Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ, con đường đi học

10/04/201319:24(Xem: 4069)
Mẹ, con đường đi học

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010

Mẹ, con đường đi học

Cuộc thi viết ngắn Mẹ tôi:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời


Mẹ không chỉ dắt tôi đi qua cầu tre lắt lẻo. Tôi còn nhớ con đường từ nhà đến trường ngày đó, mẹ phải bồng tôi qua những khúc quanh hoa mắc cỡ mọc đầy. Ngày đó tôi mới vào lớp 1…
Tôi không phải là đứa trẻ dạn dĩ, tôi đã òa khóc khi bước vào căn nhà tre lá có rất đông những đứa trẻ khác như tôi. Mẹ gửi tôi cho một người gọi là cô giáo, mẹ bảo tôi ngoan, gắng học rồi ra về. Khi bóng mẹ vừa khuất sau rặng bằng lăng thì trọn buổi học đầu tiên của tôi chỉ có nước mắt và nước mắt. Thế là suốt một tháng tròn mẹ đi học cùng tôi. Tôi ngồi trong lớp còn mẹ ngoài cửa lớp, với chiếc nón mê đầy rau dại mẹ hái quanh trường. Mẹ ngồi nhặt rau, mắt thỉnh thoảng nhìn tôi rồi xa xăm nhìn về phía cuối đường làng, cái nhìn đầy ưu tư mà lúc đó tôi không hề biết.
Cha mẹ tôi là một cặp vợ chồng nghèo ở ngoại ô thị xã Trà Vinh. Cha tôi rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, tháng năm cha đi bộ đội, mẹ ở nhà tần tảo chắt chiu mua được một mảnh rẫy nho nhỏ khoảng nửa công đất. Cha về, suốt ngày cần mẫn cuốc xới trồng những luống cà liếp rau để mẹ tôi từ sáng tinh sương gánh ra chợ bán, dành dụm từng đồng nuôi tôi khôn lớn.
Thế nhưng suốt một tháng qua, vì đứa con nhút nhát của mình mà mẹ không gánh gồng ra chợ nữa, chỉ bỏ mối cho người ta. Và dĩ nhiên số thu nhập ít ỏi của gia đình giảm đi đáng kể. Cho đến một ngày bà Tư Mập đến nhà tôi quát tháo ầm ĩ về số nợ nào đó mà cha mẹ tôi đã thiếu bà: “Nghèo mà còn bày đặt cho con đi học này, học nọ. Bày đặt làm sang hả? Tao kỳ hẹn ngày mai phải trả đủ cho tao, không thôi tao cào nhà ráng chịu!”.
Bà Tư Mập đi rồi bác Ba hàng xóm bước qua an ủi và khuyên mẹ: “Thôi thì vợ chồng thím để thằng Tâm ở nhà thêm một hai năm, lúc đó nó lớn rồi sẽ tự đi học một mình, chớ tôi thấy thím đưa nó đi như vầy không phải là cách. Với lại... mình là hạng nghèo hèn... Ba cái chuyện học hành...”. Mẹ tôi lau nước mắt: “Cảm ơn chị, nhưng không được đâu chị Ba. Cỡ nào em cũng phải cho thằng Tâm đi học. Bây giờ bắt nó nghỉ ngang, một hai năm nữa nó ham chơi, ham kiếm tiền hơn học. Xóm mình bao nhiêu đứa rồi chị thấy đó. Chị ơi, mình nghèo em phải ráng cho con cái chữ”.
Lúc ấy không biết động lực nào đã giúp tôi từ trong kẹt buồng chạy ra lắp ba lắp bắp: “Mẹ... Mẹ ơi! Mai con đi học một mình!”. Dù rất sợ nhưng tôi quyết không cho mẹ đưa tôi nữa. Nửa mừng, nửa lo, mẹ lén theo tôi suốt một tuần rồi mới yên tâm trở về với đôi quang gánh. Sau này, tôi vẫn nhủ thầm mình qua được bước ngoặt đầu đời này là nhờ bà Tư Mập.
Suốt năm năm liền tôi đều lên lớp với thứ hạng cao. Mẹ mừng lắm! Tôi dần lớn lên theo hai cục chai trên hai vai mẹ, rồi em Phượng tôi ra đời, gánh nặng lại nhân đôi. Cha tôi phải rời quê hương theo người quen đi làm ăn xa bên Đồng Tháp. Mảnh rẫy bé nhỏ thiếu bàn tay người đàn ông trở nên nặng nhọc với người đàn bà một nách hai con, nhưng mẹ tôi không một lời than thở. Mẹ đặt niềm hi vọng vào cha. Ngày cha trở về sẽ... Thế nhưng, họa vô đơn chí! Công việc làm ăn của cha thất bát, trên đường trở lại quê nhà lại bị ngã xe. Cha gãy chân và hai cái xương sườn. Tin dữ như một lằn sét đánh thẳng một cách không tương tiếc vào mẹ của tôi.
Cha tôi ra viện thì mảnh rẫy bé nhỏ cũng ra đi. Anh bộ đội gốc nông dân khỏe mạnh trở thành người đàn ông bệnh hoạn yếu ớt. Mắt ông trũng sâu vì lo lắng, vì đau khổ khi thấy mình trở thành gánh nặng. Mẹ dịu dàng chăm sóc, an ủi ân cần, lúc nào cũng tìm chuyện vui để kể. Nào là con Phượng đã nói rành, thằng Tâm vừa lãnh giấy khen... Mẹ đã giúp cha vượt qua nỗi đau thể xác, sự suy sụp tinh thần. Cha hỏi mẹ: “Giờ tính sao mình?”. Mẹ cười: “Nhà nước đang mở rộng và tráng nhựa con đường làng ta. Em xin vào làm công nhân”.
Thế là từ giã đôi quang gánh, mẹ trở thành người công nhân cầu đường. Sáng mẹ nấu cơm thật sớm cho cả nhà rồi ra công trường đầy nắng và gió. Đi học ngang qua tôi dừng lại, nhìn từ xa xa người đàn bà gầy gầy tay bưng ky đá rải đường mà lòng dậy lên một nỗi niềm không tả được. Con đường làng tôi giờ đây không còn hoa mắc cỡ mà trải nhựa dài thẳng tắp. Cha tôi đã khỏe và nhờ con đường mà ông có công việc mới: chạy xe ôm! Cha bảo: “Mẹ làm đường cho cha chạy đấy Tâm ạ!”. Mẹ nói: “Không phải đâu. Con đường ấy mẹ làm cho con đấy Tâm. Mẹ sẽ làm những con đường khác to hơn, dài hơn nữa để con bước vào đời!”. Bây giờ tôi 18 tuổi!
Tốt nghiệp lớp 12 mẹ bảo tôi thi đại học. Tôi trả lời: “Con không thi đại học đâu”. Mẹ tôi buồn lắm. Nhưng tôi biết đại học đồng nghĩa với biết bao tốn kém, sau lưng tôi còn đứa em gái vào năm cuối cấp II. Tôi học đại học thì em tôi phải nghỉ. Không, con đường ấy không dành cho tôi và nó không phải là con đường duy nhất bước vào đời. Trên tất cả những điều đó, mẹ ơi!, con muốn làm đồng nghiệp của mẹ, chính tay mình làm những con đường cho mình và bao người khác đi qua. Khi tôi đưa cho mẹ giấy báo nhập học của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải đường bộ miền Nam ở Cần Thơ, mẹ tôi đã khóc.
Thế là tôi đã xa quê học ngành lái xe công trình được một năm. Chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ về cùng mẹ tôi thi công xây dựng những con đường cho quê hương Trà Vinh yêu dấu. Mẹ ơi, mẹ có vui không khi con trở thành người đồng nghiệp tương lai của mẹ? Con hứa sẽ cố gắng để xứng đáng với tình thương của mẹ. Con sẽ bước vào đời với những bước chân vững vàng, tin tưởng. Vì con biết: mẹ chính là đường đời của con đi!
http://binhphuoc.org/diendan/thong-tin-tu-ban-quan-tri/5435-cuoc-thi-viet-ve-me-mung-8-3-a.html



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3996)
Một gia đình có tiếng ở Mequen đã mất đứa con trai 25 tuổi (tên Arun Gopal Ratnam) vào ngày 4 Tháng Sáu vì bị lửa cháy.
10/04/2013(Xem: 3940)
Vóc dáng đấng cha lành còn đó, hình ảnh pháp hội Linh Sơn như vẫn còn hiện hữu theo dấu chân hàng trưởng tử Như Lai kế thừa đạo pháp. Dù Đức Phật đã thị tịch cách nay 2553 năm, nhưng những lời giáo huấn của Ngài qua pháp âm vẫn còn vang vọng đâu đây để cho tứ chúng đệ tử hành trì tu tập đạo giải thoát, đạo nhân thừa mà hiếu đạo là nền tảng của cổ kim, con người không thể thiếu sót hay thờ ơ được.
10/04/2013(Xem: 3508)
Rằm tháng bảy, Vu Lan không còn là ngày lễ dành riêng cho những người Phật tử, mà dường như nó đã trở thành một ngày lễ truyền thống mà mọi người con nước việt cần tưởng niệm Tri Ân và Báo Hiếu. Con được nuôi dưỡng bằng một tình thương không bờ bến. Con là người được cha mẹ ban ân Nếu không có cha mẹ thì chúng ta không có mặt trên cuộc đời này, thế nhưng, đôi khi có những người con vô tình đánh mất cái tình cảm thiêng liêng yêu quí nhất mà chúng ta dành cho cha mẹ.
10/04/2013(Xem: 4052)
Trước Phật đài Tam Bảo chứng minh. Trong bửu điện trang nghiêm thanh tịnh. Đại Lễ Vu Lan Thắng Hội thập phần viên mãn. Mùa Báo Hiếu thiêng liêng lan tỏa khắp mười phương. Chắc chắn ba ngàn thế giới lay chuyển sáu lần rung động. Chắc chắn mười tám tầng địa ngục sẽ được mở toang. Bởi công ơn Cha Mẹ là một sự hiện hữu nhiệm mầu, tình thương Cha Mẹ là tất cả đất trời cao rộng, ngân hà xao xuyến, vũ trụ nao nao, trăng sao vằng vặc. Là con hiền cháu thảo, ai ai cũng lặng yên, ai ai cũng trầm lắng, để nghe trong sâu thẳm tâm hồn tiếng nói dâng lên cho Cha, dâng lên cho Mẹ trong giờ phút trang trọng này đây.
10/04/2013(Xem: 3850)
Đã mấy chục năm trôi qua, sinh ra làm người giữa cuộc đời này, cho đến hôm nay, hương linh đã chính thức kết thúc cuộc đời con người, đã chấm dứt cuộc sống và chỉ còn vỏn vẹn đêm nay, hương linh lưu lại dưới mái ấm gia đình để rồi mai nay, tất cả nội ngoại con cháu xa gần sẽ chính thức đưa hương linh về nơi an nghỉ cuối cùng trên miền đất của dương thế, một phút chia tay ngìn thu vĩnh biệt. Trước giờ phút âm dương hai ngã, trong cảnh kẻ ở người đi, đất khuất đây còn,.......
10/04/2013(Xem: 3284)
Mỗi rằm tháng bảy vào thắng hội Vu Lan hầu như chùa nào cũng tụng kinh Phụ Mẫu Báo Ân, Kinh Vu Lan, Sám Vu Lan để nhớ đến công hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên hiếu thảo với thân mẫu quá vãng và bảy đời cha mẹ quá khứ. Ngài đã vâng lời Phật dạy cúng dường trai tăng, cầu thập phương thường trụ Tam bảo gia hộ cho thân mẫu buông xả lòng tham, sân, si, ích kỷ, độc ác và được nhẹ nhàng siêu sanh tịnh độ. Từ đó, tôn giả được tôn vinh như một tấm gương sáng về hạnh Đại hiếu.
10/04/2013(Xem: 5972)
Chiêm ngưỡng tôn tượng mỗi Chư Phật, Chư Bồ Tát, Phật tử đều có thể thấy phần nào hạnh nguyện của Quý Ngài. Bồ Tát Quán Thế Âm với nhành dương liễu và bình tịnh thủy trên tay, nghe tiếng kêu thương nơi đâu, Ngài liền đến cứu khổ. Nhành dương liễu phẩy sạch bụi uế trược, nước Cam Lộ rưới mát khổ đau:......
10/04/2013(Xem: 4556)
Canh một đại chúng sẵn sàng Vào thiền đường giữ tâm an phút này Ba nghiệp thanh tịnh đẹp thay Dung nhan Phật thánh hiển bày uy nghiêm
10/04/2013(Xem: 7260)
Tôn Giáo đã xuất hiện trên quả địa cầu nầy đã từ rất lâu; nhưng để trở thành văn bản của một Tôn Giáo, có lẽ không quá 3.000 năm lịch sử. Vì trước đó, đa phần loài người trên quả địa cầu nầy chưa có chữ viết. Nếu có, chỉ là những lời nói trao đổi giữa người và người; chứ chưa biến thể thành chữ viết theo mẫu tự La Tinh hay các bộ chữ của Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
10/04/2013(Xem: 9485)
Hôm nay là ngày giỗ cha tôi. Ngày đánh dấu ba mươi lăm năm chìm nổi của đời tôi. Ba mươi lăm năm là một quãng đời dài. Thế nhưng, tất cả chi tiết, hình ảnh về ngày bất hạnh đó vẫn còn nguyên vẹn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567