TT. Thích Minh Đạt
Mâu thuẫn?
Giáo lý Phật Giáo từ đầu đến cuối mệnh danh là giáo lý vô ngã; thế nhưng cũng có một số người bị “lướng vướng” vào câu “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn” rồi bảo rằng giáo lý Nhà Phật là giáo lý Duy Ngã. Thậm chí còn bảo Đức Phật sao mà ngã mạn quá, dám tự cho mình là người duy nhất không ai bằng. Nếu Đức Phật là tự tôn, tự đại và giáo lý do Ngài tuyên thuyết là duy ngã, thì không có gì mâu thuẫn hơn. Hy vọng bài viết nhỏ bé này sẽ giải tỏa được một phần nào thắc mắc.
Bài viết này được viết vào mùa Đản Sanh của Đức Từ Phụ; do vậy, thiết tưởng nên dành một đôi dòng để ôn lại “tiểu sử” của Ngài.
Thân thế:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi chưa đi tu, chưa thành đạo có tên là Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa (Siddhattha). Họ của Ngài Gotama ta đọc dưới tên phiên âm Hán Việt là Cồ Đàm. Thân phụ của Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và thân mẫu của Ngài là Hoàng hậu Đại Ma Gia (Mahà Màyà). Ngài sinh vào ngày trăng tròn tháng 5 năm 624 trước tây lịch, nhằm ngày Rằm tháng 4 năm Tân Dậu.
Sự nghiệp:
Ngài là con một, con cầu và đương nhiên là Đông cung Thái Tử. Ngôi vua chắc chắn nằm trong tay Ngài. Thế nhưng Ngài đã từ chối, không muốn làm Quốc Vương, Nhân Vương mà làm Pháp Vương hay Y Vương.
Không có một sự nghiệp nào mà không ra công dồi mài cần khổ. Ngôi vị Pháp Vương lại cần phải miệt mài cần khổ nhiều hơn nữa. Vì vậy Ngài đã xuất gia để có nhiều thì giờ hơn trong sự nghiệp “tôi kinh luyện sử”.
Ước nguyện càng lớn thì ý chí càng cần phải cao và phải đủ mạnh mới mong đạt được sự thành tựu viên mãn. Thật vậy, Ngài đã phấn đấu mãnh liệt, bất khuất mọi gian lao thử thách, chỉ 7 năm thôi, Ngài đã hoàn thành viên mãn ý nguyện cao cả của Ngài. Ý nguyện đó là ý nguyện độ sanh hay nói rõ hơn Sự Nghiệp của đời Ngài là Sự Nghiệp Độ Sanh.
Kinh Pháp Hoa trong phần mở đầu Ngài đã nhắc lại ý nguyện hay mục đích của đời Ngài là phơi bày (khai) và chỉ rõ (thị) cho chúng sanh nhận biết (ngoä) rằng mình và Phật không khác (nhập) (Khai thị chúng sanh ngộ, nhập Phật tri kiến). Và, trước khi xả bỏ huyễn thân, một lần nữa, Ngài lại nhấn mạnh rằng “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Suốt gần 50 năm Ngài chỉ làm một việc đó thôi.
Sau khi đã tuyên bày đầy đủ mọi phương pháp để giúp cho chúng sanh thực tập hầu đạt được kết quả mỹ mãn như Ngài, Ngài đã nhập diệt vào ngày trăng tròn tháng 3 năm 544 trước tây lịch; nhằm ngày Rằm tháng 2 năm Tân Tỵ. Tính theo tuổi thế nhân, Ngài thọ 80 tuổi.
Năm 1951, các quốc gia theo Phật Giáo trên thế giới nhóm họp tại Tích Lan đã chọn ngày Niết Bàn của Đức Phật làm Phật lịch. Do vậy, Phật lịch tính đến Rằm tháng 2 vừa qua là 2546; và Phật Đản năm nay (2002) là lần thứ 2626.
Duy ngã hay vô ngã?
Cuộc hành trình từ vô lượng kiếp của Đức Phật, trải qua nhiều thân Bồ Tát và đến thân tối hậu có tên là Sĩ Đạt Ta gói trọn trong một bài kệ gồm 4 câu; mỗi câu 4 chữ, tổng cọng 16 chữ: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!”
“Ngã” đây phải được hiểu là chấp ngã, là dính mắc, là bị ràng buộc đủ mọi thứ. Chấp ngã có gốc rễ từ tham, sân, si. Tùy theo tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Các cõi trời được xem như ở trên, các cõi địa ngục được xem như ở dưới; mặc dù không hẳn là vậy, nhưng chúng sanh đã hiểu vậy, Phật tùy theo đó để khai thị. Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng : Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham sân si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất vô ngã, duyên sanh từ thân tâm đến hoàn cảnh chung quanh. Đó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.
Đến đây duy ngã hay vô ngã có thể đã được vơi đi phần nào.
“Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” Pháp Cú câu 154.
Kẻ làm nhà đây là tham lam ái dục, độc đầu tiên trong ba độc. Nhà là chiếc thân do ngũ uẩn chung hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi tức Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là đã thành tựu tuệ giác siêu việt. Không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó mà chỉ có nguyện lực độ sanh. Do vậy Ngài tuyên bố:
“Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” ([Vì chưa tìm ra nguyên nhân], nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. [Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ], thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa).
Để chứng ngộ:
Đức Phật thuyết pháp là tuyên thuyết những phương pháp do chính bản thân Ngài thực tập và chứng nghiệm kết quả với tất cả thành tâm thiện ý là mong mỏi mọi người nổ lực thực tập như Ngài đã thực tập để rồi đạt ngộ những điều như Ngài đã đạt ngộ. Ngài không nhằm trình bày một thứ triết lý cao siêu chỉ có trên lý thuyết trừu tượng mà không ăn nhập gì đến cuộc đời dẫy đầy khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, học Phật là học những phương pháp thực tập để được làm Phật chứ không phải học “giáo lý” để diễn tả, để trình bày về Đức Phật hay Đạo Phật. Nếu không phải vậy thì Ngài đã không tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vâng, chúng sanh là Phật sẽ thành với điều kiện là phải thực tập những phương pháp do chính Ngài tuyên thuyết. Thực tập một cách cần mẫn, chăm chỉ, không gián đoạn mới mong có kết
Thời cổ đại, người ta lấy lửa bằng cách dùng hai thanh gỗ cọ xát với nhau. Phải cọ xát cho đến khi nào lửa bật ra, lấy lửa được mới nghỉ chứ không thể nghỉ nửa chừng; vì nếu chỉ nghỉ trong chốc lát thôi, thì hai thanh gỗ nguội lại và như vậy không biết đến đời kiếp nào mới lấy được lửa. Cũng vậy, tham sân si của chúng ta cứ liên tục bốc cháy, nếu chúng ta lơ là thì chỉ có làm mồi cho chúng thiêu đốt oan uổng mà thôi.
Là Phật tử, là con Phật đã nguyện nương tựa nơi Ngài, đã nguyện nương tựa với những lời dạy của Ngài, và đã nguyện nương tựa vào đoàn thể đệ tử thanh tịnh của Ngài rồi, chúng ta cần làm ba việc : học hỏi chánh pháp, thực hành chánh pháp, chứng ngộ chánh pháp.
Đó là cách báo đền công ơn hóa độ sâu dày của Phật và đó cũng là cách làm cho chánh pháp thường trú tại thế gian.