Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan – Ngày báo hiếu song thân

10/04/201317:07(Xem: 5865)
Vu Lan – Ngày báo hiếu song thân

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2007

Vu Lan – Ngày báo hiếu song thân

Thích Hạnh Bình

Nguồn: Thích Hạnh Bình

Không ai sinh ra đời lại không có mẹ có cha, nhưng trên thực tế cũng có một số ít người bất hạnh vẫn chưa một lần gặp cha thấy mẹ, có thể vì chiến tranh cha mẹ mất sớm, hay một lý do thương tâm nào khác. Nhưng dù gì đi nữa, không một người mẹ người cha nào lại không thương con. Tình cảm đó như thế nào, tôi nghĩ ai đã làm mẹ làm cha hiểu nhiều hơn bất cứ ai hết. Dù chúng ta có thể là kẻ bất hạnh, nhưng ý niệm đẹp về mẹ về cha vẫn còn thì chúng ta vẫn còn mẹ và cha, vẫn hân hạnh được làm người con có hiếu.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, tôi xin chúc mừng và chia vui cùng những người còn vinh hạnh, và cũng xin chia buồn cùng những người bất hạnh.
Vì khuôn khổ là bài báo, do vậy nội dung bài viết này, tôi chỉ xin trình bày suy nghĩ của riêng mình về cách báo hiếu xưa và nay trong đạo Phật.
Ở đây, khái niệm ‘xưa và nay’ là muốn đề cập đến cách báo hiếu của thời xưa và ngày nay như thế nào, có gì giống và khác ? nếu giống thì giống cái gì, nếu khác thì khác điểm nào ?
Thật ra, những suy nghĩ này được đặt ra thảo luận hôm nay, nó bắt nguồn từ cuộc sống trong quá khứ. Cách đây vài năm, tại chùa Quang Thiện thuộc Thành phố Ontario - California, sau lễ Vu Lan, tôi có dip hàn huyên về chủ đề Vu Lan với mấy em Phật tử. Tôi hỏi các em nghĩ như thế nào lễ Vu Lan. Các em bảo rằng, Ngày ấy là ngày rất hay, ngày nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ, nhưng chúng con không hiểu cũng không có cảm xúc gì về nội dung được trình bày trong 2 kinh: “Kinh Vu Lan” và “Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân”. Lúc đầu tôi nghĩ, vì tiếng Việt của các em giới hạn, cho nên các em đọc không hiểu, nhưng qua sự trao đổi qua lại, thật tế không phải vì lý do này, vấn đề chính là nội dung được diễn đạt trong kinh không gần gũi với đời sống hằng ngày của các em, hay nói đúng hơn nó không có trong đời sống của các em. Ví dụ như là câu: ướt mẹ nằm, ráo phần con…, bú mớm nhai cơm… Thật ra, những hình thức nuôi con này không có trong xã hội ngày nay ở trên đất nước Mỹ. Nếu như ở xã hội ngày nay không có hình thức nuôi con này, phải chăng đạo Phật đã nói không đúng với sự thật cuộc sống ? Vấn đề này, tôi có nói chuyện nhiều lần và nhiều nơi ở những lớp học dành cho Phật tử, nhưng chưa có dịp viết thành lời. Mùa Vu Lan năm nay, TT. Đồng Văn – Chùa Tâm Giác ở Đức lại một lần nữa nhờ tôi viết đề tài Vu Lan. Thật ra những chủ đề thuộc về tình cảm tôi ít quan tâm để ý, nhưng đó là nhu cầu thực tế của cuộc sống nên tôi cũng nhận lời. Nhận lời xong lại không biết viết gì, vì rất nhiều rất nhiều bài viết ca ngợi về mẹ, ca ngợi mùa báo hiếu. Trong lúc lúng túng ấy, tôi chợt nhớ lại câu chuyện hàn huyên năm xưa, mượn nó làm đề tài, trình bày một vài suy nghĩ của mình về ngày ấy, với mục đích gởi đến độc giả những dòng suy tư nghịch nghợm này. Hy vọng cùng nhau, tìm ra hướng đi thích hợp và hữu ích, giúp cho giới trẻ ít nhất có một ngày nói về mẹ có ý nghĩa, giúp chúng có cơ hội gần với đạo Phật và nhận được sự lợi ích thực tế từ Phật pháp.
Nếu như trong Kinh đức Phật thường nói: “Giáo pháp của Ngài là thiết thực hiện tại, vượt thời gian…”[1] thì tạo sao trong “Kinh Vu Lan” và “Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫn Trong Ân” mô tả lại không mang ý nghĩa ‘thiết thực hiện tại’, có nghĩa là không đúng với những gì xảy ra trong hiện tại ? Như vậy, ý nghĩa lời Phật dạy phải chăng là mâu thuẫn ? Nếu không mâu thuẫn thì giải thích vấn đề này như thế nào ? Theo tôi vấn đề này cần phải được hiểu cái gọi là ‘phương pháp giáo dục’, có nghĩa là ‘tùy thời tùy cơ’[2] mà đức Phật thiết lập giáo pháp khác nhau. Nếu thế thì phải chăng giáo lý của Ngài là loại giáo lý ‘ba phải’ ? Tôi xin trả lời là: “Không”, vì sự giáo dục của Ngài luôn có mục đích là sự ‘giác ngộ và giải thoát’. Quá trình tiến đến mục đích này cần có thời gian dài huấn luyện tu tập, cho nên có hình thức giáo dục khác nhau, nhưng cho dù là hình thức nào cũng đều có xu hướng đến giác ngộ và giải thoát. Như vậy, sự khác nhau là hình thức giáo dục, sự giống nhau là mục đích giáo dục. Hình thức là cái luôn phải thay đổi để thích nghi đối tượng, mục đích là cái không thể thay đổi. Đây chính là ý nghĩa ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’ trong kiinh điển của Phật giáo Đại thừa.
Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể lý giải tại sao cách mô tả trong hai bản kinh Báo hiếu vừa đề cập không phù hợp với thực tế, vì nội dung bài kinh này, đối tượng mà đạo Phật giáo dục, không phải là con người ở xã hội ngày hôm nay, chính là con người ở xã hội của thời đại cách đây mấy ngàn năm về trước. Rõ ràng sự cách biệt quá lớn giữa hai thời đại xưa và nay. Thời ấy là một xã hội nông nghiệp lạc hậu, làm gì có những dụng cụ nuôi con như thời bây giờ, nuôi con bằng sữa mẹ, hay thức ăn được mẹ nhai nhuyễn mớm cho con là sự phổ biến. Con người ở xã hội đó làm sao có đủ kiến thức về y học, phòng ngừa về sự truyền bịnh từ mẹ sang con qua hình thức mớm cơm. Ở thời đó làm gì có tả lót cho con, do vậy giữa khuya con có tè bậy thì mẹ nằm chỗ ước con nằm chỗ ráo là chuyện thường, không có gì xa lạ với bà mẹ thời ấy. Cách nuôi con ấy, không chỉ có ở thời xa xưa, mà ngày nay ở vùng thôn quê Việt Nam vẫn còn tồn tại. Với với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và sự giới hạn về sự hiểu biết thì cách mô tả trong kinh này là hợp lý, phù hợp với con người thời đó.
Tương ứng với tình hình thực tế từ xã hội như vậy, cách đền đáp báo hiếu cha mẹ cũng phải tùy theo tình hình thực tế từ xã hội mà thiết lập. Xã hội nông nghiệp là xã hội lấy sức lao động đổi lấy kinh tế, lại không có chế độ phúc lợi xã hội. Thế thì cha mẹ già hết khả năng lao động, ai là người có bổn phận trách nhiệm nuôi dưỡng ? không ai khác hơn là con là cháu trong gia đình. Do vậy, quan niệm HIẾU NGHĨA được xuất hiện. Khái niệm hiếu nghĩa này, ngoài ý nghĩa thiên liêng nó còn mang ý nghĩa ‘bổn phận và trách nhiệm’. Bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Hiếu được thể hiện, bằng tấm lòng thương yêu và sự tôn trọng cha mẹ còn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Thương yêu cung kính mà không cung phụng dưỡng nuôi chữ hiếu ấy bị khuyết tật.
Muốn quan điểm hiếu nghĩa được toàn xã hội chấp nhận và đồng lòng thực hiện phải qua tôn giáo duy trì và phát huy, các kinh điển của Phật giáo nói về hiếu đạo cũng do đây mà xuất hiện. Hình thức cầu nguyện và cúng tế mang hai ý nghĩa: Thiên liêng và giáo dục người dương thế. Về mặt thiên liêng là sự cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời trong quá khứ được siêu thăng. Mặt khác, mượn hình thức lễ nghi cúng tế, qua đó giáo dục người còn sống phải biết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và làm con phải biết hiếu thảo, làm tròn bổn phận và trách nhiệm người con, đó là nội dung và ý nghĩa của hai kinh: “Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân” và “Vu Lan”. Kinh “Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân” với nội dung mô tả hình ảnh của người mẹ, suốt đời lo âu khổ nhọc vì con, không chỉ có cái khổ cưu mang sinh nở, mà còn phải nuôi con từ thuở lọt lòng cho đến khôn lớn. Quá trình nuôi dưỡng ấy quả thật gian lao khổ nhọc, nếu không có tình thương của cha mẹ thì người con khó trưởng thành và khôn lớn, quả thật công lao ấy được sánh như trời cao bể rộng. Ngược lại, “Kinh Vu Lan” với nội dung tán thán đức hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên là cách báo hiếu trong nhà Phật. Câu chuyện bà Mục Liên Thanh Đề vì lòng tham lam đọa vào địa ngục phải chịu cái khổ của sự đói khát trong địa ngục. Câu chuyện này có ý nghĩa giáo dục thật sâu sắc, cứ vào luật nhân quả mà luận, khổ là quả tham là nhân, nhân từ quả mà có. Cái khổ đói khát là do long tham mà sinh, muốn đứt trừ quả khổ này cần phải đoạn trừ cái nhân là tham. Đó là nội dung và ý nghĩa chính của bài kinh này, nói lên quan điểm và cách báo hiếu của nhà Phật. Chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp chịu khổ đau trôi lăng trong sinh tử luân hồi cũng chính vì lòng tham lam. Cũng vậy, cái gốc của sự khổ nhọc của cha mẹ cũng do lòng tham dục mà có, muốn hết cái khổ mang nặng đẻ đau, nuôi con khổ nhọc thì phải đoạn trừ cái gốc của nổi khổ là lòng tham dục. Đó là đạo lý nhân quả, cách giáo dục tốt nhất, nói lên quan điểm hiếu thảo của nhà Phật. Thế nhưng, chúng sinh ngu muội, lại lấy lòng dục làm cội gốc cho cuộc sống, thực hành hạnh vô dục trở thành khó khăn, cho nên nhà Phật phải vay mượn quan niệm hiếu đạo của thế gian làm phương tiện giáo hóa, dựa vào lòng ham, ưa thích lễ nghi cúng tế của con người để thiết lập đàn tràng, xiển dương đạo lý nhân nghĩa hiếu thảo. Đó chính là lý do tại sao trong hai kinh này có những hình thức nuôi con và báo hiếu như thế, với mục đích đáp ứng nhu cầu thực tế từ xã hội ở thời đại ngày xưa.
Thế thì cách báo hiếu ở xã hội ngày nay theo đạo Phật như thế nào ? Nếu như xã hội ngày nay là xã hội văn minh, có kiến thức khoa học cao, thích rõ ràng và thực tế, hơn nữa nền kinh tế phát triển với chế độ phúc lợi xã hội tốt, thì vấn đề báo hiếu cho con người trong xã hội hôm nay cũng phải có sự thay đổi về mặt hình thức. Báo hiếu công ơn sanh thành dưỡng dục mẹ cha không phải chỉ có hình thức duy nhất là cầu nguyện trai tăng chẩn tế, mà còn có rất nhiều hình thức khác, để con người hiểu rõ chữ hiếu và thực hành đạo hiếu vào cuộc sống. Cha mẹ hiện tại không chăm sóc dưỡng nuôi mà đến chùa cúng dường cầu nghuyện, mong 7 đời phụ mẫu được siêu thăng, việc làm ấy có ý nghĩa gì ? Phật chứng giám tấm lòng của người ấy hay sao ? Ý nghĩa báo hiếu trong đạo Phật không phải chỉ báo hiếu cha mẹ nhiều đời đã mất mà còn báo hiếu cha mẹ hiện tiền. Cha mẹ hiện tiền là người sinh ra và nuôi ta khôn lớn, là người mẹ gần gũi nhất, đáng được báo hiếu nhất.
Vu Lan là ngày truyền thống của Phật giáo là ngày lễ hội nói về ý nghĩa công ơn sinh thành và khuyên người con có bổn phận báo đáp công ơn sinh thành đó. Chúng ta không nên nhầm lẫn cho rằng, một năm có 365 ngày chỉ có ngày rằm tháng bảy mới là ngày báo hiếu. Báo hiếu không phải đợi đến chùa vào ngày rằm tháng bảy mà người con có hiếu, báo hiếu mẹ cha bất cứ lúc nào và ở đâu.
\Một điều rất buồn cười, nhưng lại là sự thật và rất phổ biến trong Phật giáo. Vu Lan là ngày nói về mẹ, ca ngợi lòng hy sinh của mẹ, lẽ ra ngày ấy người mẹ phải được thanh thơi nghỉ ngơi, nhưng thực tế thi không như vậy. Ngày ấy mẹ lại rất bận, làm cả ngày lẫn đêm đầu tắt măt tối, nhưng ngày đó những người con mệnh danh là hiếu thảo ở đâu không thấy. Truyền thống báo hiếu của Phật giáo là như vậy ư ? Nếu Vu Lan là ngày nói về chữ hiếu, tại sao chúng ta không lấy ngày đó làm ngày chuyên đề thảo luận về vai trò làm cha mẹ và bổn phận làm con trong xã hội mới; nếu Vu Lan là ngày hiếu thảo tại sao chúng ta không lấy ngày đó làm ngày để cho những người con, người cháu bày tỏ tình cảm tâm tư của mình đối với ông bà cha mẹ ?
Giáo lý căn bản của đạo Phật là giáo lý duyên khởi, với nội cho rằng các pháp do nhân duyên kết hợp mà thành. Các pháp do nhân duyên mà thành, cho nên bản thân các pháp là vô thường, vì chúng không có tự tánh; chúng không có tự tánh, cho nên đức Phật gọi là vô ngã. Từ đạo lý này cho thấy, nội dung và hình thức báo hiếu dược trình bày trong hai kinh: “Vu Lan” và “Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân” do nhân duyên con người và xã hội thời đó mà có. Thời đó đã qua đi thời nay lại đến, xưa và nay lắm điều khác nhau, do vậy hình thức báo hiếu cũng cần cân nhắc thay đổi, cho phù hợp thực tế cuộc sống, cái gì đã thay đổi qua đi, không nên có thái độ cố chấp níu kéo. Đó là thực thi tinh thần duyên khởi, vô thường, vô ngã của đạo Phật. Đổi thay mà chấp nhận, không sợ hãi là tinh thần vô úy, không chấp, khai phóng của Phật giáo Đại thừa.
Lời cuối cùng, tôi hy vọng rằng, tất cả những người con Phật dù là mất cha mất mẹ, nhưng ý niệm đẹp về cha và mẹ vẫn còn, nó là hạt mầm để xây dựng cho một gia đình có người con hiếu thảo, là nhân tố cơ bản để xã hội có đạo dức.
Taipei ngày 13 tháng 08 năm 2007



Chú thích


[1] Thao khảo: HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” ‘Kinh Đoạn Tận Ái”, Viện NCPHVN ấn hành, trang 581, và “Kinh Tăng Chi” tập 1 trang 284.
[2] Tùy theo thời gian và hoàn cảnh cũng như thùy theo căn cơ trình độ của mỗi chúng sinh.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/07/2011(Xem: 4853)
Mỗi mùa Vu lan về là những người con Phật chúng ta có cơ hội nhìn ngắm lại những chất liệu hiếu kính, trí tuệ và từ bi từ nơi tâm mình và từ nơi chính cuộc sống hằng ngày của mình, để cúng dường lễ Vu lan, với một ý nghĩa thiết thực.Vulan, tiếng Phạn là Ullambana, Hán phiên âm là Vu lan bồn và dịch nghĩa là giải đảo huyền. Giải là mở, đảo là ngược và huyền là dây. Giải đảo huyền là mở sợi dây treo ngược.
20/07/2011(Xem: 10262)
Muốn đền đáp ân đức cha mẹ là khi cha mẹ chưa có lòng chính tín thì khuyên bảo cha mẹ có lòng chính tín để có được nơi an ổn từ niềm tin đó...
11/07/2011(Xem: 8922)
Mùa vu lan đến Thấy bâng khuâng lòng con nhớ mẹ Buổi ngày xưa tảo tần hôm sớm Một nắng hai sương...
20/06/2011(Xem: 26121)
Tôi sưu tập những vần thơ hiếu hạnh Nguyện mọi người đừng làm Mẹ khổ đau. Minh Chiếu
11/06/2011(Xem: 4381)
Trên thế gian này, dường như không ai và không một ngôi trường nào dạy làm sao để người ta có tình yêu thương cha mẹ và con cái. Giống như không ai dạy con người làm sao biết hít thở không khí để sống, tình yêu thương cha mẹ và con cái có trong bản chất con người, mà đạo Phật gọi là “câu sinh,” tức sinh ra cùng một lần với sự có mặt của con người.
02/06/2011(Xem: 5038)
Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng Đạo Phật là Đạo hiếu. Đức Phật có rất nhiều lời dạy về hiếu đạo...
02/06/2011(Xem: 4703)
Việc tri ân và báo hiếu luôn là một đạo lý quan trọng đối với mọi tín đồ Phật tử. Đạo lý ấy không chỉ là một khúc tấu của bản trường ca thông thường...
31/05/2011(Xem: 16585)
Nam Mô A Di Đà Phật Liên trì ao báu nở hoa Hoa sen chín phẩm kết tòa Một lòng Tây Phương trực vãng
27/05/2011(Xem: 4635)
Trong cuộc đời, phận làm con có báo hiếu cả đời, có dời sao lấp biển cũng không báo hiếu hết được công lao sinh thành của mẹ. Vì tình nghĩa mẹ ví như nước trong nguồn.
27/05/2011(Xem: 4868)
Vậy mà má đi đã xa rồi. Giờ đây mỗi lần có dịp con chỉ biết mua vài lá trầu và bửa vài trái cau thắp hương cho má vậy. Con xin má tha lỗi cho con...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]