Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Khung cơ cấu) được ban hành bằng Quyết định số 1981/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 [1].
Đây là một cái khung hy vọng sẽ là nền tảng cho nỗ lực cải tổ giáo dục Việt Nam nhằm đưa đất nước đến một trình độ phát triển ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế, các Khung cơ cấu của các nước tổng thể thường giống nhau. Khác biệt nếu có thì chỉ ở phạm vi ưu tiên chú trọng vào các cấp học và trình độ đào tạo do những hoàn cảnh kinh tế, chính trị khác nhau của mỗi nước.
Khung cơ cấu của Việt Nam được ra đời cùng ngày với Quyết định Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Khung trình độ) [2], nghĩa là rất đúng lúc, đúng quy trình vì không thể có Khung trình độ nếu chưa có Khung cơ cấu.
Nói khác đi phải có thân cây giáo dục trước rồi sau mới có các nhánh, cành, hoa, lá.
(1) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
(2) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
(3) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng;
Và (4) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó tại trình độ đại học và trình độ thạc sĩ mỗi loại được chia ra định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Với khung cơ cấu hệ thống trên, chúng tôi xin có đề xuất như sau:
1. Giữ nguyên cấp giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo.
2. Tách cấp giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông ra làm hai: cấp phổ cập giáo dục phổ thông 9 năm gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở, gọi là phổ cập giáo dục, đúng như quy định trong Luật Giáo dục 2005 và Luật bổ sung 2009 [3].
Lý do cấp giáo dục này là một cột mốc rất quan trọng trong việc, một mặt là giúp định hình nhân cách và các giá trị phổ quát ở mỗi học sinh, và mặt khác mở ra cho học sinh những cuộc hành trình đi tìm các loại màu sắc lung linh của trí tuệ và kỹ năng.
Sau giai đoạn phổ cập giáo dục, học sinh có thể vào học trong các trường sơ cấp và trung cấp thuộc bậc giáo dục nghề nghiệp.
3. Cấp giáo dục trung học phổ thông gồm 3 năm, từ lớp 10 đến hết lớp 12, là giai đoạn khởi đầu cho hành trình giáo dục và đào tạo. Tốt nghiệp bậc Trung học Phổ thông, học sinh có thể đăng ký vào học bậc cao đẳng hoặc bậc đại học.
4. Giữ nguyên cấp giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Học hết lớp 12 và tùy theo năng lực học tập, nếu không vào được đại học, học sinh có thể vào học trong các trường cao đẳng thuộc cấp giáo dục nghề nghiệp.
Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới
5. Giữ nguyên cấp giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ như trong Quyết định của chính phủ.
Như vậy Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo chúng tôi đề xuất có 5 bậc chứ không phải 4 bậc như trong khung cơ cấu được chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2016.
Chúng tôi nghĩ rằng Khung cơ cấu 4 bậc hiện nay không phân biệt rõ giữa mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn “phổ cập giáo dục” (mang tính cưỡng bách và phổ quát) và mục tiêu của giáo dục trung học phổ thông (nhằm chuẩn bị cho học sinh những kiến thức nền tảng cho cuộc hành trình nghề nghiệp của chúng trong tương lai) [4].
Xin có thêm ý kiến về việc Chính phủ phân giáo dục đại học thuộc bậc đại học (cử nhân) ra làm định hướng (focus) nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
Theo chúng tôi, cách phân chia này là chưa thích hợp vì phần lớn các trường đại học của Việt Nam hiện nay chưa có đủ cơ sở vất chất và trang thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cũng cần biết thêm, không mấy trường đại học trong các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Anh chia trình độ giáo dục bậc đại học (Bachelor degree) ra hai nhánh nghiên cứu và ứng dụng một cách chính thức như ở Việt Nam.
Đối với các môn học trong chương trình bậc đại học, sinh viên có quyền chọn hoàn toàn dự lớp (by coursework) hoặc một số phần trăm trong mỗi môn học dự lớp (ví dụ 75%) và một số phần trăm nghiên cứu (ví dụ 25%) để làm một đề tài nghiên cứu nhỏ (minor thesis) mà các em muốn trải nghiệm.
Sinh viên là người lựa chọn mô hình học tập dựa trên các chương trình đào tạo do mỗi trường đại học thiết kế và được Tổ chức Chất lượng Giáo dục Đại học kiểm định (accreditation).
Thiết kế các chương trình học theo một định hướng nào đó là thuộc về thẩm quyền của từng trường đại học.
Ngoài ra, trình độ giáo dục đại học bậc thạc sĩ mới có hai loại định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Tại trình độ tiến sĩ chỉ có định hướng nghiên cứu.
Nhưng trên tất cả, mục tiêu cốt lõi của giáo dục đào tạo là (1) giúp con người trở thành những công dân tốt cho xã hội, (2) trang bị những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp lợi ích cho cộng đồng và (3) phát triển năng lực cá nhân để mỗi con người có cuộc sống cá nhân thỏa mãn về tinh thần và đầy đủ về vật chất và có trách nhiệm đối với một xã hội được vận hành hài hòa giữa chính trị và kinh tế [5].
Tài liệu tham khảo:
[1] Xem Quyết định về Khung Cơ cấu Hệ thống Giáo dục Quốc dân của Thủ tướng Chính phủ, số 1981/QĐ-TTg ban hành ngày 18/10/2016.
[2] Xem Quyết định Phê duyệt Khung Trình độ Giáo dục Quốc gia Việt Nam số 1982/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.
[5] Xem Laura Salganik và Steven Provasnik trong Goals of Universal Basic and Secondary Education của Joe E. Cohen, 9/2006.
***
Ý kiến bạn đọc:
hantu
2Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của giáo sư. Nhưng không có ngoại ngữ thì trình độ nguồn lực nước ta luôn bị hạ thấp. Bậc PTTH tôi cũng thấy không cần thiết như hiện nay, vừa lãng phí tuổi thơ vừa tốn tiền ngân sách và gia đình. Với những em không định hình được nghề của mình thì do Nhà nước phân theo sức học, có em học yếu nhưng quyết tâm vào Đh thì em phải học bán trú đóng phí. Em định hình nghề xét nghề đó là cần ngoại ngữ buộc phải học trải nghiệm ở nước nói tiếng đó. Nhà nước cho vay, nếu công nhân cho xuất khẩu trả nợ dần, nếu học ĐH thì khi ra trường đi làm sẽ theo sổ BHXH thu lại, nếu bỏ giữa chừng thì không cấp bằng... Mất 10 năm VN không kém Sin bây giờ.
Kim Tú
2Trước nay hầu như chưa từng có thảo luận chính thức nào về vấn đề này, mặc dù khung cơ cấu chương trình học là khái niệm cực kì quan trọng cần được tập trung nhiều ý kiến và kinh nghiệm các chuyên gia. Bài viết súc tích của GS Thu rất ý nghĩa và làm sáng tỏ nhiều điều. Rất mong có thêm nhiều ý kiến về vấn đề này và sư cân nhắc của các lãnh đạo ngành.
Đất Việt
3Cảm ơn Thầy Thu đã chia xẻ. Hiện nay, xu hướng đẩy mạnh nghiên cứu ở cấp cử nhân và thậm chí, cấp 3 ở Mỹ đang được xúc tiến. Bởi họ tin rằng việc cho HS tiệp cận và làm nghiên cứu KH càng sớm càng tốt. Thế nên, nếu VN quyết tâm đi theo hướng học nghiên cứu và ứng dụng thì việc trường xác định cho cấp cử nhân học cơ bản 2-3 năm và năm cuối làm nghiên cứu cũng ổn ạ. Chỉ có điều, em đồng ý với Thầy là ko hiểu được khunng ngành nghề có rồi, mà giờ vẽ ra bảng mô tả công việc cho từng ngành nghề chưa làm được, em thực lòng không hiểu?