Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thư con viết cho Mẹ

12/08/202205:11(Xem: 2056)
Thư con viết cho Mẹ

 

 

Thư Con Viết Cho Mẹ

 

Mẹ ơi, con còn nhớ con đã nhổ những sợi tóc bạc trên mái tóc đen tuyền của Mẹ
Mẹ nói Mẹ đã già rồi. Và lúc đó con cũng tin như vậy, vì con hãy còn trẻ con.
Phải chi hồi đó con thấy trước được ngày hôm nay, thì con hẵng đã nhận ra rằng: dường như Mẹ không có tuổi. Vì hôm nay, tóc bạc của Mẹ còn nhiều hơn xưa.

 

Khi đó, Mẹ chỉ hơn tuổi con bây giờ có 10 tuổi. Lúc đó Mẹ chưa già, nhưng có lẽ Mẹ đã cho là Mẹ già rồi. Bởi vì trong Mẹ và sau lưng Mẹ đã từng có nhiều cuộc đời rồi. Bởi Vì Mẹ đã bỏ lại một Quê Hương, một gia đình và một quãng đời của Mẹ. Bởi vì trong Mẹ đã đong đầy những biến cố của Mẹ, của riêng Mẹ, và những biến cố của những thế hệ đi trước Mẹ và đi sau Mẹ nối tiếp nhau .
Có lẽ hồi đó Mẹ đã không thể tưởng ra được cuộc sống của Mẹ sau này sẽ ra sao, và nó sẽ đem lại những gì cho Mẹ.

Giờ đây, con biết khi xưa Mẹ chưa già, Mẹ chỉ xấp xỉ tuổi như con bây giờ thôi
Con đã kiếm những sợi tóc trắng trên mái tóc đen huyền của Mẹ, và nhổ chúng.
Đó là một cách con biểu lộ, sự quan tâm chăm sóc con đã dành cho Mẹ
Con đã nhổ đi những lo âu, phiền muộn ra khỏi mái tóc của Mẹ, đôi khi cả luôn những sợi tóc cứng quăn mà Mẹ bảo với con, chúng làm Mẹ nhức đầu
Mẹ ơi! Có lẽ đó là phương cách mà ở cái tuổi thơ ngây con đã nghĩ rằng con có thể có mặt bên Mẹ. Trong khi con cảm nhận Mẹ có mặt bên con, nhưng con không bao giờ nắm giữ được. Tuy vậy Mẹ cũng như bao nhiêu đấng sanh thành khác, Mẹ luôn sống vì con, các con của Mẹ

Hồi đó đôi khi con và em con cùng ngồi nhổ tóc trắng cho Mẹ. Đó, chính là gia đình,
Con lại còn nhớ con cũng nhổ tóc trắng cho ông Nội, ai cũng đều khen con nhổ tóc giỏi
Con cũng nhớ con nhổ cho Bố một hai lần gì đó. Hồi đó Bố cũng không bao giờ cho rằng Bố già, Bố không bao giờ già.
Giờ đây con hiểu, đó là một phần văn hóa của chúng ta: lo cho nhau và có mặt cho nhau, dù ở tuổi nào cũng vậy. Khi lời nói không thể diễn đạt được thì cử chỉ sẽ bắc cầu cho lời nói.
Chúng con đã nhổ đi những sự mất mát của Bố Mẹ, Ông Bà, Chú, Dì và tìm trong đó niềm an ủi và xoa dịu mà đôi khi chính mình cũng không biết .

...

 

Hôm nay ngồi đọc Thư Con Viết Cho Mẹ, mẹ cảm động vô cùng. Mẹ vẫn nhớ cảm giác thật thương yêu, trìu mến khi con về thăm mẹ, ngồi bên mẹ con thỏ thẻ: “Con nhớ Mẹ nhiều.”

Nhè nhẹ con vuốt tóc mẹ và âu yếm nhìn, ánh mắt con thật hiền nói lên tất cả tình thương yêu của đứa con dành cho mẹ. Rồi con đọc cho mẹ nghe bài con viết. Mẹ nghe, mẹ cảm được những rung động trong trái tim nhỏ bé của con với tình thương mẹ (con lúc nào cũng bé bỏng với mẹ). Ngày xưa mẹ cũng như con, mẹ thương Ngoại nên lúc nào cũng muốn tóc Ngoại đen, cái tuổi của mẹ lúc ấy chỉ nghĩ đơn thuần, tóc bạc là già, mẹ muốn Ngoại không bao giờ già.

Chiều chiều Ngoại con thường hong tóc trước cửa, mái tóc Ngoại thật dài; 60 tuổi mà tóc Ngoại vẫn đen tuyền. Mẹ cũng vạch tóc để tìm tóc trắng nhổ cho Ngoại. Giờ đây vẫn còn thoang thoảng mùi tóc của Ngoại con, cái mùi bồ kết và chanh thơm làm sao! Mùi quê hương đó con, quê hương Việt Nam nghèo lắm. Những ngày còn nhỏ, khi đi học về, Ngoại luôn nấu nồi bồ kết và chanh cho mẹ gội đầu. Ngoại nói gội bồ kếp tóc mượt và óng, mà thật vậy, tóc mẹ thẳng tắp, mượt mà, mọi người đều khen tóc đẹp.

 

Thời gian qua mau quá, mẹ nhớ ngày xưa con còn bé, lúc đó khoảng 4-5 tuổi thôi. Mỗi lần nhớ Ngoại, mẹ thường hay coi vở cải lương Gia Tài Của Mẹ, ngờ đâu con thuộc hồi nào bài thơ cho Ngoại trong vở tuồng. Tới một bữa nọ, sinh nhật con, cô Hồng Diệu cho con chiếc áo dài, mẹ mặc vào cho con, con cầm tờ báo lên đọc thư như đã biết chữ vậy trông thật là dễ thương:

“Chiều chiều ra bến sông

Nhớ Ngoại tóc như bông

Đứng bên bờ đợi cháu,

Cháu nào Ngoại cũng mong

Hàng cau đã trổ bông

Nhưng Ngoại đâu chẳng thấy

Dáng nhỏ với lưng còng

Quét lá mỗi chiều đông

Bông lồng đèn dễ thương

Nở đẹp dưới chiều sương

Con thường dâng kính Ngoại

Thọ như Phật Mười Phương. “

 

Nghe con đọc xong, mẹ khóc... Con tới nắm tay mẹ rồi xà vào lòng mẹ. Mẹ ôm con hôn: “Con tôi ngoan quá!“. Sau đó bố con đã quay phim cảnh con đọc và gửi về cho Ngoại. Mẹ hạnh phúc biết bao, con đã cho mẹ, cho Ngoại một niềm vui, một sự sung sướng bằng trái tim bé bỏng của con: “tình con cho mẹ“.

 


cu si dieu danh

Năm con học lớp 6, sinh nhật mẹ, con và em con cho mẹ một món quà thật bất ngờ. Đến nay đã 20 năm rồi mẹ vẫn còn giữ chiếc áo đó.

Các con đã lấy cái áo cũ của bố rồi in hình bài thơ (không biết đã lấy ở đâu ra) lên áo:

Nhớ Mẹ

Một nhớ còn trong thai

Hai nhớ luôn ấp ủ

Ba nhớ chẳng quảng ngại

Năm nhớ hằng tạo nghiệp

Sáu nhớ chỉ vì con

Bẩy nhớ người héo hon

Tám nhớ vui con lớn

Chín nhớ tình không phai.

Thương làm sao, vì con không đọc được chữ Việt mà chỉ đoán thôi, (thiếu câu 4).

Mẹ cảm động làm sao, thương các con thật nhiều, đã để ý từng tí để hiểu được lòng của mẹ. Mẹ niệm ân Chư Phật đã cho mẹ những đứa con thật dễ thương. Mẹ khấn nguyện cho các con sau này trở nên người hiền, biết thương yêu, chia sẻ cho những người chung quanh. Quả thật vậy, con của mẹ có cái tâm thật hiền, luôn cảm nhận và sẻ chia với những khổ đau của kiếp người.

 

Năm kia đi hè, con mời bố mẹ coi cuộn phim con mua, chiếu cảnh những người mẹ Việt Nam chịu khổ cực, buôn thúng bán bưng để nuôi các con và lặn lội vượt suối băng rừng để tới thăm chồng trong các trại tù được mệnh danh là “cải tạo”. Bố mẹ cảm động và thương các con vô ngần, thì ra các con đã tìm hiểu về nguồn cội qua những câu chuyện nhỏ mà thỉnh thoảng bố mẹ thường kể cho các con nghe. Các con được sanh ra ở một xứ sở đầy đủ mà các con luôn hướng về Quê Hương dù các con chưa một lần được về thăm.

Có lần em con xin phép bố mẹ để về Việt Nam, tìm nơi chôn nhau cắt rún của bố mẹ, nhưng rồi bố mẹ nói không nên về lúc này. Mẹ sợ, mẹ lo vì các con của mẹ quá lành.

 

Hôm nay đọc được những dòng chữ của con tặng mẹ cũng trong mùa Vu Lan, mẹ nhớ Ngoại vô ngần, đã bao nhiêu lần Vu Lan về rồi, mà mỗi lần tụng kinh Vu Lan mẹ đều khóc.

Trong kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu, Đức Phật nhắc đến 10 công đức sâu dày của người mẹ:

1)    Chín tháng cưu mang khó nhọc

2)    Sợ hãi đau đớn khi sanh

3)    Nuôi con cam đành cực khổ

4)    Nuốt cay, mớm ngọt cho con

5)    Chịu ướt, nhường ráo con nằm

6)    Nhai cơm sú nước cho con

7)    Vui giặt đồ dơ cho con

8)    Thương nhớ khi con xa nhà

9)    Có thể tạo tội vì con

10) Nhịn đói cho con được no

 

Ngày xưa Ngoại của các con nuôi mẹ khổ cực như vầy đó chứ không như ở đây, phương tiện đầy đủ, không cần phải thay tã. Có điều, khi sanh và mang thai các con, mẹ vui chứ không hề sợ hãi, các con là nối tiếp của Ông Bà, Bố Mẹ. Mẹ có các con nơi xứ lạ quê người, không còn cảm thấy một mình cô đơn nữa, đó là nguồn an ủi vô biên cho mẹ. Mẹ ước mong các con luôn nhớ về cội nguồn.

Con yêu, mẹ đọc từng câu, từng chữ của con mà thương làm sao, mẹ cũng không ngờ rằng, tuổi nhỏ của con đã có nhiều lo âu cho mẹ. Năm con học tiểu học, mẹ thấy con lúc nào cũng buồn, nên tìm đến cô giáo con tâm sự, cô con nói: “Thanh Tâm nó như vậy, nhiều khi đi cắm trại với các bạn, nó ngồi một mình, ánh mắt xa vời, tôi tới hỏi: “Sao con không ra chơi với các bạn? con nghĩ gì vậy? Cháu trả lời: “Thưa cô, con nghĩ tới tương lai, tới thế giới xung quanh.”

Nghe cô giáo con kể, mẹ hơi buồn, vì mẹ muốn con mẹ luôn ngây thơ như cái tuổi còn non nớt của con vậy.

Ngày xưa khi mẹ còn bé, mẹ cũng hay buồn. Mẹ khóc khi thấy người ta qua đời, thấy con gái hàng xóm, xong đám cưới, xách valy về nhà chồng!

Tối tối, mẹ ngồi ngoài hiên nhà một mình, nhìn đếm ngôi sao trên bầu trời trong sự tĩnh lặng hàng giờ. Không gian yên ả đó làm tâm hồn mẹ dịu lại, mẹ cầu nguyện cho ông bà Ngoại sống đời, sống đến 100 tuổi. Mẹ nghĩ 100 tuổi xa vời vợi, còn lâu lắm, mẹ và các anh chị sẽ được sống hoài bên ông bà Ngoại.

 

Rồi thời gian trôi dần, lặng lẽ, như một định mệnh nối liền với đất nước, mẹ cũng phải xa Quê Hương, xa con xóm nghèo nơi mẹ bắt đầu khôn lớn. Mẹ tưởng sẽ trở lại quê nhà sau vài năm để thăm ông bà Ngoại, anh chị của mẹ, cùng xóm làng, … Có ngờ đâu ba mươi bảy năm rồi, mẹ vẫn mang theo hình ảnh Quê Hương, với chiến tranh và nhọc nhằn của đồng bào mình sau 1975. Đôi khi hình ảnh hiện về trong những cơn ác mộng khủng khiếp, đoàn người chạy loạn, tìm nơi yên lành để sống, nhưng không bao giờ thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ bạo tàn, với súng đạn bủa vây; bầu trời ngập lửa; khói đạn tung bay… Mẹ thức giấc với những giọt nước mắt còn đọng lại, ồ thì ra là ác mộng! Mẹ đã thoát khỏi cảnh hung tàn, nhưng còn bao nhiêu chục triệu dân mình vẫn còn đó trong địa ngục trần gian. Quê Hương mình giờ đây đang lâm vào tình trạng bệnh dịch Covid tràn lan, người người không có nhà cửa, đói ăn, khát uống. Từng đoàn người gồng gánh nhau trên đường tỵ nạn trên chính Quê Hương mình nhưng cũng không có đất để dung thân! Họ đi về đâu khi mà chính Quê Hương cũng chối từ?

 

Có lần em con điện thoại về thăm mẹ, em hỏi:

- Hôm nay mẹ ăn gì?

Mẹ nói mẹ ăn khổ qua, em cười:

- Mẹ ăn khổ qua để cho mẹ hết khổ phải không?

Mẹ ngạc nhiên:

- Sao con nói ăn khổ qua là hết khổ?

- Khổ là khổ, qua là qua đi, mẹ ăn khổ qua để mẹ qua hết cái khổ, mẹ hết khổ đúng không? Giọng em thật nũng nịu. Mẹ rơm rớm nước mắt! Mẹ cảm động quá! Mẹ hạnh phúc quá! Các con luôn thương bố mẹ, luôn chăm sóc để ý từng tí qua lời nói. Mẹ cám ơn các con đã cho mẹ nguồn hạnh phúc vô biên.

 

Mẹ kể cho các con nghe một câu chuyện về đức Phật trong đó có một đoạn thật là cảm động trong kinh Ma Ha Ma Da: “Phật thăng Đao Lợi, Thiên vị mẫu thuyết pháp”

Một thuở nọ đức Phật cùng với 1250 vị Tỳ Kheo an cư tại gốc cây Ba Lợi Chất Đa La, trong vườn Hoan Hỷ, nơi cung trời Đao Lợi.

Bấy giờ Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi:

- Ông mau đến chỗ mẫu thân ta báo tin rằng ta đang ở đây. Xin nguời hãy tạm dời gót đến nơi này để đảnh lễ Tam Bảo. Ông nhớ đọc thuộc bài kệ này, rồi đến đọc lại cho mẫu thân ta nghe:

“Thích Ca thành tựu Nhất Thiết Trí

Diêm Phù Đề quang minh suốt thấu.

Nay khát ngưỡng gặp lại mẫu thân.

Xưa sinh con chỉ mới bảy ngày,

Liền siêu Thiên, di mẫu dưỡng nuôi

Đã thành Chánh Giác, độ chúng sinh

Nay đến thời báo hiếu ơn mẹ.

Mong người, quyến thuộc quang lâm đến

Lễ Phật, Pháp, Tăng, thọ thanh tịnh.

 

Khi Ma Ha Ma Da nghe đức Văn Thù đọc bài kệ đó xong, thì nơi bầu vú của người liền vọt lên dòng sữa. Bà nói:

- Nếu bậc Nhất Thiết Trí ấy là Tất Đạt Đa con ta, thì những giọt sữa này hãy rơi vào miệng người ấy.

Khi Hoàng hậu Ma Da vừa dứt lời, bỗng nhiên từ nơi bầu vú, những tia sữa trắng tinh khiết như hoa sen vọt ra rồi bay thẳng vào miệng đức Như Lai. Cảm nhận được điều này, gương mặt Hoàng hậu Ma Da trở nên rạng rỡ, bà nói với Văn Thù Sư Lợi:

- Từ khi ta được phúc duyên làm mẹ đấng Đại Giác đến nay, thật chưa có lúc nào lòng ta hoan hỷ như giây phút này.

Nói xong bà cùng Văn Thù Sư Lợi liền đến chỗ Phật. Từ xa đức Phật nhìn thấy mẫu thân, tự nhiên lòng dậy lên sự cảm kích tột độ, Ngài nói với mẹ:

- Thưa mẫu từ, tấm thân tứ đại này trải qua vui khổ qua nhiều, nay đến thời kỳ cần phải tu tập pháp Niết bàn để vĩnh viễn xa lánh những điếu khổ ấy.

Nghe lời Phật nói, bà tĩnh lặng suy tư, bất chợt cảm thán:

Vô số kiếp uống sữa của ta.

Nay chứng vô sanh, vô thượng đạo.

Nay báo ân, giúp ta lìa ba độc.

Quy mạng đấng Thế Tôn, ban ân huệ.

Quy mạng bậc Điều Ngự, không gì sánh,

Quy mạng Thiên Nhơn Sư, lìa si ái.

Ngày đêm nhớ nghĩ không đoạn tuyệt.

Cúi đầu đảnh lễ đấng Pháp Vương.

 

Nghe xong Thế Tôn tâu với mẫu thân:

- Xin mẫu thân lắng nghe và khéo suy nghĩ:

Giáo pháp này đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối.

Điều thuận tiện, thanh tịnh, nghĩa lý rất thậm thâm.

Ngôn từ rất kỳ diệu, thuần nhất không pha tạp

Đầy đủ tướng phạm hạnh, trong sáng thật vẹn toàn.

 

Khi nghe đức Phật thuyết pháp, Ma Ha Ma Da nương nhờ thần lục của Phật nhớ lại những kiếp trước, đồng thời lúc này thiện căn cũng đã thuần thục nên ngay đó đoạn tuyệt kiết sử trong 80 ức kiếp, chứng quả Tu Đà Hoàn.

 

Các con nghe mẹ kể khó hiểu phải không? Vì với các con câu chuyện trên quả là trừu tượng, nhưng mẹ muốn nhắc đến lòng của người mẹ vui sướng biết là bao khi con mình hiếu thảo, dòng sữa của người mẹ luôn hiện hữu trong người để nuôi dưỡng và bảo bọc các con trong mọi tình huống. Dù người con đã công thành, danh toại, nhưng lúc nào cũng là những đứa con bé bỏng cần mẹ. Và để đáp đền, người con luôn thể hiện qua sự chăm sóc, thăm hỏi mẹ cha, đó là chất liệu nuôi dưỡng niềm hạnh phúc cho cả mẹ cùng con, phải không con? Mẹ nói cho dễ hiểu, nhưng làm sao đền đáp được công ơn cha mẹ, làm sao để diễn đạt được sự thương yêu của mẹ cha cho các con? Đó chỉ là sự cảm ứng của tình mẹ cha và con cái, thật thiêng liêng! Thật nhiệm mầu!

 

Vu Lan năm nay lại về rồi đó các con, hãy cùng mẹ chấp tay đảnh lễ Tam Bảo, đảnh lễ Mười Phương Chư Phật, cùng tụng kinh Vu Lan và Báo Ân Phụ Mẫu để:

- nguyện cầu cho ông bà Nội Ngoại của các con sớm siêu sanh Tịnh Độ.

- nguyện cầu cho Quê Hương Việt Nam thoát cảnh đói nghèo, tật bệnh.

- nguyện cầu cho thế giới tiêu tan dịch bệnh, chiến tranh, người và người cùng thương nhau như anh em ruột thịt, cho suối nguồn tình thương luôn tuôn chảy làm chất liệu dưỡng nuôi con người.

 

Con gái của Mẹ
Diệu Danh Tuyết Mai

 

                     

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/08/2024(Xem: 1669)
Với người con Phật thuần thành ở khắp mọi nơi, Mùa An Cư và Vu Lan Thắng Hội là mùa HOAN HỶ nhất. Bởi vì: - Trong thời gian an cư, Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, hoan hỷ được nghỉ ngơi, có thời gian tịnh dưỡng, tu học, đặc biệt là tránh phạm giới thứ nhất (sát sanh), trưởng dưỡng lòng từ bi, vì không phải đi lang thang ngoài đường “khất thực” để khỏi giẫm đạp lên côn trùng trong mùa mưa đang sinh sôi nẩy nở.
15/08/2024(Xem: 2842)
Mùa Vu Lan-Báo Hiếu lại trở về với người con Phật giữa mùa đông lạnh giá của Melbourme, Úc Châu. Lâu lắm rồi Tây lịch mới có một ngày Chủ Nhật rơi đúng vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch như năm 2024 này. Rằm Tháng Bảy là ngày lễ đặc biệt thiêng liêng với 3 ý nghĩa như sau: 1/Ngày Phật Hoan Hỷ: Ngày Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày Tăng thọ tuế, ngày Phật hoan hỷ, vì trong 7 chúng đệ tử, hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni sau 3 tháng cấm túc ở yên một chỗ, tu tập Giới Định Tuệ tam vô lậu học, đào luyện đạo tâm, ôn tầm kinh điển. Do đó, Chư Tăng Ni nào bắt đầu an cư kiết hạ vào ngày 15/4 âm lịch và mãn hạ vào ngày 15/7 âm lịch, thì được tính một hạ lạp tức thêm một tuổi hạ. Đức Phật mừng cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho nên gọi ngày này là ngày Phật hoan hỷ
15/08/2024(Xem: 1184)
Nhân mùa Vu Lan Thắng Hội – Pl. 2568, vào sáng ngày mồng 9 tháng 7 năm Giáp Thìn (12/8/2024), chùa Sắc Tứ Minh Thiện (X. Diên Lạc, H. Diên Khánh) đã trang nghiêm thiết lễ “Vu Lan Báo Hiếu - Cúng Dường Trai Tăng”, hồi hướng công đức báo đáp Tứ ân, đồng thời cầu siêu cho Cửu huyền thất Tổ, bá tánh chư hương linh vãng sanh Tịnh độ.
15/08/2024(Xem: 1434)
Mùa Vu Lan năm nay, chư Tăng Tổ dình chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa – Nha Trang đã trang nghiêm tổ chức Đại Lễ Tri Ân suốt 15 ngày của tháng 7 âm lịch tại các chùa trong tỉnh trực thuộc Tổ đình như chùa Hoà Tân (X. Cam Tân, H. Cam Lâm), chùa Bảo Sơn (X. Suối Cát, Cam Lâm), chùa Kỳ Viên Khánh Phú (X. Khánh Phú, H. Khánh Vĩnh).
14/08/2024(Xem: 921)
1). Bài “ Chữ Hiếu Trong Đạo Phật”- Thích Đạo Thông giảng lễ Vu Lan Chùa Hưng Long 4/8/2024. Ước vọng duy nhất là mọi người hiểu biết chữ Hiếu chân chính rõ ràng trí tuệ sáng ngời và làm tròn Hiếu Đạo Cha Mẹ để giữ gìn phước đức bản thân, gia đình và góp một phần cải thiện xã hội tốt đạo đẹp đời hiện tại và nhiều đời tương lai.
12/08/2024(Xem: 990)
Sáng ngày 11/08/2024, Niệm Phật Đường Đức Hải, Launceston, Tasmania, Úc Châu, đã long trọng tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568 với sự chứng minh của Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân, Trụ Trì Tu Viện Như Ý, tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ, và Ni Sư Thích Nữ Nguyên Khai, Trụ Trì Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh, tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham dự của khá đông quý đồng hương, Phật tử tại bang Tasmania".
12/08/2024(Xem: 1380)
Truyền thống văn hoá Đông và Tây phương rất tương hợp! Ngày của Cha, ngày của Mẹ và ngày hoa Hồng cài áo vinh danh Trong việc tri ân báo hiếu đấng sinh thành Đều cùng một mục đích “đề cao sự giáo dưỡng ”!
10/08/2024(Xem: 1398)
Vu Lan lại về, bên bếp nhà xưa Con ngồi nhớ Mẹ những mùa mưa qua Mái hiên khói phủ mây nhòa Trời quang gió lạnh dây hoa cội dừa Thương con chốn ngủ, giường thưa Những nơi thấm ướt Mẹ chừa, Mẹ mang
10/08/2024(Xem: 2686)
Chúng tôi trình bày phần dưới đây vì muốn người đọc thơ cần phải hiểu sơ qua về niêm luật thơ. Vì hiểu niêm luật, khi đọc thơ, thấy đúng niêm luật mới thấy thú vị và hứng khởi để đọc tiếp. Trước khi vào phần niêm luật, xin được ghi:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]