Trong kinh Đức Phật có dạy „Lòng Hiếu chính là lòng Phật, hạnh Hiếu chính là hạnh Phật“. Thật đúng như vậy, trong tháng Bảy âm lịch, khắp nơi trên 4 châu lục, mỗi năm sau mùa An cư Kiết hạ, lễ Tự tứ các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu để nhắc nhở người con Phật phải luôn nhớ ơn và đền ơn cho cha mẹ, Thầy Tổ. Ân nghĩa đó thật nghìn trùng.
Chùa Bảo Quang Hamburg cũng noi theo gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên long trọng tổ chức lễ báo hiếu, Phật lịch 2566 vào lúc 10 giờ ngày 21.8.2022. Khoảng 400 Phật tử tham dự từ trong cho đến bên ngoài chánh điện, trang nghiêm cung thỉnh Chư tôn đức quang lâm:
- Hòa Thượng Thích Như Điển, đệ nhị Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội PGVHTN Âu châu, Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc.
- Thượng Tọa Thích Hạnh Định, trụ trì chùa Viên Giác, Đức Quốc.
- Đại Đức Thích Trung Thành, đến từ Đài Loan
- Ni Sư Thích Nữ Đàm Châu, trụ trì chùa Bảo Đức, Oberhausen, Đức Quốc.
- Ni Sư Thích Nữ Tuệ Đàm Liên, trụ trì Tịnh Thất Bảo Liên, Đan Mạch.
- Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, trụ trì chùa Bảo Quang Hamburg, Đức Quốc.
- Và Chư Ni tại chùa Bảo Quang, Bảo Đức và Tịnh Thất Bảo Liên
Các em trong GĐPT Pháp Quang Hamburg mở đầu bằng nghi lễ Dâng hoa cúng Phật.
Trong phần Đạo từ, trước tiên Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác ngưỡng bạch với Giác linh Sư Bà sáng lập chùa Bảo Quang. Người đã rời cõi Ta Bà hơn 400 ngày và đã thành công „gieo hạt Bổ Đề trên nền xi-măng“ gần 40 năm. Qua bao lần dời đổi, qua bao nhiêu gian khổ cho đến ngày hôm nay chúng ta mới có một đạo tràng nguy nga tráng lệ; đó cũng nhờ vào công đức hiếu hạnh cùng tài nghệ khéo léo của Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, tiếp nối sự nghiệp của Sư Bà. Người xưa thường nói „đi chùa, đi chiền“, chiền là truyền, để tiếp nối truyền bá giáo lý mà Đức Phật đã để lại gần 2.600 năm.
Hòa Thượng nhắc nhở đại chúng muốn sống an lạc, người học Phật phải biết liễu tri và hành trì tu tập thì tâm mình mới cảm nhận được niềm an lạc, hạnh phúc mới mong đến bến bờ giác ngộ không xa.
Kinh Bắc Truyền có nói về Bồ Tát Hạnh. Trong Kinh Lục Phương, có kể một câu chuyện từ hồi đức Phật còn tại thế. Khi ấy đức Phật đang tại thành Vương Xá; vào mỗi sáng sớm đi khất thực nhìn xa về núi Kế Túc, dức Phật thấy một chàng con nhà trưởng giả tên là Thi Ca La Việt, y phục đàng hoàng, đứng hướng về phương Đông lạy 4 lạy, về phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lạy 4 lạy, hướng lên Trời lạy 4 lạy, hướng xuống Đất cũng lạy 4 lạy.
Đức Phật đến hỏi: „Con đang làm gì vậy?“. Thi Ca La Việt đáp: „Khi cha mẹ còn sống có dạy con như vậy. Nay cha mẹ con qua đời rồi, con không dám làm trái lời dạy“. Đức Phật nói: „Cha mẹ con dạy con dùng thân để lạy 6 phương như vậy, nhưng con chưa hiểu ý của cha mẹ con. Cha mẹ con muốn nhắc nhở hàng trưởng giả, trí thức phải diệt trừ 6 pháp ác, đó chính lễ lạy 6 phương (Kinh Lục Phương). 6 pháp ác là: (1) ham uống rượu, (2) mê cờ bạc, (3) thích ngủ sớm dậy trễ, (4) ưa mời thỉnh khách khứa, (5) thích kết giao với kẻ xấu, (6) thích giết hại hay gian díu với vợ người.
Riêng về lạy lục phương, thì đức Phật giảng giải:
* Lễ lạy phương Đông:
Phần người con có hiếu là phải phụng dưỡng cha mẹ có 5 điều: (1) hết lòng hiếu kính, chăm nom, thăm viếng cho cha mẹ vui lòng. (2) thức dậy sớm lo dọn dẹp việc nhà, biết cần kiệm. (3) thay cha mẹ làm việc nặng nhọc. (4) luôn nhớ nghĩ đến công ơn cha mẹ. (5) hết lòng lo lắng thuốc thang chữa trị khi cha mẹ có tật bệnh.
Phần cha mẹ đối với con cũng có 5 điều: (1) dạy con bỏ ác làm thiện. (2) nên gần gũi với người hiểu biết. (3) siêng năng chuyển cần học hỏi. (4) lo dựng vợ, gã chồng cho con. (5) chia phần tài sản cho con.
* Lễ lạy phương Nam:
Người học trò phụng sự Thầy cần ghi nhớ 5 điều: (1) Lòng cung kính sợ sệt. (2) theo lời Thầy dạy bảo. (3) lo việc giặt giũ sửa sang. (4) siêng năng chuyên cần học hỏi. (5) giữ lòng kính ngưỡng khi Thầy qua đời, ngợi khen đức của Thầy, không luận bàn về những lỗi lầm trước kia.
* Lễ lạy phương Tây:
Có ý nghĩa người vợ đới với chồng, ghi nhớ 5 điều: (1) giữ lòng luôn vui vẻ chào đón khi chồng đi làm về. (2) lo việc gia đình, giữ lòng chung thủy. (3) không được khởi lên ý niệm có tình ý với người ngoài. (4) không lộ vẻ tức giận khi chồng nặng lời, không được cất giấu làm của riêng. (5) chồng đi nghỉ trước, vợ lo việc nhà rồi nghỉ sau.
5 điều chồng đối với vợ: (1) luôn giữ lòng tương kính. (2) không để vợ khó nhọc, buồn rầu. (3) để vợ tự ý mua sắm quần áo, trang sức. (4) giao phó tài sản cho vợ gìn giữ. (5) không gian díu tư tình vớ người khác.
* Lễ lạy phương Bắc:
5 việc giao tiếp với mọi người: (1) biết có người làm việc xấu ác, phải tìm cách khuyên giải. (2) cần quan tâm chia sẻ khi gặp người bị tai nạn hay ốm đau. (3) chuyện trong nhà không mang ra nói bên ngoài. (4) phải giữ lòng kính trọng để duy trì quan hệ tốt, không oán hờn dù có việc đụng chạm với nhau (5) nên giúp đỡ cho người gặp khó khăn và chia sẻ vật ngon của quý cho nhau nếu có.
* Lễ lạy phương dưới:
Có nghĩa là người chủ đối kẻ giúp việc, nên biết 5 điều: (1) lưu tâm đến sức khỏe họ rồi mới giao công việc. (2) khi họ bệnh thì phải lo chữa trị. (3) không được đánh đập một cách sai lầm, việc không đáng nên tha thứ trách phạt để dạy dỗ. (4) không lấy tiền riêng của họ. (5) đối xử công bằng, không thiên vị.
5 điều người giúp việc đối với chủ: (1) thức dậy sớm không đợi chủ gọi. (2) tự động lưu tâm đến việc của mình làm. (3) quý trọng tài sản của chủ, cẩn trọng không coi thường. (4) lưu tâm đưa đón chủ khi có việc. (5) nên khen chủ, không nói xấu.
* Lễ lạy phương trên:
Người cúng dường các bậc sa môn, thiện trí thức nên nhớ 5 điều: (1) dùng tâm chân thật hướng về. (2) cung kính hết lòng phụng sự công việc. (3) thường xuyên học hỏi đạo lý. (4) lắng nghe, suy ngẫm rồi tu tập để hành trì. (5) nên hỏi rõ tôn chỉ việc niệm Phật, tham thiền để tu tập.
Hàng sa môn, thiện tri thức cũng phải nhớ 5 điều: (1) tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tĩnh tâm, định tâm, trí huệ. (2) dạy lễ nghi, không buông thả. (3) dạy cho người nên nói ít, làm nhiều. (4) dạy người chuyên cần lễ bái Tam Bảo, biết thương xót mọi loài chúng sanh. (5) dạy người biết hồi hướng công đức, phát nguyện sanh về Tịnh Độ, chứng đắc đạo Bồ Đề rồi trở lại hóa độ chúng sanh.
Tiếp theo chương trình là lễ „Hoa hồng cài áo“. Trong giờ phút thiêng liêng này, tất cả đạo tràng đều lắng lòng nhớ nghĩ về Mẹ trong tiếng hát „Bông hồng cài áo“ và các ca khúc về Mẹ ngọt ngào trầm ấm của huynh trưởng Thiện Tâm và hai Phật tử Tường Diệu, Minh Lộc; trong khi đó những em trong GĐPT Pháp Quang lặng lẽ cài bông hồng cho Chư Tôn Đức và bà con Phật tử.
Buổi chiều từ 14 giờ 30 Hòa Thượng thuyết giảng về Cô hồn – là những linh hồn cô đơn, chết oan khuất vất vưởng. Có 12 loại cô hồn:
- Cô hồn Tiền Vương hậu Bá chi lưu: linh hồn của tất cả vua chúa của nhiều triều đại chết vì tranh giành ngôi vị.
- Cô hồn Anh hùng tướng soái chi lưu: linh hồn của những anh hùng xông pha trận mạc chết thây phơi ngoài chiến trường.
- Cô hồn Văn thần tể phụ chi lưu: là linh hồn của các quan chức phụng mệnh triều đình trấn nhậm đất khách quê người, rồi chết và chôn thây ớ đó.
- Cô hồn Văn nhân cử tử chi lưu: là những linh hồn của hàng sĩ tử, sinh viên, học sinh khổ công đèn sách nhưng chưa đỗ đạt, nửa chừng ra đi…
- Cô hồn Ty y Thích tử chi lưu: là linh hồn của một số Tăng sĩ tuy ban đầ có ý xuất trần, nhưng không đạt được mục đích của đời sống xuất gia; khi ra đi vẫn còn bám víu nên không được siêu thoát…
- Tha hương khách lữ chi lưu: linh hồn của các thương gia lặn lội tìm hướng bán buôn bằng đường thủy hay đường bộ, chẳng may gặp bất trắc quy đời…
- Cô hồn Trận vong binh tốt chi lưu: linh hồn của những binh sĩ xông pha trận địa chết tức tưởi không toàn thây…
- Cô hồn Huyết hồ sản nạn chi lưu: đó là linh hồn của những sản phụ khi sanh đẻ cả mẹ lẫn con gặp nguy khốn không cứu chữa phải tử vong…
- Cô hồn Sân ngoan bội nghịch chi lưu: là linh hồn của những người bị báo chướng sanh nơi biên địa, tật nguyền, mù lòa, đui điếc, câm ngọng, chết vì tai nạn lao động hay ghen tuông hay bị đầu độc. Bởi trước đã tạo nhiều tội ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, khinh thường Tam Bảo nên phải trả quả báo…
- Cô hồn Quần thoa phụ nữ chi lưu: là linh hồn của những nàng mệnh phụ phu nhân, cung phi mỹ nữ, giai nhân khuê các gặp nghịch cảnh nên chết thảm thương…
- Cô hồn Thương vong hoạnh tử chi lưu: là linh hồn những người chết bất đắc kỳ tử như thiên tai, dịch bệnh, do tai nạn giao thông, tử tội, hay bị thú dữ ăn thịt…
Tiếp theo với giọng trầm buồn Hòa Thượng kể một câu chuyện thật thương tâm, sáng hôm nay một tờ báo ở Việt Nam đã loan tin, „mỗi năm trung bình có khoảng 300.000 hài nhi bị chết trong bụng mẹ“; đó là kết quả của tệ trạng giáo dục, tình trạng xã hội băng hoại tại Việt Nam. Hòa Thượng nhắc nhở các bà mẹ Việt Nam hải ngoại, cố gắng dành thời giờ dạy dỗ các con, dạy các con biết nói tiếng Việt – là tiếng mẹ đẻ để mỗi khi trở về „quê mẹ“ khỏi phải ngỡ ngàng về ngôn ngữ…
Cuối cùng là lễ „Chẩn tế bạt độ cô hồn“ do Thầy Hạnh Định làm đàn chủ và chư Tăng Ni thành kính cầu nguyện cho các linh hồn, cô hồn sớm được siêu thoát.
Phương Quỳnh Diệu Thiện
tường trình