Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một vài suy nghĩ về sự đản sanh của Đức Phật

03/05/201102:53(Xem: 3391)
Một vài suy nghĩ về sự đản sanh của Đức Phật
phat dan sanh1
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT

Thích Thiện Bảo

Đức Phật không chỉ là một nhân vật lịch sử được cả thế giới biết đến, mà còn là một bậc Giác ngộ vĩ đại, một vị Thánh nhân trong tâm tưởng của mọi người.

Muốn tìm hiểu đạo Phật, trước hết phải hiểu Đức Phật, bởi chính cuộc đời của Ngài nói lên tinh thần giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ và tuyên thuyết.

Nói về Đức Phật, nếu ta chỉ đứng trên quan điểm lịch sử thôi thì chưa đủ, chưa khắc họa được một cách hoàn mỹ con người siêu việt ấy. Do vậy, kết hợp giữa Đức Phật lịch sử và Đức Phật huyền thoại sẽ mang lại cho chúng ta một bức chân dung sắc nét, toát lên đầy đủ tinh thần, tính cách và tầm cỡ của Đức Phật.

Đức Phật ra đời cách đây đã hơn hai thiên niên kỷ. Thời ấy, phương tiện ghi chép lịch sử chưa được như ngày nay, chủ yếu là truyền miệng từ đời này sang đời khác, nên việc lưu lại lịch sử Đức Phật rất khó chính xác. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không khẳng định được những nét cơ bản hợp lý trong lịch sử cuộc đời Ngài.

Những cứ liệu lịch sử do các nhà khoa học chứng minh thì đã rõ, nhưng những truyền thuyết dân gian cũng không thể chối bỏ, bởi truyền thuyết cũng phần nào dựa trên những yếu tố cơ bản có thật để xây dựng. Những tình tiết dù không có thật nhưng cũng nói lên, phản ánh được tinh thần của vấn đề. Con người không thể bảo rằng cái gì chưa chứng minh được thì điều ấy là không có thật. Ngày nay, khi mà khoa học chưa thể tìm ra một cách đầy đủ về cuộc đời Ngài, thì truyền thuyết là những nét chấm phá để chúng ta có thể dựa vào đó mà hoàn thiện hình ảnh một con người vĩ đại đã mang lại cho nhân loại sự độc đáo về tư duy, về triết học; mang lại cho những người quan tâm đến đời sống tâm linh một con đường an lạc, giải thoát siêu việt, và thiết thực nhất là mang lại cho xã hội một nền tảng đạo đức cao cả về lòng từ bi, vị tha vô lượng.

Có khá nhiều sử sách ghi chép khác nhau về năm sinh, năm xuất gia của Đức Phật. Điều này có nhiều nguyên do (do quan niệm, do cách suy luận, do dựa vào nhiều cứ liệu lịch sử khác nhau...) nhưng nguyên do cơ bản nhất có lẽ là xuất phát từ đặc điểm tư duy của người Ấn Độ. Người Ấn xưa không đặt nặng vấn đề thời gian, chính vì vậy mà lịch sử Ấn Độ xưa thường không chú trọng việc ghi chính xác ngày tháng. “... Người Ấn chú ý đến những điều giáo huấn, nghi thức hơn là tính chính xác của lịch sử” (Nguyễn Tấn Đắc - Văn hóa Ấn Độ). Tuy nhiên, dù chưa xác định chính xác niên đại, thì năm sinh của Đức Phật - theo một số sách sử nghiên cứu, được nhiều ý kiến đồng tình, ghi lại - cũng chỉ dao động trong vòng khoảng 100 năm. Do vậy, chúng ta có thể chấp nhận được, vì điều này không ảnh hưởng đến hệ thống tư tưởng giáo lý của Ngài, bởi trong vòng một thế kỷ, hệ tư tưởng con người không có sự khác biệt nhiều.

Theo Phật lịch của chúng ta hiện nay thì Đức Phật đản sanh vào năm 624 trước Tây lịch. Quê hương Đức Phật là một vùng đất với các cánh đồng có những cây Sa la (Sàla) sừng sững. Phía Bắc là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalayas) với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Phụ vương Ngài là một quốc vương cai trị vùng đất này, thủ phủ là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) gần biên giới Nepal và Ấn Độ ngày nay.

Vua Tịnh Phạn là một vị vua rất nhân từ và sáng suốt. Đức vua và hoàng hậu đã lớn tuổi nhưng chưa có con nối dõi, do đó, có được một hoàng tử là niềm mong ước của thần dân. Vào một ngày đẹp trời, thành Ca Tỳ La Vệ tổ chức lễ Tinh tú, nhà vua và quần thần cùng nhau dâng lễ. Hoàng hậu Ma Da là một người đức hạnh và rất từ tâm, sau khi dâng lễ, Người liền ra khỏi thành để bố thí thức ăn và đồ mặc cho những người nghèo khó, tàn tật...

Đêm hôm đó, hoàng hậu chiêm bao thấy voi trắng sáu ngà từ trên không sa xuống và ẩn vào bên hông bên phải (Phong tục Ấn xem bên phải là thiêng liêng. Người ta luôn đặt những hình tượng tôn kính về bên phải).

Sáng hôm sau, hoàng hậu đem điềm chiêm bao đó tâu lên đức vua; nhà vua liền mời các vị bốc sư đoán mộng, những vị này đều đoán là hoàng hậu sẽ sanh ra một hoàng nam tài đức song toàn.

Dự đoán tốt đẹp ấy đã trở thành sự thật. Hoàng hậu sau đó hạ sinh được một thái tử khôi ngô tuấn tú, thần thái tinh anh rất là đặc biệt.

Theo tập tục Ấn Độ thời bấy giờ, người phụ nữ khi sắp sanh phải trở về quê hương cha mẹ của mình để được mẹ ruột chăm sóc. Trên đường đi về quê, đến làng Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thì hoàng hậu hạ sinh thái tử trong lúc Người đứng vịn vào một cành cây Vô ưu (một loại cây có tên khoa học là Shorea Robusta).

Năm 1896, các nhà khảo cổ (nhà khảo cổ người Anh tên là Cuningham) đã khai quật được một số di chỉ quan trọng ở Lâm Tì Ni, trong số đó có một thạch trụ cao 6,5 mét do hoàng đế Asoka dựng năm 245 trước Tây lịch, trên đó có ghi đại ý như sau: “Quốc vương Devànampiya Piyadasi sau 25 năm lên ngôi đã ngự đến đây chiêm bái. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã Đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc tượng đá và cột đá để kỷ niệm nơi Ngài đản sinh. Nhà vua miễn thuế đất và giảm thuế hoa lợi cho làng Lumbini.”

Truyền thuyết kể lại rằng: Ngài ra đời lúc ánh nắng của buổi bình minh lấp lánh, trong không khí ngào ngạt của trăm hoa đua nở như đón chào một vị cứu thế vĩ đại. Có rất nhiều những bản kinh văn ghi chép, ca ngợi giờ phút long trọng ấy. Đặc biệt và phổ biến nhất là hình ảnh hài nhi bước đi bảy bước, dưới chân nở những hoa sen, tay chỉ trời, tay chỉ đất và nói như một lời tuyên thuyết: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn; Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ”. Câu nói này được giải nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng nói chung là nhằm ca ngợi tôn vinh Đức Phật với lòng biết ơn, kính yêu vô lượng của những người chí tâm sùng bái Ngài, đồng thời cũng mang ý nghĩa khái quát tinh thần giáo lý đạo Phật.

Được tin hoàng hậu hạ sanh thái tử, nhà vua cùng quần thần vô cùng hân hoan, liền đem xa giá đến đón. Cả vương quốc mở hội tưng bừng, mừng sự ra đời của thái tử. Các nhà hiền triết được mời vào cung để tiên đoán vận mệnh của Người. Đứng trước vẻ đẹp xuất thế của thái tử, tất cả đều tiên đoán rằng thái tử sau này chắc chắn sẽ trở thành một bậc vĩ nhân. Vị tế sư của hoàng tộc, có uy tín lâu năm tên là A Tư Đà (Asita) đã không ngăn được cảm xúc của mình. Ông ứa nước mắt nói rằng ông vô cùng vui mừng vì từ nay nhân loại đã có được một đấng cứu thế, ông tiếc rằng mình tuổi đã cao, không còn sống đến ngày được nghe bậc Thánh nhân truyền dạy. Ông căn dặn người cháu của mình, Nàlaka, ngày sau hãy theo phò tá bậc vĩ nhân này.

Lễ đặt tên cho thái tử được các vị Bà la môn đảm trách. Trong số đó có vị tên là Kiều Trần Như (Kondanna), sau này trở thành người đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Phật. Thái tử được đặt tên là Sĩ Đạt Ta (Siddhattha).

Thường thì con cái của các vị vua chúa, quan lại khi mới sinh đều được các thầy tướng số đoán xem vận mệnh, bởi đó là những nhân vật quan trọng, có thể kế nghiệp tổ tiên. Các bậc khai sáng, giáo chủ của các tôn giáo khác cũng thế. Các bậc ấy được các thiên thần báo tin, chào đón với những lời khẳng định chắc chắn địa vị, vai trò của họ sau này. Riêng Đức Phật, truyền thuyết cho rằng: những nhà tiên tri đưa ra hai giả thuyết, một là thái tử sẽ trở thành một vị vua kế nghiệp tài ba; hai là thái tử sẽ trở thành một bậc Thánh nhân xuất chúng. Chi tiết ấy cho ta thấy được tính khách quan trung thực, không tùy tiện áp đặt của những lời tiên đoán. Đó cũng là sự xác thực, rạch ròi của quan điểm giáo lý đạo Phật sau này. Nhìn một đứa bé với những nét khôi ngô đặc biệt, thần thái uy linh, người ta có thể tiên đoán một cách khoa học rằng sau này đứa bé ấy sẽ trở thành một nhân vật đặc biệt. Các nhà tiên tri căn cứ vào địa vị thái tử để tiên đoán sau này Sĩ Đạt Ta sẽ trở thành một vị minh quân vĩ đại; căn cứ vào tình hình xã hội và các trào lưu tư tưởng Ấn Độ thời bấy giờ để tiên đoán sau này Sĩ Đạt Ta sẽ trở thành một vị Thánh nhân xuất chúng, mang lại cho loài người một chân lý tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, những lời tiên đoán cũng nghiêng về phía ý kiến cho rằng sau này thái tử sẽ trở thành một vị Phật. Trước nhất là ý kiến của vị hiền triết A Tư Đà - một lão trượng rất được hoàng tộc trọng vọng từ đời vua Sìhahanu, phụ thân của vua Tịnh Phạn, và sau đó là ý kiến của Kiều Trần Như - vị Bà la môn trẻ tuổi nhất trong tám vị Bà la môn cử hành lễ đặt tên cho thái tử. Cả hai, một già một trẻ, đại diện cho hai thế hệ, mang ý nghĩa biểu hiện sự hoàn hảo của tư tưởng, đều quả quyết rằng thái tử sẽ trở thành một vị Phật. Cũng chính vì niềm tin có được từ đây mà sau này Kiều Trần Như đã trở thành người ngộ giáo pháp đầu tiên và chứng quả ngay sau khi được Đức Thế Tôn thuyết giảng.

Tất cả những lời tiên đoán về Đức Phật bao hàm những ý nghĩa triết lý cao siêu hơn là chất mê tín mà người ta thường gán ghép cho những nhân vật huyền thoại. Sở dĩ có những lời tiên đoán ấy là để nói lên rằng: Đây không phải là một con người bình thường! Con người này không phải do học hỏi kiến thức mới được thành tựu viên mãn. Con người ấy đã mang sẵn trong mình tư tưởng siêu phàm, tố chất thuần khiết, tinh hoa vũ trụ... và tâm từ vô biên. Để sau này, bằng nỗ lực bản thân, với sự tu tập kiên trì, sáng suốt của mình, con người ấy chứng ngộ được chân lý siêu việt bằng chính khả năng của mình, chớ không nhờ vào một tha lực nào khác, không phải vì một sự phó thác nào khác. Con người ấy sẽ mang lại cho thế giới này một chân lý giải thoát tối ưu nhất. Giáo pháp của Ngài không phải do một đấng chí tôn nào trao truyền lại, cũng không phải do Ngài sáng tạo ra; giáo pháp ấy là chân lý tuyệt đối hằng hữu, mà chính Ngài đã chứng đắc.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2012(Xem: 4691)
Phật dạy bỏ gánh nặng thì qua được đường hiểm ba cõi, diệt vô minh thì được chân minh, nhổ mũi tên tà, đoạn dứt khát ái...
03/05/2012(Xem: 3138)
Trở lại lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Thế Tôn, vị thầy của nhân thiên đã xuất hiện giữa Trung Ấn Độ để sau này trở thành một bậc Vĩ Nhân...
02/05/2012(Xem: 3396)
Mấy năm nay, mỗi độ hoa Osaka[①] nở rộ trước sân chùa, như báo hiệu, như mừng đón lễ Phật đản lại về. Ngày đức Thích Ca giáng sanh, được kinh điển ghi lại rất vi diệu, dưới cái nhìn thế tục, có đôi phần như thần thoại. Cũng chính vì những hiện tượng ấy quá phi thường, ngoài khả năng hiểu biết của hàng phàm phu; nên khó tin, khó chấp nhận, thậm chí cho rằng đó chỉ là sự thần thánh hóa đức Phật của bậc hậu sanh. Một trong những điều mà chúng ta thường nhắc đến đó là, hình tượng Ngài bước bảy bước, khi mới hạ sanh
02/05/2012(Xem: 7677)
Lớn lên, mang trong mình trái tim thương yêu đạo pháp thiết tha, tôi luôn ghi đậm hình ảnh mùa Phật Đản Phật lịch 2508-1963 đầy tự hào nhưng cũng nhiều hoài vọng...
28/04/2012(Xem: 6204)
Lịch sử Phật giáo nói rằng: Vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống rồi nói bài kệ:
28/04/2012(Xem: 4245)
Ngày nay Đại Lễ Vesak (Hợp nhất của ba ngày Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập Diệt) của Đức Phật đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Trong ngày lễ này, Tổng Thư Ký LHQ, các vị nguyên thủ quốc gia, các giới chức chính quyền cao cấp tại những quốc gia Phật Giáo, hoặc tham dự hoặc gửi điện văn chúc mừng, chiêm bái tự viện, viếng thăm hoặc dâng hoa cúng dường chư tăng ni và Lễ Hội Phật Đản đã được quần chúng tổ chức trang nghiêm, cung kính.
10/04/2012(Xem: 14866)
Đức Phật Đản Sanh qua thi phẩm Ánh Sáng Á Châu của Edwin Arnold - Trần Phương Lan dịch và chú giải
09/04/2012(Xem: 7674)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện giữa cõi đời không ngoài mục đích giải thoát khổ đau cho nhân loại. Từ địa vị thái tử cao quý, Ngài đã giã từ lạc thú trần gian...
29/10/2011(Xem: 8073)
Clip nhạc: Từ Đàm Quê Hương Tôi Nhạc Sĩ Nguyên Thông Ngô Văn Giảng Trình bày: Ni Sư Chúc Hiếu, Ca Sĩ Hương Mơ, Ca Sĩ Thúy Hằng
05/08/2011(Xem: 9187)
Om Mani Padme Hum, The Jewel in the Lotus - The Mantra of Compassion This is the highest Mantra for mankind
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]