Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cha mẹ: Thầy dẫn đạo của con

10/04/201320:04(Xem: 4294)
Cha mẹ: Thầy dẫn đạo của con

cha-meTuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011

Cha mẹ: Thầy dẫn đạo của con

Vĩnh Hảo

Nguồn: Vĩnh Hảo

(Kính tặng Ba Mẹ nhân mùa Vu Lan năm 2011)
Mỗi khuya thức dậy, nghe mõ nhịp nhàng, nghe chuông nhẹ điểm, hòa trong tiếng tụng kinh nho nhỏ mà tha thiết chân thành của mẹ; gần đó, hồng chung chùa sư nữ Vạn Thạnh ngân vang, xa xa vẳng tiếng chuông Hải Đức dội về. Tất cả những thanh âm thiền vị, sâu lắng và đẹp đẽ nhất đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của tôi từ lúc bé thơ.
Tôi lớn lên từ chiếc nôi đó. Chiếc nôi đặt giữa thành phố Nha Trang bé nhỏ, hiền hòa. Trở mình, chợp mắt, có thể nhìn thấy dáng mẹ trang nghiêm trong chiếc áo tràng lam, một mình trì tụng kinh Pháp Hoa cùng lúc với thời công phu khuya của các chùa lớn nhỏ chung quanh. Những hình ảnh và âm thanh ấy có lẽ được ghi lại rõ rệt vào tuổi lên năm, lên bảy; và đi ngược thời gian xa hơn nữa, tôi đoán chừng có cậu bé chưa thôi nôi, nằm im, mở mắt thao láo, dõng tai lắng nghe tiếng chuông mõ và giọng tụng kinh trầm ấm của mẹ hiền mỗi khuya.
Thế rồi lớn khôn lên một chút, tôi đã biết đi chùa sư nữ để tụng kinh Pháp Hoa vào mỗi tối. Tụng đọc lại những lời kinh mà mẹ tụng hàng ngày trước đó. Mỗi tối, mỗi tối, và mỗi tối tụng đọc, lời kinh lan thấm trong máu huyết tôi, để rồi một ngày nọ, tôi xin đi tu. Chuyện đi tu không đơn giản. Nhà đông người, người ý này, người ý nọ. Nhưng ba mẹ cũng đã chiều theo ý tôi. Nha Trang nhiều chùa, nhiều thầy, mẹ phân tích và so sánh cho con từng nơi, cho phép con chọn lựa. Con đã chọn vị thầy khó nhất, và ngôi chùa ở trên đồi cao nhất: chùa Hải Đức! Tập luyện và học kinh từ chùa sư nữ gần nhà, rồi xuất gia nơi ngôi chùa có tiếng chuông linh thiêng điểm vào tâm con mỗi sớm. Con trở thành chú tiểu từ đó.
Lần đầu về thăm nhà, bỡ ngỡ như một người khách. Đi tu khó không, khổ nhọc không? Ánh mắt ba nhìn tôi như trào ra những câu hỏi ấy. Không, ba ơi, con vui lắm, con không thấy khổ. Ở chùa, thức dậy lúc ba giờ rưỡi sáng ngồi nghe chuông, niệm Phật, đọc các kệ chú, rồi bốn giờ tụng thời công phu khuya, giống như thuở bé con thức giấc nghe me tụng đọc kinh Pháp Hoa, không khó đâu. Ba không bật ra câu hỏi, tôi cũng không buông ra câu trả lời. Cha con nhìn nhau, thương yêu, đầm ấm.
Một lần khác thăm nhà, chỉ có ba mẹ ngồi bên con, chú tiểu ngơ ngác. Ba ôm vai con, nói:
“Chị con du học bên Mỹ đã lấy bằng tiến sĩ văn chương, dạy đại học bên đó, ba mẹ rất vui, rất hãnh diện. Nhưng ba có thể nói rằng có một đứa con xuất gia, ba me cảm thấy phước báo vô cùng, không niềm vui nào to lớn hơn.”
Mẹ gật gù tán đồng, đôi mắt tràn thương yêu nhìn chú tiểu:
“Đúng vậy, đúng vậy đó con.”
Ba mẹ đâu nói chi nhiều. Chỉ ngần ấy thôi. Tiễn con về với chùa, theo thầy bạn. Một năm, hai năm, ba năm… Con mỗi lúc một xa, không thường về thăm nhà. Sinh nhật chú tiểu, mẹ lên chùa thăm con, âm thầm tặng một bài thơ, gói theo hộp bánh dẻo.
Chiều thu thăm con ở chùa
“Đồi mùa thu trải lá
Non tây hút mặt trời
Sương lành thâu nắng ngã
Chuông chùa ngân chơi vơi…
Dưới thấp bước lên cao
Me để thành phố lại
Bỏ sắc đời hư hao
Quên chuyện đời khôn dại…
Bằng hai bàn tay không
Me ôm đầy tâm niệm
Khuyên con luyện chí đồng
Me quỳ dâng mật nguyện…
Trở về cao xuống thấp
Sương mớm lá thu vàng
Trên đồi như nai nhỏ
Áo nhật-bình màu lam…” (*)

Mật nguyện của mẹ là gì, chưa bao giờ mẹ nói ra. Con cũng chưa bao giờ hỏi. Mẹ con lẳng lặng giao cảm tâm với tâm.
Mười năm, mười lăm năm, con trôi giạt những phương trời. Ba mẹ âm thầm dõi theo bóng con, học ở đâu, tu ở đâu, hành đạo ở đâu… Thoảng khi tương ngộ, chỉ im lặng nhìn con, chú tiểu năm xưa đã trưởng thành. Bao năm học đạo, phước duyên thọ giáo các bậc đạo hạnh chân tu, biết tâm chí hạnh nguyện bây giờ đặt ở cảnh giới nào!
Mười bảy năm, về thăm ba, thắp hương khóc tràn. Nhớ nụ cười ba hiền lành, bao dung… Con đứng nơi bàn thờ, tụng cho ba bài Tâm Kinh Bát Nhã như ba vẫn thường tụng mỗi ngày. Ba không thuộc nhiều kinh, ba chỉ biết tụng duy nhất bài kinh ngắn Bát Nhã. Giọng ba tụng lí nhí, nho nhỏ, không chuông không mõ. Giờ con cũng tụng cho ba, không mõ không chuông và không cả lời.
Hai mươi năm, giũ áo ca-sa, thôi không làm tiểu nữa. Mẹ vui con có bạn đời tốt, nhưng mẹ cứ khóc. Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Dù thế nào, con vẫn còn là chú tiểu năm xưa đây mà! Con biết và con tin như vậy.
Mẹ thấy không? Hai mươi hai năm sau kể từ ngày xa mẹ, khi chân con hãy còn chập chững trong dòng đời, bỗng một phút quay nhìn, thấy mình chưa hề rời xa chốn ấy. Vẫn là cảnh giới cao đẹp, trong sáng, tĩnh lặng của năm nào. Từ đó, con đã viết tặng các chú tiểu, mà cũng là tặng ba mẹ: Thiên Thần Quét Lá. Tác phẩm ấy không nói gì cao siêu, chỉ nói cái chí nguyện ban đầu của người học đạo. Chí nguyện ấy, một khi đã phát khởi, làm sao có thể mất đi được? Dù không còn để chỏm, không còn mặc áo nâu, nhưng việc quét lá, là trách nhiệm của con kia mà! Con biết chí nguyện của con không kiên cường như mẹ mong đợi. Nhưng con đường, vâng, thưa mẹ, con đường ấy, con đã thấy.
Bốn mươi năm, nhìn lại. Tóc đã ngã hai màu trên đầu, mà lòng vẫn như con trẻ, thiết tha nhớ giọng đọc Bát Nhã của ba; nhớ lời kinh Pháp Hoa mẹ tụng; nhớ tiếng chuông chùa nuôi dưỡng tâm con từ ấu thời. Chính những âm thanh, ngôn từ, cảm xúc, ý chí, tâm tư ấy, đẩy con xa khỏi vòng tay yêu thương của ba mẹ đến mấy mươi năm. Và trên bước viễn hành, con đường càng lúc càng mở rộng theo sự dìu dắt bởi các bậc thầy của con. Nhưng con không bao giờ quên rằng, ba mẹ chính là những vị thầy dẫn đạo ban đầu, đưa con vào lộ trình thênh thang của một thiên thần quét lá.
California, ngày 19 tháng 7 năm 2011.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/07/2014(Xem: 9142)
"Cây có cội mới trổ cành xanh lá Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông" Được làm người công đức của cha ông Nên danh phận cảm nhờ ơn xã hội Chúng ta được thân làm người, là nhờ có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và nhiều nhân duyên hội tụ. Chúng ta được khôn lớn nên người là nhờ ở sự trưởng dưỡng, giáo dục của Cha, Mẹ, Thầy, Cô và Xã Hội. Công ơn to lớn ấy, trong kinh Phật đã dạy có Bốn Đại trọng ân: 1/ Ơn Quốc gia, thủy thổ, 2/ ơn Cha, Mẹ, 3/ Ơn Tam bảo, 4/ Ơn Đàn na tín thí (xã hội), trong đó công ơn của cha mẹ là to lớn nhất, sánh bằng non biển, không thể bút mực nào tả xiết. Chỉ có tri niệm và thực hành mới hy vọng có một chút đáp đền. Đức Phật đã dạy rằng: công ơn của cha mẹ bao la như biển cả và cao vòi vọi như trời xanh vô hạn, với sự hy sinh cao đẹp, “bên ước mẹ nằm, bên ráo phần con”, thật là “ Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng Mẹ, gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng Cha”, Thương và lo cho con nên “miễn sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi, bị giam bị cầm…”.
29/07/2014(Xem: 24860)
Hồng đỏ cài lên đẹp tuyệt vời Phải nên trân trọng nhé người ơi! Những ai còn mẹ còn hồng đỏ Màu đỏ thắm tươi vẻ rạng ngời
24/07/2014(Xem: 4607)
Tối nay ngồi vẽ Mẹ. Một người Mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt Mẹ đã xạm đen vì dãi dầu. Đôi mắt Mẹ đã trĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi Mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện.
24/07/2014(Xem: 4435)
Vu Lan là lễ truyền thống lâu đời có từ thời Đức Phật còn tại thế hơn 2,500 năm trước; đồng thời cũng là lễ tiết quan trọng phổ thông của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa mà tổ tiên chúng ta đã giữ gìn qua nhiều thế hệ. Lễ tiết Vu Lan hay Vu Lan thắng hội gắn liền với lễ giải Hạ - Tự tứ của Tăng đoàn Phật Giáo. Lễ Tự tứ có nghĩa là sau những tháng ngày tịnh tu Giới - Định - Tuệ, ba nghiệp của hành giả sâu lắng thanh tịnh; hai vị Tỳ kheo đối thú nhau chân thành bày tỏ khởi đi từ đạo tình cao quý nhẹ nhàng trong sáu tiếng: thấy tội, nghe tội, nghi tội, những mong đợi vị thầy đối diện chỉ bày cho ta thành tâm sám hối trước hội chúng và Tam Bảo, nguyện cải đổi không tái phạm, nếu xét thấy mình có tội. Thật là thành khẩn, cao đẹp trong hòa hài, từ bi, nhẫn thuận, bình đẳng. Nhẹ nhàng nhưng mang chất liệu tuệ giác tự thân và san sẻ với giác tha của người đối diện kết nên vòng nhân duyên thù thắng hầu tiến đến giác hạnh viên mãn.
24/07/2014(Xem: 4446)
Mỗi mùa Vu Lan đến Biết bao dòng lệ rơi Cho tình vô bờ bến Bày tỏ không nên lời Nghẹn ngào trong nước mắt Tưởng nhớ đến mẹ cha Ân tình cao chất ngất Suốt đời đã bôn ba
19/07/2014(Xem: 5030)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Phật giáo chủ trương nhân quả theo nhau như hình với bóng, nghĩa là người gây nhân lành ắt sẽ hưởng quả tốt, ngược lại kẻ tham lam, vị kỷ, độc ác... chỉ biết lợi mình, không kể đến hậu quả làm phiền lụy khổ đau cho tha nhân, rộng ra là cả sinh linh vạn loại, đương nhiên sẽ gặp những phiền toái, chịu đựng những trách móc, oán hận của những nạn nhân, hay khi xả bỏ cuộc sống sẽ lãnh sự trừng phạt trong 3 ác đạo mà thế nhân hay tín ngưỡng nào cũng nghĩ bàn để khuyến miễn người đời phải lo tu thân hành thiện, làm đẹp nhân sinh. Mùa Vu Lan báo hiếu phát xuất từ đức Mục Kiền Liên kiếm tìm, thăm viếng rồi giải thoát mẹ ngài khỏi cảnh giới ngạ quỷ, có từ thời đức Phật còn tại thế; văn hóa thế nhân có từ khi loài người hướng về nẻo thiện. Gần chúng ta là văn hóa Á Đông, lấy nhân luân làm căn bản: Hiếu, đễ, tru
18/07/2014(Xem: 4988)
Nhờ năng lực của Tăng đoàn mà mẫu thân của ngài Mục Kiền Liên được thoát khỏi cảnh bi thống nơi chốn địa ngục. Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp là năng lực vô biên hóa giải được khổ đau từ cõi vô hình cho đến thế giới con người. Trọng tâm của Giáo hội chúng ta đặt ở sự hiệp lực này, trong ấy những Phật sự hằng năm của Giáo hội, tất cả tăng ni và thiện tín cùng nhau chung lo. Bốn phật sự thường xuyên của Giáo hội mà mỗi thành viên đều chung sức chung lòng đó là: Phật đản, An Cư, Khóa Tu Học Bắc Mỹ và Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ.
15/05/2014(Xem: 7090)
Hôm nay ngày giỗ của Ba tôi, tự dưng lòng tôi thèm viết một chuyện gì đó về Ba tôi…như nhà văn Võ Hồng thường khuyên mọi người nên viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ mình, những kỷ niệm mà mình nhớ hơn hết, đáng nhớ hơn hết…để nhân ngày k?giỗ của cha mẹ, tập trung về, cùng đọc, cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Con cháu sẽ có dịp sống lại không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gủi, quý trọng ông bà!
16/10/2013(Xem: 19092)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
16/10/2013(Xem: 15373)
Kính lạy vong linh cha, Khác biệt với muôn ngàn trường hợp khi cầm viết đặt lên giấy. Con ghi lại vài nét – chỉ vài nét thôi về đời sống của cha – một người cha có lắm điều độc đáo, không những chỉ trong hàng con cháu mà bất cứ ai cũng công nhận là hãn hữu và cần rút tỉa những điểm son để soi sáng vào nếp sống của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]