Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan xa xứ

08/08/201606:12(Xem: 7011)
Vu Lan xa xứ

cha me-2

Vu Lan xa xứ

                                                    Gửi những người làm con nhân mùa Hiếu Hạnh Vu Lan

Quảng Anh Ngọc Hân

 

 

Mùa Thu, những cơn mưa sụt sùi của tháng Bảy cứ đều giọt trên mái nhà từ chiều đến tối làm cho hàng cây bên vệ đường cúi đầu ủ rủ. Cơn mưa sướt mướt của tháng Bảy mưa Ngâu, như nước mắt tao ngộ trên nhịp cầu Ô Thước của hai tâm hồn ly biệt! Mà nào chỉ có Ngưu Lang Chức Nữ mới chọn mùa mưa sụt sùi nầy để gặp gỡ nhau! Những oan hồn phiêu bạt cũng đợi mùa tháng Bảy Vu Lan, khi các cửa địa ngục mở toang, để lần mò về chốn cũ, nơi mà bao ước nguyện ngày xưa chưa tròn, bao ân tình chưa chu tất, bao nghiệp duyên nơi trần thế hãy còn mờ mờ nhân ảnh.

 

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha?
Cõi dương còn thế huống là cõi âm.

            (Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh)

 

Cõi dương đã tang thương trong nỗi thống khổ triền miên của kiếp người thì cõi âm cũng thê lương, cô khổ, đọa đày. Người sống và kẻ chết đã “gặp” nhau qua các trai đàn chẩn tế hay các buổi siêu độ vong linh.

 

Thương thay thập loại chúng sinh, 
Phách đơn, hồn chiếc, lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm;
Còn chi ai khá ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu!
Tiết đầu thu dựng Đàn giải thoát,
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi.
Muôn nhờ Phật lực từ bi,
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.

                      (Văn tế thập loại chúng sinh)

 

Nguyễn Du, nhà đại thi hào dân tộc đã làm cho người xa xứ nhớ về quê hương mỗi khi nghe câu thơ Kiều trỗi lên đâu đó và trong cái khí vị văn chương của tiết tháng Bảy, người ta không thể nào không nhớ đến bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của ông. Tuy vậy, sinh hoạt truyền thống nhân gian trong tiết tháng Bảy, chủ yếu vẫn là mùa Báo Hiếu Vu Lan, mùa của những đóa hồng hiếu hạnh. Vu Lan trên xứ người - nơi vùng đất ở tận cùng phương Nam của địa cầu - không có mưa Thu sụt sùi lất phất, mà chỉ có những cơn gió lạnh cuối Đông. Vu Lan tại Úc trở về với những cơn gió rít dữ dội như gió hú từ đồi cao và trong cái lạnh se da, lạnh mặt người. Đó là lúc mà mọi người cùng nhớ về những người thân yêu đã quá khuất, lòng ray rức bồi hồi, muốn làm điều gì đó để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ hiện tiền hay đã khuất, nhất là Mẹ, vì như trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã dạy Ngài A Nan rằng:

 

Đàn ông xương trắng nặng hoằng,

Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?

Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra

Sanh con ba đấu huyết ra

Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con

Vì cớ ấy hao mòn thân thể

Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai.

 

Các bà mẹ là như thế đấy! Đặc biệt hơn nữa, có những bà mẹ Việt Nam trên những con thuyền tị nạn, lênh đênh trôi dạt giữa biển khơi thì làm gì có sữa  nuôi con nhưng lòng mẹ bao giờ cũng là đại dương yêu thương không bờ bến, vì thế mà mẹ đã xẻ thịt da mình lấy máu nuôi con. Gần đây hơn, có những bà mẹ trong trận cuồng phong kinh hoàng Nargis ở Miến Điện hồi tháng Năm năm nay, đã chết trong tư thế quỳ khom người lại để che cho đứa con được vòng tay bà ôm trọn trong lòng và kỳ diệu thay, đứa bé đã sống sót trong khối gạch đá đổ nát của cơn bão Nargis!

 

Lễ hội Vu-Lan-Bồn viết tắt là Vu-Lan có nguồn gốc từ Kinh Phật thuyết Vu-Lan-Bồn của Phật giáo đại thừa. Thuật ngữ Vu Lan Bồn là từ của Trung Hoa dịch âm chữ Phạn Ullambana. Ý nghĩa của chữ vu-lan-bồn được ngài Trí Húc dịch là "giải đảo huyền". Giải có ý nghĩa là cởi trói, giải thoát ai ra khỏi một cái ách nào đó. Đảo là ngược hay dốc đầu xuống đất, chân chỏng lên trời, nhằm ám chỉ cho hình thức nghiêm khắc và đau đớn tột độ của hình phạt. Huyền là "treo." Như vậy giải đảo huyền có nghĩa là "tháo bỏ các cực hình treo ngược",  cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sanh trong các đường dữ. Theo tinh thần của kinh Vu Lan, cái khổ nguy khốn nhất của chúng sanh là bị sanh vào cảnh giới quỷ đói. Do đó, tháo gỡ cái cực hình treo ngược là tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.

 

Phật thuyết Vu-lan-bồn Kinh kể về nguyên nhân và phương pháp báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên đối với thân mẫu của ngài bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ, đói khát, tiều tụy. Đại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) là một nhân vật lịch sử, sống cùng thời đức Thích Ca, Tôn giả là một vị giáo chủ có năm trăm đệ tử, sau đó quy y Phật, trở thành vị đệ tử "thần thông đệ nhất". Đức Phật đã khuyên tất cả những người con nên học theo gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ.

 

Các nước thuộc văn minh Ấn Độ và Phật giáo Nguyên Thủy như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia… không có ngày lễ Vu Lan, mặc dầu có thờ cúng ông bà, báo hiếu.

 

Lên chùa vào ngày Vu Lan, chúng ta sẽ được cài lên áo những bông hồng đỏ hay trắng để mừng cho diễm phúc còn cha mẹ hay để chia sẻ, cảm thông với nỗi buồn đã mất mẹ cha. Với tôi thì cái cảm xúc tiếc nuối, thiếu vắng và xót xa khi cài trên áo cành hoa trắng cho Ba tôi vẫn có sức công phá mãnh liệt hơn niềm hạnh phúc dịu dàng khi mang đóa hồng cho Mẹ. Bao kỷ niệm thời thơ ấu sống bên mẹ cha như con nước cuồn cuộn chảy về làm cho ta bồi hồi thổn thức. Mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm riêng để nhớ đời về Mẹ, về Cha và riêng với tôi, cái ấn tượng vẫn hằn sâu trong tâm khảm về Ba tôi, đó là câu trả lời của ông khi tôi lo lắng hỏi: Ba nghỉ làm công chức rồi lấy gì nuôi gia đình? - Ba sẽ đi buôn bán với bạn bè, làm công chức bạc bẽo lắm, tiền lãnh không bao nhiêu mà người ta nặng nhẹ đủ điều...

 

Tôi thật ngỡ ngàng khi biết được điều nầy và lúc ấy, tôi đã quay lưng để dấu  những giọt nước mắt đang chảy xuống. Tôi thương Ba tôi quá khi nhìn thấy sự hy sinh, nhẫn nhục của cha mình để nuôi dưỡng chị em chúng tôi nên người. Lần thứ hai lòng tôi đau xót khi nhìn thấy Ba tôi cứ ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng lại thở dài. Ba tôi đang làm một bài toán để có một quyết định khó khăn khi mà sau ngày 30 tháng 4, phương tiện sinh nhai của gia đình đã bị tịch thu, bị “quốc doanh hóa” trong khi em tôi thì đang nằm bệnh viện Grall với căn bệnh ngặt nghèo. Đáp số của bài toán là Ba tôi quyết định bán hết tư trang còn lại trong nhà để trang trải y phí, tiếp tục chữa trị cho con mình dù biết rằng con mình không còn bao lâu nữa sẽ vĩnh viễn ra đi trong lúc tương lai của gia đình, của những người “sống” không biết sẽ ra sao trong hoàn cảnh thay chủ của đất nước. Nước mắt tôi một lần nữa lại chảy xuống trong đời trước tình thương trầm lặng nhưng cao ngất vững vàng như Thái sơn của Ba tôi. Nguyện cầu cho Ba nương nhờ Phật lực để gặp lại hai em của tôi ở một cõi an lành nào đó...

 

Đối với Má tôi, cái hình ảnh ngồi mút xương của bà vĩnh viễn không phai mờ trong tâm khảm tôi. Gia đình đông con, cực nhọc, khó khăn đủ điều, Má tôi lúc nào cũng chỉ quanh quẩn xó bếp và sống chui rúc trong nhà, ít khi có dịp chuyện vãn hay giao tiếp với bên ngoài nên tâm hồn bà thật đơn giản, lời nói của bà thật mộc mạc. Khi cả nhà quây quần bên mâm cơm, lúc nào bà cũng bận rộn bưng dọn và gắp thức ăn vào chén cho mọi người, đến khi con cái đã ăn xong, lúc ấy bà mới ngồi vào bàn. Thấy bà gắp cá chia hết cho các con, tôi thắc mắc: ủa! chia hết rồi lấy gì Má ăn. Bà xua tay trả lời: Má không thích, ăn dĩa rau luộc nầy được rồi. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy đã nghe và tin như vậy. Cơm nước xong, chị em chúng tôi lên nhà trên học bài. Lát sau trở xuống bếp để lấy nước uống, tôi nhìn thấy Má tôi đang ngồi mút lại từng mẩu xương cá mà chúng tôi vừa thải ra! Có thể như thế được chăng? Sao con cái như chúng tôi lại vô tâm đến thế? Sự hối hận làm tôi buồn lịm trong lòng... Má tôi đã nhịn ăn để nhường phần ngon cho chúng tôi no đủ và khôn lớn. Bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày rồi? Chắc chắn là cả đời bà đã hy sinh như thế, hy sinh cả cuộc đời bà nữa chứ không chỉ phần cơm áo. Ôi sự hy sinh của cha mẹ làm cho ngôn từ của thế gian bị giới hạn, chúng ta là những nhánh sông con mà Mẹ là biển lớn đưa nước chảy vào làm đầy lòng sông. Bởi vậy trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã bảo đại chúng rằng:

 

“Ví lại có người, trải trăm ngàn kiếp, vì cứu mẹ cha, trải trăm ngàn kiếp, nuốt viên sắt nóng, cháy xém cả mình, như thế cũng là, chưa trả được ân, kể trong muôn một."

                                                              *        *

                                                                   *

Chuông chùa tháng Bảy đã ngân vang, hãy cùng nhớ lại kỷ niệm ngày nào bên cha mẹ để thương cha, thương mẹ nhiều hơn vì có người trong chúng ta đang ở vào cảnh: Ba (hay Má) đâu còn nữa để về! Chúng ta hãy nhân ngày Rằm Tháng Bảy của mùa Vu Lan báo hiếu cũng là ngày Tự Tứ thêm tuổi đạo của chư Tăng Ni, với tự lực chân thành của chúng ta và với tha lực nương nhờ đạo lực thanh tịnh của chư Tăng Ni sau ba tháng an cư kiết hạ, để nguyện cầu cho cha mẹ hiện đời được an lành, hạnh phúc trong chánh pháp, tổ tiên quyến thuộc đã khuất được siêu thăng Tịnh độ. Vu Lan cũng là dịp để những người con Phật tỏ lòng thương yêu rộng lớn và nguyện cầu giải thoát đến tất cả chúng sinh còn đang đau khổ đọa đày trong cảnh địa ngục ngạ quỷ. Trong khói hương trầm tỏa bay trước trai đàn chẩn tế, xin mượn các câu thơ của thi hào Nguyễn Du thay cho lời cầu nguyện của chúng ta nhân mùa Vu Lan nầy:

Kiếp phù sinh như bào như ảnh,
Có chữ rằng: vạn cảnh giai không;
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

.......... Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không;
Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,
Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.

(Văn tế thập loại chúng sinh)

 

                                                                                              

Sydney Mùa Vu Lan

Quảng Anh Ngọc Hân

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/08/2022(Xem: 2569)
Ngày 7/8/2022 (10/7/ Nhâm Dần), tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Thượng tọa Thích Minh Tâm và Phật tử bổn tự đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu PL.2566 – DL. 2022. Buổi lễ có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Trừng Thi, Phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Như Minh (chùa Sắc tứ Liên Hoa, TP.Nha Trang); Hòa thượng Thích Hạnh Nguyện (chùa Tân chánh); Hòa thượng Thích Thiện Thông (chùa Minh Thiện) cùng 180 chư tôn đức Tăng Ni trú trì các tự viện và hơn 1000 Phật tử đến từ khắp các xã, phường về tham dự. Sau khi Hòa thượng chứng minh niêm hương bạch Phật, buổi lễ được bắt đầu với nghi thức dâng lục cúng dường của đoàn sinh GĐPT chùa Linh Sơn Pháp Ấn. Cả hội chúng trang nghiêm trong khoảnh khắc thiêng liêng cùng hướng tâm thành kính tri ân Đức Bổn Sư.
08/08/2022(Xem: 3673)
Hôm nay, ngày 7/8/2022 (nhằm ngày 10/7/ Nhâm Dần), dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức Tăng Ni và sự tham dự của quý Phật tử bà con xa gần tại Nhật Bản, buổi lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chùa Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc lắng đọng của tình Song thân Phụ Mẫu đối với con cái và ngược lại. Qua những lời giảng giải của Chư Tôn đức, quý Phật tử cũng đã học rất nhiều về tâm hiếu hạnh và phương pháp Báo đền Ân đức của hai đấng sanh thành theo lời Phật dạy. Những giọt lệ lăn trên má khi các con ở phương xa nghĩ tưởng về Cha Mẹ nơi quê nhà. “Nắng mưa cha mẹ dãi dầm Nuôi con khôn lớn âm thầm chở che…”.
07/08/2022(Xem: 3019)
Hôm nay con về vào mùa An Cư Kiết hạ, Con đã nghe rồi cỏ cây rộn rã tiếng cười vui Đón con về, Vu Lan mùa báo hiếu Ngẩn lên nhìn Đức Phật nghe lòng cảm xúc, tiếng gọi tự ngàn xưa
07/08/2022(Xem: 3279)
Hơn thế nữa năm nay theo quy trình kế hoạch của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo dục của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN tại Hải ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan nhiêm kỳ 2022-2026 bắt đầu từ 30/7/2022 mỗi tháng sẽ có 4 pháp thoại được chủ giảng vào ngày thứ bảy cuối tuần và bài pháp thoại thứ 2 do TT Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Thích Nguyên Tạng chủ giảng với đề tài trên rẩt phù hợp trong mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu vì như chúng ta đã biết Đạo Phật là Đạo Hiếu. Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Nhưng ít ai biết được rằng nếu nói về hạnh hiếu thì Ngài Xá Lợi Phất đệ nhất đại đệ tử của Đức Phật về Trí Tuệ lại là người vẹn tròn đại hiếu.
05/08/2022(Xem: 6403)
Trái tim Mẹ là kỳ quan của vũ trụ. Nước mắt Mẹ nhiều hơn một đại dương Đạo Phật là Đạo Hiếu… ….Hãy trân quý giá trị tình thương Vô bờ bến….Mẹ Cha chưa hề đặt điều kiện.
05/08/2022(Xem: 3265)
Bao lâu rồi thưa Mẹ? Nơi xứ lạ quê người Con lạc loài đơn côi Mỗi năm Vu Lan về Con nghe lòng tái tê! Làm sao con quên được Khi con còn bé nhỏ Mẹ dắt con đến chùa
04/08/2022(Xem: 4062)
Vu Lan, con cài hoa trắng Có nghĩa là Mẹ đã vắng trần gian Nỗi nhớ thương bỗng dâng tràn Trong hai khóe mắt đôi hàng lệ rơi Mẹ không còn nữa trên đời Nhưng sao con thấy... Mẹ ơi gần kề!
04/08/2022(Xem: 3730)
Công Mẹ như núi như non Tình Mẹ như biển suối ngàn Đại Dương Làm sao trả hết công ơn tràn đầy Ân Mẹ quả thật sâu dầy Vì con Mẹ phải muôn sầu đắng cay
03/08/2022(Xem: 5808)
Mùa Vu Lan tháng bảy … Nơi đây gió lộng lá vàng bay lả tả Truyền thống lễ hội sâu sắc thiêng liêng Bâng khuâng thổn thức khi nhớ “Giải đảo huyền “(1) Ý nghĩa cứu độ … trở thành sức mạnh văn hoá !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]