BAN TỔ CHỨC
ĐẠI LỄ TRI ÂN & TƯỞNG NIỆM
50 NĂM (1963-2013) BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VÌ PHÁP THIÊU THÂN
(Tổ chức tại Sydney ngày thứ bảy 15-6-2013)
Chứng minh: HT Thích Huyền Tôn, HT Thích Như Huệ
Trưởng ban tổ chức: HT Thích Bảo Lạc
Phụ tá Trưởng Ban: HT Thích Quảng Ba
Phó ban tổ chức: HT Thích Trường Sanh
Phó ban tổ chức: HT Thích Minh Hiếu
Phó ban tổ chức: TT Thích Nguyên Trực
Phó ban tổ chức: TT Thích Tâm Minh
Phó ban tổ chức: TT Thích Tâm Phương
Ban Thư Ký: TT Thích Nhật Tân, Phụ tá: ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Viên Tịnh, ĐĐ Thông Hiếu
Ban Hành Chánh:TT Thích Nhật Tân, TT Tâm Minh, TT Nguyên Tạng, TT Giác Tín, SC Giác Anh
Ban Tài Liệu: TT Nguyên Tạng, TT Đạo Thông, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Hạnh Phẩm, Gs Quán Như Phạm Văn Minh
Ban Tài Chánh: Chùa Pháp Hoa, Chùa Pháp Bảo, Thiền Viện Minh Quang, Tu Viện Quảng Đức
Ban Nghi Lễ: TT Thiện Hiền, phụ tá: ĐĐ Đạo Hiển, ĐĐ. Thông Tuệ, ĐĐ.Tâm Nam, NS Tâm Lạc, SC Huệ Khiết, SC Như Như; SC Tuệ Định
Ban Triển Lãm: TT -TT Giác Tín & chùa Giác Hoàng; ĐĐ Viên Trí & Chùa Pháp Hoa; ĐĐ Đồng Thanh & Phật tử công quả
Ban Cung Nghinh: ĐĐ Viên Tịnh, SC Nguyên Khai, SC Hạnh Nguyên; Ban Đạo Ca Quảng Đức; -Ban Đạo Ca Vạn Hạnh; Các đơn vị GĐPTVN tại Úc
Ban Ẩm Thực: Chùa Báo Ân, Chùa Liên Hoa, Chùa Di Đà, Chùa Trúc Lâm , TX Minh Đăng Quang
Ban Vận Chuyển: ĐĐ Hạnh Tri; ĐĐ Đạo Hiển
Ban Thiết Trí Trang Hoàng: TT Như Định; TT Phổ Hương; các ĐĐ Thông Tuệ, ĐĐ Tâm Nam, ĐĐ. Nghiêm Tịnh, v.v.. Phật tử công quả
Ban Trật Tự Môi Trường: TT Như Định; TT Đạo Thông; ĐĐ Thông Hiếu; Phật tử Thiền Viện Minh Quang
Ban Thủ Quỹ &Ban Tiếp Lễ: NT Chơn Đạo; Ns Như Tuyết; NS Viên Thông; SC Đạo Hỷ; SC Trí Lưu; SC Thể Viên
Ban Tiếp Tân: HT Tịnh Minh; TT Tịnh Đạo; TT Bổn Điền; TT Đạo Thông; ĐĐ Phổ Huân; NS Tâm Lạc; NS Chân Kim; SC Huệ Nhẫn; SC Giác Anh; GĐPT v.v..
Ban Kiến Lập Pháp Đàn:TT Thiện Hiền; ĐĐ Thông Tuệ; ĐĐ Tâm Nam
Ban Y Tế: ĐH Bác sĩ Chúc Hân Lâm Kim Loan
Ban Tưởng Niệm & Tôn Vinh Bồ Tát: HT Trường Sanh; TT Tâm Phương; ĐĐ Đồng Thanh; Đh Gia Hiếu
Ban Truyền Thông: HT Bảo Lạc; HT Quảng Ba; TT Nhật Tân; TT Nguyên Trực
Ban Cố Vấn Pháp Lý:Ls Lưu Tường Quang; Ls Đào Tăng Dực; Ls Đan Phượng
Ban Xướng Ngôn:Ht Trường Sanh, TT Nhật Tân, TT Tâm Phương, TT Nguyên Tạng, Ls Lưu Tường Quang, Dr Andrew Leigh, MP
Nhóm Chăm Sóc Ban Công Quả: Phật tử chủa Hưng Long & Ng Thiều
Ban Thu Dọn: TB ĐĐ Tâm Nam; ĐĐ Thông Hiếu; SC Như Như; SC Tuệ Định, Phật tử các chùa: Minh Giác, Thiên Ấn
Ban Âm Thanh & Ánh Sáng: GĐPT Pháp Bảo & GĐPT Chánh Pháp
Ban Nhiếp Ảnh & Quay Phim: Đh Quảng Hội, Đh Thiện Hưng, Đh Giác Thiện Duyên; Đh Nguyên Nhật Khánh
ĐẠI LỄ TRI ÂN TƯỞNG NIỆM 50 NĂM
VỊ PHÁP THIÊU THÂN CỦA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
VÀ CHƯ VỊ THÁNH TỬ ĐẠO TẠI SYDNEY
ĐÃ TRỌN VẸN Ý NGHĨA
Như đã chuẩn bị trước nhiều tháng, vào cuối tuần qua, thứ bảy 15-6-2013, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày, Tăng Ni và Phật tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi -Tân Tây Lan, đã cùng tổ chức Đại Lễ Tri Ân Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân, Chư Tăng Ni Phật Tử Thánh Tử Vì Đạo và Chư Bậc Tiền Bối đã hy hiến suốt chiều dài 2000 năm lịch sử Phật Giáo và 5000 năm lịch sử Dân Tộc.
Từ 8 giờ sáng, mặc dù trời rất lạnh, nhưng đã có đông đảo đồng hương Phật tử cùng tựu về Whitlam Hall ở vùng Liverpool, tiểu bang New South Wales để tham dự Đại Lễ qua những bộ quốc phục, đồng phục và tà áo dài với nhiều màu sắc tươi sáng làm nổi bật cuộc lễ sắp diễn ra trong giây lát.
Từ một Whitlam Hall để sinh hoạt vui chơi giải trí, nhưng nhờ tài thiết trí trang hoàng của TT Thiện Hiền, TT Như Định, ĐĐ Đạo Hiển, ĐĐ Hạnh Phát, ĐĐ Tâm Nam, SC Huệ Khiết, SC Như Như cùng nhiều Chư Tôn Đức và quý Phật tử địa phương Sydney... đã biến Hội trường trở thành một ngôi Đại Hùng Bảo Điện trang nghiêm để thiết lễ tưởng niệm, ở giữa là bức phong chính dài 12m cao 5m với hình Bồ Tát Quảng Đức phóng lớn, bên phải là 6 vị Tăng Ni tự thiêu và bên trái là các Phật tử tại gia tử vì đạo. Vách tường hai bên được trang trí với những bức phướn tưởng niệm có in hình Bồ Tát Quảng Đức, các vị Anh Linh Thánh Tử Đạo và danh hiệu của 34 tự viện thành viên của Giáo Hội, tất cả sự bài trí này đã tạo nên một Đại lễ tưởng niệm ấm cúng và trang nghiêm. Phía trước Hội trường là phòng triển lãm nhiều hình ảnh quý báu của Biến Cố Phật Giáo 1963 và Năm Mươi Năm Pháp Nạn & Quốc Nạn. (do TT Giác Tín, ĐĐ Viên Trí và ban triển lãm đảm trách). Từ quốc lộ chính Humes Hway chạy dọc theo đường Memorials Ave rợp màu cờ Úc, Việt, Phật Giáo xen kẽ phất phới tung bay dẫn vào công viên cho tới Hội trường chính, cùng khoảng hơn 20 câu biểu ngữ khác nhau nói về Đại Lễ.
Khởi đi từ mùa Phật Đản Phật lịch 2507 năm Quý Mão, cũng là Mùa Pháp Nạn 1963 của Phật Giáo Việt Nam. Lá cờ Phật Giáo đã bị triệt hạ, 8 em Phật tử đã bị tử vong tại Đài Phát thanh Huế, nhiều Tăng Ni bị bắt bớ tù đày, nhiều Phật tử bị đày ải bức bách. Rồi vào ngày 11-6-1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Thủ đô Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã phát nguyện tự thiêu để cúng dường Phật Pháp, yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm đáp ứng 5 nguyện vọng của Phật Giáo, các tôn giáo phải được bình đẳng, mọi người dân Miền Nam Việt Nam được sống trong tự do dân chủ thái hòa.
Đại lễ Tri ân Tưởng niệm này cũng cầu nguyện siêu độ cho chư vị Tiền bối hữu công, hàng triệu Chiến sĩ trận vong, Đồng bào tử nạn, trong đó có vài chục vạn Chiến sĩ quân đội các nước đồng minh, 521 Binh sĩ Hoàng gia Úc. Đại lễ này cũng để chiêu niệm hàng triệu Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa bị cải tạo tù đày. Chiêu niệm vô số hàng Tu sĩ các tôn giáo bị bức tử, tù đày. Chiêu niệm 90 triệu đồng bào Việt Nam đã 38 năm trường trầm thống nhục hình trong nhà tù nước Việt Nam. Chiêu niệm hơn nửa triệu người Việt tỵ nạn vượt biển vượt biên đã bị chôn vùi dưới lòng biển cả, hay giữa núi thẳm rừng sâu cho hành trình đi tìm tự do.
Tri ân và tưởng niệm là để noi gương công đức cống hiến hy sinh cao cả của tiền nhân. Cầu nguyện cho Việt Nam được tự do, dân chủ, nhân quyền, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại an vui, nhân sinh an lạc, xã hội thăng hoa. Đó là ý hướng và chủ đích của Đại Lễ Tưởng Niệm hôm nay. Vì rằng Phật Giáo vốn không có hận thù thì có gì gọi là khơi dậy hận thù, Phật Giáo chỉ xiển dương đạo lý từ bi, phụng sự cuộc sống, chỉ hướng thuyền đời, không âm hưởng chính trị thì có gì gọi là làm chính trị hay mưu toan chính trị.
Đúng 9g40 đoàn cung nghinh tôn tượng Bồ Tát Thích Quảng Đức lần khởi từ căn lều bên trái hội trường, gồm 4 Phật tử nam mặc quốc phục trang trọng, tiếp theo bê tích, kiệu hoa và 4 cây lọng hầu hai bên. Đoàn người từ từ tiến bước theo chuông trống Bát Nhã đổ liên hồi độ 20 phút mới tới nơi hành lễ.
Đúng 10 giờ, Đại lễ bắt đầu cử hành. Về chứng minh tham dự lễ cóHòa ThượngThích Huyền Tôn, Tăng Giáo Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan; HT Thích Như Huệ, Hội Chủ GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL; HT Thích Bảo Lạc, Phó Hội Chủ Điều Hành kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ Tưởng Niệm, HT Maha Samai, Chủ Tịch Hội PG Thái Lan tại NSW; HT Thích Quảng Ba, Phó Hội Chủ Ngoại Vụ của Giáo Hội, HT Thích Trường Sanh, Phó Hội Chủ kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp; HT Thích Minh Hiếu, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp, Viện Chủ Thiền Viện Minh Quang, Sydney; Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Đạo, Vụ Phó Vụ Ni Bộ, Chùa Quán Thế Âm Ni Tự Tây Úc, cùng đông đảo chư Tôn Đức Tăng Ni trong Giáo Hội và HT Thích Minh Trí, viện chủ Chùa Phước Tường, Melbourne; TT Thích Thiện Tâm Chủ Tịch HĐĐH GHPGVNTN tại UĐL-TTL; nhiều Chư Tôn các Giáo Hội bạn trên toàn quốc Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan cùng về tham dự lễ.
Về phía quan khách Úc có: Ông Philip Ruddock, Dân biểu Liên bang vùng Berowra, Thư Ký Nội Các Đối Lập Liên Bang, đại diện Ông Lãnh tụ Đối Lập Tony Abbott; Ông Andrew Rohan, Dân Biểu vùng Smithfield, đại diện Ông Victor Dominello, Bộ Trưởng Công Dân Vụ, Cộng Đồng và Thổ Dân Sự Vụ; Ông Laurie Ferguson, Dân Biểu Liên Bang thuộc vùng Werriwa; Ông Craig Kelly, Dân Biểu Liên Bang vùng Hughes; Ông Paul Lynch, Dân Biểu vùng Liverpool; Ông Charles Casuscelli, Dân Biểu vùng Strathfield; Ông Mark Coure, Dân Biểu vùng Oatley; Ông Melanie Gibbons, Dân Biểu vùng Menai; Ông Anthony Khouri, Dân Biểu vùng Blackland; Ông Andrew Nguyen, đại diện Ông thủ lãnh đối lập Đảng Tự Do; Ông Dan Nguyen, Nghị viên thành phố Banstown, đại diện Ông Khal Asfour, Thị trưởng Hội Đồng Thành Phố Bankstown.
Về phía Tôn giáo, Cộng đồng, Đoàn thể có Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang NSW; Luật sư Nguyễn Văn Thân, cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự Do, NSW; Kỹ sư Phan Đông Bích, cựu Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW; Bà Gillian Coote, Chủ tịch Hội PG Buddhist Peace Fellowship; Ông Graeme Lyall AM, Chủ tịch Hội PG Amitabha Association of NSW; Ông Henry Đặng, Tổng Thư Ký Hội PG Buddhist Federation of Australia; Bà Đặng Kim Ngọc, Bí Thư Liên Khu Ủy Úc Châu của Đảng Tân Đại Việt; Bà Nhu Hòa, Hội Trưởng Hội Phụ Nữ Phật Tử Việt – Úc tiểu bang NSW; Đại diện các Cơ quan Truyền thông Báo chí; Các đài truyền hình VHN từ Hoa Kỳ; đài Vietface TV; đài SBTNTV và các đài phát thanh SBS, 2VNR Radio.
Về phía các vị nhân sĩ thiện tri thức có Luật sư Lưu Tường Quang; Luật sư Đào Tăng Dực; Tiến sĩ Lâm Như Tạng; Tiến sĩ Hoàng Khôi, GS Quán Như Phạm Văn Minh và nhiều vị Bác sĩ, Luật sư, Kỹ sư, Kiến trúc sư v.v… đến dự lễ.
Có nhiều Phái đoàn Phật tử các tự viện trên nước Úc về Sydney phó hội như Chùa Bảo Vương (25 Phật tử), Tu viện Quảng Đức (120 Pt), Chùa Bảo Minh (37 Pt), Chùa Phật Quang (43 Pt), đến từ Melbourne; Tu viện Vạn Hạnh (40 Pt), Canberra; Chùa Pháp Quang (20 Pt), Brisbane; Chùa Pháp Hoa (2 Pt), Chùa Quan Âm (3 Pt) từ Adelaide; Quý Huynh Trưởng là Thành Viên Ban Hướng Dẫn GĐPT Úc Đại Lợi; Huynh trưởng và Đoàn sinh tại miền Tịnh Khiết; Huynh trưởng Đoàn sinh GĐPT Đại Bi Quan Âm từ thành phố Melbourne và cùng hơn 1500 đồng hương Phật tử trong và ngoài tiểu bang New South Wales về tham dự lễ.
Mở đầu Đại lễ là phần chiếu đoạn phim tài liệu về giây phút lịch sử Bồ Tát Thích Quảng Đức tự châm lửa tự thiêu giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sàigòn vào ngày 11-6-1963. TT Nhật Tân và TT Tâm Phương trong ban xướng ngôn đã đọc lại các bài thơ di ngôn của Bồ Tát Quảng Đức, xen kẽ là bản dịch tiếng Anh do TT Nguyên Tạng và Đh Ngọc Hân diễn đọc. Sau phần chiếu phim tưởng niệm là niệm Phật cầu gia bị, chào cờ Úc, Việt và Phật Giáo (tất cả đều do ba ban Quảng Đức Đạo Ca, Huyền Quang Đạo Ca và Vạn Hạnh Đạo Ca hát live) cùng một phút mặc niệm để tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương mở nước dựng nước, tưởng nhớ đời đời Tiên Tổ Ông Cha, các bậc Minh quân, Liệt thánh, anh hùng, anh thư, chiến sĩ, đồng bào đã phụng hiến 5000 năm lịch sử Dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ công đức Lịch đại Tổ Sư truyền thừa kế thế 2000 năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam, tri ân tưởng niệm công đức Bồ Tát Thích Quảng Đức, Chư Thánh Tử Đạo, tưởng nhớ anh linh Chư bậc tiền bối hữu công, anh linh hàng triệu chiến sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn, và thương tiếc hơn nửa triệu đồng bào ruột thịt đã bị chôn vùi dưới lòng biển cả mênh mông hay giữa rừng thiêng núi thẳm điệp trùng cho hành trình tìm tự do.
Tiếp theo là Diễn Văn Chào Mừng Đại Lễ Tưởng Niệm của Trưởng Ban Tổ Chức, HT Thích Bảo Lạc đã ngỏ lời nhiệt liệt chào mừng Chư Tôn Đức Tăng Ni và quí vị quan khách cùng đồng hương Phật tử đã đáp lời mời mà đến tham dự buổi lễ hiếm có này. HT đã nói: "Bất bạo động là đường hướng tranh đấu mà Phật Giáo chủ trương. Tiếp nối con đường dấn thân đó, Thánh Cam Địa (Gandhi) đã thực hiện trọn vẹn, và cuối cùng đã thắng được chế độ thực dân Anh, giành quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc Ấn Độ năm 1949. Nhìn lui lại nửa thế kỷ trước, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã phát nguyện tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963; theo sau là hàng chục ngọn đuốc của chư Thánh Tử đạo đốt lên soi sáng tự do, dân chủ, tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam. Hạnh nguyện hy sinh vô cùng cao cả của quý Ngài, quí vị không thể bị xóa nhòa và quên lãng được. Do vậy, Giáo Hội PGVN Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan theo lập trường và đường hướng bất bạo động cố hữu, không tổ chức lễ tưởng niệm mỗi năm, mà đây chỉ là lần đầu sau 50 năm (1963 – 2013) biến cố lịch sử trọng đại của Việt Nam được nhắc lại tại hầu khắp các châu lục như Âu Châu, Mỹ châu, Canada và ngay như ở Úc này. Lễ tri ân tưởng niệm nhằm nhớ ơn các bậc tiền nhân đã hy sinh mạng sống thật phi thường để bảo vệ tự do, nhân phẩm, nhân quyền và tôn giáo đã, đang bị đàn áp dã man dưới các chế độ độc tài, nhất là chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CSVN) như hiện tại."
Theo sau là Diễn Văn Khai Mạc của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ, HT đã nêu rõ lý do tổ chức lễ kỷ niệm hôm nay là để tri ân và tưởng nhớ đến Bồ Tát Thích Quảng Đức và những Thánh Tử Đạo đã vị Pháp thiêu thân cho Phật Pháp và những chiến sĩ đã hy sinh cũng như những người bất đồng chánh kiến bị hàm oan để cho đất nước và dân tộc trường tồn. Trong diễn văn có đoạn viết: "Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hành trạng “làm đèn soi sáng nẻo vô minh”, thức tỉnh lòng người của Bồ Tát Quảng Đức vẫn còn vang vọng đó đây, sự hy sinh cao cả ấy, không những đã cứu nguy Phật Giáo thoát khỏi cơn Pháp nạn, mà còn giúp cho toàn nhân loại và dân tộc Việt Nam thoát khỏi nạn tương tàn thảm khốc. Đây cũng là một năng lực huyền diệu của phương tiện từ bi tế độ chúng sanh, cái chân lý bất tuyệt ấy, không một bạo lực cá nhân hay tập thể có thể áp chế, đe dọa làm khuất phục nổi tâm địa bậc chân tu đắc quả. Hình ảnh oai linh mang nhiều nội lực tâm đức, ngồi thản nhiên trong đám lửa hồng để lại cho đời quả tim bất diệt, không những làm chấn động thế giới năm châu, mà còn làm rung chuyển, sụp đổ cả sự nghiệp lâu đài nguy nga tráng lệ, đủ nói lên cái “sinh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ” và cũng để minh chứng cho sự tu hành đắc quả của Hoà Thượng Quảng Đức. (….) Sự đấu tranh “bất bạo động” của Phật Giáo và quả tim của Bồ tát Quảng Đức cũng như những cuộc tự thiêu tiếp nối sau Ngài là một chứng minh cụ thể cho tinh thần từ bi và tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình,tự do,bình đẳng nhưng cũng bất khuất trước độc tài, nạn cườngquyền, áp bức. Trái tim ấy đã trở thành biểu tượng cho tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do hòa bình, hạnh phúc nhân sinh".
Tiếp theo là lời phát biểu của Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang NSW. Ông Thanh đã nhấn mạnh rằng pháp nạn xảy ra trên quê hương VN không phải chỉ là của Phật Giáo mà là tai ách chung cho cả dân tộc, cho tất cả các tôn giáo... ông nói "Tôn giáo nào cũng có những vị đã vì đạo pháp, vì chân lý mà sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Trong suốt 50 năm qua, Phật Giáo đã có rất nhiều Tu sĩ, Phật tử đã vì Đạo Pháp hy sinh, trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Đức, người đã vị pháp vong thân. Chúng tôi rất kính phục và ngưỡng mộ những hy sinh cao quý đó (….) Cộng đồng chúng ta được như ngày hôm nay là nhờ ở sự đóng góp của rất nhiều Hội đoàn trong Cộng Đồng trong suốt 38 năm qua, trong đó các tôn giáo đã giữ những vai trò hết sức quan trọng. Đại diện Cộng Đồng, chúng tôi xin trân trọng ghi nhận sự đóng góp của Giáo Hội PGVNTN Hải ngoại tại UĐL-TTL. Chúng tôi ước mong luôn luôn có sự hợp tác quí báu của Giáo Hội như từ trước đến nay trong mọi công tác xây dựng Cộng Đồng, cũng như tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do".
Theo sau là lời phát biểu của ông Ông Philip Ruddock, Nghị sĩ Liên bang vùng Berowra, Thư Ký Nội Các Đối Lập Liên Bang, đại diện Ông Lãnh tụ Đối Lập Tony Abbott. Ông Philip Ruddock đã nói : "Lãnh tụ Đảng Đối Lập xin gởi lời tưởng niệm và cung kính hướng về Bồ Tát Thích Quảng Đức và chư vị Anh Linh Thánh Tử Đạo đã hy sinh mạng sống của mình cho tôn giáo của mình 50 năm về trước. Úc Đại Lợi là một quốc gia tự do dân chủ, luôn tôn trọng các giá trị văn hóa và niềm tin của mỗi cá nhân, vì những giá trị đó mà đã giúp mang lại những điều tốt đẹp cho đời sống con người và cho xã hội này. Đại lễ mang ý nghĩa trọng đại này nên tổ chức hàng năm chứ không đợi những 50 năm. Cầu chúc cho Đại Lễ Tưởng Niệm 50 Năm thành tựu viên mãn".
Tiếp theo là lời phát biểu của Dân biểu Andrew Rohan MP, vùng Smithfield, đại diện cho Thủ Hiến NSW, Ông Barry O'Farrell và đại diện cho Ông Victor Dominello, Bộ Trưởng Công Dân Vụ, Cộng Đồng, và Thổ dân sự vụ. Ông Andrew Rohan đã nói: "Mặc dù đã 50 năm trôi qua nhưng trong chúng ta, không ai có thể quên được sự kiện bi thảm Bồ Tát Quảng Đức đã ngồi trong biển lửa giữa Sài Gòn để bảo vệ Đạo Pháp của quý vị được trường tồn. Sự hy sinh cao cả của Ngài Quảng Đức là để đòi hỏi cho tôn giáo và nhân quyền, đây là một tấm gương cao quý mà chúng ta cảm kích tận đáy lòng và là nhu cầu rất lớn cho tất cả mọi người. Ngày hôm nay trên đất nước Úc Đại Lợi này, chúng ta có quyền tự hào và vui mừng rằng, đây là một xứ sở tự do và dân chủ, dù chúng ta đến đây với bất cứ phương trời nào, khi ở đây, chúng ta có trọn quyền tự do chọn lựa, duy trì và phát triển tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ của mình".
Kế tiếp là lời đạo từ của HT Huyền Tôn, Tăng Giáo Trưởng HĐPG Trung Ương của Giáo Hội, HT khẳng định rằng, nói đến tưởng niệm, tất phải có nguồn gốc và nguyên do. Nhưng với hạnh tu tập của hàng đệ tử Phật, và dù nguyên do đó thế nào, người Phật tử không muốn khơi động cái dĩ vãng quá bi thảm và quá đau thương! Nạn nhân của đương thời và chứng nhân của đương thời mới có tư cách tưởng niệm. HT nói rõ "Giáo Hội không chỉ có một tưởng niệm các Thánh tử đạo mà còn có những tưởng niệm thâm thiết đối với các anh linh chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước. Tại sao Phật Giáo Việt Nam phát khởi phong trào tranh đấu năm 1963? Vì chính quyền cụ Ngô Đình Diệm áp đặt “Đạo dụ số 10 của thực dân Pháp”, đàn áp Phật giáo, đưa tới cuộc thảm sát tại Đài phát thanh Huế đêm 08/05/1963 làm cho Phật giáo lâm vào cuộc diện thảm thương (Phật giáo gọi là Pháp nạn)! Ước nguyện giải cứu pháp nạn, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và kế đến 6 vị Tăng, Ni cùng lấy thân làm ngọn đuốc thay cho tiếng kêu đau thương mong cụ Tổng Thống Diệm mở tâm đức bao dung, bình đẳng hầu giải nguy cho 80% dân tộc là Phật tử, cùng 20,000 Tăng Ni được an lành. Công cuộc vận động cho tự do của Phật giáo Việt Nam năm 1963 không những được quốc tế ủng hộ mà trong nước mọi tầng lớp quần chúng đều tham gia tích cực. Ngay cả Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế cũng nói: “Ông Diệm làm sai, Phật giáo họ làm đúng”. Phật giáo xin cảm ơn Linh Mục Luận. Cụ Diệm rất nể trọng Linh Mục Luận, không nghe cụ phiền hà gì! Câu nói đó là công đức của người Thiên Chúa giáo đối với Phật giáo trong thời điểm “ miếng khi đói này vậy".
Sau cùng là Luật Sư Lưu Tường Quang, cựu Giám Đốc SBS Radio Úc Châu, ông Quang đã nói về chủ đề lịch sử nhìn lại cuộc khủng hoảng của PG năm 1963, ông nói rằng "nếu nhà nước Cộng Sản VN đã tổ chức lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, một người đã tranh đấu cho tự do và tôn giáo thì chính quyền Hà Nội phải tổ chức lễ tưởng niệm tôn vinh Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh là người đã tranh đấu mạnh mẽ trong ỦyBan Liên Phái PG năm 1963 và đã chết trong tù vào năm 1978 và phải tôn vinh 12 vị Tăng Ni và Phật tử ở Chùa Dược Sư, Cần Thơ, vì các vị này đã tự thiêu vào ngày 2-11-1975 để phản đối chính quyền đàn áp tự do tôn giáo"
Sau bài tham luận này là nghi thức tụng kinh cầu nguyện tưởng niệm Giác Linh Bồ Tát Quảng Đức và Chư Vị Thánh Tử Đạo, Anh linh Chư bậc Tiền bối Chiến sĩ Đồng bào, Chiêu niệm 50 năm Quốc nạn Pháp nạn,… dưới sự chủ trì của Chư Tôn Đức Tăng Già Sắc tộc và Tăng Già Việt Nam, cùng toàn thể quan khách, đồng hương, Phật tử đồng trang nghiêm tưởng nguyện.
Sau thời Kinh cầu nguyện, Chư Tôn Đức, Quý Quan Khách và đồng hương Phật tử thọ trai, xin tán thán công đức của Ban Ẩm Thực và quý tự viện sau đây đã lo phần này trong ngày đại lễ: Tu Viện Nguyên Thiều, Thiền Viện Minh Quang, Chùa Trúc Lâm, Chùa Thiên Ấn, TX Minh Đăng Quang, Ni Viện Thiện Hòa, Chùa Liên Hoa, Chùa Dược Sư, Chùa Viên Giác, Chùa Báo Ân…
Sau giờ ngọ trai là chương trình tôn vinh tán thán cúng dường ngày Đại lễ với sự điều hợp của HT Trường Sanh, TT Tâm Phương, quý anh chị trong ba ban Quảng Đức Đạo Ca, Huyền Quang Đạo Ca, Vạn Hạnh Đạo Ca, cùng các GĐPT Liên Bang Úc phụ trách. Chương trình đặc sắc có các tiết mục như: Múa hoạt cảnh "Vinh Danh Bồ Tát Thích Quảng Đức" do Ban Quảng Đức Đạo Ca trình diễn; Đơn ca "Trái tim Bồ Tát" của đạo hữu Thiên Hương và Vọng cổ "Trái tim bất diệt" của đạo hữu Diệu Quý , Ban Đạo Ca Huyền Quang trình bày; Múa "Trái tim Bồ Tát" qua phần trình diễn của Gia Đình Phật Tử Liên Bang; Ngâm thơ "Lửa Từ Bi" (của Vũ Hoàng Chương) do nghệ sĩ Đăng Lan diễn ngâm….
Được biết tài chánh cũng là vấn đề đáng quan tâm, nhưng Ban Tổ Chức đã lên phương án và kêu gọi các Tự Viện thành viên và mọi người đóng góp. Qua tường trình chi tiết tại các phiên họp ngày 24/5 tại Sydney, ngày 2/6 tại Melbourne, và ngày 14/6 tại chùa Pháp Bảo ở Sydney. Số tiền thu chi với sơ kết như sau: thu $73,625 và chi cho tới ngày 13/6/13 là $76,495; Chi thêm $2,150. Tổng số tiền chi là $78,645. Thu trong ngày Đại Lễ 15/6/2013 là $19,048. Như vậy tổng thu, chi, còn lại là $92,673 - $78,645 = $14,028. Số tiền còn dư $14,028, gởi vào quỹ Điều Hành Giáo Hội $10,000 và Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu cuối tháng 12 năm nay $4,028. Xin thành tâm tán thán công đức của tất cả chư Tôn Đức, quý tự viện thành viên cùng quý đồng hương Phật tử gần xa cùng đóng góp tài công vật lực để thiết lễ tưởng niệm 50 năm này được trọn vẹn ý nghĩa như ước nguyện của Giáo Hội.
Chương trình Đại lễ buổi chiều tiếp tục với bài thuyết trình của Hòa Thượng Mahā MaSai, Chủ Tịch Hội PG Thái Lan tại NSW và bài thuyết trình của Ông Philip Coen, cựu giảng sư ĐH Tây Syndey, với chủ đề Phật Giáo và Xã Hội Tiêu Thụ, đã gây được sự chú ý của thính giả từ đầu chí cuối. Cả hai bài thuyết trình này đều do HT Thích Quảng Ba chuyển ngữ tiếng Việt ngay tại Hội trường chính.
Cuối cùng là nghi lễ Pháp đàn Cầu nguyện Quốc thới Dân an, Hòa bình Thế Giới, Nhân loại an lành, Bạt tiến chư vị âm linh, từ 3 đến 5 giờ chiều. Chứng minh lễ này có ba vị Hòa Thượng Bảo Lạc, HT Quảng Ba và HT Trường Sanh, Sám chủ: Thương Tọa Tâm Minh cùng Ban Kinh Sư: TT Như Định, TT Thiện Hiền, TT Giác Tín, TT Đạo Thông, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Viên Tịnh, ĐĐ Đồng Thanh (Kinh cổ), ĐĐ Hạnh Tri, ĐĐ Đạo Hiển, ĐĐ Hạnh Phát và tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni và quý Phật tử tham dự cùng hộ niệm. TT Nguyên Trực, TT Nhật Tân điều hợp, và cảm thán công đức chung.
Và nghi thức pháp đàn này đã kết thúc Đại Lễ Tưởng niệm ngày 15-6-2013 để lại cho người tham dự sự bùi ngùi xúc động khi tưởng niệm và nhớ lại sự kiện lịch sử 50 năm qua và mỗi người tự phát nguyện với lòng mình rằng cố gắng tinh tấn tu học, tận tụy dấn thân, miệt mài phụng sự, nỗ lực tinh chuyên, vì đạo vì đời, vì xã hội nhân sinh, vì quốc gia dân tộc và cộng đồng nhân loại. Như vậy mới xứng đáng noi gương công hạnh Bồ Tát, tôn thờ Anh linh Chư Thánh Tử Đạo, tưởng nhớ Anh linh Chư bậc Tiền bối, chiêu niệm tri ân công đức của Tiền nhân, mãi mãi soi sáng cho hôm nay và tài bồi truyền tiếp cho mai sau.
Kính Lễ Bồ Tát Thích Quảng Đức và Chư Thánh Tử Đạo Phật Giáo Việt Nam
Bài:Tịnh Tuệ - Mặc Tử
Hình ảnh: Quảng Hội, Hoàng Lan, Minh Tuấn
Xem thêm nhiều hình ảnh khác tại:phatgiaoucchau.com; quangduc.com