Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu lan nhớ mẹ

14/08/201309:27(Xem: 5222)
Vu lan nhớ mẹ
red_rose_45

Nhìn mẹ vật vã, tay chân run rẩy, khó nhọc hít từng hơi thở, cố gồng mình chống lại cái chết đang chiếm dần cơ thể, tôi kiềm lòng không được, lặng lẽ rút một ống thuốc trợ lực định tiêm thêm cho mẹ thì anh tôi nắm tay tôi cản lại, bảo: “Thôi đi em, em muốn mẹ sống với em hoài, em thì hạnh phúc vì có mẹ bên cạnh, còn mẹ, mình mẩy lở loét, đau đớn từng giây, từng phút, bệnh tật đã hành hạ mẹ hơn hai mươi mấy năm rồi. Đừng ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của mình mà quên nỗi thống khổ của mẹ, em hãy để mẹ ra đi cho nhẹ nhàng thân xác”. 

Tôi buông ống tiêm, gục đầu vào tường khóc nức nở, có phải tôi quá ích kỷ nên cứ muốn mẹ sống hoài bên tôi không, đôi chân tôi như đổ sụp xuống khi nghe lời nói đó. Thôi thì đành phải ngừng tất cả thuốc men trong giờ phút này… Ôi, có cái đau nào hơn cái đau của người con phải bó tay nhìn người thương yêu nhất của mình vật vã như bị lột da, như bị xé từng miếng thịt… lúc đi vào cõi hư vô. Không khí im lặng, chết chóc bao trùm lấy căn nhà bấy lâu vẫn rộn ràng tiếng nói cười của mẹ con chúng tôi.

Có tiếng chó sủa ngoài cổng, người cháu gái đã xuất gia gọi mẹ tôi bằng cô ghé thăm. Thấy cảnh tượng đang diễn ra, cô ấy rất bình tĩnh, một mặt bảo chị tôi ngồi kế bên mẹ niệm Phật cho bà nghe, một mặt thắp hương lên bàn thờ Phật. 

Sau khi thắp hương, khấn nguyện xong, cô đến bên giường mẹ tôi khai thị, nói những lời an ủi, phân tích cõi trần tạm bợ, khuyên mẹ tôi niệm Phật A Di Đà để theo Phật về Tây phương Cực lạc. Cô ấy lại soạn trong tay đãy lấy ra đưa cho tôi một băng cassette ghi lời tụng kinh tiếp dẫn, bảo tôi mở máy cho mẹ tôi nghe. Băng chạy được khoảng mười phút, trong tiếng tụng kinh đều đều, tôi thấy khuôn mặt mẹ giãn dần ra, hơi thở nhẹ nhàng trở lại, tay chân không còn run rẩy, co giật nữa. Tôi thầm nghĩ, quả là kỳ diệu, không có một loại thuốc nào có thể đem lại hiệu quả như thế. Có lẽ, khi nghe lời khai thị, mẹ tôi đã thấu hiểu lẽ vô thường, tử sanh, dứt được lòng sợ hãi nên mới trở lại trạng thái yên bình, chấp nhận số phận như vậy. Mẹ tôi mất vào trưa ngày rằm tháng Tư năm đó.

Từ việc giúp mẹ tôi ra đi trong an bình, tôi đã có cái nhìn khác đối với người cháu gái của mẹ tôi. Lúc trước, khi biết cô ấy xuất gia về một thiền viện ở miền Đông tu tập, bỏ lại một bà nội tuổi đã ngoài bảy mươi và đứa em gái còn nhỏ dại, tôi đã phê phán kịch liệt sự ra đi đó, tôi bảo cô ấy thiếu trách nhiệm, không thương yêu kẻ đã cưu mang mình trong hoàn cảnh côi cút. Bây giờ tôi mới thấy được giá trị của người xuất gia, giúp thân nhân giải thoát khổ đau, vượt qua luân hồi sinh tử là hình thức báo hiếu cao cả, quý hơn những việc như gần gũi, lo thuốc thang, cơm áo gấp nhiều lần... Và cũng từ việc đó, tôi bắt đầu có niềm tin và đến với Phật pháp.

Sau đám tang, do bận bịu xây mộ, cúng các tuần thất cho mẹ và việc các anh chị tới lui thường xuyên, tôi không thấy trống vắng lắm nhưng khi tất cả mọi việc đã xong xuôi, các anh chị ai về nhà nấy tôi mới bắt đầu thấm thía về sự ra đi của mẹ. Kia chiếc xe lăn đã gắn bó với mẹ bao nhiêu năm trời, đó chiếc giường mẹ ngủ mà hàng đêm tôi vẫn thường đến thăm hỏi, đàn hát cho mẹ nghe, đây chiếc ghế mẹ tôi đã ngồi may quần áo cho khách kiếm từng đồng bạc để lo cho chúng tôi ăn học... Đâu đâu cũng nhắc tôi nhớ đến mẹ.

Đêm ngủ, tôi cứ mong là tôi đang sống trong cơn ác mộng, khi tỉnh dậy tôi vẫn còn có mẹ, nhưng tỉnh rồi biết mình thật sự đã vĩnh viễn mất người, hai dòng nước mắt cứ tuôn trào vì nỗi đau xót cùng cực. Rất nhiều lần tôi gào to gọi mẹ đến rát cổ trong giấc mơ, giật mình dậy tôi vẫn muốn hét thêm để chối bỏ một thực tế phũ phàng. Ôi, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ!

Đêm rằm tháng Bảy năm sau, tôi ở nhà một mình, vợ và đứa con gái vừa tròn tám tuổi của tôi đi dự lễ Vu lan tổ chức ở chùa gần nhà. Sau thời tụng kinh Vu lan - Báo hiếu, tôi nằm trên võng, hai hàng nước mắt tuôn rơi vì nhớ mẹ. Nhớ những nhọc nhằn của mẹ tôi phải trải qua, nhớ những kỷ niệm buồn vui trong những ngày được sống gần mẹ...

Cuộc đời mẹ tôi có thể nói là một chuỗi dài những nhọc nhằn lo toan cho chồng con. Thuở ấy, ngoại tôi gả mẹ cho ba tôi với hy vọng cuộc đời con gái mình được sống trong cảnh no ấm vì cha tôi lúc đó là người có của ăn của để do ông bà truyền lại. Đâu ngờ, do thời cuộc loạn lạc, nhà bị giặc Pháp đốt nhiều lần, đất điền tứ tán, cả gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. 

Do ở trong vùng chiến sự nên cha tôi gởi người chị lớn lên tỉnh lỵ, ăn nhờ ở đậu, làm việc nhà cho một người bà con giàu có để được học hành hầu có một cái nghề để mưu sinh, hai người anh lớn của tôi cũng được đưa lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống, tránh giặc giã ở quê nhà. Thế là còn sáu chị em chúng tôi cha giao phó cho mẹ quán xuyến. Đất điền chỉ còn có ba công vườn với mấy chục gốc dừa mà phải lo một bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn, mẹ tôi phải làm quần quật, buông chuyện này, bắt chuyện kia để kiếm tiền nuôi con. 

Thân đàn bà một mình phải một nắng hai sương, không nề khó nhọc, không kể tánh mạng chỉ mong một điều cho con mình lớn lên. Ngoài nghề may vá, mẹ tôi còn gói bánh ít đem ra chợ bán, mua lại dừa của các chủ vườn lân cận đem về bổ, phơi khô bán kiếm đồng lời. Cứ như thế, hết chuyện này đến chuyện khác, mẹ tôi làm việc quần quật để có cái ăn, cái mặc cho lũ con.

Đang miên man suy nghĩ, nhớ những kỷ niệm lúc sống cùng bên mẹ, tôi chợt thấy một con bướm đêm vụt bay qua cửa sổ vào nhà, sau một hồi bay vòng quanh phòng khách, con bướm bỗng bay đến đậu vào lư hương trên bàn thờ mẹ tôi. Nhìn cảnh đó, tôi chợt nhớ thời tôi còn thơ ấu, mẹ hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, có chuyện hồn người chết hay mượn cánh bướm trở về thăm thân nhân... 

Lúc ấy, tôi bỗng ngồi dậy, đưa tay ra như một kẻ mộng du, buột miệng nói: Có phải mẹ, mẹ hãy đậu vào tay con! Kỳ lạ thay, con bướm đang đậu ở lư hương bỗng vỗ cánh bay vòng quanh nhà rồi đột ngột bay đến đậu vào bàn tay đang xòe ra của tôi. Lúc đó, tôi có cảm giác như có một luồng điện chạy rần qua tay. Phải chăng đó là thần thức của mẹ tôi đang mượn cánh bướm này để về thăm đứa con trai đang đau buồn nhớ người trong đêm Vu lan trầm mặc? 

Nhưng bản năng của người đàn ông, lý trí của người làm công tác khoa học, tôi không tin vào điều đó, tôi vẫy tay cho con bướm bay đi, rồi lại nói: Nếu phải mẹ, hãy trở lại với con! Con bướm đang bay vòng quanh phòng khách đột ngột quay trở lại đậu vào bàn tay tôi lần nữa. Toàn thân tôi như sụp xuống, nước mắt chảy ràn rụa, tôi đưa tay thật gần mắt để nhìn con bướm, đôi mắt nó lóng lánh phản chiếu ánh đèn như nhìn tôi muốn nói điều gì đó rồi đột ngột vỗ cánh bay lên lượn một vòng rồi trở lại đậu trên lư hương ở bàn thờ của mẹ tôi.

Đang bối rối, nửa tin đó là hương hồn của mẹ mượn cánh bướm về thăm con, nửa nghĩ chỉ là sự tình cờ trùng hợp thì vợ con tôi đi chùa về tới. Con tôi liến thoắng chạy vào, khoe với tôi rằng trong lễ cài bông hồng ở chùa nó được cài bông hồng đỏ. Nó lại bảo, tôi và mẹ nó chỉ được bông hồng trắng mà thôi vì ông bà nội, ngoại đã mất hết rồi. Xong nó lấy chiếc bông hồng trắng mang từ chùa về dán lên ngực áo tôi. Nó lại kể lúc hát bài Bông hồng cài áo có nhiều người lớn khóc lắm, chắc họ nhớ cha mẹ của họ, nó thì thào nói.... Tôi ôm con vào lòng, chua xót nghĩ thầm, rồi một ngày nào đó con cũng như ba mẹ, con cũng phải mang trên ngực một bông hồng trắng bởi đó là quy luật tử sanh của kiếp người. 

Khi cả nhà đi ngủ, tôi đến bên bàn thờ mẹ, thắp một nén hương, khấn: “Mẹ ơi, bấy lâu được gần gũi chăm sóc mẹ, con hạnh phúc vô cùng nhưng nay mẹ ra đi khiến lòng con đau đớn quá bởi chữ hiếu làm sao trả cho hết trong chừng năm tháng đó. Nếu con có thể cõng mẹ giẫm qua bao chông gai trên trái đất này, máu chân con dù có chảy tràn như sông như suối cũng không thể trả hết những nghĩa ân mà mẹ đã vì chúng con lo toan cực nhọc cả đời. Nay âm dương cách trở, không thể lo miếng cơm, ly nước, quạt nồng, ấp lạnh cho mẹ nữa, bây giờ con chỉ còn cách theo lời Phật dạy, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, thực hành thiện nghiệp cầu phước báo mà hồi hướng cho mẹ, mong mẹ được siêu thoát, sanh về cõi Tịnh độ an bình”.

Lúc tôi khấn nguyện, con bướm đêm vẫn lặng lẽ đeo trên cạnh lư hương, không biết nó có nghe lời thì thầm của tôi không mà đôi cánh khẽ rung rung... Chợt nó tung cánh bay lên cao, lượn một vòng rồi bay ra cửa sổ đang mở, biến mất dạng. Tôi đến bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài, đêm nay trăng sáng vằng vặc, chợt nghe có tiếng ai trầm buồn hát bài Bông hồng cài áo:“Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ… Để lòng mình vui sướng hơn…”, tim tôi lại nhói đau.

Hương Đức


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/07/2014(Xem: 24821)
Hồng đỏ cài lên đẹp tuyệt vời Phải nên trân trọng nhé người ơi! Những ai còn mẹ còn hồng đỏ Màu đỏ thắm tươi vẻ rạng ngời
24/07/2014(Xem: 4566)
Tối nay ngồi vẽ Mẹ. Một người Mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt Mẹ đã xạm đen vì dãi dầu. Đôi mắt Mẹ đã trĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi Mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện.
24/07/2014(Xem: 4389)
Vu Lan là lễ truyền thống lâu đời có từ thời Đức Phật còn tại thế hơn 2,500 năm trước; đồng thời cũng là lễ tiết quan trọng phổ thông của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa mà tổ tiên chúng ta đã giữ gìn qua nhiều thế hệ. Lễ tiết Vu Lan hay Vu Lan thắng hội gắn liền với lễ giải Hạ - Tự tứ của Tăng đoàn Phật Giáo. Lễ Tự tứ có nghĩa là sau những tháng ngày tịnh tu Giới - Định - Tuệ, ba nghiệp của hành giả sâu lắng thanh tịnh; hai vị Tỳ kheo đối thú nhau chân thành bày tỏ khởi đi từ đạo tình cao quý nhẹ nhàng trong sáu tiếng: thấy tội, nghe tội, nghi tội, những mong đợi vị thầy đối diện chỉ bày cho ta thành tâm sám hối trước hội chúng và Tam Bảo, nguyện cải đổi không tái phạm, nếu xét thấy mình có tội. Thật là thành khẩn, cao đẹp trong hòa hài, từ bi, nhẫn thuận, bình đẳng. Nhẹ nhàng nhưng mang chất liệu tuệ giác tự thân và san sẻ với giác tha của người đối diện kết nên vòng nhân duyên thù thắng hầu tiến đến giác hạnh viên mãn.
24/07/2014(Xem: 4415)
Mỗi mùa Vu Lan đến Biết bao dòng lệ rơi Cho tình vô bờ bến Bày tỏ không nên lời Nghẹn ngào trong nước mắt Tưởng nhớ đến mẹ cha Ân tình cao chất ngất Suốt đời đã bôn ba
19/07/2014(Xem: 5000)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Phật giáo chủ trương nhân quả theo nhau như hình với bóng, nghĩa là người gây nhân lành ắt sẽ hưởng quả tốt, ngược lại kẻ tham lam, vị kỷ, độc ác... chỉ biết lợi mình, không kể đến hậu quả làm phiền lụy khổ đau cho tha nhân, rộng ra là cả sinh linh vạn loại, đương nhiên sẽ gặp những phiền toái, chịu đựng những trách móc, oán hận của những nạn nhân, hay khi xả bỏ cuộc sống sẽ lãnh sự trừng phạt trong 3 ác đạo mà thế nhân hay tín ngưỡng nào cũng nghĩ bàn để khuyến miễn người đời phải lo tu thân hành thiện, làm đẹp nhân sinh. Mùa Vu Lan báo hiếu phát xuất từ đức Mục Kiền Liên kiếm tìm, thăm viếng rồi giải thoát mẹ ngài khỏi cảnh giới ngạ quỷ, có từ thời đức Phật còn tại thế; văn hóa thế nhân có từ khi loài người hướng về nẻo thiện. Gần chúng ta là văn hóa Á Đông, lấy nhân luân làm căn bản: Hiếu, đễ, tru
18/07/2014(Xem: 4952)
Nhờ năng lực của Tăng đoàn mà mẫu thân của ngài Mục Kiền Liên được thoát khỏi cảnh bi thống nơi chốn địa ngục. Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp là năng lực vô biên hóa giải được khổ đau từ cõi vô hình cho đến thế giới con người. Trọng tâm của Giáo hội chúng ta đặt ở sự hiệp lực này, trong ấy những Phật sự hằng năm của Giáo hội, tất cả tăng ni và thiện tín cùng nhau chung lo. Bốn phật sự thường xuyên của Giáo hội mà mỗi thành viên đều chung sức chung lòng đó là: Phật đản, An Cư, Khóa Tu Học Bắc Mỹ và Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ.
15/05/2014(Xem: 7023)
Hôm nay ngày giỗ của Ba tôi, tự dưng lòng tôi thèm viết một chuyện gì đó về Ba tôi…như nhà văn Võ Hồng thường khuyên mọi người nên viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ mình, những kỷ niệm mà mình nhớ hơn hết, đáng nhớ hơn hết…để nhân ngày k?giỗ của cha mẹ, tập trung về, cùng đọc, cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Con cháu sẽ có dịp sống lại không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gủi, quý trọng ông bà!
16/10/2013(Xem: 19047)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
16/10/2013(Xem: 15332)
Kính lạy vong linh cha, Khác biệt với muôn ngàn trường hợp khi cầm viết đặt lên giấy. Con ghi lại vài nét – chỉ vài nét thôi về đời sống của cha – một người cha có lắm điều độc đáo, không những chỉ trong hàng con cháu mà bất cứ ai cũng công nhận là hãn hữu và cần rút tỉa những điểm son để soi sáng vào nếp sống của mình.
10/10/2013(Xem: 5237)
Mùa Vu Lan năm nay tôi sẽ gắn trên ngực mình một bông hồng trắng vì mẹ tôi đã mất. Nhớ mẹ, tôi viết đôi dòng tâm tình cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa, để những ai còn mẹ mà không biết cung kính, hiếu dưỡng thì ngay bây giờ hãy nên suy ngẫm lại mà được sống với mẹ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]