Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hương vườn xưa

10/04/201319:40(Xem: 3412)
Hương vườn xưa

hoa hoa trangTuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010

Hương vườn xưa

Huệ Trân

Nguồn: Huệ Trân

Chỉ hai tuần, sau khi dọn tới căn nhà mới, tôi đã biến đổi hoàn toàn mảnh vườn, khi được người chủ nhà bảo: “Muốn trồng gì, làm gì, xin tùy ý!”
Đó là một căn nhà nhỏ hai phòng, rất cũ kỹ, ước chừng cũng phải bốn, năm chục tuổi. Nhưng mới xem qua, tôi đã biết mình sẽ mướn nơi này, vì có sân cỏ phía trước và nhất là khu vườn sau, rộng mênh mông.
Căn nhà bỏ trống đã lâu, cỏ sân sau mọc cao tới đầu gối. Khi mới bước ra, tôi phát kinh hãi, nhưng chỉ một thoáng thôi, tôi hình dung ra ngay một vườn rau xanh tươi với những mùi vị thân quen của húng, ngò, của những lá răm thơm cay, của dãy cà pháo đầy hoa tím, giàn bầu bí lủng lẳng trái xanh non hay bụi ớt hiểm chi chit, đỏ tươi, nhìn đã thấy cay sè, mời gọi tô bún Huế …
Và tôi đã mướn căn nhà cũ kỹ vì hình ảnh khu vườn tương lai thân yêu đó.
Việc đầu tiên sau khi dọn vào là tôi gọi người tới phạt cỏ, soi đất. Hai bàn tay tôi trầy sước, tê buốt vì gai nhọn khi thanh toán những bụi hồng dại, mọc men theo hàng rào, không biết đã từ bao năm. Rồi những cây xương rồng, những ụ đất đá mấp mô, lồi lõm phải được san bằng, tưới nước, sau đó là hỳ hục khiêng về hàng chục bao đất tốt để sẵn sàng gieo hạt, lên luống trồng rau.
Hai tuần sau, người chủ nhà ghé tới, lấy vài món còn sót trong nhà xe, đã sửng sốt khi thấy khu vười được khai quang sạch sẽ. Hai tuần sau nữa đến lấy tiền nhà thì ông ta đã phải thốt lên: “Không thể tưởng tượng được tinh thần của người Á Đông!”
Nói thế, hẳn ông ta đã từng chứng kiến người Á Đông chăm sóc nhà cửa, vườn tược thế nào rồi.
Riêng tôi, khu vườn sau của căn nhà cũ, nơi xứ người, đang mỗi ngày mỗi đưa tôi về gần vườn rau quê nội. Khi đi tìm mua hạt giống hoặc cây non, tôi cứ tưởng là tình cờ, sau mới biết rằng những hạt ấy, cây ấy, đã từ trong tiềm thức. Vườn rau xanh non bên kho chứa thóc, ở một căn nhà trong thôn Phương Viên, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nơi mỗi mùa hè chị em tôi được cha mẹ cho về quê nội vui chơi thỏa thích, đã có những hạt ấy, những cây ấy. Cải bẹ xanh từng luống nõn, cắt vào luộc, chấm với tương, bầu bí nấu canh, chỉ chút bột nêm mà cũng ngọt lịm! Rau dền thì cứ như thi nhau mọc lên như thổi, quơ tay là hái cả rổ. Hôm nào bác Cả nấu bún riêu thì không phải chỉ có kinh giới thêm hương vị mà mọi thứ rau thơm ngoài vườn đều được chiếu cố, thơm lừng tô bún!
Vườn rau quê nội đang thầm lặng thành hình nơi tạm trú, khiến ở sở làm về, cơm nước xong là tôi quanh quẩn ngoài vườn đến xẩm tối. Tôi biết rõ từng lá non mới mọc, từng nụ hoa mới trổ. Tôi nói chuyện với những cây cà khi chúng bắt đầu nhú trái. Tôi kể cho chúng nghe rằng, ở quê hương Việt Nam tôi, người ta thường đo lường sự khéo léo của người nội trợ qua vại dưa, lọ cà. Mẹ tôi là con dâu trưởng trong một gia tộc lớn, càng bị chú ý nghiêm túc hơn. Có lẽ vì vậy mà mẹ chịu khó học hỏi, từ cách nấu ăn, may vá, thu vén trong ngoài, nhất nhất đều một tay mẹ đảm đương.
Tôi cũng tâm sự với giàn bí khi chúng bắt đầu trổ hoa, là ở quê ngoại tôi, canh hoa bí đầu mùa là món chỉ dành để đãi khách. Nghe thế, tôi tưởng như các bông hoa bí dụi đầu vào nhau, khúc khích cười …
Chỉ một loài hoa không thấy trong vườn quê nội mà tôi vừa trồng bên hiên nhà. Đó là hoa cúc vàng, nụ nhỏ, lá biếc xanh. Một lần, tình cờ vào thăm vườn cây của người Nhật, thấy những chậu cúc vàng này, tôi như bị thôi miên, không bước đi nổi, vì đây là loài hoa cha tôi yêu thích nhất. Cha thường nói: “không kiêu sa như lan, không đài các như hồng, không lạnh lùng như vạn thọ, chỉ giản dị sắc tươi, dáng đẹp mà gần gũi, thân thương”
Hôm đó, tôi can đảm trích một phần tiền chợ trong tháng để khiêng về 10 chậu cúc vàng. Tôi làm cỏ thật kỹ nơi sẽ trồng cúc, đào đất xấu đi, bỏ đất tốt xuống, tưới cho đất ẩm rồi mới cẩn thận, nhẹ nhàng an vị từng cây. Mỗi cây trồng xuống, tôi đều thầm thì: “Cha ơi, con trồng cúc chờ cha đó, cha sang mà chăm sóc nhé!”
Có những đêm, trời trở lạnh đột ngột, tôi thao thức, sợ những bụi cúc sẽ tê cóng mà chết trước lúc mặt trời thức dậy. Tôi nghĩ đến cha, đến mẹ, đến những tờ giấy bảo lãnh vô tri, lênh đênh mù mịt đã mấy năm trời vẫn chưa được cứu xét! Cha mẹ thì tuổi già sức yếu, biết có còn kịp thăm con cháu phương xa không! Thư cha viết, thường an ủi tôi rằng; “Con đừng quá bận tâm lo lắng, cha mẹ già rồi, đi hay ở không thành vấn đề. Đi cũng tới bến, mà ở thì bến ngay dưới chân ta. Quê nhà cũng còn các em con, và các cháu, rau cháo đỡ đần chúng cũng là niềm vui tuổi già, mang sức tàn mà giúp suối ra sông …”
Cúc chưa vàng hoa, tin xa đã tới.
Cha đi rồi!
Cha mất rồi!
Cha đi quá nhẹ nhàng vì áp huyết đột ngột tăng nhanh! Ly trà sau bữa cơm tối đang còn cầm trên tay, đã bất ngờ sóng sánh, rơi xuống sàn nhà, vỡ tan tành! Mảnh vụn thủy tinh như ghim vào trái tim mẹ, trái tim con cháu quê nhà, con cháu phương xa!
Cha ơi! Gia đình ta, nhờ tinh thần và ý chí mạnh mẽ của cha mà vượt qua bao cuộc thăng trầm, dâu bể, từ chiến chinh miền Bắc tới khi xuôi Nam. Nay, cuộc phân ly còn vượt đại dương, trùng trùng cách biệt, cha đã vội ra đi, mẹ và các con, các cháu biết nương tựa vào đâu?
Non cao núi thẳm, mờ mịt trời mây, tôi ra vườn, run rẩy cắt những bông cúc chưa kịp nở tròn sắc vàng, mang vào cúng cha. Qua ánh nến, những bông cúc trên ban thờ cha như long lanh nhỏ lệ. Những bông cúc đang cùng khóc với tôi. Nhạt nhòa nước mắt, tôi bồi hồi như cha phảng phất đâu đây, và nụ cười dịu dàng của cha, thầm lặng nhưng mãnh liệt, đang ân cần chuyển tải năng lượng an lạc cho tôi…
Phút giây, tôi bỗng cảm nhận ngay rằng, cha vẫn còn đây, vì từ cha mẹ, tôi đã chào đời. Tôi luôn mang bố mẹ mà trưởng thành, cũng như bố mẹ luôn ở trong tôi để cùng đi.
Chậm rãi lau nước mắt, tôi khoanh chân, ngồi trong thế kiết già, mời gọi cha, thở cùng tôi, khi những ý tưởng lung linh đan nhau, thành bài thơ tháng bẩy:
Pháp thân như trúc biếc,
Bát Nhã tựa hoa vàng
Tóc rơi từng sợi nhỏ,
Tàn cây nhang.
Người xòe tay,
Tay trắng
Bình bát, củ khoai lang
Cúng dường Xá Lợi Phất
Công đức ba ngàn thế giới
Hồi hướng Vu Lan.
Cha về với Phật,
Mẹ còn đây
Sương sớm có tan,
Trăng có gầy
Mẹ ơi tháng bẩy,
Vu Lan tụng.
Đóa hồng cài áo,
Hồi chuông xa bay …
Cha như núi,
Mẹ như sông,
Núi cao dựng vách,
Xanh phấn thông
Sông chảy mênh mang, dòng sữa ngọt
Một trời hư không.
Con xuống tóc, đi tìm cha
Sợi vương cửa động, san hà lung lay
Rừng chiều, một cánh chim bay
Chợt nghe gió thoảng,
Hương say hoa rừng.
Con về,
Ngủ dưới gốc thông
Trong mơ hé nụ, đóa hồng Vu Lan

Huệ Trân
(Vu Lan, hồi tưởng ngày được tin cha)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4299)
Trong tất cả lễ hội của Phật giáo, chúng ta thấy rằng Vu-Lan Báo Hiếu là một lễ hội được quần chúng biết đến, quan tâm nhiều, dù người đó là Phật tử hay không phải Phật tử. Dân gian quen gọi ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Trung Nguyên, ngày “Xá tội vong nhân” qua khẩu truyền.
10/04/2013(Xem: 5699)
Khi nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục, thì chúng ta đã tạo nên một mạch nguồn của ân đức, của nghĩa trọng tình sâu, của dòng tâm thức luân lưu bất diệt. Một suối nguồn của thơ ca, của tiếng nhạc trầm hùng, lúc sâu lắng lúc thì nhẹ nhàng đi vào nhân thế vừa bất hủ vừa rung động thức tỉnh. Thế mới biết, giấy mực trần gian chẳng viết lên nỗi hai chữ “Mẹ ơi” cho trọn vẹn.
10/04/2013(Xem: 4821)
Giáo pháp của đạo Phật sâu thẳm được ví như đại dương mênh mông. Cửa vào đạo có muôn ngàn lối, hành giả khi bước vào nếu không trang bị đức tin vững vàng chắc sẽ choáng ngợp bởi sự uyên áo, sâu kín và pháp mầu vi diệu. Nếu thế thì con đường vào đạo của chúng ta thì sao, những người đầy nghiệp lực và hệ lụy của tham ái?
10/04/2013(Xem: 4467)
Với cái nhìn tuệ giác, Đức Phật quán chiếu trong vòng nghiệp duyên của chúng sanh, Ngài đã thấy được không có một chúng sanh nào tồn tại độc lập, mà ngược lại lưu chuyển trong vòng tương duyên với nhau. Tất cả vì vô minh, mà chúng sanh không thấy được Ngài. Trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân diễn tả, có lần Đức Phật đi trên đường và thấy bên lề đường một đống xương khô, Ngài đã lễ lạy đống xương ấy.
10/04/2013(Xem: 4605)
Là Phật tử, mỗi người chúng ta luôn mang tâm nguyện tiến tu trên con đường giải thoát và giác ngộ, việc trước nhất thể hiện ý nghĩa đó là cần phải học Phật. Có học Phật cặn kẽ, rõ ràng và căn bản, chúng ta mới có cơ hội để tiếp nhận ánh sáng của đức Phật tỏa chiếu muôn nơi mà không e sợ đi lạc đường, lầm lối, dẫn vào tà đạo, và mới có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống cho chính mình và cho tha nhân.
10/04/2013(Xem: 4177)
Truyền thống giáo dục của Phật giáo có ba hình thức căn bản, gồm: khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Tùy theo căn cơ của người đệ tử mà các bậc thầy có thể sử dụng nhiều phương thức hướng dẫn khác nhau, nhưng thân giáo vẫn là quan trọng hơn cả cho thầy lẫn trò. Trở về khoảng thời gian Đức Phật còn tại thế, sự thuyết giảng của Ngài chưa bao giờ có hình thức giảng dạy như hình thức viết lách như chúng ta hiện nay.
10/04/2013(Xem: 5058)
Ánh sáng giác ngộ được hiểu như là một sự dập tắt vô minh, vọng tưởng điên đảo trong tâm trí của con người, là sự biết rõ sự thật về nguyên nhân và kết quả, nhận thức và hành động, con người và môi trường xung quanh. Giác ngộ là sự hiểu biết chân chánh, thấy rõ bản chất như thật của sự vật, vạn pháp. Giác ngộ còn có nghĩa là đoạn tận khổ đau, dứt trừ những tập khí phiền não bao trùm đời sống của con người trong nhiều kiếp sống, là sự thoát ly những con đường dẫn chúng sanh lên xuống trong sáu nẻo luân hồi trong vô minh bừng cháy.
10/04/2013(Xem: 5283)
Bát Chánh Đạo hoặc Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ Đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo. Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã long trọng chỉ Bát thánh đạo cho năm bạn đồng tu là nhhóm Kiều Trần Như.
10/04/2013(Xem: 4377)
Chúng ta thấy rất rõ, từ cái nhìn của một người dù không phải là Phật tử , khi họ thấy chiếc y màu vàng đắp trên người của các vị Tăng Phật giáo, họ vẫn dễ dàng nhận biết được đó là tu sỹ Phật giáo, một cái nhìn quán tính, đã ăn sâu trong ký ức của mọi người. Đó là hình ảnh hiện thân của Đức Phật, và ngày này vẫn được tiếp nối trong Phật giáo. Ít nhất, hình bóng này, người bình thường cũng dễ dàng nhận biết và phân biệt được. Như Phật tử chúng ta có dịp thấy chư Tăng Nam tông ở các nước theo truyền thống Nam tông như Thái lan, Tích Lan, Miến điện, Lào và Campuchia v.v... và một bộ phận nhỏ ở Việt nam.
10/04/2013(Xem: 4586)
Đức Phật thường được ca tụng như một bậc vĩ nhân. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi vì vĩ nhân thường được hiểu như những bậc kỳ tài xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có thể là nhiều lĩnh vực, mang lại lợi lạc cho con người trong một mức độ nào đó. Có thể là một vĩ nhân ở phương Đông nhưng chưa hẵn là kỳ tài ở phương Tây.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]