Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thông Bạch Vu Lan Phật lịch 2567 của Hòa Thượng Phó Hội Chủ Thích Thông Mẫn

20/08/202307:23(Xem: 2397)
Thông Bạch Vu Lan Phật lịch 2567 của Hòa Thượng Phó Hội Chủ Thích Thông Mẫn

muc kien lien 2

letterhead-2022-2026

Số 32-7/HĐĐH/HC/TB                                  Phật Lịch 2567, Melbourne ngày 01/08/2023


 

THÔNG BẠCH VU LAN PL 2567


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 Kính gởi: Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,
                 Quý thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức,
                 Cùng quý đồng hương và chư thiện nam tín nữ Phật tử.

 

Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý liệt vị,

Là người con dân nước Việt, từ xa xưa đến nay ai cũng biết rằng quê hương mình hàng năm có ba ngày Rằm lớn, đó là: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Vào ngày Rằm tháng Giêng, tiết xuân vẫn còn vương đọng, người Phật tử đều đến chùa, cầu nguyện một năm mới mọi sự bình an, hanh thông trong công việc, gia đình khỏe mạnh, quyến thuộc đoàn viên, xóm làng yên ổn, quốc gia hòa bình thạnh trị.

Và rồi đến Rằm tháng Bảy, Tết Trung Nguyên, cũng là ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu, một Lễ Hội Văn Hóa Tâm Linh mang ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng đối với những người con Phật và thường được tổ chức theo sau mùa An Cư Kiết Hạ.

Từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cùng với chúng đệ tử, sau chín tháng rong ruổi khắp các nẻo đường để hoằng hóa độ sinh. Đến tháng Tư vào mùa mưa, mùa của côn trùng sinh sôi nẩy nở, vì lòng từ bi, không nỡ giẫm đạp chúng, cũng như để cấm túc an cư và nạp thêm năng lượng, Ngài cùng chúng đệ tử dừng chân tại một trụ xứ, để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Đến Rằm tháng Bảy là ngày lễ Tự Tứ mãn hạ sau ba tháng miên mật tu hành phạm hạnh. Đó là chuẩn mực được đeo mang suốt cả một đời người Tu sĩ trên bước đường phụng sự đạo pháp và nhân sinh.

Hôm nay gặp lễ Giải đảo huyền
Con nguyện theo Ngài Mục Kiền Liên
Chư Tăng Tự Tứ con cầu Nguyện
Mười phương Phụ Mẫu thoát ngục xiềng.

Nhắc đến đây, chúng ta sẽ nghĩ đến tích truyện nói về gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên. Sau khi chứng đắc lục thần thông, thấy vong mẫu của mình ở trong loài Ngạ quỷ đói khát, Ngài liền bưng bát cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ của Ngài vì tâm xan tham từ kiếp trước do sợ người khác trông thấy đến giành giật, nên một tay che bát cơm, một tay bà bốc ăn nhưng cơm đã hóa thành than lửa. Tôn giả Mục Kiền Liên buồn bã trở về cầu Đức Thế Tôn bày phương giải cứu. Phật dạy “Tội lỗi của mẹ con dù có dùng phép thần thông cũng không cứu được, duy chỉ có thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện, mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực cho mẹ con. Trong lễ Vu Lan, cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng, con nên sắm sanh phẩm vật cúng dường, ngày đó dù các vị đang ở trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hoặc hóa độ nhân gian, cũng vân tập về để Tự tứ và cầu nguyện, mẹ con sẽ được thoát khổ”.Nghe theo lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình thoát kiếp Ngạ quỷ. Và cũng từ đây, lễ hội Vu Lan báo hiếu đã ra đời.

Là đệ tử Phật chúng ta phải hiểu rằng, lửa trong Kinh Vu Lan đề cập là lửa lòng, lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa hận thù, lửa đố kỵ, cố chấp, độc tài, bảo thủ của thế gian đầy dục vọng và ích kỷ, những thứ lửa này nó đã đốt cháy, hủy hoại cả hạnh phúc gia đình, và đoàn thể xã hội, thậm chí ngọn lửa này đã làm cho nhiều quốc gia phải suy vong, diệt chủng. Trên bình diện này là người con Phật, chúng ta luôn biết sống tỉnh thức, hiểu biết và yêu thương đồng loại bằng chất liệu từ bi và bình đẳng mà chân lý tối thượng của Đức Phật đã để lại hơn 2600 năm qua.

Thật vậy, muốn an lạc cho tự thân và mang hạnh phúc đến cho người, chỉ khi nào chúng ta biết sống có ý thức, phẩm hạnh thanh cao, hướng thượng, chuyển hóa tham cầu dục vọng nơi chính mình và tha nhân.

Lễ Vu Lan còn mang ý nghĩa nuôi dưỡng tâm hồn, thức tỉnh lương tâm trong mỗi con người, giúp chúng ta sống có nhân ái, ích lợi cho đời. Ngoài ra, trong mùa Vu Lan báo hiếu, chúng ta còn thiết lễ cúng thí cho những âm linh cô hồn. Có thể nói, đây không chỉ là ngày thể hiện lòng hiếu thảo và sự biết ơn với đấng sinh thành đang hiện tiền hay đã quá vãng mà còn là ngày tương thân tương ái và nhân đạo.

Để thể hiện ý nghĩa của Mùa Vu Lan Thắng Hội, cũng là ngày Xá Tội Vong Nhân, chúng ta là người con Phật ngoài việc bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ bằng phương tiện vật chất, còn phải phát nguyện mở rộng lòng thương cứu giúp đến muôn loài, giúp đỡ chẩn bần, cứu tế những người còn đang cơ hàn khó khổ, biết sống hài hòa, bao dung độ lượng và tha thứ, hỷ xả buông tha, cởi trói buộc ràng, “Hỏa Diệm hóa Hồng Liên” để hóa giải hết mọi hận thù tranh chấp. Thực hiện và hành trì cẩn mật lời Phật dạy, là tất cả chúng ta sống đúng theo tinh thần từ bi, vị tha và bình đẳng, mà nguồn tuệ giác của Phật đạo đã cung ứng điều hướng, chỉ dẫn chúng ta.  

Làm được như vậy thì đây là một công đức thù thắng cho Mùa Vu Lan Thắng Hội, có ý nghĩa thanh cao mầu nhiệm, cứu độ cửu huyền, siêu tiến chư Hương Linh, Tiên Linh thác sanh về miền Phật quốc.

Hình bóng của Cha Mẹ còn sống hay đã qua đời đều là những hình ảnh yêu thương bất tuyệt trong mỗi người con.

Thương Cha xuôi ngược giữa dòng
Yêu Mẹ vất vả gánh gồng nuôi con....

Kính chúc Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni Hạ Lạp châu viên, Tuệ Đăng Thường Chiếu,  Giáo Hội trang nghiêm và Phật Sự Viên Thành.

Kính chúc quý đồng hương Phật tử thân tâm thường lạc, Bồ đề tâm tăng trưởng, vô lượng tinh tấn, vô lượng kiết tường trong ánh hào quang của Chư Phật.

Nam Mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

TM. Hội Đồng Điều Hành
   Phó Hội Chủ,
(Xem bản pdf có ấn ký)
Hòa Thượng Thích Thông Mẫn (*)

 

 

(*) Đạo hiệu của Hòa Thượng Thích Tâm Phương, Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức,
     Phó Hội Chủ kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/08/2014(Xem: 4064)
Theo phong tục Rằm tháng 7 Âm lịch, người Hàn Quốc gọi là Bách Trung (Baekjung-백중-百中) hay Bách Chủng (Baekjong-百種), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn gọi ngày rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ Hội Vu Lan Bồn (우란분회-盂蘭盆會), cũng gọi là ngày lễ hội Trung Nguyên (Jungwon-중원). Còn theo quan niệm của Đạo giáo rằng, các vị thần linh trên thiên giới một năm có ba đợt suy xét về cái thiện cái ác của người trần gian. Đó là ngày rằm tháng Giêng, ngày hội Thượng Nguyên (Sangwon-상원), rằm tháng 7, ngày hội Trung Nguyên (Jungwon-중원) và rằm tháng 10, ngày hội Hạ Nguyên (Hawon-하원). Vào những ngày này, người ta làm mâm cơm cúng để lễ tạ các vị thần linh trên thiên giới. Đây cũng là ngày cúng cho các vong hồn được siêu thoát.
08/08/2014(Xem: 6916)
Tâm hay trách móc, hay hờn tủi, tâm đó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Không sợ già, không sợ chết, chỉ sợ chúng ta không có trí tuệ, chúng ta không biết tu tập, nên chúng ta không có khả năng để vẽ đời sống của chúng ta, cái dáng dấp đẹp đẽ của chúng ta trong tương lai. Chúng ta phóng sanh loài khác chính là phóng sanh cho chính chúng ta, chúng ta cứu giúp sự sống của người khác chính là cứu giúp sự sống của chính chúng ta. Chúng ta có thể tiếp xúc, cảm nhận được hạnh phúc và an lạc ở bất cứ thời gian và không gian nào. Khi chúng ta ý thức rõ về sự sống, chúng ta biết gạn lọc tất cả những cái gì làm cho sự sống của chúng ta bị cáu bẩn, thì sự thanh trong của cuộc sống tự nó sẽ hiện ra.
07/08/2014(Xem: 7516)
Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình. Vu lan là ngày lễ của cha mẹ. Vì vậy vào những ngày này mỗi người con đều cảm nhận sự da diết trong lòng. Bởi có người may mắn thì cha mẹ còn sống, nhưng có người cha mẹ đã qua đời. Dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời, nghiệm lại chúng ta vẫn chưa đền đáp được phần nào thâm ân dưỡng dục cao thâm, mà niềm lo nỗi nhớ mình đem đến cho cha mẹ thì chất chồng đầy vơi. Nên mỗi khi nhắc đến, lại thấy tủi thân, nhớ thương và nuối tiếc khôn nguôi.
06/08/2014(Xem: 6385)
Mẹ : Trong vũng tối thả buồn hiu hắt, Mẹ bây giờ là hạt sương rơi, Sao cầm được đôi dòng nước mắt, Phận lẻ loi trong chốn chợ đời. Con : Còn nợ trần bờ vai đeo nặng, Con u buồn giữa phố đông vui. Vu Lan tới, Phật Đường thầm lặng, Nghe tiếng chuông, nhớ mẹ ngậm ngùi.
06/08/2014(Xem: 7288)
Nhạc phẩm: Tháng Bảy Vu lan Nhạc sĩ: Chúc Linh Trình bày: Ca Sĩ Thanh Thúy.
06/08/2014(Xem: 5774)
Âm nhạc Phật giáo ở đây đang được nói đến là âm nhạc của cộng đồng và trình diễn, không phải là âm nhạc của nghi lễ. Trước tiên cũng xin được mạn phép minh định như vậy bởi vì chuyện tuy nhỏ nhưng lâu nay có rất nhiều ngộ nhận và đánh đồng hai thể loại này với nhau khiến hình thức âm nhạc trình diễn và cộng đồng của Phật giáo chúng ta trở nên nặng nề dưới mắt quần chúng, nhất là với những ai lần đầu tiên tiếp xúc nghe thấy (hay “phát hiện”) Phật giáo cũng có một thể loại âm nhạc như vậy.
06/08/2014(Xem: 5670)
Lễ Vu Lan 2014 tại Chùa Bảo Minh, Victoria, Úc Châu Chủ nhật 3-8-2014 Trụ Trì : ĐĐ Thích Viên Tịnh
06/08/2014(Xem: 4342)
Mùa Vu Lan, đọc báo trong nước thấy thiên hạ bây giờ bỗng khoái chuyện vàng mã hơn bao giờ hết. Một ông triệu phú miền Bắc chỉ trong một đêm đã đốt sạch 1000 con ngựa giấy và hình nhân trị giá 400 triệu đồng Việt Nam. Đổi sang tiền Mỹ, số vàng mã đó trên 20 ngàn dollar. Lại thêm một chuyện để suy nghĩ...
06/08/2014(Xem: 4389)
Nhớ một câu chuyện đăng trên báo về một bà mẹ làm ruộng ở một nơi xa xôi nào đó để nuôi đứa con trai duy nhất đi học. Đến lúc đứa bé vào được lớp cuối tiểu học thì bà mẹ bị đau cột sống không thể làm việc được. Đứa con muốn bỏ học để làm việc giúp mẹ nhưng bà nhất định không chấp nhận nên cuối cùng cậu bé “đành” phải cắp sách đi học.
06/08/2014(Xem: 12594)
Mỗi người chúng ta được ở trên quả đất này là nhờ công sanh ra và công dưỡng dục của cha mẹ. Trong dân gian VN có những câu ca dao bất hủ như: Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ Mẹ kính Cha, Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]