PHÁT LỘ DẤU VẾT AM NGOẠ VÂN - YÊN TỬ
Trần Ngọc Linh
Nền am Ngọa Vân - Yên Tử.
Cho đến bây giờ, hướng về Yên Tử ai cũng nghĩ đây là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nơi Đầu đà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ khai sáng ra dòng thiền này đắc đạo thành Phật chính.
Trước khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông vào Yên Tử tu tập, thì nơi đây đã trở thành thánh địa Phât giáo với nhiều thiền sư tu theo các dòng phái khác nhau. Điều này được kể lại trong sách Thiền tông chỉ nam tự do chính ông nội của đức Nhân Tông viết. Trong sách này có nhắc đến chuyện, sau loạn Trần Liễu thấy đau lòng trước cảnh huynh đệ tương tàn, vua Trần Thái Tông bỏ ngai vàng trốn lên Yên Tử định xin xuất gia. Thái sư Trần Thủ Độ lúc bấy giờ mới đem cả triều đình lên cầu xin vua về và quyết ý: nhà vua ở đâu triều đình ở đó. Trước tình cảnh như vậy vua mới tham thiền với quốc sư Phù Vân về đạo. Sau khi nghe sư giảng giải ngài đã ngộ ra được chân lý của đạo Phật và quyết định trở về triều đình lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đại thắng quân Nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ dẫn như vậy trong Thiền tông chỉ nam tự, chúng ta hành hương trên con đường từ chùa Hoa Yên lên Yên Tử đã thấy nhiều dấu tích của các thiền phái khác. Đơn cử nếu du khách để ý thì trước khi lên đến chùa Hoa Yên vài bậc đá ở một khu vườn bên phải có đặt một bảo tháp bằng đá của một vị thiền sư theo dòng Lâm Tế. Chúng ta sẽ bắt gặp một cụm tháp Lâm Tế nữa nếu quá bộ đi tiếp từ chùa Hoa Yên lên chùa Bảo Sái.
Cổ tháp ở Yên Tử có chung một đặc điểm là được xếp bằng những khối đá được mài vuông không có chất kết dính, trong mỗi tháp đều có khám thờ đặt bài vị hoặc tượng của các thiền sư. Thêm một đặc điểm đặc biệt hơn theo kinh nghiệm của các sư và dân địa phương ở đây trong việc đi tìm tháp hoặc các am cổ cho biết: các am hoặc tháp thương được dựng ở giữa hai gốc cây tùng, điều này chỉ riêng Yên Tử mới có. Chính nhờ kinh nghiệm này mà năm 2007 vừa rồi người ta đã tìm thêm được mấy ngôi cố tháp ở phía trên chùa Hoa Yên, trên tháp Thiền Định và một ngôi am cổ hiện đang có nghi vấn đó chính là am Ngọa Vân nơi Thượng hoàng Trần Nhân Tông tịch diệt nhập niết bàn…
Bên cạnh tháp tổ Huệ Quang ở lăng Quy Đức, có lẽ đẹp nhất vẫn là tháp Thiền định ở vị trí phía trên chùa Hoa Yên. Nếu như ở các bảo tháp khác được dựng từ những khối đá vuông vắn được xếp lên nhau thì bảo tháp Thiền định lại được dựng bằng gạch nung theo lối Chàm có tráng men xanh. Đế tháp là bốn mặt hổ phù, trán tháp là một đóa sen ngậm viên minh châu, trong khám thờ có bài vị nhưng bị phong hóa không còn nhìn rõ chữ, bản thân tháp Thiền định được dựng giữa hai gốc cổ tùng.
Tại sao ở Yên Tử, mỗi am và tháp đều được dựng giữa hai gốc tùng? Một thiền sư đã giải thích điều này: Sở dĩ mỗi bảo tháp hay am ở đây được đều được dựng giữa hai gốc tùng vì theo quan niệm của người phương Đông thì tùng vốn là cây thiêng có khả năng hút linh khí của trời đất, việc tọa thiền dưới gốc tùng sẽ làm tăng công năng tu tập của mỗi thiền sư. Thêm một nguyên nhân nữa trong kinh Phật kể lại: khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn ở Kushinagar, ngài nằm ở giữa hai cây Ta la song thọ; chính chi tiết này làm cho ta có thêm một sự lý giải về mối liên quan đến những cụm bảo tháp nằm giữa hai gốc cổ tùng ở nơi đây.
Cuộc tìm kiếm am Ngọa Vân – đâu là nơi mất của đức Điều ngự Giác hoàng?
Đầu năm 2007, vào gần đúng dịp lễ hội Yên Tử, dân địa phương đi đào măng về kháo nhau trên đường đi chùa Bảo Sái, đoạn trên chùa Một mái có con đường rẽ ngang đi lối trên của am Dược và am Hoa đã phát hiện một nền am cổ. Bên cạnh đó có một bảo tháp hơi bị xụp. Nhiều người cho rằng rất có thể đó chính là am Ngọa Vân nơi mà đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm, Đầu đà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Con đường mòn này từ lâu chẳng có ai đi và gần như mất dấu. Sau nhiều lần bị lạc, đến nơi, thì thấy quả thật có một bảo tháp còn nguyên vẹn, đỉnh tháp hơi bị xụp xuống. Vị sư trông coi chùa Bí Thượng phỏng đoán là có thể tháp được xếp lại vì ở Yên Tử trước đây các bảo tháp không được trông coi cẩn thận có thời gian người ta có phong trào đào các tháp để tìm vàng. Nhưng trên thực tế, bảo tháp này vẫn được khá giữ nguyên ven, phần bị xụp có thể do tác động cơ học từ móng gây ra.
Theo một dấu hiệu nhận biết chung, tháp dược dựng từ bằng những khối đá vuông vắn được xếp lên nhau theo hình dáng chung của những cổ tháp trong vùng Yên Tử, trên trán có bia, nhưng chữ bị phong hóa không thể đọc nổi những văn tự khắc trên đó, và tháp cũng nẳm ở vị trí là giữ hai gốc cổ tùng.
Ngay bên cạnh bảo tháp chừng 100m chính là một nền am nhỏ mà rất nhiều người ở đây đó chính là am Ngọa Vân như trong sử sách ghi lại. Nền am được dựng dưới một phiến đá rất to nhô ra tạo như một cái mái tự nhiên, điều này khá lý thú nhưng không có gì đặc biệt lắm. Đặc biệt hơn cả là trước am có hai gốc cổ tùng rất lớn, đường kính chừng hai người ôm, thân hai cây to bằng nhau. Gần như vừa khít giữa hai cây tùng là một phiến đá phẳng tự nhiên có chiều dài độ một người nằm. Có thể đây chính là nền móng của một cổ am và đã có người tu tập.
Trước đó người ta vẫn biết có một ngôi chùa Ngọa Vân ở Đông Triều, và theo quan niệm của mọi người đó chính là nơi đức Trần Nhân Tông tịch diệt nhập niết bàn. Hiện giờ trong chùa còn thờ một bức tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn theo đúng với những gì sử sách tả lại: ngài nhập niết bàn theo tư thế sư tử tọa, giống với tư thế của Phật Thích Ca nhập niết bàn tức là người nằm nghiêng một tay chống đầu, một tay buông xuống đùi, hai chân để co lại xếp chồng lên nhau.
Trong quá trình kiểm chứng thông tin về ngôi cổ am mới tìm ra này thì có thông tin: phát hiện một am Ngọa Vân nữa bên dãy Yên Sinh sườn phía Tây dãy Yên Tử mạn Bắc Giang. Liền ngay sau đó như để khẳng định cho quan điểm về có một am Ngọa Vân nữa ở Bắc Giang , GS Huệ Chi cũng đã viết: “Việc qua đời của vua Trần ở am Ngọa Vân trên dãy Yên Sinh là điều đã được khẳng định, không có gì phải xét lại!”. GS Huệ Chi đưa ra quan điểm từ 3 cuốn sách: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Thánh Đăng Ngữ Lục, Tam Tổ Thực Lục.
"Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, Quyển III, ghi rằng vua Trần Nhân Tông băng ở am Ngọa Vân thuộc dãy Yên Tử vào ngày 3 tháng 11 năm Mậu thân…. "Thánh đăng ngữ lục" và "Tam tổ thực lục" thì nói kỹ hơn nhiều…Ngày 18 vua lên đường, đi bộ, tới chùa Tú Lâm ở ngọn Kỳ Đặc thuộc dãy Yên Sinh thấy nhức đầu, bèn bảo hai tỳ khưu đi theo là Tử Doanh và Hoàn Trung rằng: "Ta muốn lên đỉnh Ngọa Vân nhưng sức chân yếu quá không thể đi được. Biết làm thế nào đây?". Hai tì khưu bèn tâu vua: "Hai đệ tử chúng con có thể giúp người". Nói rồi họ cùng khiêng nhà vua lên đến đỉnh Ngọa Vân. Đến nơi, nhà vua từ tạ, bảo: "Thôi hai người hãy xuống núi tu hành, đừng coi sinh tử là một chuyện dễ dàng".”
GS Huệ chi cũng nói thêm: “Nhưng hai tài liệu khác của chính nhà Phật và có lẽ còn sớm hơn cả "Đại Việt sử ký toàn thư" là "Thánh đăng ngữ lục" và "Tam tổ thực lục" thì nói kỹ hơn nhiều” Trên thực tế, GS Huệ Chi lầm lẫn một điều rất lớn rằng cuốn Thánh Đăng Ngữ Lục do thiền sư Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm soạn vào thế kỷ 18 trong khi đó Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được soạn ra trước đó 3 thế kỷ.
Thêm vào đó cuốn Thánh Đăng Ngữ Lục có thể được biên soạn vào cuối đời vua Trần Minh Tông đầu đời Trần Dụ Tông nhưng không có tác giả. So với Đại Việt Sử Ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết dưới thời Lê Thánh Tông thì Thánh Đăng Ngữ Lục chỉ là dạng tục sử ở mức tham khảo tư liệu loại 2.
Cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa trên thành tựu của cuốn Đại Việt Sử Ký do Phan Phu Tiên một sử gia đời Trần biên soạn, như vậy đây luôn luôn là nguồn tư liệu đáng tin cậy loại 1. Dựa vào những tư liệu sẵn có cộng thêm với tư liệu thu được trong quá trình thực tế, có thể nhận xét như sau:
Thứ nhất: Theo quan niệm dân gian, sư ở đâu thì dựng am ở đó, còn chùa là nơi thờ Phật; khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào Yên Tử tu hành tháng 8 năm 1299, thì tháng 7 cùng năm đó đã cho dựng am Ngự Dược theo những gì mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại. Trong suốt quá trình tu tập đến đắc đạo, sử chỉ ghi chép duy nhất buổi thuyết pháp giảng Khóa Hư Lục đầu tiên của ngài tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thuộc dãy Yên Sinh chứ không nói gì thêm.
Thứ hai: Mối liên hệ giữa am và tháp ở Yên Tử rất khăng khít với nhau. Khi các thiền sư viên tịch, am của họ bao giờ cũng được dựng ngay gần khu vực tháp. Bản thân theo hai cuốn sử kia cũng cho biết là xá lị của vua Trần Nhân Tông được chia ra hai nơi: Một phần đặt ở Đức Lăng, phủ Long Hưng (Thái Bình); một phần đặt trong Kim Tháp ở chùa Vân Yên (chùa Hoa Yên ) trên Yên Tử, vậy không có lẽ gì vua Trần Nhân Tông lại có ngoại lệ là mất ở một nơi, táng ở một nẻo.
TIN LIÊN QUAN
Phát hiện đường Xích tùng cổ trên Yên Tử,Trần Ngọc Linh