Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4- Đối Trị Với Cái Giận

15/05/201311:03(Xem: 3183)
4- Đối Trị Với Cái Giận


THẾ GIỚI HÒA ĐỒNG

HỘI LUẬN GIỮA H.H THE DALAI LAMA& TÁM NHÀ TÂM LÝ HOA KỲ

Bản dịch:Chân Huyền

Nhuận sắc: Chân Văn

CHƯƠNG 4 

ĐỐI TRỊ VỚI CÁI GIẬN

Câu hỏi từ khán giả:

Nhiều khi tôi phải làm việc với những người thực sự làm tôi bực bội. Làm cách nào để tôi chấp nhận được họ và coi đó như là một cơ hội để cho bản thân mình tiến bộ hơn?

Đạt lai lạt ma:

Bạn phải xét từng trường hợp. Hãy nhìn kỹ con người làm phiền bạn. Nếu muốn áp dụng sự tu tập của bạn với con người đó, bạn hãy coi đó là cơ hội giúp bạn đối diện với cái giận của mình và nuôi dưỡng lòng từ bi. Nhưng nếu cái phiền nhiễu đó nó lớn quá, nếu bạn thấy là con người đó quá kinh khủng, bạn không thể chịu nổi họ, thì có lẽ tốt hơn là bạn nên tìm lối thoát!

Đây là nguyên tắc: không nên lảng tránh những sự kiện hay những con người làm cho bạn nổi giận, nếu cái giận nó không quá mạnh. Nhưng nếu bạn không thể đối diện cái giận đó, thì tốt hơn nên chăm sóc chính bạn cái đã. Trong truyền thống đạo Bụt, đối trị với những khổ thọ, nhất là sự sân si, thù hận, ta phải thực tập quán chiếu thường trực về những điều bất lợi và tính chất phá hoạt của chúng; như vậy dần dà những khổ thọ này sẽ giảm đi.

Tôi biết trong Tâm Lý học Tây phương, người ta cho rằng đè nén cảm xúc là điều có hậu quả rất tệ hại trên thân và tâm ta. Tôi nghe thấy có người nói: “Khi lòng thù hận phát khởi, ta phải để cho nó bộc lộ ra”. Trong ngành học về tâm lý của quý vị, có cách nào để ta không cần đè nén cái giận mà vẫn thấy được những hậu quả bất lợi của nó không? Không phải chỉ lúc lên cơn giận, mà bình thường ta cũng nên quán chiếu tới những điều tai hại của cái giận, do đó làm cho nó phân tán đi. Bình thường ra, bạn cảm thấy là nên giận hoài người kia hay là không nên? Nếu bạn thực sự thấy là không nên giận, thì ta tìm phương cách để ngăn ngừa nay khi cơn giận nổi lên có phải là lợi lạc hơn không? Nếu bạn nghĩ rằng làm giảm bớt cơn giận là tốt, thì khi ta giận, ta nên biểu lộ nó ra hay không?

Daniel Brown:

Thưa ngài, không thể có một câu trả lời duy nhất được. Có tới hơn hai trăm trường phái Tâm Lý trị liệu, và mỗi phái có câu trả lời riêng cho câu hỏi của ngài, từ rất nên tới không nên để cái giận phát ra.

Các nghiên cứu rõ ràng chứng tỏ là những người hay biểu lộ cơn giận ra thì chỉ học được cái thói quen hay nổi giận. Càng ngày họ càng dễ giận hơn. Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy khi người ta hay nổi giận thì càng hay bị bệnh, những chứng như bệnh tim, ung thư, cảm cúm. Đó là hai lập luận cho là ta không nên biểu lộ cái giận ra. Tuy nhiên trong tâm lý trị liệu, có nhiều quan điểm khác nhau.

Jean Shinoda Bolen:

Kinh nghiệm của tôi liên quan trực tiếp tới những người mà tôi có dịp làm việc với họ. Nguyên tắc thứ nhất là phải biết mình có cảm xúc gì cái đã. Có khá nhiều gia đình trong đó trẻ con phải học cách đè nén cái giận, nên chúng lớn lên như bị tê dại, không còn cảm xúc chi cả. Trường hợp này, điều quan trọng cho trẻ là phải biết được cảm xúc để có thể đánh động nó, diễn tả nó ra.

Người ta cố gắng để phát triển cái Tôi biết quan sát, hay cái “Tâm quan sát”, để có thể thấy được lúc các cảm xúc hiện ra, và hiểu được chuyện gì đã làm cho cảm xúc biến mất. Thường người ta sợ nhắc lại điều đã làm mình đau khổ trong quá khứ. Sự quan sát sáng suốt này làm cho người ta thoát khỏi được tình trạng khổ não đó. Nhiều khi người ta tức giận một người nào đó chỉ vì họ giống một hình ảnh rất xấu trong quá khứ. Chúng tôi gọi tình trạng này là một sự hoán chuyển.

Daniel Brown:

Thưa ngài, tỷ dụ như hồi nhỏ ngài bị cha mẹ đánh đòn, về sau gặp người nào hơi giống hai vị đó về một phương diện nào, thì ngài có thể sẽ giận dữ con người đó dễ dàng. Có thể người này không làm gì ngài, nhưng ngài đã có lòng sân với họ từ hồi nhỏ kia, cái đó gọi là hiện tượng hoán chuyển.

Jean Shinoda Bolen:

Một bệnh nhân luôn luôn cần hiểu là cơn giận mà họ nung nấu bấy lâu nay sẽ không làm hại được người thầy thuốc hoặc làm cho thầy thuốc khó chịu khi họ diễn bày nó ra. Đó là chuyện phải giáo dục họ.

Thường thường chúng tôi trong lúc trị liệu, đã làm cho đứa trẻ bị thương tích trong bệnh nhân chấp nhận được cha mẹ của người đó. Nhưng chúng tôi không giúp bệnh nhân biểu lộ cơn giận quá dễ dàng, hoặc gieo rắc cái giận ấy ra chung quanh. Chúng ta đang nói tới những người bệnh đang rất đau khổ vì có điều gì không ổn. Họ cần phải phối hợp thực tập tâm lý và thực tập tâm linh với nhau. Trong việc làm phân tâm học của riêng tôi, tôi thấy hai phương diện này không thể tách rời được. Yếu tố tâm linh là một phần cốt tuỷ của con người, ta cần phải nắm được nó.

Daniel Brown:

Tôi xin phép tóm tắt lại: người bệnh có thể giận người thầy thuốc vì những mối sân si từ lúc tuổi nhỏ. Thầy thuốc sẽ khuyến khích bệnh nhân biểu lộ cái sân hận đó ra bằng lời nói, để ông quan sát người bệnh.

Đạt lai lạt ma:

Bạn nói rằng nếu không học cách diễn bày tình cảm có từ hồi thơ ấu, thì nó cứ bị đóng cục trong ông, và con người ông không thể phát triển hoàn toàn được? Vậy nên phải tìm cách cho chúng hiện lên để mình có thể nhận diện và quán sát tình trạng của các cảm thọ và học cách đối phó với những nhân duyên gây ra chúng? Phải vậy không?

Jean Shinoda Bolen:

Thưa phải.

Đạt lai lạt ma:

Tôi cho rằng những xung đột tình cảm có thể khác biệt với những cảm xúc mà người ta biểu lộ ra như giận dữ, thù nghịch vv… Nếu bạn không có cơ hội để diễn bày những xung đột tình cảm, thì trong cuộc đời về sau này, khi có dịp, thế nào bạn cũng biểu lộ chúng ra, và tự động kèm vào đó sự sân giận, oán thù. Vậy nên điều quan trọng và tốt hơn cả là nên biểu lộ những nỗi khổ ra chứ không nên biểu lộ những sân hận.

Jean Shinoda Bolen:

Thưa đúng như vậy. Đó cũng là quan điểm của trị liệu tâm lý. Sân si và thù hận chỉ là mặt trên của vấn đề. Đau khổ nằm ở dưới sâu.

Giận dữ và thù nghịch cũng khác nhau. Ta thấy trẻ em giận dữ khi chúng bị thất bại, không thể lam hay có được điều mình muốn, hoặc là khi chúng cố gắng làm chuyện gì mà không thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến cho sự thất vọng làm cho ta giận dữ. Nhưng trẻ em thường không thù oán nếu chúng không bị ngược đãi.

Đạt lai lạt ma:

Tôi muốn trở lai về đề sau: Hãy gạt ra một bên câu chuyện của thời thơ ấu. Tôi muốn hỏi, ngay trong giờ phút này, nếu một người gặp chuyện gì bất như ý, cảm thấy giận dữ, thì họ nên hay không nên biểu lộ cơn giận ra – trong khi tự thâm tâm họ chỉ muốn giảm bớt hoặc không bị cơn giận làm phiền?

Daniel Brown:

Trong ngành tâm lý phân tích như phân tâm học, đôi khi người ta chú trọng tới những xúc cảm khổ đau của tâm thức. Sau nhiều năm, một số người có thể được chữa lành. Họ sẽ không còn chút triệu chứng thất vọng nào. Tỷ như họ đạt được chút hiểu biết về những tình cảm tiêu cực như sân hận chẳng hạn. Nhưng họ vẫn không thể biến thành người dễ thương được. Ngoài cách chữa những tâm thức tiêu cực đó, chúng tôi cũng hiểu là cần chú ý tới những đức tính tốt đẹp khác, nhưng chưa biết cách nuôi dưỡng những đức tính đó như trong đạo Bụt đã làm.

Đạt lai lạt ma:

Cũng giống như ta chỉ biết về Khổ, và nguyên nhân của Khổ (tiếng trong đạo Bụt là Tập), mà không biết về con đường diệt Khổ (Diệt & Đạo) vậy.

Stephen Levine:

Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng tìm ra một cách biểu lộ sân si mà có an toàn, không gây tác hại. Chúng ta biết mình không thể bỏ qua những gì mình không chấp nhận, vậy nên ta phải dành cho Sân hận và những cảm xúc khó chịu một chỗ đứng trong tâm ta. Những tình cảm này thường ẩn sâu và tế nhị khiến ta nhiều khi không thể nhận biết được chúng. Giờ đây nếu muốn tiếp xúc với loại tình cảm tiêu cực cùng những vết thương xưa cũ, ta cần phải có không gian. Nếu không quán chiếu, những thứ này sẽ xuất hiện đột ngột làm cho chúng ta giật mình, mỗi khi ta bị căng thẳng.

Chúng ta cố gắng tìm ra cách để không phải đè nén hay dẹp cơn giận đi, mà để nó xuất hiện rõ ra trong khi ta tỉnh thức. Ta sẽ nhận diện và hiểu được nó, thấy nó không có tự tánh (vô ngã) và thay đổi luôn luôn (vô thường). Hầu như nếu ta không cho cái giận biểu lộ ra thì ta không tìm hiểu được gì về nó.

Đạt lai lạt ma:

Nhưng khi cái giận xuất hiện trong tâm trí thì ta có nên cho nó phát ra bằng lời nói hay không?

Stephen Levine:

Nếu nó chỉ hiện ra trong tâm trí mà thôi, không có gì bắt buộc ta phải hành động. Nó có thể sẽ tan biến vào không gian.

Daniel Brown:

Trong việc trị liệu tâm lý, người ta được khuyến khích nên tưởng tượng mọi cách để biểu lộ cái giận ra cũng như thấy được những hậu quả của sự biểu lộ đó. Như vậy người đó sẽ không phóng cái sân si một cách nguy hại sang thầy thuốc hay người nào khác. Họ sẽ dùng trí tưởng tượng để thấy được những hình ảnh của sự biểu lộ cái giận.

Thường khi được phép làm như vậy, người ta nhìn rõ vấn đề hơn. Họ sẽ có thể hiểu rằng người thầy thuốc hay ai kia không liên quan gì tới cái giận. Mà đó chỉ là do ảnh hưởng của vài chuyện xưa cũ. Họ sẽ thấy thực ra họ không giận mà chỉ bị chạm tự ái, bị phản bội hay bị bỏ rơi mà thôi.

Tới lúc này, người ta có thể thấy được là nếu có ý thức về cái giận, thì họ không cần phải làm gì cả. Chỉ cần có chánh niệm về cái giận mà không cần làm chi hết: đó là con đường trung đạo giữa hai thái cực: che dấu hay đè nén cái giận, hoặc biểu lộ cơn giận ra một cách tai hại.

Đạt lai lạt ma:

Rất hay.

Margaret Brenman-Gibson:

Có lẽ vấn đề không phải là đi tìm một trung đạo nhưng là tìm xem có thể hợp nhất hai loại cảm xúc tiêu cực (giận dữ) với tích cực hay không. Tâm lý gia Erik Erikson đã đưa ra một lý thuyết cách mạng vào khoa tâm lý là: ngay từ thời thơ ấu, con người chúng ta luôn cố gắng tạo ra các liên hệ Hỗ Tương. Chẳng hạn như trong hành động bà mẹ cho con bú, cả hai đều rút ra được điều gì tốt đẹp. Không chỉ đơn giản một người cho, một người nhận, mà phải có tính cách hỗ tương. Đây là một khuôn mẫu tốt trong ngành tâm lý trị liệu cũng như trong sự phát triển con người.

Mục tiêu thật sự là tạo một căn bản hợp nhất để phần này của cái Ngã không phán xét hay trừng phạt mà thương xót lấy phần kia. Ta gọi đó là một thứ “Siêu Ngã nhân ái”. Nói cách khác con đường bao dung, tự tha thứ có thể chỉ là một cách diễn tả mới của những cảm xúc sân hận mà thôi. Chúng ta cần tìm cho ra một phương cách thích hợp nhất để giúp cho một cá nhân lý giải với chính mình, giúp cho những tranh cãi của hai vợ chồng hoặc hai quốc gia. Mục tiêu không khác nhau: ta phải tìm ra một giải pháp mới để có thể thoả hiệp với chính mình, hoặc thoả hiệp giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia.

Daniel Brown:

Nhiều văn bản Phật giáo viết về sự thực tập kiên nhẫn (Nhẫn nhục). Hình như trong đó họ ý thức được những cơn giận và biết cách tu tập với chúng. Trong tâm lý trị liệu tây phương, chúng tôi quan niệm khác hẳn: chúng tôi cho là các bệnh nhân không ý thức được là họ có sân hận. Thực ra, họ muốn tự bảo vệ bằng cách không nhận biết cái giận đó.

Đạo Bụt dạy chúng tôi rất nhiều về những người có ý thức mình đang sân hận, và cách tu tập của những người đó; nhưng không nói nhiều về những người không biết rằng mình có sân hận. Tâm lý học tây phương dạy chúng tôi rất nhiều về cách cư xử với những người mang bom nổ chậm như thế, những con người không hiểu rằng nghề nghiệp đã làm cho họ nóng tính, hoặc những người không hay biết rằng mình nóng nảy, giận dữ.

Đạt lai lạt ma:

Đây là điều mà Phật tử chúng tôi cần học hỏi. Sự sân hận trong tiềm thức tương đồng với các tâm sở phiền não trong kinh điển Phật Giáo, chính là nguồn gốc của những cơn nóng giận hay thù hằn. Ta có những sân hận tiềm ẩn này vì thiếu chánh niệm và chánh kiến.

Margaret Brenman-Gibson:

Dan Goleman đã viết một cuốn sách về sự tự lừa dối mình: trước hết là vì đôi khi chính chúng ta không hề biết là mình đang giận. Tình trạng tự lừa dối -một cách chối bỏ những cảm xúc của mình – là chuyện rất nguy hiểm cho sau này.

Tỷ như, tôi đã khảo nghiệm những người chế tạo bom nguyên tử. Nhìn chung, đó không phải là những con người ghét bỏ thế gian hoặc ghét người Nga. Họ không biết rằng họ đang làm một thứ có thể huỷ diệt thế giới. Chắc họ cũng không muốn huỷ diệt địa cầu này. Đó là những con người chối bỏ và lừa dối mình rất nhiều.

Daniel Goleman:

Thưa ngài, vấn đề là: nhiều khi người ta vướng vào những chuyện như chế tạo bom mà không hiểu được hậu quả công việc họ làm. Nghĩa là họ tự lừa dối họ. Ta phải đối phó với chuyện đó thế nào? Đây là một vấn đề lớn trong ngành tâm lý trị liệu. Nhiều người tới chữa bệnh mà không biết mình có vấn đề gì. Người nghiện rượu là một thí dụ. Làm sao để giúp được những người tự lừa dối mình.

Đạt lai lạt ma:

Trong trường hợp những người chế tạo bom, họ chỉ chú tâm vào công việc rất chuyên biệt của họ, mà không nhìn thấy những hậu quả rộng lớn do bom gây ra. Giống như họ chỉ biết nhìn qua một cái ống hẹp vậy. Sự chú tâm vào công việc giúp họ tự lừa dối. Người sản xuất bom thì quan niệm đó là những thành công lớn. Về quyền lợi và trong lãnh vực riêng tư, họ cho là họ làm được điều phi thường.

Margaret Brenman-Gibson:

Một người trong nhóm đó đã nói với tôi: “làm bom là một công việc cần rất nhiều sáng tạo”. Có người hỏi: “tại sao anh lại đi học chế bom, anh điên rồi”. Tôi cho là trong lãnh vực chuyên môn đặc biệt và giới hạn đó, họ làm những chuyện có tính cách sáng tạo thật, chỉ những người dùng các sáng tạo đó mới là những kẻ tự lừa dối mình.

Đạt lai lạt ma:

Chuyện này cũng có thể xảy ra trong lãnh vực tâm linh. Một người nếu chỉ chú tâm một cách hạn hẹp vào tôn giáo hay sự tu tập của mình, thì sẽ trở nên quá khích.

Daniel Goleman:

Vậy ta có giải pháp nào không, thưa ngài?

Đạt lai lạt ma:

Giáo dục

Daniel Goleman:

Chúng ta cần một bối cảnh rộng hơn.

Stephen Levine:

Thưa ngài. Sau chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn cựu chiến binh tự tử không phải vì thù hận cuộc chiến, mà vì những chống đối khi đã có hoà bình. Những người cầm biểu ngữ Hoà Bình đi biểu tình đã phỉ nhổ vào các chiến binh khi họ bước xuống máy bay, họ họ là “những kẻ giết trẻ thơ”. Những chiến binh này tuổi từ 17,18,19, da đen, da vàng hay da trắng mà nghèo, là những phần tử ít thế lực nhất trong xã hội chúng tôi. Câu chuyện này mẫu mực của sự sân hận tiềm ẩn trong con người - người ta nhân danh hoà bình để gây chiến.

Những kẻ phản đối này đã phán xét và nguyền rủa những người trở về, thương tích còn đầy mình. Không những công việc của họ không được chấp nhận mà sự can đảm của họ cũng bị chối bỏ. Không phải họ chỉ thiếu những gì mà binh sĩ sau thế chiến thứ hai được hưởng khi trở về, mà họ còn bị đối xử hoàn toàn trái ngược. Họ bị phán xét, thù hận và gạt bỏ, bị những kẻ biểu tình nhân danh hoà bình nhưng lòng đầy sân hận – gọi là sát nhân. Nếu chúng ta không tìm hiểu những nỗi sân hận thì làm sao chúng ta tạo được hoà bình?

Đạt lai lạt ma:

Đây là điều mà tôi luôn luôn nhấn mạnh: Muốn tạo hoà bình cho thế giới, tâm ta phải có an bình.

Joel Edelman:

Một tuần lễ sau khi từ Việt Nam trở về, tôi đang ở Nữu Ước, tình cờ đứng bên lề một cuộc biểu tình chống chiến tranh trên đường số 5. Tôi đứng gần mấy người chống lại cuộc biểu tình ấy. Khi họ đánh nhau, một người lấy cái bảng anh ta đang mang “Hoà Bình ngay bây giờ” để đập lên đầu tôi. Tôi hiểu lời ngài nói.

Margaret Brenman-Gibson:

Chúng ta nên nhớ rằng có một số người đã chọn sai chỗ để diễn tả những giận dữ và thù hận đối với cuộc chiến lầm lẫn đó. Nếu họ biết rõ đâu là nguyên nhân đích thật của vấn đề - chẳng hạn như những người có quyền gửi lính ra mặt trận - họ sẽ không giận các chiến sĩ, mà làm áp lực cho quốc hội chấm dứt chiến tranh. Chống những người ra trận là lầm mục tiêu.

Câu hỏi từ thính giả:

Ta có thể chuyển hoá năng lượng của cái giận được chăng? Chúng ta phải làm sao khi thấy mình đang giận? Quý vị có đề nghị nào đặc biệt trong cách xử sự không?

Đạt lai lạt ma:

Tuỳ ở mức độ giận. Nếu cái giận nó không lớn lắm, bạn có thể rán nhìn đối tượng làm mình giận theo một khía cạnh khác. Một con người dù đáng ghét tới đâu cũng vẫn có những điểm tốt. Nếu ta nhìn vào phía tốt của họ, cơn giận sẽ lập tức giảm đi. Đó là một cách. Cách khác là bạn ráng tìm hiểu coi khi giận thì có ích lợi gì? Thử mà coi, bạn sẽ không thấy gì lợi lạc hết. Giận quả thực là một thứ gì rất xấu xí. Nhưng trái lại, khi nhẫn nại, từ ái và thương yêu, bạn sẽ thấy rất nhiều điều thật tốt đẹp. Khi có quan niệm rõ ràng như vậy, mỗi lúc lên cơn giận dữ, bạn sẽ nhớ tới những hậu quả xấu của nó và bớt giận đi.

Nhưng khi cơn giận quá mạnh, thì bạn nên hướng tâm trí của bạn vào một nơi hay một chuyện gì khác. Chỉ cần nhắm mắt lại và chú ý theo dõi hơi thở. Đếm hơi thở tới số hai mươi hay hai mươi lăm, cơn giận sẽ từ từ giảm cường độ.

Khi niềm sân hận quá lớn, quá mạnh thì ta phải chiến đấu. Tôi nói chơi vậy thôi. Nhưng trường hợp này ta nên biểu lộ nó ra thay vì dấu nó đi. Một nỗi sân si thù ghét to lớn có thể nằm trong ta nhiều năm. Như vậy còn tệ hại hơn là ta nói ra mấy câu khó chịu.

Stephen Levine:

Thưa ngài, có bao giờ ngài sợ hãi chưa?

Đạt lai lạt ma:

Ồ, có chứ

Stephen Levine:

Rồi ngài làm sao?

Đạt lai lạt ma:

Tôi cho là có hai loại sợ. Loại sợ thứ nhất là vì tình thế đang nguy hiểm. Trong trường hợp này, tôi cho là mình đang phải quyết định, dù tôi biết hay không biết hành xử thế nào. Tôi hỏi ý kiến các bạn tôi, suy nghĩ kỹ. Rồi tôi hành động, và sau sẽ không ân hận chi. Nhìn sâu, sự việc này liên quan chặt chẽ với động lực thúc đẩy tôi hành động: nếu tôi không vì ích kỷ, tôi sẽ không phải hối hận chi cả. Khi tôi hành xử với cái tâm thật, dù cho chuyện không được như mong cầu, cũng không có gì phải tiếc nuối.

Loại sợ thứ hai có tính cách tưởng tượng. Muốn hết sợ, bạn phải bình tâm để có thể nhìn vấn đề gần và rõ hơn. Khi nhìn sâu vào chi tiết, cái sợ tưởng tượng này sẽ tan biến đi.

Chúng ta phải xét từng trường hợp một. Đôi khi có nguy hiểm thật sự đi kèm với cái sợ. Trường hợp đó thì nên biết sợ. Nhờ sợ mà bạn biết đề phòng. Nếu có nguy hiểm mà mình không biết sợ thì có thể lâm nguy.

Nhưng cũng có một loại sợ khác, do chính bạn tạo ra. Trong loại sợ này, quan trọng là bạn phải thành thực và cởi mở thật sự với chính mình. Điều này sẽ giúp bạn bớt sợ nhiều và có tự tin hơn. Bạn có thể gặp và nói chuyện với bất cứ ai. Dù vẫn còn sợ, nhưng có tự tin thì bạn sẽ nhìn ra lẽ phải và sự thật nơi con người bạn. Theo kinh nghiệm riêng tôi thì căn bản của chuyện này chính là tâm từ bi và bác ái.

----o0o---

Vi tính: Tường Chánh

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2024(Xem: 1947)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 4357)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 10462)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 9811)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
09/06/2023(Xem: 2039)
Bộ phim Phi Thuyền Serenity (2005) với thể loại khoa học viễn tưởng đã giới thiệu một hình ảnh tên là Miranda, nơi các vấn đề của nhân loại được giải quyết thông quan khoa học công nghệ. Tham lam, giận dữ, si mê (tam độc), phiền não bởi buồn bã, lo lắng và tuyệt vọng - rõ ràng là trùng lặp với một số kiết sử cổ điển của Phật giáo (Skt., Pali: samyojana)
19/05/2023(Xem: 3200)
Tôi đã rất ấn tượng bởi một số chủ đề trùng lặp mà tôi gặp phải từ một số tác giả rất khác nhau. Cụ thể tôi đã thưởng ngoạn tác phẩm “Sapiens: Lược Sử Loài Người” (קיצור תולדות האנושות‎, Ḳitsur toldot ha-enoshut) của Tác giả, Thiền giả, Giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem, Cư sĩ Yuval Noah Harari, một tác phẩm nói bao quát về lịch sử tiến hóa của loài người từ thời cổ xưa trong thời kỳ đồ đá cho đến thế kỷ XXI, tập trung vào loài "Người tinh khôn" (Homo sapiens). Được ghi chép lại với khuôn khổ được cung cấp bởi các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là sinh học tiến hóa.
03/05/2023(Xem: 7491)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
21/04/2023(Xem: 8573)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
20/04/2023(Xem: 9627)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
12/04/2023(Xem: 3626)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567