Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Phục Hưng Phật Giáo Tại Tích Lan

20/10/201022:05(Xem: 3463)
Sự Phục Hưng Phật Giáo Tại Tích Lan

SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO TẠI TÍCH LAN
Nguyên tác Đức ngữ: Ernst Benz.
Dịch ra Anh văn: Richard & Clara Winston.
Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn.
Trích tác phẩm: “Buddhism or Communism Which Holds The Future of Asia”.

Không phải ngẫu nhiên mà phong trào phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, như chúng ta đã thấy được đề xướng bởi một nhân vật Tích Lan (1) là đại đức Anagarika Dharmapala. (2) Sự liên quan chặt chẽ giữa Phật giáo với chủ nghĩa quốc gia Tích Lan phát sinh từ lịch sử chính trị và tinh thần đặc biệt của Tích Lan. Phật giáo đã có mặt ở Tích Lan từ triều đại A Dục Vương, (3) thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Vào lúc đó nhà vua đã đích thân gửi hoàng tử là Ngài Mahinda (4) sang vua Devanampiyatissa xứ Tích Lan (Lanka). Chẳng bao lâu, Phật giáo trở thành quốc giáo của vương quốc Lanka và tồn tại mãi đến khi người Anh chấm dứt vương quyền tại xứ này.

Sri_Lanka_MapPhật giáo đã được dân tộc Tích Lan tín ngưỡng một cách tự do. Rồi đạo Thiên Chúa đến với họ, ngay từ đầu, trong đoàn người ngoại quốc chinh phục, đã xâm lăng đất nước với vũ khí tối tân và ban hành luật pháp riêng của họ bằng sức mạnh quân sự. Vào thế kỷ 16, những ngoại nhân này là Bồ Đào Nha, tiếp đến thế kỷ 17 là người Hòa Lan. Năm 1795-1796, khi đất nước Hòa Lan hoàn toàn bị Pháp chiếm đóng, người Anh đã đánh đuổi thực dân Hòa Lan khỏi sự chiếm cứ Tích Lan và năm 1815, khi chiến tranh Nả Phá Luân (Napoleonic Wars) kết thúc, người Anh thống trị toàn khắp đảo.

Các chính quyền thực dân đã thường theo đuổi công việc cưỡng bức người Tích Lan theo đạo Thiên Chúa, nhiều hoặc ít vì lý do xu thời. Kết quả là sau mỗi chế độ nối tiếp sụp đổ, vô số người Tích Lan đã rửa tội lại quay về với tín ngưỡng truyền thống Phật giáo của họ. Bởi vậy, sau khi người Hòa Lan rút lui năm 1796, hàng ngàn dân bản xứ theo đạo Tin Lành đã trở lại quy y Phật giáo. Nhưng các nhà cầm quyền Anh quốc đã khuyến khích sự tiếp tục phát triển công tác truyền giáo của họ dưới sự bảo trợ của những Giáo hội Tin Lành Anh Quốc và Bắc Mỹ (North America).

Sự khởi đầu công cuộc phục hưng Phật giáo ở Tích Lan được gắn liền mật thiết với số phận xứ này dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Anh quốc. Khi vương quốc Phật giáo cổ thời của Tích Lan chấm dứt, Phật giáo ở đây không còn được thụ hưởng những quyền lợi của một giáo hội vững chắc nữa. Bằng những sắc luật kỳ thị chống đối Phật giáo, hành động sung công (tài sản) của các chùa và tự viện, cùng sự phát triển các giáo đoàn và giáo dục Thiên Chúa, chính quyền Anh quốc đã ngấm ngầm phá hoại uy thế của Phật giáo. Thật vậy, hiệp ước ký năm 1815 gồm có điều khoản:“Phật giáo mà những dân bản xứ và trú dân các tỉnh này đã sùng tín được xem như tín ngưỡng bất khả xâm phạm, và các lễ lược, chư Tăng, chùa chiền phải được duy trì và bảo vệ”.Nhưng điều ước này đã luôn bị chính quyền thực dân vi phạm và sau cùng đã hoàn toàn bỏ quên. Việc ấn hành nhắc lại điều ước này trong một nhật báo Tích Lan, tờ Dinamina vào dịp kỷ niệm 100 năm chấm dứt nền độc lập của Tích Lan đã gây nên sự kích động lớn lao. Nó tác động như một tiếng kèn kêu gọi dân chúng Tích Lan cùng giúp vào việc thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phục hưng Phật giáo tại xứ này.

Những người Phật tử đã giải thích các chữ “được duy trì và bảo vệ” là bằng chứng chính quyền thực dân Anh đã tự nhận như người kế vị hợp pháp (đế quyền) của vương quốc Tích Lan và do đó, như người bảo trì Phật giáo. Chính quyền thực dân Anh đã không sẵn sàng thực thi điều khoản này chút nào cả. Năm 1853, bộ Ngoại giao ban hành sắc luật nói rằng chính quyền Tích Lan không còn tự xem như người chính thức bảo trợ Phật giáo nữa. Từ khi không có nhân vật nào được hợp pháp bổ nhiệm đảm trách công việc này, tài sản của các chùa và tu viện Phật giáo trở thành một loại đất vô chủ. Không lâu sau đó, chính phủ lại ban hành sắc luật (số 10 năm 1856) ra lệnh bảo kê khai đất đai của chùa. Tiếp theo là chính quyền sung công các đất ấy với lý lẽ rằng chúng không có chủ nhân hợp pháp. Riêng quận Kandy (5) có 202.000 mẫu đất của chùa bị tịch thu và phần lớn chúng bị chiếm đoạt bởi bọn thực dân Anh. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên thấy rằng hành động của quốc gia chống đối chính quyền thực dân là do sự xúi giục của Phật giáo.

Sự liên hệ giữa công cuộc phục hưng Phật giáo với chủ nghĩa quốc gia Tích Lan đã được đặc biệt thể hiện trong đời sống của nhà đại lãnh tụ Anàgàra Dharmapàla, người mà chúng ta đã nói tới trước kia. Dharmapàla đã không đề cập đến chủ nghĩa quốc gia trong các bài của Đại đức viết và diễn thuyết công cộng nhưng ảnh hưởng của nó hiện rõ trong những mẫu nhật ký đã được đăng tải ở tạp chí của hội Ma Ha Bồ Đề (The Maha Bodhi) (6) Đại đức sáng lập. Chẳng hạn chúng ta có thể đọc một mẫu nhật ký Đại đức viết ngày 1-10-1897. Trong chuyến du hành châu Âu bằng xe lửa từ Chiasso đến Florence, Dharmapàla đã viết như sau:“Bọn Ma vương (Asuras) là hàng vô đạo và những người Châu Âu. Thiên thần (Devas) là dân chúng Aryans (Ấn Độ) và Phật tử. Đức Phật sẽ gia hộ Thiên thần thoát khỏi sự phá hoại của lũ Ma vương. Cầu mong chánh pháp tái phục hưng trên đất Ấn. Cầu mong người Châu Âu thấu rõ được Phật pháp. Tôi ước mong nếp sống thiền định được phục hồi ở Tích Lan”. Trong nhiều đoạn nhật ký khác, rõ ràng Anàgàrika Dharmapàla đã xem việc suy đồi tinh thần và đạo đức của dân tộc Tích Lan là hậu quả tai hại của sự “vô luân lý Tây phương”.

Mặc dù có sự suy đồi xuất hiện, nhưng đời sống tinh thần của Phật giáo Tích Lan đã không bị tiêu diệt suốt trong thời kỳ này. Tăng già Tích Lan tuy đã bị suy yếu và chính quyền tước đoạt mọi quyền lợi hợp pháp, họ vẫn tiếp tục duy trì một vài trung tâm Phật giáo tại nhiều chùa các tỉnh miền nam (Tích Lan) dù ở trong những điều kiện khó khăn nhất. Năm 1839, một tu viện (Parivena) Phật giáo được thành lập tại Ratmalana. Các lãnh tụ nòng cốt của công cuộc phục hưng Phật giáo đều xuất thân từ Phật Học Viện này, nơi bắt đầu nổi danh suốt trong giữa thế kỷ đó. Trong những người này có Đại đức Hikkaduwe Sri Sumangala và Pandit Batuvantudave. Thêm nữa, Giáo hội Tăng già đã phô trương thực lực của họ bằng cách tổ chức nhiều buổi tranh luận công cộng với các giáo đoàn Thiên Chúa. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh luận tổ chức tại Panadura năm 1873 giữa Phật giáo và các giáo đoàn Tin Lành. Đại diện bên Phật giáo có Đại đức Migettvatta Gunananda (7) một lãnh tụ lỗi lạc nhất của Tăng già và cũng là “thiền sư” danh tiếng nhất thời đó.

Cuộc tranh luận đã gây nên một ảnh hưởng kinh ngạc. Một bài tranh luận nhân được đăng tải trên tờ “Tích Lan Thời Báo” (Ceylon Times) và tình cờ lọt vào tay của Henry Steel Olcott (8) nguyên đại tá quân đội Thống Nhất (Union Army) trong cuộc nội chiến (Hoa Kỳ) và sau này là người đã cùng với bà Blavatsky (9) thành lập hội Thông Thiên Học (Theosophical Society). Biết rõ Phật giáo Tích Lan bị đàn áp qua bài báo đăng trên tờ “Tích Lan Thời Báo”, ông lập tức sang thăm Tích Lan. Ông đến Galle ngày 15-05-1880 (10) và nhận thấy ngay rằng trở ngại chính trong việc phục hưng Phật giáo xứ này là do tình trạng giáo dục suy đồi của hàng Phật tử, vì chính quyền thuộc địa và các đoàn thể Thiên Chúa giáo đã tước đoạt khỏi tay họ toàn bộ hệ thống học đường. Cho nên Olcott đã hoạt động tổ chức lại hệ thống giáo dục Phật giáo. Ông thành lập hội Thông Thiên Học Tích Lan và trong vài năm ông mở ba trường trung học và 200 trường học khác cho khoảng 20.000 trẻ em Tích Lan.

Trước sự kiện một nhân vật Hoa Kỳ mạnh mẽ ủng hộ các quyền lợi của Phật tử Tích Lan và tổ chức lại theo phương pháp tân tiến hệ thống giáo dục của họ, đã khích lệ lớn lao lòng tự trọng của Phật tử Tích Lan. Hơn nữa, chính quyền Anh quốc không còn có thể tàn nhẫn đàn áp một tôn giáo mà bấy giờ đang được nâng đỡ bởi một hội đoàn quốc tế, thành lập với sự tán trợ đầy nhiệt tâm của các học giả Hoa Kỳ và Châu Âu. Phong trào do đại tá Olcott đề xướng đã chấp nhận lá cờ Phật giáo (thế giới) và thuyết phục được viên thống đốc người Anh, ông Arthur Gordon, tái công nhận lễ Phật đản (Vesak) của Phật giáo vào ngày trăng tròn là ngày lễ công cộng. Vì lúc bấy giờ chỉ những ngày chủ nhật, lễ Thiên Chúa và quốc lễ của Anh quốc mới được nghỉ tại xứ Phật giáo này.

Chủ nghĩa dân tộc và Phật giáo Tích Lan đã sẵn sàng liên kết chặt chẽ với nhau hơn do bởi chính sách (kỳ thị Phật giáo) của người Anh. Trong nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền thuộc địa, tòa án quân sự Anh quốc đã kết án tử hình nhiều vị danh Tăng. Năm 1848, Đại đức Kandapola Unnanse đang tu khổ hạnh tại một hang động ở trong rừng đã bị bắt mang về Kandy và đưa ra tòa án quân sự kết án tử hình. Luật sư của Nữ hoàng Anh quốc đã phản đối bản án tử hình với thống đốc Torrington, và ông đã trả lời: “Vì Chúa, nếu các Ngài biện lý ở đây bảo rằng ông ta vô tội thì ông sẽ bị bắn ngày mai”. Hôm sau vị Tỳ kheo trong chiếc y vàng đã bị bắn chết trước chùa thờ Răng Phật, một Thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo Tích Lan.

Chứng cớ khác của sự liên kết giữa Phật giáo và chủ nghĩa quốc gia tại Tích Lan là đã xảy ra nhiều vụ rối loạn chống Thiên Chúa giáo tại khắp các thành phố Tích Lan sau ngày Nhật Bản thắng trận trong cuộc chiến với Nga Xô năm 1905. Phật tử Tích Lan xem dân Nhật như những người cùng tôn giáo và chiến thắng này như một thắng lợi của Phật giáo đối với Thiên Chúa giáo, đã khuyến khích Phật tử nổi dậy và toan bạo động lật đổ những người Thiên Chúa đàn áp họ.

Chúng tôi không thể trình bày hết toàn diện mọi liên quan giữa Tăng già Phật giáo với phong trào độc lập Tích Lan. Điều đáng chú ý là sau khi thu hồi độc lập, các nhà lãnh đạo Tích Lan đã cố gắng nâng đỡ Phật giáo chiếm lại địa vị ưu thế xưa kia của nó trong nước. Trong số các lãnh tụ này, có những người vốn theo Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ giáo hội Thiên Chúa để quy y Phật giáo. Chẳng hạn ông S.W.R.D.Bandaranaike, thủ tướng Tích Lan bị ám sát ngày 26-09-1958 (11). Ông Bandaranaike (12) gốc là tín đồ thiên chúa và từng theo học tại Anh quốc. Sau khi về nước, việc làm đầu tiên của ông là công khai bỏ đạo và tự tuyên bố mình là Phật tử. Đồng thời ông hủy bỏ y phục Tây phương, dùng mặc đồ quốc phục và tham gia tranh đấu cho nền tự do Tích Lan. Bandaranaike là hội viên hội Ma Ha Bồ Đề Tích Lan và ông đã từng tích cực ủng hộ mọi công tác của Hội nhằm phục hưng Phật giáo tại Tích Lan.

Sự đoàn kết giữa Phật giáo và chủ nghĩa quốc gia ở Tích Lan được củng cố thêm vì sự thể là tín đồ của các tôn giáo khác tại Tích Lan như Ấn Độ giáo (13) và Hồi giáo (14) là những ngoại nhân đã theo đuôi bọn chính quyền thực dân xâm lược đến đảo này. Ngay cả thiểu số chủng tộc Tamil (15) cũng vậy. Chỉ một phần nhỏ dân chúng Tamil là con cháu của những kẻ đã đến Tích Lan vào thế kỷ 11 theo làn sóng xâm lăng từ miền Nam Ấn Độ, còn đa số họ được mang vào xứ này như những công nhân đồn điền suốt trong thời kỳ chính quyền thực dân Anh cai trị. Tương tự như thế, thiểu số Hồi giáo phần đông là dòng giống của những đội quân thực dân người Ấn theo Hồi giáo mà người Anh đã đem vào Tích Lan để rồi cùng với gia đình, họ lập nghiệp ở đó.

Vì vậy, cuộc tranh đấu chung ở Tích Lan ngày nay xảy ra như một sự xung đột tín ngưỡng. Việc thanh toán di sản của những thời kỳ thực dân đối với nhiều người Tích Lan đã trở thành như một mệnh lệnh là phải tiêu diệt tàn tích tôn giáo của chủ nghĩa thực dân bằng cách tống khứ khỏi đảo hạng dân thiểu số đó. Trong những cuộc rối loạn xảy ra vào tháng 5 năm 1958, các tín đồ Thiên Chúa, Hồi giáo và những người Burghers (dân tộc thuộc dòng giống Bồ Đào Nha và Hòa Lan) khắp toàn quốc đã được phân phát một tờ truyền đơn mà nó biểu lộ sự suy đồi của nền tân Phật giáo nhuốm màu sắc chính trị tại Tích Lan. Truyền đơn này ghi như sau: “Chúng tôi báo cho các người biết là phải rời khỏi đất Sri Lanka - Ceylon (Tích Lan) trước ngày 31-12-1958, nếu không các người sẽ bị tiêu diệt như chúng tôi đã ra tay với dân chúng Tamil. Tích Lan chỉ dành riêng cho Phật tử. Các người là hạng dân đã mang những đạo ngoại quốc này vào Tích Lan. Chúng tôi, những người Phật tử chính thống nhận thức rằng chúng tôi không thể ngăn chặn được sự bành trướng của đạo Thiên Chúa và Hồi giáo ở Tích Lan mà không phải tận diệt các ngươi”.

Ngày 30-7-1951, một phái đoàn của Đại hội Phật giáo toàn Tích Lan do tiến sĩ G.P.Malalasekera (16) chủ tịch đại hội dẫn đầu, đến yết kiến thủ tướng D.S.Senanayake (17) yêu cầu ông đề cử một ủy ban điều tra về hiện tình Phật giáo Tích Lan và nên thực hiện những cải cách ngõ hầu phục hồi Phật giáo trở lại địa vị ưu thế xứng đáng của nó. Để biện minh cho thỉnh cầu của mình, ông Malalasekera bày tỏ rằng suốt thời kỳ chính quyền thực dân Anh cai trị, Phật giáo đã bị khổ sở quá nhiều vì những lý do kể trên và rằng, ngày nay hàng Phật tử có quyền ước mong tín ngưỡng của họ được phục hồi trở lại địa vị ưu thế xưa kia trong một quốc gia Tích Lan mới độc lập. Ban đầu thủ tướng bày tỏ chấp nhận thỉnh cầu trên, nhưng sau đó ông bị áp lực phải thay đổi ý kiến khi ông Tổng Giám Mục Thiên Chúa La Mã bảo rằng nếu thỏa mãn các yêu sách này (của Phật giáo) tức là vi phạm hiến pháp Tích Lan.

Đây là lý do khiến các Phật tử đã mãnh liệt chống đối hiến pháp Tích Lan bấy giờ, theo đó Anh quốc quy định mọi thể chế trên đảo. Phật tử bày tỏ rằng tăng già không thể nào thừa nhận Nữ hoàng Anh quốc như là Vua của Tích Lan khi mà theo hiến pháp Anh quốc, nữ hoàng không những hội viên mà còn là hội trưởng của giáo hội Anh quốc (Anglican Church) và mang danh hiệu “Người Bảo Vệ Tôn Giáo” (Defensor Fidei), nghĩa là cơ cấu Giáo Hội của Anh quốc. Trái lại, các vua Tích Lan luôn luôn là Phật tử và là những vị hộ trì cho Phật giáo Tích Lan. Họ chất vấn:“Làm thế nào Nữ hoàng Anh quốc có thể là người bảo vệ cho cả hai tín ngưỡng Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo”.

Vấn đề này là nguyên nhân gây nên tình trạng căng thẳng trong sinh hoạt chính trị Tích Lan. Các phần tử Phật giáo trong chính phủ hứa tham gia soạn thảo những điều căn bản hiến pháp về thể chế của chính quyền và ý thức rõ là thể chế này tiêu biểu tối đa cho nền độc lập chính trị mà Tích Lan có thể thành tựu trong hiện tình của mọi vấn đề. Tuy vậy, các đoàn thể Phật giáo đã không ngừng thúc giục họ hành động nhằm cải thiện hiến pháp để Tích Lan sẽ không còn có bất cứ liên hệ nào nữa với chính quyền Anh quốc và sự cách biệt hiện nay giữa Giáo Hội Phật giáo và chính quyền sẽ phải xét lại với việc nên lấy Phật giáo làm quốc giáo. Phật tử cũng đòi hỏi mọi chủ trương giáo dục và văn hóa cần được hướng dẫn bởi những nguyên tắc Phật giáo.

Hậu quả của tất cả điều này là sự chính trị hóa hoàn toàn Tăng già –một hiện tượng hiếm có trong lịch sử Phật giáo và thực vậy, chỉ có thể so sánh với chư Tăng làm chính trị dưới thời đại Tokugawa ở Nhật Bản. Chủ nghĩa quốc gia sắp bị lạm dụng bởi các động cơ thúc đẩy của Phật giáo như Thiên Chúa ở Châu Âu đã từng hành động nhiều như vậy trong những thế kỷ trước.

Tuy nhiên, việc chính trị hóa Phật giáo Tích Lan này đã bị phản đối. Thật vậy, nó đã gây nên sự phản ứng mãnh liệt khắp toàn quốc và đưa đến việc đòi hỏi cải tổ Tăng già và tu chỉnh lại (sinh hoạt) Giáo hội theo đúng tinh thần Phật giáo thuần túy. Những đòi hỏi đó đã được mạnh mẽ đưa ra bởi báo chí Tích Lan trong khi có vụ xử án những phần tử đã ám sát thủ tướng Bandaranaike. Vào lúc ấy xuất hiện có hai khuynh hướng. Một nhóm yêu cầu cải cách Giáo hội Phật giáo bằng sắc luật của chính phủ, nhóm khác nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ nội bộ Phật giáo bởi cấp lãnh đạo tinh thần có trách nhiệm. Nhóm sau này bày tỏ ước muốn tránh sự cưỡng bức (giáo hội) của chính phủ.

Phản ứng đầu tiên của chính quyền Tích Lan là thông qua sắc luật ngăn cấm chư tăng làm giáo sư ở các trường công cộng. Rốt cuộc sắc luật này về sau cũng không được thi hành mấy. Cấp lãnh đạo tinh thần của Tăng già thẳng thắng vạch ra rằng hệ thống học đường Tích Lan tùy thuộc ở chư Tăng mà Giáo hội đã đào luyện họ thành những giáo sư do sự đài thọ của chính Giáo hội. Bây giờ các chùa phải chăng nên đóng cửa chống lại quý vị Sư này để họ tiếp tục dạy ở các trường như những giáo sư đời? Điều hơn nữa, chính sách này (của chính phủ) còn nhằm chống lại nỗ lực toàn diện của Phật giáo Tích Lan muốn tự thành lập như một quốc giáo có đặc quyền. Giáo hội cũng đã thành công trong việc nâng các trường Phật giáo Vidyodaya và Vidyalankara lên thành Đại học.

Phần lớn sự kêu gọi chấn chỉnh nội bộ Tăng già Tích Lan nhằm đến việc cải đổi đường lối tu niệm và Phật sự của chư Tăng tại nơi gốc trung tâm của họ. Bởi có nhiều nhà sư đã tham dự vào thế sự và đôi khi còn làm những nghề bất chính như thầy lang băm, chiêm tinh, bói toán, phù thủy và v.v…. Những nhà cải cách yêu cầu họ hoặc nên từ bỏ các tà nghiệp này hay phải ly khai khỏi Giáo hội. Chắc hẳn Giáo hội Tăng già Tích Lan ngày nay không thể chỉ riêng cứu xét đến những phương diện hoen ố và suy đồi của họ mà chúng ta cũng phải nghiên cứu đến những đường hướng cải cách mạnh mẽ hầu cố gắng mang lại một cuộc sống mới cho Phật giáo Tích Lan cùng chấm dứt tình trạng chính trị hóa và thế tục hóa của Tăng già.

Ghi chú của người dịch:

1. TÍCH LAN: Tên cũ người Châu Âu gọi là Ceylon, tên mới “Sri Lanka”, một hải đảo quốc gia nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương phía cực đông nam nước Ấn Độ. Thủ đô: Colombo. Diện tích: 25.330 dặm vuông; dân số (1984): 15.925.000. Tích Lan bị Bồ Đào Nha cai trị: 1505-1658; rồi Hòa Lan: 1658-1796 và Anh quốc: 1796-1947. Từ năm 1947, Tích Lan được độc lập dưới sự bảo trợ của chính quyền Anh. Dân chúng theo các đạo Phật giáo 65%; Ấn giáo (Hindus) 20%; Thiên Chúa giáo 9% và Hồi giáo 7%.

2. ANAGARIKA DHARMAPALA: Tục danh là David Hewavitarne sanh tại Tích Lan ngày 17-09-1864. Lúc nhỏ, ông theo Thiên Chúa giáo, học trường đạo. Sau nhờ sự hướng dẫn của một Phật tử Hoa Kỳ, Đại tá H.S.Olcott (1832-1907), ông bỏ đạo trở lại theo Phật giáo. Vào những năm 1880-1882 Dharmapala đã cùng với Olcott, góp phần đắc lực trong phong trào phục hưng Phật giáo tại Tích Lan. Do sự khuyến khích của bà H.P.Blavasky (1831-1891, một Phật tử người Nga), Dharmapala đã nghiên cứu thánh ngữ Pàli của Phật giáo Nam Tông. Năm 1891, ông đứng ra thành lập Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society) tại Colombo (Tích Lan) nhằm mục đích cổ động, phát khởi công tác trùng tu các Phật tích ở Ấn Độ như Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi đức Phật Thành đạo, vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên. Năm 1893, ông được mời tham dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tại Chicago (Hoa Kỳ). Năm 1931, ông xuất gia với pháp hiệu là Tỳ kheo Devamitta Dharmapala, và tháng 4 năm 1933 ông từ trần tại Lộc Uyển, Ấn Độ.

3. A DỤC VƯƠNG (ASOKA): Một vị vua Phật tử nhiệt thành, có công đức hộ pháp nhiều nhất đối với nhân loại, trong việc phát huy, bảo vệ chánh pháp của đức Phật. A Dục Đại Đế là con vua Bindusara và hoàng hậu Subhadrangi, trị vì vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) vào những năm 298-273 trước tây lịch, với kinh đô đóng tại Pataliputra (Hoa Thị Thành), nay là thị trấn Patna, thủ phủ của tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. Vua A Dục lên ngôi lúc Ngài 30 tuổi và mất năm 71 tuổi (273-232 trước tây lịch). Nhà Vua đã tích cực ủng hộ truyền bá giáo pháp của đức Phật, không những trong nước Ấn Độ và các quốc gia Á Châu mà còn lan rộng cả đến Âu và Phi Châu.

4. MAHINDA: Là hoàng tử con A Dục Vương. Khi Vua cha lên ngôi, thái tử mới 11 tuổi. Năm 20 tuổi, Mahinda xuất gia với ngài Moggaliputtatissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) và đã chứng quả A la hán (Arahant) trong ngày Đại đức thọ giới. Mahinda theo học giáo điển với Ngài Moggaliputtatissa suốt trong ba năm. Trong kỳ Đại Hội Kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba do vua A Dục bảo trợ tại Pataliputra (Hoa Thị Thành), Đại đức Mahinda được đề cử hướng dẫn một phái đoàn sang truyền bá Phật giáo tại Tích Lan vào năm 247 trước Tây lịch, dưới triều vua Devanampiyatissa (247-207 trước T.L). Giáo đoàn của Mahinda được nhà Vua đón tiếp trọng thể tại khu đồi Mahintale, cách cựu kinh đô Anuradhapura bấy giờ khoảng 8 dặm về hướng đông. Đại đức Mahinda đã thành công rực rỡ trong sứ mạng truyền bá chánh pháp và hoằng hóa độ sanh từ khi mới đến cho đến ngày Ngài viên tịch tại Mahintale (Tích Lan) vào năm 192 trước tây lịch, hưởng thọ 60 tuổi.

5. KANDY: Thị trấn nằm ở miền trung, cựu kinh đô của Tích Lan từ năm 1592 đến 1815. Thành phố này nổi tiếng không riêng đối với dân chúng Tích Lan mà cả Phật tử trên thế giới, vì nơi đây có chùa thờ xá lợi Răng Phật (Tooth Relic). Chiếc răng thiêng liêng của đức Thế Tôn được tôn trí trong một cái hộp bằng vàng rất quý. Hằng năm, vào tháng tám dương lịch, dân chúng đặt bảo vật Răng Phật này trên lưng con voi được trang hoàng rực rỡ, và tổ chức lễ rước cung nghinh diễn hành qua các đường phố Tích Lan với hàng chục ngàn Phật tử khắp nơi trong nước và ngoại quốc về tham dự.

6. HỘI MA HA BỒ ĐỀ (The Maha Bodhi Society): Do Đại đức Dharmapàla thành lập đầu tiên năm 1891 tại Colombo, thủ đô Tích Lan, nhằm mục đích truyền bá, phục hưng Phật giáo tại Tích Lan và Ấn Độ. Năm 1892 trụ sở của Hội được dời sang Calcutta, thủ phủ của tiểu bang West Bengal miền đông Ấn Độ. Hội này hiện còn tồn tại đến ngày nay với rất nhiều chi nhánh hoạt động khắp nơi tại Ấn Độ và các quốc gia khác trên toàn thế giới.

7. Ð.Ð. MIGETTVATTA GUNANANDA: Theo ông H.R.Perera, tác giả cuốn“Buddhism in Ceylon, Its Past and its Present” (Quá khứ và hiện tại của Phật giáo Tích Lan), trang 68 –69, tên của đại đức này viết đúng là Mohottiwatte Gunananda. Đại đức nhờ theo học trường đạo Thiên Chúa từ nhỏ nên rất thấu hiểu giáo lý của đạo Chúa, đồng thời đại đức cũng vô cùng thông bác Phật giáo. Nhằm để chấm dứt sự kỳ thị, xuyên tạc, phỉ báng Phật giáo của các nhà truyền giáo Thiên Chúa, năm 1860, Đại đức Gunananda đã đi khắp thôn quê Tích Lan, làng họ qua làng kia, tổ chức nhiều buổi thuyết pháp, tranh luận công khai về giáo lý với các giáo đoàn Thiên Chúa. Không lâu sau đó, danh tiếng tài hùng biện của Đại đức nổi như cồn, và có hàng ngàn người đi theo Ngài để dự thính. Có ba cuộc tranh luận công cộng đã được tổ chức vào những năm 1866, 1871 và 1873. Lần tranh luận cuối cùng của Đại đức tại Panadura năm 1873 đã mang lại thắng lợi vẻ vang cho Phật giáo, và mở đường cho công cuộc tái phục hưng Phật giáo tại xứ này.

8. HENRY STEEL OLCOTT: Sanh ngày 02-08-1832 tại quận Orange, tiểu bang New Jersey (Hoa Kỳ) và mất ngày 17-02-1907 tại thành phố Adyar, tiểu bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Là một học giả Phật giáo uyên thâm và một ký giả tài ba, ông đã từng phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ với chức vụ đại tá. Lần đầu tiên năm 1875, bà H.P.Blavatsky, một Phật tử người Nga gặp Olcott tại Nữu Ước (New York) và đã hướng dẫn cho ông ta tu học Phật pháp. Cũng trong năm 1875, đại tá Olcott và bà Blavatsky hợp tác thành lập đầu tiên Hội Thông Thiên Học tại New York.

Nhằm mục đích chấn hưng chánh pháp đang suy đồi tại Tích Lan gây nên bởi chính sách ngược đãi Phật giáo trong suốt gần bốn thế kỷ của các chính quyền thực dân Thiên Chúa Giáo Bồ Đào Nha (1505-1658); Hòa Lan (1658-1796) và Anh quốc (1796-1947), ngày 17-05-1880 bà Blavatsky cùng với đạo hữu Olcott đến Galle, một hải cảng miền tây nam Tích Lan với sự tiếp đón nồng nhiệt của hàng ngàn dân chúng địa phương.

Tuần sau, sáng ngày 25-05-1880, cả hai đã phát nguyện đi theo con đường giác ngộ của đức Phật và xin thọ trì Tam quy Ngũ giới với Thượng tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda để cùng nhau hợp tác, đóng góp cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại xứ này. Tác phẩm nổi tiếng của H.S.Olcott là cuốn “The Buddhist Catechism”(Phật giáo vấn đáp), xuất bản lần đầu tiên năm 1881, đã tái bản lần thứ 44 vào năm 1915, và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng của các nước Á và Âu Châu.

9. Bà HELENA PETROVNA BLAVATSKY: Sanh tại Nga ngày 31-07-1831 và mất ngày 08-05-1891 tại Luân Đôn (Anh quốc). Cùng với Phật tử Hoa Kỳ, H.S.Olcott, bà đã tham gia hoạt động đắc lực cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan vào năm 1880. Bà viết nhiều sách: The Secrect Doctrine(Giáo lý Huyền bí); The Key to Theosophy(Bí quyết để hiểu Thông Thiên Học);The Voice of Silence (Tiếng Nói của sự Yên lặng).

10. Theo một vài học giả khác thì H.S.Olcott lần đầu tiên đến Galle (Tích Lan) vào ngày 17-05-1880.

11. Có sách nói thủ tướng Bandaranaike bị một nhà sư ám sát ngày 25-09-1959.

12. Sau khi Bandaranaike bị ám sát, vợ của ông ta là bà Sirimavo Ratwatte Dias Bandaranaike (1916 - ) đã thay chồng lãnh đạo Đảng Tích Lan Tự do (Sri Lanka Freedom Party) và được bầu làm thủ tướng năm 1960. Bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới. Trong thời gian chấp chánh từ 1960-1965 bà theo đuổi chính sách thân thiện và ủng hộ Phật giáo.

13. ẤN ĐỘ GIÁO (Hinduism): Tôn giáo của Ấn Độ, thờ ba vị thần chính là Brahma (đấng tạo lập thế giới), Shiva (phá hoại) và Vishnu (bảo tồn). Khác với Phật giáo, Ấn Độ giáo chủ trương thờ rất nhiều vị thần (Gods): thần tài, thần học vấn, thần sức khỏe v.v…

14. HỒI GIÁO (Islam): Tôn giáo nhất thần do Mohammed - Mô-Ha-Mét (570-632) sáng lập vào thế kỷ thứ 7 sau tây lịch, thờ đức Thượng đế gọi là Allah. Trung tâm, thánh địa của Hồi giáo là thị trấn Mecca, nơi sinh quán của giáo chủ Mô-Ha-Mét, trong vùng Hejaz, thuộc vương quốc Saudi Arabia, tây nam Á châu. Hiện nay toàn thế giới có khoảng 600 triệu tín đồ Hồi giáo, tụng thánh kinh Koran (Cô-Ran), phần lớn ở các quốc gia Ả Rập (Arabs), thuộc tây nam Á Châu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, A Phú Hản (Afghanistan), Hồi quốc (Pakistan), Ấn Độ, Nga Xô và những nước ở miền bắc và đông Châu Phi v.v…

15. TAMIL: Gốc người Dravidian, vào thời cổ Ấn độ là dân tộc thuộc các vương quốc Pandya, Chola và Chera, trải dài khoảng 100 dặm từ vùng tây bắc thị trấn Madras đến mũi Comorin phía nam và từ bờ biển Coromandel phía đông đến Western Ghats phía tây, thuộc miền nam Ấn Độ ngày nay. Dân tộc Tamil từ miền nam Ấn du nhập Tích Lan rất sớm. Vào những năm 43-17 trước tây lịch, Tích Lan đã bị cai trị bởi vị vua Tamil, đóng kinh đô ở Anuradhapura. Là tín đồ Ấn giáo, triều đình bấy giờ đã cố tâm tiêu diệt Phật giáo bằng cách phá hoại các chùa tháp thờ Phật trong nước. Đến thế kỷ thứ 7 sau tây lịch, dân tộc Tamil đã chiếm cứ phần lớn tại miền bắc Tích Lan. Nhất là các thế kỷ tiếp sau đó, từ năm 993 đến 1070, dân số người Tamil ở Tích Lan tăng lên rất nhiều do kết quả cuộc xâm lăng của họ vào xứ này dưới các triều vua Cholas (miền nam Ấn).

Họ xây cất tại Tích Lan nhiều chùa Ấn giáo với các tu sĩ Bà la môn trong số những người di trú trên làm chủ, và cùng lúc đã mang theo vào đây nhiều nghi lễ Ấn giáo. Do đó, Phật giáo xứ này đã không khỏi pha trộn ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Cả đến ngày nay, tại một số chùa Phật giáo ở Tích Lan chúng ta không ngạc nhiên thấy người ta thờ Phật chung bên cạnh các vị Thần (Gods) của Ấn giáo.

16. DR.G.P.MALALASEKERA (1900-1973):Người Tích Lan, một Phật tử, học giả về cổ ngữ Pali nổi tiếng thế giới, tốt nghiệp Đại học Luân Đôn (Anh quốc) cấp bằng tiến sĩ Triết học (Ph.D.) năm 1925 và tiến sĩ Văn Chương (D.Litt.) năm 1938. Giáo sư được mời dạy môn thánh ngữ Pali, Văn minh Phật giáo và làm khoa trưởng phân khoa Nghiên Cứu Đông Phương thuộc Đại học Tích Lan năm 1942. Năm 1956, giáo sư được bổ nhiệm làm Đại sứ Tích Lan tại Liên Xô và sau đó ở Ba Lan, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc, Gia Nã Đại và Anh quốc. Từ năm 1959 đến 1967, giáo sư giữ chức Đại diện Thường trực cho Tích Lan tại Liên Hiệp Quốc.

Về hoạt động cho Phật giáo, ông từng làm Phó hội trưởng Hội Phật tử Toàn Quốc Tích Lan (All Ceylon Buddhist Congress) từ năm 1937 đến 1939 và Hội Trưởng của Hội này từ năm 1939 đến 1957. Công đức đáng kể nhất là giáo sư đã đứng ra thành lập đầu tiên Hội Liên Hữu Phật giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhits) tại Colombo (Tích Lan) vào năm 1950 và giữ chức Chủ Tịch tổ chức này từ đó đến năm 1958. Năm 1955, giáo sư được ủy nhiệm làm chủ biên bộ “Bách Khoa Tự Điển Phật giáo” (Encyclopaedia of Buddhism) do Bộ Văn Hóa của chính phủ Tích Lan ấn hành. Ngoài ra giáo sư còn là bút giả của nhiều bài khảo cứu, tiểu luận và các sách Phật giáo Anh văn giá trị khác trong đó có tác phẩm “The Buddha’s Doctrine of Anatta”(Giáo lý Vô ngã của đức Phật), “The Buddha and His Teachings”(Đức Phật và giáo pháp của Ngài) v.v… Tiến sĩ Malalasekera qua đời ngày 23-04-1973 tại Colombo, hưởng thọ 73 tuổi.

17. D.S.SENANAYAKE: Nhân vật đã đứng ra thành lập đảng Quốc Gia Liên Kết (United National Party) vào năm 1945-1946. Ông đắc thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội Tích Lan đầu tiên vào năm 1947, sau ngày xứ này mới thu hồi độc lập. D.S.Senanayake được bầu làm thủ tướng, lên nắm chính quyền Tích Lan vào những năm 1947-1952, và từ trần vào tháng 3 năm 1952.

(http://old.thuvienhoasen.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2023(Xem: 5984)
Được thành lập vào thế kỷ thứ 8, việc xây dựng bắt đầu vào năm 742, Thạch Quật Am (석굴암, nghĩa là Am hang đá) là một Cổ Am và một phần của phức hợp Phật Quốc Tự. Nó nằm cách bốn km về phía đông của ngôi đại già lam cổ tự trên núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc, gian chính hình tròn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 3,5m với tư thế Xúc địa thủ ấn (Bhumistarsa Mudra),
01/10/2023(Xem: 5747)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 7463)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 140978)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 11042)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 6049)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
06/01/2023(Xem: 6051)
Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ở Nantes tổ chức từ cuối tháng 9, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về. Nếu bạn rời Ấn Độ ngày 01/01/2011, thì passport của bạn phải còn giá trị tối thiểu là đến 01/04/2011. Visas vào ra Ấn Độ, phải là “Double entries”). Xong xuôi tất cả, tôi phủi tay tự nhủ, bây giờ thì chỉ còn chờ ngày đi mà thôi, và tôi vui thú thở ra nhẹ nhỏm trong người.
07/11/2022(Xem: 7237)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 24029)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]