Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011
Phật ở trong nhà
Nguồn: Trí Bửu
Mùa Vu lan báo hiếu PL.2555 một lần nữa lại về, mùa mà tất cả những người con Phật noi gương Đức Mục Kiền Liên “Nguyện làm con thảo”.
Đối với Đạo Phật “Hiếu tâm tức thị Phật tâm” (孝心即是佛心) - Lòng Hiếu tức là lòng Phật, hoặc “Hiếu vi công đức mẫu” (孝為功德母) - Hiếu là mẹ các công đức.
Đức Phật đã dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” (父母在堂如佛在世)- Cha mẹ ở nhà như Phật ở đời.
Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Đức Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài cho bằng được. Anh khăn gói ra đi, đi mãi. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu nào là núi sông, thành thị, trèo đèo, lội suối, hầm hố gian nguy hiểm trở...vất vả, khổ cực không nài. Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả. "Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và hào quang chói sáng"
* Một hôm, tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, ung dung, tự tại, mừng quá, chàng ta khẩn khoản:
- Thưa cụ, Ngài có biết Phật đang ngự ở đâu không? Xin cụ chỉ dùm cho con.
Ông lão mĩm cười:
- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...
- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu, tục tử. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.
Ông cụ cười ha hả:
- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó, người Ấn Độ đã thiêu thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...
- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao?
- Đức Phật không chết, hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Phật nữa không?
- Dạ thưa, dù bất cứ khó khăn nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng trân kính khát ngưỡng.
- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé! Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.
Mừng quá, chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, mệt mỏi, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bốn bề vắng ngắt, nhưng bà mẹ già vẫn còn chong đèn dầu leo lét, ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.
Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, gầy ốm, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào khóc: "Ôi, Đức Phật yêu quí của con! "
Là người con Phật, ơn cha mẹ là một trong bốn ơn lớn. Hãy hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ ngay từ bây giờ. Bởi vì: “Mộc dục tịnh nhi phong bất đình. Tử dục dưỡng nhi thân bất tại” (木欲淨而風不停,子欲養而親不在)Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Con muốn báo đáp thâm ân thì cha mẹ còn đâu nữa?)
Nói về chữ hiếu con cái đối với cha mẹ đức Phật Ngài dạy thật cụ thể:
“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng Chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.
- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.
- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với Chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai.”
Nha Thành, mùa Báo hiếu PL.2555