Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa Vu Lan

16/08/201308:03(Xem: 5130)
Ý nghĩa Vu Lan
Bo_Tat_Muc_Kien_Lien

Phật tử khi nghĩ tới công ơn cao siêu vời vợi của cha mẹ, chúng ta phải hết lòng hết dạ đền đáp. Nếu không đền đáp được nhiều ít ra cũng năm, mười phần chớ không thể nào chúng ta bỏ mặc cha mẹ ra sao thì ra, đó là không biết đạo nghĩa.

Ngày lễ Vu lan nói theo nhà đạo là ngày Tự tứ của chúng Tăng. Chữ Tự tứ nói đủ là Tự tứ thỉnh, nghĩa là thỉnh cầu những bậc trưởng thượng chỉ dạy mọi lỗi lầm cho mình. Những lỗi lầm đó hoặc là các ngài thấy, các ngài nghe cho đến chưa thấy, chưa nghe mà chỉ nghi thôi cũng cứ chỉ. Nếu mình thấy đó là lỗi thật thì mình thành tâm sám hối chớ không dám cãi, không dám bỏ qua. Bởi vậy nên ngày này chư Phật rất vui vì thấy chúng đệ tử có tâm hồn phục thiện, biết cải hối những lỗi lầm. Do đó cũng gọi là ngày Phật hoan hỷ. Đó là ý nghĩa thứ nhứt.

Ý nghĩa thứ hai, ngày này là ngày gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật. Bởi vì theo tinh thần kinh Vu Lan, ngày rằm tháng Bảy chính là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên tìm thấy mẹ đang sinh trong kiếp ngạ quỷ khổ đau, mà tự bản thân Ngài cứu không được. Ngài mới nhờ Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Nhân đó Phật dạy muốn cứu mẹ thoát khỏi tai ách, phải nên cúng dường chư Tăng, Ni. Nhờ lực gia trì của Tăng, Ni phụ giúp cho mẹ Ngài chuyển đổi tâm ác, thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Với lòng thành kính của người con thảo, Ngài đã thực hiện đúng những lời Phật dạy và mẹ Ngài cũng thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính nhờ lòng thành đó mà đến rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ của chúng Tăng, Phật dạy chúng ta nên cúng dường chư Tăng, nhờ chư Tăng phụ lực mà thân mẫu trong nhiều đời được siêu thăng. Nên ngày này còn gọi là ngày Báo hiếu.

Trong mùa này, mỗi Phật tử chúng ta nhớ lại công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng cực khổ, cho nên chúng ta nhờ sức chú nguyện của chư Tăng, Ni, nếu cha mẹ có sa vào đường khổ thì nhờ phúc đức này được thoát khỏi. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được tăng trưởng thiện căn. Nếu cha mẹ hiện tiền cũng nhờ đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm Bồ đề. Đó là ý nghĩa báo hiếu của người con Phật. Bởi vậy ngày Vu lan còn có tên là ngày xá tội vong nhân. Đó là ngày tha thứ mọi lỗi lầm, ngày mà mọi người đều ăn năn, xin cải đổi sám hối, mong các vị lớn tha thứ cho. Nhờ ý nghĩa tha thứ những lỗi lầm đó nên cũng chính ngày này chư Tăng, Ni thành tâm cầu nguyện cho các vong nhân được khỏi những kiếp khổ đau.

Tôi đã kể sơ qua về ý nghĩa của ngày lễ Vu lan rồi. Bây giờ đi sâu hơn về hạnh hiếu của người con Phật. Nhiều khi quý Phật tử thắc mắc, Phật dạy làm con phải hiếu thảo với cha mẹ nhưng quý thầy, quý cô lại bỏ cha bỏ mẹ đi tu, như vậy là bất hiếu rồi, làm sao dạy Phật tử có hiếu được? Không phải vậy. Mới nhìn chúng ta thấy như là bất hiếu nhưng trái lại là chí hiếu. Tại sao? Vì đi tu không có nghĩa là tìm nơi an nhàn để thụ hưởng yên ổn cho riêng mình, mà vì thương cha thương mẹ, thương chúng sinh; muốn tu làm sao tự bản thân mình giải được những phiền não khổ đau, rồi sau đó giúp cha mẹ và hướng dẫn mọi người hướng về con đường đạo đức, bỏ đi những điều tội lỗi. Đó là đền đáp công ơn cha mẹ.

Theo thế gian, hiếu thảo với cha mẹ là lo đủ mọi thứ, nào là cơm ăn, áo mặc, giường chõng, thuốc men… nhưng có người nào lo mà cha mẹ khỏi chết không? Dù nuôi kỹ cách mấy rồi chết cũng phải chết. Theo tinh thần đạo Phật, chúng ta không chỉ có mặt ở một đời này mà còn có mặt ở vô số kiếp về trước và sau nữa, nên mất thân này sẽ mang thân khác. Do đó nếu ngay thân này không biết làm lành thì e rằng đời sau sẽ đọa những đường khổ. Bởi vậy người tu phải làm sao thức tỉnh cha mẹ hướng về con đường lành, để cho cha mẹ có mất đi thì sẽ được hạnh phúc, an vui trong những đời sau. Tôi thí dụ như cha mẹ năm sáu mươi tuổi, có con mười mấy tuổi phát tâm đi tu, ban đầu cha mẹ buồn trách nhưng sau đó lại tự xấu hổ. Vì nghĩ rằng con mình còn nhỏ nhưng không ham ăn, không ham danh lợi còn mình già rồi mà vẫn chưa thức tỉnh.

Nghĩ vậy, tự nhiên mình cũng bắt chước, lần lần bớt ham ăn, lại tập ăn chay, bớt ham danh lợi, nhờ vậy mình tu từ từ. Rõ ràng, lúc đầu thì thấy con như dở nhưng càng về sau lại thấy càng hay. Cho nên phần nhiều những gia đình có con đi tu thì dần dần cha mẹ và gia quyến cũng bắt chước tu theo. Đó là tinh thần hiếu đễ của người xuất gia. Người ở thế gian cứ nghĩ nuôi cha mẹ được ấm no, đầy đủ là có hiếu nhưng quên rằng tuổi thọ cha mẹ có giới hạn, tới mức độ nào rồi cũng phải đi. Cho nên làm sao vừa lo cho hiện tại được ấm no mà nghĩ tới tương lai, sau khi cha mẹ bỏ thân này được thân sau cũng phải sáng sủa, tốt đẹp hơn nhiều. 

Đó mới gọi là người biết lo chân chính, lâu dài. Như vậy tinh thần của người tu không phải là bỏ cha mẹ mà là thương cha mẹ. Vì muốn hướng cha mẹ về đường lành, hướng thân quyến phát tâm Bồ đề nên mới đi tu. Với truyền thống người Việt Nam ta, hiếu thảo là một điều rất thiêng liêng, rất cao cả. Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết. Thuở xưa cha ông chúng ta cũng từng răn dạy những điều đó. Tôi dẫn một ít đoạn trong ca dao, tục ngữ để quý vị thấy hiếu thảo là một điều hết sức quan trọng:

Nuôi con chẳng quản chi thân 
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn 
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn 
Lên non xắn đá xây lăng phụng thờ.

Qua bốn câu này, quý vị thấy người bình dân Việt Nam đối với công ơn cha mẹ rất là thắm thiết. “Nuôi con chẳng quản chi thân”, khi cha mẹ nuôi con thì không nghĩ gì tới mình hết, miễn con khỏe mạnh là cha mẹ vui. Con bệnh hoặc bị phiền não hay tật nguyền gì đó thì cha mẹ buồn khổ. Cha mẹ muốn hy sinh thân mình cho con được khỏe mạnh. Dù cực khổ, khó khăn đến mấy cũng vẫn không nề, không chán. Câu sau “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, thật thấm làm sao! Những năm trước bốn mươi lăm, ở Việt Nam mình kinh tế rất là chật vật, quý vị nào có ở miền quê mới thấy cảnh cha mẹ nghèo ở nhà lá rách, giường chiếu chỉ có một đôi thôi. Con nhỏ chừng một, hai tuổi ban đêm có bệnh hay đái dầm. Khi đái dầm thì ướt, ướt mà không có chiếu thay nên mẹ nằm bên ướt, để con chỗ khô ráo cho nó ngủ ngon.

Cái tình của người mẹ quê như vậy, người không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ làm sao cho con ngủ ngon giấc, con được khỏe mạnh, con chóng lớn lên. Người mẹ xưa đã sống trong cảnh cơ cực đó nên mới nói lên được câu này “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Người mẹ lúc nào cũng trải thân mình cho con cái, quên cả mọi khổ sở, mọi đau đớn, miễn làm sao cho con ăn ngon ngủ được, đó là yên lòng mẹ. Cha mẹ đối với con đã không kể thân, không nghĩ tới phần của mình thì làm con cái phải làm sao? Chúng ta là con, muốn đền được ơn đó thì phải nhớ câu “biết lấy chi đền nghĩa khó khăn, lên non xắn đá xây lăng phụng thờ”. Khi cha mẹ chết rồi mình mới lớn khôn, nhớ ơn cha mẹ không biết làm sao cho nên cạy đá, xây lăng thờ cha phụng mẹ, đó là nói theo người thế gian. Còn nói theo tinh thần đạo Phật thì nếu cha mẹ chết rồi, chúng ta ráng làm điều lành, điều phước để hồi hướng cho cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền, chúng ta lo lắng cho cha mẹ được ấm no, được hạnh phúc, biết quy hướng về Tam bảo, đó là bổn phận của người con hiếu.

Lại một bài nữa: 
Công cha nghĩa mẹ cao vời 
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta 
Nên người, ta phải xót xa 
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.

Nghĩa là công ơn cha mẹ rất cao vời, không có gì sánh được. Cha mẹ có khi nào nghĩ rằng tôi nuôi nó chừng ba năm, bảy năm rồi bỏ nó muốn ra sao thì ra đâu. Từ thuở còn bé, nằm nôi cho tới khi lớn khôn, có đôi bạn, có con, vẫn cứ lo. Hết con tới cháu, cho tới đầu bạc phơ, rồi tới ngày tắt thở mới thôi. Như vậy để thấy thâm tình cha mẹ đối với con không biết bao nhiêu mà kể. Như vậy bổn phận làm con ta phải làm sao? “Nên người, ta phải xót xa”, khi lớn khôn rồi nghĩ đến công ơn cha mẹ như trời cao, biển rộng. Ân nghĩa đó nặng nề sâu thẳm chớ không phải là thường. Cho nên người Phật tử khi nghĩ tới công ơn cao siêu vời vợi của cha mẹ, chúng ta phải hết lòng hết dạ đền đáp. Nếu không đền đáp được nhiều ít ra cũng năm, mười phần chớ không thể nào chúng ta bỏ mặc cha mẹ ra sao thì ra, đó là không biết đạo nghĩa. Trong đạo Phật thường nhắc nhở, trong năm tội ngũ nghịch thì tội bất hiếu với cha mẹ là đầu.

Tôi dẫn một câu chuyện hiếu thảo hơi lạ để quý Phật tử thấy rõ ý nghĩa công ơn cha mẹ như đã nêu. Ngày xưa có anh chàng nọ vừa dở, vừa không gặp thời, làm ăn đâu thất bại đó. Gia đình một vợ năm bảy con, nuôi không xuể, thiếu hụt đủ thứ. Cạnh bên có người láng giềng rất hào hiệp, mỗi khi anh túng quẫn anh qua nhà ấy vay mượn, mượn rồi không có tiền trả. Thời gian sau túng quẫn nữa anh lại qua nữa, nhưng rồi cũng không có tiền trả. Tuy nhiên người hảo tâm kia vẫn cứ cho mượn hoài, đến khi anh nhà nghèo già và chết. Khi ấy anh bị lôi xuống Diêm vương, ngục tốt tra khảo sổ sách thì thấy anh nợ người láng giềng quá nhiều, Diêm vương liền ra lệnh: “Bây giờ chú mầy phải sinh trở lại làm trâu kéo cày để đền trả nợ trước”. Anh chàng đó nói:

- Không được, cho làm trâu không đủ trả, xin cho tôi làm cha nó mới đủ trả.

Diêm vương ngạc nhiên quá:

- Tại sao đã thiếu nợ người ta mà còn đòi làm cha người ta nữa?

Anh chàng liền giải thích:

- Nếu làm trâu thì sống bảy tám tuổi, cao lắm mười hai tuổi là chết. Mười hai năm kéo cày trả nợ không đủ. Chỉ có làm cha là tôi lo cho đến hết đời, nuôi nấng họ đến hết đời. Hết đời tôi rồi, còn dư bao nhiêu tiền của để lại cho họ luôn. Nếu tôi còn sống dai thì nó có cháu, có chắt tôi cũng nuôi tất. Như vậy mới khả dĩ trả hết bởi nợ to quá.

Như vậy quý vị thấy làm cha còn nặng hơn làm trâu nữa. Vì làm trâu chỉ giới hạn bảy tám năm hay chín mười năm thôi, còn làm cha là suốt một đời, trả hoài cho đến đời cháu nữa. Và có ai chửi mắng gì mình cũng nhận chịu luôn. Nhận hết mọi việc như vậy mới đủ trả. Câu chuyện có tính cách khôi hài, nhưng qua đó chúng ta thấy công ơn của cha mẹ không thể kể hết, phải không? Cho nên người ta bảo kiếp làm cha mẹ đối với con còn hơn kiếp trâu ngựa nữa chớ không phải là vừa. Vậy mà nhiều khi con không nhớ, không biết, còn phụ rẫy, bạc bẽo lại với cha mẹ nữa. Thật là tội lỗi biết bao!

Đã không biết ơn cha mẹ thì ơn xã hội chắc càng không biết. Nếu người không biết ơn nghĩa gì hết thì con người đó gọi là con người gì? Con người vô ơn bạc nghĩa! Đã là người vô ơn bạc nghĩa thì còn dùng được chỗ nào? Bởi vậy muốn thành một người tốt đối với xã hội, trước hết chúng ta phải là người con hiếu thảo với cha mẹ. Do biết thương cha mẹ nên mình không đánh lộn, cãi lộn, hút thuốc, uống rượu, làm những việc hư thân khiến cha mẹ buồn. Nhờ thế mà mình thành một người tốt trong xã hội. Thế nên hiếu thảo là bước đầu để xây dựng gia đình tốt đẹp, xã hội văn minh, quốc gia cường thịnh.



Ý kiến bạn đọc
20/02/201713:28
Khách
kim thay hay qua
KIM
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3384)
Truyền thống giáo dục của Phật giáo có ba hình thức căn bản, gồm: khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Tùy theo căn cơ của người đệ tử mà các bậc thầy có thể sử dụng nhiều phương thức hướng dẫn khác nhau, nhưng thân giáo vẫn là quan trọng hơn cả cho thầy lẫn trò. Trở về khoảng thời gian Đức Phật còn tại thế, sự thuyết giảng của Ngài chưa bao giờ có hình thức giảng dạy như hình thức viết lách như chúng ta hiện nay.
10/04/2013(Xem: 3770)
Ánh sáng giác ngộ được hiểu như là một sự dập tắt vô minh, vọng tưởng điên đảo trong tâm trí của con người, là sự biết rõ sự thật về nguyên nhân và kết quả, nhận thức và hành động, con người và môi trường xung quanh. Giác ngộ là sự hiểu biết chân chánh, thấy rõ bản chất như thật của sự vật, vạn pháp. Giác ngộ còn có nghĩa là đoạn tận khổ đau, dứt trừ những tập khí phiền não bao trùm đời sống của con người trong nhiều kiếp sống, là sự thoát ly những con đường dẫn chúng sanh lên xuống trong sáu nẻo luân hồi trong vô minh bừng cháy.
10/04/2013(Xem: 4480)
Bát Chánh Đạo hoặc Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ Đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo. Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã long trọng chỉ Bát thánh đạo cho năm bạn đồng tu là nhhóm Kiều Trần Như.
10/04/2013(Xem: 3377)
Chúng ta thấy rất rõ, từ cái nhìn của một người dù không phải là Phật tử , khi họ thấy chiếc y màu vàng đắp trên người của các vị Tăng Phật giáo, họ vẫn dễ dàng nhận biết được đó là tu sỹ Phật giáo, một cái nhìn quán tính, đã ăn sâu trong ký ức của mọi người. Đó là hình ảnh hiện thân của Đức Phật, và ngày này vẫn được tiếp nối trong Phật giáo. Ít nhất, hình bóng này, người bình thường cũng dễ dàng nhận biết và phân biệt được. Như Phật tử chúng ta có dịp thấy chư Tăng Nam tông ở các nước theo truyền thống Nam tông như Thái lan, Tích Lan, Miến điện, Lào và Campuchia v.v... và một bộ phận nhỏ ở Việt nam.
10/04/2013(Xem: 3560)
Đức Phật thường được ca tụng như một bậc vĩ nhân. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi vì vĩ nhân thường được hiểu như những bậc kỳ tài xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có thể là nhiều lĩnh vực, mang lại lợi lạc cho con người trong một mức độ nào đó. Có thể là một vĩ nhân ở phương Đông nhưng chưa hẵn là kỳ tài ở phương Tây.
10/04/2013(Xem: 5565)
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: "Tín là gốc của Đạo, là mẹ đẻ của mọi thứ công đức, nuôi lớn hết thảy gốc của Thiện". Đối với tôn giáo nói chung, đức tin phần lớn là bước đầu tiên để con người phát sinh lòng mến yêu đạo. Trong đạo Phật, tín là một trong những điều kiện căn bản để thành tựu các công đức lành (Tín- Hạnh- nguyện). Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói: Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta.
10/04/2013(Xem: 3625)
Trong tất cả công việc, trước khi tiến hành thì bao giờ cũng vậy, chúng ta thường nghĩ đến mục đích của công việc sẽ làm sau đó, đưa ra nhiều suy tính, cách làm nào để đạt đến mục đích ấy. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng lý tưởng, ước vọng công việc trong mỗi người ai cũng có, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Có người đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn, có người tốn kém nhiều thời gian, có người dễ dàng nhưng với người khác thì không thể trôi chảy. Cuối cùng vẫn có những người không bao giờ đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra.
10/04/2013(Xem: 3765)
Để trở thành một người Phật tử, việc phát nguyện Quy y Tam Bảo và giữ gìn Ngũ giới là tâm nguyện, là việc cần làm đầu tiên. Do đó, chúng ta cần phải học và tìm hiểu, để thực hành hầu mang lại nhiều lợi lạc cho chính chúng ta, gia đình và khả dĩ kiến tạo một xã hội tốt đẹp.
10/04/2013(Xem: 3617)
Như chúng ta đã biết, Phật giáo Thái Lan là một trung tâm Phật giáo Nguyên thủy có tầm cỡ trong khu vực cũng như trên thế giới, về chất cũng như lượng. Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo, hơn 95% dân chúng Thái theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Bên cạnh đó, không kể một số lượng lớn người nước ngoài đến Thái Lan để tu tập, nghiên cứu và học hỏi về truyền thống Phật giáo này.
10/04/2013(Xem: 3942)
Phật sự viên thành là lời tán thán, cầu nguyện chúng ta thường nghe trong lễ hội, các buổi tụng kinh sau phần hồi hướng, ước nguyện thành tựu của những người con Phật luôn mong muốn trong sự thừa hành Phật đạo. Ý nghĩa cao cả của người Phật tử ở phần tự thân (tự giác) là giải trừ tam độc ở mỗi con người, diệt trừ mọi phiền não, nhằm hướng đến nhất tâm thanh tịnh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567