Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ là mùa xuân

23/02/201108:25(Xem: 5474)
Mẹ là mùa xuân
mevacon

Ngôi nhà từ lúc dọn vào có nhiều người ghé đến mỗi ngày. Những người đến viếng thường xuyên không thấy bấm chuông. Họ tra chìa khóa, mở cửa nhẹ nhàng như sợ làm kinh động người đang ở bên trong. Thời gian có mặt dường như không chọn lựa. Mọi người có vẻ an nhiên giữa đến và đi. Đầu ngày, cuối ngày, nắng hay mưa, ấm áp hay giá lạnh, nơi chốn này đầy ắp dấu chân quen.

Buổi sáng, khi những đứa trẻ lên xe bus đến trường, người mẹ cũng vội vàng ra xe đến sở làm. Sau đó không lâu, có ba người khách tuần tự đến dù không bao giờ hẹn. Trong ba người, có một người thường đến chậm, đi sau. Dường như để lấp cho đầy khoảng trống khi cánh cửa sau lưng khép lại. Từ khi đứa em nhỏ nhất dọn về có mẹ cùng theo, không hẹn mà bốn chị em bắt đầu một ngày mới của mình cùng nơi chốn. “Quán cà phê Mẹ” ngày nào toàn khách “nam nhi”, giờ đổi lại khách đến uống cà phê mỗi sáng là bầy con gái. Đôi khi nhớ con trai, người mẹ già ao ước được về ở đôi ngày nơi mái nhà xưa. Những đứa con trai nghe nhiều hơn nói, đâu biết rằng mẹ ngóng trông hoài. Chợt nhận ra trong năm đứa đã rời xa, có một người không ngày nào quên gọi mẹ.

Sáng nay, mẹ nhìn mái tóc vừa cắt đi thật ngắn của con. Chợt hỏi:

- Con bao nhiêu tuổi, năm nay?

Thoáng chút ngỡ ngàng, đứa em quay nhìn chị như đợi chờ câu trả lời thay. Người chị giả vờ lặng yên như chẳng chú tâm. Đứa con gái được mẹ hỏi thầm nhẫm tính, rồi ngập ngừng nói ra hai con số. Câu trả lời kéo theo những tiếng cười giòn.

- Bộ em tính giữ hoài tuổi của những năm về trước để làm người trẻ mãi không già hở?

Đứa em phân trần với chút ngại ngùng.

- Tuổi mỗi năm mỗi nhiều. Em gom lại để dành. Không đếm cho nên đâu biết có bao nhiêu! Không phải sợ già, vì có sợ vẫn già. Chỉ riêng mái tóc... Em hơi sợ, vì chưa đổi màu đã rụng xác xơ. Thà tóc bạc trắng đầu, miễn vẫn còn nhiều. Đâu ngờ có lúc trở lại thời tóc ngắn lưa thưa như trẻ nhỏ. Tưởng chừng mái tóc xưa giờ không thuộc về mình.

Chị cười:

- Lại quên nữa rồi. Xưa giờ có cái gì của mình, thuộc về mình đâu? Giữ gìn cách mấy cũng không còn mãi. Sẽ trả lại thân vay mượn không nhanh thì chậm. Vậy nhưng mới trả trước chút xíu tóc thôi đã thấy tiếc thương, sợ hãi làm sao! Chị biết còn nhiều thứ nữa, mình dù chán đeo mang vẫn không nỡ buông ra.

Tuổi 85, mẹ đôi khi lẩn thẩn. Đâu ngờ bầy con gái tuổi vào thu còn lẩn thẩn nhiều hơn. Chậm nhớ, mau quên đến mức hầu như không còn ai trách phiền ai giữa nhớ và quên. Không đợi đến ngày sinh nhật, người chị có thói quen cộng thêm một tuổi khi vừa qua năm mới, rồi chỉ việc trừ đi hai mỗi khi ai hỏi tuổi của em. Một lần khi trả lời câu hỏi của những người anh đồng môn dưới mái trường xưa. Nghe đứa em cho biết năm ra trường, mọi người nhìn nhau cười mãi. Không hiểu hai chị em học ra sao mà cô em ra trường trước chị hai năm!

Đôi khi còn được nghe câu nhắc nhỡ của người đồng hành trên đoạn đường đời.

- Lái xe cẩn thận. Nhưng đi rồi em có nhớ đường về?

- Đường về có quên cũng không sao. Chỉ sợ “không còn biết, anh là ai!”, thì trở về cũng như ra đi đâu khác gì nhau!

Chợt nhìn thấy cái lắc đầu tỏ vẻ như không còn chọn lựa nào hơn.

- Đâu ngờ trong mùa thu đã có mùa đông. Nhìn như vậy mà không phải vậy. Than ôi! Em của ngày nay!

- Em biết và luôn nhớ. Mình già đi theo từng sát na, và không ngừng thay đổi trong từng giây, từng phút.

Chợt nhớ, cả mấy đứa con gái cùng quay nhìn mẹ.

- Vì sao mẹ hỏi tuổi con?

- Năm tàn, tháng lụn. Thời gian vụt qua nhanh. Con chừng đó tuổi, thân xác mẹ làm sao không tàn hoại. Mới năm nào mấy mẹ con cùng thức trắng đêm gói bánh đón xuân. Năm ngoái còn đi thăm chị nơi miền lạnh. Năm nay mẹ có thêm cây gậy đi theo những bước chân khập khễnh nhói đau...

Những nụ cười trên môi chưa tắt, bốn con mắt cùng băn khoăn chuyển hướng nhìn sang người chị.

- Con cũng nhớ và thấy thiếu hương vị tết, vì không còn gói bánh đêm xuân mấy năm nay. Gần 20 năm kinh nghiệm, vậy mà nghề gói bánh tét nhân hột điều của tụi con đành mai một không ngờ!

Mẹ đang u sầu bỗng nở nụ cười.

- Mỗi năm gói bánh một lần, rồi trở thành người có 20 năm kinh nghiệm! Nhớ năm nào dì tụi con qua thăm, đã tò mò muốn biết coi tài nghệ của đám cháu ngày xưa chỉ biết ăn thôi.

Người dì nấu ăn ngon nổi tiếng vùng quê, đã cầm mân mê “tác phẩm” của lũ cháu từ lâu xa cách. Dì gỡ đi những lớp lá bao quanh. Tẻ sợi dây cột bánh bằng ny lông để lấy một phần, xong quấn quanh nơi phần đầu chiếc bánh, xiết dần cho đến khi khoanh bánh tét đứt rời ra. Ở quê mẹ dường như không ai cắt bánh bằng dao. Dùng sợi chỉ xem ra tiện lợi, không bị nếp và nhân bánh dính vào nên những khoanh bánh tét trông đẹp và đều đặn. Dì với nụ cười mãn nguyện trên môi, cùng câu nói mang âm hưởng vùng quê ngoại.

- Hỏng ngờ tụi nhỏ tài tình! Hột điều rời rạc, không dính lại như thịt mỡ, đậu xanh. Nếp cũng không xào trước cho quện lại. Vậy mà nhưn bánh tròn đầy. Vòng nếp bao quanh cũng vừa vặn, khít khao. Khó mà tin mấy tay mơ ở Mỹ gói bánh tét không thua người chuyên nghiệp. Bánh hột điều gói cực nhưng ngon. Chị cúng chay cho ông bà, cha mẹ nên bánh nhưn hột điều tiện lợi mọi đàng.

Nhớ lại những năm đầu xa xứ, mẹ loay hoay nghĩ cách làm sao để có lại những đòn bánh tét nhân hột điều mang hương vị quê nhà. Lũ con muốn mẹ vui nên xúm xít tham gia, nhưng nhân vật chính không ai ngoài mẹ. Có một năm, sau thời gian chuẩn bị nhiều ngày, đúng đêm gói bánh mẹ ngã bệnh nằm thiêm thiếp. Đám con gái vô cùng bối rối vì trước giờ chỉ giúp cột dây và nấu bánh suốt đêm. Không hẹn mà nhiều đôi mắt cùng đổ dồn vào duy nhất một người.

- Chị là người khéo tay hay... phá! Nếu chẳng ra tay, còn ai nữa vào đây? Làm ra bánh dẫu có “xấu tự nhiên” thì cũng là... lẽ tự nhiên thôi. Còn ngại ngùng chi nữa mà không liều một bận!

Nhìn nếp, nhân, dây, lá, đầy nhà. Không ai cam lòng đem tất cả đổ đi. Nhất là mẹ sẽ buồn và bệnh nhiều thêm nếu như điều tệ nhất xảy ra. Thế là có một người vừa gói bánh vừa run, bên cạnh nhiều người chuyền tay nhau cột, thắt những mối dây đều đặn. Năm đó kết quả thành công ngoài dự liệu. Bầy con gái vui mừng ngắm tác phẩm đầu tay. Mẹ hết bệnh và tuyên bố, từ nay chỉ lo phần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, đợi các con về gói bánh. Tre già, măng mọc lên thay. Cả đám con cháu cùng nhau hợp tác, mỗi năm một lần nhưng xem ra rất nhịp nhàng, ăn ý. Ngay cả đứa cháu trai 16 tuổi cũng được bà ngoại dỗ dành ngồi thức đêm để phụ cột dây.

- Con phụ một tay với mẹ của con. Hồi nãy bà ngoại thấy con cột chơi nhưng thật khéo. Mấy đứa con gái bằng con chưa chắc biết làm đâu!

- Bà ngoại khen con cột dây đẹp phải không? Con sẽ ráng thức khuya nếu như bây giờ có một ly cà phê Starbucks.

Vậy là đứa em gái con của dì vừa mới biết lái xe, đã bị bà ngoại sai đi mua cà phê phục dịch cho thằng anh bằng tuổi. Con bé ký đầu đứa “lợi dụng thời cơ”, nhưng vẫn nghe lời bà ngoại ra xe, chỉ vì không tham gia với mẹ cùng các dì đêm đó.

Những năm sau này, qua đêm gói bánh rộn ràng như ngày tết, mẹ bệnh cả tuần vì sức yếu dần. Bầy con gái cố làm cho mẹ hiểu, những ngày vui năm cũ đã qua rồi. Hạnh phúc đích thật là an vui hiện tại. Mẹ chấp chặt, bám víu vào thói quen, phong tục của người xưa trong hoàn cảnh không còn thích hợp, coi như tự làm khổ mình thôi. Những đứa con đều thú nhận, chỉ vì muốn mẹ vui nên thức trắng đêm, chứ không phải vì “tơ tưởng” đến món ăn ngày tết. Có hay không cũng vậy. Tất cả hương vị dù dỡ hay ngon đều thoáng đi qua nơi phần lưỡi là xong. Khổ nhọc vì một món ăn ngon là chuyện đã xa xưa với mấy mẹ con. Bánh tét nhân hột điều những năm còn “sản xuất”, đã chu du từ Houston đến Atlanta, Kentucky, Florida và sang tận xứ tuyết Canada.

Qua phút giây hồi tưởng, mẹ buông tiếng thở dài nuối tiếc một thời.

- Như căn nhà mục nát chờ cơn bão tới. Mẹ bây giờ đâu còn thấy mùa xuân.

Hai đứa con gái thường tỉ mỉ chăm sóc mẹ, ái ngại cúi đầu không biết nói gì, dường như chỉ cốt ý chờ nghe.

- Riêng con, con thấy mùa xuân vẫn còn với mẹ bây giờ. Đang ở bên nhà, nghe tin mẹ bị té phải vào nhà thương giải phẫu. Con nghĩ hết thật rồi những ngày cũ êm đềm. Khi về, vào thăm thấy mẹ ngồi xe lăn, y tá đẩy đi tập thể dục sáng, chiều, lòng con hạnh phúc làm sao! Ngồi xe lăn vẫn còn phước lớn, so với nằm một chỗ trên giường chờ người khác bế bồng, chăm sóc như đứa trẻ. Thú thật, lúc đó con ước gì mình to lớn, khỏe mạnh hơn để đủ sức nhấc nổi chiếc xe lăn, chở theo cùng với mẹ những khi cần đi đâu đó. Bây giờ mẹ đi đứng bằng đôi chân trở lại, với chiếc gậy kèm theo. Không tàn phế là điều vô cùng hạnh phúc. Tai nạn lớn nhắc mẹ không vội vã. Đi đứng, nằm ngồi chậm rãi, khoan thai. Mẹ thận trọng chú tâm từng cử động, chính là biết giữ gìn thân tâm của mình hơn. Mẹ siêng năng tập thể dục, bắt đầu ở tuổi 85. Đạp chân trên máy mỗi ngày một tiếng là điều mà con chưa làm nỗi! Vậy có phải mùa xuân vẫn còn đây với mẹ hay không?

Hai đứa em phụ họa theo:

- 85 tuổi mẹ mà giỏi hơn thời 58 tuổi ngày xưa! Cũng nhờ đôi chân yếu, không đi đâu mẹ dành thời giờ niệm Phật nhiều hơn. Không trồng cây, mẹ khỏi bồn chồn lo lắng vì sợ mùa đông cây chết cóng, mùa hè không đủ nước.

Mẹ cười hiền, khuôn mặt vừa thoáng vui đã chợt băn khoăn.

- Bệnh đau nhức toàn thân rời rã, cho nên niệm Phật nhiều nhưng tâm mẹ không an. Mai này biết sẽ về đâu khi đoạn đường trước mặt ngày càng ngắn lại!

Đứa con gái cười với mẹ.

-Bệnh đau nhức từ hồi còn trẻ, đã theo mẹ không rời như bóng với hình, nhưng mẹ vẫn chu toàn hết mọi điều trong cuộc sống. Mẹ không cần lo lắng chuyện ra đi sẽ về đâu. Đường lành mẹ đi suốt một đời, chắc chắn sẽ không lạc lối trên con đường quen thuộc! Hành trang con muốn mẹ mang theo không có gì, ngoài chữ xả sau cùng. Như đứa bé sơ sinh lúc đến với cuộc đời chẳng mang theo thứ gì ngoài một hình hài. Khi ra khỏi sẽ thênh thang nhẹ bước nếu chẳng đem theo gì như khi đến. Thương, ghét, buồn vui, tham đắm, khổ đau...Chỉ cần tròn đầy một hạnh xả mẹ sẽ thật sự an vui, thanh thản.

Những tách cà phê quanh chiếc bàn trong căn bếp nhỏ cạn dần. Hai đứa em bước tới ôm hôn mẹ sau câu nhắc đã đến giờ phải rời nhà của chị. Bên ngoài mặt trời vừa chui ra khỏi những cụm mây, chiếu lấp lánh màu nắng vàng rực rỡ trên sân cỏ còn sương đêm đẫm ướt. Mùa đông chưa qua, mùa xuân thấp thoáng về trước mái hiên nhà, khi bắt gặp những nụ hoa đào sắp nở trên cành. Khép cửa, để lại bên ngoài lời lao xao của gió, bước trở vào thấy mẹ đang ngồi niệm Phật tự bao giờ.

Mẹ ơi! Mẹ chính là mùa xuân của đời con.■

Nguồn: Tập San Pháp Luân 47

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4246)
Kinh điển nhà Phật thường nói lòng từ bi của Phật và các vị bồ-tát đối với chúng sinh giống như lòng thương của cha mẹ đối với con cái. Nói ngắn gọn, Phật thương chúng sinh như cha mẹ thương con. Chúng ta được Phật thương như con, và muốn học theo con đường của ngài, nên được gọi là con Phật. Con Phật, muốn được như Phật, phải chuyên tu giới, định, huệ, phá được ngã chấp, pháp chấp, dứt trừ các phiền não, xa lìa mọi mộng tưởng điên đảo, đạt đến trạng thái tịch tĩnh, ái diệt, vô tham…
10/04/2013(Xem: 6091)
Đạo Phật có sứ mạng mang ánh sáng và tình thương đến cho muôn loài. Ánh sáng lung linh của tinh tú, chói lọi của mặt trời, hay u huyền của vầng trăng có thể giúp cho vạn hữu thoát khỏi mọi phiền tạp, mò mẫm, tối tăm và u ám của cuộc đời. Ánh sáng của chánh pháp, của tình thương có thể giúp cho muôn loài sống an vui tự tại, xua tan tất cả mọi bóng tối của si mê lầm lạc. Ánh sáng và tình thương là hai sự trạng vô cùng rạng rỡ và hoạt dụng trong nguồn sống của đạo Phật.
10/04/2013(Xem: 4406)
Cứ mỗi lần mùa hiếu hạnh trở về là mỗi lần gợi lên trong mỗi chúng ta cảm xúc trào dâng về mẹ và cha. Vu Lan báo hiếu đã nghiễm nhiên trở thành lễ hội văn hóa của cả dân tộc, lễ hội văn hóa của tình người, của lòng từ bi ban vui và cứu khổ. Có thể nói, ngày lễ Vu Lan có tác dụng rất lớn đến quan điểm về cuộc sống của nhân sinh.
10/04/2013(Xem: 4317)
Trước bàn thờ Tổ Tiên, tôi đứng yên lặng thật lâu, để quán chiếu, để đi sâu vào đời sống của hiện tại và từ đó, nhìn lại quá khứ của nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ nhiều đời trải dài xuống, cho đến hôm nay. Trong lòng nao nao, nhiều cảm khái, xúc động. Thật sự, có được thân người rất là khó và tự nhiên, lại nghĩ nhiều đến công ơn sinh thành, dưỡng dục cưu mang của cha mẹ…
10/04/2013(Xem: 5205)
Mẹ tôi có ba người con : Con trai lớn là Huỳnh lê Tiến, cô gái út là Huỳnh thị Mỹ Dung, tức văn sĩ Huỳnh Dung, và chúng tôi là Huỳnh trung Chánh. Trong ba anh em, nếu kể đến lòng hiếu thảo và thương yêu mãnh liệt có lẽ tôi không sánh bằng anh em tôi, nhưng tôi là đứa con có cơ duyên gần gũi với bà, chia sẽ đắng cay với bà vào những giây phút hiểm nguy trên cuộc đời như lần đi xuồng chèo trên giòng Cửu Long giữa cơn binh lửa từ Trà Vinh về Cao Lãnh năm 1945, lần gay go vượt biển đến trại tị nạn Mã Lai năm1977......
10/04/2013(Xem: 4463)
Qua khoảng thời gian dài suy nghĩ đắn đo, Mẹ quyết định rời chốn cũ theo về cùng em gái. Có lẽ tình thương dành cho người còn lại, vẫn nặng hơn người miên viễn cách xa. Mẹ vốn yếu mà không đuối, vì có niềm vui khi sống một mình, không bám víu, trông chờ từ con cháu. Nhưng ngoài những ngày an vui, bình lặng, còn có nhiều ngày thân chẳng chiều tâm.
10/04/2013(Xem: 4650)
Sau ngày cha mất, lũ con chợt khám phá ra tình mẹ dành cho cha quá đậm. Như cây cổ thụ xum xuê một ngày bật gốc, để lại người nép bóng phận đời chới với. Ngày ngày đưa tay quơ tìm giữa khoảng không còn lại. "Má bầy trẻ" và "ba thằng Đ" là cách xưng hô hàng ngày. Có lần giữa bữa ăn, em gái út tinh nghịch hỏi: Hồi mới gặp, ba má gọi nhau bằng gì?
10/04/2013(Xem: 5148)
Người đàn ông lạ ở tuổi trung niên có chiếc hoa trắng cài trên áo nhìn Lam chăm chú và khó hiểu. Lam rụt rè nhìn lại cười xã giao rồi quay đi, thầm nghĩ: "Lạ lắm, người này ta đã gặp ở đâu rồi ?”.Cố moi ký ức nhưng Lam không nhớ nổi, lúc này đây, dường như Lam chỉ còn nhớ đến sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trong tâm tưởng thôi...........
10/04/2013(Xem: 4774)
Tuntu mỉm cười một mình với đôi mắt rực sáng. Sau đêm nay, nó sẽ được chấp thuận trở thành một chiến binh. Ngồi dựa lưng phía sau lều, nó nhìn bao quát về cánh phụ nữ của bộ tộc đang bận rộn chuẩn bị bữa ăn chiều. Vài cô gái già vừa làm, vừa hát vừa tám chuyện. Mùi hương dễ chịu của đất và củi đốt tràn ngập không gian. Tuntu thấy hạnh phúc và hoàn toàn mãn nguyện.
10/04/2013(Xem: 4144)
"Mẹ sẽ không quên mang theo cái cối xay khoai chứ mẹ?" Tôi hỏi qua điện thoại sau khi thông báo với mẹ tôi phải chuẩn bị đi mổ vú. Ngay ở cái tuổi tám mươi hai và một khoảng cách xa ba ngàn dặm, mẹ vẫn biết tôi muốn nói gì: món xúp khoai tây nghiền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]