Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người xuất gia với hiếu đạo

02/06/201115:46(Xem: 4559)
Người xuất gia với hiếu đạo

Một mùa Vu Lan báo hiếu nữa lại trở về, gợi nhắc cho chúng ta gương hiếu hạnh của Tôn giả Đại Mục Liên cứu mẹ; nhất là hình ảnh của đức Phật Bổn Sư đã báo hiếu cho song thân như lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu, ân cần chăm sóc và thuyết cho phụ vương đang lâm trọng bệnh về pháp lạc của thánh quả Dự lưu,… Kể từ ấy, đạo Phật đã đi vào lòng người, và thật sự trở thành Đạo hiếu hạnh nhân luân; đạo lý ấy phát xuất từ nghi biểu bậc thầy của trời người, một con người sống đời dung dị, nhưng tâm hồn thanh cao và nghị lực siêu việt, trở thành những mẫu người giáo dục cho thế nhân ở nhiều góc độ khác nhau; như thi sĩ dân gian từng ca ngợi:

“Chơn như đạo Phật rất màu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài”.
“… Trên thời hiếu báo sinh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta Bà”[1].

Thật vậy, cũng là một con người bằng xương bằng thịt, không phải dưới đất chui lên hay trên trời rơi xuống, mà là một con người cũng có cha mẹ, có một cuộc sống rất đổi thông thường như bao con người khác, nhưng có khác chăng cũng chỉ:

“Phàm đã là người xuất gia, đặt chân lên phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, nuôi lớn dòng thánh, chấn nhiếp ma quân, báo đáp bốn ân, giúp cùng ba cõi”. (Văn Cảnh sách)

Cha mẹ là người đã cưu mang và trưởng dưỡng chúng ta nên vóc nên hình, nên con người trưởng thành, cất bước vững vàng và hoà nhập vào cuộc đời như ngày nay; nhất là với những người được mệnh danh là trưởng tử Như Lai, là bậc xuất trần thượng sĩ, với sứ mạng “Tác Như Lai sứ và hành Như Lai sự”, hoàn thiện nhân luân và viên mãn siêu thoát, thì không thể bỏ qua đạo lý cơ bản này. Ngay cả, công đức cao vời của đức Phật Thế Tôn, cũng có phần đóng góp không nhỏ của đấng dưỡng dục sinh thành.

“Thế Tôn chủ ba cõi,
Đại Hiếu Thích Ca Văn,
Nhiều kiếp báo thâm ân,
Thế nay thành Chánh giác.”
(Thế Tôn tam giới chủ,
Đại Hiếu Thích Ca Văn,
Trần kiếp báo thâm ân,
Tích niên thành Chánh giác.)

Việc tri ân và báo hiếu luôn là một đạo lý quan trọng đối với mọi tín đồ Phật tử. Đạo lý ấy không chỉ là một khúc tấu của bản trường ca thông thường trong dàn nhạc giao hưởng, được trổi lên trong những buổi hoà nhạc trang trọng, nhưng khi kết thúc là chỉ đọng lại trong lòng mọi thính giả một kí ức mơ hồ man mác; mà nó chính là bản nhạc được tấu lên bằng những chuỗi âm thanh hoà quyện êm đềm du dương từ dòng máu theo nhịp tim của mẹ như dòng suối réo rắt chảy vào trong con, và những lời hát nỉ non hoà với tiếng kẻo kẹt võng đưa và xen lẫn tiếng xạc xào gió lướt từ quạt mo trên tay cha hiền ru con giữa trưa hè oi ả. Bản tình ca ấy mãi đệm theo bước chân con đi trên khắp nẻo đường nhân thế. Bản tình ca ấy cho con sự hiểu biết nơi cha và thương yêu nơi mẹ, cho con sức sống vượt chông gai gian khó để hướng đến thành công, cho con niềm tin yêu đối với cuộc sống, dù gì vẫn vui vẻ khi đời đã ban tặng cho mình những cái tốt đẹp hay đưa đến những điều xấu xa, dù được hay mất, dù buồn hay vui,… và dù gì đi nữa, con vẫn phải thành người. Cha mẹ cho con đầy đủ nghị lực ý chí sống: thất bại không thối chí, thành công không ngã lòng. Bởi, công cha và nghĩa mẹ đã đổ ra quá nhiều vì con:

“Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.
Và: “Cha tôi tuy đã già rồi
Nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà
Sớm hôm vừa gáy tiếng gà
Cha tôi đã dậy để ra đi làm”.

Với tinh thần hiếu đạo theo Phật giáo tri ân và báo ân là một vấn đề cần phải lưu tâm. Đạo làm con phải biết hiếu dưỡng đối với song thân, nhưng hiếu dưỡng thế nào mới thật là chân chánh và thiết thực nhất để tốt đẹp cho cha mẹ cũng như lợi ích mọi người xung quanh. Phật dạy có 2 cách báo hiếu là hiếu dưỡng và hiếu đức. Hiếu dưỡng là phụng dưỡng và an ủi vỗ về cha mẹ; hiếu đức là giúp cha mẹ tịnh tu giới đức và tác phước hành thiện.

Đức Phật cũng đã dạy rất nhiều cho các thầy Tỳ kheo về việc hiếu dưỡng đối với đấng sinh thành của mình. Tuy người xuất gia sống không gia đình, tài sản, nhưng chừng mực nào đó vẫn có thể phụng dưỡng cha mẹ già yếu, nếu cha mẹ không còn cháu con để nương tựa:

“Các thầy nên sớm hôm phụng dưỡng chăm sóc cơm nước và thuốc thang cho cha mẹ già yếu”. (Luật tạng & Kinh tạng)

Đời cũng như Đạo, xưa cũng như nay, lúc nào ở đâu, cũng có nhiều lời phê phán những đứa con thất trách trong bổn phận đối với đấng sinh thành của mình về việc phụng dưỡng cha mẹ trong lúc già yếu:

“Cha mẹ sống chẳng cho ăn,
Chết lập đàn cỗ làm văn tế ruồi”.
Hoặc:
“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.

Với những hạng người con này, cho dù họ có công thành, danh toại, có tiền tài và địa vị gì trong xã hội vẫn bị người đời mai mỉa; họ không đáng cho đời trọng dụng. Tình cha nghĩa mẹ là thứ tình cảm thiêng liêng, khơi nguồn cho mọi tình cảm nhân thế khác, vì còn gì quí báu hơn tình cốt nhục thâm ân; thứ tình cảm được nuôi nấng bằng dòng máu thắm và nắm ruột rứt ra, bằng cả tính mạng của chính cha mẹ, bằng cả tâm huyết trao cho con mình, vỗ về ấp ủ khi con ngủ, để mắt dõi theo khi con bước vào đời, con là những gì cao quí nhất của cả cha lẫn mẹ, vắt cạn cả sức sống của thân già cho con cháu có cuộc sống sung túc để xứng mặt với đời, mà không nghĩ đến bản thân mình quê mùa dân dã. Nếu không phải tấm lòng cao cả của mẹ cha, thì ai có thể chăm lo cho ta cuộc sống như vậy? Với những hạng người vong bản vô ơn, sẽ bị người đời chê trách. Còn nữa, có những người con nhiều tiền lắm của, nuôi cha mẹ với thái độ hững hờ theo kiểu thi ân, không hề có lòng chân thành thương mến. Một thứ tình cảm thiêng liêng cao cả như vậy mà họ còn đạp đổ, thử hỏi mối quan hệ giữa họ và ta có nghĩa lý gì; nếu có thì cũng chỉ là thứ tình cảm man trá, dụng ý mưu mô. Mối quan hệ tình cảm huyết thống thiêng liêng mà họ còn chà đạp, thì không còn một mối quan hệ tình cảm xã hội nào họ thật lòng trân trọng.

Từ đó, chúng ta có thể nhận chân được, hiếu đạo là những gì được phát xuất từ tấm lòng chân thành của ta đối với đấng sinh thành của mình. Với khối óc hiểu biết và con tim yêu thương như vậy sẽ mách bảo cho chúng ta biết phải làm gì để báo đáp một phần nào ân sâu nghĩa nặng này. Tinh thần hiếu nghĩa này được phát xuất từ tấm lòng chân tình rất mực tôn kính ngay trong mỗi người con. Ngay trong những lúc cùng quẫn nhất, người ta vẫn thể hiện được hiếu đạo của mình.

“Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”.
“Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.

Vả lại, tinh thần hiếu đạo này còn cảnh báo cho chúng ta biết về đạo lý nhân quả tương tác tất yếu, nếu gieo thiện nhân thì gặt hái thiện quả, và ngược lại. Bài học đạo lý gia phong này, mang tính đặc thù truyền thừa giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và cháu con trong mỗi gia đình:

“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì;
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.

Đức Phật khuyên, một trong những điều hiếu đạo cao cả nhất cần phải lưu tâm, giúp cho cha mẹ tránh xa con đường ác nghiệp, khả dĩ tạo ác nhân, để rồi lãnh lấy khổ đau cho hiện tại và mai sau, là giúp cho cha mẹ có cuộc sống thanh cao bằng qui hướng Tam bảo và tác phước hành thiện, để rồi gặt hái hạnh phúc và an lạc trong hiện tại và mãi mãi về sau. Trong kinh Tăng chi bộ tập 1, tr. 75, đức Phật dạy về cách tri ân và báo ân cha mẹ như:

“Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới, đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích , hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích an trú vào thiện trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả đủ công ơn cho mẹ và cha”.

Hơn nữa, làm con cũng phải thực hiện những kỳ vọng của cha mẹ đặt nơi con, nếu không đồng nghĩa với đại nghịch bất hiếu. Đó là mong cho con được thành nhân, mong cho con thành danh, mong cho con nên cơ nghiệp để mở mặt mở mày với người. Vì những hoài bảo và kỳ vọng này mà cha mẹ không quản nại khó khổ, không ngại mình quê mùa, ra sức bươn chải nuôi con ăn học, dạy dỗ và khuyên lơn cho con phải sống cho xứng đáng đạo làm người.

Cũng vậy, tình cha và nghĩa mẹ đã cưu mang tôi trong thời thơ ấu; ngày tôi đi xuất gia còn bé lắm, cha mẹ nén nỗi đau phải xa con thơ mà nhìn nhau gượng cười, riêng tôi ngấn lệ suy nghĩ mông lung, tình cha nghĩa mẹ và tình cảm anh chị em gia đình đang chất chứa ngổn ngang trong lòng tôi. Tất cả với tôi như đang lưu luyến và không nỡ chia ly, nếu không có sự động viên của cha mẹ thì tôi khó bề rứt áo ra đi. Giờ này, suy nghĩ kĩ lại, cha mẹ nào lại không thương con thơ, nếu không phải vì tình thương cao cả, vì sự hy sinh cho ý nghĩa lớn lao thì cha mẹ tôi đâu nở xa đứa con bé nhỏ của mình. Ngày nay, tôi không dám tự phụ mình là đã hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ, nhưng chừng mực nào đó tôi cũng đã làm cho cha mẹ mình vui lòng. Có lẽ đây chính là món quà nho nhỏ mà người xuất gia có thể dâng lên cho đấng sinh thành của mình. Nó không sang trọng hay cao quí trên phương diện vật chất, nhưng đây chính là món quà mà cha mẹ tôi hằng đợi mong.

Mong con thành danh, phải nỗ lực hết sức trong việc kiến tạo sự nghiệp bằng học tập, rèn luyện và làm việc, tự đứng trên đôi chân với khả năng chính mình để đi vào đời; không lêu lổng, bê tha, trác táng, hư đốn. Thật vậy, khi thấy con mình thành đạt trong cuộc sống, thì cha mẹ rất hài lòng, cảm thấy toại nguyện trong tuổi già. Đây cũng được xem là một nguồn hạnh phúc, an ủi tinh thần đối với bậc sinh thành. Do đó, lòng hiếu đạo đối với song thân là một đạo lý hết sức tế nhị và sống động vô cùng, chỉ có cái đầu hiểu biết và tấm lòng thương yêu chân thành cùng với ý chí quả cảm chúng ta mới có thể thực hiện được đạo lý thâm trầm ấy bằng cách này.

Và Phật pháp cũng đã cảnh báo cho chúng ta, nếu không nỗ lực thật tu, thật học, thật hành trì và thật thân chứng giác ngộ giải thoát, hoàn thành đạo nghiệp cho chính mình và thực thi sự nghiệp lợi lạc cho thế nhân bằng dùng đuốc tuệ chánh pháp soi sáng thế gian u tối, thì cũng chỉ là kẻ tội đồ núp bóng cửa Phật mà thôi.

“Cha mẹ còn sống vẫn không thể nào nuôi dưỡng, cha mẹ quá vãng cũng không bạt độ nổi vong linh; tội bất hiếu như vậy sẽ không nơi nào dung thứ”. (Phát Bồ Đề Tâm Văn)

Thế nên, người xuất gia đúng nghĩa, phải nhập vai sứ mạng giáo hoá tha nhân, chính là mẫu người đạo đức, giữ cán cân đạo lý cho đời. Người xuất gia là người rất coi trọng hiếu đạo, nhưng cách thể hiện so với người đời có khác, đều hướng về đạo lý “Cội nguồn”. Tình yêu thương của người xuất gia không chỉ với cha mẹ trong hiện đời, mà còn xem “Chúng sinh trong tam giới đều từng là cha mẹ”. Chính vì lẽ đó, hiếu đạo đối với người xuất gia có phần mở rộng hơn, ứng biến hơn, thâm trầm và cao cả hơn rất nhiều so với người đời. Cũng bắt nguồn từ hiếu đạo ấy, nhưng từ phạm vi gia tộc huyết thống, bước sang lãnh vực pháp giới chúng sinh, mà trong tứ ân của người xuất gia đã dạy rõ. Phải là đoá hoa phạm hạnh ngát hương lan tỏa khắp các loài cỏ cây hoa lá trong ngôi vườn chánh pháp.

“Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng
Độc mộc khai hoa vạn thọ hương”.

Tháng bảy lại trở về, thêm rộn ràng lễ hội hiếu hạnh, làm thổn thức con tim của mọi người dù Phật tử tại gia hay xuất gia hướng về ơn nghĩa sinh thành. Đây cũng là cách làm trong muôn ngàn cách thức của những người con hiếu hạnh hướng về song thân. Cho dù ân sâu nghĩa nặng ấy không thể nào đáp trả trong một sớm một chiều, nhưng cũng là tấm lòng chân thành báo đáp trong muôn một của người con hướng về cha mẹ. Nhưng thật ra cha mẹ mình có đòi hỏi gì đâu, chỉ cần thấy con cháu ngoan hiền hiếu thảo là hạnh phúc lắm rồi; mà làm cho cha mẹ hạnh phúc, cũng chính là cách tri ân và trả ân tốt đẹp và ý nghĩa nhất.

Với hiếu đạo, chúng ta phải có một cách nhìn toàn diện hơn. Chừng mực nào đó, người xuất gia có đời sống nặng về tinh thần hơn, nên khả năng “hiếu dưỡng” về cơm áo và gạo tiền cho cha mẹ rất hạn chế, nhưng không vì thế mà cho rằng người xuất gia không làm tròn hiếu đạo, mà hoàn thành một cách rất có hiệu quả nữa là khác, xuyên qua “hiếu nghĩa” và “hiếu đức” trong vai trò xuất thế, bằng trau dồi giới đức và tịnh tu phạm hạnh của mình, kiến tạo phước điền cho đời, trong đó có cha mẹ thân bằng quyến thuộc; giúp mọi người trút bỏ mọi ưu phiền khổ lụy, ngay phút giây hiện tiền giác ngạn đồng đăng; như cổ nhân đã từng xác chứng: “Nhứt nhơn đắc quả cửu huyền siêu thăng”.



[1] Thơ nhân gian: Nam Hải Quan Âm

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2024(Xem: 184)
Văn Hóa và Di Sản Văn Hóa Asean, Giữ Gìn Quá Khứ cho Tương Lai (Asean Culture and Heritage; Preserving the Past for Future)
14/09/2024(Xem: 1579)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
11/09/2024(Xem: 1356)
Vào lúc 09:30 am ngày 08 tháng 9 năm 2024, chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tọa lạc tại số 2553 Darwin Street, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2024, Phật lịch 2568. Hòa thượng Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ (Hayward), thiền viện Phổ Thiên (Castro Valley) và trung tâm tu học Phổ Trí (Vacaville) quang lâm Chứng minh và ban Đạo từ.
09/09/2024(Xem: 1019)
Lễ Vu Lan PL 2568 (8/9/24) tại Chùa Bảo Minh, Vic, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
07/09/2024(Xem: 1234)
Sáng ngày 30 tháng 7 Giáp Thìn (02/9/2024), nhân ngày Khánh đản đức Bồ tát Địa Tạng, chùa Bửu Long ở thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế - Kỳ Siêu Bạt Độ, trên là để báo đáp Tứ Trọng Ân, dưới là để cứu vớt những âm linh bị đọa vào Tam Đồ Khổ (ba đường ác lụy: gươm đao, nước và lửa), đồng thời cũng cầu siêu hồi hướng cửu huyền thất tổ, cầu nguyện quốc thái dân an, thiên tai ôn dịch tiêu trừ
04/09/2024(Xem: 695)
Chùa Pháp Tạng là 1 trong 6 ngôi chùa thuộc Tổ chức Quốc tế Bồ Đề Quang - BLI (Bodhi Light International, Inc.) được Thầy Thích Vĩnh Hóa sáng lập, căn bản là Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và cảm nhận của thời đại mới.
02/09/2024(Xem: 867)
Lễ Vu Lan PL 2568 (1/9/24) tại Tu Viện Kim Cang, Victoria, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
01/09/2024(Xem: 794)
Lễ Vu Lan PL 2568 (31/8/24) tại Chùa Pháp Vân, Melbourne, Úc Châu (photo: Quảng Diệu Trí) | quangduc.com
28/08/2024(Xem: 735)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com