Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu lan nhớ mẹ

14/08/201309:27(Xem: 5267)
Vu lan nhớ mẹ
red_rose_45

Nhìn mẹ vật vã, tay chân run rẩy, khó nhọc hít từng hơi thở, cố gồng mình chống lại cái chết đang chiếm dần cơ thể, tôi kiềm lòng không được, lặng lẽ rút một ống thuốc trợ lực định tiêm thêm cho mẹ thì anh tôi nắm tay tôi cản lại, bảo: “Thôi đi em, em muốn mẹ sống với em hoài, em thì hạnh phúc vì có mẹ bên cạnh, còn mẹ, mình mẩy lở loét, đau đớn từng giây, từng phút, bệnh tật đã hành hạ mẹ hơn hai mươi mấy năm rồi. Đừng ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của mình mà quên nỗi thống khổ của mẹ, em hãy để mẹ ra đi cho nhẹ nhàng thân xác”. 

Tôi buông ống tiêm, gục đầu vào tường khóc nức nở, có phải tôi quá ích kỷ nên cứ muốn mẹ sống hoài bên tôi không, đôi chân tôi như đổ sụp xuống khi nghe lời nói đó. Thôi thì đành phải ngừng tất cả thuốc men trong giờ phút này… Ôi, có cái đau nào hơn cái đau của người con phải bó tay nhìn người thương yêu nhất của mình vật vã như bị lột da, như bị xé từng miếng thịt… lúc đi vào cõi hư vô. Không khí im lặng, chết chóc bao trùm lấy căn nhà bấy lâu vẫn rộn ràng tiếng nói cười của mẹ con chúng tôi.

Có tiếng chó sủa ngoài cổng, người cháu gái đã xuất gia gọi mẹ tôi bằng cô ghé thăm. Thấy cảnh tượng đang diễn ra, cô ấy rất bình tĩnh, một mặt bảo chị tôi ngồi kế bên mẹ niệm Phật cho bà nghe, một mặt thắp hương lên bàn thờ Phật. 

Sau khi thắp hương, khấn nguyện xong, cô đến bên giường mẹ tôi khai thị, nói những lời an ủi, phân tích cõi trần tạm bợ, khuyên mẹ tôi niệm Phật A Di Đà để theo Phật về Tây phương Cực lạc. Cô ấy lại soạn trong tay đãy lấy ra đưa cho tôi một băng cassette ghi lời tụng kinh tiếp dẫn, bảo tôi mở máy cho mẹ tôi nghe. Băng chạy được khoảng mười phút, trong tiếng tụng kinh đều đều, tôi thấy khuôn mặt mẹ giãn dần ra, hơi thở nhẹ nhàng trở lại, tay chân không còn run rẩy, co giật nữa. Tôi thầm nghĩ, quả là kỳ diệu, không có một loại thuốc nào có thể đem lại hiệu quả như thế. Có lẽ, khi nghe lời khai thị, mẹ tôi đã thấu hiểu lẽ vô thường, tử sanh, dứt được lòng sợ hãi nên mới trở lại trạng thái yên bình, chấp nhận số phận như vậy. Mẹ tôi mất vào trưa ngày rằm tháng Tư năm đó.

Từ việc giúp mẹ tôi ra đi trong an bình, tôi đã có cái nhìn khác đối với người cháu gái của mẹ tôi. Lúc trước, khi biết cô ấy xuất gia về một thiền viện ở miền Đông tu tập, bỏ lại một bà nội tuổi đã ngoài bảy mươi và đứa em gái còn nhỏ dại, tôi đã phê phán kịch liệt sự ra đi đó, tôi bảo cô ấy thiếu trách nhiệm, không thương yêu kẻ đã cưu mang mình trong hoàn cảnh côi cút. Bây giờ tôi mới thấy được giá trị của người xuất gia, giúp thân nhân giải thoát khổ đau, vượt qua luân hồi sinh tử là hình thức báo hiếu cao cả, quý hơn những việc như gần gũi, lo thuốc thang, cơm áo gấp nhiều lần... Và cũng từ việc đó, tôi bắt đầu có niềm tin và đến với Phật pháp.

Sau đám tang, do bận bịu xây mộ, cúng các tuần thất cho mẹ và việc các anh chị tới lui thường xuyên, tôi không thấy trống vắng lắm nhưng khi tất cả mọi việc đã xong xuôi, các anh chị ai về nhà nấy tôi mới bắt đầu thấm thía về sự ra đi của mẹ. Kia chiếc xe lăn đã gắn bó với mẹ bao nhiêu năm trời, đó chiếc giường mẹ ngủ mà hàng đêm tôi vẫn thường đến thăm hỏi, đàn hát cho mẹ nghe, đây chiếc ghế mẹ tôi đã ngồi may quần áo cho khách kiếm từng đồng bạc để lo cho chúng tôi ăn học... Đâu đâu cũng nhắc tôi nhớ đến mẹ.

Đêm ngủ, tôi cứ mong là tôi đang sống trong cơn ác mộng, khi tỉnh dậy tôi vẫn còn có mẹ, nhưng tỉnh rồi biết mình thật sự đã vĩnh viễn mất người, hai dòng nước mắt cứ tuôn trào vì nỗi đau xót cùng cực. Rất nhiều lần tôi gào to gọi mẹ đến rát cổ trong giấc mơ, giật mình dậy tôi vẫn muốn hét thêm để chối bỏ một thực tế phũ phàng. Ôi, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ!

Đêm rằm tháng Bảy năm sau, tôi ở nhà một mình, vợ và đứa con gái vừa tròn tám tuổi của tôi đi dự lễ Vu lan tổ chức ở chùa gần nhà. Sau thời tụng kinh Vu lan - Báo hiếu, tôi nằm trên võng, hai hàng nước mắt tuôn rơi vì nhớ mẹ. Nhớ những nhọc nhằn của mẹ tôi phải trải qua, nhớ những kỷ niệm buồn vui trong những ngày được sống gần mẹ...

Cuộc đời mẹ tôi có thể nói là một chuỗi dài những nhọc nhằn lo toan cho chồng con. Thuở ấy, ngoại tôi gả mẹ cho ba tôi với hy vọng cuộc đời con gái mình được sống trong cảnh no ấm vì cha tôi lúc đó là người có của ăn của để do ông bà truyền lại. Đâu ngờ, do thời cuộc loạn lạc, nhà bị giặc Pháp đốt nhiều lần, đất điền tứ tán, cả gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. 

Do ở trong vùng chiến sự nên cha tôi gởi người chị lớn lên tỉnh lỵ, ăn nhờ ở đậu, làm việc nhà cho một người bà con giàu có để được học hành hầu có một cái nghề để mưu sinh, hai người anh lớn của tôi cũng được đưa lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống, tránh giặc giã ở quê nhà. Thế là còn sáu chị em chúng tôi cha giao phó cho mẹ quán xuyến. Đất điền chỉ còn có ba công vườn với mấy chục gốc dừa mà phải lo một bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn, mẹ tôi phải làm quần quật, buông chuyện này, bắt chuyện kia để kiếm tiền nuôi con. 

Thân đàn bà một mình phải một nắng hai sương, không nề khó nhọc, không kể tánh mạng chỉ mong một điều cho con mình lớn lên. Ngoài nghề may vá, mẹ tôi còn gói bánh ít đem ra chợ bán, mua lại dừa của các chủ vườn lân cận đem về bổ, phơi khô bán kiếm đồng lời. Cứ như thế, hết chuyện này đến chuyện khác, mẹ tôi làm việc quần quật để có cái ăn, cái mặc cho lũ con.

Đang miên man suy nghĩ, nhớ những kỷ niệm lúc sống cùng bên mẹ, tôi chợt thấy một con bướm đêm vụt bay qua cửa sổ vào nhà, sau một hồi bay vòng quanh phòng khách, con bướm bỗng bay đến đậu vào lư hương trên bàn thờ mẹ tôi. Nhìn cảnh đó, tôi chợt nhớ thời tôi còn thơ ấu, mẹ hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, có chuyện hồn người chết hay mượn cánh bướm trở về thăm thân nhân... 

Lúc ấy, tôi bỗng ngồi dậy, đưa tay ra như một kẻ mộng du, buột miệng nói: Có phải mẹ, mẹ hãy đậu vào tay con! Kỳ lạ thay, con bướm đang đậu ở lư hương bỗng vỗ cánh bay vòng quanh nhà rồi đột ngột bay đến đậu vào bàn tay đang xòe ra của tôi. Lúc đó, tôi có cảm giác như có một luồng điện chạy rần qua tay. Phải chăng đó là thần thức của mẹ tôi đang mượn cánh bướm này để về thăm đứa con trai đang đau buồn nhớ người trong đêm Vu lan trầm mặc? 

Nhưng bản năng của người đàn ông, lý trí của người làm công tác khoa học, tôi không tin vào điều đó, tôi vẫy tay cho con bướm bay đi, rồi lại nói: Nếu phải mẹ, hãy trở lại với con! Con bướm đang bay vòng quanh phòng khách đột ngột quay trở lại đậu vào bàn tay tôi lần nữa. Toàn thân tôi như sụp xuống, nước mắt chảy ràn rụa, tôi đưa tay thật gần mắt để nhìn con bướm, đôi mắt nó lóng lánh phản chiếu ánh đèn như nhìn tôi muốn nói điều gì đó rồi đột ngột vỗ cánh bay lên lượn một vòng rồi trở lại đậu trên lư hương ở bàn thờ của mẹ tôi.

Đang bối rối, nửa tin đó là hương hồn của mẹ mượn cánh bướm về thăm con, nửa nghĩ chỉ là sự tình cờ trùng hợp thì vợ con tôi đi chùa về tới. Con tôi liến thoắng chạy vào, khoe với tôi rằng trong lễ cài bông hồng ở chùa nó được cài bông hồng đỏ. Nó lại bảo, tôi và mẹ nó chỉ được bông hồng trắng mà thôi vì ông bà nội, ngoại đã mất hết rồi. Xong nó lấy chiếc bông hồng trắng mang từ chùa về dán lên ngực áo tôi. Nó lại kể lúc hát bài Bông hồng cài áo có nhiều người lớn khóc lắm, chắc họ nhớ cha mẹ của họ, nó thì thào nói.... Tôi ôm con vào lòng, chua xót nghĩ thầm, rồi một ngày nào đó con cũng như ba mẹ, con cũng phải mang trên ngực một bông hồng trắng bởi đó là quy luật tử sanh của kiếp người. 

Khi cả nhà đi ngủ, tôi đến bên bàn thờ mẹ, thắp một nén hương, khấn: “Mẹ ơi, bấy lâu được gần gũi chăm sóc mẹ, con hạnh phúc vô cùng nhưng nay mẹ ra đi khiến lòng con đau đớn quá bởi chữ hiếu làm sao trả cho hết trong chừng năm tháng đó. Nếu con có thể cõng mẹ giẫm qua bao chông gai trên trái đất này, máu chân con dù có chảy tràn như sông như suối cũng không thể trả hết những nghĩa ân mà mẹ đã vì chúng con lo toan cực nhọc cả đời. Nay âm dương cách trở, không thể lo miếng cơm, ly nước, quạt nồng, ấp lạnh cho mẹ nữa, bây giờ con chỉ còn cách theo lời Phật dạy, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, thực hành thiện nghiệp cầu phước báo mà hồi hướng cho mẹ, mong mẹ được siêu thoát, sanh về cõi Tịnh độ an bình”.

Lúc tôi khấn nguyện, con bướm đêm vẫn lặng lẽ đeo trên cạnh lư hương, không biết nó có nghe lời thì thầm của tôi không mà đôi cánh khẽ rung rung... Chợt nó tung cánh bay lên cao, lượn một vòng rồi bay ra cửa sổ đang mở, biến mất dạng. Tôi đến bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài, đêm nay trăng sáng vằng vặc, chợt nghe có tiếng ai trầm buồn hát bài Bông hồng cài áo:“Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ… Để lòng mình vui sướng hơn…”, tim tôi lại nhói đau.

Hương Đức


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/08/2017(Xem: 25909)
Để tưởng nhớ và hoài niệm Công Ơn Sanh Thành Dưỡng Dục của Cha Mẹ. Tu Viện Quảng Đức long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu lúc 11 giờ sáng ngày Chủ Nhật 3/9/2017, nhằm ngày 13/7/ Âm lịch năm Đinh Dậu.
10/08/2017(Xem: 4753)
Con ngồi cùng chiếc bóng Không cùng ai Ngoài chiếc bóng ! Mùa thu trôi theo những chiếc lá bàng đỏ úa và rơi…
10/08/2017(Xem: 19352)
Hôm nay ngày Vu Lan Bông hồng em cài áo, Thanh thơi từng bước dạo Em đi lễ chùa làng.
08/08/2017(Xem: 5155)
Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ nhất tâm khánh tuế chư tôn Thiền Đức Tăng, Ni thêm một tuổi Hạ sau mùa an cư và hồi hướng công năng tu tập này đến mọi loài. Mùa Vu Lan là mùa siêu độ, giải cứu và bi mẫn. Xin chư qúi liệt vị cùng Giáo Hội tâm niệm đến những điều sau đây trong mùa Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm nay. 1/ Nuôi lớn Bồ Đề Tâm để vun trồng phước báo lợi sanh. Người đệ tử Phật thường nhắc nhở mình rằng, chúng ta được sinh làm người là quý giá vô ngần nhưng kiếp người cũng chóng vô thường biến hoại. Vì vậy hãy nỗ lực hành thiện, hoằng truyền Chánh Pháp, nhiếp hóa gia đình, khai dụng Phật trí. Người đệ tử Phật nguyện thắp sáng Phật Pháp và thể hiện hình ảnh đẹp của người con Phật nơi châu lục Bắc Mỹ.
05/08/2017(Xem: 5037)
Mùa Vu Lan lại trở về với đất trời của mùa Thu. Những tâm cảm sầu thương ly biệt, như những ngọn sóng ngầm, gợn lên trong lòng người con hiếu hạnh, thương cha nhớ mẹ. Lạc lõng bơ vơ, khi cha mẹ không còn hiện hữu nữa. Lòng ngậm ngùi vì chưa đáp được ân sâu. Đó là tín hiệu mùa lễ thiêng liêng của dân tộc Việt. Một Dân Tộc lấy Đạo Hiếu làm đầu.
03/08/2017(Xem: 6711)
Trên Face Book có bạn hữu mong muốn tôi viết về đề tài “Hiếu Đạo”, nhân ngày tuyên dương Cha “Father’s Day” hàng năm vào đầu tháng 9 tới. Đây là theo truyền thống phương tây và ở nước Úc này. Cố nhớ lại xem ở VN xưa nay có cái truyền thống tuyên dương công trạng của người cha hay không? Quả thực, ai thì không biết, chứ riêng tôi, nay đã ngoài thất tuần {bảy bó rưỡi} thì chẳng hề thấy có một ngày nào trên tờ lịch Đông Phương {Lịch con nước} ghi nhận ngày “Công cha” cả
28/07/2017(Xem: 6535)
Khát vọng tự do là khát vọng muôn thuở của con người kể từ khi những cá nhân và gia đình, vì nhu cầu an sinh mà tiến đến việc sống quần tụ trong bộ lạc, xã hội, lãnh thổ, quốc gia. Sự quần cư càng lớn, luật lệ chung càng phức tạp và gò bó hơn theo thời gian. Người ta đã phải đánh đổi một phần tự do của mình để được bảo vệ trong khuôn khổ đời sống tập thể. Đến khi khung luật tập thể bị lạm dụng quá mức bởi những kẻ tự cho mình có quyền chế tác, ban hành và giải thích tùy tiện theo quyền lợi cá nhân và đảng phái, thì bất công xã hội càng sâu dầy, khiến cho thống khổ dìm ngập con người dưới mức không thể chịu đựng được nữa. Khát vọng tự do bật lên thành tiếng nói, và dần đi vào hành động.
22/06/2017(Xem: 4243)
Nắng mưa tai biến bất thần Mẹ hiền lỡ bước bước lần dặm xa Sông Hằng gượng bế con qua Gió to sóng cả lập lòa hoàng hôn.
22/06/2017(Xem: 4085)
Thuở ấy, ở quê nhà, tôi nghe ông bác thường gọi cha bằng eng (anh), thằng Lợi bạn học lớp năm trường làng với tôi (lớp bốn bây giờ), gọi cha bằng chú, con các chú tôi gọi bằng ba. Chập chững lớn lên, tôi gọi theo các anh chị, gọi cha bằng cậu và cũng thật là lạ, khi các ông cha sắp có cháu nội hoặc cháu ngoại, thì lập tức được đôn lên một chức. Con họ gọi họ bằng ông, trong họ ngoài làng cũng từ đó, lấy tên người con đầu, con trưởng của họ mà gọi ông nọ, ông kia, v.v… và từ đó cái tên thường gọi ông nọ ông kia trở thành tên húy kị, chỉ ẩn mật tồn tại trong gia phổ. Tính theo phổ hệ gia tộc tôi thuộc đời thứ mười lăm trong họ, ngược lên đời thứ mười bốn, tôi còn được nghe các chú, các bác gọi cha bằng bọ. Theo địa lý vùng miền, thì người miền Bắc gọi cha bằng bố, người miền Nam ảnh hưởng ngữ âm người Việt gốc Hoa, gọi cha bằng tía.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]