Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người mẹ thứ hai

10/08/202208:06(Xem: 2172)
Người mẹ thứ hai

hoa hong chuc mung 2

Người mẹ thứ hai

 

     

Một nhân vật quan trọng không kém trong đời tôi phải kể đến là bà nội. Tôi gọi bà nội là người mẹ thứ hai cũng không có gì quá đáng! Bà đã ở bên cạnh tôi từ lúc lọt lòng đến khi tôi bước chân lên máy bay sang Đức du học. Tính ra cũng gần mười chín năm bà cháu hủ hỉ bên nhau trên chiếc đi-văng bằng gỗ cẩm lai bóng láng và mát rượi. Bà tôi không thể nằm giường nệm hay phòng có gắn máy lạnh như mọi người, chỉ cần lấy chiếc giẻ ướt lau sơ qua cho sạch trước khi leo lên phản gỗ là hai bà cháu đã có giấc ngủ yên bình. 

 

Bà nội tôi không biết đọc biết viết như bao nhiêu người phụ nữ dưới thời kỳ ấy! Các cụ bảo, con gái cho đi học chỉ tổ viết thơ cho trai, một lối giải thích nghe chẳng lọt tai tí nào! Vậy mà bà nội tôi thuộc nằm lòng tất cả các ca dao tục ngữ, truyện Kiều đọc vanh vách, Lục Vân Tiên không thiếu câu nào, còn các truyện thơ cổ khác ít người biết cụ cũng thuộc luôn. Tôi phục tài thơ văn của Cụ và tìm cách học thuộc những câu tâm đắc, chẳng hạn như: "Nằm vắt chân chữ ngũ, đánh củ khoai lang"! Nhìn sao trên trời, ngâm câu:

Có Hôm thì chẳng có Mai.

Kìa như sao Vượt đợi ai giữa trời.

Cũng có những câu khó hiểu như:

Sự đời như cái Lá Đa.

Đen như mõm chó, chém cha sự đời.

Lúc ấy tôi không hiểu nhiều, chẳng biết cái Lá Đa hình dáng như thế nào mà các cụ lại ví von với sự đời muôn mặt. Ở Nha Trang làm gì có cây đa đầu làng như ngoài Bắc quê tôi! Nhưng nhìn thần sắc và cử chỉ của bà khi nói câu đó, tôi đoán chắc bà đang chửi đời bóng gió gì đó chứ không nói bâng quơ.

Bây giờ thì tôi đã hiểu!

 

Một ấn tượng nữa về bà là khi bà hắt xì hơi thật to xong lại lẩm bẩm nói câu: "Sư bố đứa nào nhắc tao!". Tôi thật sự kinh ngạc, chẳng lẽ trên sáu mươi tuổi như bà là có quyền nói câu ấy? Tôi sẽ chờ đến khi bằng tuổi của bà là được quyền xổ nho như thế! 

 

Bà tôi hay kể chuyện xưa, cả ngày làm ruộng cầy cấy nhọc nhằn, nên phải ăn uống kiểu "Chém to kho mặn". Nồi tôm rim của bà để trong chạn, không một đứa cháu nào dám ăn vụng vì bà kho kiểu "Con tôm ôm hột muối", mặn chát! Bà bảo, ăn mặn chắc thịt và còn đủ sức để làm ruộng, nhưng tôi đoán có lẽ thời ấy ở nhà quê nghèo khó làm gì có thịt cá ê hề như thành thị mà phung phí. Bản tính tằn tiện, chắc bóp từng xu của bà đã in vào trong máu, bây giờ con cháu giàu có cung phụng cho bà điều gì cũng không dám hưởng. Chỉ thích ăn món "Con tôm ôm hột muối" ngày nào! 

 

Một thú tiêu khiển tao nhã của bà là thích nghe hát cung văn và xem hầu đồng, chỉ nghe và xem thôi chứ không dám lên đồng, chắc không có đường dây phủ sóng với các thánh, cô cậu ở cõi trên. Điều này cũng ảnh hưởng đến tuổi thơ của tôi phần nào, tôi tha hồ được hưởng lộc từ đền phủ do bà tôi mang về, từng túi kẹo bánh, trái cây mùa nào thức nấy và cả tiền giấy được xếp thành hình những con bướm hay con chim xâu chỉ treo trên nhánh hoa.

 

Thỉnh thoảng bà lại dắt tôi vào đền của vợ chồng cô Nga trong xóm, tham dự cả một buổi lên đồng với rất nhiều vai diễn, từ Cô Mán thượng ngàn đến Cậu bé nũng nịu, khiến cả đoàn hát Cung Văn phải gân cổ lên hát dỗ ngọt và vuốt ve. Bà chủ đền là cô Nga, hôm nào ế khách nghĩa là không có đào kép chánh chủ động hầu đồng, cô sẽ ôm trọn toàn show. Chồng cô sẽ ôm mấy cây đàn cò, đàn sáo, vừa gẩy vừa hát vừa gõ nhịp với giọng ca ngọt lịm như mía lùi. Chỉ cần nghe vài bài là hồn tôi đã đi vào giấc ngủ ngon lành.  

 

Mẹ tôi không tin chuyện thần thánh nhập vai, nên không thích môn nhảy múa tốn kém này. Ai có căn cơ với bộ môn này, tha hồ tiêu tiền như nước. Chỉ cần sắm sửa quần áo cho vai diễn thôi cũng đủ bộn bạc, rồi tiền phát lộc thật hào phóng và xôm tụ để mọi người xuýt xoa nịnh bợ, muốn khoe mẽ phải chịu chi!

Nghe đâu thời này có một nghệ sĩ nổi tiếng thích lên đồng, mỗi một giá hầu đồng phải chi ít nhất một tỷ đồng Việt Nam.

Đó là thế giới riêng của họ, tôi chẳng dám nghĩ bàn!

 

Nếu ngôi đền trong hẻm nhỏ của cô Nga có sức thu hút bà cháu tôi trong quãng thời gian dài như thế, cũng không nói làm gì! Đây lại theo tôi đến kỳ thi Tú tài phần hai nữa, chẳng là lúc tôi học thi ban toán, nếu trúng tủ hai bài toán với hệ số 5 chắc chắn đậu và có thể còn đậu hạng cao nữa. Do đó bà tôi rất coi trọng việc cầu nguyện thần thánh phù hộ cho tôi làm bài được xuôi rót. Bà đã đem số ký danh và số phòng thi của tôi vào đền nhờ vợ chồng cô Nga viết sớ cầu xin thần thánh giúp đỡ. Tôi không hay biết chuyện này, chắc cụ sợ nói ra mất thiêng nên giữ mãi trong lòng. Cho đến khi một biến cố xảy ra khiến cụ phải chửi đổng:

-  Sư bố cái thằng nhãi ranh! Làm bà mất toi tờ sớ! 

Thằng nhãi ranh là ai mà dám làm bà nội tôi mất toi một tờ sớ? 

Đấy là anh chàng Dũng, cùng học chung lớp Đệ Nhất tại trường Võ Tánh Nha Trang với tôi. Anh chàng có hàm răng khểnh và cao nhòng lại ốm nhom ốm nhách, nên tôi gọi là Dũng Dracula, khi anh chàng cười nhe hai cái răng nanh nhọn hoắc làm tôi phát sợ! 

 

Ấy vậy mà Dũng lại trồng cây si tôi mới chết chứ! Sáng nào đi học, Dũng cũng đợi tôi đi ngang qua nhà và đi trước khoảng mười thước là bắt đầu khởi hành bám sát theo tôi. Nếu tôi quay lại hay dừng lại thì Dũng cũng dừng lại không đi tiếp nữa để khoảng cách mười mét giữa tôi và Dũng vẫn không đổi thay. Tôi rất bực mình vì chuyện này, vì người trồng cây si tôi không được đẹp trai như tài tử Hollywood. 

 

Gần ngày thi tôi không ra ngoài để ở nhà gạo bài, cả việc đến trường xem số báo danh và số phòng thi cũng không quan tâm. Dũng chờ tôi đã ba bốn ngày không thấy tôi đi ngang qua nhà nên sốt ruột, bèn lấy cớ đưa số báo danh cho tôi để có cớ đến tận nhà gõ cửa. Vừa thấy tôi thò mặt ra ngoài cửa sổ, Dũng đã thất kinh hồn vía, vì mặt tôi bôi nghệ vàng khè, một loại dưỡng da truyền khẩu trong dân gian. Tôi đón nhận mẫu giấy ghi số báo danh của mình một cách hững hờ và nói lời cảm ơn sau khi đuổi khách về lẹ. Hôm sau vào phòng thi tôi mới biết Dũng ghi lộn số phòng.

 

Bà nội tôi đòi mai vào đền nhờ cô Nga viết tờ sớ khác, tôi vội cản ngăn:

-  Bà ơi, thần thánh có thần thông, nếu vào phòng không thấy con sẽ sang phòng khác tìm. Bà viết chi tờ sớ nữa cho tốn tiền.

 

Bà tôi nghe thấy có lý nên bỏ qua! 

 

Về cách xử thế với đời, bà hay dạy tôi bằng những câu ca dao tục ngữ như:

Ở sao cho vừa lòng người. 

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê. 

Béo chê béo trục béo tròn.

Gầy chê xương sống, xương sườn giơ ra. 

Rồi xoay qua vấn đề thế thái nhân tình, bà nói:

Tay mang túi bạc kè kè.

Nói khuyếch nói khoáng người nghe ầm ầm. 

Tay không miệng nói vẻ vang... thì, đến đây bà ngừng lại một lúc rồi cười khì:

-       Thì... Đếch đứa nào thèm nghe!

Động tới điều gì bà cũng xổ Kiều:

-       Càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều con ạ!

 

Nhiều lúc tôi còn muốn nghe bà chửi, để xem câu chửi văn vẻ như thế nào, bà không ưa cái cô hàng xóm cạnh nhà, lúc nào cũng đưa chuyện, bà chửi đổng:

-       Tiên sư bố cái con Thảo mai, lúc nào cũng nói lưỡi hai chiều, đúng là Cái lưỡi không xương, mười đường lắt léo.

 

Cô hàng xóm tên Xuyến, còn Thảo mai là từ ngữ chỉ người phụ nữ hay nói một đằng làm một nẻo, bảo người khác làm thế này nhưng mình lại làm thế kia, không trung thực, giả tạo.

 

Do vậy bà cứ oang oang đứng trong nhà chửi đổng, cô Xuyến bên cạnh có nghe cũng tưởng bà chửi cái con Thảo mai nào đó!

 

Bà nội tôi cái gì cũng tốt, nhất là đối với tôi, nhưng có một tính cố chấp thì không ai bằng. Bà đã thương ai rồi thì xấu tốt gì bà cũng thương luôn, đúng với câu:

Thương ai thương cả đường đi lối về.

Và 

Ghét ai ghét cả tông ti họ hàng.

Cũng do tính cố chấp ấy mà xảy ra không biết bao nhiêu chuyện không êm ấm trong gia đình.

 

Từ xa xưa bà nội tôi đã thiên vị hai cậu con trai rồi, người thương kẻ ghét lộ ra mặt. Bà kể, bố tôi lúc nhỏ đã có hiếu với mẹ rồi. Mỗi ngày mẹ cho mỗi đứa 5 xu ăn sáng, bố tôi chỉ tiêu 3 xu còn dư về trả lại cho mẹ, còn bác tôi chẳng những xơi hết, còn moi tiền của em nữa. Bà gọi bác tôi là "Thằng Cu Róm".

Nhưng trời đất oái oăm, kẻ bà yêu thương hết mực, đặt hết niềm tin và sức sống, là cây cột dựa vững chắc cho tuổi già lại yểu mệnh, bỏ bà ở lại với thằng Cu Róm đến suốt đời. Và cũng chính thằng Cu Róm đã chăm sóc tắm rửa, đút cơm cho cụ đến chín mươi tư tuổi, cho đến lúc cụ chán sống không chịu nuốt cơm rồi nghẹn mà tắt thở. Đấy là đoạn cuối của cuộc đời cụ, nhưng trước khi đến đó vẫn còn nhiều điều thú vị khác để viết về cụ.

 

Bà nội tôi có rất nhiều cháu nội, cháu ngoại ở hết lại ngoài Bắc nên bà không biết mặt một người nào cả. Bố tôi chỉ có mình tôi, bác tôi với người vợ cả quá cố chỉ mình anh Hải, nên cả hai rất được bà nội thương, rồi thương cả đường đi lối về nữa vì cho rằng hai đứa cháu mồ côi, đứa mồ côi mẹ đứa mồ côi cha, cần phải thương nhiều hơn đứa có cả bố lẫn mẹ. Xem ra cụ cũng có cái lý riêng của cụ. Sau này bác tôi lấy vợ trẻ chỉ hơn anh Hải bốn tuổi, bác gái tốt tướng đẻ sòn sòn năm một. Lúc đầu còn ba năm hai đứa, sau đầu năm sinh con gái cuối năm sinh con trai, thiên hạ bảo đẻ chừng nào hết trứng thì thôi. Mà quả thật, bác tôi đẻ một lèo đến người thứ bảy thì phải mổ, bác sĩ cấm không cho chửa đẻ nữa mới thôi. 

 

Sự thiên vị về tình yêu thương của bà nội tôi ở thế hệ trước đã làm bác tôi khổ tâm không ít. Ông thấy sự bất công xảy ra ngay trước mắt mỗi ngày nên có lúc phải than thầm, không biết mình có phải con ruột do bà đẻ ra không?

 

Đến thế hệ cháu chắt sau này cũng đi vào vết xe đổ như trước. Bà thương hai đứa cháu mồ côi hơn các con của bác tôi sau này. Quà bánh gì bà cũng dấu dành riêng cho tôi, chứ không chia đều cho các cháu khác. Câu chuyện một quả na đã ghim trong đầu những đứa trẻ thơ và đã mang theo suốt gần nửa cuộc đời mới giải tỏa nổi. Ôi, miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan đằng đầu. Tôi vì tham ăn đã dấu quả na, ăn một mình, lại để cho các anh chị con của bác nhìn miệng thèm thuồng.

 

Bà tôi sau này phải sống cô đơn lẫn cô độc trong căn nhà rộng lớn đầy con cháu ở San José. Các cháu nội chẳng ai để ý đến bà, chẳng trông nom và chẳng ai dám đến gần bà. Họ cũng là người tốt, nhưng tình cảm bà cháu không được phản hồi từ hai phía.

 

Tôi ở xa mãi tận bên Đức, bận đi làm và trông con mọn, làm sao năn nỉ chồng trông con cho mình sang Mỹ thăm bà. Cuối cùng tôi phải lập kế, nhờ bác tôi đánh cho một tờ dây thép báo tin bà tôi bệnh nặng, cần gặp cháu yêu lần cuối. Thế là tôi hiên ngang mua vé máy bay cùng cô bạn đồng nghiệp người Ba Lan bay gấp sang San Francisco làm chuyến chu du nước Mỹ lần đầu. 

 

Gặp lại tôi, bà vui mừng khôn xiết, hai bà cháu cứ suốt ngày quấn quýt bên nhau không rời nửa bước như ngày nào. Bà nhờ tôi may lại cho bà cái quần sa-tin trắng trong y phục tẩm liệm, cái quần cũ để lâu quá không dùng đã bị mọt mối cắn thủng. Bà nội tôi có gen trường thọ, răng nhuộm đen ít rụng, tóc vẫn đen không bạc, da trổ đồi mồi, không một viên thuốc cho những bệnh thời đại như cao máu, tiểu đường. Cụ sống đến 94 tuổi và ra đi do chán sống trong khi được bác tôi đút cơm không buồn nuốt bị nghẹn rồi tắt thở. Một cái chết êm ái trong tuổi già khiến nhiều người ngưỡng mộ trong đó có tôi.

 

Hoa Lan - Thiện Giới.

Vu Lan 2022.

 

 

 

 



***

facebook

youtube

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2011(Xem: 4197)
Tôi còn nhớ những lần ngồi tô màu vẽ ở bàn ăn trong nhà bếp. “Mẹ, xong rồi. Hãy nhìn tranh của con này”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
02/08/2011(Xem: 5135)
Ba đã ra đi rất tuyệt vời, khiến con cảm thấy Phật pháp thật nhiệm mầu và hiểu rõ mình cần chuẩn bị tư lương cho tôt trước khi xác thân tan rã. Ba ơi!
01/08/2011(Xem: 11186)
Mùa báo hiếu sao quên thân phụ Luôn nhắc mình lòng nhủ nhớ ơn Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
01/08/2011(Xem: 4902)
Tôi mới chuyển nhà đến một nơi ở mới không bao lâu, và cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân...
01/08/2011(Xem: 13540)
Mỗi người con khi rời xa gia đình, đều mang theo mình là cả một trời thân thương trong lời ru, trong tình thương, trong ánh mắt, trong trái tim bà mẹ.
01/08/2011(Xem: 6498)
Đức Phật của chúng ta đã dạy rất nhiều về đạo hiếu trong khắp cả các kinh điển. Chúng ta là Phật tử thì phải tâm tâm niệm niệm báo đền ân đức cha mẹ...
31/07/2011(Xem: 5179)
Một điều đáng chú ý là trong ngày hội Vu Lan Bồn, ngoài lễ nghi dâng cúng hương hoa, vật thực lên đức Phật, chư Tăng để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ...
31/07/2011(Xem: 5808)
Cùng chung một niềm tri ân vô hạn, ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
31/07/2011(Xem: 12123)
Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất.
23/07/2011(Xem: 4776)
Mỗi mùa Vu lan về là những người con Phật chúng ta có cơ hội nhìn ngắm lại những chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi từ nơi tâm mình và từ nơi chính cuộc sống hằng ngày của mình, để cúng dường lễ Vu lan, với một ý nghĩa thiết thực.Vulan, tiếng Phạn là Ullambana, Hán phiên âm là Vu lan bồn và dịch nghĩa là giải đảo huyền. Giải là mở, đảo là ngược và huyền là dây. Giải đảo huyền là mở sợi dây treo ngược.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]