Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đóa hồng bên hoa trắng

25/08/201510:41(Xem: 5332)
Đóa hồng bên hoa trắng

hoa_hong (10)

ĐÓA HỒNG BÊN HOA TRẮNG 

Huyền Lam

 
Trong phòng cách ly dành cho người sắp từ giã cõi đời, người phụ nữ tuổi gần 60 nằm bất động.  Điều duy nhất cho biết bà còn sống là màn hình máy y khoa biểu hiện nhịp tim đập rất chậm.  Bà nằm đó, biết đứa con trai duy nhất từ tiểu bang xa đang bay về, bà muốn dồn hết nguồn sinh lực còn lại mỉm cười với nó lần cuối trước khi vĩnh viễn rời xa thế giới này.

***

Ba mươi năm trước,  buổi sáng sớm chị Du trên chiếc thuyền định mệnh đi vào vịnh Thái Lan bị lốc xoáy lật ngang giữa biển.  Cũng may chị biết bơi, trong lúc vẫy vùng dưới nước chị, vơ được chiếc can nhựa lớn dùng để chứa dầu.  Ngụp lặn sặc sụa  giữa từng đợt sóng đánh qua đầu, trong cơn khủng hoảng tột cùng, chị cảm được đôi tay nhỏ ôm cứng cổ mình.  Tấm thân bé bỏng đang nằm trên lưng chị run từng cơn.  Nó cũng giống chị trong giây phút kinh hãi, bấu víu vào mọi vật để sống còn.    Bỗng nhiên đứa bé kêu khóc:

- Mẹ..mẹ!

- Là trai!   Chi Du nhủ thầm.

Sợ bé mỏi tay buông chìm dưới biển, chị vuốt nhẹ cánh tay nó ra chiều vỗ về.  Một tay ôm cứng thùng dầu, một tay chị khó khăn gỡ đứa bé, kéo mạnh nó tuột khỏi cổ, chuyển ra phía trước, để đầu  nằm trên bờ vai mình, ôm quanh ấp ủ.

 - Bé nhỏ quá, chắc chỉ hơn một tuổi!

Gió rít mạnh từng cơn, bắn những hạt mưa vào mặt vào thân, rát cả thịt da.  Sóng đưa lên, nhồi xuống, xô đẩy thùng dầu tứ phía.  Cả hai sinh linh ngộp nước ho sặc sụa, nhắm nghiền mắt, mặc thiên nhiên chơi trò vận mệnh.  Ở nơi đây trí tuệ, địa vị, quyền lực, tiền tài đều không còn giá trị.  Niềm tin vào đấng thiêng liêng là bảo bối duy nhất còn lại cho chị Du toàn tâm gởi đến, chị niệm thầm:

-     Nam mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ba mươi  phút sau, cơn giông trôi qua, sóng dịu đi, chị Du phần nào bình tâm trở lại.  Giữa trời nước bao la sóng đã  đẩy xa nhấn chìm tất cả, mất dấu vết con người.   Không biết đã trôi bao lâu, khi ánh nắng xế chiều, chị thấy xa xa dưới đường chân trời dáng con tàu mỗi lúc một lớn lên.   Chẳng mấy chốc con tàu chở hàng khổng lồ sừng sững trước mặt.  Chị muốn đưa tay vẫy gọi cầu cứu, nhưng sợ tuột mất thằng bé giữa sóng nước chập chùng.  Con tàu lững thững lướt qua, chị ngoái nhìn ánh mắt tha thiết van lơn, mong sao có người thấy chị trong lòng đại dương mênh mông.  Bỗng nhiên nó dừng lại ở khoảng cách khá xa, ít phút sau thủy thủ tàu hàng thả chiếc xuồng nhỏ chạy về hướng chị.  
Người thủy thủ mặc áo phao nhảy xuống nước, móc giây an toàn để đem đứa bé lên trước. Nó hoảng hốt nhìn chị khóc gào lên: 

- Mẹ, Mẹ..!

Đến phiên chị được kéo lên, người thủy thủ giao bé trai đang khóc gào cho chị ẩm.  Chị ôm vào lòng.  Nó ôm chặt lấy chị mừng rỡ, ép đầu vào ngực, gọi ngọt ngào: 

- Mẹ!

Chị Du ràn rụa nước mắt giữa ngổn ngang xúc cảm.  Phần mừng được cứu sống, phần rung cảm mối tình thiêng liêng ấm áp chợt đến mà chị đang ôm ấp vào lòng.  Chị biết định mệnh đã gắn mình với đứa bé.

Khi làm thủ tục định cư tại nước ngoài, chị đặt tên Minh lấy họ Nguyễn của chị cho đứa bé.  Chị khai thật hoàn cảnh với cơ quan di trú và các cơ quan tìm kiếm thân nhân, ngoài ra không cho ai biết vì sợ ảnh hưởng đến tâm sinh lý đứa nhỏ. Khi ở trại tạm trú Mã Lai chờ ngày định cư tại Hoa Kỳ, người đồng hương đều nghĩ họ là hai mẹ con ruột vì thấy chị và bé Minh gắn bó hết sức thắm thiết.  Nhận bé Minh làm con, chị Du biết cuộc đời thanh xuân độc thân sẽ khó vẹn toàn.  Tuy nhiên, kể từ giây phút đứa bé ôm cứng chị giữa làn ranh sống chết, chị đã xem nó như phần máu mủ thiêng liêng không thể cắt rời.

Giống như hầu hết người Việt đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1980, cuộc sống chị Du khá vất vả trong những năm đầu dù Bộ Xã Hội có trợ giúp phần nào cho gia đình mẹ "góa" con côi.   Chị làm đủ việc từ hái dâu, rửa chén nhà hàng nuôi bé Minh lớn theo năm tháng.  Khi bé Minh đến tuổi vào mẫu giáo, ngày đầu dẫn con đi học, bé ôm chị hôn lấy hôn để vào hai gò má, xin được ở nhà cho mẹ khỏi buồn.  Chi Du nghe vừa buồn cười vừa cảm động.  
Năm bé Minh lên 6 tuổi, chị Du cho bé gia nhập Gia Đình Phật Tử tại ngôi chùa vừa được thành lập nơi thành phố chị cư ngụ.  Tại đây vào mỗi chủ nhật, bên cạnh học làm người tốt theo lời dạy của Đức Phật, bé Minh được học tiếng Việt, học văn hóa Việt.  

Bé Minh là niềm hạnh phúc lớn cho chị Du trên đất khách quê người.  Dù không sinh ra bé Minh nhưng tình thương chị dành cho bé không khác tình mẹ dành cho đứa con ruột thịt.  Niềm hy vọng tìm được ba mẹ ruột cho bé Minh cũng chìm theo năm tháng.  Dù đăng ký khắp nơi nhưng không cơ quan nào tìm được tin tức người sống sót trên con thuyền định mệnh.  Minh do quá bé nên không còn ký ức chuyến đi khắc nghiệt.  Nó chỉ biết chi Du là người mẹ cho nó tình thương vô bờ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, thức trắng đêm khi sốt bệnh. 

Năm Minh lên 10 tuổi, sau buổi tiệc sinh nhật chị tổ chức hằng năm cho con được vài hôm, một chiều tối chị kêu con ra ngồi bênh cạnh, ôm con dựa sát vào người như những khi chuyện trò cùng con. Chị Du xoa nhẹ, mân mê bàn tay Minh một lúc lâu, trìu mến tâm sự:

-     Minh ơi! con cũng đủ lớn, vì rất thương con nên mẹ cho biết chuyện này.  Chuyện sẽ làm con sốc, nhưng con phải can đảm, bình tĩnh lắng nghe.  Bây giờ con tập thở nhẹ và sâu như mỗi Chủ nhật ngồi thiền ở chùa. 

Sau vài phút tĩnh lặng, chị Du chậm rãi:

-     Mẹ không phải là người sinh ra con…. Mẹ không biết trước đây con tên gì, sinh ngày nào...Mẹ...

Ngồi nghe chị Du kể, Minh bàng hoàng chấn động, lặng im không lời,  nước mắt ướt đẵm, choàng tay ôm bờ vai gầy,  áp má vào mẹ.  Chị Du cảm được những giọt nước nóng hổi từ gò má thằng bé lăn nhẹ... 

Đêm ấy Minh lăn qua trở lại, trằn trọc không ngủ.  Đã từ lâu Minh biết gia cảnh khác thường vì vắng bóng người cha.   Mỗi lần hỏi, chi Du luôn trả lời Minh có cha nhưng mai mốt lớn sẽ cho biết thêm.  Điều Minh không ngờ chị Du không phải mẹ ruột nhưng sao thương nó quá đỗi.  Gần sáng, Minh chạy qua phòng mẹ, chui vào chăn ôm lưng mẹ như bao lần. 

Minh sụt sùi:   -Tội nghiệp ba mẹ ruột.  Con thương mẹ rất nhiều, con chỉ biết có mẹ. 

-      Chị Du trở mình, cả đêm chị  lo cho thằng bé cũng không ngủ, xoay người lại, mân mê gò má ướt của con:

-  Mẹ cũng chỉ biết có con, nhưng muốn con biết rõ hoàn cảnh, biết gốc gác của mình vì đó là nền tảng chân thật cho đời sống con sau này.  Mẹ không muốn dấu bất cứ điều gì. 

Ngập ngừng một lúc lâu, chị nói tiếp: 

- Trên bàn thờ có hai bát nhang mẹ thường kêu con thắp. Đó là hai bát nhang để con kính lễ ba mẹ ruột.  Mỗi năm mẹ luôn làm giỗ vào ngày mẹ con mình gặp nhau… Bây giờ con biết rồi thì mỗi lần thắp nhang,  thành kính cầu nguyện ba mẹ đã sinh ra mình, đồng thời cám ơn ba mẹ đã cho mẹ có con trong đời.   Mỗi mùa Vu Lan, con cài thêm hoa trắng nhé.

***

Cộng đồng người Việt thị trấn Roy đều biết đến gia cảnh neo đơn chị Du và rất ngưỡng mộ tình mẫu tử sâu đậm.  Ngoại trừ giờ học giờ làm, họ luôn thấy hai mẹ con như bóng với hình, đi chợ, đi thể thao, xem phim...  Thỉnh thoảng có người hỏi chị về chồng về cha, chị mỉm cười nói khéo: 

- có những chuyện riêng tư chưa tiện chia sẻ được. 

Nhiều người đón mò rằng: Chị bị chồng bỏ hoặc lỡ dại với tên sở khanh nào đó.

Mùa Vu Lan năm ấy tại chùa Hoa Nghiêm, người Việt thị trấn Roy rất ngạc nhiên khi thấy 2 đoá hồng trắng, hồng đỏ trên chiếc áo Lam của Minh khi cậu bé đi theo anh chị trưởng cài hoa hồng cho Phật tử trong khuôn viên chùa.  Đêm trước, chị Du có lên chùa gặp thầy trụ trì, anh chị trưởng để chia sẻ quá khứ với ước mong mọi người đón nhận Minh bình thường, tránh những câu hỏi làm em tủi thân.  Chị muốn công khai từ đây để bé Minh được sống và lớn lên trên nền tảng chân thật vững chắc không một chút hoài nghi.

Cũng như mọi ngôi chùa Việt Nam trong nước hay ngoài nước, ngày Vu Lan bao giờ cũng là ngày hạnh phúc dâng tràn, đầy ấp tình thương yêu.  Thầy trụ trì sau thời kinh có bài thuyết pháp đề cao đạo hiếu, tình mẹ như mọi năm.  Giữa thời pháp, thầy dừng lại kêu Minh đến ngồi bên cạnh mẹ.  Phật tử đang ngồi nghe, lấy làm lạ,  dõi mắt nhìn theo. 

Thầy trụ trì trìu mến nhìn hai mẹ con một lúc lâu, không gian chánh điện lặng im, nhẹ nhàng thầy nói cùng đại chúng:

- Tình mẹ tình cha bao la, cao quý như chúng ta điều biết vì tình ấy là máu mủ huyết thống thiêng liêng.  Thầy có cơ may biết được một chất liệu tình, xin gọi tạm là tình Mẹ Quan Âm, tình này cũng giống như Phật tánh mỗi chúng sanh đều có.  Hơn mười năm nay mẹ con chị Du gắn bó cùng ngôi chùa Hoa Nghiêm này.  Thầy cũng như mọi người đều mến mộ tình cảm mẹ con khắn khít, luôn biểu hiện tình thương sâu đậm cho nhau mà đôi khi cũng hiếm thấy ở đời thường.  Hôm qua, thầy hết sức ngạc nhiên và hết sức cảm động khi biết được lòng người mẹ nuôi dành cho đứa con không máu mủ của  mình mà mấy lâu này thầy tưởng rằng ruột thịt….

Minh ngồi nghe thầy nói, dựa vào người ôm mẹ, dụi môi vào gò má mẹ, thì thầm: 

- con thương yêu mẹ nhất trên trên đời này...

***

Hai mươi năm sau, trong buổi trưa công tác tại tiểu bang xa nhà.  Minh được bệnh viện báo tin mẹ bị tai nạn xe, chấn thương nhiều cơ phận khó qua khỏi đêm nay.  Anh tức tốc bỏ tất cả ra phi trường.  Ngồi trên máy bay, dẫu cố gắng theo dõi hơi thở giữ tâm thanh tịnh, anh cũng không thể kềm được cảm xúc như núi lửa dâng tràn.  Mẹ là suối nguồn yêu thương vô tận, hướng dẫn anh từng bước trong đời.  Mẹ là thế giới, là sự sống của anh, đã cho anh tất cả, hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân để anh hạnh phúc trong tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt.  

Minh bước vào phòng cách ly, thầy và các bác chùa Hoa Nghiêm đang thành tâm niệm Phật A Di Đà.   Bác sĩ trực cho anh biết:   mẹ coi như đã chết, có thể ra đi bất cứ lúc nào.   Biểu đồ trên màn hình theo dõi bệnh nhận, thỉnh thoảng nháy lên yếu ớt.

Minh ngồi xuống bên cạnh bà Du, mọi người đều ra khỏi phòng để anh được tiếp xúc trọn vẹn.  Nhìn thiết tha khuôn mặt mẹ bất động, Hai tay Minh nâng niu, mân miu bàn tay mẹ.  Đưa bàn tay lên môi, anh hôn nhè nhẹ trên những ngón tay nhăn cằn cõi, thì thầm:  

- Mẹ thương yêu ơi! con đã về bên mẹ.

Anh dặn lòng không khóc, mẹ sẽ buồn lắm khi biết anh khóc anh buồn.   Vẫn thiết tha nhìn mẹ, hai bàn tay sưởi ấm bàn tay mẹ, Minh chậm rãi, gởi lòng vào bài hát anh thường hát tại chùa trong mùa Vu Lan báo hiếu:

"Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền.  Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên…Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…"

Trên khuôn mặt bà Du, đôi mắt bỗng nhấp nháy, mỉm cười an lạc.  Màn hình biểu đồ ngưng hẳn.

Huyền Lam

Thương gởi những người mẹ con nuôi - Mùa Vu Lan 2015
Nguồn:  Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam - số 18 - Thu Đông 2015

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/10/2013(Xem: 5109)
Mỗi năm vào dịp lễ Vu Lan thì chúng ta lại được nghe một bài hát thật cảm động là bài "Bông Hồng Cài Áo" của Phạm Thế Mỹ. Bài hát mượn ý từ một đoản văn của thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1962, lúc ông vừa 36 sáu tuổi và đang học về khoa Tôn Giáo Đối Chiếu tại đại học Princeton Hoa Kỳ.
22/09/2013(Xem: 7194)
Mẹ ơi! Mẹ đã vĩnh viễn xa cách chúng con hơn bảy năm rồi. Đêm nay con đi làm về khuya, xe chạy vù vù qua công viên Hoàng Văn Thụ, đường sá tối om, cảnh vật vắng vẻ, gió rít ào ào, mưa bay lả tả
12/09/2013(Xem: 15753)
Khi mẹ con qua đời, vì con bệnh nặng nằm một chỗ nên con đã không về được để tiễn đưa mẹ về chặng cuối cuộc đời. Lòng con bức xúc đau khổ vô ngần, con đã làm bài thơ: “Phương Xa Tiễn Mẹ”
07/09/2013(Xem: 14109)
Chúng sanh tạo hóa mà ra Cũng nhờ cha mẹ cho ta thân này Cuộc đời cũng thật đắng cay Có cha không dưỡng, con không cậy nhờ Thương con vô bến vô bờ
04/09/2013(Xem: 16129)
Những ai còn mẹ còn cha, Hãy nên trân quý khi cha mẹ còn, Nên thường tận tụy trông nom, Báo đền ân nghĩa khi còn tại gia,
30/08/2013(Xem: 19863)
Này em, trong chữ BELIEVE Chữ LIE chen giữa nằm ỳ, thấy không? Chớ tin vội chuyện viển vông Sa vào bóng tối mênh mông, mịt mờ.
30/08/2013(Xem: 13370)
Nếu con có thể dâng lên Biếu cho Mẹ quý Mẹ hiền kim cương Đền bù mỗi giọt lệ vương Mẹ thường than khóc vì thương con mình.
25/08/2013(Xem: 4755)
Trong khi cả nhà còn đang ngủ, bà mẹ nhẹ rời ra khỏi giường, mặc áo khoác vào, rồi xuống bếp sửa soạn phần ăn trưa cho các con.
22/08/2013(Xem: 14729)
Lễ Vu Lan ở các chùa tại thành phố Nha Trang
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]