- 1. Dòng suy tưởng
- 2. Phong trào hiện sinh trong triết học Đông phương
- 3. Phản ứng của giới trí thức Việt giữa cuộc va chạm tư tưởng Đông Tây
- 4. Phản ứng của Tây Phương với các hệ thống tư tưởng thuần lý
- 5. Một cuộc tự vượt trong tư tưởng giới A châu
- 6. Vào Đạo Phật qua lối Jean Paul Sartre
- 7. Đặt thân phận con người trước cửa ngõ giác ngộ
- 8. Phương pháp nhận thức của Đạo Phật
- 9. Tiêu chuẩn Đạo Phật
Hướng Đi Của Thời Đại
HT. Thích Đức Nhuận
5. MỘT CUỘC TỰ VƯỢT TRONG
TƯ TUỞNG GIỚI ÂU CHÂU
CŨNG như Kierkegaard, Nietzche (1844-1900) hoàn toàn chối bỏ mọi nhận thức khách quan để đề cao vai trò chủ quan của con người. Con người phải nhập cuộc để tự xây dựng chấn lý cho mình. Nhưng với Nietzsche sắc thái nổi loạn đã được phát triển một cách hết sức mạnh mẽ. Chính tư tưởng của Nietzsche đã làm cho phong trào hiện sinh, nhất là phái hiện sinh vô thần của thế kỷ XX trở thành cuồng nhiệt hơn. Nếu ở Kierkegaard, ta thấy tính chất nổi loạn hoàn toàn nằm trong lĩnh vực tình cảm đam mê, và còn ngừng nghỉ ở trạng thái đạo nghĩa để rồi lấy sức vươn lên trạng thái giải thoát, tuyệt đối hiện sinh thì ở Nietzsche, ta thấy tình cảm đam mê đã chuyển thành ý chí cuồng điên. Ý chí con người quyết thắng tất cả để đặt con người vào địa vị tự chủ tuyệt đối. Ông chấp nhận thân phận con người hàm chứa những sự trạng thái nghịch. Những sự trạng ấy là điều kiện thiết yếu của giòng hiện sinh. Bằng vào đó, ông đã tung ra những khẩu hiệu nóng bỏng nhằm thực hiện một cuộc cách mạng tư tưởng toàn triệt. "Đảo lại hết mọi giá trị" đó là mục tiêu chính của cuộc nổi loạn này. Những gì mà người đời vẫn tôn trọng đều bị ông đả kích và lên án. Ông đặt lại mọi nhận định về thiện ác một cách hoàn toàn mới: ông thay bảng giá trị tư tưởng duy niệm của truyền thống cổ điển bằng một giá trị mới là tư tưởng hiện sinh. Thay những tin tưởng yếm thế của tôn giáo bằng lý tưởng siêu nhân. Một sinh khí sung động mãnh liệt đã được thể hiện qua tư tưởng ông.
Nietzsche, ngay tuổi mới lớn, đã được nung nấu trong những vần thơ mạnh như vũ bão của Goethe, Goethe là một thi sĩ đặc biệt đề cao hành động. Ông cho hành động đã có từ nguyên thủy. Đây là tư tưởng căn bản của Nietzsche. Tiếp đó Nietzsche lại một lần nữa chìm ngợp trong tư tưởng của Schopenhauer. Ở Schopenhauer ta gặp được những chủ đề chính của Nietzsche nhất là của những con người hiện sinh và các nghệ sĩ lập thể thời đại. "Vũ trụ là cái nhìn của tôi". "Ý chí là căn thể trong con người, ý chí điều khiển trí tuệ". "Chủ thể trí thức là một người sống thực vì trí thức đã đồng nhất với thân xác, hành động của thân thể là hành động của ý chí khi ý chí nhằm đối tượng là vũ trụ" Nietzsche là một người đã tổng hợp được cảm tính hiếu động của một thi sĩ và suy tưởng hiếu động của một triết nhân, để hoàn thành một chủ quan hiếu động tột độ của mình rồi làm nghiêng lệch hẳn nhận thức cố cựu của nhân loại trước đó.
Ta có thể xét tư tưởng của Nietzsche qua hai phần chính. Phần đả phá và phần xây dựng. Với chủ trương đặt lại mọi giá trị mới, Nietzsche đã tận lực đả phá mọi giá trị cũ đến độ điên cuồng. Đối tượng chính của ông xỉa mũi nhọn vào là nền luân lý và Thượng đế. Ông cho luân lý là một thứ qui ước hoàn toàn có tính chất giả tạo, nhằm nô lệ hóa con người. Luân lý làm thui chột ý chí tự chủ, tự cường của con người. Luân lý là của quần chúng ngu tối nhắm mắt tuân theo những lề thói tập tục của xã hội. Tình trạng đó ông gọi là tình trạng nô lệ tinh thần. Mà nô lệ tinh thần đáng khinh, đáng thương hơn tình trạng nô?ệ thân xác nhiều. Luân lý chỉ là sợi dây tròng vào cổ đoàn vật, vì nó chỉ có mục đích đảm bảo yên vui cho lũ người ươn hèn mà thôi. Cứu cánh của nền luân lý ươn hèn này tất nhiên là Thượng đế, theo Nietzsche thì: "Thượng đế đã chết rồi". Đây là một tuyên ngôn vô cùng táo bạo và ngỗ nghịch mà từ xưa đến nay chưa một triết nhân nào dùng tới. Ông nhất quyết hạ độc thủ với Thượng đế vì, theo ông, chính Thượng đế là bức tường lớn nhất, kiên cố nhất đã chắn mất ý chí tự chủ và hằng vượt của con người. "Vậy phải giết Thượng đế thì siêu nhân mới có thể xuất hiện được". Siêu nhân là một con người kiêu hùng gắn liền với thực tại trái đất, trong quần chúng mà ra, nhưng phải vượt lên trên quần chúng, thúc đẩy nhân loại phải tiến triển bằng cách đánh thức những đam mê vẫn ngủ yên trong mỗi người dậy.
Sang tới phần xây dựng ông cho rằng cuộc hiện sinh của con người vốn mang một thân phận ngang trái đầy kinh sợ và thống khổ. Con người là một giòng hiện sinh cô độc giữa vũ trụ vô nghĩa. Tuy thực thể người vốn bắt nguồn từ sức mạnh tăm tối vô biên của thiên nhiên, để có sức sống đam mê mộc mạc, nhưng mặt khác con người có lý trí suy tư, luôn luôn muốn khắc phục giòng sống đam mê của mình. Chính vì con người hàm chứa hai thành tố đó, nên con người thường có tâm trạng giằng xé hãi hùng. Ông đã tượng trưng cho chúng bằng hai vị thần cổ Hy lạp là thần Dionysos và Apollon. Thần Dionysos là bản năng đam mê của con người có khuynh hướng quay về hòa mình với biển sống mênh mông vũ trụ, để đạt tới trạng thái thực tại thường hằng và quyền năng trọn vẹn. Thần Apollon tượng trưng cho lý trí có khả năng phân biệt để diễn tả thành sự trạng và như vậy có nghĩa tạo lập một cuộc sống luân lý xa lìa bản nhiên của thần Dionysos, để rồi thấy mình hiện sinh cô độc trong vũ trụ vô nghĩa. Bằng vào thực tại tâm trạng trái ngược đó Nietzsche có tham vọng vận dụng lý trí vào việc giúp sức bản năng để thành ý chí kiêu hùng quyết thắng, rồi đặt con người lên ngang hàng với Thượng đế, tức là con người siêu nhân. Trong khi đả phá nền luân lý mà ông gọi là của bọn nô lệ, Nietzche đã đề cao ý chí kiêu hùng của con người, ý chí đó quyết trút bỏ mọi quan niệm hèn yếu để vượt lên trên tất cả những cái gì tầm thường của thế nhân ; dám coi khinh khen chê, dám sống cuộc đời vô luân để kiến tạo cho mình một cuộc sống tự do tự chủ tuyệt đối. "Hãy tự thắng mình", "tự vượt mình", và "tự trở nên chính mình", "tự đặt lấy giá trị cho mình". "Tự xây dựng chân lý hiện sinh cho mình". Tuy ông thấy cũng cần thiết đối với mình, nhưng đó là sự cần thiết nguy hại. Chúng ta cần có thầy để hướng dẫn, nhưng chính thầy cũng là một sự cản bước tiến của ta. Vậy, ta phải dám vượt qua khuôn sáo của thầy. Có như thế con người mới thực hiện nổi một cuộc tự vượt không ngừng. Siêu nhân phải tự thắp đuốc mà đi, không nhờ vào bất cứ một ngoại lực nào kể cả Thượng đế. Nietzsche đã cố gắng phá bỏ nền luân lý duy thần để xây dựng một nền luân lý siêu nhân, thúc bách con người phải thường trực vượt lên khỏi tâm trạng an phận hèn yếu nô lệ để tự tạo một cuộc hiện sinh tuyệt đối bằng những hãi hùng và vô nghĩa.
Quan niệm nhân bản tuyệt đối đã được Nietzsche triệt để khai thác. Phải kể rằng thế kỷ hai mươi này là một thế kỷ bị dao động bởi tư tưởng quá khích của Nietzsche. Ông xuất hiện như một cơn lốc cuồng điên cuốn bay cả một lớp thành kiến già nua cố đế. Qua ông người ta mới truy tầm ra sự hiện hữu của tư tưởng Kierkegaard. Qua ông người ta mới tìm thấy một toà lâu đài tráng lệ giữa kinh thành đổ nát, đó là tư tưởng Schopenhauer. Rồi qua Schopenhauer, ta bắt gặp một luồng tư tưởng Ấn Độ, nhất là luồng tư tưởng của đạo Phật. Nói như vậy, không có nghĩa là cố ý "chụp mũ", nhưng là một sự thật. Cũng như đạo Phật, tư tưởng Nietzsche đã chấp nhận thân phận khổ đau đầy hãi hùng của con người rồi đề cao tuyệt đỉnh sự tự thắng mình để đưa mình tới trạng thái tự chủ tuyệt đối. Nhưng khác với Phật, Nietzsche không những chỉ thắng mình còn quyết vượt thắng tha nhân nữa. Trái lại, đạo Phật không vượt thắng tha nhân mà là từ bi hỷ xả đối với tha nhân để tất cả vươn lên địa vị tự chủ, tự giải thoát. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ quan niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa của Nietzsche và quan niệm cá nhân tập thể chủ nghĩa của đạo Phật. Chính quan niệm một chiều quá khích của Nietzsche đã đưa đến hậu quả vô cùng tai hại là sản ra chế độ phát xít Mussolini và Hitler. Mussolini và Hitler đã lấy người hùng của Nietzsche làm mẫu người lý tưởng cho thanh niên Ý, Đức, để xô hai dân tộc Ý, Đức và nhân loại vào vòng đại chiến. Nếu trên lĩnh vực tư tưởng, Nietzsche đã gây ra một cuộc bạo loạn thì trên thực tế, Mussolini và Hitler đã sản ra một cuộc đại loạn. Bên cạnh những tội ác đó dù sao cũng vẫn có một đóng góp đáng kể với lịch sử trong việc giải phóng tư tưởng và giải phóng nhược tiểu dân tộc của thế kỷ hai mươi này. Nietzsche đã làm cho nhân loại tự phản tỉnh để chuyển hóa tư tưởng sang một giai đoạn mới. Và, cuộc quật khởi tàn khốc đẫm máu quá khích của người tiểu tư sản do Mussolini và Hitler làm tiêu biểu đã có công dụng thức tỉnh nhân dân các nhược tiểu dân tộc trong công cuộc giải phóng đất nước và giải phóng nhân loại hiện nay.
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường