Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

23/08/201114:47(Xem: 3427)
Ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

 vulan_muabaohieu 2

Hàng năm cứ vào ngày rằm tháng bảy, hàng Phật tử ở khắp mọi nơi lại long trọng tổ chức lễ Vu Lan-Báo Hiếu. Đối với dân tộc Việt Nam, lễ Vu Lan không còn là ngày lễ của riêng Phật giáo nữa mà đã ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng và từ lâu đã trở thành ngày lễ hội chung của nhiều người, dù người đó có theo Phật giáo hay không.

Vu Lan, gọi cho đủ là Vu Lan Bồn, phiên âm từ tiếng Sanskrit là Alambana, hay Avalamba. Người Trung Quốc dịch nghĩa là Giải-đảo-huyền, có nghĩa là giải cái tội treo ngược. Lễ hội Vu Lan khởi nguyên từ việc tôn giả Đại Mục-kiền-liên với lòng hiếu thảo đã cứu mẹ mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau của chốn ngạ quỷ tối tăm.


Tôn giả Mục-kiền-liên là một vị Đại đệ tử của đức Phật. Tôn giả xuất thân từ dòng tộc Bà-la-môn, là một giáo sĩ Bà-la-môn giáo thống lãnh trăm người đệ tử. Nhưng về sau, Thầy cùng với tôn giả Xá-lợi-phất đem đồ chúng của mình quy y theo đức Phật, tinh tấn tu hành và chứng đắc được Thánh quả A-la-hán. Tôn giả là người có đủ lục thông, và trong mười vị đại đệ tử, Tôn giả được xưng danh là vị đệ nhất thần thông.

Sau khi quy y theo Phật và chứng được lục thông, Tôn giả đã dùng thiên nhãn của mình quán chiếu khắp nơi để xem mẹ của mình hiện đang thác sanh vào chốn nào. Và khi dùng thiên nhãn quán sát như vậy, Tôn giả thấy mẹ mình bị sanh vào chốn ngạ quỷ đói khát khổ đau. Mẹ của Tôn giả sở dĩ bị đọa vào chốn khổ đau như vậy là do khi còn sinh tiền bà đã gây tạo nhiều nghiệp ác: keo kiệt, phỉ báng và khinh chê Tam bảo. Khi quán sát và nhìn thấy sự tình, Tôn giả vô cùng đau khổ xót thương nên dùng thần lực mang đến cho mẹ một bát cơm. Nhưng khi cơm vừa đưa đến miệng bà thì cơm ấy đã hóa thành than lửa, khiến bà không thể nào dùng được. Tôn-giả bối rối không biết làm thế nào nên quay trở về bạch lại với đức Phật. Đức Phật dạy rằng mẹ của Tôn giả do vì gây tạo ác nghiệp quá nặng nên một mình Tôn giả không thể nào giải cứu được. Rồi đức Phật chỉ bày cho Tôn giả phương thức cứu mẹ bằng cách dạy rằng: Sau ba tháng An cư, vào ngày chư Tăng Tự tứ, Tôn giả nên thỉnh mời chư Tăng thập phương đến để cúng dường rồi nhờ chư Tăng chú nguyện cho mẹ của mình. Với năng lực chú nguyện của chư Tăng sau ba tháng tịnh trú tu hành, sẽ giúp cho vong linh thân mẫu được siêu thăng về cảnh giới an lành.

Tôn giả Mục-kiền-liên vâng theo lời khuyên bảo của đức Phật, sắm sửa tịnh trai và cúng dường cho chư Tăng. Nhờ sức chú nguyện của chư Tăng cùng với phước đức phát xuất từ lòng hiếu thảo của Tôn giả mà chính trong ngày ấy thân mẫu của Tôn giả đã thác sanh về thiên giới.

Xuất phát từ sự tích trên đây, từ đó về sau, cứ vào ngày rằm tháng bảy mỗi năm, hàng Phật tử khắp mọi nơi lại long trọng tổ chức lễ Vu Lan và lễ hội này đã trở thành ngày lễ báo hiếu của người con Phật. Riêng tại Việt Nam, lễ hội Vu lan đã trở thành ngày lễ chung và còn có một tên gọi khác là ngày Xá tội vong nhân.

Phật giáo là một tôn giáo luôn coi trọng chữ hiếu. Trong các kinh điển Phật giáo, chúng ta gặp rất nhiều những lời dạy của đức Phật đề cập đến công ơn của cha mẹ. Trong kinh Tăng Chi, Tập 1, đức Phật đã dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ-kheo, nếu có an trú cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này; như vậy này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha, vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.”

Con người sinh ra giữa cuộc đời này đan xen nhiều mối quan hệ, và trong đó mối quan hệ gần gũi và thiêng liêng nhất là quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Phải nói rằng trong tất cả các ân nghĩa mỗi người thọ nhận thì ân nghĩa cha mẹ được xem là sâu nặng hơn cả. Mỗi người sinh ra và lớn lên giữa cuộc đời này, được nên danh và thành công phần nhiều đều nhờ vào công sức nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ cha. Ngay bản thân đức Phật, Ngài cũng từng nói rằng quả vị giác ngộ mà Ngài chứng đắc được là nhờ có sự góp sức rất lớn của mẹ cha: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không hiếu thảo với cha mẹ.” (Phân Biệt kinh).

Trong một đoạn kinh khác, đức Phật lại trình bày rõ ràng những ân đức mà cha mẹ đã dành cho con cái: “Cha mẹ đối với con, ân đức nặng sâu dày; ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhãng nhớ con thương con như hình theo bóng.” Với ân đức như trời cao bể rộng ấy, phận làm con có thể nào quên đi được. Nhưng nhớ ân không phải nhớ suông thôi mà phải tìm cách báo đáp ân đức đó.

Báo đáp công ơn cha mẹ, theo Phật giáo, gồm có hai phương diện: báo đáp về mặt vật chất và báo đáp về mặt tinh thần. Về phương diện vật chất thì báo đáp công ơn cha mẹ là phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sự chăm sóc, phụng dưỡng đó phải được làm với lòng thương yêu và kính trọng thực sự chứ không phải chỉ vì đó là trách nhiệm, là bổn phận. Còn đối với những ai mà cha mẹ còn khoẻ mạnh, chưa cần đến sự phụng dưỡng của mình thì cách thức báo hiếu cha mẹ là phải biết vâng theo những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ; siêng năng học tập, làm việc, tránh làm những việc tà quấy gây ảnh hưởng xấu đến cha mẹ và gia đình, phải biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của cha mẹ... Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ IV, đức Phật đã chỉ ra năm bổn phận của người con đối với cha mẹ như sau: “Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: nuôi dưỡng cha mẹ (khi cha mẹ già yếu); làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình với truyền thống; bảo vệ tài sản thừa tự; và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.”

Nhưng làm con không chỉ báo hiếu ở phương diện vật chất không thôi mà phải báo hiếu ở phương diện tinh thần nữa. Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà báo hiếu tinh thần ở đây là hướng cha mẹ bước theo con đường cải ác tùng thiện, biết làm việc phước đức, và hơn hết là biết tu tập để tìm đến sự an lạc thật sự trong chính đời này và đời sau. Như trong văn Cảnh sách đã từng dạy: “Muốn báo ơn cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả v.v... cha mẹ chưa tin, khuyên cha mẹ tin; cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng trưởng; cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên giữ tịnh giới; cha mẹ có lòng xan tham, khuyên làm việc huệ thí; khéo an trú để tự điều phục. Như vậy mới gọi là chân thực báo hiếu.”

Chúng ta biết rằng vật chất và tinh thần đều là hai mặt cần thiết đối với một con người. Chú trọng mặt này mà xem thường mặt kia thì cuộc sống sẽ lệch lạc, và con người chắc chắn sẽ không có được hạnh phúc. Có rất nhiều bậc cha mẹ được con cái phục vụ cho đủ mọi thứ của cải vật chất, đầy đủ mọi thứ tiện nghi nhưng họ vẫn luôn sống trong cô đơn sợ hãi, không hề biết đến an lạc hạnh phúc là gì. Mặt khác, theo đạo Phật, chỉ báo đáp công ơn cha mẹ về phương diện vật chất không thôi thì chưa đủ để gọi là báo đáp công ơn của cha mẹ được. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1, đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”

Như vậy cách báo hiếu cao cả nhất là nên khuyên cha mẹ tránh ác làm thiện, khuyên cha mẹ tu tập theo chánh pháp để phát triển đời sống tâm linh, tạo nhân giải thoát cho đời này và đời sau.

Thêm nữa, một người sống trong xã hội cùng một lúc đóng nhiều vai trò khác nhau. Chúng ta vừa đóng vai trò làm con đối với cha mẹ của chúng ta, nhưng cùng lúc ta lại đóng vai trò làm cha mẹ đối với con cái của chúng ta. Bởi vậy ở một góc độ khác, biết giáo dưỡng và có trách nhiệm đối với con cái cũng là một cách đền đáp công ơn cha mẹ, tổ tiên. Và đây là trách nhiệm của một bậc làm cha, làm mẹ mà đức Phật đã dạy: “Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.” (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt).

Truyền thống hiếu nghĩa là một truyền thống tốt đẹp từ lâu đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt Nam. Thơ văn, nhạc hoạ... đã dành một mảng rất lớn để ca ngợi, để tôn vinh truyền thống này. Nếu như một người con có hiếu được xã hội tán dương bao nhiêu thì một người bất hiếu lại bị lên án bấy nhiêu. Trong đạo Phật, tội bất hiếu, làm hại mẹ cha được xếp vào một trong năm trọng tội ngũ nghịch mà đến khi mạng chung sẽ rơi vào đọa xứ. Đức Phật từng dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác ác nhất không gì hơn bất hiếu.” (Kinh Nhẫn Nhục). Bởi vậy, đã là một người Phật tử hiểu đạo, chúng ta không thể nào sống bất hiếu được. Chúng ta không thể nào đi ngược lại những gì mà đức Phật đã dạy.

Mùa Vu Lan-Báo Hiếu lại trở về. Trong mỗi chúng ta, có người còn đủ mẹ cha, nhưng có người không có được diễm phúc đó. Nếu trên ngực ta được cài lên đóa hoa hồng thắm thì đó là một may mắn lớn cho chúng ta, vì ta biết rằng ta còn cha còn mẹ trên đời để phụng dưỡng, để thương yêu, để chia sẻ. Nhưng nếu không may đóa hoa trắng cài lên ngực ta thì chúng ta cũng đừng vì thế mà sầu bi than khóc. Chúng ta biết, trong hình hài của chúng ta luôn có dòng máu của cha mẹ ta, có những yêu thương của mẹ cha được gieo trồng vào trong ấy. Nếu ta biết chăm sóc, nuôi dưỡng đời sống của mình cho ngày một hướng thượng, cho ngày một thăng hoa; biết giáo dưỡng con cháu và biết gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình tổ tiên thì lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh ta, và lúc nào chúng ta cũng đang báo hiếu cha mẹ. Với tinh thần đó thì dù cha mẹ đã quá vãng hay còn sanh tiền, chúng ta cũng đều báo hiếu được; với tinh thần đó, lòng hiếu của chúng ta được xem là trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 17

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/08/2023(Xem: 1175)
Việt Nam ta là một Đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính Cha Mẹ từ ngàn xưa. Lễ Vu Lan được xem là ngày Lễ thiêng liêng của những người con đối với bậc sinh thành, đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu Mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ
22/08/2023(Xem: 2668)
Thông Báo thay Thư Mời tham dự Lễ Vu Lan PL 2567 tại Tu Viện Quảng Đức, Chủ Nhật 27/8/2023
20/08/2023(Xem: 1243)
Là người con dân nước Việt, từ xa xưa đến nay ai cũng biết rằng quê hương mình hàng năm có ba ngày Rằm lớn, đó là: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Vào ngày Rằm tháng Giêng, tiết xuân vẫn còn vương đọng, người Phật tử đều đến chùa, cầu nguyện một năm mới mọi sự bình an, hanh thông trong công việc, gia đình khỏe mạnh, quyến thuộc đoàn viên, xóm làng yên ổn, quốc gia hòa bình thạnh trị.
09/08/2023(Xem: 936)
Trong truyền thống Phật giáo, lễ Vu lan là ngọn nến hiếu hạnh thắp sáng giữa đời thường để cho ai có mắt thì được thấy, có trí thì được sáng tỏ, có tâm thì cảm và có tình, thì tình thêm sáng đẹp, rộng và sâu.
15/06/2023(Xem: 1656)
Mới đó mà đã 100 ngày tròn Má vắng nhà. 100 ngày Má đi thật xa để đoàn tụ với Ba nơi cội nguồn Cực Lạc…nơi không có bóng dáng của khổ đau lo lắng, nơi mà Má sẽ ngày ngày dùng lẳng hứng mưa hoa Mạn Đà La đem đi dâng cúng Bụt ở vô số các cõi, Rồi Má sẽ được nghe những thanh âm hòa nhã qua các tiếng hót của nhiều loại chim đủ màu như Hạc trắng, Khổng Tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng Mạng…y
08/05/2023(Xem: 1368)
Vu Lan tháng Bảy đêm Rằm Các chùa tổ chức hàng năm nguyện cầu Thâm ân cha mẹ cao sâu Hiện tiền, quá vãng hai màu hoa xinh Hoa đỏ thắm đượm bao tình Buồn thương hoa trắng một mình đơn côi
03/05/2023(Xem: 125908)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
04/11/2022(Xem: 1948)
Trong kinh Đức Phật có dạy „Lòng Hiếu chính là lòng Phật, hạnh Hiếu chính là hạnh Phật“. Thật đúng như vậy, trong tháng Bảy âm lịch, khắp nơi trên 4 châu lục, mỗi năm sau mùa An cư Kiết hạ, lễ Tự tứ các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu để nhắc nhở người con Phật phải luôn nhớ ơn và đền ơn cho cha mẹ, Thầy Tổ. Ân nghĩa đó thật nghìn trùng.
27/10/2022(Xem: 2769)
Sư Phụ đứng trầm ngâm, giữa khung trời bạt ngàn gió hút, cơn bão lụt đã trôi qua nhưng mọi thứ còn đang trong đổ nát ngổn ngang. Gần mười Thầy trò huynh đệ đang cố gắng thu dọn đồ đạc trong chùa, tìm kiếm những cái gì còn có thể dùng tạm qua ngày, giữa bốn bề là trời mây, nước mưa phủ kín. Chùa đã bị trận bão lụt cuốn trôi, thỉnh thoảng chỉ còn những tấm ngói rơi tứ tung, đồ đạc gần như bị cuốn theo dòng lũ, nhiều cây cổ thụ trong chùa cũng bị bật gốc, một cảnh tượng thật tang thương.
16/09/2022(Xem: 2672)
Đã bao năm tôi bị cài hoa hồng trắng trong mùa Vu Lan thật là tủi thân. Nhưng biết làm sao đây khi người con đã mất đi người mẹ thân thương! Theo tục lệ đã định sẵn, khi mâm hoa hồng đỏ, trắng của các em trong Gia Đình Phật Tử đưa đến, tôi chỉ dám chọn đóa hoa màu trắng để cài lên áo, chứ không dám chọn màu đỏ dù rất thích. Nhưng hôm nay tại buổi lễ Vu Lan ở Tu Viện Viên Đức ngày 4 tháng 9 năm 2022, tôi gặp chuyện bất ngờ được ép cài hoa hồng đỏ. Trên mâm hoa chỉ mỗi một màu hồng, cái màu pha trộn giữa trắng và đỏ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567