TRÌ GIỚI
MINH CHIẾU
MÙA AN CƯ
PL. 2552 - 2008
Lời Nói Đầu
Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.
Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.
Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.
Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.
Cẩn Chí
Minh Chiếu
I. MỞ ĐỀ :
Một thế giới muốn hòa bình phải có Hiến Chương, một quốc gia muốn an ninh trật tự phải có Luật Pháp, một đoàn thể muốn kỷ cương phải có Nội Quy, một tôn giáo muốn trang nghiêm thanh tịnh phải có Giáo Luật.
Ngày xưa, lúc đức Thế Tôn mới Thành Đạo, số lượng đệ tử còn ít, hơn nữa những vị đệ tử này đa số là những vị xuất chúng, nhiều vị đã có căn cơ chứng ngộ. Nhưng về sau càng ngày đệ tử càng đông, cuộc sống Tăng Đoàn có phần phức tạp, gây nhiều sai trái, do đó đức Phật chế ra Giới Luật.
II. ĐỊNH NGHĨA :
Giới Luật là Pháp Luật ngăn cấm các môn đồ Phật giáo làm điều sai trái, như Ngũ giới, Thập Thiện giới v.v...
Giới tiếng Phạn là SiLa, phiên theo tiếng Hán là Thi La có nghĩa là phòng ngừa, ngăn cấm sự sai trái của thân và tâm. Nghĩa gốc là Thiện, Luân lý, Đạo đức, Tánh cách, Tập quán.
Thi La, Trung Hoa nói là Thanh Lương, cũng gọi là Giới. Ba nghiệp như lửa bốc thiêu đốt con người, Giới có khả năng ngăn chặn và dập tắt được ngọn lửa ấy nên gọi là Thanh Lương (mát mẻ).
Giới cũng có tên là Ba La Đề Mộc Xoa, dịch là Biệt giải thoát, Bảo giải thoát, Xứ xứ giải thoát – Xa lìa những bất thiện của Thân Khẩu Ý nên gọi là Giải thoát.
Giới lại có Tánh giới và Già giới.
Tánh giới tức là 4 giới : giết hại, trộm cắp, gian dâm và nói dối. Bốn việc trên tự tánh là giới, không đợi đức Phật chế định, dù người đã thọ giới hay không thọ giới, hễ phạm thì bị tội.
Già giới : Giới cấm uống rượu để ngăn ngừa phạm các tội khác, chứ tánh uống rượu không phải là một tội. Câu chuyện này để chứng minh : Có một người đã thọ 5 giới của Phật, một hôm đi xa về khát nước quá, thấy trên bàn có chai rượu anh uống liều, uống xong bị say (phạm giới uống rượu) lúc đó có con gà nhà bên cạnh chạy sang, anh bắt làm thịt (phạm giới ăn trộm và sát sanh), tiếp theo chị chủ gà sang tìm gà bị anh cưỡng hiếp (phạm giới tà dâm), khi ra tòa anh chối không phải là thủ phạm (phạm tội nói dối). Nếu không uống rượu thì anh ta đâu phạm các tội sau, nên gọi là Già giới (giới ngăn ngừa, giới đề phòng).
Trong Lục Độ – Trì Giới gọi là Thi La Ba La Mật.
III. THÂN BÀI :
- A. CÁC LOẠI GIỚI :
Giới được chia thành 4 khoa : Giới pháp, Giới thể, Giới hạnh và Giới tướng.
- Giới Pháp : có nghĩa là Pháp do Như Lai chế định.
- Giới Thể : khi lãnh thọ Giới Pháp trong Tâm sinh ra công năng ngăn ngừa điều sai trái, ngăn chặn điều ác.
- Giới Hạnh : thuận theo Giới Thể mà điều động 3 nghiệp, đúng như Pháp.
- Giới Tướng : hình thức thực hành sai khác nhau. Giới Tướng có nhiều loại :
- 3 giới : gọi là Tam Tụ tịnh giới. Vì 3 giới này có nghĩa tích tụ của 58 giới của Đại Thừa Bồ Tát Giới.
- Nguyện dứt tất cả điều ác (Nhiếp luật nghi giới).
- Nguyện làm tất cả điều lành (Nhiếp thiện pháp giới).
- Nguyện độ tất cả chúng sanh (Nhiêu ích hữu tình giới).
Tất cả chúng sanh đều có thể lãnh thọ giới này, kể cả phi nhân quỷ thần, súc sanh, trung ấm thân. Xin lưu ý khi truyền giới cho các Hương Linh thì truyền Tam Tụ Tịnh Giới, chứ không phải Ngũ giới.
- 5 giới :
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu.
Năm giới trên do người tại gia thọ. Đàn ông gọi là Ưu Bà Tắc, đàn bà gọi là Ưu Bà Di, hoặc gọi là Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ. Năm giới cũng gọi là Ngũ Học Xứ, Ngũ Đại Thí, Cận Sự Luật Nghi.
Theo Luận Thành Thật thì tùy theo hoàn cảnh của mình người tại gia có thể thọ 1 giới, 2 giới, 3 giới, 4 giới cho đến 5 giới. Như trường hợp người làm thợ săn hoặc chài lưới chưa thể thọ giới không sát sanh, chứ không bắt buộc phải thọ cả 5 giới.
- 8 giới :
Cũng gọi Bát Quan Trai Giới, Bát Trai Giới, Bát Chi Giới, gọi tắt là Bát Giới.
Bát Quan Trai Giới có nghĩa là giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 tiếng đồng hồ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi..
Người cư sĩ tại gia tu Bát Quan Trai Giới để tập sự làm tu sĩ xuất gia trong thời gian một ngày một đêm.
Tám Trai giới là :
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không dâm dục
- Không nói dối
- Không uống rượu
- Không xức nước hoa, thoa phấn sáp, không múa hát và đi xem nghe.
- Không nằm trên giường cao đẹp, sang trọng.
- Không ăn sau giờ Ngọ.
- 10 giới Thập Thiện. Có 2 Chỉ Ác và Hành Thiện.
Chỉ Ác | Hành Thiện | |
Thân giới | Không sát sanh | mà còn phóng sanh. |
Không trộm cắp | mà còn bố thí. | |
Không tà dâm | mà còn tịnh hạnh. | |
Khẩu giới | Không nói sai sự thật | mà nói lời thành thật. |
Không nói lời thêu dệt | mà nói lời ngay thẳng, không dua nịnh, không quanh co. | |
Không nói lưỡi hai chiều | mà nói lời hòa giải, đoàn kết. | |
Không nói lời thô ác, chửi rủa, mắng nhiếc | mà nói lời hòa nhã, dịu ngọt. | |
Ý giới | Không tham lam | mà còn xả thí. |
Không giận hờn | mà còn nhẫn nhục. | |
Không tà kiến | mà còn tu Huệ. |
Người Cư sĩ tại gia theo thứ tự thọ : Năm giới, Bát quan trai giới, Thập Thiện giới, cuối cùng thọ Tại gia Bồ Tát giới, gồm 6 giới trọng 28 giới khinh.
Về Giới của hàng Xuất gia thì có Sa Di 10 giới, Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới và Bồ Tát giới 10 giới trọng 48 giới khinh.
Ở đây chỉ xin trình bày và giải thích sơ lược 5 giới của hàng Cư sĩ tại gia. Năm giới này cũng là những giới căn bản của hàng Xuất gia.
Giới thứ nhất : Không sát sanh
Không sát sanh là không giết hại người và vật. Sát sanh có 3 hình thức :
- Tự mình giết
- Khiến người khác giết
- Thấy người khác giết mà mình tán thành hoan hỷ. Như trường hợp thấy người khác câu được cá mà trong lòng mình vui thích.
Người Phật tử không sát sanh vì 3 lý do :
- Vì tôn trọng sự sống của muôn loài, tất cả mọi loài đều ham sống sợ chết.
- Vì muốn tăng trưởng lòng Từ bi.
- Vì sợ giết lầm người thân thuộc trong nhiều đời – do luân hồi.
Trước đây báo có đăng tin tại Hãng Thịt Billy Fony Hongkong, một con trâu bị đem đến lò thịt, nó đứng khóc ròng (chảy nước mắt) đến nỗi những người đồ tể là những người chai sạn nhất, thế mà họ cũng phải cảm động, sau họ góp tiền mua con trâu này để nuôi, không giết.
Vì sao có chiến tranh ? Vì hận thù vay trả, trả vay, có bài thơ :
“Hằng ngày giữa bát canh ăn
Oán sâu như bể hận bằng non cao.
Muốn hay binh lửa thế nào
Lắng nghe quán thịt tiếng gào đêm thâu”.
“Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp
Hà sầu thế giới động binh đao”.
“Chiến tranh làm gì có khi người ta giữ giới không sát sanh”.
Người ta nói : “Miệng con người là một lò sát sanh, bao tử con người là nghĩa địa của các loài cầm thú!”.
“Trên trái đất này loài người là loài ác độc nhất”. Không phải là những lời quá đáng !
v Khi người Phật tử thọ giới không sát sanh phát nguyện :
“Ý thức được những khổ đau do sự sát sanh gây ra, con xin học theo hạnh Đại Bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài : Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con”.
Người gây nhân sát sanh sẽ bị các quả báo :
- Tâm thường ôm lòng độc ác, đời đời không dứt.
- Chúng sanh chán ghét không muốn thấy, sợ hãi như hổ lang.
- Khi ngủ thường thấy ác mộng, sợ sệt, lúc thức tâm cũng không an.
- Khi mạng chung tâm thần rồ dại, chết một cách khổ sở.
- Chết đọa tam đồ, sanh làm người phải bị chết yểu.
Giới thứ hai : Không trộm cắp
Hành tướng về trộm cắp có 3 : ăn cắp, ăn trộm và ăn cướp.
- Ăn cắp là lén lấy những vật dụng hoặc tiền bạc của người khác mà không cho họ thấy, như móc túi lấy tiền v.v... Ngày xưa từ này phần nhiều chỉ cho khi bị lấy những vật không đáng giá, thường gọi là ăn cắp vặt. Ngày nay người ta ăn cắp số lượng đến cả hàng trăm hàng ngàn tấn sắt, xi măng, phân bón... Những người rút ruột khi xây dựng nhà cửa, cầu cống, không những phạm tội trộm cắp, mà có khi phạm tội giết người khi nhà sập, cầu sập làm chết người. Người bán thuốc giả cũng có khi phạm tội làm chết người. Người buôn bán đong lường thiếu hụt, người thợ thuyền gian dối thời giờ đều thuộc về trộm cắp.
Ngày xưa, những ông quan tham nhũng, không những tham lam vơ vét của dân mà còn nhiều mưu kế quỷ quyệt để tránh tội nữa.
Có một người dân bị quan vu oan giá họa để tống tiền, quan hẹn ngày giờ mang tiền đến, đồng thời quan dàn cảnh quan đang cho heo ăn.
Sau có dịp, người dân đi kiện quan. Khi ra pháp đình, quan Khâm sai triều đình hỏi :
- Nhà ngươi đưa tiền cho quan huyện lúc nào?
- Bẩm quan Khâm sai, lúc quan huyện đang cho heo ăn.
- Lúc ấy quan huyện ăn mặc thế nào ?
- Dạ quan mình mặc áo bào, đầu đội mũ cánh chuồn.
Vì quá vô lý, mọi người trong pháp đình đều cười rộ. Hậu quả người dân đã không lấy lại được tiền mà còn bị tội vu cáo quan thanh liêm của triều đình.
- Ăn trộm : là chờ chủ vắng mặt, vào nhà lấy vật dụng, tiền bạc, châu báu cả ban đêm lẫn ban ngày.
- Ăn cướp : là ngay trước mặt người chủ mà dùng khí giới, thế lực để lấy của cải tiền bạc của kẻ khác. Xưa có câu ca dao :
“Con ơi nhớ lấy lời cha,
Trộm đêm là trộm, cướp ngày là quan”.
Lợi ích không trộm cắp :
- Tiền của có dư không bị nạn 5 nhà : vua quan cưỡng đoạt, trộm cướp cướp giật, nước trôi, nhà cháy, con hư phá tán.
- Được nhiều người kính mến, tin cậy.
- Không bị ai lừa đảo, gạt gẫm.
- Lòng được an ổn, ở chỗ đông người không lo sợ.
“Xâm lược làm gì có khi người ta giữ giới không trộm cướp”.
Tai hại của trộm cắp :
Bị những điều trái lại trên đây. Đời sau phải làm thân trâu, bò, lừa, ngựa, tôi tớ để trả nợ cũ.
“Tái sanh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ nần chưa trả cho ai
Hồn này thác xuống tuyền đài chưa tan”.
“Khoét vách đào tường chí những đâu,
Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu
Của người dầu có đời này được
Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu”.
Trần Thái Tông Hoàng đế
“Của làm ra để trên gác
Của cờ bạc để ngoài sân
Của phù vân để ngoài ngõ”.
“Người đời ngay thật là hơn
Tham lam gian lận sao còn được hay
Mưu sâu chất nặng chứa đầy
Nhà đều ăn cả, tội mang một mình”.
v Người Phật tử khi thọ trì giới Không trộm cắp, phát nguyện :
“Ý thức được những khổ đau do bị lường gạt, bị trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh Đại Từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thời giờ và năng lực của con với những kẻ thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ một tài vật nào của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, và cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài”.
Giới thứ ba : Không tà dâm
Tà dâm tức là nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp.
Luật dạy người xuất gia ly tục phải dứt hẳn dâm dục, vì dâm dục là nguồn gốc của sanh tử, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi vợ chồng được cưới hỏi đàng hoàng gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ làm việc phi pháp gọi là tà.
Phật cấm tà dâm vì những lý do sau đây :
- Tôn trọng sự công bình : Ai cũng muốn gia đình, vợ con mình đoan chánh, hạnh phúc, sao mình đi phá hoại gia cang của người khác.
- Bảo vệ hạnh phúc gia đình : Không có gì đau khổ, đen tối hơn, khi trong một gia đình mà người chồng hoặc vợ có dạ riêng tư, tà vạy. Hạnh phúc gia đình đâu còn khi vợ chồng không tin nhau. Điều kiện thiết yếu để giữ vững hạnh phúc gia đình chính là lòng chung thỉ của hai vợ chồng. Khi mà trong gia đình, vợ hoặc chồng có tà tâm thì sẽ xảy ra những vụ ghen tương, cãi vã, đánh đập, ly hôn và có khi xảy ra án mạng. Những trẻ em bỏ nhà đi lang thang bụi đời phần nhiều là do cha mẹ bất hòa, ly hôn mà ra.
v Người Phật tử khi thọ trì giới Không tà dâm phát nguyện :
“Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không quan hệ nam nữ với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây ra sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”.
Giới thứ tư : Không được nói sai sự thật
Nói sai sự thật có 4 cách : Nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều và nói lời thô ác.
- Nói dối hay nói láo : là nói không thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có; việc phải nói trái, việc trái nói phải; điều nghe nói không nghe, điều không nghe nói nghe; trước mặt khen ngợi, sau lưng thì chê bai; hoặc là khi ưa thì dịu ngọt thơm tho, khi ghét lại đắng cay chua chát; ý nghĩ một đàng miệng nói một ngã.
“Tin nhau buôn bán cùng nhau
Thiệt hơn hơn thiệt trước sau như lời”.
“Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng
Đặt nên điều nói bóng ngoài môi”.
Cao Bá Nhạ
“Cần gì Hội Nghị, Hòa Ước khi người ta giữ giới Không nói dối”.
“Những người không giữ đức “Thành Tín” thì chỉ lừa gạt được mọi người trong một thời gian nào đó, tai hại nhất là sau dù nói thật họ cũng không tin”.
* Câu chuyện thằng bé gạt mọi người “Nhà cháy”!
Ngày nay người ta dùng câu “Nói thế mà không phải thế” để chỉ cho sự nói dối.
Xưa bà Tăng Tử dỗ con đừng khóc sẽ làm heo cho con ăn, sau ông Tăng Tử làm heo thật – Vì ông nói không nên nói láo phỉnh con nít, làm mất uy tín làm cha mẹ.
Có người đến đòi nợ, bà mẹ bảo thằng con nhỏ ra nói với người ấy “Mẹ đi vắng”, thằng con nghĩ trước đây Mẹ mình dạy mình đừng nói dối, sao nay Mẹ lại nói dối. Thằng con ra nói với người đến đòi nợ: “Mẹ con ở trong nhà, nhưng Mẹ con bảo con ra nói với bà Mẹ con đi vắng”.
Xưa, vua nước Tề có lòng tham, biết nước Lỗ có một cái đỉnh quý, buộc nước Lỗ phải dâng cho nước Tề, nhưng sợ đem thứ giả, nên ra điều kiện là phải có Chính Nhạc Tử đem sang – vì Chính Nhạc Tử nổi tiếng là người không bao giờ nói dối.
Có lời khuyên :
“Nên tránh trong giây lát người nóng giận và xa lánh mãi người giả dối”.
- Nói lời thêu dệt : Việc ít xít cho nhiều. Trau tria lời nói câu văn, văn chương lả lơi khêu gợi dục tình làm cho người nghe phải loạn tâm; nói gần, nói xa, nói cao, nói thấp, nói bóng, nói dáng, nói biếm, nói bâm, nói châm, nói chích, làm cho người nghe sanh lòng tức giận; hoặc nói lời nịnh bợ tâng bốc để người nghe cho mình danh lợi.
“Ưa ai thì nói quá ưa
Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.
“Khi thương trái ấu cũng tròn
Khi ghét bồ hòn cũng méo”.
“Yêu ai vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
“Mật này ngon đã lạ đời
So vào với mía gấp nghìn gấp trăm”.
“Mật đâu dám sánh mía này
Vừa ngon vừa ngọt vừa dai vừa dòn”.
- Nói lưỡi hai chiều : nói nôm na hơn là nói “Đòn xóc nhọn hai đầu”, “Thọt bị thóc, thọc bị gạo”, “Thọc gậy bánh xe”. Nghĩa là đến chỗ này thì hùa với bên này để nói xấu bên kia; đến bên kia thì hùa với bên ấy để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân nhau trở lại chống đối nhau, kẻ ân người nghĩa trở thành oán thù nhau, hai nước đang hòa bình hữu nghị trở thành hận thù chiến tranh, mục đích của lời nói lưỡi hai chiều là để ly gián hai bên.
Ngày xưa, vua Ngụy đem dâng một người con gái đẹp cho vua Kinh, từ ngày có nàng con gái đẹp, vua Kinh lơ là với Trịnh Tụ phu nhân. Trịnh Tụ phu nhân* hết sức ganh ghét nàng con gái, nhưng bên ngoài bà giả đò rất thương yêu và tìm cơ hội để hãm hại nàng.
Một ngày nọ, Vua đi ngự du xa, nàng con gái có dịp tiếp xúc với Phu Nhân, hai bên trò chuyện thân mật. Nàng con gái thưa với Phu Nhân:
- Lâu nay Phu Nhân có nghe Hoàng Thượng khen chê em thế nào không ?
Phu Nhân có dịp để hãm hại, liền nói với nàng con gái :
- Hoàng Thượng rất thương em và khen em đẹp, nhưng tiếc một điều...
- Thưa Phu Nhân, điều gì ạ ?
- Hoàng Thượng có vẻ chê cái lỗ mũi em hơi xấu!
Nàng con gái thật tình thưa :
- Thưa Phu Nhân, có cách gì để sửa đổi chăng?
- Có gì đâu, từ giờ mỗi khi em gần Hoàng Thượng, thì em kiếm cách che cái lỗ mũi của mình đi !
Nghe lời Phu Nhân, sau khi Vua đi ngự du về, mỗi lần được gần gũi Vua, nàng con gái lại lấy cái khăn che cái lỗ mũi không đẹp của mình.
Vua lấy làm ngạc nhiên, Vua đem việc này hỏi Phu Nhân, Phu Nhân ấp úng :
- Tâu Hoàng Thượng, việc này Thần Thiếp biết nhưng không dám tâu...
Vua hỏi mãi Phu Nhân mới nói :
- Nàng nói hơi Vua hơi nặng mùi như...
- Như gì ?
- Như mùi chuột chết !
Thế là, Vua nổi trận lôi đình, ra lệnh xẻo mũi nàng con gái.
Từ đấy, Vua lại sủng ái Phu Nhân như cũ.
Ca dao nói về “lời nói lưỡi hai chiều” :
“Cá không ăn câu chê rằng cá dại
Cá mắc câu rồi bảo tại tham ăn”.
“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
Miệng không vành miệng méo bốn phương
Nếu mà cái lưỡi có xương
Thế gian sẽ bớt lắm đường thị phi”.
Trái với “Lời nói lưỡi hai chiều” là lời phân giải thông minh, làm cho hai bên hòa thuận, cứu được người.
Ngày xưa, Vua Cảnh Công định giết người giữ ngựa, vì người này để ngựa của Vua chết.
Án Tử tâu với Vua :
- Xin Hoàng Thượng cho hạ thần kể tội của nó trước khi giết.
Vua chấp thuận. Án Tử nói với người giữ ngựa :
- Ngươi có biết ngươi có hai tội lớn đáng chết không ? Một, ngươi giữ ngựa cho Hoàng Thượng mà để ngựa của Hoàng Thượng chết, mà lại là một con ngựa quý ! Hai, vì ngươi mà Vua mang tiếng xấu, xem mạng một con ngựa hơn mạng sống của một con người...
Vua lật đật ra lệnh :
- Thôi tha cho nó ! Ta không muốn mang tiếng là một ông vua hung bạo !
*
* *
Ôi ! Liên lạc văn minh, chìa khóa khoa học, cơ quan phát ngôn sự thật, lẽ phải, tụng kinh, cầu nguyện đều nhờ Cái Lưỡi. Mà nó cũng là mẹ đẻ của cãi cọ, chửi mắng, nói xấu..., nguồn gốc của mọi chia lìa, lỗi lầm, xuyên tạc, chiến tranh.
- Không nói lời thô ác : là nói những tiếng thô tục, cộc cằn, chửi rủa, mắng nhiếc, làm cho người nghe phải đau khổ, tức tối, buồn rầu, sợ hãi.
“Chẳng nên nói lời thô ác. Khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác, người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi; thương thay những lời nói thô ác trong lúc nóng giận chỉ làm cho các ngươi đau đớn khó chịu như dao gậy mà thôi”.
“Giết nhau chẳng mượn dao cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa !
Lời nói không mất tiền mua
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
v Người Phật tử khi thọ trì giới “Không nói sai sự thật”, phát nguyện :
“Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo các hạnh Chánh ngữ và lắng nghe để có thể dâng tặng niềm vui cho người và làm bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng; những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những lời sai với sự thật, những lời gây chia rẽ, gây căm thù. Con nguyện không ban truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện thực tập, lắng nghe với tâm Từ Bi, để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể tu học của con, những điều có thể gây nên chia rẽ và làm tan vỡ đoàn thể tu học của con. Con nguyện không nói những lỗi lầm của bất cứ một vị xuất gia nào ngoài Tăng thân con, và về bất cứ một đạo tràng nào khác, dù có khi con nghĩ là những lỗi lầm này có thật”.
Giới thứ năm : Không uống rượu
Rượu làm say mê, tối tăm trí não người uống rượu. Nó còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc, vì thuốc độc uống vào chết ngay, song chỉ giết một đời người thôi; chứ rượu làm cho con người cuồng tâm, mất trí, gây nên nhiều tội lỗi, chết đi sanh lại, luân hồi nhiều kiếp trong tối tăm si ám.
“Không rượu không say giữ tánh thường
Đừng mê hoa nguyệt, chẳng tai ương
Không nên bài bạc còn gia sản,
Giận tức mà dằn, họa khỏi vương”.
Tai hại của rượu :
- Của cải rơi mất
- Thân thể tật bệnh
- Tăng trưởng lòng giết hại
- Tâm sân hận bồng bột, ưa cãi lẫy
- Trí tuệ kém dần
- Phước đức tiêu mòn
- Sự nghiệp chẳng thành
- Tuổi thọ giảm bớt
- Thân tâm nhiều khổ
- Nói hết sự bí mật
- Gia đình rầy rà, con cái hư hỏng, tật bệnh.
- Mất hết tư cách giá trị con người.
(xin xem Phật Giáo với Đạo Đức)
Giới “Không uống rượu” thuộc về giới ngăn ngừa (già giới) như trước đã giải thích. Phạm giới này có thể dẫn dắt phạm các giới khác.
Ngày xưa, có một Ác thần buộc anh học trò phải làm một trong 3 điều : giết Mẹ, giết Chị, uống rượu.
Anh học trò nghĩ : Mẹ là người sanh thành mình, Chị là người ruột thịt mình, làm sao có thể giết hại được. Anh chấp nhận điều kiện thứ ba là uống rượu, vì anh nghĩ uống rượu thì có làm gì hại ai? Nhưng sau khi anh uống say, bà Mẹ quở la, người Chị cản ngăn, anh nổi giận giết cả hai người.
v Người Phật tử khi thọ trì “Giới Không uống rượu” phát nguyện :
“Ý thức được sự khổ đau do sự sử dụng rượu, các chất ma túy và các độc tố gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thức ăn, thức uống không có độc tố và không có tác dụng gây nên sự say sưa, tình trạng mất tự chủ của thân tâm và tình trạng nặng nề ốm đau của thân thể cũng như của tâm hồn. Con nguyện thực tập Chánh Niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con. Con nguyện không uống rượu và tiêu thụ sản phẩm có độc tố, trong đó có cả những sản phẩm sách báo và phim ảnh có chứa đựng bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù”.
- B. Những lời Đức Phật dạy về GIỚI :
“Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ”.
“Giới Luật là Thầy của các ngươi”.
Kinh Di Giáo
“Giới Luật là thọ mạng Phật Pháp
Giới Luật còn Phật Pháp còn”.
Luật Thiện Kiến
“Giới là đèn sáng lớn
Hay thiêu tối đêm dài,
Giới là gương thật báu
Soi khắp pháp thế gian,
Giới là thuyền bè lớn
Đưa người qua bể khổ,
Giới là ao thanh lương
Tắm gội trừ nhiệt não,
Mọi công đức lành, đều từ đấy phát sanh”.
Kinh Phạm Võng
“Muốn kiến lập Phật Pháp, duy trì Chánh giáo ở thế gian, cần phải tự mình thọ trì Giới Luật trước”.
Luật Ma Bá Tăng Kỳ
“Giới là thành trì ngăn chặn chúng sanh không đi vào con đường ác”.
“Giới là phao nổi để vượt qua bể khổ, nên người qua biển quý trọng phao nổi như thế nào, thì người tu hành cũng giữ gìn quý trọng Giới Luật như thế ấy”.
“Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người ấy được tiến hóa trong Giáo Pháp của Như Lai”.
“Phải tự tu tỉnh sống theo Chánh Pháp, mình không tu tỉnh làm sao dạy được người”.
Kinh Xuất Diệu
“Hãy sống đời Đạo Hạnh, tránh xa những lối sống đồi trụy, đời sống Đạo Hạnh tạo hạnh phúc trong kiếp hiện tại và những kiếp tương lai”.
“Này các ngươi ! Không có công đức gì lớn hơn cung kính và cúng dường Xá Lợi, nhưng công đức ấy hãy để lại cho các vị quốc vương trưởng giả làm; nhiệm vụ của người tu hành chúng ta là phải kết tập Pháp Tạng và thanh tịnh tu hành, làm sao cho Phật Pháp ở thế gian thường còn không tiêu diệt”.
Sơ Tổ Đại Ca Diếp
- C. Lợi ích của người Trì Giới :
- Không đọa địa ngục
- Không đọa vào loài quỷ đói
- Không đọa vào loài súc sinh
- Không đọa vào loài A Tu La
- Thường được sanh làm người, chánh kiến xuất gia, đắc đạo Niết Bàn.
- Được sanh lên các cõi Trời
- Thường làm Phạm Thiên
- Gặp Phật ra đời, thỉnh Phật thuyết pháp và được giác ngộ.
Kinh Thập Thiện Giới
- D. Những mẫu chuyện về Trì Giới
Công đức trì giới
Xưa ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều qui y Tam Bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
Trong huyện, có một người con nhà dòng dõi, sắp đi buôn tha phương. Trước khi đi, cha mẹ cặn kẻ dặn rằng : “Con nên cố gắng siêng năng, giữ gìn năm giới cấm, thực hành mười điều thiện và tuyệt đối chớ uống rượu, phạm đến trọng giới của Phật”.
Người con vui vẻ ra đi, khi tới xứ khác vừa gặp người bạn đồng học cùng nhau chuyện trò tương đắc vui vẻ lắm. Bạn mời về nhà, đem rượu Bồ đào ra đãi. Người ấy tự cười nói rằng: “Nước tôi toàn giữ năm giới cấm của Phật, không một ai dám uống rượu; vì nếu uống rượu thì đời sau sẽ phải ngu si đần độn không thấy được Phật. Vả lại khi ra đi, cha mẹ tôi khuyên không nên uống rượu. Bây giờ tôi phạm giới cấm, tức trái mệnh lệnh của cha mẹ, tội ấy chẳng gì lớn bằng. Chúng ta là bạn tâm giao lâu ngày, được gặp nhau không gì mừng rỡ hơn nữa. Nhưng bạn chớ làm tôi phạm giới cấm của Phật và trái lời dạy của song thân tôi”.
Người bạn tiếp lời: “Chúng ta là bạn đồng học một Thầy, coi như anh em ruột thịt; cha mẹ tôi cũng như cha mẹ anh, với cha mẹ, chúng ta có bổn phận kính thờ, không được trái mạng. Tôi nếu ở bên nhà anh là phải tuân theo ý muốn của cha mẹ anh, nhưng nay anh ở nhà tôi anh nên tùy thuận ý của cha mẹ tôi mới phải”.
Trước sự khẩn khoản của lòng bạn, anh ta phải uống rượu, uống xong anh ta say luôn trong ba ngày, không biết gì, khi tỉnh anh ta ăn năn lo sợ vô cùng.
Công việc xong, người ấy trở về nhà trình lỗi của mình cho cha mẹ rõ; cha mẹ tức giận mắng rằng: “Ngươi trái lời ta, phạm cấm giới thật là loạn pháp, không phải đứa con thảo”. Tự nghĩ làm gương trước cho mọi người trong xứ, cha mẹ bèn thâu hết đồ đạc của đứa con, rồi đuổi ra khỏi nhà. Người con bị đuổi bèn đi qua nước khác, xin ở đậu trong một cái nhà. Chủ nhà ấy là người thờ phụng quỉ thần, thứ quỉ thần rất khôn ngoan, hay hiện ra thân người, ăn uống nói chuyện, chủ nhà ấy hết lòng tin tưởng với quỉ thần. Vì phải thờ phụng lâu năm mệt nhọc, của tiền hết sạch, trong nhà người bệnh chết xảy ra luôn, quỉ thần không cứu gì cả. Quỉ thần hiểu ý chủ nhà, liền bảo với nhau “Nhà này của tiền hết sạch cũng chính vì chúng ta. Đã lâu chúng ta chưa làm được gì lợi ích cho chủ, nên chủ chán nản là phải lắm. Bây giờ chúng ta phải kiếm đồ trân bảo đem về biếu chủ, để chủ vui lòng”. Nói rồi, cùng nhau đi lấy trộm vàng bạc trong kho nhà vua của nước khác, đem về giấu ở sau vườn rồi bảo chủ nhà rằng: “Ngươi có công nhọc, nay ta muốn ban phước cho ngươi được giàu có. Sau vườn nhà ngươi có một tráp vàng bạc, ta cho ngươi đó”. Chủ nhà ra vườn tìm thấy tráp vàng, sung sướng lắm, sáng sớm thết tiệc rất long trọng mời thần tạ ân.
Thần vừa đến cửa, thấy trong nhà có bóng người ở nước Xá Vệ, liền tránh không đi vào. Chủ nhà chạy ra cố mời trở lại. Thần trả lời: “Trong nhà ngươi có vị Tôn Khách ta đâu dám vào”. Nói xong rồi tỏ vẻ sỡ hãi bỏ chạy. Chủ nhà nghĩ trong nhà chỉ có một mình người khách này thôi, liền kính cẩn đến thưa rằng: “Xin mời ngài đến dự tiệc với chúng tôi cho vui”. Ăn uống xong chủ nhà hỏi vị Tôn Khách rằng: “Ngài có công đức gì mà vị thần của tôi thờ phụng sợ hãi ngài mà phải tránh đi?”.
Vị Tôn Khách trả lời: “Tôi chỉ có công đức thọ trì năm giới và mười điều thiện của đức Phật. Tôi vì phạm một giới uống rượu, bị cha mẹ đuổi, qua trọ tại đây. Nhưng còn giữ được bốn giới nên thiên thần ủng hộ, còn thần của ngươi thờ phụng là thứ tà thần ác quỉ làm sao sánh kịp!”
Chủ nhà thưa rằng: “Tôi thờ các vị thần này đã lâu rồi, không có ích lợi gì nên tôi chán quá, mong ngài hoan hỷ dạy cho”. Nói rồi bèn theo vị Tôn Khách thọ trì Tam qui Ngũ giới và pháp Thập thiện. Thọ xong một lòng tinh tấn siêng năng phụng trì không hề hủy phạm. Một hôm người chủ nhà hỏi vị Tôn Khách rằng: “Đức Phật hiện nay ở đâu? Có thể đến yết kiến Ngài được không?” Tôn Khách trả lời: “Đức Phật hiện nay ở nước Xá Vệ trong vườn ông Cấp Cô Độc, qua đó sẽ được yết kiến Ngài”.
Nghe vậy, người chủ nhà rất sung sướng, quyết qua Xá Vệ để yết kiến Phật. Giữa đường trời tối ghé lại xin trọ một nhà thiếu nữ xinh đẹp. Thiếu nữ ấy chính là vợ một con quỉ ăn thịt người. Thiếu nữ liền can rằng: “Ông chớ ở lại đây, nên đi gấp tốt hơn”. Người ấy hỏi có gì nguy hiểm chăng? Thiếu nữ tỏ ý không bằng lòng nói rằng: “Tôi đã nói với ông như vậy, ông còn hỏi làm gì nữa”. Người kia tự nghĩ: “Người ở nước Xá Vệ chỉ giữ 4 giới của Phật còn khiến cho quỉ thần sợ hãi thay, huống chi ta đã thọ trì chắc chắn pháp Tam qui Ngũ giới và Thập thiện của Phật”. Nghĩ vậy, nhất định ở lại không chịu đi. Đêm ấy, con quỉ ăn thịt người về nhà thấy có khách oai thần và công đức trì giới nên phải lẩn quẩn ngoài hè, rồi đi trọ đêm nơi nhà hàng xóm cách xa đến 40 dặm. Sớm mai người ấy lên đường để đi qua Xá Vệ. Ra khỏi cửa ngõ, thấy thây chết xương máu đầy đường, do quỉ ăn thịt người đã ăn xả.
Cảnh tượng ấy khiến người kia quá sợ hãi và hối hận rằng: “Nước ta sẵn đủ áo mặc, cơm ăn, nhà ở, không thiếu món chi ở nhà chẳng sướng hơn sao? Ta tưởng đến được yết kiến Phật và coi sự kỳ diệu của Ngài, ngờ đâu lại gặp hài cốt rùng rợn như vậy”. Nghĩ xong chàng sanh tà ý muốn trở về khuyên người thiếu nữ kia theo mình trở về nước, cùng nhau chung sống trăm năm. Khi về đến nhà thiếu nữ xin ở lại. Thiếu nữ hỏi: “Sao ông phải trở lui vậy?” Người kia đáp: “Hành kế không thành nên tôi phải trở lui, mong nàng cho tôi ở tạm một đêm”. Thiếu nữ nói: “Ông ở lại đây chắc phải chết vì chồng tôi. Chồng tôi là quỉ ăn thịt người và sắp về đến. Ông nên đi gấp tốt hơn”. Người ấy không tin năn nỉ xin ở lại cho được và trước sắc đẹp của thiếu nữ, người ấy khởi nhiều ý niệm không tốt đẹp, không còn tin pháp Tam qui Ngũ giới và Thập thiện của Phật. Vị thiên thần hộ giới liền bỏ đi không ủng hộ cho người ấy nữa.
Quỉ ăn thịt người được dịp thuận tiện trở về. Thiếu nữ sợ chồng ăn thịt người kia tội nghiệp nên đem lòng thương hại, giấu người kia trong một cái lu. Quỉ bắt hơi người bảo vợ: “Mình có kiếm được thịt người phải không? Bây giờ ta thèm ăn lắm”. Vợ trả lời: “Tôi không đi đâu cả làm chi có thịt, sao hôm qua không thấy anh về?”. Con quỉ nói: “Hôm qua trong nhà có vị Tôn Khách nên ta phải đi tránh”. Người ở trong lu nghe vậy càng thêm sợ hãi, đến nỗi không nhớ gì đến pháp Tam qui Ngũ giới của mình đã thọ. Người vợ hỏi tiếp: “Vì lẽ gì anh không kiếm được thịt?”. Quỉ trả lời: “Vì trong nhà có vị đệ tử của Phật ở lại, nên thiên thần đuổi ta đi xa ngoài bốn mươi dặm, phải ngủ trống giữa trời một đêm rất là sợ hãi, đến bây giờ vẫn chưa hoàn hồn, cho nên không kiếm được thịt”. Người vợ nghe vậy rất mừng thầm, mới hỏi chồng: “Làm thế nào được nghe và phụng trì giới cấm của Phật?”. Quỉ trả lời: “Bây giờ ta đói lắm, lấy thịt cho ta ăn đã, không nên hỏi việc ấy vội. Giới là pháp vô thượng chân chánh của đức Như Lai, ta đâu dám nói đến”. Người vợ cố năn nỉ: “Anh hãy vì tôi nói đi, tôi sẽ lấy thịt cho anh ăn”. Giống quỉ tham ăn đã sẵn, thèm ăn lắm, lại thêm vợ cố hỏi, buộc phải nói Tam qui Ngũ giới cho vợ nghe.
Pháp Tam qui là :
1.Qui y Phật
2.Qui y Pháp
3.Qui y Tăng
Ngũ giới là :
1.Không sát sanh
2.Không trộm cắp
3.Không tà dâm
4.Không nói dối
- Không uống rượu
Khi quỉ vừa nói giới đầu, người vợ nghe liền định tâm lãnh thọ, lần lượt nói hết năm giới, thì vợ quỉ rất sung sướng nhất tâm chấp trì, và miệng đọc tụng không nghỉ. Người giấu ở trong lu nghe lại được pháp Tam qui Ngũ giới rất lấy làm hổ thẹn và vui mừng, tự tâm lãnh thọ trở lại.
Thiên Đế Thích biết hai người này đã phát tâm qui y Phật, thọ trì 5 giới, bèn phái 50 thiên thần đến ủng hộ hai người ấy. Quỉ ăn thịt người sợ hãi phải trốn đi nơi khác.
Đến sáng, vợ quỉ hỏi người giấu trong lu: “Những chuyện vừa qua ông có sợ không?” Người kia trả lời: “Sợ lắm, nhưng được cái may nhờ ân giả, mà tôi ngày nay được hiểu biết oai thần và công đức giới pháp của Phật!”.
Vợ quỉ hỏi tiếp: “Hôm qua ông trở lui làm gì vậy?”, “Vì tôi thấy hài cốt đầy đường nên quá sợ hãi mà trở lui”.
Vợ quỉ mới nói rằng: “Hài cốt đó chính tôi bỏ đấy. Tôi đây vốn con nhà lương thiện, không may bị quỉ bắt về làm vợ, tôi buồn khổ vô cùng, nhưng chẳng biết bày tỏ cùng ai và không biết làm sao để trốn thoát. Ngày nay, nhờ ân nhân giả tôi được thọ năm cấm giới của Phật và được xa lánh con quỉ ác độc này thật là hạnh phúc cho tôi, bây giờ nhân giả định đi đâu?”.
“Tôi cần qua nước Xá Vệ để yết kiến Phật”. Thiếu nữ nghe rất lấy làm sung sướng khen rằng: “Hay lắm thay! Tôi sẽ về nhà đem cha mẹ tôi theo nhân giả đi yết kiến Phật”. Nói xong, cùng nhau lên đường. Đi được nửa đường thì gặp một đoàn 498 người ở bên nước Xá Vệ đi về. Người kia và thiếu nữ mới hỏi: “Các hiền giả đi đâu đông thế?”.
“Chúng tôi đi yết kiến Phật về đây”.
“Chúng tôi sắp qua nước Xá Vệ, chúng tôi nhờ thọ trì Tam qui Ngũ giới và mười điều Thiện của Phật nên mới thoát khỏi nạn quỉ ăn thịt. Nay chúng tôi muốn qua yết kiến Ngài để tạ ơn và nghe thuyết pháp”.
“Phật thuyết pháp suốt ngày, nhưng chúng tôi ngu độn chưa hiểu được rõ. Nay trở về nước được gặp hai hiền giả và được nghe hai hiền giả cho biết công đức của người trì giới, nên bây giờ chúng tôi mới hiểu rõ công đức Giới Pháp của Phật. Chúng tôi xin theo hai hiền giả trở lui một lần nữa để yết kiến Phật”.
Phật ở xa trông thấy đoàn người kéo đến liền mỉm cười chói tỏa hào quang năm sắc, tôn giả A Nan liền bước ra quỳ sát đất, trong tâm nghĩ ngợi, chắc Phật sắp dạy điều gì đây.
Phật bảo A Nan: “Ngươi có hiểu không, ngươi có thấy 498 người khi nãy trở về đây không?”
A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, con có thấy”.
Đức Phật thuật lại tất cả việc xảy ra và bảo: “498 người đó ngày nay đã gặp được thầy và đã được thấy Phật, rồi đây họ sẽ đắc đạo không lâu”.
Cả 500 người đến trước Phật đảnh lễ một cách rất thành kính và nhất tâm thính pháp, mọi người đều được tâm ý thông suốt thành các bậc Sa Môn và chứng được đạo quả A La Hán.
Phật dạy A Nan và chúng hội rằng: “Các ngươi nên biết người phạm giới kia với thiếu nữ vợ con quỉ ăn thịt người là anh em trong nhiều đời vậy. Hai người này đời trước chính là thầy của 498 người kia đó, chớ không phải ai xa lạ”.
Người đời phát tâm tu hành cầu đạo, thọ trì giới pháp, cầu gặp được thầy hiền bạn tốt thì sự tu hành mới mong kết quả.
Phật dạy đến đây, các vị Tỳ Kheo, 500 người ấy, và tất cả chúng hội đều sung sướng vui mừng, đảnh lễ Phật, và nguyện nhất tâm giữ gìn tịnh giới.
Chân Thuyên
Gần Phật và Xa Phật
Một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ, tại Tịnh xá Kỳ Hoàn thuyết pháp cho Chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân học Tỳ Kheo muốn yết kiến Đức Phật. Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời tiết hạn hán, nên suối hồ đều cạn. Hai người khi đi ngang qua đồng bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ thì bị đầy những trùng, không thể uống được.
Hai người mới bàn với nhau rằng: “Chúng ta từ xa lại, cốt trông mong chiêm ngưỡng Đức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”.
Một người nói rằng: “Thôi ta hãy tạm uống để khỏi chết, có vậy mới gặp được Phật, vả lại ta uống cũng không ai biết !”
Người kia đáp rằng: “Giới Luật Đức Phật chế ra, lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để mình được sống thì dù thấy Phật cũng không ích gì! Thà rằng giữ giới chịu chết, chứ không phạm giới mà được sống”.
Người đầu theo ý riêng của mình uống nước đỡ khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng được sanh lên cõi trời Đao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết mình ở kiếp trước nhờ giữ được giới nên sanh Thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báo chẳng xa vậy. Nghĩ như thế, bèn đem hương hoa đến lễ Phật rồi đứng hầu một bên.
Còn người uống nước, phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đấng Chí Tôn oai nghiêm, người liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch Phật rằng:
- Con còn một người bạn muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong đức Thế Tôn biết cho.
Đức Phật trả lời:
- Ta đã rõ rồi.
Liền lấy tay chỉ vị Tiên nhân đứng hầu một bên mà nói rằng:
- Người Tiên nhân này chính là người bạn của ngươi đó. Người này nhờ giữ trọn giới luật nên được sanh lên cõi Trời và được gặp ta trước ngươi.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn chỉ tay về phía người kia mà bảo rằng:
- Ngươi tuy thấy hình ta mà không giữ Giới Luật của ta, thì tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta hàng ngàn vạn dặm nhưng giữ Giới Luật thì người ấy tất đứng trước mặt ta.
Thầy Tỳ Kheo nghe lời Phật quở bèn tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối, yên lặng suy nghĩ lời Phật dạy. Còn vị Tiên nhân sanh tâm hoan hỷ, chứng được Pháp nhãn, trong chúng hội hoan hỷ phụng hành.
Minh Châu
Đi biển tìm vàng
hay là Tai hại của sự phá giới
Thuở xưa, có một đoàn lái buôn nghe đồn ở ven biển nọ có rất nhiều vàng. Ai cũng nô nức quyết chí thả buồm đi tìm, ngặt nỗi đường lối xa gần, Bắc Nam phương hướng, không một người am hiểu. Trong lúc băn khoăn lo nghĩ, một khách lạ đến, tự xưng là biết nẻo, và xin làm người dẫn đạo. Cả đoàn đều hoan hỷ, hấp tấp sắp đặt cuộc viễn hành, trong lòng mọi người đều chứa chan hy vọng.
Ngày ra đi đã đến, nét vui sướng càng hiện trên mọi mặt. Nhưng lúc chia tay với gia đình, sự hăng hái không khỏi bị giảm vài phân.
Thuyền nhổ neo, kẻ dưới trông lên, người trên dòm xuống, lời chúc may, tiếng giã từ, tạo thành một bức tranh trên đó nhiều nét tươi sáng pha lộn với những điểm âm u. Nhưng can gì ! Chỉ một phen xa cách để rồi đoàn tụ trong cảnh giàu sang. Vì vậy mà tay chèo, tay lái, người người đều sung sướng reo hò.
Thuyền đã ra khỏi biên thùy, đà công ra lệnh trương buồm, thả xuôi theo làn gió. Cảnh trời nước mênh mông làm cho khách trên thuyền thấy tâm hồn thơ thới, như cất được gánh nặng ngàn cân. Được rảnh tay, kẻ trầu người thuốc, quây quần bàn chuyện tương lai. Anh định tậu ruộng, anh muốn cất nhà, mỗi người mỗi ý, nhưng không ngoài cái tham vọng tô điểm đời sống, để cho gia đình thêm phần no ấm, vui tươi.
Thuyền sắp vào eo biển, một bên là đất liền, bãi cát trắng phơi màu dưới ánh mặt trời đã xiên, còn một bên là bãi đá gập ghềnh sóng tung đổ bọt.
- Quái ! Ai lại cặm bảng ngoài khơi, tiếng anh cầm lái thốt lên trong tiếng gió rì rào. Ai biết chữ đọc thử xem nào?
Thật, lưng chừng một cái đảo con, một tấm bảng to tướng được cắm chặt xuống đất, trên mặt bảng có mấy dòng chữ nét đậm ở xa vẫn thấy rõ: “Phải nạp một mạng người lễ Thần mới được đi ngang qua đây”.
Ban sơ, hình như không ai lấy làm quan tâm, có người còn cho là lời hăm dọa của kẻ thích khôi hài. Nhưng ngọn gió xem chừng lần lần thổi mạnh, trong khi xa xa vài đám mây đen lơ lửng trên nền trời xám sậm. Đà công lo lắng:
- Có lẽ dông đến ! Anh em nên đề phòng.
- Dông tố gì, anh khéo lo ! – Một người trong thuyền nói.
- Anh không nghe tiếng gió càng ngày càng rít lên, và kia là những ngọn mây đen đang đùn cuốn?
Cả thuyền im lặng, nghe ngóng và trông ra xa. Anh đà công có lý. Tình trạng biển cả có phần thay đổi hiểm nghèo. Trước không ai để ý chỉ vì mắc bàn chuyện tương lai. Cái vui xây đắp mộng bỗng tan như bọt nước, nhường chỗ cho một cái lo âu.
- Thế là Thần linh thật.
Câu nói vừa thốt ra ở cửa miệng, một người lớn tuổi nhất trong đoàn, làm cho tất cả đăm chiêu nghĩ ngợi. Ai là người chịu hy sinh cho toàn thể? Xem đi xét lại, tất cả đều là quyến thuộc, tay chặt tay há lại không đau? Lại nữa, khi về đến quê nhà, sẽ ăn làm sao, nói làm sao với vợ con người bạc phúc.
Một tiếng thì thào :
- Thôi thì đành vậy, chúng ta hãy nhờ ông dẫn đường cứu độ cho. Ông đã già mà tông tích không ai biết, có tiến cho Thần thì cũng là một việc phúc đức, ông để về sau cho con cháu… nếu ông có con cháu.
Một người cãi :
- Rồi ai chỉ đường dẫn nẻo cho ta?
- Khó gì, tiếng kia đáp lại. – Ông đã chỉ cho chúng ta đi hướng này, thì cứ theo đó mà tiến, ắt phải gặp nơi bòn vàng.
Vụt một cái, gió thổi mạnh vào mảnh buồm làm thuyền nghiêng hẳn một bên, be gần chấm nước. Mọi người xanh mặt. Tiếng thì thào lúc nãy, trở nên to lớn, và quyết liệt :
- Sống chết trong lúc này, không còn bần dùng nữa. Các anh hãy nghe lời tôi. Kíp đi !
Nghe động, cụ lão dẫn đạo trong mui chui ra, chưa kịp hỏi gì thì cả bọn bu quanh cụ, miệng la: “Cụ cứu cho”. Rồi những bắp tay lực lưỡng túm lấy cụ và liệng quách xuống nước đang nổi sóng.
Thuyền lắc lư lướt tới, để lại sau một đống bọt trắng dịu lần rồi tan mất, như khói đốt đồng. Đoàn lái buôn quỳ xuống chấp tay khấn niệm, xin Thần bỏ cơn lôi đình mà nạp lễ cho. Tất cả đều tin tưởng Thần sẽ làm cho gió lặng sóng êm, nhưng lạ thay và cũng kinh hãi thay, phong ba càng lúc lại càng mạnh, thuyền hụp xuống rồi trồi lên, bị vỡ ở mũi, bị đánh ở hông, làm cho khách trong thuyền đầu mình ướt dầm, lật qua ngã lại, phải bám vào cột chèo vào then hầm mới giữ được thế quân bình. Tiếng van vái to hơn lúc trước dầu rằng mỗi người đều cổ khô, giọng lạc, bỗng, ầm một cái, một ngọn sóng to chụp lấy thuyền như mãnh hổ vồ lấy hươu con, giữa tiếng kêu cứu thất thanh.
Rồi sóng cứ gào, gió cứ thét…
Trí Tánh
“Hỡi người muốn vượt biển khổ thế gian để tìm vàng hạnh phúc ! Chớ bắt chước đoàn lái buôn kia tiếc thân giả tạm mà hy sinh người dẫn đường cho ma quỉ dục lạc. Người dẫn đường bây giờ là Giới Luật vậy. Giới Luật mất rồi, nên tin chắc rằng trầm luân không bao giờ ra khỏi”.
- V. KẾT LUẬN :
Nhờ trì giới mà con người không còn hận thù giết hại nhau, không còn tham lam của phi nghĩa, không còn chơi bời đàng điếm, không còn dối trá điêu ngoa lừa đảo mọi người, không còn nhậu nhẹt say sưa.
Đối với xã hội – Một người trì giới, một đoàn thể trì giới, người người đều trì giới thì chắc chắn xã hội, thế giới sẽ hòa bình, trật tự, an ninh, an vui, hạnh phúc. Ban đêm nhà nhà không cần đóng cửa, của rơi không có người lượm, xe không cần khóa, công an cảnh sát không cần tuần tra, tòa án không còn việc làm, nhà tù biến thành trường học…
Nguyện cầu : Người người đều trì giới. Mong lắm thay !
Nguyện cầu Thế giới Hòa Bình,
Chúng sanh an lạc.
Tập bài giảng này do :
Địa chỉ liên lạc:
Thầy MINH CHIẾU
Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,
Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0612.643334
đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)