các vua Hun Tien và Hun Phan Fan cha truyền con nối. Vua Hun Phan Fan là một vị minh quân trị vì từ cuối thế kỷ thứ 3 qua thế kỷ thứ 4. Ông nới rộng lãnh thổ, làm hùng mạnh quốc gia và thọ 90 tuổi, không rõ năm nào. Con của vua Hun Phan Fan là Hun Phan Phan không thích làm vua nên bỏ đi tu, nhường ngôi cho một viên tướng là Seray Mara sử Tàu gọi là Fan Che Man. Vua Fan Che Man nới rộng lãnh thổ Phù Nam ra gấp đôi diện tích cũ. Ông đã băng hà vào khoảng năm 204-210. Sau cái chết của vua Fan Che Man triều đình Phù Nam rơi vào cảnh rối loạn liên tiếp. Người cháu của vua là Fan Chan giết chết thái tử con của vua trước để chiếm ngôi. Hai mươi năm sau một người con của vua Fan Che Man là Asachi lại giết được Fan Chan để lấy lại ngai vàng. Sau đó không lâu Asachi lại bị tướng Siun giết để lên làm vua. Hoàn cảnh nào đưa vua Chandana lên ngôi vương không được sử liệu Trung Hoa nhắc đến. Có những chổ trống trong lịch sử những nước lân bang mà có lẽ vì trùng họp với những biến động chính trị tại triều đình Trung Quốc nên sử gia Trung Hoa đã không thể điều nghiên ghi chép.
Năm 357 Phù Nam dưới triều vua Chandana sang cầu phong Trung Hoa và xin triều cống. Một điều đáng nói là mặc dù những dân tộc tại Đông Nam châu Á bị ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Ấn Độ, nhưng người Ấn Độ và lịch sử Ấn Độ hoàn toàn không quan tâm đến thế giới phía đông này cho đến mãi thế kỷ 20 chính phủ và nhân dân Ấn Độ mới tìm hiểu thêm về một vùng văn minh Ấn Độ đã có mặt tại đây từ lâu. Lịch sử Ấn Độ không đếm xỉa gì đến vùng Đông Nam châu Á có ảnh hưởng văn hóa Ấn trong quá khứ. Ngược lại người Trung Hoa từ hơn 2000 năm nay luôn xem vùng biển phương nam thuộc ảnh hưởng của Thiên triều. Họ cho sứ giả đi điều tra và ghi chép cẩn thận những điều mắt thấy tai nghe. Từ lúc ban đầu ấy các nước đông nam Á đều đã có liên hệ ngoại giao với Trung Hoa qua hình thức cống sứ và xin phong. Trong thâm tâm tầng lớp lãnh đạo Trung Hoa, Thiên triều có thẩm quyền và nhiệm vụ can thiệp tại vùng nam châu Á nếu cần. Lịch sử đã chứng minh điều đó và gần đây nhất là Trung quốc đã đánh vào miền Bắc Việt nam năm 1979 vì bất đồng về chủ quyền và ảnh hưởng tại vương quốc Kampuchia. Nhưng cũng nhờ thế mà ta có những sử liệu quí giá từ thời thượng cổ để tìm hiểu lịch sử của những quốc gia phương nam của Trung Quốc trong đó có Việt Nam ngày nay và Phù Nam xưa.
Những thần dân của Phù Nam xưa thuộc giống người thổ da đen Khmer, Môn-Khmer, Miến, và dân đa đảo Malay-indônêsiên. Ngôn ngữ sử dụng thuộc hệ Ấn độ pha trộn với nhiều sắc thái, thổ ngữ địa phương. Người nước Phù Nam theo đạo Bà La Môn và Phật giáo. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Kaundinya Jajavarman (478-514). Vua Rudravaman (514-539) có sai sứ sang Trung Hoa triều cống và cho biết Ngài có một lọn tóc xá lợi của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Trong thời gian này các vị cao tăng Phật giáo người Phù Nam đã dịch cuốn Phật Kinh Vimutti Magga sang chữ Hán. Ngày nay cuốn kinh này chỉ tồn tại bằng chữ Hán vì bản chánh chữ Phạn đã bị thất lạc. Thế rồi sau đó vương quốc Phù Nam bị suy tàn bởi nội loạn và sự nổi dậy của dân tộc Khmer (một xứ phiên thuộc của Phù Nam), tràn sang từ vùng đất thuộc nước Lào bây giờ. Một yếu tố khác góp phần vào sự suy tàn của Phù Nam là nền kinh tế của quốc gia đã đi xuống từ sau những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải. Thuyền buôn vào thời điểm này đã có thể đi xa bờ và ít có nhu cầu ghé lại Óc-Eo trên đường đi qua Trung Quốc. Năm 539 vương quốc Phù Nam bị buộc phải triều cống cho người Khmer lúc đó là Vương quốc Chân Lạp. Đến năm 627 Phù Nam bị người Khmer dưới quyền vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa hẳn tên trên bản đồ. Những thần dân của Phù Nam bị sát nhập vào vương quốc Khmer. Hoàng gia của Phù Nam dùng đường biển tị nạn sang đảo Java của Nam Dương (Indonesia). Họ sống âm thầm mãi đến gần 200 năm sau, hậu duệ của nhóm người này phát lên để dựng nên triều đại huy hoàng Sailendra. Các ông hoàng bà chúa của dòng họ này lại kết hôn với các lãnh chúa của các tiểu vương lân bang như Mã Lai và nhiều đảo quốc trong vùng. Cho đến ngày nay giới quí tộc, hoàng gia các nước đa đảo như Mã Lai, Nam Dương (Indonesia) đều có liên hệ huyết thống với hoàng tộc nước Phù Nam của miền nam Việt Nam.
Từ năm 550 trở về sau cho đến khi chúa Nguyễn bành trướng thế lực đến miền nam, người Khmer cai tri xứ này theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp. Từ khi bị mất nước về tay Chân Lạp người dân Phù Nam trở thành một dân tộc lục địa, mất đi khả năng hàng hải. Ngày nay người Khmer nhìn nhận các vương triều Phù Nam là tổ tiên của dân tộc Khmer và là một phần của lịch sử Khmer. Người Khmer còn được chúng ta biết đến qua nhiều danh xưng Cao Miên, Chân Lạp, Cam bốt và Kampuchia. Vào lúc người Việt di cư đến vùng đất miền Nam vào năm 1800 người ta tìm thấy một pho tượng nữ vương bằng cẩm thạch bị chôn vùi từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 sau Công nguyên. Có thuyết cho rằng đó là tượng quốc mẫu vương quốc Phù Nam là Soma. Người Việt kính cẩn lập đền thờ bà tại núi Sam tỉnh An Giang gọi là đền thờ Bà Chúa Xứ. Hàng năm cư dân Hoa, Việt, Miên lui tới cúng bái, hương khói vô cùng linh thiêng. Sự việc đó cho thấy lòng biết ơn của những người đến sau đối với những đợt người đã khai phá vùng đất này trước dân tộc Việt Nam.
Vương quốc Chân Lạp làm chủ khu vực miền nam Việt Nam (thế kỷ thứ 7-thế kỷ 17 sau Công Nguyên)
Năm 600-611 có triều vua Mahendravarman tiếp theo là vua Isanavarman đóng đô tại Ankor Borey. Năm 750 vua Jayavaman I mở rộng lãnh thổ, xây thêm đền đài. Ngài cho khẩn hoang và trồng lúa cùng các loại hoa màu dọc bờ sông Cửu Long xuống tới miền Tây Việt Nam ngày nay. Khoảng năm 780 dòng Vương cũ của Phù Nam giờ thành Vương Triều Sailendra của đảo Java (Indonesia) trở nên hùng mạnh đã dùng binh lực ép buộc vương quốc Chân Lạp của người Khmer phải triều cống và lệ thuộc. Từ năm 800 đến 887 nước chân Lạp dưới sự lãnh đạo của vua Jayavaman II (802-887) và Jayavaman III (850-887) đã giành lại được độc lập từ dòng Sailendra của Java. Vương quốc Chân Lạp được đổi tên là Kampuchia. Trong thời này những thế lực phong kiến có khuynh hướng chia đế quốc Chân lạp thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp (vùng đồng bằng miền nam tức Phù Nam xưa). Jayavaman II còn có tên là Puskarak đã từng bị bắt trong trận chiến, và bị đày qua đảo Java. Sau ông trốn thoát về tổ chức nghĩa quân giải phóng đất nước chống lại quân chiếm đóng Java và quân người Chăm nước Champa (Trung Việt ngày nay). Năm 803 Puskarak lên ngôi Vương lấy hiệu là Jayavaman II rồi tuyên bố độc lập. Tuy nhiên quyền lực của đảo quốc Java không ngừng dòm ngó vương quốc Kampuchia của Jayavaman II. Trong suốt 50 năm trị vì ông đã dời đô 5 lần vì chiến tranh với Java. Khi Jayavaman III qua đời không con nối dõi nên một người bà con họ mẹ đã lên ngôi xưng vương hiệu là Indravaman I (877-889).
Vua Indravaman I là một vị vua anh hùng, có tài thao lược và cũng yêu nghệ thuật văn thư. Trong đời ông đã có công thống nhất Lục Chân Lạp với Thủy Chân Lạp và xây dựng thêm nhiều thành phố lớn, khuyến khích nông nghiệp và thương mãi. Indravaman I cũng khởi đầu nới rộng Đế quốc Khmer (Kampuchia), thay đổi bản đồ chính trị trên bán đảo Đông Dương bằng những võ công nổi bật. Con của Indravaman I nối sự nghiệp của cha xưng hiệu là Yaksovaman I (889-900).Yaksovaman I dời kinh đô từ Hari Hara Ley đến Yaso Tha Bura trên cao nguyên Bakheng. Chính vào thời điểm này sự phú cường của Đế quốc Kampuchia đã cho phép nhà vua khởi công nhiều công trình kiến trúc vĩ đại trong đó có Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích), đền đài Lo Ley, đền đài Phnom Bok. Angkor Wat đã là một công trình kiến trúc vĩ đại nhất của vùng Đông Nam Châu Á. Nhà vua còn cho đào hồ Đông Baray dài 7 km, ngang 1800 km. Một công trình vĩ đại vào thời đó. Những công trình to tát này đa phần nhờ vào hàng vạn tù binh và nô lệ bắt được từ những trận chiến chinh phạt Xiêm và Lào. Suốt thế kỷ thứ 9 Đế quốc Khmer-Chân Lạp có 6 triều vương đó là Hashavaman I (900-922), Isanavaman II (922-928), Jayavaman IV (928-941),Harshavaman II (941-944), Rajendravaman II (944-968), và Jayavaman V (968-1001). Rajendravaman II vốn là một vị tướng của vương quốc sau khi gôm quyền lực vào tay đã lên ngôi vương tại Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích). Trong 24 năm cầm quyền ông cho xây thêm nhiều đền tháp lâu đài và đánh bại quân Chăm của Vương quốc Chiêm Thành (Champa, Trung Việt). Khi nhà vua băng hà con là Jayavaman V lên thay. Sau cái chết của Jayavaman V năm 1001 toàn lãnh thổ Chân Lạp rơi vào cảnh đại loạn kéo dài 9 năm. Lãnh chúa Suryavaman I (1002-1050) đã đàn áp được những thế lực khác và thống nhất ngôi Vương tại Angkor Wat. Từ năm 1050 đến 1177 đế quốc Khmer tiếp tục bành trướng. Phía bắc giáp Trung Hoa, phía nam giáp biển Xiêm La (Thái Lan), phía tây giáp Miến Điện, phía đông giáp Chiêm Thành. Trong thời gian này hùng cường nhất là vua Suryavaman II (1113-1150). Nhà vua xông pha trận mạc để lại nhiều võ công oai hùng. Ngài đã đụng trận với Trung Hoa, Đại Việt, Chiêm Thành, Xiêm và Miến-Mường. Ngài đã chết tại sa trường một cách oanh liệt. Năm 1177 quân Chăm của Vương Quốc Chiêm Thành (Champa) xâm lăng và giết được vua Khmer là Tri-Bhuvanadit-yavarman khởi đầu cho quá trình suy tàn của đế quốc Khmer từ thế kỷ thứ 13. Trên thế giới lúc đó là thời điểm đế quốc Mông Cổ đang bành trướng vào Ấn Độ phía Tây, xâm chiếm Trung Hoa phía Bắc và phía Đông hai vương quốc Đại Việt và Chiêm Thành đang nắm tay hợp sức đẩy lui đoàn quân viễn chinh Mông Cổ.
Sự suy nhược của Đế quốc Khmer vào thế kỷ 13 tạo cơ hội cho người Thái (Xiêm) nổi dậy giành độc lập. Danh xưng ‘Thái’ có nghĩa là ‘tự do’ không còn nô lệ nữa. Quân đội người Thái đã tấn công đế đô Angkor (trong khoảng thời gian 1431-1432) và tàn sát hàng mấy vạn người gà chó không chừa để trả thù sự tàn bạo hà khắc mà người Khmer đã áp đặt lên họ trước kia. Sự tàn sát đã khủng khiếp đến độ không còn ai sống sót để nhớ lại nơi chốn này. Đế đô Angkor đã bị quên lãng bởi chính người Khmer trong suốt 500 năm mãi đến thế kỷ 19, ông Henri Mouhot, người Pháp, trong lúc đi thám hiểm rừng sâu mới tìm lại phế tích Angkor Wat năm 1860.
Năm 1401? vua Chân Lạp Ponhea Yat dời đô về Phnom Penh (Nam Vang) đánh dấu một triều đại mới, chấm dứt kỷ nguyên Angkor. Chữ Phạn Ấn độ cổ Sanscrit không còn được sử dụng nữa. Lối chữ mới theo thể Pali giống Mã Lai được thay vào. Toàn thể những dòng dõi vương tôn, quí tộc cũ theo văn hoá Ấn Độ biết đọc, viết chữ Sanscrit đã bị người Thái tận diệt. Năm 1528 vua Ong Chân I lại phải dời đô về Lovek (La Bích). Đến năm 1593 quân Xiêm lại tấn công La Bích. Từ đó người Thái nắm quyền phế lập các vua chúa Khmer.
Chúa Nguyễn bành trướng thế lực của người Việt tại Thủy Chân Lạp (thế kỷ 17-18 sau Công Nguyên)
Một biến cố chính trị tại phương đông, miền cực nam nước Đại Việt đã làm thay đổi tình thế lúc đó là sự xuất hiện của chúa Nguyễn Hoàng, truyền nhân của Nguyễn Bặc, Nguyễn Trãi và Nguyễn Kim. Chính sách Nam Tiến của các chúa Nguyễn sau đó nhằm để chống lại thế lực của chúa Trịnh ở Thăng Long tạo nên áp lực to tát cho hai lân quốc Champa và Chân Lạp. Trong khoảng thời gian từ năm 1611-1653 vương quốc Champa đã bị dồn nén bởi thế lực của chúa Nguyễn nên co cụm lại một vùng nhỏ từ Nha Trang đến Phan Thiết. Không dừng lại ở Champa, chúa Nguyễn bắt đầu dòm ngó đến Chân Lạp.
Sau một thời gian ở Xiêm làm con tin, Chey Chetta II về Chân Lạp lên ngôi vương năm 1618. Tân vương cải canh mọi việc và mang lòng không không phục người Xiêm. Chey Chetta II dời đô về Oudong (Long Úc), thuộc tỉnh Kompong Luông. Tân vương tổ chức quân đội có thực lực. Mấy năm liền không thấy Chân Lạp dâng phẩm vật triều cống, Xiêm vương mang quân tấn công vào Chân Lạp hai lần đều bị quân của Chey Chetta II đẩy lui. Tuy nhiên về lâu về dài Chân Lạp sẽ không thể đương đầu với quân Xiêm. Chey Chetta II quyết định nhờ vào thế lực của chúa Nguyễn Đàng Trong, lúc đó là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Quốc sử Cao Miên đã chép như sau về giai đoạn này: ‘Vua Xiêm muốn tái lập uy quyền trên đất Cao Miên, nên xua binh tấn công. Năm 1623, một đạo quân từ phía Bắc xâm nhập lãnh thổ, bị quốc vương Chey Chetta II thân chinh đánh tan rã ở Bâribaur cách biển Hồ lối 50 km. Đạo thứ hai tiến vào tỉnh P. Meas bị Hoàng đệ Prah Outey đẩy lui. Năm sau, 1624 quân Xiêm theo đường biển đổ bộ miền duyên hải, bị phản công dữ dội phải rút về. Để đề phòng quân Xiêm quấy nhiễu, quốc vương Chey Chetta II cưới một công chúa xứ Đàng Trong hầu dựa vào thế lực của nhà Nguyễn ở Huế.’
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định gả Hoàng Nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên năm 1620. Chúa còn hai Hoàng nữ khác là Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Pô Romê và Hoàng nữ Ngọc Hoa lại gả cho một thân vương người Nhật Bổn.Vua Cao Miên mặt khác lại nghe truyền rằng Sãi Vương là người mộ đạo Phật, trong người có nhiều Phật tính nên muốn kết tình gia đình. Đi theo hộ tống đám cưới bà Hoàng Ngọc Vạn xinh đẹp là đông đảo quan lính người Việt của Sãi Vương trang bị khí giới, tàu thuyền có súng ống, thuyền được trang hoàng lộng lẫy hình chim phượng mạ vàng. Tham dự lễ cưới có nhiều người ngoại quốc từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhựt Bổn, Ý Đại Lợi, Trung Hoa. Bà Ngọc Vạn ngồi kiệu 8 người khiêng sánh duyên với vị vua hào hùng anh tuấn. Hoàng nữ Ngọc Vạn được tấn phong Hoàng Hậu với tước hiệu là Sô Dach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.
Tiếp theo sau cuộc hôn nhân vương giả này, bà Hoàng Ngọc Vạn đã xin với Hoàng phu cho nhiều người tùy tùng nắm giữ chức quyền trong triều đình Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn lưu dân người Việt từ Đàng Trong ồ ạt theo đường biển vào lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp. Họ làm nghề nông, buôn bán, tiểu công nghiệp, đánh cá, thợ rèn v.v.. chỉ 3 năm sau, tức năm 1623 lưu dân Việt định cư tại Thủy Chân Lạp lên đến 20,000 người. Sãi vương liền viết thư cho con rể xin ‘cho mượn’ đất tại Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) để tiện việc thâu thuế người Việt tại đây. Vua Cao Miên chấp thuận.
Sau khi quốc vương Cao Miên băng hà chỉ sau 5 năm lấy vợ Việt, toàn vùng Bà Rịa giáp giới Chiêm Thành, Kâmpéâp Srekatrey (Biên Hòa), Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) đều thuộc quyền người Việt cai trị và thâu thuế. Từ sau khi vua Chey Chetta II băng hà các hoàng tử con của các bà phi người Chân Lạp liên tiếp lên làm vua: Ponhea To (1629-1630), Ponhea Nu (1630-1640). Sau cái chết mờ ám của vua Ponhea Nu năm 1640 quan phụ chính Prah Outey (là hoàng thúc của vua) đưa con mình là Ang Non I (1640-1642) lên ngôi. Vào năm 1642 một người con của vua Chey Chetta II liên hiệp với người Mã Lai nổi dậy giết toàn gia hoàng thúc Prah Outey để lên ngôi xưng hiệu Ponhea Chan I (1642-1659). Sử Việt gọi vị vua này là Nặc Ông Chân. Các hoàng thân thuộc phe cánh Ang Non I vào cung bà Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn xin cầu viện chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Chúa Hiền nhân cơ hội có lời yêu cầu nên hưng binh chinh phạt Chân Lạp vào tháng 10 năm 1658. Quân Chân Lạp thua to tại ngoài khơi Bà Rịa và trận Gò Bích. Quân Nguyễn tiến vào Nam Vang bắt quốc vương Nặc Ông Chân bỏ vào cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Vua Nặc Ông Chân chết tại đây. Chúa Hiền đưa Hoàng tử So con trai bà Thái hậu Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Batom Réachea (1658-1672). Vào thời điểm này triều đình Chân Lạp hợp thức hóa chủ quyền của nhà Nguyễn tại Đồng Nai. Năm 1672 vua Batom Réachea bị ám sát chết. Con trai là Ang Chey tức Nặc Ông Đài lên nối ngôi. Tân vương dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Đồng Nai. Lưu dân người Việt kêu cứu triều đình chúa Nguyễn lúc đó đóng đô ở Kim Long. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai các tướng Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Diên Thái và Văn Sùng mang quân tới tận Oudong hỏi tội Nặc Ông Đài rồi đưa Ang Saur tức Nặc Ông Thu hiệu Chey Chetta IV, em của Nặc Ông Đài lên ngôi Chính Vương ở Oudong Lục Chân Lạp. Chúa Hiền lại đồng thời cho Ang Non tức Nặc Ông Nộn con trai thứ của bà Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II làm Thứ Vương vùng Đồng Nai –Mô Xoài. Vua Nặc Ông Nộn đóng đô tại Sài Gòn tức Prey Nokor. Lúc đó là năm 1674. Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ông Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.
Các di thần nhà Minh xin định cư tại Thủy Chân-Lạp vùng Biên Hòa-Mỹ Tho.
Vào năm 1679 tức năm Khang Hy thứ 18 nhà Đại Thanh có di thần của nhà cựu Minh bên Tàu vì không cự lại quân Thanh triều đến xin hàng phục nhà Nguyễn. Bọn di thần nhà Minh gồm có Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến, và Tổng Binh các phủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình mang 3000 binh lính thủ hạ và gia quyến trên 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và Đà Nẵng xin được làm thần dân của chúa Nguyễn. Chúa Hiền chấp thuận cho giữ nguyên binh hàm chức tước rồi truyền cho vua Cao Miên cho phép người Minh vào định cư xứ Đồng Nai và sau đó thay mặt cho nhà Nguyễn lấn dần đến Cần Thơ. Nhờ đợt di cư này mà ảnh hưởng của nhà Nguyễn tại đất Thủy Chân Lạp ngày càng to tát. Các tướng nhà Minh giờ làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Họ cũng góp phần xông pha trận mạc mở rộng lãnh thổ cho nhà Nguyễn, nổi bật là Thống Binh Trần Đại Định con của Trần Thượng Xuyên triều chúa Ninh Vương. Người Minh vốn cùng văn hóa với người Việt nên hợp nhau khai hoang khẩn đất, lập chợ, xây dựng phố phường, buôn bán tấp nập. Những nơi như Gia Định, Biên Hòa, Thủ Đức, Cần Thơ không mấy chốc trở nên sầm uất vô cùng. Triều đình nhà Nguyễn lại được dịp có thêm dân thêm đất và thêm thuế thu nhập.
Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần băng hà năm 1687 ở ngôi 39 năm, Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (còn gọi là Trăn) lên thay (1687-1691). Nghĩa Vương dời đô về Phú Xuân (Huế). Trong thời gian chúa mới lên ngôi có một di thần nhà Minh là Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân thống lĩnh quân sĩ Long Môn người Minh đóng đồn ở Định Tường. Hoàng Tiến thả quân qua Cao Miên cướp của giết người. Vua Cao Miên là Nặc Ông Thu bất bình vì việc làm sai quấy này và ngờ là chủ ý của Thiên Vương nhà Nguyễn. Vua Nặc Ông Thu quyết định bỏ triều cống và chuẩn bị binh lính chống lại triều đình nhà Nguyễn.
Tháng Giêng năm 1690 Chúa Nghĩa sai lão tướng là Vạn Long mang quân đến Rạch Gầm dàn trận. Vạn Long dùng kế bắt được Hoàng Tiến rồi xua quân qua Cao Miên đánh thốc tới Nam Vang và Long Úc (thành Oudong). Vua Cao Miên cả sợ dâng 30 thớt voi, 150 lạng vàng, 600 lạng bạc, 6 con tê giác để xin hòa và giữ lệ triều cống như xưa. Quan quân nhà Nguyễn rút về Phú Xuân tháng 8 năm đó. Chúa Nghĩa không thọ lâu, ngài băng hà năm 1691 thọ 43 tuổi.
Năm 1698 chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi đánh Cao Miên và kinh lược mấy tỉnh miền nam. Lễ Thành Hầu chia cắt giới phận, canh cải địa điền, kiểm kê nhân khẩu, lập sổ đinh điền cho có nề nếp. Lúc đó toàn miền nam có dân số 40,000 gia đình (hộ) đất đai mở ra 1000 dặm. Thành quả này đạt được trong vòng 70 năm. Sự trù phú của miền nam nhờ một phần vào sự tiếp sức của di thần nhà Minh và chế độ bắt người thổ dân, các dân tộc miền núi về làm nô lệ. Theo lời kể của người phương Tây thì việc buôn bán nô lệ để giúp người Việt canh tác có cả thuế nông nô của triều đình.
Căn Khẩu Quốc – Hà Tiên
Năm 1671 có người Minh tên là Mạc Cửu quê ở Lôi Châu, Quảng Đông mang gia quyến binh lính 400 người và 10 chiếc thuyền di cư sang Thủy Chân Lạp đổ bộ lên bờ biển Panthaimas vịnh Thái Lan. Mạc Cửu đến Oudong xin yết kiến vua Nặc Ông Thu và ở lại hợp tác giữ chức Óc Nha cho đến năm 1681. Lúc ấy thấy chính sự Chân Lạp rối ren, ông xin vua Chân Lạp cho đi khai khẩn vùng đất hoang Panthaimas. Vua thuận cho. Mặc Cửu chiêu tập đám cướp biển lại mở sòng bạc, chiêu mộ dân phiêu bạt chạy trốn nhà Thanh về lập nên 7 xã là: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Ngoài ra còn có người Ấn Độ, người Nam Đảo, người Kinh, người Thái, người Cao Miên đến sinh sống. Thủ phủ đặt tại Hà Tiên tức Căn Khẩu. Mạc Cử đặt tên vùng đất của mình là ‘Căn Khẩu Quốc’. Lãnh địa này thuộc Chân Lạp nhưng vua Chân Lạp không đủ sức cai quản nên được qui chế tự trị. Không bao lâu Căn Khẩu Quốc của Mạc Cửu trở nên giàu có, người đi vào buôn bán, cờ bạc, đổi chác tấp nập.
Thấy kinh tế vùng Căn Khẩu nổi lên như sóng vua Xiêm chuẩn bị thôn tính vùng đất này. Năm 1678 quân Xiêm tràn sang cướp phá bắt Mặc Cửu và gia quyến về Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau nhân lúc nước Xiêm có loạn ông mang quyến thuộc trốn về lại Căn Khẩu. Ông lại bắt tay khôi phục lại Căn Khẩu. Mạc Cửu nhiều lần xin triều đình Chân Lạp cứu nhưng Vương triều Chân Lạp lúc đó quá yếu, tự giữ mình còn không xong nên từ chối không thể giúp gì cho họ Mạc. Năm 1711 Mạc Cửu cùng tùy tùng là Trương Cầu, Lý Xá mang vàng lụa đến gỏ cửa Khuyết ở Huế xin thần phục chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Mạc Cửu được giữ chức Tổng Binh toàn quyền cai trị xứ Căn Khẩu mà không phải nộp thuế cho triều đình. Nghe được tin này vua Xiêm cho 20,000 quân tấn công Căn Khẩu quốc, một thuộc địa mới của nhà Nguyễn. Mạc Cửu thua chạy về Gia Định xin triều đình Huế cứu giúp. Quân Triều Nguyễn đánh đuổi người Xiêm đi và trả lại toàn vẹn đất đai cho Mạc Cửu cai trị nhưng đổi tên Căn Khẩu thành Hà Tiên Trấn với mục đích lưu lại dấu ấn của triều đình họ Nguyễn. Sử Cao Miên chép về chuyện này như sau: ‘Năm 1710, sau khi quốc vương Thomo Réachea bỏ thủ đô, Nặc Ông Em lên ngôi. Đây là lần thứ nhì ngài trị vì. Trong ba năm 1711-1716 và 1722, ngài đẩy lui ba lần tấn công của Thomo Réachea nhờ quân Xiêm trợ giúp. Ngài nhờ triều đình Huế che chở và giúp về mặt quân sự. Ngài phó thác việc phòng thủ các tỉnh Peam (Hà Tiên), Kampot, Kampong Som cả cù lao Phú Quốc cho một người Trung Hoa tên Mạc Cửu. Họ Mặc gốc người Quảng Đông di cư sang Cao Miên sau khi bị nhà Thanh lật đổ. Ông gầy dựng được sự nghiệp to tát nhờ mở sòng cờ bạc. Ông xây dựng một pháo đài ở Peam, tuyển mộ quân sĩ và thủy thủ. Có lần một hạm đội Xiêm đến gần thị trấn định đổ bộ giúp Thomo Réachéa bị quân Mặc Cửu tiêu diệt gần hết. Tuy nhiên đến năm 1715, Mặc Cửu qui phục chúa Nguyễn, quốc vương Ang Emthuận cho người Việt Nam kiểm soát bờ biển từ miền Nam đến Xiêm. Về sau hoàng triều Cao Miên lấy lại quyền hành trực tiếp hai tỉnh Kampot và Kompong Som, nhưng tỉnh Peam (Hà Tiên) và cù lao Phú Quốc vẫn còn bị hậu duệ của Mặc Cửu cai trị cho vua Việt Nam’.
Mùa hạ năm 1735 Mạc Cửu chết, hưởng thọ 81 tuổi. Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (có sử ghi là Trú:1725-1739) phong ông làm Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân, tước Cửu Lộc Hầu. Đến đời Minh mạng được phong làm Thần hiệu là Thọ Công Thuận Mỹ Trung Đẳng Thần. Năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Thụ ban cho dòng họ Mạc ‘Thất Diệp Phiên Hàn’ (bảy chữ quí tộc) nối đời vinh hiển là: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ lên nối quyền cai trị Hà Tiên. Con của Tứ là Mạc Công Du, Con của Du là Mạc Hầu Lâm, con của Lâm là Mạc Bá Bình, con của Bình là Mạc Tử Khâm, con của Khâm là Mạc Nam Lan. Bà Nam Lan tuyệt tự hết người thừa kế nhưng cũng vừa tròn bảy chữ vua ban.
Vùng đất Méso-Longhor tức Mỹ Tho, Vĩnh Long
Năm 1731 quân Chân Lạp đánh Gia Định. Ninh Vương sai Tướng Trương Phước Vĩnh và Cai Cơ Đạt Thành cùng tướng quân Trần Đại Định (con của Trần Thượng Xuyên người Minh) đem quân ra chống đỡ. Cai Cơ Đạt Thành bị quân Cao Miêngiết ở Bến Lức. Trần Đại Định mang quân bản bộ Long Môn đắp đồn Cây Mai ở Sài gòn để cầm cự. Cai đội Nguyễn Cửu Triêm đem quân cứu ứng đến Bến Lức, quân Miên lại rút về Tân An. Tháng 4 năm 1731 Trần Đại Định đánh vào Lovek (La Bích). Cha con quốc vương Chân Lạp là Nặc Yêm (Ang Em) và Nặc Tha (Satha II) xin nhường đất Mésa (Mỹ Tho) và Longhor (Dinh Long Hồ tức Vĩnh Long bây giờ) để cầu hòa. Chúa Nguyễn sai khổn thần đo đạt đặt thành Châu Định Viễn và dinh Long Hồ. Riêng Trần Đại Định có công không có thưởng lại bị tội. Vốn Ninh Vương nóng lòng chiến thắng nhưng nghe tin Đại Thành tử trận nên viết thư quở Phước Vĩnh. Phước Vĩnh hãi quá đổ hết tội cho Trần Đại Định là người Hoa mưu phản xin mang ra xử trảm. Trần Đại Định trốn chạy nhưng không về Quảng Đông mà ra Huế kêu oan. Chúa sai bỏ vào ngục chờ điều tra rồi mới xử. Khi điều tra ra việc Phước Vĩnh vu oan thì Trần Đại Định vì buồn rầu nên bị ốm nặng đã chết. Ninh Vương truy tặng Đại Định hàm Đô Đốc Đồng Tri thụy là Trương Mẫn. Trương Phước Vĩnh bị gián xuống làm Cai Đội.
Mạc Thiên Tứ nới rộng thêm lãnh thổ cho Nguyễn Vương Đàng Trong.
Mạc Thiên Tứ cai trị trấn Hà Tiên rất thịnh vượng. Tứ mở văn đàn làm thơ, phổ nhạc, vịnh phú, lập Chiêu Anh Các để chiêu nạp nhân tài. Về võ công Tứ cũng lẫy lừng không kém. Năm 1739 Tứ dẹp tan một trận tấn công của vua Cao Miên. Năm1747 Tứ dẹp yên bọn cướp biển ở Long Xuyên. Năm 1753 vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên (Ang Snguôn) hà hiếp người Chăm từ Chiêm Thành tị nạn Việt Nam qua Cao Miên đồng thời thông mưu với chúa Trịnh ngoài Bắc để đánh úp chúa Nguyễn đòi lại đất đai đã mất. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) sai Nguyễn Cư Trinh hưng binh đánh Cao Miên mùa hạ năm 1754. Binh triều đi tới sông Vàm Cỏ thì quân địch cả sợ ra hàng. Nặc Nguyên chạy ra Vĩnh Long. Ở vùng Vàm cỏ Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Chăm tị nạn bây giờ không nơi nương tựa có tới 10,000 người và hộ tống họ đi về Đồng Tháp Mười (Tà Vô Ân). Ở đây phục binh của vua Cao Miên ùa ra đánh giết người Chăm chết mất 5000 người. Quân tiếp ứng của ông Thiện Chính đến không kịp để cứu. Về sau Vũ Vương gián ông Thiện xuống làm Cai Đội. Nguyễn Cư Trinh cứu được 5000 người Chăm cho về định cư ở núi Bà Đen, Châu Đốc. Nguyễn Cư Trinh lại tuyển người Chăm khoẻ mạnh đưa cho khí giới thúc họ đi tiên phong đánh quân Cao Miên. Quân triều đi sau ủng hộ. Thanh thế to lớn nên vua Cao Miên bỏ chạy xuống Hà Tiên nhờ Thiên Tứ cứu mạng. Vua Cao Miên nhờ Tứ xin với Võ Vương cho dâng hai phủ Tầm Bôn (Gò Công) và Lôi Lập (Tân An) để chuộc tội. Chúa Nguyễn thuận cho và truyền cho nhập vào châu Định Viễn. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho vua Cao Miên Nặc Ông Nguyên về nước. Vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên băng hà năm 1758. Dòng họ vua Cao Miêntranh nhau làm vua. Mạc Thiên Tứ giúp cho Nặc Ông Tôn làm vua nên được tặng Tầm Phong Lâm (Meat Chruk) tức Châu Đốc và Sa Đéc. Nội chiến ở Cao Miên vẫn không dứt. Các vua Cao Miên lại sang triều Nguyễn dâng đất cầu cứu. Thế là Nặc Ông Thuận (Thommo Réchea) hiến Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nặc Ông Tôn (Ang Tong) hiến hết đất từ núi Thất Sơn, Sa Đéc, Kiên Giang và Long Xuyên về sau đều thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.
Từ đây chấm dứt cuộc nam tiến của dân tộc Việt nam. Cuối triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có quyền thần là Trương Phúc Loan ra mặt thao túng. Võ Vương băng hà năm 1765, Trương Phúc Loan phế bỏ tự quân là Phúc Côn lập ĐịnhVương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) 12 tuổi lên ngôi mở đường cho mầm loạn lạc về sau. Sự việc sẽ nói ở phần sau.
Luận về những khía cạnh văn hóa ngoài phạm vi đất đai.
Đến đây dân tộc chúng ta đã tạm dừng chân sau một cuộc hành trình dài. Khởi nguồn từ miền Nam Trung Hoa khu vực rộng lớn phía Nam sông Dương Tử ở một quá khứ xa xôi. Những di dân người Việt vào thế kỷ 17 đã lần đầu tiên nhìn thấy đồng bằng sông Mékong. Tại đây có đồng bằng, sông lạch, rồi lại đồng bằng. Nhiều đồng bằng hơn cả đồng bằng sông Hồng, một vùng đất duy nhất tổ tiên chúng ta có thể biết được để so sánh. Đối với một dân tộc sống nhờ vào trồng lúa ngập nước thì vùng đất này là ‘vàng’. Khi mà nhà Thương Trung Quốc ngày xưa chỉ có 70 dặm mà xưng Đế thì chúa Nguyễn và dân tộc Việt Nam vào thế kỷ 17 đã có 1000 dặm dư đồ. Một ngàn dặm vàng. Một thành quả không nhỏ.
Miền nam có một khí hậu không bao dung cho nhiều người đến từ phương bắc. Ở đây mưa triền miên 6 tháng rồi lại nắng liên tục 6 tháng. Đầm lầy đầy những muỗi mồng rắn rít cực độc. Rừng rậm nhiều lau sậy chứa đựng những hiểm nguy khôn lường, những ác thú như cọp, gấu, cá sấu có thể giết và ăn thịt người. Sau rừng cây ẩn hiện những người đờn thổ đen đúa trần truồng tâm tính bất tường đối với chúng ta. Rất có thể những người thổ dân tại đây có những bùa mê ngải lú mà chúng ta không biết? Lo âu! Cả một vùng đất hoàn toàn xa lạ mà những thần linh quen thuộc dường như không còn quyền phép để nhường chỗ cho những quyền lực thần bí khác. Chúng ta có thể phần nào cảm thông được nỗi lo sợ của những người Việt đầu tiên đến đây theo lịnh của chúa Sãi qua câu ca dao xưa: ‘Tới đây non nước lạ lùng, nghe tiếng chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng lo’. Theo sử liệu triều Nguyễn thì vùng đất mới miền Nam gần như hoang vu, có chăng chỉ là rải rác những srok của người Khmer. Srok tiếng Khmer có nghĩa là vương quốc nhưng cũng lại có nghĩa là một vùng mà cư dân có thể đi lại bằng chân. Tương tự như chúng ta dùng danh từ nước để chỉ nước uống và quốc gia. Tuy thế đơn vị srok vào thời đó lại không có nhà thương, trường học, đạo giáo thì tùy tâm, quan lính thỉnh thoảng mới đến chỉ để thâu thuế và vua thì xa.
Vào thế kỷ 17, vương quốc Chân Lạp ở giai đoạn suy yếu. Một giai đoạn suy yếu đã kéo dài từ thế kỷ 13 sau hơn 1000 năm thành công theo văn hóa Bà La Môn giáo (Hindu). Nhưng với tình thế thay đổi nhanh chóng nền văn hóa cổ này với những hệ lụy đẳng cấp bất di dịch không còn thích hợp với không khí chính trị nơi đây. Người Khmer, trong sự lấn cấn sau khi thất thủ đế đô Angkor đã từ bỏ Bà La Môn giáo để thay vào đó bằng Phật giáo, vốn cũng đã từng tồn tại song song với BàLa Môn giáo nhưng giờ lại trở nên có nhiều ưu thế hơn trong hoàn cảnh mới đầy loạn lạc. Khác với Bà La Môn giáo là đạo thật sự của giới quí tộc cầm quyền mà thôi vì nó giúp cho giới này duy trì quyền lực, Phật giáo tạo một cảm giác bình đẳng cho mọi người. Thế nhưng vương quốc Khmer vẫn không thể tạo lại nét huy hoàng quá khứ. Văn hóa Phật giáo cân bằng sự khắc khe của Bà La Môn giáo nhưng lại mang tính chấp nhận hiện tại như một định mệnh ‘karma’. Tại miền Nam những dấu vết của một đế quốc Phù Nam được dựng lên bởi những võ công bằng thủy quân, một nền kinh tế cường thịnh nhờ thương mãi đã theo những di tích xa xưa chôn vùi trong lớp bùn đất tại Óc Eo. Người di dân Việt Nam sau cùng đã đến đây để chinh phục vào thế kỷ 17. Người Việt sau 4000 năm Nam tiến giờ đã mang trong mình nhiều dòng máu pha trộn của người Việt cổ, Lạc hầu lạc tướng gốc Mường, Hán tộc, Chăm, Nam đảo-Malay-Polynésiên và giờ đây những cuộc hôn nhân giữa Việt-Cao Miên lại cho chúng ta yếu tố Môn-Khmer trong dòng máu người miền Nam.
Dù không đem thành bại luận anh hùng, yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của một dân tộc vẫn là yếu tố văn hóa. Đặt biệt là văn hóa tổ chức. Di dân Việt Nam là một tạp chủng về mặt huyết thống nhưng văn hóa lại là văn hóa Khổng-Mạnh của Trung Hoa đề cao sự học và phục tùng mệnh lệnh. Vì đề cao sự học nên không có phân chia đẳng cấp vĩnh viễn của Bà La Môn giáo. Một người bần dân nếu học giỏi vẫn trở thành Công Hầu vinh hiển trong một kiếp người và ngược lại từ Công Hầu có thể trở thành ‘Cai Đội’ ngay nhãn tiền nếu bất tuân thượng lịnh. Thêm vào đó người Việt Nam lại cũng có thêm chút đỉnh Phật giáo nhưng đa phần là đạo thờ tổ tiên và vai trò phụ nữ trong gia đình vẫn hãy còn mạnh. Một chút gì sót lại của chế độ mẫu hệ mà người Chiêm Thành và người Việt cổ cùng chia sẻ. Đến đây chúng ta có cảm tưởng chỉ có một hướng đi xuống phương nam mà thôi. Thực ra không phải thế. Từ thượng cổ trước thời điểm có sự phân chia quốc gia, Hán tộc tức người Tàu hay Trung Hoa chỉ tập trung ở khu vực sông Hoàng Hà, cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Chung quanh họ lúc đó không phải là đất hoang mà là nơi tập trung của những giống dân khác trong đó có Việt tộc. Người Việt cổ, cứ coi là man di thật sự đi, đã cộng cư với những giống dân ‘man di mọi rợ’ anh em khác như Chăm cổ, Malay-Polynesien cổ từ phía nam kéo lên phương bắc. Trong giai đoạn khủng hoảng tranh chấp giữa nhóm người ‘văn minh’ với hào quang của những tiến bộ của người Hán, nhóm người ‘man di’ anh em trở thành thù địch. Thù địch rồi lại trở thành anh em để chống lại Hán tộc. Chiến tranh rồi lại hoà bình. Hoà bình rồi lại chiến tranh. Cứ thế từng đợt người lại kéo ngược về phương nam chinh phục những vùng đất cũ giờ lại thành ‘mới’. Đến đầu thề kỷ 19 nền văn hóa Phật-Khổng Mạnh lại bị văn hóa của người Pháp da trắng từ xa đến chinh phục.
Tài liệu tham khảo:
1. Charles Kimball 2000: The history of Funan
2. History of the Kingdom of Cambodia by the Royal Government of Cambodia website.
3. Nguyễn Hữu Hiếu 2001: Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương nam
4. Phạm Văn Sơn 1960: Việt sử toàn thư
5. Đại Nam thực lục tiền biên
6. Lê Hương 1970: Sử Cao Miên.
7. Serge Thion 1988: Remodelling broken images: manipulation of identities. Towards and beyond the Nation
(Trích từ Viễn Tượng Việt Nam số 3, tháng 10, 2004)
Gửi ý kiến của bạn