Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài Vấn Đề Pháp Lý Trong Sinh Hoạt Tự Viện

10/04/201320:10(Xem: 8406)
Vài Vấn Đề Pháp Lý Trong Sinh Hoạt Tự Viện

Vài Vấn Đề Pháp Lý Trong Sinh Hoạt Tự Viện

Ls Lưu Tường Quang, AO

Bài nầy chỉ nhằm tóm lược một số điểm chính đã được trình bày tại Hội Nghị Khoáng Đại Kỳ 4 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, được tổ chức tại Chùa Pháp Hoa, Adelaide, ngày 17-19 tháng 3 năm 2011.
Dưới nhan đề ‘Những Vấn Đề Pháp Lý trong Sinh Hoạt Tự Viện Giáo Hội’, Chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như các Đại biểu Phật tử đã dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để thảo luận cùng tác giả nhiều nguyên tắc pháp lý và ứng dụng vào một số hoàn cảnh thực tế hoặc giả định mà tác giả hi vọng có thể hữu ích cho các tự viện thành viên của Giáo hội và Giáo hội trong sinh hoạt xã hội dân sự Úc Châu.
Phần thuyết trình, cuộc thảo luận cũng như bài tóm lược nầy chỉ nhằm mục đích thông tin tổng quát và hoàn toàn không có tính cách cố vấn luật pháp.

Úc Đại Lợi là một xã hội dân sự, pháp trị và văn hóa đa nguyên. Những tổ chức và cá nhân sinh hoạt hài hòa trong phạm vi luật định, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và phái tính. Úc Đại Lợi cũng là một xã hội thế tục mà Hiến Pháp Liên Bang (Section 116 of the 1901 Constitution of the Commonwealth of Australia) không cho phép chánh phủ can dự vào tôn giáo và sự phân biệt giữa giáo quyền và thế quyền được phân định và chấp nhận.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ít ai quan tâm đến hậu quả pháp lý, nhưng mỗi khi có tranh chấp hoặc cáo buộc những việc sai trái thì vấn đề thường phải được giải quyết theo những qui định của luật pháp liên bang hoặc tiểu bang. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa luật liên bang và luật tiểu bang, thì luật liên bang sẽ được áp dụng. Sáu tiểu bang và hai lãnh thổ của Úc Đại Lợi thường theo đuổi những nguyên tắc và áp dụng tiêu chuẩn luật pháp tương tự như nhau, nhưng không phải vì thế mà không có những sự khác biệt giữa các tiểu bang và lãnh thổ. Dưới cấp tiểu bang, còn có hội đồng thành phố địa phương và mỗi hội đồng thành phố địa phương còn có những qui lệ khác nhau. Tất cả đều có thể chi phối sinh hoạt của Giáo hội và tự viện thành viên của Giáo hội.
Tại Úc, một trách nhiệm mà chúng ta cần biết nhưng không phải thảo luận ở đây là trách nhiệm của chủ nhà (occupiers’ liabilities), bởi lý do là các đơn vị gia cư, các cơ sở kể cả cơ sở tôn giáo đều có bảo hiểm và thông thường bảo hiểm nầy bao gồm cả trách nhiệm của sở hữu chủ đối với những khách vãng lai. Thí dụ bất cứ những ai đến Chùa để thăm viếng hoặc lễ Phật hoặc Phật tử làm công tác thiện nguyện tại Chùa bị tai nạn và cần được bồi thường. Trong trường hợp Chùa có nhân viên làm việc được trả lương (như Văn phòng Dịch vụ Xã hội) Chùa còn có những bổn phận khác với tư cách là một chủ nhân, kể cả các trách nhiệm về sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp (Health and Occupational Safety legislations).
Trong số nhiều vấn đề pháp lý khác mà chúng ta cần quan tâm là vấn đề tài sản và thừa kế và việc gây quỹ để xây dựng cơ sở hoặc để làm công tác thiện nguyện. Những tranh chấp trong các sinh hoạt nầy có thể chưa hoặc ít xảy ra trong cộng đồng phật tử Việt nam tại Úc, nhưng có nhiều tranh chấp dẫn đến kiện tụng đã xảy ra trong sinh hoạt của các tôn giáo khác mà chúng ta có thể nghiên cứu học hỏi.
Thí dụ 1: Tranh chấp sở hữu giáo đường và giáo quyền Hi Lạp tại Úc
Lập nghiệp tại Úc trên thế kỷ nay, cộng đồng Hi Lạp đã ổn định và thành công về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và hội nhập chính trị. Cũng như các cộng đồng phật tử, và đặc biệt là phật tử người Việt, di dân theo Chính Thống Giáo Hi Lạp đã phải xây dựng cơ sở tôn giáo để phục vụ nhu cầu tâm linh của họ. Trong tiến trình phát triển, Giáo hội Chính Thống Hi Lạp đã phân hóa và đã từng có tranh chấp với nhau trước tòa án giữa The Greek Orthodox Archdiocese of Australia and New Zealand và The Greek Orthodox Community tại các tiểu bang Úc Châu.
Cuộc tranh chấp nầy đã không giới hạn vào một số tài sản (bất động sản như giáo đường) mà còn lan rộng vào lãnh vực giáo quyền. Thí dụ The Greek Orthodox Community of NSW không công nhận giáo quyền của tu sĩ Hi Lạp trong các lãnh vực an sinh xã hội như nhà dưỡng lão, nhà giữ trẻ vân vân…
Úc Châu có nhiều Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng đây không phải vì lý do tranh chấp tài sản hay thách đố giáo quyền. Trái lại, các Giáo hội Phật giáo Việt nam tại Úc giữ thái độ tương kính và thường hợp tác với nhau.
Thí dụ 2: Liên hệ giữa hội đồng quản trị mosques và tu sĩ Hồi giáo (Imams as employees)
Di dân theo Hồi Giáo tại Úc cũng phải xây dựng giáo đường (mosques) và thành lập tổ chức quản trị cơ sở. The Lebanese Moslim Association (LMA) được thành lập hồi năm 1966 để tạo dựng và quản trị cơ sở tôn giáo, thí dụ như Lakemba Mosque ở Sydney. LMA còn tuyển dụng tu sĩ (Imams) để phục vụ tại các mosques, nên dưới mắt luật pháp, liên hệ giữa LMA và Imams trở nên phức tạp vì đây là liên hệ giữa chủ nhân với nhân viên là một lãnh đạo tinh thần.
Hồi đầu thập niên 1980, một số vị cao tăng Việt nam đã được Phật tử Việt nam tại Úc bảo lãnh từ các trại tị nạn ở Đông Nam Á hoặc từ Nhựt Bản, nhưng khi thành lập tự viện, các vị cao tăng nầy trở thành Viện chủ hoặc Trụ trì của tự viện chớ không phải là nhân viên của Hội hoặc Nhóm bảo lãnh.
Thí dụ 3: Liên hệ giữa tự viện tại Úc và Tông phái Phật giáo tại Thái Lan.
Đây là tranh chấp giữa một chùa Thái tại Perth đối với Tông phái Phật Giáo tại Thái Lan mà chùa nầy là thành viên. Khởi đầu là một số tăng sĩ Thái Lan chống đối việc Chùa Thái tại Perth tổ chức thọ giới tỳ kheo ni. Nhưng, cuộc tranh chấp nầy lan rộng sang các lãnh vực phái tính tu sĩ, sở hữu chủ tài sản và quản trị tài chánh.
Vấn đề khác biệt là tại Thái Lan, tài sản tự viện do Ban Hành Chánh của Hội Đồng Tăng Già Tối Cao sở hữu và quản trị trong khi tại Úc (và Tây Úc), Hội / Chùa Thái địa phương sở hữu và quản trị tài sản nầy. Hội Phật Giáo Tây Úc / The Buddhist Society of Western Australia ủng hộ Hội / Chùa Thái tại Perth trong cuộc tranh chấp tài sản và giáo quyền đối với tỳ kheo ni.
Nhiều tự viện Việt Nam tại Úc cũng là thành viên của các Tông Phái Phật giáo tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ có tranh chấp về tài sản giữa Tông Phái ở Việt Nam và tự viện tại Úc. Tự viện Việt nam tại Úc do Hội Phật Giáo địa phương hoặc cá nhân sở hữu và quản trị.
Tuy nhiên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi -Tân Tây Lan (Giáo hội Úc Châu) có liên hệ với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Việt nam (Giáo hội Việt Nam) – và bản chất của liên hệ nầy là gì?
Bài nầy không đề cập đến vấn đề giáo quyền giữa Giáo hội Úc và Giáo hội Việt nam cũng như hậu quả của Giáo Chỉ số 9 mà chư tôn đức và cư sĩ Phật giáo ở nước ngoài đã bàn thảo trong nhiều năm qua.
Chúng ta chỉ ghi nhận ngắn gọn là Bản Hiến Chương của Giáo Hội Úc Châu được chấp thuận tại Đại Hội Kỳ 1 tại Chùa Pháp Bảo ở Sydney năm 1999 xác định liên hệ nầy như sau: “xác định mối quan hệ gắn bó truyền thống với GHPGVNTN (UBCV) tại quê nhà”. Năm 2007 tại Chùa Phổ Quang ở Perth, Đại Hội Kỳ 3 của Giáo hội Úc Châu đã tu chính Hiến Chương và xác nhận liên hệ nầy như là “tư thế trực thuộc tinh thần với GHPGVNTH tại quốc nội.”
Dầu là ‘mối quan hệ gắn bó truyền thống’ hay ‘tư thế trực thuộc tinh thần’, Giáo hội Úc Châu là một tổ chức độc lập mà tài sản giáo hội, nếu có, không thể bị tranh chấp bởi một giáo hội khác tại Úc Châu hoặc bên ngoài Úc Châu.
Vấn Đề Tài Sản
Theo cấu trúc hiện nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan gồm một số thành viên khoảng 35 tự viện mà phần lớn tọa lạc tại Úc và một vài tại Tân Tây Lan. Giáo hội có tư cách riêng và trên nguyên tắc có thể sở hữu tài sản, nhưng trong thực tế, có lẽ Giáo hội chưa có khả năng tài chánh để thủ đắc bất động sản và chỉ sinh hoạt với phương tiện tài chánh khiêm tốn do thành viên đóng góp.
Đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Giáo hội Thiên Chúa Giáo tại Úc Châu và Tân Tây Lan.
Tự viện trực thuộc Giáo hội thủ đắc tài sản một cách riêng rẽ với nhau và với Giáo Hội. Vấn đề được đặt ra là tài sản của tự viện nên được sở hữu và quản trị như thế nào, kể cả việc thừa kế, mỗi khi vị Viện Chủ hoặc Trụ Trì viên tịch.
Khó khăn về thừa kế đã xảy ra tại Việt nam. Chùa Thiên Giác ở Sài Gòn là một thí dụ cụ thể. Theo báo Giác Ngộ ngày 9 tháng 2 năm 2011, sau khi Tỳ kheo Ni Thích Nữ Huệ Tịnh viên tịch, người ta khám phá một tích sản US$138 850 trong trương mục của Bà nhưng với thế danh của Bà là Đỗ Thị Thiêng. Ngân khoản nầy trở thành mối tranh chấp giữa thân nhân và Chùa Thiên Giác.
Một trường hợp tranh chấp quyền sở hữu bất động sản đã xảy ra tại Úc, sau khi vị trụ trì Chùa Minh Giác ở Fairfield NSW viên tịch hồi năm 2002.
‘Cải gia vi tự’ là một tiến trình khó khăn và thường là do nỗ lực cá nhân của một vị tỳ kheo hoặc tỳ kheo ni, nên chúng ta cũng dễ hiểu vì sao mà về mặt pháp lý, một số cơ sở thường do một cá nhân làm chủ. Cơ sở tôn giáo do một cá nhân làm chủ có thể gây ra nhiều ngộ nhận và tranh chấp, khi vị trụ trì sáng lập viên tịch.
Học hỏi từ kinh nghiệm của vài tôn giáo khác, chúng ta có thể nghĩ đến 2 giải pháp để vượt qua khó khăn của một cơ sở ‘chung’ nhưng lại được sở hữu ‘riêng’.
Giải pháp A: Luật Quốc Hội Tiểu Bang thành lập Property Trusts
Tác giả không đề nghị giải pháp nầy, mặc dù trên nguyên tắc, giáo hội ở cấp tiểu bang hoặc lãnh thổ (thí dụ như giáo hội tại Nam Úc hay giáo hội tại Lãnh thổ Thủ Đô A.C.T.) có thể nghiên cứu tính khả thi. Tại các nơi khác, tương tự như giáo hội cấp liên bang, giáo hội cấp tiểu bang không sở hữu tài sản của các tự viện trực thuộc giáo hội, nên giải pháp nầy cũng không thích hợp.
Giải pháp nầy đòi hỏi một tiến trình khó khăn, tiêu chuẩn quản trị và điều hành trong sáng và rất chi tiết mà mọi sửa đổi đều phải qua hình thức một dự thảo tu chính luật tại quốc hội – một tiến trình mất nhiều thời gian. Hơn nữa, tại những tiểu bang ‘lớn’ như NSW và Victoria, giáo hội địa phương không sở hữu tất cả tự viện thành viên, nên giải pháp nầy không thích hợp.
Sau đây là thí dụ liên hệ đến Giáo hội Anh Giáo ở Brisbane, Queensland, Công Giáo ở NSW, Chính Thống Coptic ở Melbourne, Victoria, và Chính Thống Giáo Macedonian ở NSW:
Power to deal with land and other assets regulated by an Act of Parliament
• Anglican Church of Australia (Diocese of Brisbane) Property Act 1889 – to define the trusts upon which certain land of the Church in Queensland are, shall be held by the Corporation of Synod of the Diocese of Brisbane
• Roman Catholic Church Property Trust Act 1937 & Roman Catholic Church Communities Land Act 1942 – Trustees of community land – as a body corporate, perpetual succession (all powers of a natural person)
• Coptic Orthodox Church (Victoria) Property Trust Act 2006 (to establish a corporate trustee of the Coptic Orthodox Church, Diocese of Melbourne) Note – Membership of 3 – the Bishop and 2 others appointed by him.
• Macedonian Orthodox Church Property Trust Bill (June 2010) tabled by Rev Fred Nile, MLC (NSW) at the request by Bishop Peter Karevski – The Church was established in 1960 with significant assets. But this Bill was not to proceed (as of Oct 2010) because of the division in the community.
Với các thí dụ nêu trên, chúng ta thấy rằng quốc hội có thể thông qua luật thành lập ban ủy nhiệm (Board of trustees) để quản trị đất đai và những tài sản khác của giáo hội. Ban ủy nhiệm nầy có tư cách pháp nhân, sinh hoạt vĩnh viễn với đầy đủ quyền hạn của một thể nhân. Việc thành lập ban ủy nhiệm nầy không có nghĩa là quyền hạn của vị lãnh đạo tinh thần phải mất đi. Trong trường hợp Giáo hội Chính thống Coptic nói trên, ban ủy nhiệm với 3 thành viên nầy gồm chính vị giám mục và hai người khác do vị giám mục bổ nhiệm. Trong trường hợp Giáo hội Macedonian, dự thảo luật đã không tiến hành được tại Quốc Hội NSW, vì có sự chia rẽ nội bộ trong cộng đồng Macedonian.
Giải Pháp B: Ban Quản Trị có tư cách pháp nhân và sở hữu tài sản
Đây là giải pháp thực tế và đã được một vài tự viện áp dụng. Hội Đồng / Ban Quản Trị gồm cả vị viện chủ hoặc trụ trì trong vai trò chủ tọa và một số thành viên mà phần đông là những Phật tử của tự viện. Tuy rằng đôi lúc sinh hoạt của hội đồng hoặc ban quản trị có thể không được thuần nhất, nhưng kinh nghiệm cho thấy một vài bất đồng ý kiến nho nhỏ có thể được giải quyết qua hình thức thảo luận.
Hội đồng / Ban quản trị phải có văn bản nội qui bằng tiếng Anh và được đăng ký theo luật định tại tiểu bang hay lãnh thổ (registration / incorporation). Qui lệ mẫu ‘Model Rules’ cũng có thể được sử dụng thay cho nội qui riêng. Điểm cần lưu ý là ‘model rules’ qui định sinh hoạt của tổ chức / tự viện với nhiều chi tiết thủ tục, tiến trình rất rõ ràng mà Hội đồng / Ban quản trị phải tuân theo.
Người Việt có thói quen sinh hoạt bằng tình cảm và trí nhớ, nên có thể không quan tâm nhiều về mặt thủ tục, hồ sơ, văn bản. Tại Úc, chúng ta nên thay đổi phương cách làm việc – dầu là làm việc thiện nguyện. Những buổi họp Hội đồng / Ban Quản Trị phải được ghi vào biên bản, các quyết định phải theo đúng thủ tục, ngân khoản chi thu phải có chứng từ sổ sách phân minh và mỗi năm phải có kết toán và kiểm toán tài chánh (audit). Đây là phương cách làm việc của Hội Phật Giáo Thái tại Tây Úc, nên trong Thí Dụ 3 nói trên, Tông phái Phật giáo tại Thái Lan đã thất bại trong việc tranh chấp với Chùa Thái tại Perth.
Một hội đồng / ban quản trị chỉ cần có 5 hoặc 7 thành viên là đủ lắm rồi. Trong trường hợp Giáo hội Coptic Orthodox Church nói trên, Board of Trutees chỉ gồm 3 thành viên kể cả vị giám mục.
Nếu Hội đồng / Ban quản trị có tư cách pháp nhân và chính thức là sở hữu chủ tài sản của tự viện (thay vì một cá nhân), vấn đề thừa kế sẽ không được đặt ra. Khi vị viện chủ hoặc trụ trì viên tịch, vị viện chủ hoặc trụ trì kế nhiệm sẽ tiếp tục chủ tọa hội đồng / ban quản trị theo nội qui hoặc model rules. Trong trường hợp hi hữu khi giáo hội hoặc tự viện giải tán, tài sản sẽ được phân định theo nội qui hoặc model rules.
Gây Quỹ Từ Thiện hoặc cho mục đích vô-vị-lợi
Trong xã hội chính mạch Úc Châu nói chung, đã có nhiều trường hợp lạm dụng phương thức gây quỹ gọi là ‘từ thiện’ nên chánh quyền tiểu bang phải can thiệp dưới hình thức những luật lệ kiểm soát lãnh vực sinh hoạt phi-chính-phủ quan trọng nầy.
Các tiểu bang và lãnh thổ Úc Châu đều có luật lệ riêng qui định mục đích gây quỹ, bổn phận và trách nhiệm của ban tổ chức gây quỹ, đặc biệt là sổ sách tài chánh và kiểm toán tài chánh, cũng như chế tài cho mọi vi phạm. Tại NSW, đó là NSW Charitable Fundraising Act 1991 (NSW No.69); tại Victoria, Fundraising Appeals Act (Vic) 1998; tại Queensland, Charity Funds Act 1958 (Qld) và Collections Act 1966 (Qld); tại Nam Úc, The Collections for Charity Purposes Act 1939 (SA); và tại Tây Úc, The Charitable Collections Act 1946 (WA).
Ban tổ chức gây quỹ phải xin phép gây quỹ trước khi tiến hành công tác. Điều cần lưu ý là giấy phép gây quỹ do một tiểu bang cấp, chỉ có hiệu lực trong phạm vi tiểu bang ấy mà thôi. Vì đây là lãnh vực ngoài thẩm quyền liên bang, nên một cuộc gây quỹ trên toàn quốc phải được mỗi tiểu bang và lãnh thổ cho phép.
Hồi tháng 5 năm 2011, một cuộc gây quỹ từ thiện tại Queensland của tổ chức ‘Peace for the Children’ đã bị Office of Fair Trading - Queensland điều tra những vi phạm, vì tổ chức nầy không đăng ký theo Collections Act 1966 (Qld). Ban tổ chức đã phải chấm dứt cuộc gây quỹ và chuyển khoản tài chánh nhận được sang một tổ chức từ thiện khác có giấy phép gây quỹ và đăng ký theo luật định (Sydney Morning Herald, ngày 09.05.2011).
Ngoại lệ được áp dụng nếu ban tổ chức gây quỹ là cơ sở tôn giáo có thẩm quyền chứng hôn nhân và cấp giá thú, hoặc một tổ chức được giới chức thẩm quyền đặc cách miễn xin giấp phép. (Thí dụ, tại NSW, đó là điều 7 (Religious organizations exempt from the Act) của Charitable Fundraising Act 1991 (NSW No.69); và tại Victoria, điều 16(d) và điều 16A của Fundraising Appeals Act (Vic) 1998)
Vấn đề xin phép và đăng ký gây quỹ từ thiện không liên hệ gì đến tư cách nhận tặng dữ được giảm thuế - deductible gift recipients (DGR). Một tự viện có thể có giấy phép gây quỹ và đăng ký gây quỹ, nhưng người hiến tặng chỉ có thể được hưởng khấu trừ trị giá tặng dữ vào lợi tức chịu thuế, khi tổ chức gây quỹ nầy được ban cấp DGR bởi Tổng Nha Thuế Vụ Liên Bang ATO. Vấn đề nầy thuộc thẩm quyền liên bang và do Luật Thuế Vụ liên bang qui định. Tại Úc Đại Lợi hiện nay, chỉ có hai tổ chức Phật Giáo Việt nam được ATO cấp tư cách DGR mà thôi.
Hầu hết những công tác thiện nguyện gây quỹ trong cộng đồng Việt Úc nói chung và các cơ sở tôn giáo nói riêng đều được tiến hành trên căn bản thiện chí và tin cậy vào sự trong sạch của ban tổ chức.
Như là một bước khởi đầu và để tránh những cáo buộc sai trái về sau, điều quan trọng là mọi cuộc gây quỹ đều phải được kết toán chi thu phân minh và được kiểm toán tài chánh bởi kế toán viên chuyên nghiệp.
(Sydney, 31-07-2011)

Tài liệu đọc thêm:

* John Skennar, Sydney, a city growing within: The establishment of Buddhist centres in Western Sydney, trong quyển (2011) Dr. Cristina Rocha and Dr. Michelle Barker (eds.) Buddhism in Australia – Traditions in change, Routledge, London and New York (trang 86-94)
* Tuong Quang Luu, Changes and challenges to Vietnamese Buddhism in Australia (sách đã dẫn, trang 134-139)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2011(Xem: 4204)
Tôi còn nhớ những lần ngồi tô màu vẽ ở bàn ăn trong nhà bếp. “Mẹ, xong rồi. Hãy nhìn tranh của con này”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
02/08/2011(Xem: 5152)
Ba đã ra đi rất tuyệt vời, khiến con cảm thấy Phật pháp thật nhiệm mầu và hiểu rõ mình cần chuẩn bị tư lương cho tôt trước khi xác thân tan rã. Ba ơi!
01/08/2011(Xem: 11213)
Mùa báo hiếu sao quên thân phụ Luôn nhắc mình lòng nhủ nhớ ơn Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
01/08/2011(Xem: 4924)
Tôi mới chuyển nhà đến một nơi ở mới không bao lâu, và cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân...
01/08/2011(Xem: 13559)
Mỗi người con khi rời xa gia đình, đều mang theo mình là cả một trời thân thương trong lời ru, trong tình thương, trong ánh mắt, trong trái tim bà mẹ.
01/08/2011(Xem: 6510)
Đức Phật của chúng ta đã dạy rất nhiều về đạo hiếu trong khắp cả các kinh điển. Chúng ta là Phật tử thì phải tâm tâm niệm niệm báo đền ân đức cha mẹ...
31/07/2011(Xem: 5187)
Một điều đáng chú ý là trong ngày hội Vu Lan Bồn, ngoài lễ nghi dâng cúng hương hoa, vật thực lên đức Phật, chư Tăng để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ...
31/07/2011(Xem: 5817)
Cùng chung một niềm tri ân vô hạn, ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
31/07/2011(Xem: 12142)
Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất.
23/07/2011(Xem: 4783)
Mỗi mùa Vu lan về là những người con Phật chúng ta có cơ hội nhìn ngắm lại những chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi từ nơi tâm mình và từ nơi chính cuộc sống hằng ngày của mình, để cúng dường lễ Vu lan, với một ý nghĩa thiết thực.Vulan, tiếng Phạn là Ullambana, Hán phiên âm là Vu lan bồn và dịch nghĩa là giải đảo huyền. Giải là mở, đảo là ngược và huyền là dây. Giải đảo huyền là mở sợi dây treo ngược.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]