Mẹ đi trường đời
“Ầu ơ……..
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi,
Khó đi Mẹ dắt con đi
Con đi trường học, Mẹ đi trường đời”
Đó là lời hát ru con mà tôi thường hò để dỗ con vào giấc ngủ trong những ngày tháng khi chúng còn trẻ thơ và rồi ngày mỗi ngày lời ru ấy thấm dần, thấm dần đến tận tâm can của tôi! Tôi thật sự đã ngỡ ngàng và bàng hoàng khi phát hiện ra sự khác biệt qúa chênh lệch giữa “Trường học” và “Trường đời”. Có lẽ chỉ những người có thiên chức làm mẹ mới hiểu được rạch ròi về vạn lần đắng cay của “trường đời”.
Tôi không thích đem cuộc sống, cuộc đời của mình để so sánh với ai cả vì mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có những hoàn cảnh, những nỗi niềm riêng, nhưng tôi luôn cố ý đem cuộc đời mình lên bàn cân để đong, đo, cân, đếm với những gì mà Mạ tôi đã nặng vai gánh chịu trong “trường đời” này, để rồi tôi chỉ tìm ra kết qủa duy nhất của sự so sánh bất cân đối này muôn đời vẫn bất cân, để rồi cho tôi thấy rằng những gì mình nghĩ là đã hy sinh cho chồng, cho con, cho gia đình... chỉ đúng nghĩa là muối bỏ biển so với Mạ tôi mà thôi. Có đáng chi khi bản thân chúng tôi đã được Ba Mạ tôi trang bị cho đầy đủ hành trang từ nơi chốn học đường đến những kinh nghiệm xương máu mà Ba Mạ tôi đã đánh đổi với cuộc đời để truyền lại cho chúng tôi? Có đáng chi khi Ba Mạ tôi đã đem cả cuộc đời ra lót trải con đường để mong cầu những bước đi của những đứa con được trơn tru, nhẹ nhàng và bằng phẳng hơn…. Và có đáng chi khi mình hụt hẩng, buồn phiền…. thì đều có đôi vai của Ba Mạ để dựa vào thật an toàn, để được vỗ về, khuyên nhủ, để được an ủi và thậm chí gánh chịu thay….. Trong khi Mạ tôi, một người con gái mồ côi cha từ lúc lên bốn, ngay cả một kỷ niệm nhỏ nhoi duy nhất về người cha cũng không hề có, ngay cả một lời răn dạy, một tiếng nũng nịu với người cha cũng không hề được đón nhận, dường như tất cả những gì về một người cha đều là sự huyền ảo đối với Mạ tôi….. ngơ ngác giữa cuộc đời vì mẹ của mình thì lo bận rộn làm ăn quanh năm suốt tháng và anh trai thì cũng chưa đủ lớn khôn đề bảo bọc, chỉ dẫn cho mình. Tuổi thơ của Mạ tôi đi qua thật ngây ngô trong đơn độc như Mệ Nội tôi thường kể lại (vì Ôn Mệ Nội tôi ở cùng xóm với Mệ Ngoại tôi): “Mạ mi ngây thơ, con nít dữ lắm, mười 16 tuổi đầu rứa mà cứ xách dây nhảy quanh xóm không hề biết “ốt dột” chi hết”. Suốt ngày chỉ biết thêu, đan, đàn hát một mình, không có chị em gái để chia buồn xẻ đắng, cũng chẳng hề có lấy một người bạn gọi là tri âm tri kỷ để bầu bạn, tâm tình…….. để rồi sau đó về làm vợ Ba tôi và là người con dâu trưởng trong gia đình Ôn Mệ Nội tôi, nhưng trong khi bản thân Mạ tôi thì không hề có một chút hiểu biết hay một chút tư lương chi về hai vai trò này cả. Mệ Nội tôi đã phải thay Mệ Ngoại tôi dạy cho Mạ tôi mọi điều từ cách đi chợ mua thức ăn cho đến nấu nướng, vun vén gia đình…..
Và rồi từ đó Mạ tôi đã để lại sau lưng tất cả những sự hồn nhiên, trong sáng của thời con gái để dấn bước vào “Chợ đời” lo phụ Ba tôi kiếm miếng cơm, manh áo mà nuôi đàn con, và rồi những mùi vị đắng, cay, chua, chát trên cuộc đời này Mạ tôi đều phải nếm qua, đều phải chịu đựng mà nuốt vào tim một mình. Tôi đã từng vừa đủ trí khôn để chứng kiến cảnh Mạ tôi một mình bương chãi giữa chợ đời như thế nào, đã bị chà đạp, đối xử như thế nào những vẫn rạng nở nụ cười để đổi lấy miếng cơm cho chị em tôi được đến trường trong những ngày tháng túng quẩn của gia đình. Tôi không thể nào quên được hình ảnh những lần Mạ tôi ngồi một mình khóc thảm thiết để rồi sau đó gạt nước mắt cho ngày hôm sau tiếp tục “con đi trường học, Mẹ đi trường đời”, tôi càng không thể quên cho dù bịnh hoạn trong người Mạ tôi vẫn phải bới thuốc theo uống để đi bán. Người ta vẫn thường coi “nước mắt là vũ khí lợi hại của phụ nữ”, nhưng với Mạ tôi nước mắt là sự tự an ủi bản thân khi gặp trái ngang, là sự tự giải tỏa nỗi đau trong lòng mà không người chia xẻ. Tất cả những gì Mạ tôi chịu đựng chỉ duy nhất với một quyết tâm là nhất định không cho chị em tôi bỏ cuộc trong việc học hành để ra phụ giúp kinh tế gia đình lúc ngặt nghèo đó. Tôi luôn nhớ mãi, nhớ hoài câu dặn dò của Mạ tôi: ”Mạ học hành không được tới nơi tới chốn nên chỉ mong sao mấy đứa con ráng học hành cho thành tài”. Có lẽ với lòng mong mõi con cái mình sẽ thay mình làm những việc, những gì mà bản thân Mạ tôi không có được nên Mạ tôi đã chấp nhận hy sinh một mình để trang bị cho chị em tôi thật đầy đủ, để chúng tôi có được sự tự tin khi bước vào đời mà không bị mang trong mình mặc cảm dày vò như Mạ tôi đã từng.
Tôi cứ nhớ mãi cái ngày Mạ tôi không nói không rằng, dẫn tôi leo lên chiếc xích lô chạy thẳng tới đường Lê Thánh Tôn ở chợ Sài Gòn, dẫn tôi lên lầu của một ngôi nhà và trao tôi cho một Ông Thầy khá lớn tuổi rồi bảo:”Dạ xin Thầy cho cháu được học đàn với Thầy”. Tôi chưa kịp hoàng hồn chống đối lại Mạ tôi vì loại nhạc cụ tôi được học đầu đời của mình lại là đàn Vĩ cầm (Violin), loại đàn mà tôi thường gọi là dành cho “Ban nhạc phút cuối” (chỉ ban nhạc đám ma) bởi vì kéo lên nghe ghê quá nhất là lúc mới học nhưng Thầy tôi bảo tôi đó là Vua của âm nhạc. Tôi cũng đành nghe lời Mạ tôi học trong đau khổ nhưng nhờ đó mà tôi đã đến với âm nhạc và các em tôi sau này cũng vậy. Rồi chưa kể kêu, bắt chúng tôi học đủ thứ nan y. Tôi cứ nhớ Mệ Nội tôi thấy chúng tôi đi học cũng chóng cả mặt nên đã nói: ”Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” chứ “Nhiều nghề cá trê đục vô ống” thôi hí???
Bây giờ có con, nuôi con rồi tôi mới thấm thía và càng thương yêu Mạ tôi nhiều hơn, nhiều hơn nữa….tôi hiểu Mạ tôi đã đến với trường đời để đánh đổi như thế nào để cho chúng tôi đến trường học một cách trọn vẹn. Với tôi “Phúc đức tại Mẫu” muôn đời đúng đối với chị em tôi, mặc dù Mạ tôi cứ thường bảo: ”Con gái nhờ đức cha”, nhưng tôi bảo đảm Ba tôi cũng sẽ đồng lòng với những cô “con gái rượu” của Ba về điểm này Ba hí?
Nếu ở đời này Mạ con tôi với sự tu hành còn yếu kém, chưa đủ để được giải thoát và để rồi có thể trở lại làm kiếp người thêm lần nữa, thì tâm niêm của tôi cũng xin được cùng cộng nghiệp với Mạ tôi trong sự hoán đổi vị trí để được đưa đôi vai này gánh vác đỡ đần thay cho Mạ tôi. Nhưng đã là con Phật rồi, tôi phải có niềm tin là với một người Phật tử thuần thành, tràn đầy lòng từ bi, nhân hậu và hy sinh như Mạ tôi chắc chắn sẽ được về với Phật!
Cành Hồng đỏ thắm, thấm tim
Con cài lên ngực gọi thầm: “Mạ ơi!”
Đắng cay, chua xót gạn rồi
Vô ưu trải nụ hoa đời thắm tươi.
Mùa Vu Lan 2010
Quảng Hương