Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Rằm Tháng Bảy

11/04/201312:03(Xem: 4794)
Rằm Tháng Bảy

Những mùa Vu Lan

Rằm Tháng Bảy

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Rằm tháng bảy đối với đạo Phật mang ý nghĩa đặc thù, tưởng cũng nên lược nêu ra đây vài đặc điểm:
1) Ngày tự tứ: Khi đức Phật còn ở đời, ngày ngày Ngài đi hoằng pháp khắp đó đây, nhưng đến mùa mưa từ khoảng rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, trong suốt thời gian ba tháng mùa hạ nầy, đức Phật và hàng đệ tử xuất gia đều tập trung ở một chỗ chuyên tâm tu học không ra ngoài, việc làm nầy ngoài ý nghĩa tránh sự giẫm đạp trùng kiến và mầm non cỏ cây, còn là thời gian để tăng chúng thúc liễm, thân tâm tinh tấn tu tập, gọi là thời gian kiết hạ an cư. Kiết hạ an cư tức là kiết giới an trú một chỗ tịnh tu suốt ba tháng mùa hạ, nên cũng gọi là cấm túc.
Ở Ấn-Độ, vào mùa hạ trời thường mưa ẩm ướt, côn trùng sanh sản, cỏ cây nẩy mầm, nên đức Phật khuyên hàng đệ tử tốt nhứt tập trung ở một chỗ để chuyên tâm tịnh tu. Trong suốt thời gian ba tháng hạ, đức Phật ròng rã thuyết pháp, chư Tăng tĩnh tâm chuyên cần ngày đêm tinh tấn tu học không ngừng, đồng thời cũng là dịp trình giải sở đắc, trao đổi kinh nghiệm tu học và hoằng pháp. Thời gian ba tháng an cư nầy, chư Tăng ngày đêm gia công chuyên ròng tu tập gấp bội ngày thường, nên giới hạnh công đức cũng theo đó mà tăng trưởng cao dày. Do ý nghĩa đặc thù nầy, hằng năm chư Tăng đều y theo lời Phật chế định mà hành trì. Tuy đức Phật đã niết-bàn từ lâu, nhưng ở bất cứ quốc độ nào, có đạo Phật, có thanh tịnh tăng chánh truyền, vẫn thực hiện thời gian an cư kiết hạ tinh tấn tu tập như khi Phật còn ở đời. Thời gian kiết hạ an cư chính là thời gian trưởng dưỡng đạo hạnh, tài bồi công đức, giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm kiên cố. Chư Tăng giới hạnh thanh tịnh là trang nghiêm mạng mạch đạo pháp vững mạnh trường tồn. Thế nên, trước giờ nhập Niết-Bàn, đức Phật ân cần nói: “Giới luật còn thì đạo pháp còn”. Có nghĩa là hàng đệ tử Phật còn biết tôn trọng giữ gìn giới luật thì sức sống của đạo pháp còn. Phật Pháp thịnh suy tùy theo sự hành trì giới pháp.
Chư Tăng kiết hạ từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy là thời gian tròn đủ ba tháng, do đó rằm tháng bảy cũng thường gọi là ngày mãn hạ. Ngày mãn hạ còn gọi là ngày giải hạ. Ngày nầy chư Tăng hội họp để làm pháp tự tứ, nghĩa là mỗi người tự trình bày những điều mình thấy, nghe, hay, biết và chỗ sở đắc, đồng thời thành tâm thỉnh các bậc trưởng lão và đại chúng hoan hỷ nêu chỉ những điều nghi là có lầm lỗi qua sự thấy, nghe, hay, biết, mà chính mình không hay biết để được sám hối và sửa đổi. Thế nên, khi tự tứ, mỗi vị tăng ở giữa đại chúng, quỳ lạy trước vị trưởng lão thành tâm thưa: “Bạch Đại-Đức, chúng Tăng ngày nay tự tứ, con tỳ-kheo là (xưng tên mình) cũng xin được tự-tứ, nếu thấy tội, nghe tội, nghi có tội, xin Đại-Đức thương xót chỉ bảo cho con. Nếu con thấy có tội sẽ y như pháp mà sám hối”. Phải ba lần thưa như vậy. Tự mình đem hết cõi lòng chân thành hoan hỷ trình bày chỗ thấy nghe hay biết rồi đồng thời thỉnh trưởng lão và đại chúng hoan hỷ chỉ giáo, trong tinh thần từ mẫn tương thân tương kính tương sám để tự và tha đều hoan hỷ chân tình cởi mở hết cõi lòng đồng hỗ tương sách tấn bằng cách chỉ nhắc cho nhau khi mãn hạ trong ngày rằm tháng bảy, nên nhà Phật gọi là ngày tự tứ.
2) Ngày tăng-trưởng hạ lạp, tức là ngày được thêm tuổi đạo. Người đời, cứ mỗi năm đến ngày mùng một Tết là thêm một tuổi thọ. Và bao nhiêu lần Tết là được bao nhiêu tuổi thọ. Nhưng nhà Phật thì không như thế. Nhà Phật tính theo tuổi đạo mà không tính theo tuổi đời. Tuổi đạo là tuổi căn cứ đạo hạnh, tức là thọ tỳ-kheo giới, thực hành kiết hạ an cư mới có hạ lạp, tức là mới được có tuổi đạo. Thế nên người đó cho dù có năm bảy chục tuổi đời mà không có thọ giới tỳ-kheo, không theo đại chúng làm pháp an cư kiết hạ, hoặc không thỉnh giới nơi bậc trưởng lão chứng pháp để tự tứ an cư tức là an cư kiết hạ chỗ mình đang ở, thì vẫn không có tuổi đạo. Dù có cạo tóc ở chùa thọ giới đi chăng nữa mà không có tâm thức và ý nghĩa an cư, không có ý thiết tha cầu học nơi bậc trưởng thượng để kiết giới an cư, cũng chẳng có tâm niệm thành thiết nghĩ đến kiết hạ an cư, thì đó là hạng người hình đồng xuất gia, danh tướng tỳ-kheo, chỉ được giới tướng, mà giới thể tâm đức vẫn bất khả nhập, dĩ nhiên không có hạ lạp, không có tuổi đạo. Người có thọ giới mà không an cư kiết hạ còn thế, huống chi là kẻ không thọ giới mà mặc áo cà-sa làm tăng!
Kinh Di-Giáo, trước giờ vào Niết-Bàn, Đức Phật dạy: “Nầy các Tỳ-kheo, hãy giữ tịnh giới đừng để thiếu sót hủy phạm, giữ tịnh giới thì có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không phát sanh”. Thời mạt pháp có kẻ cạo tóc mặc áo làm tăng mà chẳng cần thọ giới tu hạ, lại tư xưng là thầy tăng. Đạo-Tuyên Luật-Sư nói: “Kẻ ngụy tăng cạo tóc đắp y thì chẳng cần thọ giới! Giới không có, thì định huệ sao thành, cữa ngõ nào để vào đạo, đức hạnh từ đâu sanh?” Ngài Đạo-An cũng nói: “Kẻ cuồng thiền chẳng cần giới. Kẻ ngụy tăng chẳng cần kiết hạ. Ngã mạn tăng chẳng cần nương học hỏi nơi bậc trưởng thượng”. Đối với những kẻ khinh thường thọ giới, kiết hạ an cư, ngông nghênh vượt bậc, khoa trương mong người biết danh cung dưỡng, ngài Châu-Hoằng nói: “Kẻ ngu mờ mịt chẳng biết thứ bậc hạ lạp, người cuồng khinh giới chẳng học, bèn toan tính vượt bực cao xa, thật đáng đau lòng thương xót!”. Người chân chánh tu thiền thì tinh nghiêm giới luật cầu thầy học đạo, theo thứ bậc hành trì. Kẻ tà thiền thì ngông cuồng vượt bậc chẳng giới luật, cho rằng: “Thọ giới đắp y chỉ là hình tướng, tu thiền không cần”. Thật là ăn nói quàng xiên, không hợp kinh điển, nên thiền tổ Bách-Trượng âu lo cho Phật pháp suy tàn, mang tâm nguyện duy trì kỷ cương đạo pháp, chỉnh lý sự tướng, phò trì luật nghi phát huy đạo hạnh, nên làm ra bộ Tòng-Lâm-Thanh-Qui Bách-Trượng.
Chư Tăng y giới pháp an cư kiết hạ, suốt ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy chuyên tâm tinh tấn tu tập, sau khi tự tứ tức là ngày 16 tháng 7 âm lịch là ngày được thêm một tuổi đạo, cũng gọi là ngày thọ tuế. Người xuất gia tỳ-kheo có thực hành bao lần kiết hạ an cư là được bao tuổi đạo, tức là hạ lạp tăng trưởng theo số lần kiết hạ.
3) Ngày Phật hoan hỷ: Đức Phật trải nhiều kiếp tu hành gian nan khó khổ cũng vì mang đại nguyện lợi tha cứu độ chúng sanh. Đức Phật ra đời đang sống trong cung vàng điện ngọc, vì nhận rõ thật tướng cuộc đời là mộng huyễn khổ đau, nên Ngài rời bỏ cung vàng điện ngọc, độc thân vào rừng tu khổ hạnh với tâm nguyện cứu độ chúng sanh. Sau khi chiến thắng ma quân, điều ngự chướng nạn nội tâm ngoại cảnh, Ngài chứng thành đạo quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh giác dưới gốc cây Bồ-đề. Kể từ đó và suốt cuộc đời, Ngài ngày đi đêm nghỉ khắp đó đây trên vạn nẻo đường thành thị thôn quê để hoằng pháp độ sanh. Nghĩa là, đức Phật cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đem chánh pháp thức tỉnh quần sanh, những mong người đời giác ngộ để thoát vòng luân hồi sanh tử. Vì thương chúng sanh mà phải hy sinh tất cả lạc thú riêng mình cho sự nghiệp giáo hóa độ sanh. Không phải chỉ một đức Phật Thích-Ca tha thiết thương chúng sanh, mà mười phương chư Phật cũng đều thương chúng sanh như thế. Do vậy mà ngày rằm tháng bảy chư Tăng tròn đầy ba tháng an cư tu tập, giới hạnh thanh tịnh, đạo niệm kiên cố, tuổi đạo tăng trưởng, tức là hàng trưởng tử Như-Lai rút ngắn đường đến đạo quả giác ngộ giải thoát, nên chư Phật vô cùng hoan hỷ. Do đó, kinh Phật nói rằm tháng bảy là ngày chư Phật hoan hỷ.
4) Vu-Lan thắng hội: Tôn-giả Mục-Kiền-Liên trước kia tu theo ngoại đạo, sau khi được nghe Phật thuyết pháp rồi tỉnh ngộ, hồi đầu quy Phật, xin theo Phật xuất gia tu hành. Do chuyên ròng tinh tấn tu tập, nên chẳng bao lâu Mục-Kiền-Liên chứng quả A-la-hán, trở thành một trong những đại đệ tử của Phật, đặc biệt sở đắc về thần thông đệ nhất. Một ngày nọ, tôn-giả Mục-Kiền-Liên dùng thần thông huệ nhãn quán sát tìm xem mẹ cha hiện giờ sanh ở nơi nào, thì thấy cha ở cõi trời hưởng phước báo an vui, nhưng không thấy mẹ đâu cả. Ngài vội vã xoay tìm khắp nhân gian cũng không thấy hình bóng mẹ. Quá đỗi kinh ngạc, Ngài quán sát khắp trong sáu nẻo luân hồi, thì thấy mẹ là bà Thanh-Đề sanh trong loài ngạ quỷ, thân hình ốm gầy khắp người mọc đầy lông lá, da bọc lấy xương, lửa nghiệp đói khát nung đốt khổ sở vô cùng.
Quá xúc động, lòng trào dâng nỗi xót thương, tôn-giả Mục-Kiền-Liên liền bưng cơm đến dâng cho mẹ, nhưng cơm vừa để vào miệng thì hóa thành lửa bốc cháy cả tay miệng, mặt bà Thanh-Đề, làm cho Ngài vô cùng sửng sốt đau lòng đến tột độ, liền về bạch hết sự tình lên Phật. Đức Phật nói: “Mẹ ông khi còn ở đời tham lam, bỏn xẻn, ganh ghét, đố kỵ, khinh khi sư tăng, chẳng kính tin Tam-Bảo, lừa đảo hơn thua đố kỵ, tạo nhiều tội ác như vậy, nên nghiệp lực dẫn dắt sanh vào ngạ quỷ! Ông nay tuy chứng đạo quả A-la-hán, lòng hiếu thảo của ông cảm động đến trời đất, nhưng đạo đức một mình ông không thể cứu được mẹ. Nghiệp ác của mẹ ông như quả núi to, mà đạo đức của ông như chiếc thuyền nan nhỏ, đâu có thể chở nổi quả núi qua sông. Chỉ còn phương pháp duy nhất là, vào ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư Tăng tròn đầy ba tháng an cư kiết hạ, làm lễ tự tứ, ông nên nhân dịp đó thành tâm sắm sửa y phục thức ăn dâng cúng dường chư Tăng, nhờ công đức tu hành, giới hạnh thanh tịnh trang nghiêm trong ba tháng an cư, sức chú nguyện của chư Tăng, đức chúng như hải mới có năng lực chuyển hóa được nghiệp tội của mẹ ông. Do sự thành tâm cúng dường, nhờ chư Tăng giới hạnh thanh tịnh chú nguyện, đức chúng như hải vạn năng mới có thể cứu độ tội nhân”. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên liền y theo lời Phật dạy thành khẩn nhất tâm thực hành, bà Thanh-Đề nhờ phước đức đó mà thoát kiếp ngạ quỷ sanh về cõi trời.
Phương pháp báo hiếu nầy được Phật khuyến khích hàng đệ tử noi theo và được tiếp nối truyền mãi cho đến ngày nay.
Tóm lại, ngày rằm tháng bảy là ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Tăng thêm tuổi đạo, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày Vu-Lan báo hiếu. Với những ý nghĩa đặc thù nầy, nên ngày rằm tháng bảy còn gọi là ngày Vu-Lan thắng hội.
Dù tế tự muôn ngàn đền thờ mà suốt đời không đình chỉ được tâm mông lung, thì chẳng bằng một giây phút chuyên nhất tâm trí lại nơi chánh pháp.
Kinh Pháp Cú
Hạnh phúc chân thật chỉ khi nào tâm không còn mọi mối lo âu.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/08/2012(Xem: 5513)
Đây là mùa Vu Lan đầu tiên trong đời mẹ tôi không còn. Cảm giác này chỉ khi nào tự thân mình trải nghiệm thật sự thì mới cảm nhận được trọn vẹn ra sao. Bao nhiêu năm, tôi chỉ vay mượn cảm giác của người khác về trạng huống tâm thức của người con mất mẹ làm cảm thức cho mình. Đôi khi tôi bị lôi cuốn vào
19/08/2012(Xem: 4896)
Bên đường, từng hàng phượng vỹ thay lá mới, đâm chồi non và chuẩn bị tung hoa đỏ thắm báo hiệu mùa hè đang đến gần. Bất chợt một ngày nào đó dạo xe phố cổ Thần Kinh, bắt gặp cô gái bán sen e ấp nón lá bài thơ trong chiếc áo bà ba, lặng hồn nhớ mùa sen hồ Tịnh Tâm đang nở rộ. Đó cũng là mùa Vu lan, mùa mà bất cứ chùa nào cũng đầy ắp sắc hương sen và tràn ngập âm vang kinh đền ơn báo hiếu cha mẹ. Trong biển từ âm vang vọng từng lời kinh tiếng kệ thanh thoát ấy, cứ mỗi lần niệm khúc sám Vu lan trổi lên là mỗi lần triệu triệu nhịp đập con tim người Phật tử thổn thức.
16/08/2012(Xem: 7123)
Mỗi năm vào rằm tháng bảy mùa Vu Lan Hiếu Hạnh lại trở về, mùa của những con tim rộn ràng thổn thức, hy vọng đợi mong nhớ thương cha mẹ người thân tìm về ngự trị. Cũng là dịp để chúng ta tri ơn, nhớ ơn, báo ơn, đền ơn đến với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, người còn kẻ mất, những anh hùng liệt nữ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn, đã hy sinh cho sự sống còn của Dân Tộc, cho đến muôn loài chúng sanh.
14/08/2012(Xem: 4966)
Trước mắt tôi hiện lên bao người Mẹ. Này đây nước mắt Mẹ mừng vui khi con khôn lớn, khi con nên vợ nên chồng; này đây dáng Mẹ cánh cò, cánh vạc xăm xăm sớm tối đi về...
04/07/2012(Xem: 4942)
Lễ Vu Lan 2015 do Cộng Đồng Phật Tử VN tổ chức tại Chùa Quốc Tế, Darwin, Bắc Úc
30/03/2012(Xem: 4681)
Mẹ của con là đẹp nhất trên đời! Con thương dáng người gầy gầy mong manh của Mẹ trong những buổi chợ sớm mai. Con thương nụ cười đẹp như trăng rằm của Mẹ. Đôi bàn tay của Mẹ chắt chiu từng giọt sữa ngọt lành nuôi anh em chúng con khôn lớn. Con thích nhất đôi bàn tay của Mẹ... (Kính dâng lên Thượng tọa Giáo thọ sư nhân ngày tiễn đưa mẹ)
05/03/2012(Xem: 16683)
Ai đã một lần hiện hữu làm người, có mặt trên cuộc đời nầy, đều không do Cha Mẹ sanh ra, dù là Thánh nhân hay phàm tục. Cho đến khi khôn lớn, trưởng thành...
01/10/2011(Xem: 5911)
Trong đất trời bao la rộng lớn, em mơ thấy mẹ đang cầu nguyện cho em, mẹ đưa cho em sữa, thứ quý giá của đất trời, mẹ của em ở một nơi rất xa.
26/09/2011(Xem: 4444)
Hay tin Mẹ tôi lâm trọng bệnh, tôi liền vội vả book vé máy bay về ngay. Lúc mới nhận được tin cháu tôi cho hay, rằng Mẹ tôi đang trong tình trạng hấp hối, thú thật, lòng tôi lúc đó cũng có chút thoáng buồn, nhưng sau đó, tôi lấy lại bình tĩnh ngay không có gì phải ưu tư lo lắng. Vì tôi nghĩ rằng, đời người ai rồi cũng phải bước qua cái ngưỡng cửa tử thần. Hơn thế nữa, tuổi thọ của Mẹ tôi năm nay cũng đã khá cao, chỉ còn qua một cái Tết nữa là Bà đã tròn đúng một trăm tuổi thọ.
05/09/2011(Xem: 7048)
Mẹ già tần tảo tháng ngày Giành con tấm áo kịp tày lứa đôi Hiên ngoài rả rích giọt rơi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]