Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Triết Học Bà La Môn (Brahmanism)

19/02/201104:04(Xem: 4189)
Triết Học Bà La Môn (Brahmanism)


TRIẾT HỌC BÀ LA MÔN

(BRAHMANISM)
Giảng Viên Thích Lệ Thọ

Chân lý cao cả nhất là chân lý này: Thượng đế hiện diện ở trong vạn vật. Vạn vật là muôn hình vạn trạng của Thượng đế…Chúng ta cần một tôn giáo tạo ra những con người cho ra con người”.
(Vivekananda)

Con người là mâu thuẫn lớn: là thực thể sinh vật – xã hội, nó phải thực hiện bổn phận con người xã hội, là thực thể có đời sống tâm linh nó khát khao vượt qua cái hạn hữu con người – xã hội để thoát mọi ràng buộc trở về bản chất thần thánh. Ấn Độ giáo giải quyết vấn nạn này ra sao?

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, con người luôn đi tìm nguồn gốc vũ trụ và mỗi cá thể. Vì vậy, trong thâm tâm của mỗi người luôn cố gắng tìm kiếm và vạch ra bản chất của thế giới, thực chất bản tính của con người, sự tương đồng giữa nội tâm và ngoại tại, tìm con đường giải thoát tâm linh…

Mỗi người tùy theo khả năng của mình đã cố gắng vén mở bức màn bí ẩn cuộc đời. Vì vậy, biết bao nhiêu nhà tư tưởng, tôn giáo, triết học ra đời với mục đích tìm cách thỏa mãn những nhu cầu tri thức và chỉ đường dẫn lối cho con người đạt tới hạnh phúc. Nhưng mỗi giáo phái lại có những quan điểm, tư tưởng khác nhau. Ở đây, chúng ta khảo sát và tìm hiểu bản chất triết học của Bà-la-môn giáo dưới cái nhìn trực quan sinh động của lương tri, không thông qua tôn giáo của chung ta đang có và càng không áp đặt văn hóa hay quốc gia của chúng ta vào một học thuyết.

Vì mọi thứ qua lăng kính của chúng ta dễ bị khúc xạ. Cho nên những nhà thần học như John Haught và John Polkinghome khẳng định: “Khoa học và tôn giáo nhắm đến các khía cạnh riêng rẽ của kinh nghiệm nhân loại. Nhiều nhà khoa học đã từng viết những bài nghiên cứu hùng hồn về việc làm thế nào mà thuyết tiến hóa sinh vật đã làm tăng thêm chứ không giảm đi đức tin tôn giáo của mình”. Cho nên xúc cảm đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể chứng nghiệm chính là sự bí ẩn. Đó là loại xúc cảm ở ngay tại cái nôi của tất cả mọi nghệ thuật chân chính và khoa học. Những vẽ đẹp đó chúng ta có thể tìm thấy ở nền triết học cổ vĩ đại của người Ấn Độ.

Triết học là bộ phận quan trọng đóng vai trò thiết yếu trong văn hoá truyền thống Ấn Độ. Triết học Ấn Độ thống nhất trong đa dạng bởi chân lý chỉ có một nhưng chân lý đa diện và tự mỗi người cũng có thể phát hiện ra chân lý từ góc độ của mình. Vả lại triết học không có mục đích tự thân mà chỉ là phương tiện để chuyển hoá nội tâm nhằm đạt đến sự giải thoát. Phương tiện này có thể có nhiều. Với thái độ khoan dung trong không khí tự do tư tưởng các nhà triết học Ấn Độ qua các thời đại đã không ngừng suy nghĩ làm sáng tỏ cội nguồn và tìm kiếm những cách thức, những giải pháp thực hiện mục tiêu duy nhất đó.

A. Bối cảnh lịch sử đất nước Ấn độ:

Lịch sử Ấn Độ bắt đầu với thời kỳ Văn minh lưu vực sông Ấn Độ, một nền văn minh phát triển hưng thịnh tại phần Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 3300 đến 1700 trước công nguyên. Nền văn minh thời đại đồ đá này được nối tiếp bởi thời đại đồ sắt thuộc thời kỳ Vệ Đà, thời kỳ đã chứng kiến sự nở rộ của những vương quốc lớn được biết đến với cái tên Mahajanapadas. Giữa hai giai đoạn này, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Mahavira và Thích-ca Mâu-ni ra đời.

Tiểu lục địa được thống nhất dưới thời vương triều Maurya trong suốt thế kỷ thứ 4 và thứ 3 trước công nguyên. Sau đó nó lại tan vỡ và rất nhiều phần bị thống trị bởi vô số những vương quốc thời Trung Cổ trong hơn 10 thế kỷ tiếp theo. Những phần phía Bắc được tái hợp một lần nữa vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên và duy trì được sự thống nhất này trong hai thế kỷ tiếp theo, dưới thời của vương triều Gupta. Đây được coi là thời kỳ hoàng kim của Ấn Độ. Trong suốt giai đoạn cùng thời, và vài thế kỷ sau đó, Ấn Độ bị thống trị bởi các vương triều Chalukya, Chola, Pallava và Pandya, và trải qua giai đoạn vàng son của mỗi thời kỳ. Cũng trong thời điểm này, đạo Hindu và đạo Phật lan tỏa tới rất nhiều vùng tại Đông Nam Á.

Đạo Hồi du nhập vào đầu thế kỷ thứ 8 sau công nguyên cùng với sự xâm lược Baluchistan và Sindh của Muhammad bin Qasim. Những sự xâm lấn của đạo Hồi từ Trung Á giữa thế kỷ thứ 10 và 15 sau công nguyên dẫn đến việc phần lớn Bắc Ấn Độ chịu sự thống trị của Vương quốc Hồi giáo Delhi giai đoạn đầu và sau đó là đế quốc Môgôn. Sự thống trị của đế quốc Môgôn, đế chế đã mở ra giai đoạn của thời kỳ thăng hoa và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật và kiến trúc, đã bao phủ phần lớn phía Bắc tiểu lục địa.

Tuy nhiên, một vài quốc gia độc lập, như đế quốc Maratha và đế quốc Vijayanagara, cũng phát triển hưng thịnh trong cùng giai đoạn tại phía Tây và Bắc Ấn Độ. Mở đầu giai đoạn giữa thế kỷ 18 và hơn một thế kỷ sau đó, Ấn Độ dần dần bị công ty Đông Ấn Anh Quốc (British East India Company) thôn tính. Nỗi bất mãn với sự cai trị của công ty này đã dấn đến cuộc nổi loạn Ấn Độ 1857, sau đó thì Ấn Độ được điều hành trực tiếp bởi Hoàng Gia Anh Quốc (British Crown) cũng như chứng kiến thời kỳ phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất cũng như sự suy thoái về kinh tế.

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, cuộc đấu tranh độc lập toàn quốc được khởi xướng bởi đảng Quốc Đại Ấn Độ, sau đó được kết hợp bởi đảng liên đoàn Hồi giáo. Tiểu lục địa giành được độc lập từ vương quốc Anh năm 1947 sau khi bị chia cắt thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan. Cánh phía Đông của Pakistan sau đó trở thành quốc gia Bangladesh năm 1971.

Trung Ấn chứng tỏ rằng Ấn Độ đã có người định cư ít nhất từ thời trung kỷ pleitoxen, độ khoảng 200.000 đến 500.000 năm trước.[1] Thời kỳ đồ đá giữa tại tiểu lục địa Ấn Độ bao phủ một khoảng thời gian độ 250.000, bắt đầu khoảng 300.000 năm trước. Con người hiện đại có vẻ đã định cư ở tiểu lục địa trước giao đoạn cuối của kỷ Băng Hà cuối cùng, khoảng chừng 12.000 năm trước. Những sự định cư lâu dài đầu tiên được xác nhận xuất hiện 9.000 năm trước tại hang đá Bhimbetka, thuộc tỉnh Madhya Pradesh ngày nay.

Sự khám phá ra Mehrgarh (7000 năm trước công nguyên trở về trước) là biểu tưởng của văn hóa thời đầu đồ đá mới, nó thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan ngày nay. Những dấu tích của văn hóa của một thời kỳ đồ đá mới đã được tìm thấy dưới vịnh Khambat, khảo sát niên đại bằng Carbon xác định vào khoảng năm 7500 trước công nguyên.[2] Văn hóa cuối thời kỳ đồ đá mới xuất hiện ở vùng lưu vực sông Ấn giữa giai đoạn năm 6000 và 2000 trước công nguyên và tại vùng Nam Ấn giữa giai đoạn năm 2800 và 1200 trước công nguyên.

I. Đạo Bà La Môn:

a. Định nghĩa:

Bà-la-môn (zh. 婆羅門, sa., pi. brāhmaṇa) là danh từ chỉ một đẳng cấp, một hạng người tại Ấn Độ. Thuộc về đẳng cấp Bà-la-môn là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lĩnh đạo tôn giáo. Dân chúng Ấn Độ rất tôn trọng đẳng cấp này.

b. Đạo Bà La Môn:

Đạo Bà La-Môn (Brahmanism) cũng gọi Ấn giáo hay Ấn Độ giáo (Hinduism), là đạo bản địa của người Ấn (Hindus), hình thành ở Ấn Độ khoảng năm 1.500 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa, tức là có trước Phật giáo ít lắm cũng khoảng 10 thế kỷ. Không xác định ai là giáo chủ hay người mở đạo. Bậc chân sư đắc đạo hướng dẫn tâm linh cho tín đồ được gọi là guru.

Tôn giáo này chủ trương đa thần (polytheism). Trời hay Thượng đế của Ấn giáo là một Trimurti (tam vị nhất thể) gồm ba ngôi: Brahma (đấng sáng tạo), Vishnu (đấng bảo tồn), và Shiva (đấng hủy diệt).
Các bộ kinh chính viết bằng tiếng Sanskrit: Vedas (Phệ đà), Upanishads (Áo nghĩa thư), Bhagavad Gita (Chí tôn ca)…

Vũ trụ quan. Thực tại tuyệt đối sinh thành và bảo tồn vũ trụ, vạn vật được gọi là Brahman, có thể xem như tương đồng với khái niệm Đạo của Trung Hoa, hay Logos của Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ 5 trước Công nguyên.
Nhân sinh quan. Con người bị ràng buộc trong vòng vô minh (ngu dốt) và huyễn ảo nhưng lại có khả năng thoát khỏi chúng.

Đời người có 4 mục đích: dharma (hoàn thành các nghĩa vụ luân lý, luật pháp và tôn giáo); artha (mưu sinh và thành đạt trong xã hội); kama (thỏa mãn các ham muốn nhưng biết tiết chế và điều độ); moksa (giải thoát khỏi vòng luân hồi) bằng cách giải trừ hết các nghiệp (karma) vì khi chết mà vẫn còn nghiệp thì phải chịu tái sinh vào kiếp sau ở thế gian, tức là luân hồi (samsara).

Đời người phải trải qua 4 giai đoạn:

brahmacharga (học tập);
grhastha (lập gia đình, tạo sự nghiệp);
vanaprastha (hướng về tâm linh);
sanrgasu (thoát ly xã hội để tu hành).

Luân lý. Con người chịu 3 trọng ân: ơn trời, ơn thầy, ơn tổ tiên. Phải tu tập theo 3 con đường: karmamarga (phụng sự); jnanamarga (trí tuệ hay minh triết); bhaktimarga (sùng tín trời).

Giữ 10 giới răn: ahimsa (không giết chóc); satya (không nói dối); asteya (không trộm cắp); brahmacharya (không buông thả theo ham muốn); aparigraha (không tham lam); saucha (phải sạch sẽ, tinh khiết); santosha (biết bằng lòng); tapas (kỷ luật với bản thân); svadhyaya (phải học tập); ishvara pranidhana (vâng phục mệnh trời).

Nghi lễ. Có 5 thánh lễ chính: Mahashivarati (giữa tháng 2), Holi (trong mùa xuân), Ramnavami (cuối tháng 3), Dusserah (đầu tháng 11), và Diwali (giữa tháng 11). Tín đồ hành lễ tại nhà riêng và trong đền thờ.
Đạo Bà La Môn có 900 triệu tín đồ (năm 2005).Có khoảng 30 triệu người theo Ấn Độ giáo sống tại hải ngoại. Văn hóa Bà La Môn đã sớm ghi dấu ấn ở Sri Lanka và các nước Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Mã Lai, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), hiện nay vẫn còn đền thờ và tín đồ ở các nước này. Bà La Môn cũng có ở một số nước phương Tây (Anh, Mỹ…). Thức giả Âu Mỹ đặc biệt kính trọng tư tưởng của các guru như Sri Ramakrishna Paramahamsa (1836-1886) và đệ tử của ông là Swami Vivekananda (1863-1902)…

II. Giáo điển:

Kinh Vệ Đà (Veda) xem như là cỗi gốc của Bà La Môn Giáo và là suối nguồn của nền văn minh Ấn. Trong kinh có những bản thánh ca để ca tụng các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông ... Phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ. Toàn thể bộ kinh gồm bốn tạng:

1. Rig Veda: thi tụng cái biết.
2. Yajur Veda: nghi thức tế tự.
3. Sama Veda: ca vịnh thần chú.
4. Atharva Veda: (triển khai ý nghĩa ba bộ kinh kia).

Tư tưởng chủ yếu của Vệ Đà được biến đổi từ Đa thần qua Nhất thần, từ Nhất thần sang lãnh vực Triết học ngang qua ba thời đại: Vệ Đà Thiên Thư (Veda), Phạm Thiên Thư (Brahmana) và Áo Nghĩa Thư (Upanishad).

III. Tư tưởng Đạo Bà La Môn:

Theo trình tự thời gian, tư tưởng Vệ Đà đã đạt tới quan niệm một đấng Thượng Đế hữu ngã sáng tạo vũ trụ và một bản thể tuyệt đối vô ngã làm cội nguồn chung cho vũ trụ. Tuy nhiên, trên đại thể, kinh Vệ Đà vẫn thiên trọng về quan niệm một đấng Thượng Đế hữu ngã hơn.

Thời Vệ Đà Thiên Thư, dân chúng sùng bái cúng tế để cầu xin sự trợ giúp của các thần linh, hình thức phần chính thuộc về Đa Thần giáo. Sang thời kỳ Phạm Thiên Thư, tín đồ chán việc tế lễ và thờ tự nhiều Thần, nên tuyển lọc lại vài vị Thần quan trọng để phụng thờ, sau thờ một Thần là đấng Phạm Thiên (Brahma), vị thần tối cao toàn năng, siêu việt, sáng tạo ra vạn vật vũ trụ. Thế là đối tượng tín ngưỡng của đa phần dân Ấn Độ chuyển từ Đa thần giáo sang Nhất thần giáo. Qua đến thời kỳ Áo Nghĩa Thư không chỉ giới hạn trong nghi thức tế tự, mà bao gồm môn triết học cao siêu.

Áo Nghĩa Thư là những bộ kinh luận được các giáo sĩ Bà La Môn trước tác nhằm khai triển nền giáo lý Vệ Đà trên phương diện triết học. Trong khi các kinh Vệ Đà chú trọng về nghi thức thờ phụng thì Áo Nghĩa Thư muốn tìm hiểu thêm về tự ngã và tự thể của con người và mối liên hệ của chúng với bản thể tuyệt đối của vũ trụ vạn vật. Nội dung căn bản của Áo Nghĩa Thư cho rằng con người, cũng như mọi chúng sinh đều có một tự thể bất sinh, bất diệt, thường tịch và vô trụ như Bản thể tuyệt đối, thường được gọi là Atman hay Tiểu ngã (một linh hồn bất diệt). Khi tự ngã của con người hay của chúng sinh chưa hoà nhập với Bản thể tuyệt đối (Brahman, đấng Phạm Thiên hay Đại Ngã), thì Tự ngã của con người vẫn còn phải luân hồi trong vòng sinh tử. Họ chủ trương “Brahma-Atman đồng nhất” và con người giải thoát là con người hoà đồng vào bản thể của vũ trụ. Tiểu Ngã hoà đồng với Đại Ngã vô biên trong một trạng thái hằng hữu vĩnh cửu.

Trên địa hạt xã hội, dân chúng Ấn Độ hồi đó được phân chia thành bốn giai cấp:

1. Hàng Tăng lữ thuộc giai cấp Bà La Môn (Brahman).
2. Vua chúa thuộc giai cấp Sát Đế Lỵ, (Kshastriya).
3. Thương buôn, nông phu và thợ thuyền (Vaisya).
4. Tiện dân bần cùng thuộc giai cấp Thủ Đà La (Sùdra).
5. Ba-ri-a (Pariah) giống người cùng khổ, bị coi như sống ngoài lề xã-hội loài người, bị các giai-cấp trên đối-xử như thú-vật, vô cùng khổ nhục, tối tăm.

Hệ thống giai cấp này theo chế độ cha truyền con nối, các người khác giai cấp không được cưới nhau, không được cùng nhau hành lễ tế tự và không được ăn chung bàn. Giai cấp Thủ Đà La là giai cấp cùng đinh bị khinh miệt và bị hành hạ, nên đời đời làm nô lệ phục vụ cho ba giai cấp trên. Giai cấp này bị khinh bỉ đến nỗi một người Thủ Đà La đến gần một giếng nước, thời giếng nước ấy xem như đã trở thành dơ bẩn, không dùng được cho ba giai cấp trên và người Thủ Đà La nào vi phạm tội ấy có thể bị ném đá cho đến chết.

Chính sự kỳ thị này đã gây ra một tổ chức xã hội cực kỳ bất công. Cho đến cuối thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch đẳng cấp Bà La Môn hoàn toàn ngự trị trên toàn thể dân chúng Ấn, họ hợp nhất quyền lực chính trị vào quyền lực tôn giáo, đặt thêm nhiều nghi lễ tế tự phiền toái để trói buộc dân chúng nhằm củng cố giai cấp thống trị. Thời kỳ này có nhiều luận chấp về Tự Ngã và nảy sinh nhiều phe phái, từ những luận chấp về quá khứ, về tương lai, cho đến luận chấp về hiện tại Niết Bàn. Tất cả các luận chấp này đều dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức).

IV. Tư tưởng Triết học Đạo Bà La môn:

Vào thời kỳ đầu, với trình độ nhận thức con người còn thấp kém, tư tưởng triết học Bà-la-môn giáo chủ yếu dựa vào hình thức tế tự, mang tính chất đa thần. Vì họ tin tưởng rằng, nhờ những nghi thức tế lễ mà người ta có thể thông cảm với thần linh, được thần linh che chở và giúp đỡ cho giải thoát. Tới khi trình độ nhận thức ngày càng cao, con người bắt đầu ý thức về sự tồn tại của mình. Họ suy ngẫm về cuộc đời, số phận và đi tìm lẽ sống cho con người. Để đáp ứng nhu cầu đó nên tư tưởng triết học Upanishad đã ra đời.

Đây là đỉnh cao của triết học Bà-la-môn giáo. Mọi tư tưởng của bất kỳ môn phái nào sau này, chúng ta sẽ không biết gì đến nơi đến chốn nếu không tìm hiểu cội nguồn của tất cả các hệ thống Upanishad. Vì vậy triết gia Schopenhauer đã thốt lên rằng: “Khắp thế giới không có gì lợi ích nâng cao tâm hồn con người bằng các Upanishad. Nó đã an ủi đời sống của tôi, nó sẽ an ủi tôi khi tôi chết”. Sự xuất hiện của Upanishad đánh dấu bước chuyển tiếp từ thế giới quan thần thoại tôn giáo sang tư duy triết học. Tư tưởng đó được thể hiện trong các vấn đề chủ yếu sau:

1. Thực Tại Tối Cao Brahman:

“Cái gì là thực tại đầu tiên, duy nhất, tối cao, là căn nguyên của tất cả, mà khi nhận thức được nó người ta sẽ biết được mọi cái và có thể giải thoát được linh hồn con người khỏi mọi lo âu khổ não của cuộc đời”. Upanishad đã cho rằng:đó là “Tinh thần vũ trụ tối cao Brahman”. Brahman là thực tại có trước nhất và là thực thể duy nhất, tuyệt đối, tối cao, vĩnh viễn, vô danh vô sắc v.v… là bản thể của tất cả, ở ngoài mọi giới hạn của thời gian và không gian… Brahman là thực tại siêu việt khách quan, ở ngoài và ở trong con người.

Chandogya Upanishad nói: “Toàn thể vũ trụ là Brahman” và cũng nói “cái ngã tiềm ẩn trong lòng ta, đó là Brahman”. Cả Mundak và Katha Upanishad đều xác nhận: “Tự ngã không thể đạt được bởi học vấn, trí tuệ hay kiến thức. Ngài có thể đạt được bởi người nào mà Ngài lựa chọn. Đối với người ấy Tự ngã tự thể hiện bản tính của mình”. Taittiriya Upanishad có nhắc đến lời dạy của đạo sĩ Varuna về Brahman cho con như sau:

“Cái ở đấy mọi sự vật sinh ra, cái ở đấy mọi sự vật sống được và cái ở đấy mọi sự vật trở về sau khi chết. Con hãy tự hiểu lấy, cái đó là Brahman”.

Như vậy, Brahman là nguyên lý siêu việt, thường tại, vô thủy vô chung, là quỹ đạo chi phối vạn vật theo một trật tự như là điều lý có sẵn. Trong khi đó, vạn vật là những thực tại hữu thủy, hữu chung, được điều lý và định hướng trong Brahman.

Brahman là một thực tại đồng nhất, vượt ngoài các ý niệm, các tổng số ý niệm; nhưng để lý giải cho những người chưa có trình độ thực nghiệm tâm linh thì phải mượn những ý niệm. Vì thế, Taittiriya Upanishad đã hình tượng hóa Brahman như một cái tổ chim có ba con chim nhô cái đầu ra là Viraj, Hiranya Garbha và Ishvara: “Khi tuyệt đối được quan niệm là độc lập, tự hữu thì gọi là Brahman. Khi được coi là hiện thân thành vũ trụ thì gọi là Hiranya garbha, khi được coi là thượng đế sáng tạo hữu ngã thì gọi là Ishvara. Ishvara trở thành Brahman, Vishnu và Shiva khi ba chức phận của Ngài được phân biệt”

Không thể miêu tả Brahamn, nhưng Mundaka Upanishad đã lấy hình tượng con nhện giăng tơ để miêu tả hành động sáng tạo và thu hồi của Brahamn như sau: “Cũng như con nhện giăng tơ và rút tơ về, cũng như cỏ sinh trên mặt đất, cũng như lông mộc trên thân người sống, thì nơi đây trong vũ trụ, phàm cái hữu tồn là xuất tự Bất di bất dịch”.

Bất lực trong việc miêu tả Brahman, Brihad Aranyaka Upanishad dùng toàn bộ những chữ “không” để nói: “Brahman không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không tối tăm, không mùi, không vị, không mắt, không tai, không tiếng nói, không hơi thở, không trong, không ngoài, không tiêu hủy mà cũng không bị tiêu hủy”.

Mặc dù không thể miêu tả được Brahman là gì, nhưng Brahman vẫn có những tính thiết yếu là: Thực hữu (Chat), Ý thức (Chit), An lạc (Ananda). Brahman là thực hữu vì không phải là hư không, Brahman là ý thức vì là nguồn gốc của mọi nhận biết, Brahman là an lạc vì đó là hạnh phúc vĩnh hằng.

Mandukya Upanishad cho rằng con người chỉ có thể cảm nhận Brahman bằng trực giác tâm linh (Turiya). “Turiya là bản chất của ý thức về tự ngã duy nhất, nơi mà tất cả muôn vật trong thế giới đều trở về, yên vui, thanh tịnh, không hai”.

2. Tự Ngã Atman:

Tự ngã Atman là một thực thể nội tại trong mỗi cá nhân. Hơi thở là nguồn sống vật chất thì Atman là hơi thở siêu nhiên, là nguồn sống thiêng liêng. Atman là thực thể làm cho con nguời vượt lên trên vạn vật. Có thể nói Atman là thành phần của Brahman trong con người. Brahman là cái ngã vũ trụ đại đồng, còn Atman là cái ngã cá nhân. Braman chỉ có một, Atman là số nhiều, nhưng cái nhiều ấy chỉ là giả tưởng vì bản chất cả hai chỉ là một. Cho rằng khi thân xác chết thì Tự ngã (Atman) lại trở về hợp nhất với Đại ngã (Brahman).

Tự ngã Atman không phải là lý trí, tình cảm và giác quan, nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có Atman, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại bất diệt. Với nhiều nỗ lực, nhưng Upanishad cũng không thể nói rõ về Atman, cho nên luôn cảnh giác rằng tự ngã không thể hiểu được, tự ngã phải cần được thực hiện. Katha Upanishad nói: “Atman không thể nhận biết được bởi sức mạnh của trí óc, cũng không thể nhận biết được bởi giác quan”.

3. Giải Thoát Và Thực Trạng Giải Thoát:

Cứu cánh của mọi triết học, tôn giáo chính là vấn đề giải thoát. Brihad Aranyaka Upanishad nói: “Bậc chân tri sau khi chết sẽ vượt qua không gian lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng”. Cõi hạnh phúc vĩnh hằng là cảnh giới dành cho những người đạt giải thoát thực sự. Còn những kẻ tội lỗi thì phải chịu sự chi phối của định luật nghiệp báo, bị đọa đày khổ sở trong vòng luân hồi cho tới khi dứt nghiệp và đạt được chân tri. Ngoài ra Chândogya Upanishad cũng nói đến hai nẻo đường giải thoát: đường của tố phụ (Patri Yana) và đường của thần linh (Deva Yana).

Đường của tố phụ dành cho những người ra sức hành thiện, những người ấy sau khi chết sẽ được vào cõi trời (thiên đường). Nhưng khi hưởng hết phước báo trong một khoảng thời gian tương ứng, họ sẽ trở lại trần gian. Chỉ khi nào con người đi vào nẽo đường của thần linh, không bị nô lệ bởi vật chất, đồng nhất được Brahman với Atman ngay tại chính mình, bấy giờ mới được giải thoát và được hưởng hạnh phúc viên mãn vĩnh hằng.

Nhưng, muốn được giải thoát thì phải trải qua tiến trình tu tập. Phải toàn tâm kiên trì tu luyện đạo đức (karma-yoga) và tu luyện tri thức (jnàna-yoga), nhằm diệt mọi dục vọng, lo âu, phiền não, rũ bỏ hết mọi ràng buộc, lôi kéo bởi thế giới vật dục biến ảo, vô thường của thế giới trần tục; dày công thiền định (dhyàna) suy tư chiêm nghiệm nội tâm, “thực nghiệm tâm linh” bằng trực giác; nhận cho ra chân bản tánh của mình, để đạt chân lý tối thượng hòa nhập vào bản thể tuyệt đối. Đó chính là sự giải thoát, ý nghĩa tối cao của cuộc sống.

Nhưng nhận thức được sự đồng nhất đó với linh hồn bất tử không phải là điều cảm giác hay trí tuệ thông thường có thể đạt được. Nó có thể đạt được nhờ vào sự thực nghiệm tâm linh. Thực nghiệm tâm linh là sự thực nghiệm ngay trong sâu thẳm tâm hồn mình. Phải trải qua mức cảm nghiệm, nhưng trước hết là phải đưa nhận thức quay về chính mình. Kinh Upanishad đã nói: “Atman chẳng có thể nhận biết được bởi học vấn, bởi sức mạnh của trí óc. Atman chẳng thể nhận thức được bằng giác quan. Tự ngã mở các giác quan ra ngoài, bởt thế người ta chỉ trông ra thế giới bên ngoài mà không nhìn về bản ngã”. Có 3 con đường chính để đạt đến giải thoát:

- Con đường tri thức đòi hỏi tu hành khổ hạnh, chuyên tâm rèn luyện, sẵn lòng thoát ly thế giới trần tục.

- Con đường hành động theo nguyên tắc tâm linh vị tha, vì lợi ích chung, vì cái thiện, vì đại ngã.

- Con đường cuối cùng, rộng rãi nhất, dành cho mọi người đó là con đường sùng tín, hết lòng tin yêu, tôn kính Đấng tối cao – Atman có thể hoà nhập với Braman trong tình yêu và bằng tình yêu cao cả thiêng liêng.

Giải thoát là con người không còn bị đau khổ nữa, bởi vì đau khổ là trạng thái con người bị giới hạn. Ta không còn khao khát, ghét bỏ, mơ tưởng… con người ra khỏi thế giới nhị nguyên tương đối, bước vào cảnh giới nhất nguyên tuyệt đối.

4. Tự Ngã:

Upanishad thừa nhận một Atman hiện hữu trong con người. Và cũng cho rằng có tự ngã bất biến, cuộc sống con người như thế nào là do sự quyết định của đấng tối cao Brahman. Sự mặc khải của đấng sáng tạo sẽ quyết định sự giải thoát của một con người

Tóm lại, nói đến Ấn Độ là nói đến một nền văn hóa với nhiều truyền thống tôn giáo. Nơi đây có nhiều triết thuyết ra đời với nhiều tư tưởng khác nhau. Nhưng tất cả các học thuyết sau này đều dựa vào tư tưởng triết học Upanishad; vì từ rất sớm, nó đã chiếm một vị thế cực kỳ trọng yếu trong mọi khái niệm và xã hội của con người cổ đại và cho đến hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Will Durant: Lịch sử văn minh Ấn Độ. Nxb văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2004.
2. Lịch sử triết học, Nxb Tư tưởng – văn hoá, Hà Nội, 1991, tập 1, tr. 126 – 168.
3. Lương Duy Thứ, Phan Thu Hiền, Phan Nhật Chiêu: Đại cương văn hoá phương Đông, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 129 – 229.
4. Các tôn giáo, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2001, tr. 85 – 96.
5. Triết học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 1, tr. 21 – 722.
6. Hữu Ngọc, Lê Hữu Tầng, Dương Phú Hiệp: Từ điển triết học giản yếu, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1987.
7. M. T. Stepaniannts: Triết học phương Đông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
8. Nguyễn Đăng Thục: Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tập 3.
[1] The Telegraph, March 21, 2005. Truy cập 7 tháng 5 năm 2007.
[2] Current India Science , Gaur, A. S.; K. H. Vora 1999.

BẢN CHẤT VŨ TRỤ TRONG KINH VEDA
Giảng viên Thích Lệ Thọ

Thiên tài thơ ca của nước Anh William Blake:

Nhìn thấy vũ trụ trong hạt cát
Và thiên đường trong bông hoa dại
Cái vô hạn trong lòng bàn tay
Và cái vĩnh cửu trong một giơ.

Dường như đó là một thiền ngôn đậm chất phương Đông hơn là lời thơ của một nghệ sĩ nơi trời Tây. Đó cũng là một cách khái quát thực tại hiện hữu, trân quý trước cái đẹp vĩnh cửu và hiện thân vô thường. Cái đẹp mong manh dễ vỡ. Và, cũng chỉ những kẻ “đạt nhân” trong cuộc đời mới có trực giác lóe sáng ấy. Có phải thế không? Khoa học hiện đại chứng minh điều không thể thành có thể, từ một tế bào không thể nhìn thấy bằng mắt thường có thể nhân bản ra một cá thể, đến nỗi có thể giống nhau đến từng centimet.

Will Durant cho rằng ‘Bài thơ hay nhất là bài Thánh ca về sự sáng tạo vũ trụ, thật lạ lùng, chúng ta thấy một thuyết phiếm thần tế nhị và cả một giọng hoài nghi rất tôn kính trong bộ Thánh kinh cổ nhất của dân tộc mộ đạo nhất đó:

Buổi đó, hoàn toàn chẳng có gì cả, mặt trời rực rỡ kia không có,
Mà vòm trời là cái khăn phủ mênh mang kia, cũng không có.
Vậy thì cái gì trùm lên, che phủ, chứa chất vạn vật?
Phải chăng là vực nước sâu thẳm?
Thời đó không có chết — vậy mà không có gì là bất tử,
Không phân biệt ngày và đêm,
Cái Nhất, cái Độc Nhất, không có hơi mà tự thở lấy được.
Ngoài Cái đó ra không có cái gì khác nữa.
Tối tăm, và hồi đầu cái gì cũng chìm trong cảnh tối tăm mù mịt — như biển cả không ánh sáng — Cái mầm khuất trong cái vỏ
Bỗng nẩy ra, duy nhất, dưới sức nóng nung nấu.
Thế là lần đầu tiên, lòng thương yêu xuất hiện, nó là dòng suối mới
Của tinh thần, các thi sĩ suy tư và thấy được trong lòng mình
Mối liên lạc giữa cái không được tạo ra với những vật được tạo ra.
Tia sáng đó chiếu ra, xâm chiếm hết, nó phát xuất từ trời hay từ đất?
Giống đã gieo và người ta thấy các năng lực cao cả xuất hiện
Ở dưới thấp là thiên nhiên, ở trên cao là quyền năng và ý lực.
Ai là người vén được màn bí mật? Ai là người cho ta biết
Sự sáng tạo muôn vật đó từ đâu mà có?
Chính các thần linh cũng chỉ xuất hiện sau này.
Vậy thì ai là người biết được sự sáng tạo mầu nhiệm đó từ đâu mà có?
Đấng nào đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó.
Là do vô tình hay hữu ý?
Đấng Tối Cao trên tầng trời cao nhất kia
Biết được — nhưng biết đâu chừng, có thể chính Ngài cũng không biết nốt." 1

Câu hỏi triết học mà các nhà minh triết Ấn độ luôn luôn đặt ra cho các đệ tử, cũng như cho các độc giả thánh thư là: Vũ trụ này do đâu mà có, đã được cấu tạo nên bằng chất liệu gì? Con người đã sinh xuất từ đâu, đã do đâu mà sống còn, đa chịu sự chỉ huy của ai v.v.. 2 để thỏa đáng câu trả lời này phải thông qua 3 hình thức:

1/ Trực ngôn.
2/ Ẩn dụ.
3/ Huyền thoại

Ở quan điểm này, chúng ta không thể có 2 vế đầu, nên tìm đến tạng thư Yajur thì nhận được sự khẳng định: Vũ trụ này cũng như vạn hữu đều do một nguyên lý, một bản thể duy nhất sinh hóa ra, phóng phát ra. Bản thể duy nhất ấy có nhiều cách gọi khách nhau:

* Brahman 3 (Đấng tối thượng)
* Atman (một linh hồn bất diệt)
* Brahmanaspati (Rig Veds 10.72. 2)
* Visvakarman (Tạo hóa – The All Maker. Rig Veda, 10. 81)
* Purusha (Chân nhân) (Rig Veda 10.90)
* Prajapati (Chúa tể càn khôn) (Lord of creatures)
* Hiranyagarbha (Kim đơn - Kim nhân. - The Golden Germ. Rig Veda. 10. 121.I)

Nếu nhân cách hóa Bản thể vũ trụ ấy, và gọi đó là Đấng Tối Cao, thì đấng tối cao này đã sinh hóa ra vũ trụ bằng chính thân thể mình... đã hi sinh thân xác mình, đã phân hóa xác thân mình để tạo thành vũ trụ vạn hữu, chứ không phải là đã tạo dựng nên vũ trụ bằng một chất liệu nào ngoài mình: 4

...Miệng Ngài sinh ra tiếng nói và lửa,
Mũi Ngài sinh ra hơi thở và gió,
Mắt Ngài sinh ra cái thấy và mặt trời.
Tai Ngài sinh ra cái nghe và bốn phương trời.
Da Ngài sinh ra tóc, tóc sinh ra cây cối.
Tim Ngài sinh ra tâm tư và mặt trăng. 5

Như vậy mối giây liên lạc giữa Thượng Đế và vũ trụ là mốt giây liên lạc cơ hữu (relation organique).

Ví dụ Ngài là con nhện, thì vạn hữu là tơ nhả ra từ lưng nhện. 6 Ví dụ Ngài là lửa, thì vạn hữu là những tia lửa, những tàn lửa từ lửa phóng ra. 7 Vạn hữu với Ngài như nước và muối. Khi muối đã hòa tan trong nước, thì đâu có nước, đấy sẽ có muối. 8

Từ học thuyết trên sinh ra hai dòng tư tưởng:

a).Những nhà minh triết có thể coi Brahman là vũ trụ 9

“Là lửa, Ngài sưởi ấm,
Ngài là vừng Thái dương,
Ngài là mưa móc đượm nhuần,
Ngài là đất, là vật chất, là Thần,
Ngài là Hữu, Ngài là Vô, Ngài là Hằng cửu”.
“Ngài là vừng dương trong thinh không,
Ngài là thần Vasu trong không khí, Ngài là gió,
Ngài là đạo sư trước bàn thờ, Ngài là tân khách đến chơi nhà
Ngài ở trong người, trong khôn gian, trong định luật thiên nhiên, Ngài ở trên trời. Ngài sinh trong nước, trong mục súc, trong định luật thiên nhiên, trong nham thạch. Đấng toàn thiện, đấng tối cao là như vậy.”

... “Ngài nhập vào vạn hữu, ngay cả vào đầu móng tay, y như dao cạo ra vào bao dao, y như lửa nằm trong mồi lửa…”

b) Những nhà minh triết cũng có thể coi Brahman, Atman là Bản thể, là Cốt lõi vạn hữu vũ trụ.

Tìm ra được Cốt lõi ấy, là hiểu được Brahman, hiểu được vạn hữu, hiểu được chính mình. Đó là chìa khóa mở ra mọi hiểu biết. Thực tại chỉ là Một. Biến thiên phiền tạp chỉ là hình tướng.

Trên mặt đất này không có tạp thù, không có biến thiên thực sự. Kẻ nào chỉ nhìn thấy biến thiên cách biệt bên ngoài, kẻ ấy sẽ còn trong Vòng sinh tử. Tất cả phải được nhìn thấy trong Nhất thể, trong thực thể, Bản thể duy nhất bất khả tư nghị...”

Upanishads tuyên xưng:

Thực sự nếu nhìn thấy được, nghe thấy được, nghĩ ra được, tìm hiểu được Đại Ngã, sẽ hiểu được vũ trụ này” 10

“Thực sự, ai mà thấy được sợi giây nhất quán, thấy được chủ tể tại hàm tàng trong vạn hữu, người đó biết Brahman, người đó hiểu biết vũ trụ, hiểu biết thần minh, hiểu biết Veda, hiểu biết tạo vật, hiểu biết Đại Ngã, hiểu biết mọi sự...”

- Thấy được Trời lồng trong vạn hữu là đạt tới chân tri, là tìm thấy được Thượng Đế.

Ai mà thấy được Chúa Trời,
Lồng trong vạn vật, vạn loài thọ sinh,
Trường tồn giữa mọi điêu linh,
Trường tồn vĩnh cửu trong mình biến thiên,
Thế là tri giác vẹn tuyền...

oOo

Ai mà thấy được vạn loài,
Ngoài tuy riêng rẽ trong thời đồng căn,
Lòng trời kết giải đồng tâm,
Từ Trời phóng xuất xa gần miên man,
Thế là tìm thấy Brahman...”

- Biết được Căn bản, biết được chân tướng mình, biết được rằng có Trời trong dạ là điều kiện thiết yếu để trở thành tiên phật, thánh, thần..

“Chân nhân nhỏ tựa ngón tay,
Lồng trong tâm khảm muôn loài thụ sinh,
Tâm thần trí lự bao quanh,
Ai mà biết được trở thành thần tiên...
Biết trời trong dạ ấy ai,
Thành thần, siêu thoát vòng đời tử sinh.
Cùm xiềng tháo gỡ sạch sanh,
Không còn sinh tử, điêu linh, thảm sầu”

Tóm lại, quan điểm của triết học Ấn Độ, các thần linh là không thể tách rời trong nhận thức mọi người, cho dù đã mấy ngàn năm qua cho đến hiện này và mãi đến ngàn sau thì Phạm Thiên thư cũng không thay đổi. Và con người phải chấp nhận Đấng Phạm Thiên (Brahma), để Atman hoà nhập với Bản thể tuyệt đối thì mới không còn luân hồi trong vòng sinh tử. Đó mới là trạng thái vĩnh hằng ai cũng phải nghĩ đến.


1 Lịch sử văn minh Ấn Độ, NXB Văn Hóa, năm 1996, tt 58- 59
2 Svetasvatara Up. I–I. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Đông phương, quyển 3, trang 38 với lời trích dẫn kinh Rig Veda.

3 Brahman, thật ra là bất tử. Brahman ở đằng trước, Brahman ở đằng sau, ở bên trái, ở bên phải; Brahman ở trên, Brahman ở dưới, Brahman thật ra chính là toàn thể thế giới, toàn thể vũ trụ. (Mundaka 2.2 II)

4 Rig Veds X, 90
5 Aitareya Up.1
6 Rig Veda, X, 90
7 Brihad Aranyaka Up. 20.2.1
8 Chandogya Up. 6,13, 1–3
9 Mandukya Upanishads 2
10 Brih. 2.4.5.)

BẢN CHẤT TẾ TỰ TRONG Brahmanas
Giảng viên Thích Lệ Thọ

Là một phần trong cái hùng vĩ nền triết học Ấn Độ, Bà-la-môn giáo đã có sự đóng góp to lớn, không những trên bình diện triết lý u huyền mà còn để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong từng nếp nghĩ, cử chỉ hay quan niệm sống của toàn thể dân tộc Ấn Độ và cũng là thực thể có cùng một dòng máu trong quá trình phát triển của đất nước Ấn Độ.

1. Niềm tin của tự ngã đối với thần:

Trong những bài giảng trước, chúng tôi đã đề cập đến sự hình thành tôn giáo của người dân Ấn độ cổ đại từ nền văn hoá bản địa Dravidien và ngoại xâm Aryen để cấu tạo thành văn minh Ấn Độ hiện nay.

Ngày nay người ta tìm được một nền văn minh có tính cách nông nghiệp và thành thị cao hơn Aryen về văn hoá nhưng kém Aryen về tổ chức và binh bị. Đó là sự giao thoa của hai nền văn hóa tạo nên một nét đặt thù rất riêng của một tôn giáo đứng hàng thứ 3 về số lượng tín đồ trên thế giới.

Hai con sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges) đều phát xuất từ rặng Hy Mã Lạp Sơn, sông Ấn ở phía Tây, dài 2900 cây số chảy qua vùng Pen Giáp có 5 phụ lưu đổ ra biển Á Rập. Sông Hằng ở phía Đông dài 3090 cây số, chảy ra vịnh Ben Gan, người Ấn tin tưởng đó là một con sông linh thiêng, có thần thánh bảo trợ cho họ.1

Theo truyền thuyết sông Hằng trước kia ở tận trên trời, sau nhờ thần Sihva 2 , kéo nó chảy qua đầu tóc mình, lẩn quẩn ở đó hàng ngàn năm, rồi mới đổ xuống trần thế, tạo thành 7 nguồn sông ở bên sườn Hy Mã Lạp Sơn. Sông Hằng chảy qua một thành phố từ ngàn đời nay, là nơi linh thiêng nhất của người dân Ấn, đó là thành phố Varanashi. Theo người Ấn, được tắm trong dòng nước mát và được chết bên bờ sông Hằng, tại khúc sông Hằng chảy qua thành phố nầy, là diễm phúc lớn nhất của cuộc đời.

2. Tín ngưỡng:

Người Ấn Độ sống ở vùng sông Ấn đã có tín ngưỡng thần linh, nhất là nữ thần, người Aryan sùng bái các lực lượng tự nhiên như thần mặt trời (Mitra), thần mặt trăng (Varuna), thần vật tổ Indra, thần lửa (Agni), thần Chết (Yama), thần Rượu (Soma)...,

3.Nội dung thánh điển Bràhamana:

Có thể nói là một pho sách có tính cách thần học. Tư tưởng triết học của Bràhmana thì khai triển theo thứ tự trong ba giai đoạn:

a) Giai đoạn thứ nhất lấy Prajapati (Sinh sản) làm trung tâm. Tư cách của Prajapati là thần tối cao, tạo ra vũ trụ, trời đất và hư không, rồi lần lượt tạo ra Thái Dương thần, Phong thần, Hỏa thần, con người và vạn hữu, nên giai đoạn này thuộc về quan niệm sáng tạo.

b) Giai đoạn thứ hai, lấy Bràhaman (Đại ngã) làm trung tâm. Bràhman thay thế Prajapati để nắm quyền chi phối các vị thần. Giá trị của Bràhman đứng trên hai phương diện, một phương diện thì duy trì cái bản chất bất biến bất động của nó, mặt khác thì hoạt động theo hai yếu tố là Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc) để khai triển vạn hữu.

c) Giai đoạn thứ ba, lấy Àtman (Tự ngã) làm trung tâm. Bràhaman và Àtman tên tuy khác nhau nhưng cùng một thể. Bràhman thuộc về phương diện vũ trụ; Àtman thuộc về phương diện tâm lý. Căn cứ vào phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, nghĩa là Àtman khi lìa thể xác thì linh hồn được quy thuộc về Bràhman.

4. quan niệm Nhân Bản toàn diện:

Nét căn bản đầu tiên của văn hoá Dravidien phải nói là nền nhân bản và là nhân bản tâm linh có tầm vóc vũ trụ vì có hồn vũ trụ gọi là Purusha: Prajapati cũng gọi là Braham là chúa tể vũ trụ, vì đã tự hoá thân thành Purusha đại ngã. Đó chính là con người. Vũ trụ ví tự Purusha đã hoá sinh ra vạn vật. Vì con người cá nhân chỉ là cái bóng mờ nhạt nhỏ bé so với Purusha đại ngã nên cứu cánh của con người là phải làm thế nào để trở về với Purusha. Đó là con đường Minh triết, còn phương pháp để đạt Minh triết là Yoga.

Yoga là phép dậy cách cho con người kết hợp lại với Purusha nguyên thủy bằng cách tập trung tư tưởng. như vậy thì cũng đúng với nguyên lý của Kinh Dịch là “nguyên thủy phân chung” cùng chung một bầu khí triết lý. Quan niệm như thế chấp nhận tất cả mọi tác động thuộc tiểu ngã cũng như đại ngã, và tất cả đặt trên quan niệm tiến hoá. Đó là quan niệm Nhân Bản toàn diện của con người do nhận thức sự giao thoa giữa thánh và người nên đạt được sự mầu nhiệm qua tế tự. 3

5. Tế lễ theo kinh Veda:

Niềm say mê tiên tri hàng ngàn năm trước công nguyên đã khiến cho những nhà hiền triết Ấn Độ gốc Ariyan nghe được tri thức (Veda) của thần linh tự trong tâm và chuyển những gì đã nghe (Sruti) thành các khúc đạo ca, và niềm tự hào về thơ văn thúc đẩy họ thâu thập các khúc đạo ca tạo thành bộ sách Veda, “tri kiến thần linh”, rồi tán tụng chúng theo những nhịp điệu trang nghiêm trong lễ tế đàn.
Các khúc đạo ca được tán tụng trong lễ tế đàn bằng thể thơ, hoặc đọc thần chú một cách thành kính nhằm kết nối với sự thiêng liêng của thần thánh.

Đối với thời đại chúng ta, nhiều hình ảnh thần linh trong Thiên giới Vệ-đà thật khó tưởng tượng ra, bởi vì chúng kết hợp những đặc điểm thần linh với quan niệm về các hiện tượng thiên nhiên theo một cách bất chấp tính hợp lý. Thông thường, các đặc tính gán cho một vị thần nào đó lại tương phản nhau không thể nào kết hợp chung được trong tư tưởng. Do vậy phần lớn các thần Veda vượt ra ngoài định nghĩa trong một cảnh tranh tối tranh sáng, hay ba phần tư bóng tối không thể nào quan niệm được.

Ngôi vị tối cao trong đền thờ Veda do Indra Thiên Chủ ngự trị, vị thần có ngàn lực và là thần hộ mệnh của dân tộc Ấn gốc Ariyan từ hướng Tây đến chiếm thung lũng sông Hằng khoảng 1200 trước CN. Ngài là vị anh hùng đã có thời dùng gậy thần giết Vrtra, con quỷ gây hạn hán và như vậy đã giải phóng các dòng sông được quấn chặt trong thân rắn của nó. Ngài vung vẫy chiếc cầu vồng chính là cây cung của ngài, phát ra sấm chớp bằng chiếc kim cang chùy (vajra), ngài lao vùn vụt trên chiếc thiên xa từ trận chiến này đến trận chiến khác để diệt bầy quỷ cố tìm cách ngăn cản ngài ban bố những cơn mưa thuận gió hòa đem lại sự phong phú cho quả đất đang khao khát nước ngọt.

Thức uống của ngài là rượu soma, một thứ tiên tửu trộn với mật ong và sữa bò, mà các tín đồ dâng lên ngài trong những lễ cúng rượu thật tràn trề để mong ngài tọai ý và ban phước lộc. Thần Indra không chỉ là hiện thân của dũng lực và nam tính, khuyến khích tư tưởng và hành động phát triển, mà còn là thần tạo sự phong phú cho đám gia súc và ban tròn ước nguyện về vật chất cho con người. Kẻ nào có thần Indra ở bên mình thì không thiếu món gì cả:

Indra hỡi, nếu ta là Thiên Chủ,
Đấng phát ban mọi phẩm vật trên trần,
Thì kẻ nào ca tụng với tán xưng,
Sẽ chóng hưởng đàn trâu bò đẹp nhất!
Ta sẽ giúp người, tấu Trời Đại Lực,
Vì kính người, nên ta sẽ phát ban
Cho những ai ca tụng hoặc tri ân
Nếu ta được làm Chúa đàn súc vật! 4

Kế tiếp thần Indra là thần Varuna và Mitra. Varuna là hiện thân bầu trời trùm lên vạn vật, được tôn thờ như vị thần bảo vệ chân lý (rta) và trật tự vũ trụ. Phận sự thần này là bảo tồn sự điều hòa trong hướng đi của mặt trời, sự thay đổi ngày và đêm, các tuần trăng và các mùa. Vị này cũng chứng giám các lời cam kết và thề ước, vì không giữ lời thề ước là nói dối, và vi phạm tính thiêng liêng của chân lý mà thần Varuna có phận sự bảo vệ. Về sau theo kinh Veda, Varuna còn được xem là thần đại dương và sông nước, nên thần trừng phạt những kẻ nuốt lời thề bằng các căn bệnh phù thủng và giun chỉ là những bệnh rất thông thường ở Ấn Độ. Một bệnh nhân như vậy thường van xin thần Varuna:

Cho con đừng tới nhà mồ,
Va-ru-na hỡi, thứ cho lỗi lầm,
Va-run phước đức thi ân,
Con như bong bóng nổ bùng lững lơ;
Thần đầy ân đức, thứ tha,
Vì con ngu xuẩn hóa ra chống ngài,
Thứ tha con, đội ơn trời,
Đứng trong dòng nước, tôi đòi khát khao!
Thứ tha con, hỡi trời cao,
Dù loài người đã phạm bao lỗi lầm
Chống bề tôi của chư thần,
Nếu vì ngu xuẩn không tuân lệnh ngài,
Chúng con xin tấu lạy trời
Xin đừng thịnh nộ diệt nòi giống con. 5

Dâng lễ tế thần không thể thiếu thần lửa Agni, vì vị thần này dùng các chiếc lưỡi toàn bằng khói lửa mang lễ vật lên trên trời và thỉnh cầu chư Thiên xuống trần gian dự lễ tế đàn:

Agni cuộn quanh mình
Phẩm vật tế thần linh
Chỉ riêng mình thần lửa
Lên đến cõi Thiên đình.
Agni đầy uy lực,
Đầy vinh hiển, tín thành
Xin nguyện cầu Thiên chúng
Đưa xuống với quần sanh! 6

Mắt phàm tục không thể thấy được chư Thiên thần khi chư vị xuống dự lễ tế đàn và an tọa trên đàn tế lộ thiên. Thiên thần được vị chủ tế dâng thực phẩm, rượu soma bèn bày tỏ lòng hoan hỷ biết ơn qua các cách đáp lễ như cho mặt trời mọc mỗi ngày, làm mưa rơi xuống và đem thắng lợi, an cư lạc nghiệp, thành công, con đàn cháu đống, gia súc tăng trưởng, trường thọ, cường tráng. Việc đáp lễ của chư Thiên này có thể xem là đáng tin cậy được, miễn là đừng phạm lỗi lầm gì trong lúc cầu nguyện và dâng yến tiệc lên “chư Thiên”. 7

Trong các bộ Thánh điển, đề cập Bà-la-môn là những người truyền đạt thiên ý đến những người tế đàn người ta tin tưởng rằng chư Thiên thần trông cậy vào tài năng của vị Bà-la-môn tế tự và nếu không có sức mạnh tạo ra do tế đàn thì mọi ý nguyện không thành.

Rõ ràng: “Tế lễ bảo tồn trời đất, tế lễ dành cho chư Thiên, tế lễ ngự trị trên chư Thiên” .Thần chú tế lễ (Brahman) là một loại thần chú có tính tự động bắt buộc chư thần linh phải làm theo ý muốn của vị Bà-la-môn tế tự. Thần chú có tính vạn năng, người nào hiểu chú và tụng chú chính xác là người cao trọng hơn tất cả mọi loài.

Các lễ hội được linh nghiệm nhờ thần chú (Brahman) mà chỉ riêng vị tế sư trưỡng lão mới có thể tán tụng đúng âm luật. Nên một người chỉ đạt đến chức vụ tế sư Bà-la-môn sau khi đã làm môn đồ tại nhà một vị tế sư Bà-la-môn suốt mười hai năm, hằng ngày chăm sóc ngọn lửa, học thuộc Thánh ca, thần chú, lễ nghi và sống đời kiêng sắc dục để phát triển ưu thế đối với mọi người. Chỉ khi nào việc học tập này kết thúc, vị Bà-la-môn trẻ tuổi ấy mới được phép mang kiểu tóc đặc biệt của vị Bà-la-môn trưởng lão, gồm một chòm tóc kết bên phải đầu, và ba chòm nữa ở các nơi khác.

6. khổ hạnh để đạt được giải thoát:

Trên quan điểm đó, bất cứ ai cũng phải từ chối các dục lạc vì chúng đi kèm với khổ đau những ai có hành động như thế cũng giống tách vỏ trấu để hưởng thụ hạt gạo bên trong!

Từ “khổ hạnh” thường được dịch là “ăn năn hối cải” một cách sai lầm. Sự ăn năn hối cải là một cố gắng bù đắp tội lỗi đã phạm, còn khổ hạnh theo nghĩa Ấn Độ là một cố gắng tạo dựng tương lai. Nó dựa trên niềm tin rằng sự hành xác (tapas là phương tiện) tạo ra nhiệt lượng (tapas là kết quả) nghĩa là một thần lực tâm linh có thể được tích trữ để sử dụng vào mục đích giải thoát. Điều kiện tiên quyết để thành công là tuyệt đối tiết dục. Nếu người theo khổ hạnh bị nhục dục lôi cuốn, thần lực tapas được tích trữ kia lập tức biến mất hoàn toàn.

Theo niềm tin được phổ biến giữa nhiều người, nhà tu khổ hạnh chứng đắc thần thông do tích lũy ngày càng nhiều thần lực tapas. Trong kinh Rg Veda ta đã biết rằng thần Indra, Thiên Chủ, đạt ngôi cao trên thiên đình nhờ có tapas, nhưng mãi đến các thế kỷ thứ bảy, thứ sáu trước CN, thuyết thần lực tapas mới trở nên thực sự thịnh hành.

Vì tục ngữ có câu “Cái gì ta không cần thiết hiện nay sẽ được đền bù gấp mười lần” nên cũng không ít vị khổ hạnh đã nhắm trực tiếp đến lạc thú đời sau như mục đích tối hậu của các nỗ lực cá nhân mà từ bỏ lạc thú hiện tại. Đối với một số khác lại lấy mục đích, thể hiện thần thông: bay như chim, đi trên nước, băng qua tường, biết các vật ở xa hoặc dấu kín, đoán quá khứ, tương lai… Nên không ít người gọi Brahmanas là đẳng cấp tu sĩ.

Song đối với những vị có trí tuệ cao thâm thì mục đích duy nhất xứng đáng tu tập khổ hạnh là sự giải thoát, cho dù giải thoát được quan niệm như sự cọng trú với chư Thiên, hay hợp nhất với một vị thần nào đó, hoặc liễu tri cái Tuyệt Đối và thể nhập vào trong ấy.

Như vậy, việc tế đàn ngoài mục đích cầu mưa rơi xuống tưới mát ruộng đồng đem thắng lợi cho số đông, an cư lạc nghiệp, thành công, con đàn cháu đống, gia súc tăng trưởng, trường thọ, cường tráng…mà nó còn một ý nghĩa quan trọng là phương pháp dạy cách cho con người kết hợp lại với Purusha nguyên thủy bằng cách tập trung tư tưởng để con người trở về nhân bản tâm linh. 8 Đó mới là thành quả đạt được tuyệt đối khi con người dám bỏ cái vỏ trấu để tìm về hạt gạo, nhưng mấy ai hiểu được mấy ai dám đi theo lý trí, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ như một sự thách thức đối với chúng ta hiện nay và mãi đến ngàn sau!


1 Đại Cương lịch sử Triết học phương Đông cổ đại, Doãn Chính, Trương Văn Chung, Nguyễn Thế Nghĩa, Vũ Tình. NXB Thanh Niên, 2003.
2 Shiva nghĩa là “điềm lành” là một vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo, và một khía cạnh của Trimurti. Phái Shaiva của Ấn Độ giáo coi Shiva là vị Thượng đế tối cao.
3 Triết học Đông phương tập II, Lưu Hồng Khanh. NXBT, 2005
4 Rig veda 8 . 14 . 1 - 2
5 Rv 7 . 89
6 Rv I . 4 - 5
7 Những vị có hào quang
8 Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Heinrich Zimmer. NXBVHTT, 2006.

Thực tại tuyệt đối trong Upaniṣads
(Áo nghĩa thư)
Giảng viên Thích Lệ Thọ

I. XUẤT XỨ:

Theo quan điểm của người Ấn, tư tưởng ở thời kỳ thứ ba của Ấn giáo là Upaniṣad [1] (Áo nghĩa thư). Tiếp sau tư tưởng Bràhman là triết học Upanishad được thành hình trong khoảng 800 - 600 năm trước CN. Nội dung tư tưởng triết học của bộ thánh điển này chủ trương thuyết PHẠM NGÃ ĐỒNG NHẤT (Bràhman, Àtman ailkyam), và lý tưởng giải thoát. Lý tưởng giải thoát chia làm ba giai đoạn:

1/ Giai đoạn thứ nhất là việc đi tìm giải thoát, nhưng giải thoát phải tìm ở tự nơi mình, không phải là tìm ở bên ngoài, cho nên nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi là bất giác.

2/ Giai đoạn thứ hai, muốn thoát luân hồi cần phải an trụ cái bản tính, và bồi dưỡng phần trí tuệ.

3/ Giai đoạn thứ ba, phải noi theo phương pháp tu trì để mong phát minh trực quán trí, tức là phép tu Du-già (Yoga). Theo thứ tự như thế mà tu, dần dần chân ngã sẽ toàn hiện, tới lúc chân ngã toàn hiện, thì Àtman trở thành Bràhman, tức là giải thoát, chấm dứt luân hồi.

Từ upaniṣad xuất phát từ động từ căn √sad và hai động từ tiếp đầu âm là upa + ni, như vậy là upa-ni-√sad. √sad có nghĩa là ngồi, upa-ni là đến gần và hạ mình xuống. Theo cách giải từ nguyên thông thường thì upaniṣad có nghĩa là "sự đến gần ngồi xuống [bên Đạo sư để nghe dạy]", và vì các bài dạy mang tính chất bí mật uyên áo.

Tuy nhiên, theo nhà Ấn Độ học Harry Falk đã chứng minh rất thuyết phục rằng, “người đến gần ngồi bên cạnh” như từ nguyên bên trên gợi ý không phải là đệ tử, mà là một năng lực siêu nhiên đến bên hành giả, upaniṣad mang nghĩa“một năng lực ảnh hưởng” nhiều hơn, và như vậy, nó có một nghĩa rất chủ động.

Trong bài luận giải cho Ca-tha áo nghĩa thư (sa. kaṭhopaniṣad), Đại luận sư Thương-yết-la (sa. śaṅkara) lại cho chữ -ṣad xuất phát từ gốc động từ √śad với nghĩa tiêu diệt, hàng phục. Qua đó, Thương-yết-la kiến lập một giáo lí trên cơ sở các Áo nghĩa thư, với chức năng tiêu diệt vô minh.

II. Áo nghĩa thư trong Thánh điển Phệ-đà:

Các bộ Phạm thư không phải là tác phẩm của một tác giả duy nhất và với thời gian, chúng được bổ sung thêm. Các thành phần được bổ sung bao gồm những lời giải thích về ý nghĩa bí mật của các nghi lễ và chân ngôn. Một số phần mật giáo của Phạm thư được gọi là Sâm lâm thư[2]. Điểm khác biệt giữa Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư không rõ ràng bởi vì cả hai đều xử lý những tài liệu tương tự nhau.

Một số Áo nghĩa thư, ví như bộ Aitareya được bao gồm trong bộ Sâm lâm thư hệ thuộc, trong khi những bộ khác, ví như Áo nghĩa thư Bṛhadāraṇyaka, lại được xem là cả hai, Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư. Tuy nhiên, các chủ đề về vũ trụ quan và siêu hình có vẻ giữ vai trò trung tâm hơn trong các bộ Áo nghĩa thư, và về mặt thời gian, chúng xuất hiện sau các Sâm lâm thư.
Thánh điển Phệ-đà, bao gồm các Áo nghĩa thư và tất cả các nhánh hệ thuộc, được biên tập và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng chỉ được viết lại hơn một ngàn năm sau đó, nhưng mặc dù vậy, việc lưu truyền được thực hiện rất nghiêm túc và trung thực - thậm chí trung thực hơn phương pháp sao chép bằng văn tự, như nhiều nhà nghiên cứu cho biết.

III. Dùng mọi phương pháp mô tả Brahman:

Khi bàn về triết học và tư tưởng của các bộ Áo nghĩa thư là chúng không thể tìm được sự sắp xếp có hệ thống theo một tiêu chuẩn nhất định nào đó, mà ta thường thấy ở những bộ khác. Các bộ Áo nghĩa thư chứa đựng rất nhiều quan niệm khác biệt và trừu tượng. Giữa những đoạn văn với nội dung triết học cao vút lại xuất hiện những ý tưởng rất tầm thường, ví như những lời phỏng đoán rỗng tuếch về những âm tiết hoặc về huyền thuật

Thế nên, trong khi phân tích Áo nghĩa thư, người ta cũng không nên xem từng bộ Áo nghĩa thư như một tác phẩm riêng biệt và nhất quán, mà phải kết hợp những phần có cùng tư tưởng từ nhiều Áo nghĩa thư khác nhau. Sau khi đã đạt những điều kiện tiên quyết trên và tổng hợp các tư tưởng nằm rải rác trong nhiều văn bản, người ta mới có thể nói đến một "hệ thống triết học" Áo nghĩa thư. Và khi nói đến "Triết học Áo nghĩa thư" thì những chủ đề sau đây được xem là quan trọng nhất, là rường cột cho tất cả các trường phái Bà-la-môn giáo sau này, đó là mối tương quan giữa một Tiểu ngã[3] (sa. ātman) và Phạm thiên (sa. brahman), luân hồi[4] (sa. saṃsāra) và nghiệp[5] (sa. karman) cũng như hai quan điểm đối lập là Duy vật và Duy tâm.

10 bộ Áo nghĩa thư chủ yếu[6] (sa. mukhya) đã được Thương-yết-la luận giải và được tất cả các nhánh Ấn Độ giáo công nhận là những văn bản Thiên khải (zh. 天啓, sa. śruti). Chúng được liệt kê song song với bộ Phệ-đà hệ thuộc[7].

Các bộ Áo nghĩa thư Kauśītāki, Śvetāśvatara và Maitrāyaṇi thỉnh thoảng được xếp thêm vào để tăng tổng số lên 12, 13. Chúng cũng được xem là những bộ cổ nhất, có thể đều được biên tập trước công nguyên.

Upanishads có rất nhiều bộ. Đây chỉ xin nói sơ lược nội dung chính yếu của 13 quyển chính.

1. Isa Upanishad: Bàn về phong thái vô tất, vô cố của người đạo sĩ.

2. Kena Upanishad: Ai thực sự điều hành vũ trụ? Thưa đó là Atman = Brahman.

3. Katha Upanishad: Chân Ngã Bất tử, không thể biết được bằng Lý Trí mà bằng Trực Giác. Xác thân là xe tải Chân Ngã.

4. Prasna Upanishad: Đưa ra 6 câu hỏi về vũ trụ, về cá tính, về nhân bản con người. (căn cơ, gốc gác con người).

5. Mundaka Upanishad: Con người có 2 thứ biết: a. Cao (biết về Bản Thể). B. Thấp (biết về Hiện Tượng). Tu tâm quan trọng hơn tế lễ, công quả bên ngoài.

6. Mandukya Upanishad: Bốn bình diện, bốn trạng thái của một con người: a.Trạng thái thức; b.Trạng thái ngủ; c.Trạng thái ngủ không mơ; d.Trạng thái siêu việt (Turita).

7. Taittitya Up: Bàn về năm tầng lớp nơi con người:; a. Vỏ áo cơm (Food): Nhục thể, thô thân. (trạng thái thức); b. Vỏ khí (breath): Tế thân (Subtil body); c. Vỏ tâm tư (mind): hồn. Trạng thái ngủ mơ; d. Vỏ lý trí (intellect): Duyên thân, nhân thân; e. Vỏ Hạnh Phúc: Trạng thái ngủ không mơ. Vô minh (Avidya).
Sau 5 lớp vỏ áo đó, mới tới cốt lõi Atman, AUM.

8. Aitareya Up: Bàn về lai sinh.

9. Chandogya Up: Cho rằng Chân Ngã nơi con người, Atman là Chân Ngã Vũ Trụ Brahman. Atman=Brahman. (Con là cái đó; Con là Bản thể Vũ Trụ).

10. Brihah Aranyaka Up: Bàn về Chân Ngã Atman, siêu vi, phổ quát, duy nhất, bất phân.

11. Kaushitaki Up: Bàn về Luân Hồi và Giải thoát.

12. Svetasvara Up: Bàn về Tuyệt Đối Thể lồng trong vạn hữu và trong con người.

13. Maitri Up: Điều nguyện ước cao siêu nhất là ao ước Hiểu Biết Chân Ngã. Yoga là phương pháp đưa tới sự phối hợp với Chân Ngã.

IV. KẾT LUẬN:

1. Chủ trương của Upanishads là Chân Ngã, là Bỉ Nhất (Brahman).

2. Đưa ra 2 phương pháp đi tìm Chân Ngã. Phương pháp ngoại quan (Quan sát ngoại giới) và phương pháp nội quan (Quán chiếu nội giới).

3. Dùng phương pháp luận để hiểu về Brahman:

a) Phương pháp khẳng định (Affirmative Method): Brahman là mặt trời, là mặt trăng, là không gian, là trí, là khí, là thần chủ trì trong các hiện tượng thiên nhiên.

b) Phương pháp phủ định: (Negative Method): Neti, Neti, không phải vậy, không phải vậy.

c) Phương pháp mâu thuẫn (Paradoxical Method): Brahman vừa to, vừa nhỏ, vừa xa, vừa gần, vừa tĩnh, vừa động...

d) Phương pháp ngậm miệng, làm thinh: Lặng thinh, vì Brahman bất khả tư nghị.

4. Upanishads chủ trương vũ trụ cũng như con người, đều từ một Nguyên Thể phóng phát, sinh xuất ra.

Vạn hữu này đã từ Bất Tử xuất sinh,

Như tơ nhện nhả ra từ lòng nhện,
Như cây cối từ đất đai xuất hiện,
Như tóc lông từ thân xác trổ ra,
Như tia lửa, phát từ đám lửa chói loà.
Ngàn muôn tia, vẫn lửa hồng không chi khác.
Vạn hữu tuy ngàn muôn sai khác,
Đều từ lòng Bất Tử xuất sinh,
Rồi lại về đó khi hết giai trình biến hoá...
Atman, Chân Ngã lúc nào cũng tiềm ẩn sẵn trong con người, chẳng khác nào như BƠ vẫn tiềm ẩn sẵn trong SỮA.
Đó chính là Chủ Trương Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

5. Con người có nhiều tầng lớp, nhưng cốt lõi vẫn là Chân Ngã Atman vô đối.

6. Như vậy trong chúng ta, có 2 con người:

a) Con người hữu hạn, sinh tử, khổ đau.

b) Con người, vô hạn, bất biến, thường lạc. Và hai thứ hiểu biết:1 ) Huệ (Intuition), và 2) Trí (Intellect).

7. Upanishads dạy con người cố gắng tìm cho ra Chân Ngã, Chân Thể ấy. Thế là Trí Tri, là Cái Biết cùng Tột. Nó cũng dạy ta tu luyện để thực hiện Chân Thể ấy. (Yoga).

8. Upanishads coi nhẹ lễ nghi, hình thức, và tin có Luân Hồi, Nghiệp Báo.

9. Upanishads là tinh hoa của Veda. Và vì nó là phần sau chót trong bộ Veda, nên còn được gọi là Vedanta. (Vedanta sau này cũng còn là tiếng để chỉ môn phái triết học của Samkara, hay Nhất Nguyên Tuyệt Đối Luận.)

10. Upanishads như vậy chứa đựng một Mật Giáo.

Bộ thánh điển này là bí truyền không được truyền cho ai ngoài đệ tử, ngoài con cái, cũng không được truyền cho kẻ nào mà lòng chưa định tĩnh. Chính vì lý do đó mà Anquetil sau khi đọc xong bộ Upanishads đã thốt lên một câu bất hủ như sau: “Ai biết Chúa, sẽ trở thành Chúa.”[8]

Schopenhauer, đại triết gia người Đức, sau khi đọc bản dịch của Anquetil Duperron đã hết lời xưng tụng nghĩa lý uyên áo của thánh thư, Ông nói:
Hàng, hàng lời lẽ đều cao đẹp, câu câu tư tưởng rất cao siêu, toàn sách tràn ngập 1 tinh thần cao siêu, thánh thiện, đứng đắn...Trong cả thế giới này, không có cái học nào cao siêu hơn, lợi ích hơn là cái học Oupanikhat (trừ bản văn nguyên thuỷ ra). Oupanikhad là nguồn yên ủi tôi khi sống và là nguồn yên ủi tôi khi chết...”

Giáo Sư Deussen, giáo sư triết học Đại Học Kiel rất sung sướng vì đã khảo sát xong Upanishads và Vedanta. Ông thấy chúng rất lý thú. Trong 1 bài diễn văn tại Bombay Branch of The Royal Asiatic Society, trước khi từ giã Ấn Độ, ông nói: “Vedanta, nếu dịch cho đứng đắn, sẽ bảo vệ luân lý, sẽ yên ủi ta khi sống và khi chết. Dân Ấn hãy giữ lấy nó.”
Như vậy, đi tìm bản chất của bản ngã cùng các quy luật của nó chính là nội dung mà bao thế hệ Veda đã và đang nỗ lực xây dựng nhằm hoàn thiện thiên chức thiêng liêng mà Đấng tối cao Brahman đã giáo phó. Và cũng từ những quan kiến về Bản ngã này mà toàn bộ hệ thống triết lý Bà-la-môn giáo được hoàn thiện từ Upanishads, nên có thể nói đó là đỉnh cao của trí tuệ.
SÁCH THAM KHẢO

1/ Mundaka Up. I, 1, 7.-Brihad-Upa. 2.1.20-The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, Second Edition Rivised, 1887

2/ Dasgupta Surendranath, A History of Indian Philosophy, London Cambridge University Press, Vol I, 1922
3/ Robert Ernest Hume, The Thrirteen Principal Upanishads. 1887
4/ Hoàng Sĩ Quí, Triết Sử Ấn Độ I, tr. 102-103.
5/ Hoàng Sấm Hoa, Ấn Độ Triết Học Sử Cương, Chân Thiện Mỹ xuất bản, 1966, tr. 17)
6/ Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, tr. 172.
7/ Chandradhar Sharma, PH.D, Triết Học Ấn Độ, NXBTpHCM. 2005.
8/ Heninrich Zimmer, Triết học Ấn Độ Một Cách Tiếp Cận Mới, NXBVHTT. 2006.

[1] Áo nghĩa thư (zh. 奧義書, sa. upaniṣad), “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải (sa. śruti), nghĩa là được “bề trên khai mở cho thấy” trong Ấn Độ giáo. Thánh kinh được xếp vào Phệ-đà của Ấn Độ giáo. Vì lý do này nên upaniṣad cũng được gọi là Phệ-đàn-đa (zh. 吠檀多, sa. vedānta), nghĩa là "phần kết thúc (anta) của Phệ-đà (veda)". Đây là một loại thánh điển rất quan trọng của Ấn Độ giáo với nội dung giải thích, diễn giảng các bộ Phệ-đà tính chất bí ẩn.
[2] Sâm Lâm Thư (zh. 森林書, sa. āraṇyaka), nghĩa là “các bài văn bí mật được tụng niệm trong rừng thâm”, và một số khác được gọi là Áo nghĩa thư.
[3] Tự ngã (Atman) không phải là lý trí, tình cảm và giác quan, nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có Atman, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại bất diệt
[4] Luân hồi (zh. 輪迴, sa., pi. saṃsāra) Phạn ngữ là “lang thang, trôi nổi” theo ngữ căn sam-√sṛ, có khi được gọi là Hữu luân (zh. 有輪), vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh tử (zh. 生死). Thuật ngữ này chỉ những đời sống tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn
[5] Nghiệp (zh. yè 業, sa. karma, pi. kamma, ja. gō), là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karma được dịch ý là Nghiệp mang những ý sau:
1. Hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân;
2. Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng - nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác;
3. Hành vi xấu ác, tai hại. mê muội;
4. Hạnh thanh tịnh (sa. anubhāva);
5. Nỗ lực, tinh tiến, phấn đấu (sa. vyāyama).
[6] 1. Aitareya (ṚV); 2. Bṛhadāraṇyaka (ŚYV); 3. Īṣa (ŚYV); 4. Taittirīya (KYV); 5. Kaṭha (KYV); 6. Chāndogya (SV); 7. Kena (SV); 8. Muṇḍaka (AV); 9. Māṇḍūkya (AV); 10. Praśna (AV)
[7] Lê-câu (ṚV), Sa-ma (SV), Bạch Dạ-nhu (ŚYV), Hắc dạ-nhu (KYV), A-thát-bà (AV)).
[8] Anquetil Duperron là người đầu tiên dịch Upanishad từ tiếng Ba Tư sang tiếng Latinh năm 1775, và cho xuất bản sách năm 1801-1802.
TRIẾT HỌC CAVAKA
Giảng Viên Thích Lệ Thọ

A. Nguồn gốc.

I. Nhận định về Vô Thần:

“Vô thần” mới xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ 16 tại Pháp, các quan niệm mà ngày nay được ghi nhận là vô thần đã được ghi lại từ thời cổ đại. Từ điển bách khoa Việt Nam viết:

“Ở Ấn Độ, có tư tưởng về vũ trụ vô thủy vô chung, không do ai tạo ra. Ở Ai Cập, có tư tưởng hoài nghi về thế giới bên kia. Ở Trung Quốc cổ đại, có quan niệm duy vật và vô thần về khí và về năm nguyên tố hợp thành vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Ở Hi Lạp và La Mã cổ đại, có tư tưởng cho rằng thế giới cấu tạo từ các nguyên tố vật chất như nước, lửa, nguyên tử”.

Thuyết vô thần[1], hay chủ nghĩa vô thần, là một quan điểm khẳng định rằng thần thánh không tồn tại, hoặc phủ nhận “đức tin”[2] vào thần thánh. Từ “vô thần” còn được định nghĩa một cách rộng hơn là sự không có đức tin vào thần thánh, đồng nghĩa với phi thần luận (nontheism).

Nhiều người tự nhận là vô thần[3] có thái độ hoài nghi với tất cả những gì siêu nhiên, với lý do là không có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của thần thánh. Những người khác lập luận ủng hộ thuyết vô thần trên cơ sở triết học, xã hội và lịch sử. Nhưng trong tư tưởng đưa đến nhận thức nhằm đạt sự đồng thuận đối với định nghĩa của các từ như “thần” hay “chúa” (deity và god) vẫn còn một khoảng cách khá xa đối với lập luận hay biện chứng.

Về các hiện tượng bị phủ nhận, chủ nghĩa vô thần có thể chống lại bất cứ thứ gì từ sự tồn tại của một vị chúa trời tới sự tồn tại của bất cứ khái niệm tâm linh, siêu nhiên, hay siêu việt nào, chẳng hạn như các khái niệm của Ấn Độ giáo và Phật giáo[4].

II. Khái quát về vô thần:

Cơ sở lý luận vô thần là phân biệt giữa vô thần thực tiễn và vô thần lý thuyết. Mỗi hình thức khác nhau của vô thần lý thuyết xuất phát từ một cơ sở lý luận hay luận cứ triết học cụ thể nào đó. Ngược lại, vô thần thực tiễn không đòi hỏi một luận cứ cụ thể và có thể bao gồm sự không quan tâm và không biết về ý niệm thần thánh.

1. Vô thần lý thuyết:

Về khía cạnh lý thuyết, hoặc tu hành, chủ nghĩa vô thần thừa nhận một cách tường minh các luận cứ chống lại sự tồn tại của thánh thần, phản ứng lại các luận cứ hữu thần như luận cứ mục đích hoặc thuyết đánh cược của Pascal (Pascal's Wager). Các lập luận lý thuyết cho việc phủ nhận thần thánh dựa trên các dạng thức tâm lý học, xã hội học, siêu hình học và nhận thức luận đa dạng.

2. Vô thần thực tiễn:

Trong thuyết vô thần “thực tiễn”, hay “thực dụng”, các cá nhân sống như thể không có thần thánh và họ giải thích các hiện tượng tự nhiên mà không dùng đến những khái niệm có tính chất thần thánh. Sự tồn tại của thần thánh không bị phủ nhận, nhưng có thể được xem là không cần thiết hoặc vô ích; thần thánh không mang lại mục đích sống, cũng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Nói một cách khác khái niệm của họ khác với khoa học tự nhiên phương pháp luận (methodological naturalism). Chủ nghĩa vô thần thực tiễn có nhiều hình thức khác nhau:

2.1/ Thiếu động cơ tôn giáo để tạo nên đức tin vào thần.

2.2/ Chủ động loại bỏ các vấn đề về thần thánh và tôn giáo ra khỏi hoạt động tìm kiếm tri thức hay các hoạt động thực tiễn.

2.3/ Không quan tâm đến các vấn đề thần thánh và tôn giáo.

2.4/ Không có bất cứ ý niệm nào về thần thánh.

III. Xác Định chủ nghĩa nhận thức:

1. Tư tưởng của người Ấn qua các thời kỳ:

* 1500 TCN - Vệ Đà và Áo nghĩa thư
* 500 TCN - Jaina, Phật, Bhagavad Gita, Manu Smriti
* 300 TCN - sự phát triển của nền triết học Ấn giáo (Darshanas) chính thống
* 200 SCN - Long Thọ và sự phát triển của trường phái Đại thừa
* 600 SCN - Shankaracharya và sự phát triển của Vedanta
* 900 SCN - sự phát triển của các trường phái: Visishtadvaita, Dvaita, v.v...

2. Khái niệm Vô thần theo hai quan điểm:

Như vậy theo dòng thời gian, người Ấn đã thay đổi rất nhiều về nhận thức khi cuộc sống trở nên phong phú, trái đất được thu hẹp trong tầm tay thì khái niệm về vô thần cũng được phân chia ranh giới trong khái niệm khá rõ:

a) Vô thần trong trạng thái chưa từng nghĩ đến niềm tin vào thần thánh. Và mơ hồ với khái niệm vào thần thánh.

b) Vô thần có ý thức không xác định về đức tin thần thánh. Và họ chủ động khẳng định rằng thần thánh không tồn tại.

Các nhà triết học như Ludwig Feuerbach[5] và Sigmund Freud lập luận rằng Chúa Trời và các đức tin tôn giáo khác là các phát minh của con người, được tạo ra để thỏa mãn các nhu cầu hay ý muốn đa dạng về tâm lý hoặc tình cảm. Đây cũng là quan điểm của nhiều Phật tử[6]. Chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Feuerbach, Karl Marx và Friedrich Engels, lập luận rằng đức tin vào Chúa Trời và tôn giáo là các công cụ xã hội mà những người có quyền lực sử dụng để áp bức giai cấp lao động.

Theo Mikhail Bakunin, “ý niệm về Chúa hàm ý sự từ bỏ lý tính và công lý của con người; nó là sự phủ nhận kiên quyết nhất đối với quyền tự do của con người, và nó dẫn đến kết quả tất yếu là sự nô lệ của loài người về lý thuyết cũng như thực tế”. Đảo ngược câu cách ngôn nổi tiếng của Voltaire “Nếu không có Chúa thì cần phải phát minh ra Chúa”, Bakunin nói “Nếu quả là có Chúa thì cần phải bãi bỏ ông ta”[7].

Dựa trên những tiêu chí của các chủ thuyết, chúng ta thấy, dù cổ đại hay hiện đại thì những thắc mắc do tư duy hay tự nhiên không ý thức đều có cùng chung quan điểm, nếu những học thuyết và chủ nghĩa hữu thần hay vô thần chưa đưa được con người thoát khỏi cái vỏ kiến thức định kiến thì vẫn mãi là học thuyết suông.

B. Học thuyết.

1. Trường phái triết học Cārvāka:

Trường phái triết học Cārvāka có tính chất triệt để duy vật và phản thần đã bắt nguồn từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước CN. Và cũng là trường phái triết học vô thần rõ rệt nhất của Ấn Độ. Nhánh triết học Ấn Độ này được coi là một hệ thống không chính thống (heterodox) và dĩ nhiên không được xem là một phần của 6 trường phái chính thống của Ấn Độ giáo[8].

Sẽ rất khó khi chúng ta tìm thấy một tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa duy vật, hay một trường phái có tổ chức nào tương tự như kiểu các trường phái triết học, bởi hầu hết người dân Ấn theo đa thần giáo, ngoài trừ người theo đạo Sikh[9] là nhất thần giáo”. Cho nên chúng ta chỉ có thể dựa vào các tác phẩm của các trường phái khác khi đề cập quan điểm duy vật và phủ nhận chúng. Kiến thức nghiên cứu của chúng ta về chủ nghĩa duy vật Ấn Độ chỉ dựa chủ yếu vào những điều này.

2.Mang tính đột phá và xây dựng ý thức:

Trường phái vô thần mang tính xây dựng trùng hợp với học thuyết theo thuyết giá trị phủ nhận sự tồn tại của thần thánh để nghiêng về một “giá trị tuyệt đối cao hơn” như đạo Phật[10] chẳng hạn, hoặc hướng về giá trị chân thiện mỹ của nhân loại! Hình thức vô thần này coi nhân loại như là nguồn gốc tuyệt đối của luân lý và các giá trị, và cho phép các cá nhân giải quyết mọi ngóc ngách của ý thức về các vấn đề đạo đức mà không cần có sự hiện diện của thần thánh để niềm hạnh phúc khộng bị hạn chế.

Đứng về một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nhận thấy người vô thần là một người thực tế, duy lý trí, chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe hoặc những gì khoa học có thể chứng minh được. Đến đây chúng ta có thể tạm chấp nhận vai trò học thuyết của Cārvāka là một bước đi mới mà bản thân của những người ngoài tôn giáo không muốn mình bị nô lệ kiến thức, hoặc quá lệ thuộc vào thần thánh.

Những năm gần đây, một số giáo phái đã thu nạp một số tín đồ vô thần công khai, chẳng hạn như Do Thái giáo nhân văn (humanistic Judaism) hay người Do Thái vô thần và những người vô thần Ki-tô giáo[11].

Như vậy, chưa hẳn là người vô thần, không theo một chủ nghĩa nào hoặc học thuyết nào là họ không có niềm tin, người không tôn giáo là không chính xác. Họ tin chính họ và phản bác các học thuyết còn lại và họ trung thành với quan điểm hướng đến giá trị tốt hơn của tôn giáo. Bởi mọi hình thức của tôn giáo cũng chỉ là gạch nối của mục đích sau cùng của kiếp người. Hay họ tin vào những giá trị thành tựu của khoa học thì đó cũng chính là “Tôn giáo khoa học”. Và trong một chừng mực nào đó niềm tin vào tôn giáo khoa học, đôi lúc họ còn mang tính cuồng tín và mãnh liệt hơn bất kỳ tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào!

Đó là một xu thế tất yếu của xã hội Ấn Độ đương thời, nên sự có mặt của học thuyết Cārvāka như thêm một bông hoa trong vườn hoa tâm linh, như một điểm son tạo nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh đa tôn giáo đa học thuyết nói chung và sáu trường phái chính thống nói riêng thêm gam màu tươi sáng cho dòng sử Ấn, và tạo nên một dấu ấn thiên hùng ca đậm chất triết học của một đất nước đầy huyền bí từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi đến ngàn sau!


[1] Người theo thuyết vô thần là người không tin có sự hiện hữu của một hay nhiều thần hay thượng đế hay một đấng siêu nhân nào cả. Thuyết Vô Thần đã có từ thời Xenophanes (570 - 470 trước Tây Lịch), cách đây hơn 2,000 năm.

[2] Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. VietCatholic News (21/08/2003)

[3] Oxford American Dictionary định nghĩa “người vô thần” (atheist) là “người không tin và sự tồn tại của Chúa Trời hay thần thánh”. New York: Avon Press, 1980.

[4] Britannica (1992). “Atheism as rejection of religious beliefs”. Encyclopædia Britannica

http://www.britannica.com/eb/article-38265/atheism. Truy cập 21 tháng 10 năm 2009.

[5] Walpola Rahula, What the Buddha Taught. Grove Press, 1974. Pages 51–52.

[6] Logical Arguments for Atheism. Internet Infidels, The Secular Web Library. truy nhập ngày 21.10.2009.

[7] Drange, Theodore M. (1996). "The Arguments From Evil and Nonbelief". Internet Infidels, Secular Web Library. Retrieved 22.10.2009.

[8] Joshi, L.R. (1966). “A New Interpretation of Indian Atheism”. Philosophy East and West 16 (3/4): 189–206.

[9] Trong tiếng puljab, “Sikh” có nghĩa là “học trò”, hoặc “môn đệ”, còn những người Sikh là “học trò của các Guru”. Đạo Sikh dựa trên những tín điều mà Guru Khải tổ Nanak và 9 vị Guru Thế tổ khác truyền lại. Chỉ thờ duy nhất một vị thần, đó là Chúa Trời. Chúa Trời tạo ra vũ trụ, sự tồn tại của vũ trụ phụ thuộc vào ý chí của Chúa Trời. Chúa Trời đã, đang và sẽ tồn tại mãi. Chúa Trời không có hình thù, không có giới tinh, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ mang hình dáng con người trên Trái đất.

[10] Phạm Thiên sau quá trình thanh lọc tâm hồn, chứng đắc đến cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, nhưng vẫn còn bị luân hồi. Trường Bộ Kinh, Phạm võng kinh (sa., pi. brahmajāla, nghĩa là “tấm lưới của Phạm thiên”), nói về các quan điểm triết học và siêu hình thời Phật giáo sơ khai.

[11] Lyas, Colin (January 1970). “On the Coherence of Christian Atheism”. Philosophy: The Journal of the Royal Institute of Philosophy 45 (171): 1-19.

TRIẾT HỌC JAIN
Giảng Viên Thích Lệ Thọ

A. Đạo Jain

I. Bối cảnh và xuất xứ:

Theo dòng thời gian tư tưởng triết học của người Ấn được phân chia theo: 1.500 TCN là giai đoạn thống trị của Vệ Đà[1], Áo nghĩa thư[2] và sau đó 1000 năm là thời kỳ phán giáo của các hệ thống triết học chánh thống giáo nổi bậc là đạo Jaina, đạo Phật[3], và học thuyết Bhagavad Gita[4] được phát triển cho đến ngày nay. Điều đó cho thấy dòng lịch sử của người Ấn đã phát triển tư tưởng đến đỉnh cao, nhằm đáp ứng cho sự khát vọng của con người muốn có một câu trả lời thỏa đáng là con người từ đâu mà có và vũ trụ này hữu hạn hay vô hạn? Câu hỏi đó cho đến thời đại chúng ta đang còn là một thách thức[5], vậy chúng ta thử tìm đến cách giải quyết của Đạo Jain ra sao khi đã có mặt từ thời cổ đại được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda, và trải qua 24 đời truyền thừa những vị ấy được gọi là các tirthankara-người lội qua chỗ cạn. Sở dĩ có danh xưng ấy vì họ đã giúp cho các đệ tử, những người đi theo đạo lý, vượt qua bến bờ đau khổ luân hồi của thế gian và đạt đượt giác ngộ. Đỉnh điểm của học thuyết đó đã phát triển rực rỡ cùng thời với đức Phật.

II. Những nét tiêu biểu của Jainism:

Jainism- Kỳ-na giáo là một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Veda, mặc dù trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda. Nhưng học thuyết đó đã thoát thai và mang dáng dấp của nền Văn minh lưu vực Ấn hà. Kỳ-na giáo phát triển như một hệ quả tất yếu bởi cái bóng quá lớn của Veda che khuất mọi ý tưởng tự do của con người: từ chủ trương tế lễ, mọi sinh hoạt đời sống và ngay cả tính thẩm quyền trong giáo lý của Veda[6].

Vì vậy, sự thay đổi của họ với nhận thức phát triển, tư duy phóng khoảng của nền văn minh giúp họ tạo nên một lối đi mới là nhu cầu ắt có và đủ. Sự khai phóng của họ mang chút dáng vẻ những kẻ phiêu lưu trong lĩnh vực tư tưởng, chính bước đột phá đó đã được nhiều người ủng hộ với chủ trương bất bạo động mọi hình thức, sống trong kham nhẫn tuyệt đối trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành.

Vì vậy khi phân tích Thuật ngữ chúng ta sẽ thấy chữ Jainism có thành tố là “ji” có nghĩa là chinh phục được khát vọng, hay chinh phục những ràng buộc. “Jina” có nghĩa là người chinh phục tất cả kẻ thù nội tại và bất tịnh của tinh thần. Cho nên biểu tượng thành công của các vị Thánh là những con người bình thường đã dùng nhiều phương pháp tu tập để vượt qua khỏi sự ràng buộc của cuộc đời, khổ đau về thể xác và tinh thân, để đạt được giải thoát.

Vị thánh đầu tiên là Rishabha truyền thừa đến 24 đời và vị cuối cùng được tôn kính nhất là Mahāvira[7] (Đại Hùng), ngài thuộc dòng họ Sát-đế-lợi ở Vaiśālī[8]. Trong nền tảng đạo lý lại phát sinh ra hai trường phái dường như mâu thuẩn và đối lập, nhưng sự tương phản đó lại là sự hỗ trợ cho nhau cùng tồn tại và phát triển. Trường phái śvetāmbaras cho phép tu sĩ mặc y phục màu trắng (white-clothed). Thánh địa của trường phái nằm ở Gujarat miền Tây bắc và miền Tây Rājputāna về sau đã phát triển đến miền Trung và miền Bắc Ấn Độ.

Cũng từ một học thuyết của Kỳ-na-giáo nhưng trường phái Digambaras cấm không cho mặc y phục, nên một số tôn giáo khác gọi tên biếm nhẽ là Phái lõa thể (space-clothed) khi tiếp xúc với trường phái Digambaras. Trường phái này cho phép người nữ xuất gia, nhưng chỉ được ở trong tu viện không được ra ngoài khất thực như những nam tu.

III. Giáo điều của Kỳ-na-giáo:

Những người nhận ra được chân lý, muốn theo giáo đoàn làm tu sĩ phải thực hành 22 điều khổ hạnh như: kềm chế cơn đói, khát, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết nóng, lạnh, chấp nhận môi trường thiên nhiên cho muỗi đốt, ruồi bu, đối với cơ thể khống chế sự khát vọng về quyền lực, danh vọng, thù ghét, yêu thương và chối bỏ hoàn toàn nhục dục … và với tư tưởng:
** Bất hại là quan điểm giáo lý quan trọng của Kỳ-na giáo. Bất hại bắt nguồn từ tư tưởng, sau đó được bày tỏ qua lời nói và cuối cùng là hành động cho nên Tu sĩ phải luôn ghi nhớ về các qui định sau:

1/ Cẩn trọng trong ngôn từ.


2/ Cẩn trọng trong suy tư.


3/ Thận trọng khi đi đứng.


4/ Tập trung khi nâng vật lên hoặc để vật xuống.


5/ Khi ăn uống, phải quan sát thức ăn và nước uống.


6/ Từ bỏ tất cả những sở hữu thế tục.


7/ Để cho ngũ giác quan thỏa mãn là một tội lỗi.


8/ Mỗi năm ẩn cư 3 tháng mùa mưa.


9/ Chấp nhận thức ăn từ sự hỷ cúng của thế gian.


10/ Mặc đồ khác biệt với xã hội.


11/ Ăn chay tuyệt đối.

Những qui định cho người cho tại gia có 5 điều:

1/ Không tổn hại mạng sống hữu tình (ahiṃsa)


2/ Không nói dối (satya)


3/ Không trộm cắp (asteya)


4/ Không tà dâm (brahmacarya)


5/ Hạn chế tham đắm các sở hữu thế tục (aparigraha)
Lời khuyên thứ năm của giáo điều còn mang thông điệp đến các tín đồ, không nên để thân xác và tâm lý bị lôi cuốn, trói buộc vào thế giới vật dục, do giác quan mang lại những khoái cảm thì cũng bị xem là tội lỗi.

B. Triết học Jain

IV. Tôn chỉ Kỳ-na giáo:


1/ Đạo đức học:

* Bất hại là giao lý trọng tâm của quan điểm Kỳ-na giáo. Được nhận thức qua tư tưởng, sau đó được bày tỏ qua lời nói và cuối cùng là hành động.

* Bác bỏ các nghi lễ Bà la môn như là phương thế để thành tựu giải thoát, từ việc cử hành chính xác các nghi lễ.

* Phủ định sự hiện hữu của cảnh giới thiêng liêng vĩnh cửu, ngài tin rằng linh hồn của con người bị mắc kẹt trong thế giới vật chất, cần được giải thoát nhằm thành tựu sự toàn mỹ.

* Biến giới luật bất hại (ahimsa) thành tâm điểm tuyệt đối của triết học và đạo đức học thực hành.

* Kỳ Na giáo mang tính vô thần chủ nghĩa. Hoàn toàn khác với Ấn giáo, Kỳ Na giáo không có những cái tuyệt đối, không có sự hiệp nhất sau cùng của Tiểu ngã Atman vào Đại ngã Brahman hằng cửu. Thay vào đó, Kỳ Na giáo cho rằng giải thoát sau cùng là sự thừa nhận rằng tinh thần của ta mới là một thực tại tối hậu.

* Chính nghiệp báo lèo lái vũ trụ, chứ chẳng phải một thần linh nào cả. Thế giới không có khởi đầu nhưng được xem là đang chuyển động qua các thời kỳ tiến hóa và thoái hóa.

* Khi linh hồn được giải thoát, ở đó chỉ còn lại niềm tin, tri thức, đức hạnh và mọi trạng thái chân chính hoàn hảo. Khi hết thảy các nghiệp báo ràng buộc đều bị loại bỏ, linh hồn vút bay lên tới bến bờ không gian vũ trụ.

2/ Thánh điển:


2.1. Bốn nguyên lý đưa đến tuệ giác:

a) Công đức của tôn giáo (dharma)
b) Thịnh vượng (artha)
c) An lạc (kāma)
d) Giải thoát (mokṣa)

2.2. Thất đế:


Muốn chế ngự bản thân, phải có phương pháp tự kiềm chế các loại ham muốn và dục vọng. Phương pháp tích cực thuộc về sự chỉ dẫn theo nguyên tắc mà các vị tổ đã trải qua, có như vậy mới hướng được đạo tâm phát triển.
1/ Mạng
2/ phi mạng (linh hồn và phi linh hồn)
3/ Lậu nhập (nghiệp vào linh hồn của con người)
4/ Lậu hoặc (trói buộc ngăn không cho con người giải thoát)
5/ Chế ngự.
6 Tĩnh tâm
7/ giải thoát

2.3. Tam bảo:


Một nguyên tắc khác cũng là phần cốt lõi của người tu theo Kỳ Na giáo phải sống với “Tam bảo”, tức là thực hiện đúng đắn ba nguyên tắc, để không đi quá xa với nền tảng giáo lý:
1/ Niềm tin không thay đổi.
2/ Tri thức phải hiểu biết sâu sắc.
3/ Đức hạnh phải rạng ngời.

IV. KẾT LUẬN:

Những người được ca tụng và thường là những kẻ phiêu lưu trong lĩnh vực tư tưởng không còn thỏa mãn với những bài kinh Vệ đà thiêng liêng cũng như những việc thờ cúng của đạo Bà la môn nữa. Giáo chủ Rishabha của Kỳ-na-giáo là một trong những chủ trương đó. Họ đi tìm thứ kinh nghiệm huyền bí nằm ngoài những hình thức cổ truyền. Tôn giáo Veda cổ được những người chủng tộc Indo-Aryens đưa vào Ấn Độ từ hàng nghìn năm trước thật ra đã thoái hóa và máy móc.

Những tu sỹ Bà la môn giáo, phải mất tới ba chục năm để nhớ thuộc lòng những bản kinh thiêng bằng một ngôn ngữ đã chết, từ đó tạo nên một bức màng huyền bí thái quá trong những nghi lễ. Vì chỉ có một bộ phận tăng lữ tiên tiến trong xã hội mới được tham gia. Từ nguyên nhân sâu xa đó mọi giai cấp khác trong xã hội bắt đầu ở trạng thái ấp ủ tư duy và giải tỏa những vướn mắc tự chính mình chứ không còn mong đợi từ thánh điển Veda và tăng lữ. Trong thời điểm đó sự xuất hiện của Giáo chủ Rishabha như có một luồn gió mới thổi vào tâm trí một học thuyết mở được nhiều tầng lớp quan tâm:

* Đề cập chuyện tái sinh, chủ trương linh hồn của cá thể vẫn tồn tại sau khi chết để tái sinh dưới một dạng mới (người, súc vật, thần thánh hoặc ngạ quỷ) cho tới khi đủ một số lần nhất định. Cái vòng luân hồi đó không thể xê dịch và ai cũng phải tái sinh làm thân phận nghèo khổ hay xúc vật cho dù đó vị là Bà-la-môn.

* Bất cứ ai cũng có thể tiếp cận việc tái sinh qua hai con đường:

1/ Làm người sống khổ hạnh hoặc trở thành tu sỹ hành khất.

2/ Chấm dứt mọi sự ràng buộc người tu sĩ phải hoàn toàn trần truồng, sống ẩn dật hoặc tập hợp thành những nhóm nhỏ ở trong rừng.
Con đường khổ hạnh phải chấp nhận mọi luật lệ hà khắc, thông qua sự hành xác, để đạt được một quyền năng tâm linh huyền bí. Và con đường dẫn đến kết quả đó cần phải có những yếu tố căn bản của nội tại và ngoại tại:

* Không chấp nhận hệ thống giai cấp của Veda.

* Chủ trương bất hại, hoà bình.

* Chủ trương hoàn toàn vô thần, khái niệm về thượng đế hoàn toàn không có chỗ đứng trong Kỳ-na giáo.

* Trọng tâm giáo lý là kham nhẫn tuyệt đối trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành.

* Khẳng định rằng nghiệp là những vật chất vi tế (subtle material objects) gắn liền với linh hồn như bóng với hình không thể tách rời nhau. Con người muốn thoát khỏi luân hồi phải tu tập khổ hạnh và muốn hiểu rõ về vũ trụ thì không thể lấy cái hiểu biết hữu hạn của trí não để nhật thức cái vô hạn mà chỉ có thiền định mới đem lại ánh sáng hiểu biết đó.
27/10/2009

SÁCH THAM KHẢO

Michael Jordan.-Dịch giả: Phan Quang Định. Minh Triết Đông Phương. Nhà xuất bản: Nxb Mỹ thuật, 2004.

2/ Lâm Thanh Huyền. Triết Học Và Thiền Học Phương Đông - Giai Thoại Thiền Sư. Nxb Lao động, 2007.
3/ Dan Ariely, Phi Lý Trí - Khám Phá Những Động Lực Vô Hình Ẩn Sau Những Quyết Định Của Con Người. Nxb Lao động Xã hội, 2009.
4/ Tony Buzan.-Dịch giả: Nguyễn Thế Anh. Lập Bản Đồ Tư Duy - Công Cụ Tư Duy Tối Ưu Sẽ Làm Thay Đổi Cuộc Sống Của Bạn. Nxb Lao động Xã hội. 2008.
5/ Trịnh Xuân Thuận. Những Con Đường Của Ánh Sáng - Tập 1. Nhà xuất bản: Nxb Trẻ. 2008.
6/ Nhiều người dịch. Albert Einstein Và Sự Tiến Triển Của Vật Lý Học Hiện Đại. Nxb KHKT, 2006.
Trịnh Xuân Thuận. Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay (Từ Big Bang Đến Giác Ngộ) Nxb Trẻ. 2007.
7/NguyễnƯớc. Đại Cương Triết Học Đông Phương. Xuất bản. 2009.
http://www.censusindia.gov.in/Census_Data_2001. truy cập ngày 26.10.2009.
8/ Doãn Chính, các trường phái triết học Ấn Độ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002, dịch từ bản tiếng Anh của J.L. Jaini, Sacred Books of the Jaina (Arrah, India: The Central Jaina Publishing House, 1920).
9/ http://www.daophatngaynay.com (truy cập ngày 26.10.2009)
10/ http://www.thuvienhoasen.org. (truy cập ngày 27.10.2009)
[1] • Rig Veda: thi tụng cái biết, bao gồm gần mười quyển, với 1028 tụng ca mà bài cổ nhất có từ thế kỷ 15 trước Công nguyên và những bài gần nhất cũng khoảng thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. Những vị thần được ca tụng nhiều nhất là Indra, Varuna và Agni.
• Sama Veda: ca vịnh thần chú, gồm 585 khổ thơ, tương ứng với các giai điệu được dùng trong những tụng ca hiến tế (hymmes des sacrifices).
• Yayur Veda: là một chuỗi các công thức hàm chứa những nghi lễ khác nhau: dâng lễ trăng tròn, trăng mới, dâng cúng các vong nhân, dâng thần lửa, dâng bốn mùa..
• Atharva Veda: triển khai ý nghĩa ba bộ kinh kia - gồm các bài thuyết giáo, có nội dung thiết thực và triết học. Các bài thuyết giáo chứa đựng thông điệp tâm linh căn bản của Ấn Độ giáo
[2] Áo nghĩa thư (zh. 奧義書, sa. upaniṣad), “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, là một loại văn bản được xem là thánh điển rất quan trọng của Ấn Độ giáo với nội dung giải thích, diễn giảng bốn bộ Veda vốn ẩn chứa tính chất bí ẩn nên upaniṣad được xem đỉnh cao của trí tuệ.
[3] Phật là chữ viết tắt của Phật-đà (zh. 佛陀), đây là danh hiệu phiên âm từ tiếng Phạn hoặc Pali buddha (bo. sangs rgyas སངས་རྒྱས་) sang Hán-Việt; dịch ý là Giác giả (zh. 覺者), tức “Người tỉnh thức”. Một cách gọi khác là Bụt (đọc Nôm chữ 孛 hoặc 侼).
[4] Bhagavad Gita là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata. Những câu này, sử dụng dạng thơ mỗi câu có năm âm tiết với nhiều so sánh và ẩn dụ, mang nhiều tính thơ ca. Bhagavad Gita cũng được gọi là Gītopaniṣad, ngụ ý là nó là một “Upanishad”. Về mặt học thuật nó được xem kiến thức được tiết lộ (bởi Đấng tối cao).
[5] Sự sống có thể tồn tại trên vệ tinh sao Mộc. Trong mấy thập kỷ qua nhân loại chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng đáng thuyết phục nào chứng tỏ sự sống tồn tại bên ngoài trái đất, song từ lâu giới khoa học đã coi Europa - thiên thể bay quanh sao Mộc - là nơi lý tưởng để tìm kiếm hoạt động sinh học. Bề mặt trẻ và rất mịn của Europa khiến các nhà khoa học tin rằng có một đại dương ngầm nằm bên dưới lớp ngoài cùng của nó. (truy cập ngày 26/10/2009) http://vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2009/10/3BA14EC3/
[6] 1/ Thẩm quyền của các kinh Veda (sách thánh);
2/ Giá trị của các lễ tế được cử hành đúng nghi thức và do bởi đẳng cấp tư tế Bà la môn.
3/ Đức tin của Ấn giáo chính thống cũng đặt trên hai cơ sở:
4/ Thực tại hằng cửu của Thượng đế (Brahman), có thể hiểu khái quát như là Đại ngã, trong các dạng thức muôn hình muôn vẻ của thực tại tối hậu ấy;
5/ Linh hồn của con người (Atman), có thể hiểu khái quát là Tiểu ngã, cái tối hậu sẽ hòa nhập vào Đại ngã.
[7] Vị tổ thứ 24, Mahavira, là một nhân vật lịch sử, sống cùng thời đại với Đức Phật vào cuối thế kỷ 6 tới đầu thế kỷ 5 trước CN.
[8] Hiện nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Đông nước Ấn độ.
(http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/triethocJain.htm)

10-30-2009 11:23:46
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/02/2024(Xem: 813)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 1513)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 916)
Năm xưa khi Phật thuyết kinh, hoàn toàn dùng khẩu ngữ vì bấy giờ nhân loại chưa có chữ viết (xứ Ấn). Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật mới kết tập laị những gì Phật dạy để lưu truyền cho đời sau. Đạo Phật dần dần truyền sang các xứ khác, truyền đến đâu thì kinh điển cũng được phiên dịch sang ngôn ngữ của xứ ấy. Lúc ban đầu kinh Phật được ghi chép bằng tiếng Phạn ( Sancrit, Pali ) sau đó thì dịch sang tiếng: Sinhale, Pakistan, Afghanistan, tiếng Tàu, Thái, Nhật, Hàn, Việt… và sau nữa là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
20/12/2023(Xem: 1490)
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA. Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).
19/12/2023(Xem: 4060)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 10124)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 9402)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
12/12/2023(Xem: 4605)
Chánh Pháp và Hạnh Phúc (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
08/06/2023(Xem: 2561)
Trong môi trường văn hóa xã hội của chính chúng ta, thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác - đi đến một kết luận chung, có lẽ rất đáng bị đổ lỗi, chúng ta nên cùng nhau, với tư cách là đa số im lặng, đó là nếu mỗi người chúng ta làm việc một cách độc lập và riêng lẻ để phát triển những điều lành mạnh, nội tại, văn hóa tinh thần (Pali: citta-bhavana) của chính chúng ta và của toàn xã hội, và cuối cùng tập thể có thể trở nên được cải thiện đáng kể, đồng thời dựa trên cơ sở củng cố đạo đức và thực thi pháp luật và trật tự.
08/06/2023(Xem: 2866)
Đọc một quảng cáo trên mục rao vặt “vị trí tuyển dụng” của tờ báo The Star. Danh sách này là từ Cư sĩ lâm Thiên bách Phật giáo (Chempaka BudChempaka Buddhist Lodge, 千百家佛教居士林) ở Petaling Jaya, thành phố ở bang Selangor, Malaysia. Các cơ hội việc làm cho các tu sĩ Phật giáo ở Đông Nam Á là phổ biến và xuất hiện cùng với các cơ hội việc làm thế tục như nhân viên bán hàng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567