Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật: Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Quảng Đức thành tựu viên mãn

29/08/202313:15(Xem: 1864)
Tường thuật: Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Quảng Đức thành tựu viên mãn


quang duc-vu lan (21)

Đại Lễ Vu Lan PL 2567

tại Tu Viện Quảng Đức thành tựu viên mãn


Hôm nay Đại lễ Vu Lan
Tiết trời thanh mát nắng vàng ngoài sân
Tăng Ni Phật tử thành tâm
Thời kinh niệm tưởng nhớ ân sinh thành

 

Thật là hy hữu thay, mấy ngày qua thời tiết Melbourne đang vào cuối đông, trời vẫn còn lạnh buốt, thế mà hôm nay tiết trời buổi sáng chỉ còn se se lạnh, và sau 10 giờ đã có những tia nắng ấm như báo hiệu mùa xuân sắp đến nay mai. Trong và ngoài khuôn viên Tu Viện Quảng Đức, đó đây những cây đào hồng, mai trắng đang hé nở,  các bồn Cúc Phi châu thì nở rộ, các bụi cây màu lá xanh um, những bồn sen đá cũng đang chuyển màu, tất cả như đang khoe sắc chuẩn bị đón mùa xuân của nước Úc sẽ đến vào đầu tháng 9. Nhờ có được “thiên thời, địa lợi như vậy mà hôm nay đã có đông đúc Phật Phật tử đến dự Đại Lễ Vu Lan được tổ chức lại sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid.

Gần cả một tuần nay, từ Ban Trai soạn, Ban phụ trách hương đăng, hoa quả, Ban chăm sóc vườn chùa... tất cả mỗi người mỗi việc, tự sắp xếp thời gian để hoàn thành trách nhiệm của mình. Nhờ vậy mà hôm nay mọi người đến tham dự lễ, đều cảm thấy hoan hỷ, ấm cúng khi thấy từ Chánh điện, xuống lễ đài đều được bài trí rất trang nghiêm; ngoài sân chùa thì sạch sẽ tươm tất, có nhiều cây cảnh đẹp mắt tạo nền cho những ai muốn chụp hình lưu niệm. Đặc biệt là các gian hàng thức ăn rất phong phú, nào là bún Huế, chuối nướng, chè xôi, bánh bao, bánh bèo, gỏi đu đủ, bánh kẹp và nhiều loại bánh khác nữa, cũng như có rất nhiều loại thức ăn mặn mà mọi người có thể mua về để dành ăn chay trong ngày Rằm tháng Bảy.

Và theo như chương trình đã dự định, vào lúc 10:00am, HT Viện Chủ, TT Thích Chơn Đạt, ĐĐ Thích Đăng Từ đã chủ trì cho buổi lễ Cầu siêu hàng tuần tại Chánh điện. (TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng vắng mặt lễ Vu Lan tại Úc năm nay vì ngài đang bận Phật sự ở Âu Châu)

Tiếp đó ĐĐ Thích Đăng Từ đã cung thỉnh chư vị Ni Sư: TN Như Tuyết, TN Chân Kim, TN Viên Thông lên chia sẻ về Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan.

Ni Sư Như Tuyết đã kể câu chuyện về một cậu bé thấy cha bị muỗi đốt ngủ không yên, nên đã cởi áo nằm cạnh cha để muỗi đốt mình, cho cha được yên giấc. Qua câu chuyện hiếu thảo thật cảm động ấy Ni Sư đã khuyến tấn tất cả những người con nên thường xuyên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ còn tại thế, chứ không phải đợi đến ngày Vu Lan mới báo hiếu.

Tiếp theo Ni Sư Viên Thông đã kể câu chuyện về mẹ của Ngài Xá Lợi Phất từ nhiều kiếp trước, vì tạo ra nhiều ác nghiệp nên khi sau khi chết Bà thác sinh làm ngạ quỷ trải qua nhiều kiếp bị đói khát tiều tụy nên đã tìm đến Ngài Xá Lợi Phất cầu xin Ngài tạo ra phước lành để cứu giúp Bà. Ngài Xá Lợi Phất đã bàn với các Ngài Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na và A Nậu Lâu Đà, xin Vua Tần Bà Sa La giúp lập hội Trai đàn để siêu độ cho mẹ. Sau đó Mẹ của Ngài Xá Lợi Phất nhờ phước báo bố thí, cúng dường chư Tăng khắp 10 phương do Ngài Xá Lợi Phất tạo ra mà được sanh thiên thoát kiếp Ngạ quỷ. Ni Sư cho biết vào thời Đức Phật ít nói đến chuyện cúng tế vì Ngài muốn độ sanh hơn là độ tử, bởi vì muốn giải quyết cái nhân hơn là giải quyết chuyện đã rồi, nên Ngài chú trọng giảng giải khuyên chúng ta sống ở đời nên làm chuyện phước lành báo hiếu đối với cha mẹ, ngày nào cũng là ngày Vu Lan báo hiếu chứ không phải mỗi năm mới có một lần.

Cuối cùng Ni Sư TN Chân Kim đã kết luận: Qua 2 câu chuyện nói về gương hiếu hạnh kể trên cũng như gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên mà xưa nay thường hay nhắc đến, tất cả đều là biểu hiện lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Ni Sư xin thêm một ý cho rõ là khi mình phát tâm làm việc bố thí, thiết đàng Trai Tăng cúng dường chư Tăng cầu siêu cho cha mẹ thì trước mắt người hưởng phước đầu tiên là mình. Nhưng chính nhờ nhân duyên vì cha mẹ mà mình phát tâm bố thí cúng dường nên mình mới được hưởng phước báo, còn cha mẹ có được siêu  hay không mình không được biết, vì còn tùy theo nghiệp lực của họ và tùy theo họ có cảm ứng được lời cầu nguyện của chư Tăng hay không. Vì thời gian chia sẻ 30 phút đã hết, Ni sư khuyên Phật tử trong mùa Vu Lan có thể làm làm điều gì cho cha mẹ hiện tiền vui lòng thì nên làm, còn đối với các cha mẹ đã quá vãng thì mỗi ngày dành ra một ít thời gian niệm Phật A Di Đà để hồi hướng cho cha mẹ.

Đại Đức Đăng Từ đã có lời cảm tạ chư Ni sư đã ban cho đại chúng một thời Pháp ngắn về gương hiếu hạnh của phận làm con, và cung thỉnh quý Ni Sư hồi liêu để ban tổ chức chuẩn bị cung thỉnh toàn thể chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni trở lại hội trường để cử hành lễ Vu Lan chính thức.

Theo sự hướng dẫn của ĐĐ Thích Đăng Từ, toàn thể Phật tử đang hiện trong hội trường cùng niệm danh hiệu Phổ Hiền Bồ Tát để cung đón Chư Tôn Thiền Đức quang lâm hội trường.

Ba hồi chuông trống Bát Nhã vang lên, chúng ta nhận thấy bước vào hội trường đầu tiên là các em thiếu nhi, thanh niên thiếu nữ GĐPT trong những bộ đồng phục màu lam, theo sau là ban QĐĐC trong những tà áo dài thướt tha màu xanh thiên thanh, kế đến là chư Tôn Thiền Đức lần lượt tiến về phía lễ đài.

Khi tiếng niệm danh hiệu Phổ Hiền Bồ Tát vừa chấm dứt, MC Tâm Từ cung thỉnh chư Tôn Đức cùng toàn thể Phật tử đứng trang nghiêm làm lễ chào cờ Úc, Việt và Phật giáo để mở đầu cho buổi đại lễ, tiếp theo là một phút nhập từ bi quán để tưởng nhớ đến những vị Thánh tử đạo, những bậc tiền bối hữu công, những vị anh hùng đã hy sinh vì dân tộc và lý tưởng tự do.

 

Sau khi phút nhập từ bi quán chấm dứt, MC Tâm Từ  cung thỉnh Chư Tôn Đức và mời quý Phật tử an tọa, đạo hữu Tâm Từ đã chia sẻ:

 

Ngày lễ Vu Lan khởi đi từ nguồn gốc Tôn Giả Mục Kiền Liên, một vị đại đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật, có mẹ tên là Mục Liên Thanh Đề, vì tạo quá nhiều nghiệp chướng, nên sau khi qua đời, cụ bà đã bị đọa xuống cõi địa ngục. Quá thương nhớ mẹ, Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng  quả A La Hán, Ngài đã vận dụng thần túc thông, xuống tận địa ngục để tìm phương cứu mẹ, nhưng khi vừa dâng bát cơm cho mẹ, thì bát cơm đã hóa thành lửa đỏ, nên không ăn được. Ngài bèn trở về bạch cùng đức Phật và Đức Phật đã dạy rằng:

Rằm tháng Bảy là ngày Tự-tứ

Mười phương Tăng đều dự lễ này

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Thức ăn trăm món trái cây năm màu

Món ăn tinh-sạch báu mầu

Đựng trong bình-bát vọng-cầu kính dâng

Chư Đại-đức mười phương thọ-thực

Trong bảy đời sẽ đặng siêu thiên

Lại thêm cha mẹ hiện-tiền

Đặng nhờ phước-lực tiêu-khiên ách-nàn.

Và rồi nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà mẹ của Tôn Giả Mục Liên đã thác sinh lên cõi trời Đao Lợi. Khởi đi từ nhân duyên ấyĐức Thế Tôn đã khuyên dạy các hàng đệ tử, hằng năm cứ vào dịp Rằm tháng Bảy, noi theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên mà báo hiếu Mẹ Cha.

Tiếp theo 2 MC Tâm Từ và Huyền Vũ đã  giới thiệu Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni về chứng minh Đại lễ Vu Lan hôm nay gồm có:

Hòa Thượng Thích Thông Mẫn, Viện chủ Tu Viện Quảng Đức, Vùng Fawkner, tiểu bang Victoria

-Thượng Tọa Thích Giác Tín, Trụ Trì Chùa Giác Hoàng, Vùng Noble Park, tiểu bang Victoria

- Thượng Tọa Thích Hạnh Phẩm, Trụ Trì Tu Viện Từ Ân, vùng Narre Warren, tiểu bang Victoria

- Thượng Tọa Thích Chơn Đạt, Tịnh thất, tiểu bang Victoria

Đại Đức Thích Đăng Từ,  Tri Sự Tu Viện Quảng Đức, Vùng Fawkner, tiểu bang Victoria

Ni Sư Thích Nữ Như Tuyết, Trụ Trì Chùa Diệu Âm, vùng St.Albans, Victoria

Ni Sư Thích Nữ Chân Kim, Trụ Trì Chùa Phật Quang, vùng Footscray, Victoria

Ni Sư Thích Nữ Viên Thông, Trụ Trì Chùa Phước Tường, vùng Richmond, Victoria

Sư Cô Thích Nữ Nguyên Khai, Trụ Trì Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh, tiểu bang Victoria

Sư Cô Thích Nữ Phổ Huệ,  Trụ Trì Chùa Pháp Vân, vùng St. Albans, tiểu bang Victoria

-Sư Cô Thích Nữ Tuệ Tâm,  Tri Sự Chùa Phật Quang, vùng Footscray, Victoria

Sư Cô Thích Nữ Hạnh Nghiêm,  Ni Chúng Chùa Diệu Âm, vùng St.Albans, Victoria


Và tiếp nối chương trình là lễ Dâng Hoa cúng dường do Ban Quảng Đức Đạo Ca và các Đoàn Sinh GĐPT phụ trách. Sau lời giới thiệu của MC Huyền Vũ, những bình hoa hồng xinh xắn được các em nhẹ nhàng dâng lên cúng dường hòa theo tiếng ca  réo rắc, thổn thức dẫn đưa lời nhạc của bài ca Đưa Con Vào Đời do QĐĐC trình bày đã khiến bao người chạnh lòng xúc động:


Khi đấng sinh thành sinh ta ra đời,

Cảm ơn ông Trời cho ta kiếp người

Phải sống thế nào cho cha đừng buồn

Phải sống thế nào để mẹ được vui

Tình cha bao la như núi ngang trời

Tình mẹ rộng lớn như biển cả mênh mông

Chỉ mong cho chúng ta lớn khôn nên người

Chỉ mong nhìn thấy nụ cười của ta

Dù cha ra sao vẫn là đấng sinh thành

Dù mẹ làm sao vẫn luôn mang nặng đẻ đau

Chỉ một giây thôi, nhắm mắt quên cuộc đời

Hãy nghĩ suy lại những việc làm của ta

Chỉ một giây thôi nhắm mắt quên tất cả

Nghĩ tới cha mẹ vẫn đang đong đầy yêu thương

Chỉ một giây thôi nhắm mắt quên cuộc đời

Hãy suy nghĩ lại ta tìm mẹ nơi đâu

Hãy một giây thôi nghĩ tới cha một lần

Dấu vết chân chim vẫn đang từng ngày mong ta...

Chúng ta, mỗi ngày, mỗi tháng... đã có bao lần bỏ ra một giây để nhớ đến cha, đến mẹ???

Tiếp theo ĐĐ Thích Đăng Từ đã tuyên đọc Thông Bạch Vu Lan - Phật lịch 2567 của Giáo Hội. Nội dung bản Thông bạch có phần nhắc nhở cho những người con Phật phải biết rằng:

 Một năm chúng ta có 3 ngày Rằm quan trọng đó làRằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Vào ngày Rằm tháng Giêng, tiết xuân vẫn còn vương đọng, người Phật tử đều đến chùa, cầu nguyện một năm mới mọi sự bình an, hanh thông trong công việc, gia đình khỏe mạnh, quyến thuộc đoàn viên, xóm làng yên ổnquốc gia hòa bình thạnh trị.

Và rồi đến Rằm tháng Bảy, Tết Trung Nguyên, cũng là ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu, một Lễ Hội Văn Hóa Tâm Linh mang ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng đối với những người con Phật và thường được tổ chức theo sau mùa An Cư Kiết Hạ.

T khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với chúng đệ tử, sau chín tháng rong ruổi khắp các nẻo đường để hoằng hóa độ sinh. Đến tháng Tư vào mùa mưa, mùa của côn trùng sinh sôi nẩy nở, vì lòng từ bi, không nỡ giẫm đạp chúng, cũng như để cấm túc an cư và nạp thêm năng lượng, Ngài cùng chúng đệ tử dừng chân tại một trụ xứ, để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Đến Rằm tháng Bảy là ngày lễ Tự Tứ mãn hạ sau ba tháng miên mật tu hành phạm hạnh. Đó là chuẩn mực được đeo mang suốt cả một đời người Tu sĩ trên bước đường phụng sự đạo pháp và nhân sinh.

Và khi nhắc đến tích truyện nói về gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên đem cơm dâng mẹ, khi mẹ bốc ăn thì cơm bị lửa cháy đốt thành than. Quý Ngài đã nhấn mạnh:

Là đệ tử Phật chúng ta phải hiểu rằng, lửa trong Kinh Vu Lan đề cập là lửa lòng, lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa hận thù, lửa đố kỵ, cố chấp, độc tài, bảo thủ của thế gian đầy dục vọng và ích kỷ, những thứ lửa này nó đã đốt cháy, hủy hoại cả hạnh phúc gia đình, và đoàn thể xã hội, thậm chí ngọn lửa này đã làm cho nhiều quốc gia phải suy vong, diệt chủng. Trên bình diện này là người con Phật, chúng ta luôn biết sống tỉnh thức, hiểu biết và yêu thương đồng loại bằng chất liệu từ bi và bình đẳng mà chân lý tối thượng của Đức Phật đã để lại hơn 2600 năm qua.

Thật vậy, muốn an lạc cho tự thân và mang hạnh phúc đến cho người, chỉ khi nào chúng ta biết sống có ý thức, phẩm hạnh thanh cao, hướng thượng, chuyển hóa tham cầu dục vọng nơi chính mình và tha nhân.

Lễ Vu Lan còn mang ý nghĩa nuôi dưỡng tâm hồn, thức tỉnh lương tâm trong mỗi con ngườigiúp chúng ta sống có nhân ái, ích lợi cho đờiNgoài ra, trong mùa Vu Lan báo hiếuchúng ta còn thiết lễ cúng thí cho những âm linh cô hồn. Có thể nói, đây không chỉ là ngày thể hiện lòng hiếu thảo và sự biết ơn với đấng sinh thành đang hiện tiền hay đã quá vãng mà còn là ngày tương thân tương ái và nhân đạo.

Để thể hiện ý nghĩa của Mùa Vu Lan Thắng Hội, cũng là ngày Xá Tội Vong Nhânchúng ta là người con Phật ngoài việc bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ bằng phương tiện vật chất, còn phải phát nguyện mở rộng lòng thương cứu giúp đến muôn loài, giúp đỡ chẩn bần, cứu tế những người còn đang cơ hàn khốn khổ, biết sống hài hòa, bao dung độ lượng và tha thứ, hỷ xả buông tha, cởi trói buộc ràng, “Hỏa Diệm hóa Hồng Liên” để hóa giải hết mọi hận thù tranh chấp. Thực hiện và hành trì cẩn mật lời Phật dạylà tất cả chúng ta sống đúng theo tinh thần từ bi, vị tha và bình đẳng, mà nguồn tuệ giác của Phật đạo đã cung ứng điều hướng, chỉ dẫn chúng ta. 

Làm được như vậy thì đây là một công đức thù thắng cho Mùa Vu Lan Thắng Hộicó ý nghĩa thanh cao mầu nhiệm, cứu độ cửu huyềnsiêu tiến chư Hương Linh, Tiên Linh thác sanh về miền Phật quốc.

Tiếp theo chương trình MC Huyền Vũ đã mời đạo hữu Thanh Phi đại diện cho toàn

thể Phật tử Tu Viện Quảng Đức dâng lời tác bạch Cúng dường Trai Tăng dâng cúng dường mười phương Chư Phật và hiện tiền Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu để tỏ lòng hiếu kính đối với hai đấng sanh thành.

Lời tác bạch đã bày tỏ lòng nhớ tưởng đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ:

Hằng năm sau mùa An Cư Kiết Hạ, cái lạnh giá buốt của Melbourne, đã báo hiệu mùa Vu lan hiếu hạnh, lại trở về với những người con Phật. Tiếng chuông chùa khẽ vọng như thôi thúc chúng con quay về với chính mình, hồi tưởng lại “ơn nghĩa sinh thành”, lắng lòng cảm nhận suối nguồn yêu thương cao cả, của 2 đấng Từ Thân.

Nhờ ân đức giáo dưỡng của Chư Tôn Thiền Đức, đã soi sáng cho chúng con hiểu rõ Bốn Ơn Nặng, mà mỗi người con sống  trong xã hội phải luôn biết tôn thờ.

Vu Lan năm nào cũng vậy, dường như có một tình cảm vô hình nào đólen lỏi vào tâm hồn của chúng con khi mùa báo hiếu cận kề. Đây có lẽ là những khoảng thời gian ý nghĩa nhất của đời người, là cơ hội để chúng con thể hiện, bày tỏ tấm lòng hiếu đạo đối với Cha Mẹ, dâng lên Cha Mẹ, Tổ Tiên Ông Bà Nội Ngoại những lời cảm niệm sâu sắc tự đáy lòng. Giây phút này, tâm trạng của chúng con thật bồi hồi, cảm xúc dâng tràolòng se thắt khi nghĩ đến ân nghĩa sinh thành.

Cha mẹ đã cho chúng con hình hài và nhịp sống, từ trái tim, mạch máu, hơi thở cho đến cả nụ cười. Mẹ mang nặng đẻ đau, nâng niu, gìn giữ chúng con ba năm bú mớm, với những dòng sữa ngọt ngào yêu thương. Sự khôn lớn của chúng con là những nỗi đoạn trường cay đắng, gian nan vất vả của cha mẹ, kể sao cho hết, bút mực và ngôn ngữ thế gian nào có thể tả cho cùng...

Và cuối cùng mục đích chính của lời tác bạch là:

 

Hôm nay nhân tiết Vu Lan tháng Bảy, cũng là ngày lễ Tự tứ Khánh tuế hạ lạp của Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni, đây cũng là dịp báo hiếu của những người con Phật, hàng Phật tử chúng con tề tựu về đạo tràng Tu Viện Quảng Đức, noi theo gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên, thành kính dâng lên chút ít tịnh tài, tịnh vật, trai nghi cúng dường mười phương Chư Phật và hiện tiền chư Tôn Đức Tăng Ni, nguyện cầu cho Ông Bà, Cha Mẹ quá vãng của chúng con sớm sinh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.


Nguyện cầu cho Cha Mẹ hiện tiền tại thế của chúng con, cũng được nương nhờ công đức cúng dường hôm nay, mà được khỏe mạnh, an vui, trọn đời quy hướng về Phật Pháp.

 

Nguyện cầu cho các chiến sĩ trận vong, các đồng bào tử nạn, những nạn nhân của thiên tai, nhân tai, động đất, sóng thần… cùng tất cả chư vong linh, được nương nhờ Vu Lan Thắng Hội này, mà sớm vãng sanh về cõi giới an lành.

 

Giờ đây đạo tràng đã trang nghiêm và lễ nghi đã như Pháp, ngưỡng mong trên chư Tôn Đức từ bi hứa khả và chứng minh cầu nguyện cho hàng Phật tử chúng con được hàm triêm lợi lạc.

 

Tiếp tục chương trình MC Tâm Từ đã cung thỉnh HT Chứng minh, Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn ban lời Đạo từ cho Đại lễ Vu Lan hôm nay.

 

HT Thích Thông Mẫn cũng chính là HT Thích Tâm Phương. Ngài cho biết Thông Mẫn là Pháp tự của Ngài, và từ nay về sau Ngài sẽ dùng pháp tự Thông Mẫn, là cái tên mà trước đây Phật tử ở Sài Gòn, Việt Nam biết đến nhiều hơn. Ngài cũng cho biết, vì HT Hội chủ Thích Tâm Minh bận Phật sự ở Âu Châu, nên giao cho Ngài với cương vị là Phó Hội Chủ viết thông bạch Vu Lan cho GH, mà vừa rồi ĐĐ Đăng Từ đã tuyên đọc, do đó những gì muốn nói Thầy đã viết trong đó rồi, nên bây giờ Ngài chỉ xin chia sẻ nỗi ưu tư khi thấy tình trạng hiện nay giới trẻ đi chùa quá ít. Hiện diện trong buổi lễ hôm nay đa phần là người lớn tuổi. Ngài nói: Chúng ta có câu “Tre già măng mọc” nhưng hiện tại thì tre đã già mà măng chưa mọc.

Ngài thiết tha mong mỏi các bậc phụ huynh hãy cố gắng khuyến khích đưa con em mình về chùa học Việt ngữ, để giữ gìn nguồn gốc giống nòi mà Tổ tiên ông bà cha mẹ từ nhiều kiếp trước đã gầy dựng nên. Hãy tập cho con em của mình ít nhất mỗi năm cũng nên đến chùa vào những ngày lễ Vu Lan, Phật Đản, để gieo rắc cho con em mình có niềm tin về Phật giáo. Ông bà cha mẹ đã trao truyền cho chúng ta có niềm tin vào đạo giáo như ngày nay, thì chúng ta cũng phải có bổn phận trao truyền niềm tin ấy lại cho con cháu chúng ta, nếu không thực hiện được điều này e rằng nền Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại sẽ bị mai một. Ngài rất mong muốn mọi người hãy cố gắng trao truyền ngôi nhà Phật giáo và nền văn hóa Việt, bảo vệ dòng giống Lạc Hồng cho con em chúng ta trong tương lai. Thực hiện được điều này cũng là biểu hiện lòng hiếu thảo, báo hiếu đến dòng họ gia phả của chính mình.

 

Tiếp tục chương trình, các em GĐPT và QĐĐC đã nhanh chóng trao đến mọi người trong hội trường một đóa hoa màu hồng hay màu trắng tùy theo sự lựa chọn của họ. Cùng lúc đó Ngọc Huệ đã cất tiếng ca bài Bông Hồng Cài Áo đã khiến không ít người rơi nước mắt khi cầm đóa hoa màu trắng cài lên áo, và cũng có nhiều người vui mừng hạnh phúc khi chọn lấy đóa hoa màu đỏ.

Dù buồn hay vui, nhưng trong giây phút gắn hoa lên áo, ai cũng chợt nhớ nghĩ đến cha mẹ.  Và với tâm trạng vui hay buồn này mọi người đều tha thiết hòa giọng cùng chư Tôn Thiền Đức tụng bài kinh Vu Lan, cầu nguyện cho Ông Bà, cha mẹ đã quá vãng, nương nhờ oai lực gia trì của chư Tôn Thiền Đức mà sớm được siêu sanh Tịnh độ; cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được chư Phật gia hộ được an lành dưới ánh hào quang của chư Phật.

 

Cuối cùng HT Thông Mẫn đã có lời cảm tạ Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni đã hoan hỷ quang lâm chứng minh Đại lễ; cảm ơn toàn thể đông đảo quý đồng hương Phật tử đã về tham dự lễ và cúng Tam Bảo. Ngài cũng không quên cảm ơn đến các đệ tử thân thương của Đạo tràng Tu Viện Quảng Đức đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình theo từng ban để buổi lễ hôm nay được thành tựu viên mãn. Sau đó Hòa Thượng đã mời Chư Tôn Thiền Đức vào Trai đường để thọ trai và mời  toàn thể Phật tử ra bên ngoài để nhận lãnh phần cơm trưa. Riêng các vị lớn tuổi thì ngồi lại tại chỗ để các em  mang thức ăn vào. Hôm nay  Hạnh Kim và các Phụ huynh GĐPT đã đãi cho mọi người món cháo nấm, và cơm bì chả rất ngon miệng. Thật là công đức vô lượng.

Chắc hẳn hôm nay mọi người ra về đều hoan hỷ khi nghĩ đến việc mình đã tạo được một chút công đức để hồi hướng cho cha mẹ đã quá vãng cũng như đang hiện tiền. Và hơn hết chúng ta được hiểu qua lời dạy của Ni Sư Chân Kim là khi làm bất cứ việc thiện gì thì người trước tiên có được phước báo chính là mình. Điều đó cũng có nghĩa là khi làm bất cứ việc thiện nào, ngay cả việc làm công quả cũng là làm cho chính mình, nên chúng ta nên cố gắng làm những việc làm thiện lành có thể theo khả năng của mình và lấy đó làm niềm hoan hỷ.

Kính chúc mọi người luôn được an vui dưới ánh hào quang của Chư Phật, hẹn gặp lại trong các ngày đại lễ vào năm tới, và các bậc phụ huynh nhớ đưa con cháu về dự lễ theo sự mong muốn của HT Viện Chủ.

 

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát  

Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2023

Phật tử Thanh Phi lược ghi.



quang duc-vu lan (23)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 4468)
Khi người bạn thân của tôi đột ngột qua đời, để lại trần gian người vợ trẻ và một đứa con gái chưa dứt sữa. Người đàn bà này vẫn ở vậy nuôi con, dành hết mọi nguồn yêu thương cho đứa con gái duy nhất của hai người, như thể để bù đắp cho nó sự thiếu vắng người cha trên bước đường đời sắp tới.
11/04/2013(Xem: 8293)
Trước đây, khi viết bài này, trong tay tôi chưa có các phương tiện nghe nhìn tối thiểu , để có thể hỗ trợ mình hoàn thành mong ước, chuyển tải một cách nhanh nhất những điều mình cảm nhận hầu chia sẻ với mọi người. Vì vậy khi ấy tôi không biết bài thơ này nằm trong tập thơ “SÁU-TÁM” của nhà thơ Nguyễn Duy.
11/04/2013(Xem: 4415)
"Khúc ngâm cùa người con đi xa" - Sợi chỉ trong tay của người Mẹ hiền. Nay đang ở trong chiếc áo người con đi xa mặc trên người. Lúc mới lên đường, Mẹ khâu từng mũi chỉ kỹ càng dày dặn hơn. Có ý sợ con đi lâu mới trở về. Ai dám bảo rằng tấm lòng của của tấc cỏ, Lại có thể báo đáp được ánh nắng cảu ba tháng trời xuân?
11/04/2013(Xem: 7028)
Trên thế gian nầy có nhiều kỳ quan, Có thật nhiều kỳ quan, Nhưng kỳ quan đẹp vẫn là Mẹ của ta, Mẹ của ta là kỳ quan đẹp nhất, ....
11/04/2013(Xem: 4804)
Như những vì sao, những con ruồi đang bay hay ánh lửa của một ngọn đèn dầu, Như một ảo giác ma thuật, một giọt sương mai hay một bọt bong bóng, Một giấc mơ, một tia chớp hay một áng mây bay, Đấy là cách phải nhìn vào mọi hiện tượng tạo tác từ những điều kiện trói buộc.
11/04/2013(Xem: 5024)
Mới cuối Hè, đầu Thu mà Bắc Kinh đã lụt bão. Chúng tôi vội vã rời Bắc Kinh về Tô Châu để đến viếng Hàn Sơn Tự chứ không phải để “mua lụa Tô Châu biếu em” như một nhạc sĩ nào đó lãng mạn dàng trời đã từng mơ mộng. Một nhà sư trong chùa Hàn Sơn nói: “Bài thơ mới giữ được ngôi chùa, chớ không phải ngôi chùa giữ được bài thơ”.
11/04/2013(Xem: 4695)
Hãy nhận thức rằng cuộc đời là một trường học và bạn ở đây là để học. Các bài toán chỉ là một phần của học trình, xuất hiện rồi phai mờ đi giống như lớp đại số, nhưng các bài học bạn học được thì sẽ kéo dài suốt đời...
11/04/2013(Xem: 3896)
Nói đến lễ Vu Lan là nói đến Hiếu hạnh; nói đến Hiếu hạnh, chúng ta nghĩ ngay đến ân nghĩa Cha Mẹ. Không người con nào trên đời mà không được sinh ra bởi cha mẹ. Bởi vậy, từ ngàn xưa đến nay, từ đông sang tây, bất luận ở nền văn hóa nào, quốc gia nào, dân tộc nào, con người đều thương yêu, tôn quí và báo ân cha mẹ. Thương yêu cha mẹ là tình cảm tự nhiên, còn sự tôn quí và báo ân thì cũng tùy theo hoàn cảnh và nền văn hóa mỗi nơi mà có sự ứng dụng đậm hay nhạt; có khi phải có sự kêu gọi, nhắc nhở. Nhưng tựu trung, con cái lúc nào cũng cần ý thức về nguồn cội của mình.
11/04/2013(Xem: 4735)
Trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đạo hiếu làm con là di sản văn hóa tinh thần vô giá, di sản này truyền thừa từ thời mới lập quốc, đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, thì đạo đức dân tộc hòa chung với đạo đức Phật giáo như nước và sữa. Bản chất của người Việt Nam là yêu chuộng hiếu đạo, mà giáo lý của Phật giáo là giải thoát, vì vậy hai luồng tư tưởng gặp nhau đã làm thăng hoa giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt. Làm người ai cũng có cha và mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người, cho ta thân thể hình hài này, cho ta đạo đức làm người, cho ta biết yêu thương và chia sẻ.
11/04/2013(Xem: 4789)
Truyền thống Vu Lan không còn xa lạ với quần chúng Phật giáo thuộc các quốc gia Á Châu, nhất là Trung Hoa và Việt Nam. Truyền tích về Vu Lan, mùa Báo hiếu, mùa xá tội vong nhân, mùa cúng cô hồn đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc, cho dù không là Phật tử.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]