Hồ Đắc Duy – HUYỀN THOẠI VỀ NGÀI HỒ QUẢN LÃNH THỦY TỔ HỌ HỒ ĐẮC
Ngài thủy tổ họ Hồ Đắc làng An Truyển, xã Phú An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế vốn là gốc từ ngoài bắc vào lập nghiệp thường được dân làng gọi là Hồ Quản Lãnh, ông là người vào miền nam nước Đại Việt ngay từ đầu khi 2 châu Ô Lý của Champa sát nhập vào nước ta vào năm 1307 dưới thời vua Trần Anh Tông, khai khẩn, vỡ đất cùng với những người khác mang họ Huỳnh, họ Nguyễn, họ Đoàn cùng nhau lập thành làng An Truyền.
An Truyền là vùng đất ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, là một làng chài lưới chỉ là môt doi đất, một bán đảo lúc đầu khởi nghiệp chỉ dài vài trăm mét về sau nhờ sự bồi lắng lấp đầy phù sa của hạ lưu sông Hương mà càng ngày càng gia tăng diên tích và độ cao.
Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã mô tả địa lý vùng ven biển châu Hóa khá chi tiết, nhất là vùng đầm gồm có phá Tam Giang, đầm Sam, đầm La Bích, đầm Mỹ Á, đầm Tô Đà, đầm An Truyền, đầm Thanh Lam, đầm Võng, đầm Hà Lạc, đầm An Xuân, đầm An Gia, đầm Giáo Liêm, đầm Diêm Hà, đầm Hà Bá, đầm Hà Trung. Cửa biển ăn thông với toàn bộ khu vực đầm phá này, phiá bắc là cửa Eo sau gọi là cửa Thuân An, phía nam là cửa Tư Hiền, từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền là 77 dặm.
Hiện nay khi quan sát thực địa thì làng An Truyền được bao quanh 3 mặt là đầm phá, phía bắc là đầm An Truyền, phía trước là đầm Thuận An, phía nam là đầm Sam.
Măt trước và mặt phía nam của bán đảo này xuất hiện rất nhiều cồn đất, nhỏ lớn xen nhau có cà vài trăm cái tạo thành môt quần thể cồn. Cồn nổi nhô lên từ dưới nước có khi cao hơn mặt nước 2 đến 3 mét, bản chất của cồn là phù sa tạo nên, đất là đất thịt rất màu mỡ. Các cồn nổi tiếng trong vùng An Truyền là cồn xóm Đồng, cồn Giấy, cồn Theo, cồn Trai, cồn Đá, cồn Nậy…
Trong các cồn thì cồn xóm Đồng có diện tích lớn nhất; cách đây vài thế kỷ trên cồn này có một xóm nhà vài chục nóc gia cư ngụ nhưng về sau vì khó khăn giao thông cách trở đò giang đi lại nên dần dần không còn ai ở đó nữa.
Lăng mộ của ngài thủy tổ họ Hồ Đắc làng An Truyển nằm trên cồn xóm Đồng bên cạnh mộ tổ của họ Huỳnh. Đứng xa 7, 8 km người ta còn thấy rõ 2 trụ biểu vươn cao vút lên trời của lăng ngài thủy tổ họ Hồ Đắc, lăng mộ ngài được xây dựng rất kiên cố, có trụ biểu, có hồ sen, có cầu kiều, có sông bao quanh ngoằn ngoèo uốn lượn, có la thành, có bậc đá đi lên nhà bia, có lối đi xuống hồ sen, bên tả bên hữu đều nghiêm trang thứ tự. Lăng tọa vị theo hướng chính đông, có tả thanh long hữu bạch hổ, có cồn cát vây quanh, có minh đường thủy tụ, trước có biển, sau lại dựa lưng vào núi đúng là một cảnh trí hùng vĩ tuyệt vời hiếm có. Thế đất là vậy, nét phong thủy là vây nhưng đứng lâu nhìn xa mới thấy đươc nét hiền hòa, chất phát của khu lăng mộ ngài thủy tổ họ Hồ Đắc, nó thật vĩ đại cho con cháu nhưng thật là vô cùng khiêm tốn với quốc gia dân tộc. Trời cao đất rộng, bát ngát vùng đầm phá mênh mông phía trước, trùng trùng điệp điệp dãy Trường Sơn vĩ đại sau lưng là một nơi yên nghĩ cho ngài.
TRỤ BIỂU CỦA LĂNG NGÀI THUY TỔ
khai canh, thủy tổ họ Hồ Đắc làng Chuồn này, nơi mà hàng năm trong dip thanh minh tảo mộ giòng họ con cháu đến chiêm bái.
Khi thăm viếng ngôi mộ tổ họ Hồ Đắc, con cháu tinh mắt lắm mới thấy lời di huấn của các bậc tiền nhân để lại cho các hậu duệ nằm tàng ẩn ngủ vùi sau tấm bia, đó là một ấn tộc với chữ:
Lăng mộ của ngài thủy tổ họ Hồ Đắc có rất nhiều ẩn số, nếu không phải là con cháu của ngài thì không thể biết được những câu chuyện, những huyền thoại về ngài.
Trên chóp của hai trụ biểu có hình của 2 con vật, nhưng nhìn kỹ bằng ống nhòm thì ngay các chuyên gia thiết kế chuyên xây cất trụ biểu cũng khó lòng mà xác nhận con vật đó là con gì?sư tử cái, con hổ, con báo, con nghê, tỳ hưu hay kỳ lân…? Thông thường người ta dùng Long, kỳ lân, Qui (rùa), phụng (chim), ngư (cá), thiềm thừ (cóc), ngưu (trâu), mãng xà (rắn), sư tử, hổ, báo… tỳ hưu hay các linh vật khác để làm biểu tượng.
Con vật trên 2 trụ biểu của lăng mộ của ngài thủy tổ là một loài linh vật, một con vật huyền thoại của riêng cho giòng họ Hồ Đắc như con Tỳ hưu của hoàng đế Minh Thái Tổ lúc khởi nghiệp, cũng như câu chuyện giữa vua Càn Long và Hòa Thân, hoặc giấc mơ về chữ Phúc của vợ của chúa Nguyễn Hoàng.
Huyền thoại của ngài thủy tổ khi bắt đầu khởi nghiệp
Vào năm Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 (1307), sau khi vua Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá, vua sai quan Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào trấn nhậm miền đất mới. Có rất nhiều cư dân người Viêt muốn vào vùng đất mới để lập nghiệp. Theo đoàn di dân bằng đường biển có một chàng thanh niên họ Hồ khỏe mạnh với một ít dụng cụ dao, rựa, cuốc, xẻng và một chú chó mang theo. Chỉ sau vài ngày vượt biển họ đến cửa Eo tức là cửa Thuận An ngày nay, ở đây là một vùng đầm phá rộng lớn đất đai phì nhiêu, tôm cá nhiều không kể xiết, một thiên đàng lý tưởng cho những người di dân. Họ cắm lều đóng cọc và định cư ngay ven bờ đầm phá nơi họ vừa mới đến. Một khu vực rộng lớn được khai hoang dọc theo bờ nam của Linh Giang nay là cửa sông Hương đổ vào hệ thống Phá Tam Giang – Cầu Hai.
Sau 2 năm khai phá không mệt mỏi, như mọi ngày khi hai thầy trò, chàng thanh niên họ Hồ và chú chó tinh khôn trở về túp lều, thường lệ khi về đến nhà là chú chó biến mất vào rừng ngay còn chàng thanh niên nhóm bếp nấu cơm. Chỉ một thoáng sau chú chó tha về có khi là một con chồn, khi thì con thỏ rừng, khi thì một con cá. Có một ngày, đợi lâu quá không thấy chú chó trở về, chàng thanh niên bèn đi vào rừng tìm con vật thân yêu và gọi nó, hôm đó con chó mang về một con nhím to tướng nhưng lông nó ướt sũng. Hai thầy trò được một bữa ăn uống no nê, và kể từ hôm đó về sau, chiếu tối nào chú chó cũng về muộn, lông nó cũng ướt sũng, chàng trai lấy làm lạ. Bỗng một hôm chú chó cắn tay áo và kéo chàng trai đi sâu vào khu rừng về phía nam chừng 2 dặm, cây cối thưa dần, chú chó chợt biến mất; chàng thanh niên đi theo tiếng chó sủa vẳng lại và chợt trước mặt hiện ra một vũng nước rất lớn, con chó cúi đầu xuống uống một cách ngon lành, chàng nếm thử, nước ngọt lịm thơm thoang thoảng mùi Thủy xương bồ, một loại cây thường mọc ở đầm lầy. Thật là kì diệu, một ao nước ngọt giữa một vùng đầm lầy chung quanh nước mặn!
LINH VẬT TRÊN TRỤ BIỂU
Trở về căn lều, gác tay lên trán, trong giấc mơ có môt vị thần to lớn hiện ra nói với chàng: “Ta ban nhà ngươi một mảnh đất trù phú để cho ngươi và con cháu đời đời an nghiệp. Chàng nghĩ “không lẽ chỉ có một mình và con cháu ta hưởng ơn phúc của trời cho này hay sao?”
Chàng đem câu chuyện này kể cho mọi người biết và con chó hướng dẫn những di dân đi theo đến vũng nước ngọt kỳ diệu nơi trời đã ban cho chàng. Chàng trai tốt bụng mời mọi người cùng đến đây lập cư và chia sẻ ơn phúc của trời đã ban cho.
Làng An Truyền được thành lập kể từ ngày đó và cái tên An Truyền chính là “Đất của sự bình an được thượng đế ban cho và truyền đời cho các con cháu mai sau”.
Dấu tích của vũng nước ngọt hiện nay vẫn còn ở cồn xóm Đồng, nằm gần bên lăng mộ của chàng trai tốt bụng. Trong Đai Việt Sử Ký toàn thư có ghi năm Giáp Thân (1404) Cửa Eo ở Hóa Châu bị vỡ, chính trong cơn lụt khủng khiếp này vũng nước kì diệu đó bị lấp đầy do phù sa từ dãy Trường Sơn tràn về, nước lũ xoáy mòn chia cắt các cồn với nhau tạo thành quần thể các cồn như hiện nay. Người ta đào 3 cái giếng ngay trên vũng nước cũ, đó là những giếng nước ngot độc nhất trong vùng để dùng. Mãi đến cuối thế kỷ 17 đầu thế kỳ 18 khi ông Hồ Đắc Dương khai thông đường thủy dẫn nước ngọt từ sông Hương vào cho làng An Truyền thì người dân An Truyên mới không còn tùy thuộc dòng nước ngọt, vì muốn đem nước từ cồn xóm Đồng vào đất liền rất vất vả.
Linh vật trên trụ biểu : Người bạn đồng hành với chàng trai họ Hồ cũng là bạn trung thành, kẻ bảo vệ tuyệt vời khôn ngoan nhanh nhẹn, chú chó tinh khôn luôn luôn đi theo bên cạnh chủ nhân nó như bóng với hình, nó ngăn cản một cách dũng cảm trước bầy sói rừng, nó đã từng làm chồn bước mãnh hổ hay cá sáu tấn công chàng trai…nó mang lại thức ăn cho cả nhà và canh giữ một cách nghiêm nhặt kẻ lạ vào lãnh địa của chàng trai.. nó là một con vật thông minh trung thành và tận tụy có nghĩa với chủ nhân.
Mấy chục năm sau khi chàng trai qua đời, con chó già cổi phủ phục bên xác chủ nhân, mấy tháng sau nó cũng chêt theo.
Chàng trai tốt bụng được vua ban cho chức Quản Lãnh vì lòng tốt, vì biết chia xẻ hạnh phúc của mình cho người khác, vì biết đoàn kết gắn bó với các họ tộc trong vùng.
SẮC MỆNH CHI BẢO
Các hậu duệ của người khai canh vùng đất này vừa là thủy tổ của họ Hồ Đắc đã xây dựng nên khu lăng mộ để tưởng niệm những cống hiến của ngài cho đất nước cho giòng họ của mình bền vững mãi mãi, họ đã không quên con vật thân yêu của chàng trai họ Hồ và dấu ấn trên tấm bia đá trước lăng mộ ngài.
LĂNG NGÀI THỦY TỔ HỌ HỒ ĐẮC