Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   


cu ba tam thai-2

Mẹ già Tâm Thái (84 tuổi) cùng quý Phật tử trong buổi tụng Bồ Tát Giới

tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu mùa xuân 2015



TRÁI TIM LẤP LÁNH

 

Tôi chợt nhớ vào một ngày tham dự lễ Tạ ơn truyền thống để hướng về cha mẹ hiện tiền hoặc đã quá cố, đó là một ngày đặc biệt. Ngày này là để tỏ lòng biết ơn, biết ơn là một hành động thiện trong cuộc sống để phát triển; chú tâm nghĩ đến những gì tốt đẹp trong cuộc đời, thế nên những gì chúng ta đặc biệt nghĩ đến là những hành động thiện của cha mẹ và nhớ nghĩ đến họ với những hành động yêu thương tử tế mà họ đã dành cho ta. Có một số trường hợp không phải lúc nào lòng hiếu thảo cũng có mặt, do vậy đây là một ngày trong năm mà chúng ta nghĩ đến cha mẹ với lòng biết ơn và tưởng nhớ đến những điều tốt đẹp mà cha mẹ đã hy sinh cho ta, sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa.

Ở các nước châu Á, lòng biết ơn là một nét văn hoá rất được coi trọng để duy trì. Có khả năng chăm sóc cha mẹ là một phước lớn trong đời. Có rất nhiều điều để ta biết ơn, có người được sinh ra trong hoàn cảnh may mắn chúng ta thường coi đó là lẽ đương nhiên. Bạn có thể nhận ra rằng cái đẹp hiện diện chung quanh bạn, đang tuôn chảy trong bạn, lấp đầy tâm hồn bạn bằng ánh sáng tươi tắn. Tất cả bắt đầu với việc đi vào dải băng tần của lòng biết ơn.

Tôi còn nhớ, lúc tôi còn nhỏ, cách Cha Mẹ tôi hy sinh cả cuộc đời họ để chăm lo cho anh em chúng tôi, lúc nhỏ tôi không hề quan tâm hay nhận thức điều đó chút nào, xem đó là việc làm của Cha Mẹ mà họ phải làm cho chúng tôi, họ đã hy sinh, họ đã chịu đựng để chăm lo cho chúng tôi, cho đến khi lớn lên tôi mới biết đó là những điều mà tôi phải mang ơn Cha Mẹ.

Tôi lại nhớ về Mẹ tôi là một quả phụ với cái tuổi còn khá trẻ, Cha tôi qua đời đã tước đi cả niềm vui và tuổi xuân của mẹ, gia đình tôi rơi vào thời kỳ vô cùng khủng hoảng, mẹ tôi phải làm việc rất nhiều với sự hy sinh tận tụy, tình thương yêu, lo lắng luôn có mặt. Tất cả chính là để làm cho cuộc sống của anh em chúng tôi  được tốt đẹp và hạnh phúc trong khả năng mà bà có thể mang lại cho chúng tôi. Mẹ tôi không đòi hỏi gì riêng cho bản thân, thế nên khi nghĩ lại, lòng biết ơn cha mẹ luôn phát khởi trong tôi.

 Khi chúng tôi lớn khôn, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn, nhiều cơ hội tốt hơn. Thế hệ trẻ của chúng tôi sau này có quá nhiều lựa chọn, trong khi Cha mẹ tôi trước đó không có cơ hội như thế, thế hệ của họ phải cam chịu quá nhiều cực nhọc.  

Lòng biết ơn nắm giữ một sức mạnh kỳ diệu. Lòng biết ơn không chỉ mang lại hạnh phúc về mặt tâm lý mà còn cải thiện về mọi mặt, những điều bạn cảm thấy biết ơn thật khó để cảm thấy những khổ đau hay bất hạnh, ngược lại khiến cho ta cảm nhận một cuộc sống hạnh phúc đầy đủ. Cuộc sống luôn có những lúc thăng trầm, và những gì bạn bước ngang qua tronggiai đoạn sóng gió, khi bạn chú trọng vào những thứ bạn đang có, có thể trở nên khó khăn vô cùng.



cu ba tam thai-6

Tác giả và Mẹ già Tâm Thái (85 tuổi) tại Las Vegas (USA) mùa hè năm 2016

Cho nên  Đức Phật khuyên chúng ta luôn nhớ nghĩ những điều tốt đẹp mà Cha mẹ và các bậc Thầy hay bất cứ ai đã làm cho ta, phải vun trồng nó, đem nó vào tâm thức.

Tôi được giáo pháp cuốn hút khi tôi bước vào tuổi 15, tôi rất say mê, ngưỡng mộ và tin tưởng các bậc Thầy đã trao truyền giáo pháp cho tôi, tinh cần tu học và thực hành, nhưng tận cùng sâu thẩm vẫn là cái cảm giác ngã chấp sâu dầy trong tâm thức.

Tôi có một sự trải nghiệm sâu sắc của lòng biết ơn. Nhưng nhờ việc hành thiền khiến tôi có sự tiến bộ, tâm mong cầu trong tôi bị vỡ vụn, mọi thứ dường như ổn định hơn và tôi thấy cuộc sống an vui hơn, tôi không còn thấy chướng ngại, không còn là những vấn đề khó khăn với tôi nữa. Tôi có một cuộc sống tràn đầy niềm vui.

Chính vì lý do đó mà Đức Phật dạy chúng ta phát triển sự hiểu biết rõ ràng về chính bản thân mình. Bất cứ cái gì sanh khởi, nó sanh khởi trong cái biết này. Những cái mà nó biết, nó biết đúng theo chân lý, khi đó tâm và các thành phần của nó sẽ được nhận diện là không phải của ta. Cuối cùng tất cả chúng đều bị ta từ bỏ và vứt đi như rác. Chúng ta không nên bám víu lấy nó hay cho nó bất cứ ý nghĩa gì.

 “Quá khứ hình thành tính cách con người”, ai đó đã nói như thế, và đúng vậy, có nhiều ký ức đi theo tôi suốt chặng đường dài như một thứ tâm thức không dừng dứt. Do đó chúng ẩn chúng hiện qua từng suy nghĩ. 

Thế rồi, dần dần tôi học Thiền, không phải vì tôi muốn đắc đạo mà chỉ vì tôi muốn làm cho tâm mình bình an và tĩnh lặng. Và tôi tin rằng bất cứ người nào cũng có thể làm được điều đó, cho dù  có theo tôn giáo hay không chăng nữa. Và bạn nên làm điều đó, rất ích lợi khi bạn có được một cái tâm bình an và tĩnh lặng. Vậy đó, khi tôi phát triển chánh niệm, đôi lúc tâm tôi trở nên rất tĩnh lặng và bình an, tôi rất thích trạng thái tâm ấy, tôi thực sự quý trọng nó, tĩnh lặng và bình an, rất trong sáng và thanh tịnh.

 

Khi tâm bình an, tĩnh lặng và trong sáng, nó trở nên rất mềm dịu  nhưng không hề yếu ớt. Sự yếu ớt và mềm dịu không phải là một. Nó trở nên mềm mại và dịu dàng. Nó trở nên dễ tiếp nhận hơn. Và rồi bất chợt một thoáng chớp suy nghĩ lướt qua tâm tôi. Ngay cả khi tâm tôi trở nên rất tĩnh lặng và bình an, mặc dù nó chỉ thoáng qua trong tâm vài phút, chỉ hai hay ba phút, tâm tôi trở nên rất bình an và tĩnh lặng, rất tĩnh lặng, không chạy trốn, không vật lộn để trốn chạy. Tôi không cố gắng kiểm soát tâm mình. Chỉ là tĩnh lặng và bình an, rất trong sáng, chỉ kéo dài trong mấy phút, hai hay ba phút, và tôi nghĩ mình có thể được tĩnh lặng và bình an đến thế thì những người thực hành chăm chỉ hơn, thời gian lâu hơn và có bài bản hơn chắc hẳn sẽ có một cái tâm tĩnh lặng, bình an, sáng suốt và mềm dịu hơn rất nhiều. Đó là bước chuyển đầu tiên của tôi để tin rằng con người có thể trở nên thực sự bình an và tĩnh lặng, thực sự sáng suốt, thực sự êm dịu.

cu ba tam thai-4

Tác giả và Mẹ già Tâm Thái (85 tuổi) tại Las Vegas (USA) mùa hè năm 2016



Có lẽ là trên con đường đi và tìm ý nghĩa của cuộc sống tôi học được nhiều điều, rút ra nhiều bài học bổ ích không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Tôi nghĩ mỗi người đều có một cuộc đời ở trước mắt. Đâu là bến? Đâu là bờ? Nếu chúng ta chỉ chăm chăm hướng tới cái đích không lợi lạc gì cho ai, nghĩ đến điều tốt đẹp  mà không tưởng tới cách đạt được nó thì cũng đang đánh mất dần đi ý nghĩa cuộc sống trên chính hành trình tìm kiếm. Tất nhiên là tôi luôn nhắc nhở bản thân phải kiên trì, phải nhẫn nại, phải vui vẻ trước những phê phán, tìm được cho mình niềm vui trên hành trình đi tới sự hoàn mỹ. Làm được điều đó, thì đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống rồi .

Mỗi khi đi đến nhà tang lễ lạnh lẽo để tiễn đưa một ai đó là tôi đã lãnh hội được và thấm thía một chân lý sống…cho nên  tôi  đã cố gắng sống sao không thẹn với lòng khi ở cuối cuộc đời mình.

Danh lợi chỉ là những thứ phù phiếm mà chúng ta phải dồn bao tâm sức mới giành được. Thế nhưng, đời người ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng mấy chục năm thôi, có khác nào một giấc mơ đâu. Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách trân trọng những thứ đáng quý, buông bỏ những tranh chấp vô nghĩa, quên hết bao phiền muộn sầu lo để được sống một cuộc đời thảnh thơi, an vui, đó là điều mà bạn và tôi cần phải thực hành.


Ni Viện Như Ý, Las Vegas, Mùa Vu Lan 2018
Thích Nữ Tâm Vân





cutamthai
Mẹ Tâm Thái và con trai (TT Nguyên Tạng)
tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ trong
chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ tháng 11-2008


Me Tam Thai

Mẹ Tâm Thái và con trai (TT Tâm Phương)
tại Vườn hoa Xuân Nha Trang, tháng 2 năm 2018


cu ba tam thai

Mẹ Tâm Thái và con gái út (Phật tử Tâm Hương
tại Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 14 (tháng 12-2014)
tại thủ đô Canberra, Úc Châu, Cụ Bà Tâm Thái đọc bài sám
“Khuyên người niệm Phật” (xem bài này) trong Chương Trình Văn Nghệ cuối khóa học





TRÁI TIM LẤP LÁNH

Cảm ơn bài viết của Ni sư Tâm Vân cũng như xem những bức hình đẹp của Mẹ già Tâm Thái

bên cạnh các người con xuất gia. Hôm nay, con viết bài đặc biệt kính dâng Mẹ già Tâm Thái (86 tuổi, Cụ sinh năm 1933-Quý Dậu),

thân mẫu của TT Tâm Phương, TT Nguyên Tạng và Ni sư Tâm Vân .


Trái tim lấp lánh sáng ngời
Toả lan khắp cả bầu trời muôn nơi
Tám sáu mẹ sống thảnh thơi
Tình thương mẹ vẫn không dời đổi thay
Mẹ như biển rộng sông dài
Chảy trong tâm thức tháng ngày trong con
Dù cho núi lở đá mòn
Lòng con vẫn mãi mãi còn kính yêu
Mẹ là lời hát thương yêu
Là niềm hạnh phúc sáng chiều chẳng ngưng.

    Dallas Texas, 19-8-2018
             Tánh Thiện 

cu ba tam thai-thanh phi

Tác giả Thanh Phi & Cụ Bà Tâm Thái
(đắp y nâu, Bồ Tát Giới Tại Gia, hình chụp trong buổi tụng Bồ Tát Giới

tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu mùa xuân 2015



 

 Tấm Lòng Của Mẹ
Con đọc bài của Ni Sư Tâm Vân và bài thơ của anh Tánh Thiện,
nên con viết bài này kính tặng Bà Tâm Thái.

Kiếp người quả thật long đong
Nửa đàng gãy gánh thờ chồng nuôi con
Chia ly lúc mẹ còn son
Tuổi đời bốn mốt đàn con bảy người
Nghĩ thôi cũng đã rụng rời
Cảm thương cho mẹ lúc thời chiến chinh
Bao nhiêu vất vả một mình
Cam lòng gánh chịu bởi tình thương con
Tấm thân sa sút gầy mòn
Bôn ba xuôi ngược mong con nên người
Phước duyên đã tạo nhiều đời
Tấm lòng của mẹ Phật thời xót thương
Khai tâm mở trí tỏ tường
Khiến xui con mẹ chọn đường xuất gia
Giờ đây mẹ đến tuổi già
Ba con của mẹ cũng đà vang danh
Chân tu tài đức hạnh lành
Tạo nên cơ nghiệp hiển danh đạo mầu
Giờ thôi, mẹ chẳng lo âu
Chay trường đạm bạc thuộc làu kệ kinh
Ra vào mẹ chỉ một mình
A Di Đà Phật, an bình niệm chuyên
Mai này khi đã tận duyên
Di Đà Cực Lạc, cõi huyền mẹ nương.


Nam Mô A Di Đà Phật
Melbourne, Mùa Vu Lan 2018
Thanh Phi
 
 MungTho_CuTamThai_Phatu_TVQuangDuc (153)

Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
trao Bằng Mừng Thọ 80 tuổi Cụ Bà Tâm Thái
tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức, xuân 2012 (Nhâm Thìn)



Một Dạ Sắc Son

Kính tặng Cụ Bà Phật Tử Tâm Thái


Tâm Thái (*)một dạ sắc son

Đã thành quả phụ khi còn xuân xanh

Sớm hôm buôn tảo bán tần

Nuôi đàn con trẻ nên danh với đời

Nụ hiền mãi rạng trên môi

Nương nhờ Phật lực chuyển vơi nghiệp dần

Vượt qua khốn khó gian nan

Tin sâu Tam Bảo kết thân duyên lành

Sớm chiều lễ Phật tụng kinh

Thắp hương khấn nguyện chí thành chẳng phai

Trải qua ngày tháng năm dài

Chuyên trì Phật hiệu, trường trai giữ gìn

Thuộc lòng sám nguyện như in

Khiến người phát khởi lòng tin tu hành

Tám lăm tuổi bước nhàn thanh

Thân an tâm lạc yên bình tháng năm

Tâm Phương, Nguyên Tạng, Tâm Vân (*)

Trưởng thành Thích Tử tinh thâm pháp mầu

Quảng Đức Tu Viện Úc châu

Trang nhà hoằng pháp giải đau lòng người

Tâm Thái hiền mẫu vui tươi

Quê nhà, đất khách nụ cười rạng nơi...!

California, 20-08-2018

Trúc Nguyên- Thích Chúc Hiền ( Cảm đề )

-Ghi chú: (*) Tâm Thái: Cụ Bà Phật Tử Tâm Thái là thân mẫu của Thượng Toạ Thích Tâm Phương,
Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng và Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân.

(*) Tâm Phương, Nguyên Tạng, Tâm Vân: Thượng Toạ thượng Tâm hạ Phương-Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức, Úc Quốc; Thượng Toạ thượng Nguyên hạ Tạng-Trú Trì Tu Viện Quảng Đức, Úc Quốc- Chủ Nhiệm Trang Nhà Quảng Đức; Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân- Viện Chủ Ni Viện Như Ý, Las Vegas, Hoa Kỳ. 

 


MungTho_CuTamThai_Phatu_TVQuangDuc (148)

CẢM NGHĨ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ CÀI BÔNG HỒNG TRẮNG

Sau khi đọc

TRÁI TIM LẤP LÁNH của Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân

Tất cả mọi chuyện xảy ra trong đời tôi đều bắt đầu bằng chữ duyên

Tôi được nghe tên Cụ Bà Tâm Thái khi theo chân một chị bạn (phật tử thuần thành )

lái xe đưa Hoà Thương Khinh An ( Minh Tâm ) và Thượng tọa Thích Trung Đạo trụ trì chùa Phật Ân / Long Thành South Việt Nam đến viếng Tu Viện Quảng Đức và đã được biết Thầy trụ trì và Thầy Viện Chủ đang thời kỳ sung sướng nhất vì Cụ Bà đang sang Úc Châu vừa thăm các con vừa tu học khoá tu Bồ tát giới

Mọi người đều chúc tụng Cụ Bà và tán dương Cụ Bà là một người đại Phước vì hầu hết con trai , con gái đều xuất gia

Thuở ấy 2013 tôi vẫn chưa được kề cận những bậc tôn Đức và chỉ mãi mê nghiên cứu một pháp môn nào để thuận với căn cơ sẵn có của mình mặc dù trong tâm linh tôi một cái gì rất huyền bí và linh thiêng mách bảo tôi rằng tôi vốn có duyên với Phật giáo Tây Tạng và cứ thế bất cứ những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ dạy tôi đều thực hành và lạ lùng thay Câu " Vì tất cả hữu tình đều là Mẹ mình cho nên con xin qpuy y ba ngôi báu ....và từ đó mỗi sáng trước bàn thờ tôi đều tự thọ Bồ Đề Tâm Giới mặc dù chưa được phép truyền trao bởi các Yết Ma. cho nên tôi rất quý trọng và kính phục tất cả những ai đã thọ Bồ tát giới

Rồi thời gian trôi đi trong lặng lẽ và tôi lại có hữu duyên để tham dự hành hương các chùa Nhật Bản và Đại Hàn với sự hướng dẫn của Thầy Thích Nguyên Tạng và trong đoạn đường dài trên xe các đạo hữu đã xin được nghe bài thơ của Thầy Nguyên Tạng viết về Mẹ và Thầy đã ngâm cho chúng tôi nghe , lúc đó tôi đã ràn rụa nước mắt vì sao Mẹ tôi cũng bắt đầu giai đoạn goá bụi với đàn con 7 người như Cụ Bà Tâm Thái mà chẳng có đứa con nào xuất gia và giúp dở Mẹ mình hiểu thông Phật Pháp phải chăng đó là công đức mà Cụ Bà Tâm Thái đã tạo được trong nhiều tiền kiếp ...

Và đúng là Duyên sau chuyến đi ấy càng ngày tôi càng tâm đắc với các bài Việt dịch của Thầy và càng hiểu thêm nhiều khía cạnh khác như lòng quảng đại thương chúng sinh và giúp dở tận tình những người cơ nhở , phải chăng Thầy đã được giáo dưỡng trong sự dạy dỗ đầy Từ Bi của Mẹ hiền.

Vu Lan năm nay lại được nghe Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân nói về Mẹ ( một trái tim lấp lánh lung linh đầy màu sắc tỏa từ một sự hy sinh cao cả từ một người Mẹ ) và lòng biết ơn sâu sắc của những người con đã được đào tạo trong Giáo Pháp Như Lai Bậc Đại Giác Đại Hiếu đã từng dạy " Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha "

Ni Sư có thể tự hào và chỉ dạy cho đệ tử rằng muốn làm một người con hiếu hạnh, trước và trên hết là phải biết tôn trọng, yêu thương, quý kính và nuôi dưỡng lòng biết ơn sâu xa đến cha và mẹ. 

Qua bài viết của Ni Sư Tâm Vân, con rất cảm động trước công đức của Cụ Bà Tâm Thái mà con viết bài thơ này kính tặng Cụ với tất cả tấm lòng quý kính:




Mẹ Việt Nam , lòng hy sinh cao cả 

Đơn độc chống chèo giữa biển trần ai 

Vượt gian truân khổ nạn đến ....thái lai 

Đời có Đạo , dưỡng nuôi thêm  lý tưởng 

Như hoài bảo , con thực thi  chí hướng 

Nơi quê nhà sống chịu cảnh đơn neo 

Nhưng mãn nguyên , an tâm mắt dõi theo 

Nương Phật Pháp , niềm tin không thối chuyển 

Mẹ Việt Nam , gương Cụ Bà hiển hiện 

Bồ đề Tâm thệ phát giữ vẹn tròn 

Tạo Phước điền gieo hạt giống cho con 

Hậu bối tán dương ....Phúc lành tăng mãi.



Nhân mùa Vu Lan con xin được tán dương Công Đức Cụ Bà Tâm Thái người đã đem lại cho hàng Phật tử chúng con những Trưởng Tử Như Lai xứng đáng mặc áo Như Lai và ngồi toà Như Lai

Melbourne , Vu Lan 2018

Huệ Hương






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2017(Xem: 4839)
Con ngồi cùng chiếc bóng Không cùng ai Ngoài chiếc bóng ! Mùa thu trôi theo những chiếc lá bàng đỏ úa và rơi…
10/08/2017(Xem: 19639)
Hôm nay ngày Vu Lan Bông hồng em cài áo, Thanh thơi từng bước dạo Em đi lễ chùa làng.
08/08/2017(Xem: 5218)
Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ nhất tâm khánh tuế chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni thêm một tuổi Hạ sau mùa an cư và hồi hướng công năng tu tập này đến mọi loài. Mùa Vu Lan là mùa siêu độ, giải cứu và bi mẫn. Xin chư qúi liệt vị cùng Giáo Hội tâm niệm đến những điều sau đây trong mùa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm nay. 1/ Nuôi lớn Bồ Đề Tâm để vun trồng phước báo lợi sanh. Người đệ tử Phật thường nhắc nhở mình rằng, chúng ta được sinh làm người là quý giá vô ngần nhưng kiếp người cũng chóng vô thường biến hoại. Vì vậy hãy nỗ lực hành thiện, hoằng truyền Chánh Pháp, nhiếp hóa gia đình, khai dụng Phật trí. Người đệ tử Phật nguyện thắp sáng Phật Pháp và thể hiện hình ảnh đẹp của người con Phật nơi châu lục Bắc Mỹ.
05/08/2017(Xem: 5105)
Mùa Vu Lan lại trở về với đất trời của mùa Thu. Những tâm cảm sầu thương ly biệt, như những ngọn sóng ngầm, gợn lên trong lòng người con hiếu hạnh, thương cha nhớ mẹ. Lạc lõng bơ vơ, khi cha mẹ không còn hiện hữu nữa. Lòng ngậm ngùi vì chưa đáp được ân sâu. Đó là tín hiệu mùa lễ thiêng liêng của dân tộc Việt. Một Dân Tộc lấy Đạo Hiếu làm đầu.
03/08/2017(Xem: 6757)
Trên Face Book có bạn hữu mong muốn tôi viết về đề tài “Hiếu Đạo”, nhân ngày tuyên dương Cha “Father’s Day” hàng năm vào đầu tháng 9 tới. Đây là theo truyền thống phương tây và ở nước Úc này. Cố nhớ lại xem ở VN xưa nay có cái truyền thống tuyên dương công trạng của người cha hay không? Quả thực, ai thì không biết, chứ riêng tôi, nay đã ngoài thất tuần {bảy bó rưỡi} thì chẳng hề thấy có một ngày nào trên tờ lịch Đông Phương {Lịch con nước} ghi nhận ngày “Công cha” cả
28/07/2017(Xem: 6578)
Khát vọng tự do là khát vọng muôn thuở của con người kể từ khi những cá nhân và gia đình, vì nhu cầu an sinh mà tiến đến việc sống quần tụ trong bộ lạc, xã hội, lãnh thổ, quốc gia. Sự quần cư càng lớn, luật lệ chung càng phức tạp và gò bó hơn theo thời gian. Người ta đã phải đánh đổi một phần tự do của mình để được bảo vệ trong khuôn khổ đời sống tập thể. Đến khi khung luật tập thể bị lạm dụng quá mức bởi những kẻ tự cho mình có quyền chế tác, ban hành và giải thích tùy tiện theo quyền lợi cá nhân và đảng phái, thì bất công xã hội càng sâu dầy, khiến cho thống khổ dìm ngập con người dưới mức không thể chịu đựng được nữa. Khát vọng tự do bật lên thành tiếng nói, và dần đi vào hành động.
22/06/2017(Xem: 4283)
Nắng mưa tai biến bất thần Mẹ hiền lỡ bước bước lần dặm xa Sông Hằng gượng bế con qua Gió to sóng cả lập lòa hoàng hôn.
22/06/2017(Xem: 4141)
Thuở ấy, ở quê nhà, tôi nghe ông bác thường gọi cha bằng eng (anh), thằng Lợi bạn học lớp năm trường làng với tôi (lớp bốn bây giờ), gọi cha bằng chú, con các chú tôi gọi bằng ba. Chập chững lớn lên, tôi gọi theo các anh chị, gọi cha bằng cậu và cũng thật là lạ, khi các ông cha sắp có cháu nội hoặc cháu ngoại, thì lập tức được đôn lên một chức. Con họ gọi họ bằng ông, trong họ ngoài làng cũng từ đó, lấy tên người con đầu, con trưởng của họ mà gọi ông nọ, ông kia, v.v… và từ đó cái tên thường gọi ông nọ ông kia trở thành tên húy kị, chỉ ẩn mật tồn tại trong gia phổ. Tính theo phổ hệ gia tộc tôi thuộc đời thứ mười lăm trong họ, ngược lên đời thứ mười bốn, tôi còn được nghe các chú, các bác gọi cha bằng bọ. Theo địa lý vùng miền, thì người miền Bắc gọi cha bằng bố, người miền Nam ảnh hưởng ngữ âm người Việt gốc Hoa, gọi cha bằng tía.
12/05/2017(Xem: 10375)
Clip nhạc: Lòng Mẹ 2 do Ca Sĩ Ngọc Thành trình bày
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]