Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quan tâm và chia sẻ trước khi quá muộn màng!

10/04/201318:47(Xem: 8167)
Quan tâm và chia sẻ trước khi quá muộn màng!

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Quan tâm và chia sẻ trước khi quá muộn màng!

Ai Cơ Hoàng Thịnh

Nguồn: Ai Cơ Hoàng Thịnh

Trong vỏn vẹn mấy tháng nay, đã có tới bốn em học sinh của trường trung học Western Heights (thuộc tiểu bang Victoria, Úc) lần lượt tự kết liễu cuộc đời còn xanh mơn mởn của mình một cách âm thầm, tức tưởi!
Tất nhiên, hiện tượng bi thảm và đầy đe dọa này đang làm giới phụ huynh trên khắp nước Úc rúng động! Phản ứng đầu tiên là sự sửng sốt: “Why?”, “Tại sao?” Kế đến, là sự bàng hoàng khi nghe giải thích: “Các em đều là nạn nhân của nạn bắt nạt nhau trong sân trường hay trên internet!”
Nạn nhân thứ tư – em Chanelle Amy Rae, 14 tuổi – đã quá uất giận khi đọc được những lời phê bình độc ác về mình trên mạng. Em cảm thấy bị mất mặt và thương tổn đến nỗi không còn thiết sống nữa!
Tang lễ của em diễn ra vào ngày 25 tháng 7 vừa qua, giữa mùa đông lạnh lẽo, trong nỗi đớn đau vô hạn của gia đình em và nỗi phập phồng âu lo của bao gia đình khác…
Trên nền sơn trắng bóng của chiếc quan tài, nổi bật những dòng phân ưu viết tay của thân nhân, bằng hữu. Nếu linh hồn em quanh quất đâu đó, hẳn em nhìn thấy lòng ưu ái tiếc thương của bao nhiêu người dành cho mình, và chợt hiểu ra đâu là hạnh phúc có thực của mình, đâu là các giá trị phù phiếm trong thế giới ảo.
Bà Karen Rae, mẹ em, vẫn còn kinh hoàng trước đại họa vừa thình lình đổ ập xuống đầu mình. Hướng về chiếc quan tài trắng toát, bà hỏi đứa con đã chết những câu hỏi thống thiết, phát xuất từ tâm thức hoang mang và trái tim tan vỡ của mình:
Chanelle,
I love you more than life itself
What do I do now?
How do I ever get over it?
Please someone tell me how.

(Đọan đầu bài thơ khóc con, của Karen Rae)
Chanelle con ơi,
Mẹ yêu con hơn cả cuộc đời!
Mẹ phải làm gì bây giờ đây?
Và làm sao để nguôi được nỗi đau này?
Ai biết cách, xin chỉ dùm tôi với!

(Ai Cơ tạm dịch)
Rachael, bạn thân nhất của Chanelle, mô tả hình ảnh một cô bé Chanelle xinh xắn, được bạn bè quý mến vì tính tình vui nhộn dễ thương. Đó là một cô bé bình thường, cũng hết mình hỗ trợ đội football gà nhà, cũng yêu gấu bông và súc vật, cũng ưa nói chuyện điện thọai với bạn bè hàng giờ, cũng thích chitchat trên net, v.v… như bao đứa trẻ khác.
Trong điếu văn của Taylah, một người bạn khác của Chanelle, có vài câu mà ai trong cử tọa cũng khao khát chờ nghe:
“If my friends realised the pain their decision has caused so many people, I am sure they would have made a different choice. If someone is feeling sad or depressed, please, please, please, speak to someone, anyone!” (Taylah)
“Cháu tin chắc rằng: nếu biết quyết định (nông nổi dại dột) của mình sẽ gây đau khổ cho biết bao người, các bạn cháu hẳn đã có một chọn lựa khác. Nếu ai đang buồn rầu tuyệt vọng, xin hãy làm ơn…, vâng, cháu xin nhắc lại, hãy làm ơn chia sẻ với ai đó, với bất kỳ người (thân) nào đó!” . (Ai Cơ tạm dịch)
---&---
Học sinh lớp 8 tôi phụ trách năm nay ở trường VSL Sunshine, thuộc đúng lứa tuổi Chanelle! Câu chuyện thương tâm trên đã làm tôi bần thần xúc động suốt mấy hôm liền… Tôi hiểu rằng lứa tuổi này rất nhạy cảm, giàu tự ái, ưa bất mãn, dễ bị áp lực của bạn bè và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những trào lưu mới. Điều quan trọng nhất đối với các em là: được bạn bè chấp nhận và cổ võ. Biết tâm lý ấy, những kẻ xấu thường “bắt nạt” các em bằng cách tạo cho các em cảm giác bị bạn bè hắt hủi, cô lập, khinh thường. Do đó, ở khắp nơi trên trái đất này, nạn “bắt nạt” tuy xảy ra cho mọi lứa tuổi học trò, nhưng có lẽ gây tác động mạnh mẽ và hậu quả tai hại nhất cho lứa tuổi của Chanelle!
Thực tế cho thấy, nếu bị o ép vào khuôn phép cứng rắn, lứa tuổi Chanelle thường phản kháng mạnh mẽ để chứng tỏ bản ngã độc lập của mình. Nên tốt hơn hết, có lẽ phụ huynh và thày cô cần phải thuờng xuyên quan tâm đến trạng thái tâm lý của các em, để nương theo và liệu chiều uốn nắn cho thích ứng. Khi đã gây được niềm tin tưởng nơi các em, chúng ta còn phải khéo léo gợi ý để các em yên tâm chia sẻ những ý nghĩ thật, đồng thời phải lắng nghe với tất cả tấm lòng chia sẻ, rồi sau đó dùng tình cảm, lời lẽ ngọt ngào để phủ dụ, hướng dẫn các em.
Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp, phân tích ra đủ mọi khía cạnh đã khó, thực hành những cái “phải” ở trên càng thiên nan vạn nan.
Các giới chức có trách nhiệm ở Victoria & các nơi khác chắc chắn là đang ráo riết họp nhau mổ xẻ vấn đề và cùng tìm cho ra giải pháp để chấm dứt thảm trạng Chanelle. Riêng tôi tự nhủ, trong cương vị một nhà giáo, mình cần phải làm ngay “điều gì đó” để góp một bàn tay. Chẳng hạn, khi sọan chương trình giảng dạy, tôi sẽ chú trọng đến việc nâng cao niềm tự tin và lòng tự trọng của các em, tạo nhịp cầu thông cảm và hợp tác giữa thày cô và phụ huynh, luôn lấy HẠNH PHÚC của các em làm gốc. Qua cách điều hành sinh họat lớp, tôi sẽ chú trọng đến việc luyện cho các em óc tổ chức, tinh thần đồng đội, tình tương thân và khả năng hợp tác. Qua những bài sọan công phu đáp ứng nhu cầu và sở thích của các em, qua phương pháp giảng dạy sinh động, tôi sẽ cho các em cơ hội cùng hăng say học hỏi và chia sẻ thành công…
Trong buổi gặp mặt đầu niên khóa cũng như hôm phát Học Bạ lục cá nguyệt I vừa qua, nhiều phụ huynh cũng đã bày tỏ với tôi mối quan tâm lo ngại về những tai họa khó lường của internet & nạn học sinh bắt nạt nhau. Họ phó thác: “Xin cô để ý tìm hiểu, khuyên bảo các cháu dùm, vì các cháu thường nể, tin và nghe lời thày cô hơn.” Tôi thông cảm với tâm trạng của các bậc cha mẹ thời nay; cũng như bà Karen Rae, họ thấy mình bất lực, không dò đoán nổi sau gương mặt ngây thơ của đứa con yêu dấu liệu có ẩn giấu những ý tưởng hắc ám đang lăm le cướp đi mạng sống quý báu của nó không!? Song tôi chỉ dám hứa với các phụ huynh là sẽ làm hết sức mình, trong điều kiện giới hạn của ba giờ dạy tiếng Việt cho các em mỗi tuần. Thực tế là, phần lớn thời gian trong ngày các em ở nhà, nên trách nhiệm của phụ huynh rất nặng, ngoài trăm nghìn lo toan khác, họ còn phải quan tâm đến những chương trình truyền hình, việc dùng internet ở nhà, các mối giao tiếp bạn bè, v.v… của con cái nữa.
--&--
Để thực hiện ý nguyện “phải làm một cái gì”, hôm nay tôi sọan và dạy các em bài thơ Mẹ Ơi, tạo cơ hội cho các em hướng trọn về tình cảm gia đình. Tôi cố ý bắt đầu bằng Tình Mẹ, vì hiển nhiên đó là nơi gặp gỡ chung của mọi trái tim: ai cũng có một người mẹ để yêu thương và được thương yêu. Qua đó, tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý, sự đồng cảm và sự hăng hái tham dự của các em trong suốt buổi học tiếng Việt này.

MẸ ƠI
1. Dòng sữa Mẹ ngọt ngào,
Nuôi dưỡng con lớn mau.
Lời Mẹ ru êm ái,
Ngân mãi vào mai sau…
2. Tiếng bập bẹ đầu đời,
Là tiếng gọi “Mẹ ơi!”
Những bước đầu chập chững,
Mắt nhìn Mẹ không rời.
3. Ngày đi học đầu tiên,
Học nỗi xa Mẹ hiền,
Là ngày dài ngong ngóng,
Về khung trời bình yên!
4. Từ giã tuổi thơ ngây,
Cuốn vào những mê say,
Lơi dần vòng tay Mẹ,
Con theo bạn vui vầy.
5. Còn Mẹ vẫn âm thầm,
Vun mẫu tử tình thâm,
Hy sinh và nhẫn nại,
Tha thứ mọi lỗi lầm.
6. Mong tiếng gọi “Mẹ ơi!”
Thành tâm-niệm tuyệt vời,
Dắt dìu con qua được,
Bao thử thách cuộc đời.

(AiCơ HoàngThịnh)

Tôi chia lớp thành 6 nhóm, mỗi nhóm khảo sát một trong sáu khổ thơ trên. Các em tra tự điển hoặc hỏi tôi những chữ khó. Kế đó, mỗi nhóm lần lượt lên trước lớp, em thì thử đọc nguyên đọan, em thì trình bày ý chính bằng lời lẽ của nhóm mình, em thì viết ý chính đó lên bảng, em thì trả lời những thắc mắc của cả lớp. Đây chính là lúc tôi góp ý, giảng giải và cung cấp cho các em những ngữ vựng, những điểm văn phạm, những kiến thức về thơ văn … mà các em còn thiếu và thực sự muốn biết. Do đó các em rất chú ý lắng nghe và thích thú ghi vào vở. Tôi biết đây là những điều sẽ được các em nhớ mãi.
Khi cả lớp đã thấu đáo nội dung trọn bài thơ, tôi cho các em tình nguyện đọc diễn cảm, luyện cách phát âm (cho đừng ngọng nghịu, lai giọng Úc), và đố các em tìm ra cách gieo vần của bài này. Tôi cho thêm vài thí dụ, minh họa các cách gieo vần khác nhau của thể thơ năm chữ. Sau cùng, tôi “thách” mỗi em “sáng tác một vài khổ thơ” về cha mẹ mình trong khung cảnh gia đình hàng ngày. Ngoài mục đích cho các em thực hành những gì vừa học hỏi được về ngôn ngữ Việt, tôi muốn các em trọn tâm trọn ý hướng về những người thân yêu và quan trọng nhất trong đời các em.
Dưới đây là 12 đáp ứng tiêu biểu, cho thấy kết quả đáng phấn khởi sau ba giờ đồng hồ sinh họat và học hỏi đầy hào hứng của cô trò chúng tôi.
Những lời chân thực, cảm động, phát xuất từ tình yêu cha mẹ thiết tha:
Mỗi bữa cơm con ăn,
Mỗi hạt cơm mẹ nấu,
Không có gì ngon bằng,
Vì đầy tình từ mẫu.

(Jenny Đặng)
Mỗi Chủ Nhật đi lễ,
Con thành tâm nguyện cầu,
Cho mẹ được vui vẻ,
Đẹp mãi và sống lâu.

(Peter Nguyễn)
Mẹ ơi, con yêu mẹ,
Mẹ vì con suốt đời,
Con hàng ngày ráng học,
Và muốn làm mẹ vui.

(Marianne Quỳnh-Hương Nguyễn)
Ba mẹ em rất hiền
Không bao giờ la phiền.
Mỗi khi em lầm lỗi,
Ba mẹ nhẹ nhàng khuyên.

(Khoa Phạm)
Sự nhận chân được công ơn trời biển và tình thương bao la của cha mẹ:
Chăm sóc con ân cần...
Yêu thương con vô ngần…
Nếu không có ba mẹ,
Đời con muôn khó khăn!

(Cindy Hoàng-Uyên Trần)
Ý thức khá chín chắn về bổn phận làm con:
Theo bạn, đi chơi xa …
Sực nhớ cha sẽ la,
Và mẹ đang lo lắng,
Em vội trở về nhà.

(Dương Trung Phát)
Mong đáp đền công ơn
Cha mẹ nuôi mình lớn,
Em cố học giỏi hơn,
Để thành tài cho sớm.

(Kathy Thu-Thảo Nguyễn)
Đặt tên em là Sơn,
Nuôi dạy em lớn khôn,
Cha mẹ mong em sẽ
Oai hùng như núi non.
Nên, hàng ngày đến trường,
Em cố gắng chăm ngoan,
Được thầy yêu, bạn quý,
Mọi việc luôn chu toàn.

(Ricky Sơn Tạ)
Lời hồn nhiên, mộc mạc có sao kể vậy:
Ba của em ở nhà,
Lo trồng rau, trồng cà,
Săn sóc đàn con nhỏ,
Thỉnh thoảng chơi đá gà.

(Trần Thanh Hữu)
Một kỷ niệm vui khó quên của hai mẹ con:
Một hôm, em tìm mẹ
Tìm khắp nơi gần xa,
Hổng thấy mẹ đâu cả!
Thì ra … mẹ ở nhà!

(Hứa Thanh Phong)
Một tâm sự bất ngờ về cảnh nhà:
Má nói ba đừng nhậu
Mà ba đâu thèm nghe!
Bữa đó “dô” cả chậu,
Khi về mới đụng xe!
Mất xe, mất bằng lái
Hết nhậu, hết đi đâu
Hổng cần má lải nhải,
Ba vẫn đau cái đầu!

(Đông On)
Một tình huống trớ trêu:
Ba cho đi chơi xa,
Mẹ bắt phải ở nhà.
Hổng biết đi hay ở,
Thôi, đứng giữa sân ga!

(Anthony Nguyễn)
Chấm bài của các em, lòng tôi khấp khởi mừng, vì thấy thiện chí và nỗ lực của mình bỏ ra không uổng phí.
Có phải là, qua buổi học sáng nay, các em đã thu lượm thêm được những hiểu biết khá vững vàng về tiếng Việt, về thơ ngũ ngôn, để yêu thích và mạnh dạn sử dụng tiếng mẹ đẻ hơn?
Có phải khi làm xong khổ thơ vừa có vần có điệu, vừa nói lên được tâm tư mình, các em đã lộ rõ niềm sung sướng hãnh diện trên nét mặt?
Có phải là, qua buổi học sáng nay, các em đã có cơ hội suy ngẫm về tình phụ tử, tình mẫu tử, về hạnh phúc gia đình mà có khi vì bận học, bận vui chơi, bận bạn bè, các em lãng quên đi?
Có phải là, một khi ý thức được tình thương và công ơn của cha mẹ, một khi còn muốn làm cha mẹ vui, thì các em sẽ không bao giờ nghĩ quẩn, làm càn, gây khổ đau cho cha mẹ?
Và quan trọng nhất, vì đa số các vụ tự tử bắt nguồn từ lý do các em quá cô độc, không biết giãi bày cùng ai, có phải là qua buổi học sáng nay tôi đã thực hiện được phần nào sự ủy thác của phụ huynh các em học sinh lớp 8 trường VSL Sunshine: QUAN TÂM và CHIA SẺ VỚI CON TRẺ TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN MÀNG ?

Ai Cơ Hoàng Thịnh
(Mùa đông 2009, Melbourne, Úc châu)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 4668)
Hàng năm, cứ mỗi độ Thu sang—Rằm Tháng Bảy, dân tộc Việt Nam nói riêng, các quốc gia Á đông nói chung, đều trang trọng hướng về Mùa Lễ Hội vừa có tính truyền thống thiêng liêng, vừa mang nét đặc thù hiếu ân, nghĩa đạo, mà ai ai cũng cưu mang, thừa hưởng, đón nhận, đáp đền. Đức Phật từng dạy : Không hạnh nào cao cả cho bằng hạnh hiếu, không tội nào nặng hơn cho bằng tội bất hiếu, lại còn giảng giải, chỉ dạy tường tận thâm sâu trong Vu Lan Bồn Kinh và Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân Kinh.
11/04/2013(Xem: 6231)
Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắc qua giải Ngân-hà; hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa bầu trời cao rộng, chọn mùa mưa sụt sùi để gặp nhau, chỉ trong một thoáng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi…
11/04/2013(Xem: 6802)
Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo, được xem là một di sản qúi báu ,một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng và giữ gìn Khi Phật Giáo xuất hiện ở Việt Nam thì đạo đức dân tộc và đạo đức Phật Giáo hòa quyện vào nhau như nước với sữa. Do người Việt sẵn có tinh thần yêu chuộng đạo hiếu và giá trị giải thoát nên đã tiếp nhận giáo lý Phật Giáo một cách dễ dàng. Làm người ai cũng mang ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
11/04/2013(Xem: 4636)
Tâm tư tôi thật mông lung, Vừa muốn chia xẻ niềm vui về chuyến du lịch vừa qua bằng những bài ký sự trên Trang nhà, lại vừa muốn viết Bài để cho ra đời Nội san Phật học và Văn hoá Hải Triều Âm Tập 3 như dự tính, nhưng…chữ nhưng luôn là “cứu bồ tinh” được đem ra giúp đở, thay vì phải nói là mình hư quá, dở quá, thiếu khả năng mới là phải phải.
11/04/2013(Xem: 5890)
Vu lan đã về. Có những cơn mưa vô tình đến, như trêu ghẹo lòng nguời, sau những ngày nóng bức, oi ả. Trời Hưong Thông ( Houston ) năm nay, cũng như năm nào, mỗi năm, lại thêm một lần đón mừng Vu Lan. Mùa Vu Lan năm nào lại chẳng có mưa rơi, những giọt mưa tuôn tràn, có khi là trận mưa rào, có khi là những cơn mưa nặng hột …
11/04/2013(Xem: 8259)
Khi hơi Thu dừng chân truớc ngõ, sớm trở về đem theo những cơn gió mát êm dịu, sau những ngày bị hâm nóng vì thời tiết. Có một cái gì đó làm cho mọi người bâng khuâng, vương vấn. Không phải vì những cánh mây bay thênh thang trên bầu trời, không phải vì tình cảm mông lung, lãng mạn, cũng không phải do những chất Thu vàng nhã nhặn, chuyển mình, khẻ nói…
11/04/2013(Xem: 75349)
Một thuở nọ Thế Tôn an trụ Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung Mục Liên mới đặng lục thông Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân. Công dưỡng dục thâm ân dốc trả Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền Làm con hiếu hạnh vi tiên Bèn dùng huệ nhãn, dưới trên kiếm tìm. Thấy vong mẫu sanh làm ngạ quỉ Không uống ăn tiều tụy hình hài Mục Liên thấy vậy bi ai Biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm.
11/04/2013(Xem: 5525)
Mỗi thế hệ thi ca đều xuất hiện những tâm hồn đặc biệt của các nhà thơ qua từng thế hệ. Phần nhiều, tâm hồn xuất phát từ cảm tính của thi nhân qua mọi sinh hoạt của xã hội. Tập thơ Hoa Song Đường của nhà thơ Mặc Giang vượt ra ngoài cái vòng tâm tư hiện hữu xưa nay, nó mang tính chất triết lí nhân sinh, chứa chất mọi quy luật sinh tồn mà con người và vũ trụ cố gắng tranh đấu để bảo tồn lẽ sống cùng với vạn hữu.
11/04/2013(Xem: 5603)
Ta hiện hữu trên cõi đời này do nghiệp duyên đưa đẩy. Nghiệp là năng lực dẫn dắt ta đi theo nghiệp nhân mà ta đã tạo để rồi kết hợp với người hữu duyên hình thành thân này trong hoàn cảnh xứng hợp.
11/04/2013(Xem: 5679)
Nay nhân mùa Vu Lan thắng hội, tôi có đôi dòng cảm nghĩ về người con hiếu hạnh trong ý nghĩa Vu Lan. Khi tôi còn nhỏ ở cái tuổi mười một mười hai, mỗi lần gần đến rằm tháng bảy, tôi nghe thấy bà con xóm làng bảo nhau, rủ nhau mua sắm nhang đèn hoa quả mang lên chùa cúng lễ Vu-Lan, cúng dường Tam-Bảo, cầu siêu độ mẹ cha ông bà quá cố, cửu huyền thất tổ siêu thăng. ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]