QUA CÁI NHÌN NHÂN DUYÊN
Chân Hiền Tâm
Thời thiền sư Nam Tuyền …
Nhà Đông nhà Tây tranh nhau một con mèo. Nam Tuyền thấy liền đề khởi: “Nói được thì không chặt”. Chúng không nói được. Nam Tuyền chặt con mèo làm hai khúc.
Người xưa giải thích :
Hàng Tông sư một động một tịnh, một ra một vào, hãy nói ý chỉ thế nào? Câu chuyện chặt con mèo, trong tùng lâm khắp nơi bàn tán xôn xao. Có người nói: “Chỗ đề khởi liền phải”. Có người nói: “Ở chỗ chặt”. Hoàn toàn không dính dáng! Nam Tuyền nếu khi chẳng đề khởi, khắp nơi cũng tạo tác đạo lý. Đâu chẳng biết, cổ nhân có con mắt định càn khôn, có cây kiếm định càn khôn. Ông hãy nói rốt ráo là ai chặt con mèo? Chỉ khi Nam Tuyền đề khởi: Nói được tức chẳng chặt, chính khi ấy bỗng có người nói được thì Nam Tuyền chặt hay không chặt? Vì thế nói:
Chánh lệnh đương hànhNgồi đoạn mười phươngThoát ra xem ngoài trờiAi là người trong ấy?Kỳ thật đương thời vốn chẳng chặt, thoại này cũng chẳng ở chỗ chặt cùng chẳng chặt. Việc này thật biết rõ ràng như thế, chẳng ở trên tình trần ý kiến mà tìm. Nếu nhằm trên tình trần ý kiến mà tìm thì cô phụ Nam Tuyền. Chỉ nhằm trên mũi nhọn kiếm bén xem thì có cũng được, không cũng được, chẳng có chẳng không cũng được. Vì thế cổ nhân nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”. Người nay chẳng hiểu biến thông, chỉ nhằm trên ngôn cú chạy. Nam Tuyền đề khởi thế ấy, không thể bảo người hạ được lời gì? Chỉ cần bảo người tự tiến, mỗi mỗi tự dụng tự biết. Nếu chẳng hiểu thế ấy, chợt dò tìm không đến. Tuyết Đậu đương đầu tụng ra:
Hai nhà đều hạng khách thiền xoàngKhói bụi vạch tung vẫn mơ màng
Nhờ được Nam Tuyền hay hành lệnh
Một đao hai khúc mặc thiên bàn
Trích (Nam Tuyền chặt mèo – Bích Nham Lục)
Công án của người xưa không phải là chỗ có thể dùng ngôn từ để lạm bàn, cũng không phải là chỗ có thể dùng tri thức thế gian mà thấu được. Lời dẫn của công án đã ghi: “Nẻo ý chẳng đến nên khéo đề ra. Nói năng chẳng kịp phải mau để mắt. Nếu là điện xẹt sao băng, liền hay nghiêng hồ lộn núi …”. Vậy thì đâu thể dùng tri thức hiện đời mà biện được. Lời người xưa giải thich rõ ràng nhưng nếu không phải kẻ đã biết ‘rốt ráo ai là kẻ chặt mèo”, cứ theo sự ấy mà luận xa gần thì ngàn đời cũng không thể thông. Xem ra, giải thích cũng đồng không giải thích.
Công án người xưa đề khởi, kẻ hậu nhân thời nay không mấy người có phần. Song đã là Phật tử (không vì đã qui y thọ giới cũng không vì màu áo Phật tử, mà vì cái gốc của chúng ta vốn là Phật tử) nên không được phần tủy, nhất định cũng có phần da. Đâu thể không vận dụng phần da ấy làm kế sinh nhai cho một năm sắp tới, để tất cả được an khang, thịnh vượng, an lạc, hạnh phúc, như người người chúc tụng lẫn nhau, nhà nhà đều muốn như thế.
I. Phát huy trí tuệ
Tu hành rồi, lại được ở gần bậc tôn túc, vậy mà một con mèo cũng tranh nhau. Tranh, thì chặt thành hai khúc, cho mỗi bên một nửa.
Hai nhà đều là khách thiền xoàng nên không thể ngay nơi sự mà nhận được thực lý Tâm kinh đã nói: « Sắc tức thị không. Không tức thị sắc» nên mới sinh tâm tranh dành. Đã không thể ngay đó mà nhận thì chém.
Mèo còn, tranh tới tranh luiMột khi mèo chết buông trôi dễ dàng.Buông được, thì không trả lời tức đã trả lời.
Thứ gì đã rơi vào thế tương đãi, mà không nhận được bản chất của cái thế ấy, thì không tránh khỏi tranh nhau. Không tranh con mèo thì lại hơn thua trên lời nói. Một cử chỉ nhỏ nhiệm cũng không thoát khỏi con mắt ‘tinh vi’ của mình. Tranh quyền, tranh lợi, tranh hơn, tranh thua. Vào đạo rồi thì tranh thầy, tranh bạn, tranh đệ tử v.v… Đụng thứ gì cũng tranh là do không thấy được tính không của vạn pháp. Tổ Long Thọ nói : «Pháp do nhân duyên sinh, ta nói tức là không». ‘Pháp nhân duyên’ là tên khác của pháp tương đãi.
Sao gọi là tương đãi? Đãi, là ‘đợi’. Tương, là ‘với nhau’. Con mèo hình thành nên bào thai rồi, cũng phải đợi đủ ngày đủ tháng mới ra đời. Đợi nhau mà có như thế, nên gọi là pháp tương đãi. Thứ gì đợi nhau mà có thì Phật Tổ nói ‘không có chất thật’. Nó không phải là pháp tự dưng mà có để có thể trường tồn vĩnh viễn. Đủ duyên mới có. Hết duyên liền không. Sanh và diệt, sống và chết cũng như thế. Đó là mặt hiện tượng duyên khởi của vạn pháp. Phật Tổ ra đời cũng phải theo qui luật ấy mà đi. Chỉ khác, chư vị nhận ra được bản chất của vạn pháp, nên rằng :
Phải quấy niệm hoa rơi buổi sớmLợi danh tâm lạnh với mưa đêmMưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặngChim kêu một tiếng lại xuân tàn(Trích Phòng núi hứng khởi - Trần Nhân Tông)Tâm phải, quấy, lợi, danh đều phải buông sạch, vậy mà Tăng Đông đường Tây đường, một con mèo vẫn còn tranh, nói sao Tổ sư không chém?
Duyên dứt, mọi thứ hóa không. Con mèo chỉ còn là đống thịt thối. Hết chỗ bám !
An khang, thịnh vượng, an lạc, hạnh phúc cũng là pháp nhân duyên. Những thứ đó không phải tự dưng mà có, cũng không phải do cầu sinh mà được. Muốn có chúng, chúng ta phải gieo nhân lành. Đủ duyên, quả tốt mới xuất hiện. Không thể chỉ vin vào những lời chúc tốt lành mà có thể hình thành những điều như thế.
Đã là pháp nhân duyên thì đủ duyên mới có, hết duyên liền không, không có gì trường viễn khi nhân duyên đã tàn. Cho nên :
Chúc nhau vui vẻ cả làngChúc nhau thì chúc dặn dò mấy câuLà rằng phúc thiện chớ quênNgười người no ấm ta thời ấm noHạnh phúc không giựt của ngườiThì ta hạnh phúc cuộc đời cũng tươiBố thí, ừ bố thí đi !Là nhân thịnh vượng, đời đời khỏi loAn khang tráng kiện là nhờKhông sát hại vật, không thâm của ngườiThương người như thể thương thânNgười xưa đã dạy khắc ghi trong lòngNhân duyên, nên phải gieo trồngNhân duyên đều đủ mới thành quả vuiNên rằng : Nhân phải gieo hoàiĐủ duyên mới có quả vui mà dùngĐó là những việcphải làm, cuộc sống của chúng ta mới hạnh phúc và thịnh vượng. Những nhân đó được gieo không chỉ vì mục đích mình muốn đạt được, mà phải đi kèm với từ tâm thì cuộc sống của mình mới không có nạn tai. Muốn chuyển hóa nạn tai cũng cần đến tâm từ.
II. Phát huy lòng từ
Người đàn bà và con quỉ tranh nhau một đứa trẻ. Ai cũng nhận đó là con mình. Để kết thúc việc tranh cải, phán quán cho hai người cầm một chân đứa bé mà giật. Đứa bé về phía người nào thì người đó được con. Hai người vừa bắt đầu, thì có một người buông tay. Phán quan hỏi vì sao? Người ấy khóc mà trả lời : «Nếu cứ đà ấy mà kéo, thì con của tôi sẽ phân thây mà chết. Chi bằng mất nó mà tính mạng nó được bảo tồn». Nghe vậy, phán quan cho người đàn bà nhận lại đứa trẻ.
Nhà Đông nhà Tây, chỉ cần có chút từ tâm như mẹ xót con mà buông sự tranh dành, biết đâu đã cứu được con mèo. Tiếc là, đụng vật thì bị vật dẫn, đụng ngôn từ thì bị ngôn từ dẫn, rồi cứ theo đầu lưỡi ấy mà đi, quên mất nhân duyên đưa đến việc con mèo bị chém. Có tranh dành mới có việc chém mèo. Không tranh dành thì không có việc chém mèo. Chỉ cần phá bỏ cái nhân ‘tranh giành’ thì cái quả ‘bị chém’ nhất định không xảy ra.
Lòng từ, là thứ hóa giải nạn tai rất nhiều, nhưng ít ai biết được điều đó. Khi chúng ta khởi được tâm thương xót người, thì mọi tranh oán xem như chấm dứt.
Xá Ma là đệ nhất phu nhân của vua Ưu Đà Diên. Bà là tín nữ trung thành của đức Phật và hàng thánh chúng. Bà thường hay thân cận cúng dường đức Như Lai và ca ngợi công đức của ngài hết mực. Ngược lại, đệ nhị phu nhân, vì thiếu trí tuệ nên thường bị lòng ghen ghét chi phối. Bà tâu với vua Ưu Đà Diên rằng:
- Đức Như Lai và hàng đệ tử có chỗ không chánh với phu nhân Xá Ma.
Nhà vua nghe xong, tức giận lấy cung bắn Xá Ma. Phu nhân Xá Ma thương xót vua Ưu Đà Diên, bèn nhập từ tam muội. Mũi tên vừa bắn ra đã quay trở lại dừng ngay giữ trán vua. Mũi tên ấy cháy đỏ như một khối lửa, trong rất dễ sợ. Vua bắn ra ba phát thảy đều như vậy.
Vua Ưu Đà Diên thấy sự việc, lông tóc đều dựng đứng, kinh sợ mà nói với phu nhân Xá Ma :
- Khanh là Tiên nữ hay Long nữ, là Dạ doa hay La sát?
Phu nhân Xá Ma trả lời :
- Thiếp không phải là Tiên nữ cũng không phải Long nữ hay Dạ Xoa La sát mà thiếp là đệ tử của đức Phật. Thiếp nghe đức Phật thuyết pháp, thọ trì 5 giới làm cư sĩ. Vì thương đại vương, thiếp nhập từ tam muội. Dầu đại vương sinh lòng bất thiện với thiếp nhưng do bi nguyện nên thiếp không bị tổn hại.
(Trích Pháp hội vua Ưu Đà Diên – kinh Đại Bửu Tích)
Từ , nghĩa chính của nó là ban vui. Thấy người chưa vui muốn người được vui, thấy người đã vui giúp vui hơn nữa, với kẻ oán địch khởi tâm thương xót không có tâm trả báo v.v… đều là dạng của từ tâm nói đây.
Từ tam muội, là thứ có sẵn trong mỗi người, chỉ do vô minh chi phối mà ta không sử dụng được tâm từ ấy. Bị vô minh chi phối nên làm việc gì cũng mang tính qui ngã, mọi thứ chỉ tập trung cho mình và gia đình, không quan tâm việc ấy tổn hại đến ai. Khi tâm đã qui ngã thì từ tâm cũng mất. Nạn tai cũng theo đó phát sinh.
Một người điện tới hỏi tôi : Em làm ăn thất bại, gặp những việc không hay, làm sao hóa giải?
- Muốn giải quyết chuyện tiền bạc thì phải cúng dường và bố thí. Đó là cái nhân để được sung túc. Kinh dạy, với hàng Sa môn và Bà la môn, nếu đã hứa bố thí cho ai thứ gì thì phải y lời hứa ấy mà làm. Không thì việc làm ăn sẽ thất bại.
Một thời gian sau cô lại điện báo: Em llàm tất cả mọi thứ rồi nhưng không thấy tình thế xoay chuyển.
- Vì chưa đủ duyên. Thành tâm làm nữa đi !
Mội thời gian sau cô lại báo: Tình thế đã không xoay chuyển, lại còn thêm nhiều thứ buồn phiền bất an.
Tôi liền hỏi : Em làm nghề gì ?
- Dạ giám đốc một công ty.
- Em cúng dường bố thí cho Sa môn và người nghèo khó, vậy công nhân của em, em có lo cho họ được đầy đủ?
Cô không trả lời.
Có những thứ rất bình thường nhưng có khi không tỉnh để mà làm.
Có những thứ rất gần, cần phải chu toàn, có khi lại không để ý, cứ vọng đến những chuyện xa xôi.
Bóp chẹt đồng lương của người rồi mang tiền ấy đi cúng chùa cầu phước cho mình, không khác hứng nước vào chậu vỡ. Dù tài lộc có vào rồi cũng sẽ ra đi. Người bị phiền não ức chế thì mình cũng không thể an vui. Cúng dường bố thí kiểu đó, không thể chuyển đi nạn xấu của mình. Bởi mọi thứ vẫn đang trên đường qui ngã, không phải là lực của từ tâm. Phải là lực của từ tâm mới có thể hóa giải nạn tai muộn phiền cho mình. Cho nên, cúng dường bố thí cần có cả từ tâm.
Có từ tâm thì không vì phước riêng của mình mà bóp ngặt người khác.
Có từ tâm thì không lợi dụng chỗ thất thế của người để áp đảo người.
Có từ tâm thì đời sống của mình một trăm, cũng nên cho người được một hai phần. Mình ngồi máy lạnh cũng nên cho người được chiếc quạt máy, không thể hà tiện đến mức không đèn cũng không quạt trong một xó xỉn nóng bức.
Có từ tâm thì không thâm lạm tiền làm thêm của người, không cắt xén những thứ không đáng cắt xét, khiến người thêm nhọc.
Phải là lực của từ tâm, mới chuyển được nghiệp xấu của mình, mới không gây tạo ác nghiệp mới. Phu nhân Xá Ma hiện đời chỉ là một cư sĩ tại gia thọ trì 5 giới, nhưng do dụng được lực từ tâm của chính mình mà cung tên của kẻ sân giận không thể làm hại được. Uy lực của từ tâm là như thế.
Ngày mùng một tết là ngày vía đức Di Lặc. Di Lặc, dịch nghĩa là Từ thị. Vì muốn thành tựu chúng sinh nên từ lúc mới phát tâm ngài đã không ăn thịt. Do nhân duyên đó mà ngài có tên là Từ thị.
Di Lặc, biểu thị cho lòng từ rộng lớn. Đó cũng chính là từ tâm có sẳn trong mỗi chúng sinh. Thành tâm cúng dường Di Lặc đầu năm, không gì bằng khai phát tâm từ của chính mình. Chính là xả đi những gì không vừa lòng, phát huy những gì khiến người vui mà mình cũng vui. Không phải chỉ trong ba ngày đầu xuân mà bất kể lúc nào và bất cứ ở đâu. Xả được đến đâu thì an vui đến đó. Phát huy lòng từ đuợc càng nhiều thì nạn tai càng bớt, hạnh phúc an khang càng tăng. Đó là cái nhân giúp chúng ta được an bình và hạnh phúc trong hiện đời và mai sau.
Sang năm Tân mão, nguyện cho tất cả chúng sinh nói chung, chúng ta nói riêng (dù là trong đạo hay ngoài đạo) đều phát huy được trí tuệ và lòng từ của chính mình để cuộc sống của mình và muôn loài được an vui.