Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một tia sấm chớp sáng trong đêm tối

01/11/201017:32(Xem: 10417)
Một tia sấm chớp sáng trong đêm tối

MỘT TIA SẤM CHỚP SÁNG TRONG ĐÊM TỐI
BỒ TÁT HẠNH CỦA SHANTIDEVA
do đức Dalai Lama giảng giải

Anh dịch: Hội Padmakara - Việt dịch: Đoàn Phụng Mệnh
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 1999 PL. 2542

Nguyên bản :
A FLASH OF LIGHTNING IN THE DARK OF NIGHT
A Guide to the Bodhisattva’s Way of Life
SHAMBHALA. Boston & London 1994

Nguyện Bồ đề tâm qúy báu nảy sinh
Ở những ai nó chưa được phát sinh.
Và nơi nào nó đã sanh ra,chớ để dừng tắt,
Mà ngày càng lớn rộng khắp nơi nơi.


NỘI DUNG

Lời nói đầu của nhà xuất bản
Ghi chú của những dịch giả
Dẫn nhập: Con đường của Bồ tát
01. Những lợi lạc của Bồ đề tâm
02. Cúng dường và tịnh hóa
03. Ôm lấy Bồ đề tâm
04. Cẩn thận
05. Chú ý
06. Nhẫn nhục
07. Tinh tấn
08. Thiền định
09. Trí huệ
10. Hồi hướng
Chú thích - Thuật ngữ


Lời nói đầu
của nhà xuất bản


Bồ Tát Hạnh của Shantideva là một tác phẩm đã từng được nhiều người trong chúng ta biết đến. Bồ đề tâm và Bồ tát hạnh chúng ta cũng từng biết với chi tiết qua những bộ kinh phổ biến rộng như kinh Hoa Nghiêm. Trong Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối chúng ta được đức Dalai Lama giảng dạy cho nghe về Bồ Tát Hạnh trong trọn một tuần lễ vào tháng Tám 1991 ở Dordogne, miền tây nam nước Pháp.

Điều đặc biệt của cuốn sách này là nó được giảng giải theo một truyền thống nhấn mạnh vào thực hành và bởi một người được hàng triệu Phật tử của nhiều nước xem là hiện thân của vị Phật của lòng Đại Bi, hay Bồ tát Quán Thế Âm. Sự giảng giải về Bồ Tát Hạnh bởi một vị Đại Bồ tát “Thiện ứng chư phương sở. Hoằng thệ thâm như hải. Lịch kiếp bất tư nghì. Thị đa thiên ức Phật. Phát đại thanh tịnh nguyện” (phẩm Phổ Môn), chắc hẳn phải là đặc biệt.

Sự đặc biệt đó không nằm trong những từ hoa mỹ, những tư tưởng cầu kỳ, mà nằm trong sự giản dị, bao la và sâu xa của tấm lòng đại bi vị tha của ngài ; và bởi thế nó đánh động vào nơi thâm sâu của con người mỗi chúng ta. Trong tác phẩm này cũng như trong những tác phẩm khác của ngài, lời giảng dạy của đức Dalai Lama giản dị, bao la và sâu xa. Giản dị, bao la và sâu xa như chính con người, cuộc đời và thế giới.

Về truyền thống thực hành, nó là nội dung thực sự của Phật giáo. Bởi vì Phật giáo là sự thực hành Pháp của Phật để chứng ngộ thực tại hầu làm lợi lạc cho mình và cho người. Trong cuốn sách này, đức Dalai Lama nói : “Hơn nữa những học giả Tây Tạng không bao giờ không biết đến phương diện thực hành, và những hành giả có nhiều kinh nghiệm tu chứng không hề xao lãng việc nghiên cứu. Điều này với tôi là một đường lối rất tốt” (phần Dẫn Nhập). Truyền thống nhấn mạnh vào thực hành này, cả trước và sau thời Lý Trần – thời tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam – chúng ta cũng có, nhưng trải qua những thế kỷ chiến tranh – nếu chỉ kể một trong những lý do chính – nó đã bị mai một phần nào. Bởi thế, những tác phẩm Phật giáo của những truyền thống thực hành khác nhau hẳn sẽ ích lợi cho chúng ta trong bối cảnh ấy.

Ước mong cuốn sách này đến được với nhiều người chú trọng đến Bồ đề tâm, sức mạnh của sự thực hành của chính họ và cũng là sức mạnh của dòng tương tục Phật giáo.

Tháng 12 năm 1998
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức.




GHI CHÚ CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ

Dầu Dalai Lama đã trở nên một gương mặt quen thuộc ở Tây phương, với nhiều sách xuất bản và những xuất hiện thường xuyên trên vô tuyến truyền hình và trong các phòng hội thảo, cuốn sách này đánh dấu một biến cố khác thường trong dịp ngài viếng thăm châu Âu và Bắc Mỹ. Trong trọn một tuần lễ, với một thính chúng hơn hai ngàn người dưới một lều vải khổng lồ, ngài đã ban cho một giảng dạy truyền thống về một tác phẩm cổ điển vĩ đại của văn học Phật giáo.

Bồ Tát Hạnh của Shantideva là một bản văn bao trùm toàn bộ con đường đi đến giác ngộ, và bởi vì nó không bao giờ thôi gây nguồn cảm hứng, nó chứa đựng những phần đòi hỏi bình giải chi tiết nếu chúng muốn được hiểu trọn vẹn. Một bình giải nói miệng có thể cần vài tháng, và với thời gian có được, không thể cho ngài bao trùm hết tất cả ngoài những điểm chính yếu Shantideva trình bày. Đặc biệt ngài chỉ có thể cho một dẫn nhập ngắn của chương thứ chín rất khó, mà ngài định dạy chi tiết hơn vào tháng Mười Một 1993. Cũng không có thời gian để ngài bình giải chương thứ mười.

Một hay hai chi tiết đặc biệt trong những tình huống của việc giảng dạy xuất hiện trong sách này. Trong chương ba, khi ngài giải thích phần này của bản văn, ngài mời những người hiện diện phát Thệ Nguyện Bồ tát, dùng những lời của Shantideva như là một nền tảng. Chương mười ở đây chủ yếu là lời khuyên kết luận của Ngài trong sự hồi hướng đánh dấu kết thúc những lời dạy.

Một toan tính được làm trong bản dịch cuốn sách này, trong cả hai bản văn gốc và bình giải, để tránh dùng một cách tổng quát những đại danh từ giống đực mà người Tây Tạng, một cách thuận tiện, thường không dùng đại danh từ nào. Tuy nhiên, vì những lý do của giọng văn – đặc biệt trong những câu kệ gốc trong đó sự chính xác và nhịp điệu cũng rất được coi trọng – điều này không luôn luôn có thể được. Nếu truyền thuyết về sự phổ biến lần đầu tiên của bản văn này bởi Shantideva vào thế kỷ thứ tám là đáng tin cậy, lời giảng dạy được gởi đến cho những vị tăng đồng tu ở Nalanda, và ngôn ngữ và những ví dụ ngài dùng liên hệ đến thính chúng toàn nam này. Trong lời bình giải của mình, ngài Dalai Lama đã yêu cầu những độc giả nữ chỉ hoán chuyển giới tính khi áp dụng những tư tưởng của Shantideva (ví dụ trong thảo luận của ngài về tham muốn xác thịt trong chương thứ tám) vào chính kinh nghiệm của họ.

Trong cuốn sách này, đức Dalai Lama biểu lộ sự hiểu biết sâu xa của ngài, kết quả của sự tu học rộng rãi ngài đã nhận được trong những trung tâm tu viện học tập ở Tây Tạng, và cái thấy phi thường vào thân phận con người và cái có nghĩa là một con người tốt và có trách nhiệm. Cách thức đơn giản và linh hoạt trong đó ngài truyền thông những chân lý mà ngài chứng tỏ bằng chính cuộc đời mình thì được trình bày trong một giáo lý truyền thống Phật giáo. Những phần của cuốn sách chứa đựng chất liệu có tính cách hoàn toàn kỹ thuật, đòi hỏi một hiểu biết căn bản về một số từ ngữ và ý niệm Phật giáo. Những giải thích ngắn gọn về những từ ngữ được dùng rộng rãi trong Phật giáo được đưa ra trong phần Thuật ngữ. Những tên và từ chỉ xuất hiện không thường được giảng trong Chú thích ở cuối.

Ban dịch thuật Padmakara.

MỘT TIA SẤM CHỚP SÁNG TRONG ĐÊM TỐI
BỒ TÁT HẠNH CỦA SHANTIDEVA
DO DALAI LAMA GIẢNG GIẢI

DẪN NHẬP
CON ĐƯỜNG CỦA BỒ TÁT

dalailama-smileTôi đã nhận sự truyền thọ Bhodicharyavatara (Bồ tát hạnh) từ Tenzin Gyaltsen, vị Rinpoche Kunu,(1) chính người đã nhận nó từ một đệ tử của Rinpoche Dza Patrul,(2) ngày nay được xem là một trong những người kế thừa tâm linh chính của giáo lý ngài. Có kể lại rằng khi Patrul Rinpoche giảng giải bản văn này, những điềm lành xuất hiện, như hoa vàng nở, những cánh hoa của chúng nhiều thật khác thường. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có thể đến phiên mình đưa cho một bình giải về tác phẩm Phật giáo cổ điển vĩ đại này.

Shantideva(3) tạo ra bản văn này trong hình thức một đối thoại nội tâm. Ngài xoay những vũ khí của ngài vào chính ngài, chiến đấu với những tình cảm tiêu cực của ngài. Bởi thế, khi chúng ta dạy hay nghe bản văn này, điều quan trọng là chúng ta làm thế để tiến bộ về tâm linh, hơn là xem nó chỉ là một chủ đề nghiên cứu hàn lâm. Với điều này trong tâm, chúng ta bắt đầu mỗi buổi giảng dạy bằng sự bày tỏ lòng tôn kính với Phật và đọc tụng những đoạn trích từ các kinh.

Bỏ đi các điều xấu
Thực hành tốt đức hạnh ;
Chinh phục tâm của mình :
Đó là lời Phật dạy

Như một ngôi sao, một ảo ảnh, hay một ngọn lửa,
Một huyễn hóa, một hạt sương, hay một bong bóng,
Như một giấc mộng, một tia chớp, hay một đám mây –
Người ta phải xem thấy mọi sự hợp thành là như thế.

Khi đọc tụng những lời này, chúng ta nên nghĩ về tính vô thường và không có thực tại trong những hiện tượng và kết luận với một lời cầu nguyện và hồi hướng:

Bằng công đức này, nguyện chúng ta đạt được toàn giác
Và chiến thắng kẻ thù của chúng ta, những hành vi có hại của chúng ta
Và nguyện cho chúng sanh, bị nhồi dập bởi những ngọn sóng của sanh, già, bệnh, chết,
Được giải thoát khỏi đại dương sanh tử.

Tiếp theo chúng ta đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Ngợi Ca đức Văn Thù, và dâng cúng mạn đà la.(4) Những ai trong các bạn không thể đọc tụng những bài này, có thể đơn giản nghĩ đến lòng tốt của đức Phật và quán chiếu về cái thấy tánh Không, nó là ý nghĩa của những Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Cuối cùng chúng ta cần lập lại những lời nguyện, quy y và phát tâm Bồ đề của chúng ta ba lần :

Trong Tam Bảo Phật, Pháp và Tăng
Chúng ta quy y cho đến lúc giác ngộ.
Bằng công đức thực hành bố thí, trì giới…
Nguyện chúng ta đạt đến Phật tánh vì sự lợi lạc cho chúng sanh.

Bây giờ chúng ta bắt đầu sự nghiên cứu của mình về Bồ Tát Hạnh.

Đức Phật, đạo sư của những lời dạy này, bắt đầu bằng phát sinh mong muốn giác ngộ. Bấy giờ ngài góp chứa những việc lành qua nhiều đời trong ba vô số kiếp. Cuối cùng, trong thời đại khi tuổi trung bình của con người là một trăm năm, ngài đi vào thế giới này và đạt đến giác ngộ trên Tòa Kim Cương ở Bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ. Trong hai mươi lăm thế kỷ từ khi ngài lần đầu tiên chuyển Bánh Xe Pháp(5) về những giáo lý rộng và sâu, con đường Phật giáo đã là một trong những truyền thống tâm linh quan trọng nhất của thế giới.

Tôi thường nhìn những giáo lý của Phật dưới hai chủ đề : hoạt động và cái thấy. Hoạt động nghĩa là dừng lại sự làm hại những người khác. Đây là một điều có ích một cách phổ biến, một điều mà tất cả mọi người đều tán thưởng dù họ có là tôn giáo hay không. Cái thấy ám chỉ đến nguyên lý phụ thuộc lẫn nhau (duyên sanh). Hạnh phúc và đau khổ, và những chúng sanh trải nghiệm chúng, không phải khởi ra mà không có nguyên nhân cũng không phải chúng được gây ra bởi một đấng sáng tạo vĩnh cửu nào. Thật vậy, mọi sự khởi từ những nguyên nhân tương đương với chúng. Ý tưởng này được mọi tông phái Phật giáo chủ trương, và như vậy tôi thường nói rằng quan kiến của chúng ta là cái thấy phụ thuộc lẫn nhau.

Cái thấy phụ thuộc lẫn nhau tạo cho một sự khai mở lớn lao của tâm thức. Nói chung, thay vì thấu hiểu rằng điều chúng ta trải nghiệm khởi sanh từ một mạng phức tạp những nguyên nhân, chúng ta lại có khuynh hướng đổ gán vui hay buồn, chẳng hạn, cho những nguồn gốc đơn lẻ, cá nhân. Nhưng nếu là như thế, ngay khi chúng ta tiếp xúc với cái mà chúng ta cho là tốt, đáng lẽ chúng ta vui một cách tự động, và ngược lại, trong trường hợp những cái xấu, chắc chắn phải buồn. Những nguyên nhân của vui vẻ và phiền muộn thì dễ dàng để nhận ra và nhắm tới. Thật hoàn toàn đơn giản, và có lý do chắc chắn cho sự giận dữ và luyến ái của chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta xem mọi sự khi chúng ta trải nghiệm tạo thành từ một tương tác phức tạp của những nhân và duyên, chúng ta thấy rằng không có sự vật đơn lẻ nào để ham muốn hay ghét bỏ, và càng khó hơn cho những phiền não luyến ái hay ghét bỏ nảy sanh. Theo cách này, cái thấy phụ thuộc lẫn nhau làm cho tâm thức chúng ta thư giãn và mở ra hơn.

Bằng cách tu hành tâm thức chúng ta và quen thuộc với cái thấy này, chúng ta thay đổi cách nhìn về các sự vật, và như một kết quả, chúng ta dần dần thay đổi thái độ và ít làm hại cho những người khác. Như có nói trong kinh :

Bỏ đi các điều xấu ;
Thực hành tốt đức hạnh ;
Chinh phục tâm của mình :
Đó là lời Phật dạy.

Chúng ta cần tránh ngay cả những hành động xấu nhỏ nhất, và cần thực hiện ngay cả những hành động tốt rất tầm thường mà không hạ thấp giá trị của chúng. Lý do cho điều này là hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều muốn và khổ đau mà tất cả chúng ta đều tránh được tạo ra một cách chính xác bởi những hành động của chúng ta, hay là nghiệp. Mỗi sự việc chúng ta nếm trải đã và đang được lập chương trình bởi những hành động của chúng ta, và những hành động ấy lại tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta làm, nói hay nghĩ trong thời trẻ là nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau chúng ta trải nghiệm trong tuổi già. Hơn nữa, điều chúng ta làm trong đời này sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau của đời kế tiếp. Và những hành động của kiếp (kalpa) này sẽ thành tựu trong những trải nghiệm của kiếp tương lai. Đây là cái mà chúng ta hiểu là định luật của nghiệp, định luật nhân quả.

Trên căn bản này, một hành động được gọi là tiêu cực hay xấu nếu nó đưa đến khổ đau, là cái mà chúng ta muốn tránh. Nó được gọi là tích cực hay tốt nếu nó đưa đến hạnh phúc, là điều chúng ta mong muốn. Chúng ta xem một hành động là tốt hay xấu không phải theo phần của nó mà theo việc nó dẫn đến vui vẻ hay buồn rầu. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào động lực, và bởi thế, kinh nói, “Chinh phục tâm của mình.” Một tâm thức không có kỷ luật sẽ trải nghiệm khổ đau, nhưng một tâm thức có được sự kiểm soát sẽ vui vẻ và an bình.

Biết tất cả những phương pháp để điều phục tâm thức qua những lời dạy về con đường rộng lớn và sâu xa là điều quan trọng. Cái đối nghịch với giận ghét là thiền định về tình thương. Để chinh phục sự luyến ái, chúng ta cần tham thiền về cái xấu xí của điều hấp dẫn chúng ta. Cái đối nghịch với kiêu hãnh là thiền định về những hợp uẩn. Để chống lại vô minh chúng ta cần tập trung vào cử động của hơi thở vào tính phụ thuộc lẫn nhau. Gốc rễ của sự huyên náo của tâm thức thật ra là vô minh, vì mà nó chúng ta không hiểu được bản tánh thực sự của sự vật. Tâm thức được kiểm soát bằng cách tịnh hóa quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại. Đây là lời dạy của Phật. Chính là qua sự tu hành tâm thức mà chúng ta có thể chuyển hóa cách thức chúng ta hành động, nói năng hay suy nghĩ.

Đến đây cần nói vài điều về lời dạy của Phật trong tổng quát. Theo Đại thừa, sau khi đạt đến giác ngộ, đức Phật chuyển Bánh Xe Pháp, nêu lên giáo lý của ngài trong ba giai đoạn. Đầu tiên, ngài dạy Bốn Chân Lý Cao Cả, trên đó toàn bộ giáo lý Phật giáo đặt nền. Những cái ấy là chân lý về sự khổ, chân lý về nguồn gốc của khổ, chân lý dừng dứt sự khổ, và chân lý về con đường. Với lần chuyển hóa thứ hai (hay ở giữa), ngài ban cho những lời dạy về tánh Không và những phương tiện sâu xa và chi tiết của con đường, chúng làm thành những Kinh Bát Nhã Ba la mật. Với lần chuyển bánh xe pháp thứ ba, ngài trình bày những lời dạy về tánh Không trong một cách dễ thâm nhập hơn. Trong những kinh như Kinh về Phật tánh, ngài nói đến một bản tánh tuyệt đối, nó vắng bặt mọi ý niệm nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Đây cũng là chủ đề của Dòng tương tục thiêng liêng.

Nguồn gốc của khổ – có tên là những tình thức tiêu cực hay những phiền não – có thể được hiểu với nhiều cấp độ tinh vi khác nhau, và điều này đòi hỏi một sự hiểu biết về bản tánh của những hiện tượng. Trong lần chuyển bánh xe pháp thứ hai, đức Phật giảng giải chi tiết chân lý dừng dứt sự khổ. Ngài bày tỏ rằng một sự phân tích càng lúc càng vi tế những hiện tượng dẫn đến một quán thấy tinh tế hơn vào bản chất của tánh Không. Sự thấy rõ đó lại dẫn đến một thấu hiểu sâu xa hơn chân lý về con đường.

Trong lần chuyển bánh xe pháp thứ ba, chúng ta thấy một giải thích chi tiết về con đường để đạt đến giác ngộ. Tiềm năng này, gọi là Như Lai tạng, hay Phật tánh, là một cái gì chúng ta vẫn luôn luôn có từ vô thủy. Khi chúng ta nói đến chân lý của con đường, chúng ta không đang nói về một cái gì hoàn toàn xa lạ với bản tánh của chúng ta, nó thình lình xuất hiện như một cây nấm, như thể không có một hạt giống hay nguyên nhân. Chính vì chúng ta có cái nền tảng này hay khả năng này cho sự toàn trí tối hậu mà chúng ta có thể đạt đến giác ngộ.

Những bản văn thuộc thời chuyển pháp thứ hai bày tỏ bản tánh trống không của những hiện tượng, trong khi Kinh về Phật Tánh và những lời dạy khác thuộc thời chuyển pháp thứ ba nhấn mạnh trí huệ, phương diện trong trẻo và sáng ngời của tâm.

Đức Phật dạy trước tiên Bốn Chân Lý Cao Cả, như là nền tảng của toàn thể giáo lý của ngài. Khi ngài nói lên những lời dạy, lời nói của ngài thích hợp với những nhu cầu và khả năng tâm thức. Cách ngài dạy chuyển biến đáng kể, và điều ngài nói sâu xa nhiều hay ít tùy theo những người ngài nói với. Bởi thế, quan trọng là phải biết lời dạy nào biểu thị ý nghĩa tối hậu và lời dạy nào tùy theo những khả năng riêng biệt của các đệ tử của ngài. Nếu trên phân tích, chúng ta thấy những lời đức Phật khi hiểu theo nghĩa đen có vẻ không có luận lý hay đưa đến những mâu thuẫn, chúng ta phải hiểu rằng những lời dạy ấy là một phát biểu tương đối về chân lý cần thiết phải thích ứng với sự hiểu của những người riêng biệt. Ngược lại, nếu những lời của ngài có thể hiểu theo nghĩa đen và không có mâu thuẫn nào hay khuyết điểm nào, chúng ta có thể chấp nhận những lời dạy đó như phát biểu chân lý tối hậu.

Niềm tin thì rất quan trọng trong Phật giáo, nhưng trí huệ thì còn quan trọng hơn. Niềm tin chân thật phải đặt nền tảng trên luận lý. Chỉ nói, “Tôi quy y,” hay “Tôi sùng mộ,” một cách mù quáng và không suy nghĩ, thì không có giá trị. Không có sự cứu xét hợp luận lý, thì không thể phân biệt hoặc là đức Phật đang nói trong một nghĩa thích ứng hay tương đối hay là lời ngài phải được hiểu y nguyên như phát biểu chân lý tối hậu. Đó là vì sao kinh điển nói đến bốn sự nương y :

Không y vào cá nhân, mà y vào lời dạy.
Không y vào lời nói, mà y vào ý nghĩa.
Không y vào nghĩa thích ứng, mà y vào nghĩa rốt ráo.
Không y vào hiểu biết trí thức, mà y vào trí huệ.

Trái với sự hiểu biết trí thức thông thường, bản tánh thực sự của tâm thì trong sáng và thấu hiểu và không hề bị che phủ bởi những ngăn chướng. Sự thực hành của Đại thừa hoàn toàn đặt nền trên cái hiểu này.

Ở Tây Tạng, mọi lời dạy của đức Phật, từ Bốn Chân Lý Cao Cả đến những tantra yoga tối thượng, đều được giữ gìn và thực hành trong trật tự truyền thống sau đây. Giai đoạn đầu là Thanh Văn thừa, hay Căn Bản thừa, con đường của Bốn Chân Lý Cao Cả. Bắt đầu với Giới,(6) nó dạy sự tu hành giới luật, người tiến bộ nhờ ba mươi bảy thực hành dẫn đến giác ngộ, nhờ đó phát triển hai sự tu hành về định và huệ. Ba sự tu hành này là căn bản cho hai thừa kia.

Giai đoạn thứ hai là Đại thừa, cốt ở thực hành sáu ba la mật : rộng lượng, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Giai đoạn thứ ba là Kim Cương thừa, thừa của những mật chú, nó nêu lên những phương cách phi thường để thành tựu sự tập trung thâm sâu qua sự hợp nhất của an định của tâm thức và quán chiếu sáng tỏ (shamatha và vipashyana) và để tiến bộ qua bốn loại tantra : krya, upa, yoga và anuttara.

Phật giáo nở hoa trong hàng thế kỷ trong nhiều quốc gia nhưng chính ở Tây Tạng mà cả ba con đường này, Thanh Văn thừa, Đại thừa, và Kim Cương thừa, được giữ gìn trọn vẹn. Thật vậy có thể đi qua cả ba giai đoạn này trong giáo trình của chỉ một buổi. Hơn nữa, những học giả Tây Tạng không bao giờ không biết phương diện thực hành, và những hành giả đầy kinh nghiệm không hề xao lãng việc nghiên cứu. Điều này đối với tôi là một cách thức rất tốt cho công việc.

Theo dòng thời gian, những dòng phái khác nhau xuất hiện trong truyền thống trọn vẹn này, được ảnh hưởng bởi những đạo sư phi thường, các ngài ở những thời điểm và nơi chốn khác nhau đã diễn bày những giáo lý theo những cách thức có hơi khác biệt.(7) Bởi thế chúng tôi có truyền thống cổ Nyingma và những truyền thống mới Kadam, Sakya, và Kagyu. Truyền thống Gelug hiện tại tiến hóa từ dòng Kadam. Mặc dù những khác biệt giữa những dòng phái này, chúng đều hiện thân đầy đủ những lời dạy của đức Phật, phối hợp những sự thực hành của Kinh thừa và Đại thừa. Truyền thống Bon, đã có ở Tây Tạng trước khi Phật giáo đến, cũng tiến tới chỗ có một bộ đầy đủ những lời dạy của đức Phật.

Bồ Tát Hạnh được những vị thầy của mọi trường phái Tây Tạng đánh giá cao, và có lẽ có cả trăm vị đã viết những bình giải về nó. Khi tôi nhận được sự chỉ dạy về Bồ Tát Hạnh từ Kunu Rinpoche, ngài thường nhắc đến một bình giải tuyệt hảo được viết bởi Minyak Kunzang Sonam,(8) một đệ tử của Jamyang Khyentse Wangpo.(9)

Bồ Tát Hạnh cô đọng giáo lý của ba lần chuyển bánh xe pháp của đức Phật. Tôi sẽ đọc nó to lên để các bạn nhận được sự trao truyền tâm linh, nó là một nguồn ân phước. Tôi sẽ không giải thích bản văn theo từng từ, mà sẽ bình giải về những điểm chính yếu.

Khi nhận những lời dạy, quan trọng là phải có thái độ đúng đắn. Không phải thực hành Pháp một cách thích hợp khi nghe với ý định có được lợi lộc vật chất hay danh tiếng. Mục tiêu của chúng ta không phải là một tái sanh cao hơn trong đời sau, như chẳng hạn một vị trời hay một con người quyền năng. Cũng không phải chúng ta chỉ muốn sự giải thoát riêng cho chúng ta khỏi vòng sanh tử. Đây là những thái độ chúng ta cần từ chối. Thay vào đó, chúng ta hãy nghe những lời dạy với mong muốn cương quyết đạt đến trạng thái toàn giác vì tất cả chúng sanh, họ thì nhiều vô cùng. Để thành tựu mục tiêu này, cần thiết thực hành con đường sâu xa và bao la được diễn tả trong bản văn này. Nếu chúng ta có thể duy trì động lực này, bất cứ hành động tốt nào chúng ta làm sẽ trở thành nguyên nhân cho giác ngộ tối thượng. Dầu nếu một mong muốn như thế không đến với chúng ta một cách tự nhiên, ít nhất chúng ta cũng cố gắng phát triển một thái độ tích cực khi nghe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/03/2024(Xem: 1610)
Chương Trình Của Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu-Mỹ Tại Miền Nam California Từ ngày 12/3/2024 đến ngày 17/3/2024 Phái Đoàn đến vùng Orange County gồm: 1. HT Thích Như Điển - Phương trượng Tổ đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc 2. HT Thích Thông Triết - Viện chủ Thiền Viện Chánh Pháp Oklahoma 3. TT Thích Viên Giác - Trụ trì Chùa Đôn Hậu Na Uy 4. TT Thích Thiện Trí - Trú xứ tại Dallas, TX 5. TT Thích Thánh Trí, Trụ trì Chùa Bồ Đề, Washington State 6. TT Thích Hạnh Định - Trụ trì Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc 7. TT Thích Hạnh Tuệ - Trụ trì Tu Viện Pháp Vương Escondido 8. ĐĐ Thích Trung Thành - Đang tu học tại Đài Loan 9. ĐĐ Thích Chúc Hiếu - Trú xứ Tổ Đình Chúc Thánh, Hội An
19/05/2022(Xem: 4077)
Từ khi nghe pháp thoại với sự chú tâm, tôi thường ghi nhớ trong đầu và đã ghi lại vào tất cả cẩm nang của tôi ngay mỗi đầu trang, lời dạy của Đức Phật rằng: “ Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa”. Và một câu trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: “Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.
17/05/2022(Xem: 4194)
Những tuần lễ liên tiếp trong tháng 5/2022 tại Sydney tôi được tham dự các buổi concert có khi đó là buổi từ thiện cho nạn lụt, khi thì do một nhóm học trò mà tư cách đạo đức khiến chúng ta ngưỡng phục tổ chức và toàn bộ số tiền thu được sẽ là quà tặng đến một vị Thầy khi về hưu khiến tôi chạnh lòng thao thức tư duy …
30/04/2022(Xem: 3423)
Đời người tuy có vô số sự lựa chọn, chúng ta luôn đứng ngã tư đường, nhưng kỳ thật đường ta chọn chỉ có một ...Trong mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn để dừng lại ….bạn chọn cách nào cũng được … quan trong là tâm bạn không còn phiền não khổ đau... không còn toan tính lo nghĩ... về mặc tinh thần được an yên... về mặt hình thức giải quyết từng việc là ổn.....Người xưa có dạy “ cơm thì ăn từng miếng mà việc thì phải làm từng phần” đó chính là tâm nguyện đưa ra sự lựa chọn, chỉ cần bạn tiến về phía trước theo tiếng nói của lòng mình.
30/03/2022(Xem: 5705)
Kể từ khi vào chùa (1964) cho đến nay (2022) cũng gần 60 năm ròng rã như thế, những người xuất gia như chúng tôi, bất kể là lớn nhỏ, già trẻ ở trong chùa, khi ngày 14 hay 30 âm lịch đến (nếu tháng thiếu thì ngày 29) mọi người đều cạo tóc, tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho buổi chiều hoặc buổi tối trong những ngày nầy để lễ bái Sám Hối hồng danh chư Phật. Nhưng tại sao lại phải lễ vào những ngày nầy mà không lễ vào những ngày không phải trăng tròn cũng như trăng khuyết? Đây là một câu hỏi cũng có rất nhiều người đặt ra và sự trả lời có rất nhiều cách.
29/03/2022(Xem: 4598)
Tôi thích nhất lời chú giải trong bài kinh Trung bộ thứ 12 “ DẠI KINH SƯ TỬ HỐNG “Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, đạo của giác ngộ giải thoát. Tất cả pháp môn của Phật dạy đều phải trở về chỗ chân thật của mình bằng chính định lực và trí tuệ của mình. Trở về được chỗ chân thật là an vui hạnh phúc, chấm dứt mầm mống của mọi sự khổ đau. Lúc đó, chúng ta mới có thể thông cảm, tha thứ, thương yêu và giúp đỡ đồng loại như chính bản thân mình. Cho nên chúng ta cứ cầu giải thoát, mà không biết giải thoát ra sao, muốn được hạnh phúc mà không biết thế nào là hạnh phúc? Thật ra hạnh phúc chân thật trong đạo Phật chính là giác ngộ giải thoát. Mà giải thoát là biết cái hư giả của thân và tâm này, nên không còn lệ thuộc vào nó, không chạy theo nó, không còn tạo nghiệp nữa. Không còn tạo nghiệp tức là không còn khổ đau. Không còn khổ đau tức là hạnh phúc.
30/08/2021(Xem: 5822)
Phàm ở đời, những ai muốn xây dựng sự nghiệp lớn, đều phải có đức nhẫn nhục để vượt qua bao lần thất bại mới đạt được thành công. Khi đạt được mục đích rồi, vẫn phải tiếp tục nhẫn nhục, bởi vì ở đời, đâu phải người ta chỉ chịu nhẫn nhục trên con đường xây dựng sự nghiệp không thôi, mà còn phải đối đầu với những ganh tỵ phá rối của những kẻ xấu hãm hại mình trên nhiều phương diện khác. Nếu không nhẫn nhục chịu đựng thì mình rất dễ dàng có những hành động không kiểm soát đưa tới nguy hại cho chính bản thân mình và những người liên hệ. Cho nên có thể nói đức tính nhẫn nhục cần đi theo với mình suốt cả cuộc đời.
22/08/2021(Xem: 3934)
Đây là bài thứ 4 và cũng là bài sau cùng trích dẫn một số câu liên quan đến giáo lý của Đức Phật. Bài 4 này gồm tất cả 80 câu được chọn lọc từ một bài gồm 265 câu trên một trang mạng tiếng Pháp : https://www.evolution-101.com/citations-de-bouddha/. Các câu này chủ yếu được rút tỉa từ kinh Dhammapada (Kinh Pháp Cú) và các kinh trong phẩm thứ tư của Tam Tạng Kinh là Anguttara Nikaya (Tăng chi hay Tăng nhất bộ kinh)
19/04/2013(Xem: 3855)
Đức Phật, vô cùng thực tế và thiện xảo, đã khai thị bằng vô số giáo pháp theo các cấp độ vi tế khác nhau nhằm giúp chúng sinh tiếp cận và thâm nhập thực tại.
02/04/2013(Xem: 6339)
Điều quan trọng là phải sống một đời sống có ý nghĩa. Bức hại và lừa dối người khác có thể giành lợi ích trước mắt nhưng để lại một cảm giác day dứt dai dẳng. Tiền không mang lại sự thỏa mãn đích thực, chỉ có tâm từ bi mới mang lại trạng thái đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com