Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011
Ngày Vu Lan, một thoáng suy tư
Nguồn: Thích Thanh Lương
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Nhiều khi chúng ta như muốn níu nó lại để cảm nhận từng cung bậc buồn vui của cuộc sống. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã từng ôm ấp một mơ ước thật táo tợn như thế, một cảm giác yêu cuộc sống đến 'vội vã', lạ lùng:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Vội Vàng - Xuân Diệu)
Nhưng không! Cuộc đời vốn dĩ là một dòng chảy vô thường, là dòng sông cứ biến dịch mãi, để rồi 'không ai có thể tắm hai lần trên dòng sông đó'. Con người của ngày hôm nay quả thực đã khác hẳn con người của ngày hôm qua, giọt nắng của hôm nay đã khác đi giọt nắng của hôm qua mất rồi. Tất cả sự thay đổi nhẹ nhàng ấy dường như cứ làm lắng dịu dần những ký ức đã xa, dẫu cho đó có là niềm hạnh phúc đến vỡ òa, hay là nỗi buồn đến da diết. Sự lắng dịu đó nhiều khi khiến chúng ta có cảm giác mọi thứ đã qua rồi, đã xa thật rồi! Nhưng không đâu ạ! Nó vẫn còn nguyên vẹn trong tận sâu thẳm tâm tư của mỗi người. Nỗi buồn xưa nó vẫn cứ còn âm ĩ đâu đó và thỉnh thoảng lại thoáng hiện về làm cho lòng người càng tê tái hơn.
Và cũng thế, mùa Vu lan đến rồi lại đi lặng lẽ, nhưng đóa hoa hồng chúng ta cài trên áo theo thời gian sẽ không còn thắm đượm và đỏ tươi mãi, cứ phai dần như mái tóc của mẹ bạc theo sương khói cuộc đời. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta lại ngậm ngùi cài lên ngực mình một bông hoa màu trắng với ý niệm mẹ đã đi thật rồi!
Chiều nay, Vu lan cũng lại về trên xứ lạ quê người. Dường như có một cái gì đó cứ u uất và buồn bã, dẫu rằng tiết trời không phải vào thu với gió 'đìu hiu', với những chiếc là vàng rơi 'lác đác', với những cơn 'mưa dầm sùi sụt' như đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi mây lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng.
(Văn Tế Thập Loại Cô Hồn – Nguyễn Du)
Ở đây tiết trời cuối đông lạnh giá, cây cối hoang tàn trơ trụi. Vu lan về trong không khí lạnh lẽo, khắc nghiệt, một chút nắng yếu ớt len qua từng chiếc lá khô còn đọng lại trên cành cũng chỉ để làm cho lòng người thêm buốt. Tôi lại đứng lặng trước sân Tu viện, lắng nghe tiếng chuông chiều réo rắt, trầm lắng để rồi bất chợt từ đáy lòng mình lại thốt lên:
Vu lan về trên vùng đất lạnh
Sương tuyết rơi phủ trắng cả chân đồi
Gió chiều nhẹ nâng hồn người lữ thứ
Mây lang thang phiêu bạt giữa trời Không.
Thế là ý niệm Vu lan, mùa hiếu hạnh thật sự đã về trong ký ức của tôi, tôi lại nhớ đến mẹ, người vẫn đang lầm lũi nơi quê nghèo cách biệt ấy, vẫn đang từng giờ từng phút đợi chờ những cuộc điện thoại từ phương xa…
Sao mà buồn đến thế? Tôi tự hỏi mình để rồi hiểu thấu và cảm thông cho những người xa quê hương đã lâu, biền biệt nơi xứ người với cuộc sống với đầy lo toan và bận rộn. Có lẽ mỗi năm họ cũng đều trầm uất với nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương đến dai dẵng như thế này. Quả thật như vậy! Đóa hồng tươi ai đó vừa cài lên áo nhưng vẫn chan chứa một nỗi buồn man mác, vì xa và nhớ mẹ. Và trong ánh mắt ấy tôi đã nhìn ra hình ảnh của người mẹ già đang trông ngóng tin con đến mỏi mòn sâu thẳm.
Bất chợt từ trong hội chúng trước mặt, tôi lại bắt gặp hình ảnh của em bé khoảng độ lên 10 mà đã cài trên ngực mình một đóa hoa màu trắng. Khi tiếng nhạc 'Bông hồng cài áo' vừa ngân lên thì cũng là lúc em khóc nức nở làm tôi rùng mình. Tiếng khóc của em càng lúc càng lớn hơn với hai hàng lệ ngấn dài trên đôi má ửng hồng thơ dại. Tôi muốn đến bên em. Quả thật là vậy đó! tôi muốn ôm em vào lòng để vỗ về và xoa dịu nỗi đau, nỗi buồn vì nhớ mẹ vẫn đang hành hạ em trong những khoảnh khắc như thế. Tôi cũng muốn nói với em rằng: "Em ơi, xin đừng khóc nữa, bởi vì em có biết không? Tiếng khóc của em đang hằn lên những vết thương trong lòng tôi'.
Đóa hồng trắng em vừa cài lên áo
Xin chớ khóc dẫu biết mẹ xa rồi!
Đêm xuống, khi tất cả Phật tử ra về hết, để lại sân Tu viện vắng tanh. Một mình tôi vẫn bước đi những bước chân âm thầm như thường lệ và quán niệm theo từng hơi thở vào ra nhịp nhàng, đều đặn trên từng bước chân thiền hành. Hình ảnh của em bé lúc chiều cứ ám ảnh mãi trong trí, làm tôi xao xuyến bùi ngùi để suy tư về một điều gì đó của kiếp người.
Hồi còn ở Việt Nam, có một vài lần tôi đã đi hộ niệm đám tang cho những người trẻ tuổi chết do tai nạn xe cộ hay thiên tai bão lụt, … Không biết bao nhiêu lần rồi tôi cũng đã từng lén giấu đi những giọt buồn trên đôi mắt khi thấy những đứa trẻ thơ ngây đang hạnh phúc trong cái áo tang màu trắng, ngẩn ngơ trước sự mất mát lớn lao của chúng. Những mảnh đời đó rồi sẽ đi về đâu? Câu hỏi cứ mãi réo gọi trong lòng tôi, hay rồi chỉ như là hình ảnh của đứa bé 'lang thang' trong bài hát thật xúc cảm của nhạc sĩ Nguyên Khang mà thôi!
Trong đêm một bàn chân bước
Bé xíu lang thang trên đường
Ánh mắt buồn mệt nhoài của em,
Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu?
Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày
Vì em không cha, vì em đã mất mẹ
Đau thương vẫn là đau thương'
(Đứa Bé – Nguyên Khang)
Sống trên đất Úc với đời sống vật chất rất đầy đủ này, tôi tin rằng em bé lúc chiều sẽ không phải lo toan, lang thang để kiếm miếng cơm manh áo như những em bé mồ côi ở Việt Nam, nhưng cuộc sống nơi xứ người này liệu em có thể vượt qua được những cám dỗ của cuộc đời hay không khi phải một mình đi qua tuổi thơ không có mẹ. Và rồi, chắc chắn vào những đêm mùa Đông, khi tiết trời lạnh giá như thế này em sẽ khóc và nhớ mẹ nhiều lắm! Bởi vì, tất cả những gì trên thế gian này mãi mãi sẻ không bao giờ thay thế được đôi bàn tay ấm áp của mẹ hiền.
Nghĩ đến đó tôi ngước nhìn lên thánh tượng của đức Bồ tát Quán Thế Âm phía trước sân, rồi thầm khấn nguyện cho những mảnh đời bất hạnh như thế! Mong sao cho các em có được sự bình an, ấm áp và đủ nghị lực để vượt qua được bão tuyết của cuộc đời!