Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình Pháp lữ (với TT Chơn Thanh)

10/04/201319:43(Xem: 7779)
Tình Pháp lữ (với TT Chơn Thanh)

TT Thich Chon Thanh

Tình Pháp lữ

 Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn

Ngày 15-2-1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học Tăng khác từ các nơi tập trung về Phật học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia Định đến, tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ trung 1
Thuở ấy, Phật học viện Huệ Nghiêm còn thanh vắng, về cơ sở chỉ có ba dãy nhà tiền chế cấp 1, dãy giữa dùng làm chánh điện, hai dãy hai bên đông, tây dùng làm thư viện, phòng học cho lớp sơ trung, cao trung Phật học, chưa xây dựng dãy nhà ba tầng cũng như chánh điện hiện nay. Khu tăng xá chỉ có hai dãy nhà tole, gọi là khu A và khu B. khu A gồm dãy nhà dài 10m, chia làm hai phòng dành cho chúng Mã Minh và chúng Long Thọ. Dãy nhà B dài 20m, chia làm bốn phòng, dành cho bốn chúng: Vô Trước, Thế Thân, Liễu Quán và Nguyên Thiều. Thầy thuộc chúng Long Thọ, tôi thuộc chúng Thế Thân. Tuy nhiên, hàng ngày đều gặp nhau trong những giờ học tập, thọ trai và hội họp. Tất cả chúng tôi sống chan hòa, hồn nhiên, trong tình đạo bạn ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu của cuộc đời tu sĩ, học Tăng. Chúng tôi lại được sự đùm bọc và giáo dục của quý Hòa thượng: hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm, Hòa thượng Thanh Từ và nhiều chư tôn đức khác trong Ban Giám đốc và Ban Giáo thọ của viện.
Trong chương trình học, hai lớp chúng tôi được học ngoại điển tại viện, Ban Giám đốc mời giáo sư Trường Bồ Đề Chợ Lớn, Sài Gòn vào dạy xen kẽ chương trình Phật học vào buổi sáng và buổi chiều. Khác với những chúng khác như Vạn Hạnh, Huyền Trang phải đi học ở Trường Bồ Đề Chợ Lớn, Sài Gòn.
Đến năm 1968, sau khi hoàn tất chương trình trung đẳng IV, tương đương trung học đệ nhất cấp, để thực hiện chương trình trao đổi Tăng sinh của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ nhằm tạo sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau giữa Tăng sinh các Phật học viện và Tăng sinh các tỉnh vì thế tôi tạm xa thầy để theo học tại Phật học viện Trung Phần- chùa Hải Đức Nha Trang. Còn thầy thì tiếp tục theo học chương trình trung đẳng chuyên khoa tại viện.
Thỉnh thoảng nhân dịp nghỉ hè, nghỉ tết, về thăm lại Sài Gòn, đến thăm trường xưa, cảnh cũ, thăm thầy, thăm chúng, thầy thường nhắn nhủ: “Có đi đâu thì đi, nhưng rồi cũng về cảnh cũ (tức Huệ Nghiêm), nhất là cần theo học chương trình chuyên khoa Phật học, mới giữ gìn được Phật chất thiện căn sâu dày, bảo đảm được đường tu trong đời này và đời sau như Hòa thượng Giám đốc hàng mong ước”. Lời nhắc nhở của thầy góp phần tăng thêm sức mạnh, động viên, thôi thúc cho sự trở về nguồn của tôi. Do đó năm 1971, sau khi tốt nghiệp tú tài 2, cũng đúng vào thời gian thành lập Viện Cao đẳng Phật học và khai giảng khóa đầu tiên, tôi quyết chí trở lại Huệ Nghiêm, theo học chương trình cao đẳng Phật học thay vì theo học Phân khoa Phật học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh như những thầy cùng khóa.
Trong thời gian tại viện, dù bận nhiều công tác, học tập của viện, cộng thêm tôi lại theo học chương trình cử nhân tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Tuy nhiên, tôi cũng cùng thầy tham gia Đoàn Giảng sư Trung ương của Tổng vụ Hoằng pháp – GHPGVNTN, do Hòa thượng Thích Huyền Vi lãnh đạo. Hàng tháng chúng tôi đều có đi thuyết pháp, giảng dạy tại một số tỉnh miền Tây, miền Đông ...
Đặc biệt trong những lần họp kiểm điểm về ưu, khuyết điểm trong công tác thuyết giảng, thầy đã chân thành phát biểu, nhận xét về tôi: “Thầy Nhơn có bốn nhược điểm: Một là khi giảng thường ngó lên trần nhà, không nhìn thính giả; hai là giảng nhanh quá, có lúc thính chúng không nghe kịp; ba là còn hơi ngượng ngập, cử chỉ chưa được tự nhiên, thiếu điệu bộ; bốn là giảng hơi cao, đôi khi không hợp trình độ đại chúng”.
Chính những nhận xét phê bình chân tình của thầy, mà tôi cố gắng khắc phục trong suốt thời gian hơn 30 năm để công tác thuyết pháp, giảng dạy có hiệu quả tốt hơn. Quả thật, như kinh Pháp Cú nói : “Ai phê bình ta, mà phê bình đúng là thầy ta”. Kỳ thực, thầy không những là bạn mà còn là bậc thầy nữa. Do đó, thời gian sau này, khi tham gia công tác hoằng pháp của GHPGVN, thầy được phân công đặc trách Giảng sư đoàn, phụ trách môn Phương pháp diễn giảng, và làm giám khảo những kỳ thi diễn giảng, thực tập diễn giảng v.v... góp nhiều công sức cho sự nghiệp đào tạo hàng trăm giảng sư, giảng sinh cho Giáo hội.
Tôi còn nhớ, năm 1971-1972, trong chương trình đi xây dựng cơ sở hạ tầng của Giáo hội tại Bình Dương và Bình Long, thầy đã tỏ ra lịch thiệp và tinh tế trong khi ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc, đắc nhân tâm mà tôi không làm được, dù là cùng trang lứa và trình độ như nhau. Quả thật, như người xưa nói: “Trong ba người cùng đi nhất định là có một người làm thầy mình”. Học là một chuyện, khả năng là một lẽ, nhưng cần phải có phúc tướng, đức độ và những kinh nghiệm trong xử thế, tế nhị trong giao tiếp, nhạy bén khi gặp việc, sống hài hòa, hoan hỷ với nhau... đó chính là những yếu tố góp phần thành công trên đường hóa đạo. Điều này thầy đã đạt được khi còn ở trong chúng, trong trường, cũng như khi công tác tại địa phương và trung ương, đều được chư tôn đức giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử gần xa kính mến.
Sau năm 1975. Thực hiện chương trình Về nguồn, nhập thất tịnh tu của Hòa thượng viện chủ, với tư cách là Ban lãnh chúng, thư ký của viện, thầy rất thông cảm cho tôi vì còn bận nhiều công tác Phật sự Giáo hội, giảng dạy tại các trường Phật học, nên đã dành nhiều ưu tiên, sắp xếp chương trình, thương lượng, thay đổi người cho tôi được nhập thất vào những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nhờ đấy mà tôi hoàn thành được hai mặt tịnh tu và công tác Phật sự cho Giáo hội trong thập niên đầu của lịch sử mới sang trang, Giáo hội mới thành lập. Có những lúc thầy tâm sự: “Bồng em thì khỏi quét nhà, rửa chén thì khỏi nấu cơm” đó là trách nhiệm của mỗi người để cùng chung lo cho nhau được an tâm tu học, thực hiện chương trình trở về cảnh cũ, mà Hòa thượng viện chủ hằng ấp ủ, để từ đó tạo cho Huệ Nghiêm có những nét đặc thù, một tu viện nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Khi Trường Cơ bản Phật học TP.HCM được thành lập năm 1988, dù ở cách xa hơn chục cây số, nhưng hàng tuần, bằng phương tiện xe buýt, xe lam, nhờ người chở hộ... (vì thầy không biết chạy xe gắn máy), thầy vẫn thường xuyên đến trường giảng dạy trong suốt chương trình, hơn ba khóa, gần 15 năm không hề bỏ lớp.
Sáng thứ Bảy (21-7-2002), tôi gặp thầy tại Văn phòng 2 TƯGH. Thầy đến thăm sau chuyến tôi tháp tùng phái đoàn GHPGVN thăm Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, và Thiền viện Trúc Lâm ở Paris. Tôi đã tặng một bút máy, một tháp Eiffel, một Khải hoàn môn là những biểu tượng của nước Pháp mà tôi mang về. Thầy nhận quà với vẻ mặt đượm buồn. Tôi thắc mắc không biết trong thời gian mười ngày vắng mặt, ở trong nước có việc gì bất trắc xảy ra với Giáo hội, Thành hội hay cá nhân mà thầy có những biểu hiện không bình thường như vậy? Tôi dự định tìm hiểu, nhưng rồi việc gì đến đã đến....
Chiều thứ Bảy cùng ngày, tôi gặp lại thầy ở Văn phòng Trường Cao trung Phật học TP.HCM – chùa Vĩnh Nghiêm, hôm ấy thầy có vẻ rất mệt vì buổi sáng đã dạy cho trường hạ chùa Phổ Đà, chiều 2 giờ đầu dạy cho trường hạ Vĩnh Nghiêm, 2 giờ sau giảng cho lớp Ni – Cao đẳng Phật học. Do đó, khi nhấn chuông vào lớp, thầy mệt mỏi nói với cô thị giả: “ Thầy mệt quá, nhưng cố gắng dạy cho xong”. Khi tan trường, thầy về, tôi tiễn thầy tại bậc thềm của văn phòng nhà trường, lúc ngồi trên xe honda do đệ tử chở, khi xe nổ máy và bắt đầu chuyển bánh, thầy còn nói vọng giã từ : “Tôi về nghe thầy Nhơn”. Không ngờ chữ về ấy mang nhiều ý nghĩa. Về chùa Huệ Nghiêm, hay về cảnh cũ quê xưa, Niết bàn vô tung bất diệt?
Bốn giờ sáng Chủ nhật, một cú điện thoại do thầy Thiện Tánh gọi đến báo: “Anh có hay gì không? Anh Chơn Thanh bị tai biến mạch máu não sắp đi rồi, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện Triều An”. Tôi buông ống nghe xuống, bàng hoàng đi đến bệnh viện Triều An. Một cảnh tượng đau lòng diễn ra trước mắt: chung quanh là những Tăng Ni sinh, Phật tử với những dòng nước mắt, buồn thương, thất vọng!

Thế rồi đến 00 giờ 20 ngày 13-6 Âl (23-7-2002) thầy thu thần viên tịch. Thế là hết! Sự ra đi của thầy quả là một sự tổn thất to lớn đối với Giáo hội và Thành hội Phật giáo TP.HCM với Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, bây giờ và cả sau này!

Ngày tiễn đưa kim quan thầy đến đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, cũng chính là ngày lễ húy kỵ lần thứ 5 cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Thành hội Phật giáo TP.HCM, Hòa thượng khi còn sanh tiền rất mến thương thầy và tạo nhiều điều kiện cho thầy thăng tiến. Kinh nghiệm cho thấy gần 15 năm công tác tại Văn phòng Thành hội Phật giáo, hôm nào vắng mặt thầy, Hòa thượng đều nói: “Văn phòng ngày nào mà không có Chơn Thanh, xem như thiếu một cái gì đấy ...”. Quả thật, thầy là một hạt nhân thu hút được mọi nguồn năng lực, là ánh sáng chan hòa giữa tất cả mọi người, mọi dị biệt về tư tưởng và thành phần. Thầy là chất keo tạo sự đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội và Thành hội Phật giáo. Thầy mất đi khó tìm lại được một người như thầy. Quả thật, như Trí Bảo Đại sư đã nói : “Quen nhau đầy dẫy trong thiên hạ, còn bạn tri âm có mấy người”.

HT Thích Thiện Nhơn



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/07/2014(Xem: 9257)
"Cây có cội mới trổ cành xanh lá Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông" Được làm người công đức của cha ông Nên danh phận cảm nhờ ơn xã hội Chúng ta được thân làm người, là nhờ có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và nhiều nhân duyên hội tụ. Chúng ta được khôn lớn nên người là nhờ ở sự trưởng dưỡng, giáo dục của Cha, Mẹ, Thầy, Cô và Xã Hội. Công ơn to lớn ấy, trong kinh Phật đã dạy có Bốn Đại trọng ân: 1/ Ơn Quốc gia, thủy thổ, 2/ ơn Cha, Mẹ, 3/ Ơn Tam bảo, 4/ Ơn Đàn na tín thí (xã hội), trong đó công ơn của cha mẹ là to lớn nhất, sánh bằng non biển, không thể bút mực nào tả xiết. Chỉ có tri niệm và thực hành mới hy vọng có một chút đáp đền. Đức Phật đã dạy rằng: công ơn của cha mẹ bao la như biển cả và cao vòi vọi như trời xanh vô hạn, với sự hy sinh cao đẹp, “bên ước mẹ nằm, bên ráo phần con”, thật là “ Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng Mẹ, gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng Cha”, Thương và lo cho con nên “miễn sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi, bị giam bị cầm…”.
29/07/2014(Xem: 25339)
Hồng đỏ cài lên đẹp tuyệt vời Phải nên trân trọng nhé người ơi! Những ai còn mẹ còn hồng đỏ Màu đỏ thắm tươi vẻ rạng ngời
24/07/2014(Xem: 4699)
Tối nay ngồi vẽ Mẹ. Một người Mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt Mẹ đã xạm đen vì dãi dầu. Đôi mắt Mẹ đã trĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi Mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện.
24/07/2014(Xem: 4526)
Vu Lan là lễ truyền thống lâu đời có từ thời Đức Phật còn tại thế hơn 2,500 năm trước; đồng thời cũng là lễ tiết quan trọng phổ thông của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa mà tổ tiên chúng ta đã giữ gìn qua nhiều thế hệ. Lễ tiết Vu Lan hay Vu Lan thắng hội gắn liền với lễ giải Hạ - Tự tứ của Tăng đoàn Phật Giáo. Lễ Tự tứ có nghĩa là sau những tháng ngày tịnh tu Giới - Định - Tuệ, ba nghiệp của hành giả sâu lắng thanh tịnh; hai vị Tỳ kheo đối thú nhau chân thành bày tỏ khởi đi từ đạo tình cao quý nhẹ nhàng trong sáu tiếng: thấy tội, nghe tội, nghi tội, những mong đợi vị thầy đối diện chỉ bày cho ta thành tâm sám hối trước hội chúng và Tam Bảo, nguyện cải đổi không tái phạm, nếu xét thấy mình có tội. Thật là thành khẩn, cao đẹp trong hòa hài, từ bi, nhẫn thuận, bình đẳng. Nhẹ nhàng nhưng mang chất liệu tuệ giác tự thân và san sẻ với giác tha của người đối diện kết nên vòng nhân duyên thù thắng hầu tiến đến giác hạnh viên mãn.
24/07/2014(Xem: 4535)
Mỗi mùa Vu Lan đến Biết bao dòng lệ rơi Cho tình vô bờ bến Bày tỏ không nên lời Nghẹn ngào trong nước mắt Tưởng nhớ đến mẹ cha Ân tình cao chất ngất Suốt đời đã bôn ba
19/07/2014(Xem: 5138)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Phật giáo chủ trương nhân quả theo nhau như hình với bóng, nghĩa là người gây nhân lành ắt sẽ hưởng quả tốt, ngược lại kẻ tham lam, vị kỷ, độc ác... chỉ biết lợi mình, không kể đến hậu quả làm phiền lụy khổ đau cho tha nhân, rộng ra là cả sinh linh vạn loại, đương nhiên sẽ gặp những phiền toái, chịu đựng những trách móc, oán hận của những nạn nhân, hay khi xả bỏ cuộc sống sẽ lãnh sự trừng phạt trong 3 ác đạo mà thế nhân hay tín ngưỡng nào cũng nghĩ bàn để khuyến miễn người đời phải lo tu thân hành thiện, làm đẹp nhân sinh. Mùa Vu Lan báo hiếu phát xuất từ đức Mục Kiền Liên kiếm tìm, thăm viếng rồi giải thoát mẹ ngài khỏi cảnh giới ngạ quỷ, có từ thời đức Phật còn tại thế; văn hóa thế nhân có từ khi loài người hướng về nẻo thiện. Gần chúng ta là văn hóa Á Đông, lấy nhân luân làm căn bản: Hiếu, đễ, tru
18/07/2014(Xem: 5053)
Nhờ năng lực của Tăng đoàn mà mẫu thân của ngài Mục Kiền Liên được thoát khỏi cảnh bi thống nơi chốn địa ngục. Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp là năng lực vô biên hóa giải được khổ đau từ cõi vô hình cho đến thế giới con người. Trọng tâm của Giáo hội chúng ta đặt ở sự hiệp lực này, trong ấy những Phật sự hằng năm của Giáo hội, tất cả tăng ni và thiện tín cùng nhau chung lo. Bốn phật sự thường xuyên của Giáo hội mà mỗi thành viên đều chung sức chung lòng đó là: Phật đản, An Cư, Khóa Tu Học Bắc Mỹ và Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ.
15/05/2014(Xem: 7245)
Hôm nay ngày giỗ của Ba tôi, tự dưng lòng tôi thèm viết một chuyện gì đó về Ba tôi…như nhà văn Võ Hồng thường khuyên mọi người nên viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ mình, những kỷ niệm mà mình nhớ hơn hết, đáng nhớ hơn hết…để nhân ngày k?giỗ của cha mẹ, tập trung về, cùng đọc, cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Con cháu sẽ có dịp sống lại không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gủi, quý trọng ông bà!
16/10/2013(Xem: 19762)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
16/10/2013(Xem: 15545)
Kính lạy vong linh cha, Khác biệt với muôn ngàn trường hợp khi cầm viết đặt lên giấy. Con ghi lại vài nét – chỉ vài nét thôi về đời sống của cha – một người cha có lắm điều độc đáo, không những chỉ trong hàng con cháu mà bất cứ ai cũng công nhận là hãn hữu và cần rút tỉa những điểm son để soi sáng vào nếp sống của mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]