Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhật Ký Ngày Giỗ Cha (thơ)

10/04/201319:01(Xem: 11501)
Nhật Ký Ngày Giỗ Cha (thơ)

ngay gio cha


Nhật Ký Ngày Giỗ Cha


 Trần Trung Đạo



Hôm nay là ngày giỗ cha tôi. Ngày đánh dấu ba mươi lăm năm chìm nổi của đời tôi. Ba mươi lăm năm là một quãng đời dài. Thế nhưng, tất cả chi tiết, hình ảnh về ngày bất hạnh đó vẫn còn nguyên vẹn.
Buổi chiều cuối năm trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên. Gần cuối bữa cơm đạm bạc như mọi ngày, cha tôi dừng đũa nhìn tôi và nói: “Ăn Tết xong, con xuống Viên Giác ở với thầy ăn học”. Tôi “dạ” đáp lời. Thật sự tôi không hiểu cha tôi nói như vậy có ý gì. Chiến tranh tuy đã lan rộng đến những vùng chung quanh, tiếng đại bác vọng về, màu hỏa châu soi sáng dọc bờ sông nhưng làng tôi cho đến đêm tháng Chạp 1968 vẫn còn tương đối thanh bình. Tại sao tôi phải bỏ đi? Tại sao đang sống bình an với gia đình, tôi lại phải xuống chùa Viên Giác, mãi tận Hội An, để ăn học?

Tôi biết cha tôi là đệ tử thầy Viên Giác. Ông rất kính trọng bổn sư và đã vài lần đưa tôi đến thỉnh an thầy. Thầy Viên Giác rất thương tôi. Thầy là Đặc Ủy Thanh Niên của Tỉnh Giáo Hội nên thường tổ chức các buổi văn nghệ lớn tại nhiều nơi trong tỉnh. Mỗi lần văn nghệ, thầy thường cho gọi Gia Đình Phật Tử Duy Xuyên, trong đó có tôi, đi theo. Thế nhưng, dù thân thiết bao nhiêu đi nữa, việc xuống ở luôn với thầy ăn học, như cha tôi dặn dò, là điều, trong trí óc thơ ngây của tôi, chưa bao giờ nghĩ tới. Cha tôi thì sao? Căn nhà thân yêu, ngôi trường xinh xinh và giòng sông nhỏ của tôi thì sao? Tuy thắc mắc trong lòng nhưng tôi vẫn dạ khi cha tôi dặn dò. Như một thói quen, tôi vẫn “dạ” nhiều lần trong những đêm khuya khi cha tôi ru tôi ngủ bằng những câu chuyện buồn nhiều hơn vui của đời ông. Cha tôi không giải thích lý do tôi phải ra đi và tôi cũng chẳng hỏi gì thêm. Nhưng buổi sáng hôm sau tôi mới biết ra rằng bữa cơm tối hôm qua là bữa cơm cuối cùng của cha con tôi trong căn nhà nhỏ ở Duy Xuyên. Lời dặn dò của cha tôi “Ăn Tết xong xuống Viên Giác” trở thành lời trăn trối của ông.
Cha tôi ra đi trong đêm tối trời tháng Chạp năm đó. Một viên đại pháo rớt vào căn nhà tranh của chúng tôi, nổ tung tuổi thơ tôi thành nghìn mảnh vụn, chặt đứt đi của tôi một tàng cây che mát cuối cùng, chỗ dựa thiêng liêng duy nhất mà tôi có trên thế gian này. Tôi thức dậy sau tiếng nổ với một thân hình đầy máu. Không phải máu của tôi nhưng là máu của cha tôi. Cha tôi ra đi không kịp nói với tôi thêm một lời nào khác ngoài những dặn dò sau buổi cơm chiều. Tôi áp ngực để nghe nhịp tim, vẫn còn đập nhưng vô cùng yếu ớt của ông. Cha tôi ra đi giữa lúc tuổi đời tôi còn quá nhỏ. Mười ba tuổi. Ông đến một nơi, tôi không chắc là đâu nhưng có một điều tôi tin, ở đó sẽ không có chiến tranh, không bom đạn, hận thù, nghèo đói, bịnh tật, những độc dược đã tàn phá gia đình tôi, và bao nhiêu thế kỷ hủy hoại đến mức tận cùng sinh lực của đất nước tôi.
Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nghĩ về lời dặn dò của cha, tôi cảm nhận được trong đó sự kỳ diệu của tình người. Cha tôi phải ra đi nhưng đã tìm một nơi ông yên lòng nhất để gửi gấm tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giờ, mỗi sát na mà tôi đang sống, cha tôi, qua hình ảnh một cơn gió nhẹ, một áng mây trên nền trời xanh, bao giờ cũng ở gần tôi, che chở cho tôi trong những cơn hoạn nạn, vực tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Tôi không nghĩ những lời dặn dò, trăn trối của cha là một điều siêu nhiên huyền bí. Tôi không tin cha tôi đã biết trước điều bất trắc sẽ xảy đến cho ông. Nhưng tôi cũng không nghĩ đó chỉ là những lời nói bâng quơ, ngẫu nhiên, vô tình, vô cớ. Phải chăng đó là một trách nhiệm tinh thần và máu huyết thiêng liêng giữa cha và con, giữa con người và con người trong trùng trùng nhân duyên với nhau từ bao nhiêu kiếp trước cho đến kiếp này. Tất cả đã thúc dục ông lo lắng, thúc dục ông chọn lựa và buộc ông nói những lời dường như cũng không phải của chính ông.
Sau một thời gian sống với cô tôi ở Đà Nẵng cho đến hết trận Mậu Thân tàn khốc, tôi vào Vĩnh Điện học lớp đệ ngũ ở trường Duy Xuyên, lúc đó đang dạy nhờ tại trường Nguyễn Duy Hiệu. Sang niên học mới, tôi xuống Hội An và tìm đến chùa Viên Giác. Thầy Viên Giác, sau khi nghe câu chuyện thương tâm đã nhận lời cho tôi ở lại. Tôi không bạch với thầy lời cha tôi dặn vì tôi biết ông sẽ cười và gõ vào trán tôi mà nói “ai dạy con bài học chiến tranh tâm lý này sớm thế”.
Ở Viên Giác, ngoài giờ đi học và kinh kệ, ngoại trừ thầy trụ trì, từ các thầy, chúng điệu cho đến đám trẻ con có tóc như tôi đều được giao một công việc để làm mỗi ngày. Là một trong những người nhỏ nhất, năm đầu, tôi được giao công việc lau bàn thờ và bàn ghế trong giảng đường.
Giảng đường chùa Viên Giác khá lớn. Những bộ trường kỹ dài, được đóng theo lối cổ và chạm trổ công phu, không một vết bụi vì rất ít được dùng. Công việc tôi làm như là một hình thức để trả cái ơn thứ ba, ơn cơm gạo của chúng sinh, trong Tứ Ân của Phật Giáo, hơn là lao động nặng nề. Chính giữa giảng đường là bàn thờ các Thánh Tử Đạo đã hy sinh vì Đạo Pháp trong mùa pháp nạn 1963. Dọc bức tường dài là di ảnh hàng chục thánh tử đạo Phật Giáo, từ chân dung Bồ Tát Quảng Đức, Hòa Thượng Tiêu Diêu, Đại Đức Thiện Mỹ, nữ sinh Quách Thị Trang cho đến anh Văn Bá Hoành, huynh trưởng Gia Đình Phật Tử quận Duy Xuyên của chúng tôi.
Anh Hoành là người ở ngay trong tỉnh Quảng Nam và là đệ tử của thầy Viên Giác nên cái chết của anh được kể lại một cách chi tiết và rõ ràng hơn cả. Một đêm tối trời trước ngày 1 tháng 11 năm 1963, một số người lạ mặt gõ cửa nhà huynh trưởng Văn Bá Hoành, kê súng và bắt anh đi. Tuần sau, gia đình tìm được xác anh trên một cồn cát cách nhà vài cây số. Hai tay anh bị trói bằng dây kẽm gai, mắt anh bị bịt chặt. Theo lời thân nhân, các thầy và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đi nhận dạng anh, anh không bị bắn chết. Thay vì, từ những vết máu khô còn đọng trong đôi mắt, tai, mũi, họ nghĩ rằng, những người lạ mặt đã ném anh Hoành vào trong một bao bố, trói chặt và chôn sống anh trên bãi cát Tây An. Anh có tội gì để phải chịu đựng hình phạt thảm khốc đầy đau đớn như vậy? Một nông dân nghèo. Một huynh trưởng chăm sóc cho Gia Đình Phật Tử quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Một người chồng, một người cha chỉ biết vất vả sớm trưa để nuôi bầy con còn nhỏ dại. Chị Hoành sau ngày anh bị giết, buôn tảo bán tần vẫn không lo lắng nổi cho mấy đứa con, đành đem gởi trong chùa. Một trong những người con anh, một thời gian, đã được thầy Viên Giác đem về nuôi nấng như tôi.
Và ở đó, trong giảng đường chùa Viên Giác, mỗi buổi sáng, đúng 6 giờ, tôi thức dậy để lau bàn thờ và bàn ghế trong giảng đường. Mỗi khi lau xong bàn thờ Thánh Tử Đạo, tôi dừng lại một chút, nghiêm cẩn cúi đầu trước giác linh của những vị đã hy sinh để đạo Phật được đối xử một cách bình đẳng như mọi tôn giáo khác trong cộng đồng dân tộc. Những lúc như thế tôi bắt gặp đôi mắt của huynh trưởng Văn Bá Hoành nhìn xuống tôi. Có khi nghiêm trang. Có khi hiền dịu. Có khi đỏ au màu máu. Tôi nghe như có tiếng anh cười. Tiếng còi anh thổi thật nhanh trong những trò chơi lớn. Tiếng anh rên tức tưởi đau thương trong bao vải. Tiếng anh van xin như con nai cố thoát ra chiếc bẫy của người thợ rừng. Tiếng anh gọi vợ, gọi con ai oán trong đêm khuya giữa bãi cát trắng hoang vu. Mỗi buổi sáng lúc 6 giờ. Anh nhìn xuống tôi như muốn dặn dò, trao gởi những điều anh chưa kịp nói. Anh nhìn xuống như để mong tôi sẽ giúp anh tìm câu trả lời mà người giết anh, có thể đã bận lo bịt mắt, siết dây, nên không kịp trả lời. Họ là ai và tai sao họ phải giết anh. Trong giảng đường chùa Viên Giác tôi đã hứa với anh.
Vài tháng một lần tôi được phép về Đà Nẵng thăm cô tôi, người gần gũi nhất còn lại của tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng. Chị Bảy, chồng, và con gái bốn tuổi chết khi chiếc xem lam họ ngồi chạy qua một trái mìn cực mạnh được đặt trên đường lớn chạy từ trạm Nam Phước lên chợ Quận Duy Xuyên. Thân xác họ bị mìn xé tan nát thành hàng trăm mảnh nhỏ. Các anh họ của tôi phải đi dò tìm trong những thửa ruộng hai bên đường để nhặt từng cái đầu, từng cánh tay, từng chút thịt. Tất cả được bỏ chung trong một cái nia lớn, sau đó chôn cất trong nghĩa địa gần nhà.
Cô tôi có vẻ vui hơn trong những lúc tôi về. Biết tôi suốt tháng ăn chay nên dù rất nghèo, cô cũng ráng mua sắm thêm chút cá thịt cho bữa ăn. Cô thức khuya hơn, dặn dò tôi hàng trăm việc. Cố gắng nhịn nhục. Cố gắng chịu đựng. Cố gắng học hành. Cô hỏi thăm từng việc lớn nhỏ trong chùa tôi đang tá túc.
“Bà Chín có còn chửi mắng con không? ”
“Không, bà Chín chết rồi”
“Sao vậy? ”
“Xe tông chết”.
“Có ai đánh con không?
“Không”.
“Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không? ”
“Không”.
“Thầy có biểu con đi tu không? ”
“Có, nhưng không phải thầy Viên Giác”.
“Thế ai biểu con? ”
“Thầy Giải Nguyên”.
“Thầy Giải Nguyên là ai? ”
“Đệ tử của thầy Viên Giác ”
“Con trả lời thầy Giải Nguyên sao? ”
“Con nói con không muốn đi tu. ”
“Thầy nói gì thêm? ”
“Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huế hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được”.
“Thế con trả lời sao? ”
“Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu”.
“Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần? ”
“Nhiều lần nhưng tháng nầy thì không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu”.
“Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô”.
“Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà-rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học”.
“Ừ thì lúc đó hãy tính”.
“Con phải đi học”.
“Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học”.
“Dạ”
Hai cô cháu tôi thường ngồi như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc. Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân.
Ở Hội An những năm đầu tôi không có bạn. Bạn chân tình của tôi, ngoài hai cây đa già mà tôi đã nhiều lần viết về trong những bài tâm bút khác, chỉ còn là những vì sao trên nền trời. Những đêm hè, tôi và nhiều chú điệu khác, thường ôm chiếu ra trước hiên chùa nằm ngủ. Sân chùa rộng, lát gạch, những chậu hoa nhiều loại được đặt chung quanh một hồ sen nhỏ. Các điệu nằm xuống là ngủ ngay. Hồn nhiên như những giọt sương sớm trên cành. Tôi chưa hề nghe các chú than van. Không chú điệu nào thắc mắc tại sao chú phải đi tu, tại sao chú không được đi thả diều, đuổi bướm, đá banh như nhiều đứa bé cùng tuổi trong xóm. Dường như với các chú, tu hành không phải chỉ bắt đầu vài tháng, vài năm mới đây thôi nhưng là để nối tiếp một hành trình dở dang từ kiếp trước. Tôi thì khác. Tôi phải sống ở đây chỉ vì không còn một nơi nào khác để dung thân. Tôi đang chiến đấu để tồn tại trước bao nhiêu bất hạnh của thế gian đang đè xuống đôi vai nhỏ bé của tôi.
Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Một cảm giác lạ kỳ, vừa ấm cúng nhưng cũng vừa cô độc, vừa rất thực nhưng cũng vừa hư huyễn thường đến với tôi trong những đêm khuya khoắt như thế. Tôi chọn một vì sao nhỏ, lẻ loi và xa xôi nhất trong dải thiên hà bát ngát để làm bạn với mình, để chia xẻ những buồn vui bắt gặp trong ngày. Tôi tâm sự với sao những chuyện thầm kín nhất. Những chuyện tôi chưa từng nói với ai và, dù tôi muốn, cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ. Như thầy Giải Nguyên có lần đã cảnh giác, nếu không đi tu, sớm hay muộn, tôi cũng phải ra khỏi nơi nầy. Tôi biết. Tôi biết. Dù thế gian này là giả tạo và mộng tưởng, dù khoảnh khắc tôi đang sống là vô thường hay hữu thể, thì con đường dài sâu hun hút phía bên kia cổng tam quan chùa Viên Giác vẫn là con đường có thực. Con đường đầy gai gốc kia, một ngày không xa, trong cuộc đời này, tôi phải dẫm lên, tôi phải đi qua.
Những đêm gió mát, tôi thường nằm hàng giờ lắng nghe tiếng lá rung xào xạt, hồn đuổi theo những mơ ước riêng tư của lứa tuổi đang bắt đầu mơ mộng. Tôi mơ về một mái nhà ấm cúng. Một gia đình. Một người chị. Một đứa em. Một người bạn. Một chiếc xe đạp. Một thôn xóm thanh bình. Tôi mơ thấy cha tôi về. Vẫn chiếc áo cánh đen như ông thường mặc. Vẫn giọng hát bộ điệu Nam Ai buồn não nuột mỗi đêm trong căn nhà tranh nhỏ. Vẫn với hình ảnh của người thợ dệt vải nghèo nàn ở làng Mã Châu, mỗi ngày dệt dày thêm những sợi buồn phiền vào cuộc đời vốn đã nhiều cay đắng của mình.
Những đêm như thế, tôi nhớ lại hình ảnh chiếc trực thăng quân đội mang cha tôi đến một bịnh viện dã chiến mà tôi không biết tên, với hy vọng cứu sống cuối cùng. Tôi nhớ đến đôi tay người lính Mỹ ôm tôi lại để khỏi bị cuốn theo sức hút từ chiếc trực thăng đang cất cánh. Chiếc trực thăng bay xa, bay xa, nhỏ dần, nhỏ dần và mất dạng bên kia hàng dương liễu. Tiếng gọi cha của thằng bé mười ba tuổi bị át đi bởi tiếng máy trực thăng. Không ai nghe. Không có tiếng trả lời. Tiếng thét của tôi, như một viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng, không để lại một âm vang nào. Và như thế cha tôi đi. Ra đi vĩnh viễn trong cát bụi mịt mờ. Tuổi thơ của tôi, từ hôm đó, như chiếc lá non bị cuốn vào cơn bão lửa mịt mùng của thế kỷ. Mỗi ngày 22 tháng Chạp, tôi tự mình đọc kinh cầu siêu cho cha. Không ai biết, ngay cả chính tôi, đó là ngày giỗ cha tôi.
Và ở đó tôi lớn lên. Lớn lên trong tiếng chuông chùa nhẹ đưa vào đúng 5 giờ sáng mỗi ngày. Lớn trong những lời Phật dạy “Hãy bao dung và tha thứ’ đi nhẹ vào tâm hồn ngây thơ trong trắng của tôi. Lớn lên trong tiếng lá đa xào xạt suốt mùa thu viết vào hồn tôi những vần thơ buồn, mãi ba mươi năm sau mới dần dần kết tụ. Và tôi cũng lớn lên dưới ánh sao của những đêm hè nằm nghe tuổi hoa niên thổn thức.
Tháng 8 năm 1972, tôi lạy Phật ra đi, sau lưng cánh cửa chùa cũng vừa khép lại.
Hôm nay ngày giỗ cha tôi. Ba mươi lăm năm trong một đời người. Từ Mã Châu, xuống Hội An, ra Đà Nẵng, vào Sài Gòn và chiều nay giữa xứ người trong mùa đông Boston giá rét. Con nước nhỏ dưới chân cầu Vĩnh Điện, Câu Lâu ngày xưa đã trôi xa thẳm. Trôi xa hàng vạn dặm. Những người thân yêu nhất trong thời hoa niên khốn khổ của tôi không còn nữa. Thầy Viên Giác đã viên tịch. Cô tôi đã chết. Cô tôi mất khi tôi còn ngồi trong tù vượt biển ở Bạc Liêu nên không kịp về Trung để tang cô. Ra tù tôi lại phải lo vượt biên lần nữa. Ngồi trên thành ghe tôi đau xót nhớ về cô. Ngày xưa tôi thường nói với các anh chị họ, nếu cô chết tôi sẽ không bao giờ về lại Mã Châu. Thế mà thật. Hai mươi hai năm rồi từ ngày cô tôi chết, hai mươi hai năm tôi vẫn chưa về lại Mã Châu. Tôi nhớ vô cùng bàn tay gầy guộc, chiếc áo cánh màu nâu cô thường mặc, nụ cười héo hon trong mỗi lúc thấy tôi về. Văng vẳng bên tai tôi những lời hỏi han, dặn dò, lo lắng của cô “Có ai đánh con không?”, “Có ai chửi mắng con không?” Tôi bao giờ cũng trả lời không để cô vui, dù mỗi ngày trên con đường tôi qua, biết bao người đã chửi mắng tôi, đã bao người xô tôi ngả.
Hôm nay, nếu cô tôi còn sống chắc là cô vui lắm. Thằng cháu mồ côi mười ba tuổi của cô đã sống sót, đã có gia đình, vợ và ba cháu rất ngoan. Giấc mơ thời niên thiếu tuy vẫn còn xa, vẫn chưa thành sự thật nhưng cháu của cô đã làm được một điều quan trọng mà cô dặn dò: “Hy vọng để mà sống, cố gắng để vươn lên, học để làm người có ích”. Nhánh lau non bên bờ sông Thu Bồn ngày xưa, còn đứng được sau cơn bão lửa triền miên dài hơn một phần tư thế kỷ.
Ba mươi lăm năm sau. Tôi đã tìm ra và đã bắt được kẻ đã chôn sống anh Hoành. Tôi cũng đã tìm ra và bắt được kẻ đã bắn viên đại pháo vào căn nhà tranh thân yêu của tôi trong đêm tháng Chạp năm 1968. Tôi đã tìm ra và bắt được kẻ đã đặt trái mìn trên con đường dẫn lên chợ Quận Duy Xuyên ngày trước.
Tôi đã tìm ra.
Vâng, nhưng tôi cũng đã thả họ đi.
Tôi thả người du kích đặt mìn và những người đã bắn viên đại pháo đi chỉ vì họ không phải là chính phạm. Chính phạm đã gây ra bao nhiêu thảm họa cho đất nước tôi, không phải từ những bàn tay, những viên đại pháo, những bẫy mìn, mảnh đạn nhưng là những tư tưởng phản dân tộc, nô lệ, vong bản, ngoại lai độc hại, bằng nhiều ngã, nhiều thời điểm, nhiều cơ hội đã cấy vào con người Việt Nam, xâm nhập vào suy nghĩ Việt Nam và qua đó, điều khiển hành động của một số người Việt Nam, nhất thời, có quyền lực trong tay. Những nọc độc văn hóa đó gần một thế kỷ qua đã biến bao nhiêu con người Việt Nam thật thà chơn chất thành những kẻ sát nhân, biến tâm hồn Việt Nam đầy ắp thi ca, với những ngày mới lớn “rất đậm hương và rộn tiếng chim” để có thể một ngày, nhẫn tâm hạ bút “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ”.
Đất nước, vì thế, hơn bao giờ hết đang đối diện với một nhu cầu cách mạng từ căn bản. Không phải cách mạng xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường. Không phải cách mạng khoa học kỹ thuật hay kinh tế chính trị mà là cách mạng con người. Phục hưng Việt Nam phải bắt đầu từ việc phục hưng con người Việt Nam.
Tôi cũng đã thả những người siết dây anh Hoành đi, bởi vì, trong lúc sợi dây oan nghiệt phải tháo từ cổ anh Hoành nhưng cũng không nên dùng nó để buộc vào cổ người khác, và càng không nên buộc vào cổ con cháu họ. Tôi không thể nhân danh việc trả thù cho cái chết oan ức của anh Hoành, nhưng thật ra chỉ để trút cơn thù hận của riêng mình lên thế hệ hôm nay.
Đạo Phật là đạo của tình thương, bao dung và tha thứ. Lời thầy dạy ngày xưa: “Tinh thần Phật Giáo giống như tấm lòng của mẹ đất, chịu đựng bao sức nặng và lỗi lầm của nhân loại mà không hề than van, oán trách, vẫn đem đến cho đời niềm vui và sức sống”. Ba mươi lăm năm, những bài học đầu tiên đó còn in đậm trong tâm hồn tôi. Anh Hoành đã trọn nghiệp. Dân tộc đã trọn nghiệp. Bóng tối của lạc hậu, rẽ chia, thù ghét nhỏ nhen phải được xua tan bằng ánh sáng của cảm thông và đối thoại trong một tinh thần tương kính trên một đất nước Việt Nam văn minh và khai phóng.
Những con sông Gianh trong lòng người phải cần được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống trong hòa thuận, bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo một gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về phía trước?
www.trantrungdao.com



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3970)
Mỗi năm đến mùa Vu Lan, trong lòng chúng ta lại rộn lên một niềm hiếu hạnh, nhớ thương cha mẹ nhiều hơn. Đây là dịp làm ấm lại ân tình ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ, công ơn sanh thành dưỡng dục nặng tợ cù lao, để rồi trong mỗi thời khắc của cuộc sống, chúng ta không bao giờ quên ơn cha mẹ dù còn sống hay đã khuất. Không phải đợi đến Rằm Tháng Bảy chúng ta mới cảm thấy thương nhớ cha mẹ, mà phải tâm niệm rằng ngày nào, giờ nào, phút nào, tình yêu thương cha mẹ vẫn luôn chứa chan trong lòng mỗi người con hiếu hạnh.
10/04/2013(Xem: 4879)
Tin từ Dharamsala: Ngài được xem là hiện thân Đạt lai Lạt ma thứ 14 khi vừa mới tròn 2 tuổi, năm nay Ngài đã 75. Nhân ngày sinh nhật thứ 75 này, cả hằng triệu tín đồ trên toàn cầu tưởng nghĩ đến Ngài trong ngày trọng đại đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết có thể vị kế thừa Ngài sẽ không tái sanh, mà là một người được trao trọng trách kế thừa ngay khi Ngài còn sinh tiền.
10/04/2013(Xem: 3645)
Pháp vũ đồng lưu, lưu bất đoạn Phật đăng phổ chiếu, chiếu vô cùng Mưa pháp tràn lan, lan chẳng dứt Ðèn từ rạng chiếu, chiếu không cùng.
10/04/2013(Xem: 3412)
Chỉ hai tuần, sau khi dọn tới căn nhà mới, tôi đã biến đổi hoàn toàn mảnh vườn, khi được người chủ nhà bảo: “Muốn trồng gì, làm gì, xin tùy ý!” Đó là một căn nhà nhỏ hai phòng, rất cũ kỹ, ước chừng cũng phải bốn, năm chục tuổi. Nhưng mới xem qua, tôi đã biết mình sẽ mướn nơi này, vì có sân cỏ phía trước và nhất là khu vườn sau, rộng mênh mông.
10/04/2013(Xem: 3872)
Mùa Vu Lan lại về! Cái lạnh buốt giá của mùa đông như se sắt thêm nỗi lòng của những người con đang tưởng nhớ đến Cha, đến Mẹ đã qua đời; Bếp lửa hồng như ươm nồng thêm hơi ấm hạnh phúc của đàn con đang quây quần chuyện trò cùng Cha Mẹ, với ánh mắt thương yêu của Cha, nụ cười hiền hoà của Mẹ; Và đồng thời cũng có những bà Mẹ nước mắt lưng tròng ngồi lắng nghe những câu văn, lời thơ thiết tha
10/04/2013(Xem: 4205)
Cảm thụ bài thơ Mẹ của nhà thơ Doãn Lê Là vầng trăng mát, là vòm trời xanh, là cam lồ ngọt mật; Doãn Lê đã khéo khái quát hóa hình ảnh mẹ vào những đường nét lớn lao tổng hòa thành vũ trụ. Khái quát ấy khiến người đọc liên tưởng đến một nhân cách kỳ vĩ, lớn lao của hình ảnh mẹ.
10/04/2013(Xem: 3651)
Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Câu ca dao được trao truyền từ hàng ngàn năm ấy, cho chúng ta thấy một nền tảng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Tình nghĩa hiếu trung được đặt tuyệt đối lên hàng đầu trong tư tưởng và giữa trái tim.
10/04/2013(Xem: 6064)
Mẹ là trăng nên trần gian chỉ một Là bầu trời nên vũ trụ không hai Mẹ huyền nhiệm như ngày đầu sáng thế Như Cam Lồ dòng ngọt thuở xuân khai
10/04/2013(Xem: 4233)
Vu Lan quán niệm nghĩa tình Vườn tâm, hạnh hiếu chúng mình đơm hoa Không gần bạn ác, gian tà Sớm hôm thân cận gần xa bạn hiền
10/04/2013(Xem: 3930)
Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng, Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương, Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường, Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]