Trần Lê Khả Ái, cô gái câm điếc bẩm sinh, đã tốt nghiệp đại học với nỗ lực cháy bỏng của bản thân cùng sự đồng hành đáng kinh ngạc từ người cha.
Ông Trần Khương, cha Khả Ái, tiếp tục viết những chương mới trong nhật ký lay động lòng người về hành trình đáng kinh ngạc của hai cha con: "Đại học và ước mơ giúp đỡ những người khiếm khuyết".
Người cha đó là ông Trần Khương, đã đồng hành cùng Khả Ái, cô con gái bị câm điếc bẩm sinh chinh phục từng nấc thang trên con đường học tập. Từ những tiếng phát âm đầu tiên tới khi cô tốt nghiệp THPT và nhận học bổng ngành thiết kế đồ họa tại Trường ĐH Hoa Sen.
Sau buổi lễ tốt nghiệp của Khả Ái, tôi mới có dịp tới trực tiếp nơi ở của gia đình ông Trần Khương, một ngôi nhà nằm trong hẻm nhỏ tại quận 12, TP.HCM. Phòng khách của căn nhà cũng là nơi gia công quần áo, công việc đã gắn bó với hai vợ chồng ông nhiều năm qua.
Bên chiếc máy may, vừa làm, ông Trần Khương vừa nhớ lại chặng đường cùng cô con gái vượt qua những khó khăn để có thể hoàn thành việc học đại học. Trong ký ức của ông, những hành trình rõ nét như những thước phim không thể nào quên.
“Lên đại học là một chặng đường mới nữa, học kỳ đầu nó cũng nản lắm”, ông Khương nhớ lại.
Với máy trợ thính, Khả Ái chỉ có khả năng nghe được khoảng 30% nên trong học kỳ đầu tiên tại giảng đường đại học, cô không thể hiểu bài do không thể nghe được giảng viên nói qua micro trên bục giảng. Chính vì vậy, Khả Ái đã nhận điểm 0 trong bài thi môn Kỹ thuật tin học.
Biết chuyện, ông Khương chủ động tới gặp và nhờ giảng viên dành 15 phút cuối buổi để giải thích riêng cho con gái ông. Nhiều giảng viên khác khi biết hoàn cảnh của Khả Ái đều nhiệt tình ở lại 15 phút cuối để hướng dẫn trực tiếp. Kết quả, Khả Ái có thể tiếp thu được bài giảng và thi qua các môn học.
Trong năm học đầu tiên, mặc dù cố gắng nhưng Khả Ái chỉ có điểm tổng kết 2.69. Lo lắng sẽ bị rớt học bổng nên những học kỳ sau cô đã cố gắng nỗ lực và đều đạt thành tích trên 2.7. Có những môn chuyên ngành còn đạt điểm giỏi. “Sợ tôi không có tiền đóng học phí nên nó học ngày học đêm để giữ học bổng”, ông Khương kể lại.
Có lúc tưởng chừng bỏ dở đồ án
Trong năm đầu tiên, do lo lắng nên ông vẫn luôn đồng hành, sát cánh cùng Khả Ái. Có lần đi học môn nhiếp ảnh ở công viên, ông lo lắng định đứng phía sau dõi theo con gái. Tuy nhiên, Khả Ái bảo ông ra ghế đá ngồi chờ.
Một lần khác đi in bài tập cho con, do lần đầu nên ông in sai chất liệu. Rút kinh nghiệm, ông bảo Khả Ái cùng vào chỗ in để con tự trao đổi với nhân viên về chất liệu, màu sắc, kích thước. Ông chỉ đứng sau hỗ trợ phiên dịch nếu cần. Sau lần đó, Khả Ái có thể tự tin đi in bài theo đúng ý mình.
Cũng để con có thể chủ động đi học, từ năm 2 ông đã bắt đầu tập cho Khả Ái có thể tự chạy xe máy.
Tới thời điểm làm đồ án tốt nghiệp, Khả Ái chọn thiết kế bộ tài liệu ngôn ngữ ký hiệu. Ban đầu, do nghĩ đơn giản nên cô chỉ thiết kế được chưa tới 20 tờ giấy rồi đem nộp.
Tuy nhiên, thầy hướng dẫn đã thông báo với hai cha con việc đồ án không thông qua do không đủ về khối lượng và nội dung.
Mặc dù mới học hết lớp 12 nhưng ông vẫn cố gắng hết sức để hỗ trợ con. Những điểm giảng viên tận tình hướng dẫn và góp ý, ông đều ghi lại để nói với con mình. Về nhà, hai cha con tìm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có thể hoàn thành đồ án. Tuy vậy, làm được hai tháng thì Khả Ái định từ bỏ. Vì chuyện này mà hai cha con giận nhau gần một tuần.
“Lúc đó ép nó quá, cái tủ sắt phía sau nó đập một cái bể luôn kính. Tôi sợ quá phải xin lỗi rồi đi xuống nhà, một tuần không dám vào phòng con”, ông Khương nhớ lại.
Nhờ sự kiên trì động viên, cuối cùng hai cha con lại có thể hợp tác để tiếp tục hoàn thành đồ án còn dang dở.
"Ba vẫn luôn đứng sau con!"
Ngày bảo vệ đồ án, Khả Ái tự tin lên bục thuyết trình trước hội đồng. Mặc dù vậy, ông Khương cũng phải đứng một bên để khi các thầy cô trong hội đồng không nghe rõ, ông sẽ nói lại ý của con mình.
Cuối cùng, đồ án tốt nghiệp được Khả Ái bảo vệ thành công và có thể hoàn thành quá trình học đại học của mình. “Đó là lần đầu tiên tôi biết bảo vệ đồ án tốt nghiệp là như thế nào”, người cha chỉ vừa học đến lớp 12 nhớ lại.
Nhớ lại một chặng đường đầy khó khăn vừa qua, trong ánh mắt của người làm cha như ông vẫn không giấu được sự xúc động.
“Tại vì chưa bao giờ mình nghĩ con mình được như bây giờ. Tại vì nó nói ngọng mà. Nhưng mà mình đâu có nghĩ nó học một hơi lên THPT rồi trúng tuyển vào trường đại học và trường cấp học bổng. Mà nó cũng học đúng 4 năm rồi tốt nghiệp đại học”, ông Khương chia sẻ.
Giờ đây, Khả Ái cũng có được một công việc đúng chuyên ngành ngay tại chính trường mà cô theo học. Cùng với bạn bè, đồng nghiệp cô vẫn đang trên con đường khẳng định bản thân qua từng dự án.
Có lẽ, bất kỳ bậc cha mẹ nào đều vui mừng khi con mình có thể hoàn thành việc học đại học. Nhưng đối với ông Khương, điều đó còn hơn cả niềm hạnh phúc.
Những cảm xúc đó đã tiếp thêm động lực để ông viết thêm chương mới vào cuốn nhật ký kể về chặng đường đồng hành cùng con. Trong những dòng nhật ký đó ông đã nhắn gửi “Ba luôn là người đứng sau con trên mỗi bước đi…con gái nhé!”.
Ông Trần Khương và con gái Trần Lê Khả Ái từng là nhân vật trong loạt bài viết “Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc” của Báo Thanh Niên năm 2016. Khi ấy, ông Khương đã viết những dòng nhật ký làm lay động lòng người khi kể về hành trình của hai cha con. Ông viết: “Tôi thiết nghĩ, nếu trước kia tôi ngừng hy vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ câm điếc mất và không có được ngày hôm nay. Nhưng giờ này bé giao tiếp tốt cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của bé. Mỗi đứa trẻ được hạ sinh trên thế gian đều là một thiên thần... Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con”.
Ông Trần Khương (ngụ tại Q.12, TP.HCM), quyết định rời quê hương Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp năm 1996. Đến năm 1997, vợ chồng ông vui mừng đón đứa con gái đầu lòng. Anh đã tưởng tượng đến cảnh con mình sẽ múa ballet trên sân khấu và đặt tên con là Khả Ái, như chứa đựng tất cả mong ước của mình về con. Nhưng khi con được 2 tuổi, ông phát hiện con mình không nghe được gì cả. Kết quả khám y khoa chứng thực điều này, vợ chồng anh đã đứng ôm nhau khóc. Tiếng gọi “ba mẹ” đầu đời, có thể mãi không được nghe từ miệng con mình.
Nhưng hai vợ chồng và Khả Ái không buông xuôi mà bắt đầu một hành trình kỳ diệu.
Cứ thế, hai cha con từng bước bước đi trong cuộc đời. Khả Ái tốt nghiệp THPT, vào học đại học. Rồi đến khi Khả Ái đứng trên bục nhận bằng tốt nghiệp, ông Trần Khương đã khóc…
Nguyễn Anh (Báo Thanh Niên)
https://thanhnien.vn/chuong-moi-trong-nhat-ky-lay-dong-long-nguoi-cua-cha-cung-con-gai-khiem-thinh-post1490441.html
Cảm ơn TT Thông Triết gởi bài này
Nguồn:
https://thanhnien.vn/chuong-moi-trong-nhat-ky-lay-dong-long-nguoi-cua-cha-cung-con-gai-khiem-thinh-post1490441.html