Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập san Pháp Luân No.5 ( số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu)

08/04/201313:41(Xem: 4608)
Tập san Pháp Luân No.5 ( số đặc biệt Vu Lan Báo Hiếu)
tapsan-5

Tập san Pháp Luân

PL.2548-No.5/ tháng 8 năm Giáp Thân

__

Giới thiệu: Tập san Pháp Luân.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng Tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng các huynh đệ trong và ngoài nước.

Thưa quý vị cư sĩ Phật tử,

Thưa chư vị Thiện tri thức,

Tinh thần “hoằng pháp vị gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” là trách nhiệm chung không chỉ người xuất gia mà ngay cả người tại gia cùng cộng hành xây dựng để góp phần làm cho vườn hoa giác ngộ ngày thêm đơm bông kết trái, tô điểm hương sắc tâm linh ngày một thăng tiến, đem lại nhiều lợi lạc cho cuộc đời.

Theo tinh thần đó, Tăng ni Phật tử trẻ Việt Nam đã và đang theo học tại các trường Phật học, Đại học trong và ngoài nước đã cùng nhau hình thành Tập san Pháp Luân, nhằm làm nơi trao đổi kiến thức cơ bản Phật học, khích lệ tinh thần thế hệ Tăng ni trẻ và Phật tử trau dồi kỹ năng viết lách, tham gia nghiên cứu, củng cố kiến thức Phật học. Qua đó gởi gắm những kiến thức mà mình đã học hỏi được từ các bậc tôn túc, kinh nghiệm tu tập trong đời sống chia sẻ đến mọi người để cùng sách tấn lẫn nhau trên lộ trình đi đến giải thoát.

Vì mục đích như vậy, Ban biên tập TSPL ra đời và đã ra mắt độc giả đến nay được 4 số. Nay xin trân trọng giới thiệu và gởi đến Chư tôn đức, quý vị TSPL số 5 với chuyên đề Vu Lan Báo Hiếu.

Để cho TSPL càng ngày càng khởi sắc hơn từ nội dung cho đến hình thức, BBT rất mong được sự đóng góp bài viết, ý kiến của quý vị, bằng cách gởi thư về đóng góp ý và bài viết cho tập san qua địa chỉ E-mail: [email protected]; hay E-mail: [email protected]

Xin chân thành cảm ơn và kính chúc Chư tôn đức, quý vị mùa Vu-lan an lạc và hạnh phúc.

Trân trọng

BBT. TSPL

Để trở thành người Phật tử tại gia ^

III. BẢN THÂN TA ĐỐI VỚI NHỮNG QUAN HỆ CHUNG QUANH:

Đức Phật dạy người Phật tử không những chỉ sống cho chính bản thân mình thôi, mà còn sống với, và liên hệ với những quan hệ chung quanh mình. Bởi vậy, cho nên Phật tử phải có bổn phận hoàn thành chức năng làm người của mình, từ phạm vi nhỏ hẹp gia đình cho đến phạm vi rộng lớn là cộng đồng xã hội. (Ở đây chúng ta phải hiểu sự quan hệ đó, không những chỉ dành cho người với người mà thôi, mà còn chỉ chung cho mọi sự vật có liên hệ duyên khởi có ích lợi cho chúng ta). Vì sự tồn tại và hạnh phúc của chính ta, chính là sự tồn tại và hạnh phúc của cộng đồng xã hội.

a/ Gia đình:

Vì liên hệ huyết thống máu mủ đắp đổi lẫn nhau và những liên hệ trực tiếp hằng ngày với nhau:

1/ Đối với cha mẹ và con cái:

- Người con phải hoàn thành năm điều kính thuận đối cha mẹ.

a. Cung phụng đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần, không để thiếu thốn.

b. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

c. Không trái điều cha mẹ làm.

d. Không trái điều cha mẹ dạy.

e. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

Đó là năm điều kiện bắt buộc người con phải hoàn thành chức năng làm con và, bổn phận làm người của mình đối với cha mẹ trong một gia đình, nếu gia đình đó muốn có cuộc sống êm ấm đầy ấp hạnh phúc thường xuyên trong nhà.

- Ngược lại, cha mẹ cũng có năm chức năng và bổn phận của mình đối với con cái.

a. Ngăn con đừng để làm ác.

b. Chỉ bày những điều ngay lành.

c. Thương yêu đến tận xương tủy.

d. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.

e. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.

Đức Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ”và ngược lại như trên.

2/ Đối với chồng và vợ cũng phải có năm điều.

- Chồng đối với vợ phải thực hiện đầy đủ năm chức năng làm chồng của mình trong cuộc sống thường ngày đối với vợ:

a. Lấy lễ đối đãi nhau.

b. Oai nghiêm không nghiệt.

c. Cho ăn mặc phải thời.

d. Cho trang sức phải thời.

e. Phó thác việc nhà.

- Ngược lại vợ cũng phải hoàn thành năm chức năng làm vợ của mình đối với chồng:

a. Dậy trước.

b. Ngồi sau.

c. Nói lời hòa nhã.

d. Kính nhường tùy thuận.

e. Đón trước ý chồng.

Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngược lại như trên.

3/ Đối với chủ tớ cũng phải có năm điều.

- Chủ nhà đối với những người giúp việc trong gia đình cũng phải hoàn thành đúng năm chức năng và bổn phận của mình đối với những người giúp việc:

a. Tùy khả năng mà sai sử.

b. Phải thời cho ăn uống.

c. Phải thời thưởng công lao.

d. Thuốc thang khi bệnh.

e. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

- Ngược lại những người giúp việc trong gia đình thì cũng phải hoàn thành đầy đủ năm chức năng và bổn phận của mình để giúp chủ nhà:

a. Dậy sớm.

b. Làm việc chu đáo.

c. Không gian cắp.

d. Làm việc có lớp lang.

e. Bảo tồn danh giá chủ.

Đức Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.

Đó là năm điều kiện cần và đủ để những người thân thuộc cùng sống trong một gia đình, có liên hệ trực tiếp hằng ngày trong một gia đình cần phải có của một gia đình Phật tử chúng ta, nếu gia đình đó muốn có hạnh phúc an vui thường xuyên hiện hữu trong gia đình. Ở đây vừa có liên hệ huyết thống và liên hệ trực tiếp trong một gia đình thuộc phạm vi nhỏ, ngoài ra chúng ta còn có những quan hệ với, thuộc phạm vi gián tiếp, mà gần nhất là bà con quyến thuộc, xa chút nữa là Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn cho đến bạn bè.

b/ Xã hội:

Đây là những quan hệ với xã hội không phải là những quan hệ trực tiếp như trong một gia đình, mà là những quan hệ gián tiếp rộng ra ngoài xã hội, mà một thành viên trong một gia đình, trong một xã hội cộng sinh cần phải có những liên hệ duyên khởi trong cuộc sống này. Qua đó, chúng cũng cần có những điều kiện để điều hòa cuộc sống, trong một trật tự mà mọi thành viên trong xã hội đó tham gia và, cần hoàn thành chức năng làm người đúng nghĩa của nó mới mong mang đến hạnh phúc cho mọi người được. Theo đức Phật mối quan hệ đó phải đặt nền tảng trên những điều kiện như dưới đây chúng tôi sẽ trình bày, đối với mỗi thành viên trong xã hội, và mỗi thành viên phải hoàn thành chức năng bổn phận của mình đối với chính mình trước đã, và sau đó mới đến xã hội, và ngược lại.

1/ Chúng ta đối với bà con và, ngược lại.

- Đối với bà con chúng ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con1:

a. Chu cấp.

b. Nói lời hiền hòa.

c. Giúp đạt mục đích.

d. Đồng lợi2

e. Không khi dối.

- Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại:

a. Che chở cho mình khỏi buông lung.

b. Che chở cho mình khỏi hao tài vì buông lung.

c. Che chở khỏi sự sợ hãi.

d. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.

e. Thường ngợi khen nhau.

Đức Phật dạy:

“Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ” và ngược lại như trên.

2/ Đệ tử (chúng ta) đối với Sư trưởng và, ngược lại.

- Đệ tử cung phụng thờ kính Sư trưởng có năm việc:

a. Hầu hạ cung cấp điều cần.

b. Kính lễ cúng dường.

c. Tôn trọng quý mến.

d. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.

e. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.

Kẻ làm đệ tử cần phải hoàn thành bổn phận cung phụng thờ kín Sư trưởng với năm điều ấy.

- Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:

a. Dạy dỗ có phương pháp.

b. Dạy những điều chưa biết.

c. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.

d. Chỉ cho những bạn lành.

e. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

Đức Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính Sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.”và ngược lai như trên.

3/ Chúng ta đối với hàng Sa-môn, Bà-la-môn, và ngược lại.

- Kẻ đàn việt chúng ta cung phụng cúng dường các hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều:

a. Thân hành từ.

b. Khẩu hành từ.

c. Ý hành từ.

d. Đúng thời cúng thí.

e. Không đóng cửa khước từ.

- Ngược lại, Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy chúng ta theo sáu điều3:

a. Ngăn ngừa chớ để làm ác.

b. Chỉ dạy điều lành.

c. Khuyên dạy với thiện tâm.

d. Cho nghe những điều chưa nghe.

e. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.

g. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.

Đức Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ” và ngượi lại như trên.

Tóm lại, muốn hoàn thành một nam nữ Phật tử chân chánh đúng nghĩa của nó, thì như đức Phật đã dạy, trước hết phải hoàn thành chức năng làm người của chính mỗi người trong chúng ta, kế đến cá nhân chúng ta đối với những thành viên gần nhất là gia đình, và xa hơn nữa là ngoài xã hội, và ngược lại, mỗi người trong xã hội sau khi hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình rồi sau đó mới đối với xã hội, gia đình như người khác đã đối với chính mình. Có như vậy chính bản thân của mỗi người an lạc hạnh phúc thì gia đình xã hội mới an lạc và hạnh phúc được. Nếu cá nhân mỗi thành viên mà không hoàn thành chức năng và bổn phận của chính mình thì sẽ không có bất cứ một xã hội nào được gọi là an lành hạnh phúc cả.

TĐT.

(hết)

Chú thích:

1. Hán: thân tộc ; đoạn trên: thân đảng.

2. Tức bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Pāli: dāna, peyyavajja, atthacariya, samānatta.

3. No. 26. 135: tớ phụng sự theo 9 điều.

PHẬT GIÁO VIỆT NAM SINH HOẠT THỜI MỚI VÀO^

Tâm Phương

1. Giao Chỉ (Chiao Chih)

* Bối cảnh chính trị-xã hội Giao Chỉ

111 BC-39 AD thời Bắc thuộc

Quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện: An Định, Luy Lâu (Liên Lâu), Cú Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Khể Từ, Tây Vu, Long Biên và Chu Diên.

Giao Chỉ (Chiao Chih) từ trước những năm 40 AD là một nước độc lập có chủ quyền, có pháp luật riêng (Luật Việt).

Sau nhà Trưng (40-43) mất, Mã Viện mở cuộc thanh trừng qui mô, chúng càn quét những lãnh tụ kháng chiến Giao Chỉ, vây bắt hơn 300 “cừ soái”, đưa đi đày sang Linh Lăng1(Trung Quốc) tạo nên thế chính trị Giao Chỉ bất ổn. Rồi nhiều người đã tìm đường sống trước những đợt thanh trừng qui mô của chính quyền xâm lược phương Bắc bằng cách cải trang vào chùa, hiện trạng đã tạo nên cao trào “ẩn dương nương Phật” sau thời nhà Trưng. Một Thiều Hoa, một Nàng Xuân, một Bát Nàn, họ là những lãnh tụ Giao Chỉ tiêu biểu cho nhóm người “làm lại cuộc đời trong cửa Phật” để chờ ngày nêu cao cờ nghĩa đấu tranh cho độc lập dân tộc.

Từ sau nhà Trưng đến trước Sĩ Nhiếp đất nước lại rơi vào tình trạng nội thuộc Trung Quốc.

Đến sau khi Hán Linh Đế (168-189) băng hà, các phương loạn lạc, chỉ có Giao Châu tạm yên, “các bậc dị nhân phương Bắc” tìm sang lánh nạn (Mâu Tử, tựa Lý hoặc luận).

Đến thời Sĩ Nhiếp, 20 năm (206-226) tự trị, Giao Chỉ tạm yên ổn bên cạnh thế chiến Tam Quốc, là đất tạm yên cho dân lánh nạn từ phương Bắc đến.

Ngô Chí: “Sĩ phu quận Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lại tùng chính thành công, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận, hơn hai mươi năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, bọn đến trọ ở2đều được nhờ ơn”. Ngô Chí 4 tờ 7b7-11 cho biết: “Nhiếp và anh em đều là anh hùng các quận, đứng đầu một châu, khắp ở muôn dặm, uy tôn vô thượng (...), đương thời quý trọng, chấn phục trăm man, Úy Đà không đủ hơn”.

248 TL, Bà Triệu khởi nghĩa.

280 TL, Khương Tăng Hội mất

2. Ngã đường đạo Phật vào Việt Nam

Đạo Phật vào Việt Nam theo ngã đường nào? Có 7 sử kiện cung cấp thông tin về ngã đường đạo Phật đến Việt Nam.

2.1. Về mặt địa dư.

Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương vốn là nơi giao lưu giữa 2 nền văn minh xưa nhất Châu Á mà cũng có thể là xưa nhất của cả loài người, đó là 2 nền văn minh Ấn-Hoa, do đó đã tiếp nhận ảnh hưởng do từ 2 phía: Ấn Độ và Trung Hoa.

Lại nữa, bán đảo Đông Dương nằm giữa biển Đông và vịnh Bengale, được tạo thành bởi những dãy núi từ Tây Tạng chạy dài về Đông Nam ra đến biển Đông. Ở giữa các giải núi đó là những thung lũng, cũng là nơi phát nguồn của những con sông lớn như sông Mênam tạo thành đồng bằng Thái Lan; sông Mêkông tạo thành các đồng bằng Campuchia và Nam Việt Nam; và sông Hồng, sông Đà tạo thành đồng bằng Bắc Việt Nam. Với một vị trí giao lưu như vậy, Việt Nam đã trở thành chiếc cầu nối liền sự giao lưu giữa Ấn Độ và Trung Hoa, vì thế Việt Nam còn có tên gọi là bán đảo Ấn-Hoa (Indus-Chinos). Ngay từ những thế kỷ đầu trước lịch Tây, đất Giao Chỉ (old Vietnam) vốn:

Là con đường thông sứ giữa Trung Hoa với các hải đảo Nam Thái Bình Dương.

Là cửa ngõ, trạm dừng chân trong quan hệ buôn bán giữa Ấn-Hoa; giữa Ấn-Hoa với các nước La Mã, Hy Lạp. Nói chung là trong quan hệ buôn bán giữa Ấn Độ với Viễn Đông và Địa Trung Hải.

Là “ngã tư các dân tộc và văn minh” (Crossroad of de civilisation=Carrefour despeuples et de civilisation)3.

2.2. Về mặt thời tiết-gió mùa

Ấn Độ là một bán đảo khổng lồ nằm bên bờ vịnh Bengale, Đông Dương cũng là một bán đảo nằm về Đông Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó Giao Chỉ (old Vietnam, là một phần của bán đảo Đông Dương) lại là cửa ngõ đi vào Trung Hoa, do vậy tính chất khí hậu, gió mùa đã trở nên nguyên do chủ yếu quyết định cho tuyến trình giao lưu trên biển giữa Ấn-Hoa; và giữa Ấn-Hoa với các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Như vậy, trên hành trình giao lưu trên biển, các thương nhân Ấn phải theo gió mùa Tây Nam để đi về Viễn Đông, qua Đông Nam Á, Mã Lai, Nam Dương, Phù Nam, Giao Chỉ, v.v... Từ Giao Chỉ họ đi vào Trung Hoa. Khi đến Giao Chỉ họ phải dừng chân đến sang năm, chờ gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ. Trong khi nằm chờ một năm ròng rã đó, đủ thời gian để họ sinh hoạt giao lưu về kinh tế, nông nghiệp, y học, đặc biệt là về tôn giáo với dân bản xứ.

Trong những chuyến đi xa hằng năm với nhiều tháng lênh đênh trên biển cả như thế, cho nên trong mục đích cầu mong cho trời yên biển lặng, những thương gia Ấn Độ vốn có tín ngưỡng Phật, Bồ-tát mà trong đó tín ngưỡng Phật Nhiên Đăng Dipankara và Bồ-tát Quán Thế Âm Avalokitesvara là tiêu biểu của tín ngưỡng thời bấy giờ nên họ đã thờ phụng Phật, Bồ-tát theo đoàn thuyền. Và trong chuyến đi xa như vậy, họ cũng sẵn lòng đón tiếp, thỉnh mời những Danh Đức, Cao Tăng nào có mục đích ‘đi xa giáo hóa’ theo đoàn thuyền với quan niệm được phúc lành cho chuyến đi, được trời yên biển lặng. Chính do vậy, cho nên các bậc Danh Đức, Cao Tăng Phật giáo đã đi về Viễn Đông và “gieo hạt” niềm tin Phật trên vùng đất mới.

2.3. Về mặt biến cố lịch sử.

Đạo Phật truyền rộng ra các nước ngoài cõi Ấn Độ do nhiều nguyên nhân, mà trong đó có 4 điểm nổi bật:

1. Vào giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, đại đế A-dục (Asoka) (273-232) chinh phạt dân Kalinga đến tận bờ biển Đông Ấn, một số dân bản xứ đã phải bỏ quê hương ra đi tìm đường sống, đây là dịp tạo nên đợt di dân ra nước ngoài.

2. Đến những năm đầu công nguyên, người Kushans vào đánh chiếm Ấn Độ, lại tạo nên đợt dời dân tương tợ.

3. Vào những thế kỷ thứ 1 trước và sau Công nguyên, Phật giáo Đại thừa chuyển hướng hưng thịnh. Bấy giờ các trung tâm Phật giáo được thành hình và dần dần trở nên những trung tâm Phật giáo Đại thừa tiêu biểu mà điển hình là các trung tâm Aramavati và Narajunakonda ở miền dọc biển Đông Ấn Độ. Từ các trung tâm nầy đã đào tạo những “nhà truyền giáo” và cung cấp sản phẩm mỹ thuật như: tượng Phật ra các nước Phật giáo khác.

4. Với khuynh hướng “Chúng sanh vô viên thệ nguyện độ” đã khiến những Tăng sĩ Phật giáo Đại thừa Ấn Độ, người mà trên đường giáo hóa đã đem chất liệu Phật truyền rộng đến các cõi xa xăm ngoài ngàn dặm.

Như vậy, đạo Phật được truyền rộng ra các nước là do từ nhiều nguyên nhân mà trong đó các xứ trên đảo biển Nam Thái Bình Dương như Indonexia, xứ Đông Dương v.v... đã được “Ấn Độ hóa” (Hinduization), thì nơi đây chính là vùng đất tốt để những nhà truyền giáo phát triển đạo Phật trên vùng đất mới. Theo ông G. Ferrand trong tạp chí Journal Asiatigue juillet aut 1919 khẳng định thì: “Những bước đầu Ấn Độ hóa v.v... xứ Indonexia phải xảy ra trước Công nguyên”4. Việt Nam cũng nằm trong vòng ảnh hưởng “Ấn Độ hóa” nầy và như vậy Phật giáo cũng đã đến Việt Nam trước Công nguyên.

2.4. Về mặt kinh tế.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu về sự lớn mạnh của Ấn Độ vào những năm đầu kỷ nguyên TL, đó là do mở rộng buôn bán.

Bấy giờ, các đế quốc ở Trung Đông, như La Mã, Hy Lạp đang lớn mạnh, sự phát triển buôn bán rất là phồn thịnh, nhất là có nhu cầu lớn về mặt hàng xa xỉ. Trong khi Ấn Độ vào những thập niên đầu của thế kỷ I TL đã có quan hệ buôn bán với các đế quốc La-Hy và do đó Ấn Độ đã thu vào số vàng rất lớn. Rồi bỗng hoàng đế Vespasien (69-79TL) ra lệnh chấm dứt cuộc chảy máu vàng, do đó Ấn Độ vào thế kỷ đầu TL đã buộc phải hướng về Đông Nam Á và Viễn Đông trong quan hệ buôn bán để tìm số vàng mà mình cần (Sewell sđd). Chính do thế đã chuyển trào lưu “Ấn Độ hóa” hướng về Viễn Đông và Phật giáo cũng theo con đường đó mà được truyền bá và lớn mạnh ở Viễn Đông, trong đó có Giao Chỉ (old Vietnam).

2.5. Về mặt ngôn ngữ.

Trên trục giao lưu Ấn-Hoa, Giao Chỉ là nơi thuận lợi về mặt địa dư, thời tiết, khí hậu, v.v… Bên cạnh đó, sự giao lưu về các mặt: văn hóa, xã hội, ngoại giao, chính trị, nhất là về kinh tế ngày càng phát triển, cho nên trên vùng đất Ấn-Hoa nầy, ngôn ngữ giao tiếp cũng được mở rộng trong cộng đồng xã hội. Nói cách khác, Giao Chỉ là đất duy nhất hội đủ những yếu tố cho một thị trường giao lưu quốc tế, nơi đây con người có khả năng giao tiếp bằng hai thứ tiếng Ấn-Hoa; và bằng hai thứ chữ viết Sanskrit-old Chinese. Mà điều quan trọng hơn cả là Đất nầy có thể tìm người thông dịch dễ dàng cho những nhà truyền giáo.

2.6. Về mặt tìm hiểu tên đất, đồ vật xưa.

Các tài liệu sử Trung Hoa có nói đến những vương quốc nhỏ được “Ấn Độ hóa” nằm rải rác ở các đảo biển Nam Thái Bình Dương như Giava (Ye Tiao-Yavadvipa)5, Xumatra, và ở Nam Dương như: Chợ Hạt Tiêu (Takkala), đảo Long Nảo (Karpuradvipa), đảo Dừa (Narikeladvipa), thị trấn Vàng (Kanakapuri) v.v... Đó là những vùng đất rất tốt cho các cuộc dời dân đến ở, và vì thế, số người Ấn dời chỗ ở ra các đảo biển Đông ngày càng nhiều. Vương quốc Phù Nam (Founan) là vùng đất tiêu biểu trong số đó mà lịch sử dựng nước lại do chính người Bà-la-môn Ấn Độ tên là Kaundinya tạo nên vào thế kỷ thứ I TL6

Ngoài ra, tại nhiều nơi trên vùng đất các vương quốc đó, người ta đã tìm thấy nhiều đồ vật xưa còn lại mang đủ loại hình phong phú, từ trang sức cho đến đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Tại Ấn Độ cũng như ở Phù Nam (Founan), người ta đã tìm được những đồng tiền vàng của đế quốc La Mã. Tại Quảng Nam tìm thấy tượng Phật Đông Dương, là những kỷ vật còn lại đẹp nhất của trường phái điêu khắc thuộc trung tâm Phật giáo Amaravati Ấn Độ7. Những chứng tích điển hình như thế đã cho thấy sự quan hệ giao lưu giữa Ấn-Hoa với La-Hy (La Mã-Hy Lạp); giữa Ấn-Hoa với Viễn Đông. Chính từ cửa ngõ giao lưu buôn bán nầy, đạo Phật Ấn Độ được truyền ra nước ngoài. Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng nầy, vậy Việt Nam tiếp nhận đạo Phật do con đường nào và từ bao giờ?

2.7. Con đường Tơ Lụa (the route silk).

Ngã đường truyền giáo của đạo Phật.

Giới học giả Tây phương điển hình là Prjuluki, Ông cho rằng Phật giáo truyền ra nước ngoài qua con đường buôn bán (trade). Thật vậy, vào những thế kỷ đầu trước cũng như sau Công nguyên, tơ lụa là những mặt hàng thường dùng trong giới mua bán của nhiều nước lớn. Đạo Phật do theo ngã đường mua bán mà được truyền ra các nước ngoài, nên con đường đem giáo lý Phật đến các nơi còn được gọi là “con đường Tơ Lụa”. Nói cách khác: Con đường Tơ Lụa, ngã đường truyền giáo của đạo Phật. Con đường truyền giáo này:

Theo đường biển, phương Nam, đạo Phật đến các nước Tích Lan (Sri Lanka) Miến Điện (Myanma), Thái Lan (Thailand), Java (Diệp Điều Quốc), Nam Dương (Indonexia), Mã Lai (Malayxia), Phù Nam (Founan), Chân Lạp (Campuchia), Chiêm Thành (Chàm-Champa), Giao Chỉ (North Vietnam). Các nước Phật giáo trong ảnh hưởng phương Nam gọi là Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Nam tông.

Theo đường bộ, phương Bắc, đạo Phật đến các nước vùng cao nguyên Trung bộ Châu Á như: Kế Tân, Khương Cư (Sogdiane), Vu Điền, Qui Tư, Sa Lạc, Cao Xương, Đại Nhục Chi, An Tức, Tây Tạng (Tibet) Mông Cổ (Mogolia), Trung Hoa (China), Đại Hàn (Korea), Nhật Bản (Japan), Việt Nam, v.v... Các nước Phật giáo trong ảnh hưởng phương Bắc gọi là Phật giáo Bắc truyền hay Phật giáo Bắc tông. Ngoài ra còn phải ghi nhận một ngã đường khác nữa đó là:

Theo đường thủy-bộ về hướng Tây-Nam, bắt đầu từ Nam Ấn hay Trung Ấn rồi đến Miến Điện, qua Vân Nam, Lào, vào Việt Nam, mà cũng có thể do từ Miến Điện theo sông Mênam, sông Mêkông, qua Thái Lan hay qua Lào rồi vượt Trường Sơn vào Thanh Hóa, Nghệ An, để đến Việt Nam.

Như vậy đã rõ, với 6 sử kiện điển hình trên cho thấy là đạo Phật đến Việt Nam theo 3 ngã đường: thủy, bộ và thủy-bộ. Trong khi đó, Giao Chỉ (old Vietnam) vốn là nơi gặp gỡ giữa hai dòng Phật giáo Nam-Bắc truyền, vì thế, ngay từ rất sớm, đạo Phật đã được “gieo hạt” trên vùng đất nầy. Tuy nhiên trong buổi “bình minh “của Phật giáo Giao Chỉ (Chiao Chih), con đường thủy từ phương Nam đóng vai chủ yếu và lớn mạnh hơn cả so với con đường bộ phương Bắc cũng như so với con đường thủy-bộ Tây-Nam. Đến đây, vấn đề được đặt ra là vùng đất nào của Việt Nam tiếp nhận Phật giáo đầu tiên.

(còn nữa)

TP.

Chú thích:

1. Hậu Hán thư 116 tờ 6a 11

2. “Bọn đến trọ ở” là chỉ cho Sĩ nhân Trung Quốc đến để tỵ nạn, con số lên đến hàng trăm người

3. Nguyeãn Ñaêng Thuïc - Lòch söû tö töôûng Vieät Nam, T.II tr ?

4. Nguyễn Tài Thư chủ biên, Sđd, tr 14

5. Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tr14, 1988

6. Lê Hương - Sử liệu Phù Nam. tr 43-51

7. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T.1, tr 24. 1974


CUỘC ĐỜI và ÁNH ĐẠO của TÔN GIẢ SÀRIPUTTA ^

Trí Lộc

Cuộc đời hoằng pháp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thành công rực rỡ trên xứ Ấn, một quốc gia đa dạng về chủng tộc và dị biệt về tôn giáo, để hôm nay Phật pháp được lưu truyền trên khắp năm châu, sự hoằng pháp vĩ đại ấy luôn có một phần đóng góp không nhỏ của các vị thánh đệ tử của Ngài. Truyền thống của Phật giáo đã bình chọn được mười vị thánh đệ tử lớn nhất, có công trạng hoằng pháp cũng như những năng lực đặc biệt nhất, vượt lên trên hàng ngàn vị thánh đệ tử khác. Đứng đầu trong mười vị thánh ấy là tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất). Đạo Phật là đạo của trí tuệ “Duy tuệ thị nghiệp”, mà tôn giả Sàriputta được xem là đệ tử có trí tuệ bậc nhất trong hàng ngàn bậc thánh đệ tử của đức Phật. Hơn nữa, trong tiền kiếp tôn giả Sàriputta và tôn giả Moggalli Kolita (Mục-kiền-liên) đã được đức Phật Amomadari thọ kí trong tương sẽ là hai vị đệ tử lớn, như hai cánh tay phải và trái của đức Phật Thích Ca (theo Túc sanh truyện). Do vậy, tôn giả Sàriputta luôn được xem là bậc thánh đứng đầu trong hàng đệ tử của đức Phật Thích Ca, là cánh tay phải đắc lực của Ngài.

1. Dòng tộc và sự xuất thế

Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), sinh trưởng tại làng Upatissa, thuộc thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà. Đây là một ngôi làng trù phú, cổ kính tiêu biểu cho những sức sống tâm linh với những đền thờ, tháp miếu uy nghi; trong ấy thờ nhiều vị thần như: Thần Brahma có bốn mặt, thần Nàgà hình rắn khổng lồ, thần Nandì hình bò mộng to lớn, thần Sudra có ngàn mắt và bốn tay, thần Hunuman hình khỉ đen đúa, v.v… Ngoài ra, trong các am động, cội cây lớn còn có rất nhiều vị thần. Cả hàng trăm vị thần cùng ngồi hòa mình trước sự chiêm ngưỡng và thờ cúng của mọi người.

Thân mẫu Ngài tên là Sàri (Xá-lợi), là một thiếu nữ thuộc dòng Bà-la-môn, dung mạo đoan trang, tư chất thông tuệ, rất giỏi về biện luận. Thân phụ Ngài là đại luận sư dòng Bà-la-môn tên Vaganta (Đề-xá), vừa là tộc trưởng của ngôi làng, cũng là trưởng giáo trong hàng Bà-la-môn, tinh thông kinh điển Vệ-đà và các chú thuật, toán số v.v… môn sinh của ông có đến mấy trăm người. Lúc bấy giờ ông đã gần 50 tuổi, mẹ Ngài trẻ tuổi hơn ông nhiều, do phong tục tảo hôn theo luật Manu của Ấn giáo, bà đã về với chồng lúc mới 10 tuổi. Dù đầy đủ danh vọng và quyền uy cũng như sự giàu có, nhưng ông bà luôn u buồn vì chưa có con để nối dõi. Nếu ông có con thì có thể lấy tên làng để đặt tên cho con mình, vì ông là tộc trưởng của làng nên có được sự vinh hạnh ấy, và để kế thừa truyền thống tâm linh cao cả, cũng như gia sản giàu có của mình. Do vậy, trong các buổi lễ tế thần cũng như những thời lễ riêng, vợ chồng ông lúc nào cũng sắm sanh mọi vật phẩm để cúng tế và thành tâm cầu nguyện:

“Kính lạy đức Brahma vô năng thắng! Là linh hồn ti tiểu đầy nhiễm ô và bụi bặm do Ngài sáng tạo ra, con đã dọn sạch bản ngã bằng nước thiêng Soma, bởi trầm tư và thiền định. Con lắng dịu mọi vọng tưởng, chỉ còn một khát khao nối truyền tông hệ. Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ. Con là linh hồn lạc lõng bơ vơ không còn đâu làm điểm tựa trên cuộc đời này. Vậy khát khao ấy là duy nhất và chơn chánh. Kẻ nô lệ của Ngài sẽ mừng vui tri ân Ngài mà làm một ngôi bảo tháp uy nghi và tạc tượng Ngài, trầm hương, trái cây, mâm súc vật, tế lễ quanh năm v.v… để bảo truyền linh phúc đầy ơn phúc của Ngài lan rộng ra bốn châu thiên hạ v.v… Kính lạy đức Brahma tối thượng tôn, Hóa Sanh chủ, Vô Năng thắng! Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ!”.

Cuối cùng thì ước mơ của hai vợ chồng đã đến. Một hôm, sau buổi lễ cầu nguyện, thấy trong mình có những chuyển biến, với những dấu hiệu khác thường, bà Sàri biết trong mình đã thọ thai, bà rất mừng rỡ đến thưa cùng chồng:

“Này thần linh của thiếp! Kẻ nô lệ đã trải qua những khoảnh khắc xuất thần. Một vài linh điển ân triệu từ đấng Tối Cao đã ban xuống, rung động 32 đốt xương sống, rồi tụ sức nóng ở đốt cuối cùng v.v…”

Ông Vaganta hết sức vui mừng, biết rằng điều ước nguyện của mình sắp thành hiện thực, ông tổ chức lễ cúng tế, nguyện cầu nhiều hơn và truyền mở tiệc khoản đãi cả làng.

Bà Sàri vốn là một nữ Bà-la-môn thông thái hiểu biết nhiều, rất giỏi về biện luận. Trước đây, mỗi lần biện luận điều thua cậu em của mình là Câu-hy-la, một đại luận sư nổi tiếng thời ấy, nhưng lạ lùng thay lúc nàng thọ thai, mọi luận giải điều vượt hẳn cậu em. Câu-hy-la đoán biết đứa bé mà người chị mình đang mang trong bụng sẽ là một thiên tài về sau không ai sánh kịp; sợ rằng sau này mình sẽ tranh luận thua đứa cháu mình thì thiên hạ sẽ coi thường; do vậy, ông đã phát nguyện vào tàng kinh các ẩn mình nghiên cứu kinh điển của các học phái, phương pháp biện luận v.v... Ẩn mình gần hai mươi năm, nghiên cứu miệt mài đến nỗi móng tay của ông ta ra thật dài mà không chịu dành thời gian để cắt, vì thế người đương thời còn gọi ông là Trường Trảo Phạm chí (ông Phạm chí có móng tay dài).

Trưởng tộc Vaganta hết sức yêu mến vợ, ông đã cho nhiều nữ tỳ hầu hạ và chăm sóc vợ rất chu đáo trong thời gian nàng mang thai. Ngày tháng dần trôi và ngày mãn nguyệt khai hoa cũng đã đến, nàng Sàri đã sanh hạ một hoàng nam khôi ngô tuấn tú hết sức phi phàm. Sắc diện và dung mạo của bé như một sư tử chúa lông vàng bước ra từ động báu, tên làng là Upatissa đã được dùng để đặt tên cho bé, kết hợp cùng với tên của người mẹ là Sàri, nên tên của hoàng nhi được gọi là đủ là Sàri Upatissa, nhưng tên thường gặp trong kinh tạng là Sàriputta (Xá-lợi-phất), nghĩa là người con trai của bà Xá-lợi.

Không phải vô tình hay ngẫu nhiên, tất cả cũng nhờ vào nhân duyên tiền kiếp, trong lúc cả làng Upatissa đang tổ chức đại lễ ăn mừng sự chào đời của con trai trưởng giáo, tộc trưởng của làng mình, thì tại làng Kolita kế cận, cũng đang tổ chức lễ vui mừng sự chào đời của con trai tộc trưởng làng của họ, và hoàng nhi này cũng được lấy tên làng để đặt tên là Kolita, gọi đủ là Moggalli Kolita (Mục-kiền-liên).

Cảm tạ ân đức thần linh đã ban cho mình một hoàng nam như ý, trưởng giáo Vaganta đã tổ chức nhiều cuộc tế lễ linh đình và mở tiệc thiết đãi dân làng. Về sau, ông còn xây thêm một bảo tháp để cúng tế, đúng như lời nguyện cầu trước kia.

2. Thuở thiếu thời

Thân phụ Ngài là tộc trưởng, là đại luận sư và cũng là trưởng giáo Bà-la-môn, nên ngay từ lúc vừa biết nói, biết chạy; hoàng nam Sàriputta, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục rất chu đáo. Ngoài ra, Ngài còn được thân phụ truyền dạy những câu mật chú, những nghi thức tế lễ, nguyện cầu và Ngài cũng được thân phụ thường dẫn theo để tham dự các khóa lễ. Năm lên sáu tuổi Sàrputta đã được phụ thân mời ba vị thầy uyên bác tại thành Vương-xá về dạy các môn: Ngữ pháp, luận lý, triết học v.v…và các môn học thường thức khác, riêng thân phụ chàng hàng ngày vẫn truyền dạy nhiều môn học, nhất là tế lễ. Mẹ chàng, bà Sàri cũng dạy con nhiều điều, nhưng lại lo sợ tham vọng của chồng mình muốn nhét mọi môn học cho đứa con còn quá nhỏ. Trái lại những điều lo sợ của bà, vốn là thần đồng tu học từ nhiều kiếp, Sàriputta lãnh hội rất mau chóng mọi môn học. Chưa đầy một năm sau, thân phụ của Ngài phải hết sức ngạc nhiên về khả năng tiếp thu cũng như sự thông tuệ của con mình, ông rất hãnh diện tuyên bố rằng: Chỉ cần vài năm nữa thôi thì các vị thầy uyên bác kia sẽ không còn điều gì để dạy cho con ta nữa!

Năm lên 8 tuổi, một sự kiện hy hữu đã xảy ra. Thời ấy trong nước Ma-kiệt-đà có hai anh em trưỡng giả, em tên là Cát-lợi, người anh là A-già-la mở tiệc đãi đằng vua quan và các luận sư, đồng thời tổ chức buổi tranh luận về các môn triết học, khoa học, số luận học, kinh điển v.v… Trong hội trường tranh luận, có thiết kế một ghế cao để dành cho vị luận sư nào giỏi nhất, tranh luận thắng thì được ngồi lên đó. Trong buổi lễ ấy cha chàng cũng được mời đến, và người con yêu quý của mình cũng được dẫn theo, khi buổi lễ bắt đầu mọi người ngồi theo vị trí đã được sắp sẵn, chỉ riêng mình Ngài chạy đến chỗ ngồi cao nhất dành sẵn cho người tranh luận giỏi nhất, mọi người đều kinh ngạc, cho là chú bé nghịch ngợm, vô phép, chưa biết gì, nhưng bằng tài thông minh ứng xử của mình, Sàriputta đã làm đẹp lòng mọi quần thần và các luận sư, buổi hội thảo tranh luận vô tình đã trở nên hấp dẫn mọi vấn đề hầu như đều dồn về phía cậu bé, mọi câu hỏi trên mọi lãnh vực được đưa ra, Sàriputta đã trả lời khúc chiết, nghĩa lý thích hợp, mọi vấn đề đều thông suốt giống như những câu trả lời của một đại luận sư nổi danh nhất, toàn thể cử tọa trong buổi hội thảo tranh luận đều kinh ngạc, và họ đều cho rằng cậu bé Sàriputta xứng đáng được ngồi vào ghế danh dự cao cả ấy. Các luận sư đều khâm phục, cha chàng rất hãnh diện và cũng tự nhận thấy rằng tài trí của mình không bằng cậu con yêu, đặc biệt là quốc vương xứ Ma-kiệt-đà rất đẹp lòng và cảm mến tặng luôn một thôn trang cho Sàriputta. Tuổi ấu thơ của Sàriputta đã nổi danh vang lừng như vậy, và cũng kỳ lạ thay bé Kolita ở làng bên cũng nổi danh về thông tuệ.

Gia đình của Sàriputta và gia đình của Kolita có sự giao hảo thân mật từ bảy đời, nên hai trẻ được bố mẹ tạo cho nhiều cơ hội cho hai trẻ gặp nhau cùng vui chơi và sinh hoạt một cách rất hòa thuận và vui vẻ. Có một điều đặc biệt là tự thân Kolita và Sàriputta gọi nhau là huynh đệ, Sàriputta là huynh và Kolita là đệ không cần ai chỉ dạy. Năm lên 12 tuổi, Sàriputta càng nổi tiếng thêm, các môn học về số học tự nhiên học, địa lý, chiêm tinh, triết học v.v… được nhiều vị thầy uyên bác do cha chàng mời thêm tiếp tục truyền trao, trí tuệ của trẻ Sàriputta được các bậc thầy công nhận như là đại dương dung chứa hàng trăm con sông kiến thức, bao nhiêu kiến thức đều được tiếp thu không bao giờ có dấu hiệu tràn đầy. Hạnh phúc càng nhân đôi khi mà vợ Ông, bà Sàri các năm sau lại sanh thêm nhiều người con nữa.

Năm lên 15 tuổi, đúng như lời thân phụ chàng dự tính, các vị thầy uyên bác đã gặp ông và nói rằng: “Thưa trưởng giáo, sở học và chữ nghĩa của chúng tôi thì có hạn mà sự thông minh và lòng ham hiểu biết của công tử thì vô hạn. Chúng tôi, mỗi người chỉ làm thầy công tử một môn học, công tử hiện nay có khả năng làm thầy chúng tôi nhiều môn học khác”. Và tất cả các vị thầy xin được rút lui. Cũng ở tuổi này Sàriputta đã có xung quanh mình cả trăm đồ chúng theo học.

Những năm 17, 18 tuổi chàng chuyên sâu vào nghiên cứu về kinh điển Vệ-đà, đây là kinh điển truyền thống mà dòng dõi Bà-la-môn phải thừa kế. Với trí thông minh và sự hiểu biết của mình, chàng suy tư sâu sắc trên mọi khía cạnh của hệ thống kinh, nhưng kinh này lại tổng hợp nhiều tri thức phức tạp đa dạng phong phú và đôi khi lại có nhiều mâu thuẫn nhau, chàng không sao giải đáp và hiểu tất cả được. Truyền thống của kinh này lại chỉ cho phép ghi nhận hoặc học thuộc và không được hoài nghi. Những suy tư và thắc mắc của Sàriputta ngày càng sâu lắng, không bao giờ chàng dám tự mãn hay tự cao mà luôn suy tư, khiêm tốn vì biết rằng còn rất nhiều điều mà mình chưa biết được, những bài thánh ca, tán tụng, cầu khẩn, tế lễ, thần chú, mà truyền thống Bà-la-môn cho rằng sẽ đưa đến Phạm thiên tối cao hằng hữu, siêu thế v.v… cũng chưa đem đến một ánh sáng nào cho mình, bóng tối về sự hoài nghi đã bắt đầu xuất hiện trong tâm chàng.

Đến tuổi 18, Chàng đã có phong độ và tư cách của một đạo sư lỗi lạc. Cha chàng đã giao tất cả những sự tế lễ cũng như những môn sinh của ông cho chàng đảm trách. Tuy nhiên những phút giây đơn độc, suy tư một mình, hay những khi dạo một mình chàng vẫn có những u hoài, những thắc mắc nan giải trong lòng.

(còn nữa)

Vu Lan: Lẽ sống, Tình người^

Thích Đồng Thành

Có những chiều thu nhặt lá vàng,

Nghe lòng tràn ngập nỗi miên man,

Chạnh nhớ ân sâu tình man mát,

Ôi lòng mẹ đó cứ thênh thang.

Mỗi khi những làn gió thu dịu mát trở về, trời đất nhuốm màu quan san, nhìn từng chiếc lá vàng đơn độc đang cuộn vào hư không mênh mông vô tận, nghe tiếng rỉ rích của những giọt mưa ngâu bên bờ sông xa vắng, có lẽ, trong chúng ta, ai cũng cảm thấy cõi lòng mình dấy lên một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến kỳ lạ. Bâng khuâng bởi giữa vũ trụ bao la kia, thân phận mình sao quá bé nhỏ, tầm thường và mong manh; xao xuyến vì trong cõi cảnh túy sanh mộng tử này đời mình vẫn còn diễm phúc được sinh ra và lớn khôn trong bầu trời tình thương hiền hòa và trong mát của cha và mẹ.

Từ thuở còn nằm trong nôi, con thơ đã biết đến quê hương qua những lời ru ngọt ngào và tha thiết của mẹ. Những lời ru ấy tuy dung dị, nhưng đã gieo vào tâm hồn con thơ những ý niệm thật đẹp, thật đáng yêu về tình người và lẽ sống, nhen nhúm trong con hoài bão vào và hy vọng bình dị mà thiêng liêng, lắng sâu mà tha thiết. Trải qua bao năm tháng của đời mình, con thơ mới dần thấu hiểu được gì là quê hương, đâu là tình mẹ:

Quê nghèo có mái tranh xiêu,

Có con đò nhỏ sớm chiều đón đưa,

Có hoa cau, có bóng dừa,

Có người mẹ đã bạc phơ mái đầu.

Mẹ và quê hương, hai tên gọi dường như cách biệt ấy đã quyện vào nhau để nâng niu, nuôi dưỡng và đưa lối con thơ vào một thế giới kỳ hoa dị thảo. Quê hương có nắng sớm mai của trời xuân, có tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè, có đàn cò thẳng cánh trên đồng lúa xanh, có những đêm trăng rằm thanh bình, êm ả v.v… tất cả những nét kiêu kì đó của tạo hóa sẽ trở nên vô vị, xa lạ nếu như nơi ấy thiếu đi hình bóng thân thương và lời ru ngọt ngào của mẹ.

Vào những ngày đông rét mướt, mẹ chống chọi với cái buốt giá của đất trời để con mình được ấm êm trong chăn gối. Những lúc gió xuân đến, dù thiếu thốn trăm bề, mái tranh nghèo hãy còn siêu vẹo, mẹ vẫn cố xoay sở cho con được chiếc áo mới để con không cảm thấy tủi thân với chúng bạn xung quanh. Mẹ yếu đi để con vạm vỡ, mẹ già đi để con khôn lớn. Từ khoảnh khắc tinh mơ cho đến đêm khuya tĩnh mịch, suốt bốn mùa luân chuyển của đất trời, mẹ dãi dầu trong nắng mưa, nhẫn chịu trong gian khó, dành cả tuổi thanh xuân, hy sinh trọn đời mình để đổi lấy một thứ rất tầm thường trong cuộc sống: nụ cười của con. Nụ cười ấy là niềm vui của mẹ, một niềm vui thật bình dị nhưng cao quý biết bao.

Có lẽ chính nét cao thượng của tình thương đó mà hình tượng người mẹ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong nhiều nền văn hóa của loài người và hiếu hạnh được xem là một trong những đức tính cao đẹp nhất để thẩm định nhân cách mỗi người, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông.

Truyền thống cổ xưa của Ấn Độ cho rằng một vị thầy tâm linh bằng mười vị thầy thế tục, một người cha bằng một trăm vị thầy tâm linh, nhưng một người mẹ thì bằng một ngàn người cha, người nào đền đáp được công ơn của cha mẹ chính là người cao thượng trên đời này. A-dục vương, vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử cổ đại Ấn Độ đã từng sắc chỉ cho khắc những lời giáo huấn của đức Phật cho những thanh niên Licchavi trên tấm bia Brahmagiri như sau: “Mẹ, cha và các vị thầy cần phải được chăm sóc chu đáo, lòng từ bi phải được ban trải đến khắp chúng sanh, chân lý phải được tuyên thuyết rộng rãi cho mọi người… đây là những phẩm tính tự nhiên tự ngàn xưa, chúng là cho cuộc sống được trường cửu và mọi người cần phải kính cẩn tôn thờ.” Đạo lý thờ cha kính mẹ vốn đã là một nguyên lý sống rất thực, rất gần gũi với những trái tim nơi xứ sở văn hóa lâu đời ấy.

Đối với người Trung Quốc, hiếu hạnh được xem là một đức tính cụ thể nhất để đánh giá nhân cách của một con người. Họ trân trọng Hiếu kinh, họ ngưỡng mộ những tấm gương hiếu hạnh. Bàng bạc trong văn chương trí thức hay bình dân, chúng ta thấy tấm gương một Vương Tường vùi mình trong băng lạnh để hơi nóng làm tan băng hầu bắt cá đem về nuôi mẹ, một Ngô Mãnh chỉ mới tám tuổi ngủ không mặc áo, chịu bị muỗi đốt để cha mẹ được ngủ yên…Khổng Tử thì không ngớt lời khen ngợi những người chí hiếu, Mạnh Tử thì luôn nhắc đến mẹ trong nỗi niềm khôn khuây. Ngài Tông Mật, vị tổ thứ năm của Hoa Nghiêm tông trong Phật giáo Trung Quốc đã từng viết rằng: “Từ thuở hỗn mang của vũ trụ cho đến ngày nay, có một nhân tố thấm nhuần cả đất trời, hợp nhất người và thần, nối liền giữa kẻ cao sang và người nghèo khó, được hàng tín đồ Khổng, Thích tôn sùng, nhân tố ấy không gì khác hơn là đạo hiếu.

Con người sinh ra trong cõi đời này không thể chỉ biết sống với bản năng, dục tính hay chạy theo một tham vọng viễn vông, xa lạ nào đó để rồi đời mình bị chôn vùi trong lo sợ, khao khát và khổ đau. Sự cao thượng hay thấp hèn của mỗi người đều tùy thuộc vào nhân cách, phẩm hạnh của người ấy. Nhân cách hay phẩm hạnh ấy được hiệp thành không chỉ từ mỗi hành vi, lời nói mà ngay cả từ những ý niệm vi tế trong tâm thức của họ. Sống là phải hiểu đạo lý, là phải biết vươn lên theo ánh sáng chân lý của cuộc đời. Cha mẹ là hiện thân của lẽ sống, của tình thương, là một nguồn hạnh phúc cao quý nhất trên thế gian này. Thờ ơ với cha mẹ, chúng ta đã vô tình bị vuột mất khỏi tầm tay một cơ hội hy hữu, quí giá mà sau này ta sẽ không tìm được ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ lúc nào trên trần gian này. Mỗi giây phút, mỗi sát na của thời gian cứ thoáng qua thật mau, lắm lúc con tỉnh ngộ lại thì hỡi ôi đã quá muộn màng, còn đâu nữa lẽ sống và tình đời, còn chi nữa hạnh phúc và thương yêu. Bài thơ quạ hiền mất mẹ đã phần nào diễn tả nỗi niềm thống thiết của người con khi mẹ qua đời:

Từ ô thất mẫu,

Á á hổ ai âm,

Triêu dạ bất phi khứ,

Chung niên thủ khố lâm…

Tích hữu Ngô Khởi giả,

Mẫu một tang bất lâm,

Ta tai tư đồ bối,

Kỳ tâm bất như cầm.

Quạ hiền bị mất mẹ, tiếng kêu thật thảm thiết bi ai, suốt ngày chẳng chịu bay đi và trọn năm quanh quẩn trong rừng cũ, nơi mà mẹ mình ngày xưa thường sống… Xưa có một người tên Ngô Khởi, mẹ mất nhưng chẳng chịu về thọ tang, thương thay cho bọn người như thế, tâm họ đâu bằng tấm lòng của loài cầm thú nơi rừng sâu. Xem thế cũng đủ để biết rằng tình mẫu tử là một thứ tình thật thiêng liêng luôn âm ỉ trong từng nguồn mạch cơ thể của vạn triệu sinh linh trên trần gian này.

Trong đạo Phật, hình tượng người mẹ luôn là biểu tượng tỏa sáng của tâm nguyện, nhân cách và sự hy sinh. Tình thương của mẹ gồm thâu cả bốn loại tâm vô lượng từ, bi, hỉ và xả. Khi biết mình thọ thai, người mẹ cảm nhận niềm vui của tâm từ. Dầu chưa hình dung được hình dáng con mình, mẹ vẫn luôn muốn bảo bọc, nâng niu con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, một tình thương con dấy lên trong lòng mẹ, mẹ muốn xoa dịu và chia sẻ nỗi đau của con. Lúc con bắt đầu biết bò, biết đi, biết cười, biết nói, mẹ cùng hoan hỉ với niềm vui của con. Khi con lớn lên, tiếp xúc với cuộc đời, ra đi theo ước vọng riêng, mẹ nâng cánh con bay vào cuộc đời, không ôm giữ con cho riêng mình.

Tình thương của mẹ như thế không bao giờ làm tổn thương mà trái lại còn bồi đắp cho tâm hồn và thể xác của con. Vào mùa hạ, có những cơn mưa rào ào ạt đổ về làm cho mặt đất tinh khôi kia bị xói mòn, loang lổ, cuốn trôi những lớp phù sa màu mỡ trong lòng đất. Tình thương của mẹ không ào ạt, hồ hởi như những cơn mưa rào kia mà trái lại nó giống như cơn mưa râm âm thầm, rỉ rích, thấm sâu vào lòng đất, vào từng tế bào, từng mạch máu của con, xoa dịu những niềm ray rức của đời con, mang đến cho con một niềm tin về lẽ sống cuộc đời.

Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những vị thầy đầu tiên và cũng cao cả như Phạm Thiên, vị thần cao tột nhất trong huyền thoại Ấn Độ, do vậy người con phải luôn tưởng nhớ đến những thâm ân cao cả của cha mẹ mình. Văn học Phật giáo có kể lại rằng vì cảm niệm thâm ân của mẹ, đức Phật đã đến cung trời Đao Lợi, nơi mẹ mình thác sanh sau khi lìa đời, để giảng pháp cho mẹ. Ngài cũng giảng pháp cho cha, giúp phụ vương liễu ngộ chân lý để thoát khỏi vòng luân hồi.

Theo Phật giáo, trên đời này có ba loại người con, đó là: người con kém hơn cha mẹ về mọi mặt (Avajata); những người con có cùng khả năng như cha mẹ (Anujata); và những người con siêu việt cha mẹ mình (Atijata). Nếu người con biết sống hướng thượng, vượt hẳn những khả năng của cha mẹ thì đó là một niềm tự hào cho gia đình, bằng không người con phải cố noi gương cha mẹ chứ đừng bao giờ có điều gì yếu kém hơn cha mẹ vì đó là một điều tủi hổ cho mình và gia đình mình.

Người con phải biết ơn cha mẹ mình, phải chăm sóc họ thật chu đáo. Nếu cha mẹ có làm gì sai, con cái phải giúp cha mẹ từ bỏ những tà nghiệp đó, phải khuyến hóa cha mẹ làm các việc lành. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì con phải làm sao để gieo niềm tin chân chánh trong lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ vô luân, người con phải khuyên cha mẹ sống theo luân lý đạo đức. Nếu cha mẹ không được học hỏi những lời giáo huấn quí báu thì người con phải tạo điều kiện cho cha mẹ. Nếu cha mẹ không rộng lượng, người con phải khuyên họ độ lượng. Nếu cha mẹ không hành thiền để tăng trưởng tuệ giác thì người con phải khuyến khích họ hành thiền. Nếu cha mẹ đang theo con đường thuần thiện thì người con phải theo gương họ. Làm được như vậy, người con đã báo ân cha mẹ mình một cách ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật thường khen ngợi những người biết ơn và biết báo ơn một cách chân chính. Ngài dạy rằng người biết ơn là hạng người hy hữu trong đời này: “Này các Tỳ-kheo, sự xuất hiện của ba hạng người trên thế gian này thật là hy hữu. Những gì là ba? Sự xuất hiện của đức Như Lai, bậc A La Hán, bậc Chánh Đẳng Giác trên thế gian này thật là hy hữu; cũng vậy, người có thể tuyên thuyết pháp và luật mà đức Như Lai đã dạy; và người luôn chánh niệm, biết ơn thì thật là hy hữu trên thế gian này.”Ngài còn dạy rằng một người cao thượng là người biết ơn và luôn ghi nhớ công ơn mà mình đã nhận từ người khác. Biết ơn và chánh niệm là những đặc điểm của một người cao thượng.

Trong hàng đệ tử của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất là một người con hiếu trí kiêm toàn. Khi biết thọ mạng của mình không còn bao lâu nữa, Tôn giả liền xin phép đức Phật được trở về thăm lại và nhập diệt tại quê nhà. Từ lâu mẹ Ngài vẫn còn tin theo Bà-la-môn giáo, dù gia sản đồ sộ, bà vẫn không quen thực hành hạnh bố thí, cúng dường và tu tập theo chánh đạo. Khi trở về quê, Tôn giả thị hiện bệnh tật, Đế Thích và các thiên chúng khác đến vấn an, mong được hầu hạ, nhưng Tôn giả từ chối vì rằng xung quanh Ngài đã có nhiều pháp hữu chăm lo. Sau khi chư thiên từ giã Tôn giả, bà Xá-lợi liền vào hỏi thăm và được biết rằng trong số chư thiên đó có cả người mà mình đang tôn thờ: trời Đế Thích - một chúng sanh đang còn trầm luân, trí tuệ và đạo lực kém xa con mình. Bà vô cùng bất ngờ và sự kiện đó đã chuyển hướng cuộc đời của bà theo Chánh pháp.

Hạnh hiếu là thánh hạnh của tôn giả Xá Lợi Phất, là Bồ-tát hạnh của Bà-la-môn nữ-tiền thân của đức Địa Tạng Vương (Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), là Phật hạnh của Thiểm Tử- tiền thân của đức Phật Thích Ca (Kinh Bổn Sanh, Phật Thuyết Bồ Tát Thiểm Tử Kinh).

Gương hiếu của Thiểm Tử được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Quốc và là một mẫu chuyện rất cảm động về đạo hiếu. Nội dung mẫu chuyện ấy như sau:

Có một vị Bồ-tát du hóa trong nhân gian, Ngài gặp một đôi vợ chồng già nua, mù loà và không có con cái. Cả hai vợ chồng đều có ước nguyện vào rừng núi để sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã, dành thời gian còn lại trong đời mình để tu niệm thân tâm. Vì sợ rằng đôi vợ chồng già ấy sẽ gặp bất trắc trong rừng sâu nên Bồ-tát bèn tái sanh trong gia đình ấy để chăm sóc cho họ. Khi sanh được một cậu con trai, hai vợ chồng vô cùng sung sướng và đặt tên con là Thiểm Tử. Lớn lên Thiểm Tử rất mực ngoan hiền và chăm sóc cha mẹ mình thật chu đáo. Năm tháng trôi qua, cha mẹ của Thiểm Tử đã quên đi ý nguyện ban đầu. Một hôm Thiểm Tử nhắc lại cho cha mình ước muốn ngày xưa và chàng hứa rằng sẽ hầu hạ cha mẹ chu đáo nếu họ thích vào rừng sâu. Nghe lời hứa của con, đôi vợ chồng bèn bán tất cả gia sản và cùng vào chốn thâm sơn. Tại nơi trú ẩn mới, Thiểm Tử cất một gian nhà tranh, giăng giây khắp nơi để hướng dẫn lối đi cho cha mẹ và vẫn chăm sóc song thân một cách chu đáo như thuở trước. Gia đình Thiểm Tử sống chung với muông thú xung quanh, làm bạn chim chóc của núi rừng.

Khi mùa xuân đến, mỗi lần đến hồ lấy nước, Thiểm Tử thường choàng áo da hươu vì chàng không muốn làm khuynh động các loài thú bên hồ. Sáng hôm đó, quốc vương xứ ấy đi săn trong khu rừng nơi Thiểm Tử đang sống. Thấy một đàn hươu bên hồ, nhà vua bèn vội vàng giương cung, một con hươu gục ngã bên dòng nước. Nhà vua vui mừng thúc ngựa đến bên hồ nước, nhưng đau xót thay con vật bị trọng thương kia lại là Thiểm Tử. Nhà vua sửng sốt và hỏi Thiểm Tử vì sao lại mặc áo da hươu. Thiểm Tử thuật lại mọi chuyện và nói rằng suốt bao năm qua, chưa có một con thú nào làm hại đến mình mà giờ đây, chàng lại trúng tên độc của một đồng loại. Nếu chàng chết đi thì cha mẹ cũng không thể sống được vì không ai chăm sóc cho họ. Trong lúc cái chết đang đến gần người con đức hạnh và hiếu thảo, dông tố và mưa gió ào ạt nổi lên khắp nơi, chim muông đều kêu la thảm thiết. Nhà vua vô cùng lo sợ và hối hận rằng vì một chút vui thú, mình đã hại đến một người con hiếm thấy. Song Thiểm Tử tâu với vua rằng đây là nghiệp quả của mình chứ không phải lỗi của nhà vua, điều mà chàng lo nhất là hai đấng song thân không có người phụng dưỡng. Cảm động trước tấm lòng chí hiếu của Thiểm Tử, nhà vua hứa sẽ chăm sóc cha mẹ chàng chu đáo nếu như chàng qua đời. Thiểm Tử chỉ đường cho nhà vua đến am tranh và trút hơi thở cuối cùng.

Khi hay tin dữ, cha mẹ Thiểm Tử đau đớn vô cùng, họ mong được sờ lên thi thể người con yêu của mình. Người cha ôm đôi chân và bà mẹ thì tựa đầu con vào lòng. Sau đó bà lại liếm vết thương, hút chất độc ra và mong rằng con sẽ sống lại dù mình phải hy sinh. Trong cơn đau đớn tột độ, hai vợ chồng bèn lập lời thề rằng nếu Thiểm Tử là một người con chí hiếu thì chất độc kia sẽ tan biến, con mình sẽ sống lại. Lời thề ấy cảm thấu đất trời, mũi tên bỗng bậc ra, chất độc tan dần và Thiểm Tử sống lại.

Thiểm Tử là hiện thân của một người con chân chính, luôn hướng cha mẹ mình về một đời sống hướng thượng. Người con như thế quả là một nhân duyên lớn, là thiện tri thức để cha mẹ có thể thăng hoa nhân cách và đạo nghiệp của mình.

Vào ngày rằm tháng bảy, người ta thường về chùa để cầu nguyện cho mẹ cha, để dự lễ Bông Hồng Cài Áo, đó là những nghĩa cử thật cao đẹp và ý nghĩa để người con có thể sống với cha mẹ bằng trọn trái tim nhiệt thành của mình. Nguồn hạnh phúc tinh thần đó thật dung dị nhưng lại vô cùng thâm thuý và thiêng liêng, không thể đánh đổi bằng vật chất giả tạm của thế gian. Áo em cài một đoá hoa hồng, cõi lòng em trào dâng một niềm vui sướng vì đời mình vẫn còn có mẹ. Đôi khi người ta thường gắn thêm một chiếc nơ bên dưới bông hồng để làm biểu tượng cho cha, cha còn là nơ xanh, cha mất là nơ trắng. Thật bất hạnh cho những ai bỗng cảm tủi thân khi người ta cài lên áo mình một đoá hoa trắng, nơ trắng. Làm sao có thể nói hết được tâm sự của người cài hoa trắng, một tâm sự đơn côi, trống vắng, như bầu trời đêm không một ánh sao, như một ngày buốt giá không một tia nắng rọi về.

Nếu là người được cài hoa hồng, nơ xanh, bạn hãy vui lên, hãy đặt trọn niềm tin vào những ước vọng tươi sáng của mình vì bên cạnh bạn, trong trái tim bạn vẫn còn hiện hữu một dòng suối tình thương thật trong mát và ngọt ngào, một nguồn động viên thật mạnh mẽ, thâm sâu. Giữa những đa đoan của cuộc sống, bạn nên dành cho mình những giây phút trầm lắng để tiếp xúc với song thân, nhất là khi làn da mẹ trở nên nhăn nheo, khi từng sợi tóc của cha đã nhuốm bạc, khi vẻ đẹp của mẹ trong tuổi thanh xuân không còn nữa. Chính những khoảnh khắc đó, bạn thực sự sống với cha mẹ bằng niềm tri ân chân thành và ý nghĩa nhất. Có như thế, thì dẫu mai sau, dù sống ở phương trời nào đi nữa, dù đang vượt qua đoạn đường nào trong hành trình xa xăm của cuộc đời, bạn vẫn thấy trong trái tim mình, trong máu thịt mình một niềm an lạc miên trường, một tình thương và lẽ sống muôn phần cao quý.

Mùa Vu Lan PL 2548

TĐT.


VU LAN - BÁO HIẾU^

Viên Quang

Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo nhanh chóng cùng hòa quyện với dân tộc thành một thể thống nhất. Lịch sử Việt Nam không thể tách rời lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân Việt, được thể hiện qua nhiều phương diện, văn học dân gian cũng như các tác phẩm điêu khắc v.v... mà nhất là các lễ hội truyền thống. Trong đó, Vu Lan được xem là lễ hội khá tiêu biểu.

“Vu Lan hay Vu Lan Bồn là dịch âm Phạn tự (Ullambana). Còn có một dịch âm nữa là Alamnàna. Trí Húc Đại sư nói, Vu-lan-bồn dịch nghĩa là Cứu đảo huyền: giải cứu cái khổ như sự bị treo ngược. Như vậy, Vu Lan có nghĩa là bản kinh chỉ cách giải cứu cái khổ khốn cấp trong các đường dữ, đó là nghĩa chính, và Vu-lan-bồn toàn là dịch âm Phạn tự. Tuy nhiên, nhờ trùng âm, ngẫu nhiên chữ Bồn lại có nghĩa của chữ Trung Hoa, và quan trọng là chữ ấy, kinh văn dùng để nói đến dụng cụ đặt đồ hiến cúng, trong cách Cứu đảo huyền. Như vậy, Vu-lan-bồn ngẫu nhiên mà có cái nghĩa Bồn Vu Lan. Nhưng nghĩa này chỉ phụ thuộc, dầu theo kinh văn, nghĩa này khá quan trọng”. (Kinh Vu Lan, HT Trí Quang dịch, bản in 2004, tr.52).

Vu lan là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo, một ngày lễ nhuốm đậm màu sắc về tình người và đạo đức, mang một ý nghĩa cao cả và thiêng liêng, thắp lên một ngọn đèn giải thoát soi sáng cho những sinh linh đang còn chìm ngập trong cõi u đồ đen tối. Vu lan còn giúp cho những ai đang còn hiện hữu trên cuộc đời nầy ít nhất cũng một lần hồi tưởng về cội nguồn của mình, cái nơi mà trong mỗi con người chúng ta đã từng nhắc đến “cây có cội nước có nguồn”. Chúng ta sanh ra từ đâu “trước có tổ tiên ông bà cha mẹ, rồi sau mới có mình”.

Đúng vậy, phàm làm người ai cũng có tổ tiên ông bà cha mẹ. Sống trên cuộc đời, chúng ta cần phải làm tròn đôi chữ hiếu đạo-nhân tình. Đến lúc ta phải cần đến nó cũng như nhịp đập của con tim để cần thiết cho sự sống. Hiếu đạo-nhân tình là một vấn đề cần thiết để gìn giữ linh hồn đạo đức văn hóa nhân loại. Vì rằng, làm sao có thể có một nền văn hóa mà không có hiếu đạo-hiếu nghĩa của con cái đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Và làm sao có thể có một mầm mống đạo đức mà xây dựng trên cơ sở không có tình người, trước tiên là tình cha, tình mẹ đối với con cái của mình.

Trước hết, ơn cha nghĩa mẹ đối với con cái thì cao như trời, rộng như biển, không bút mực ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Thứ nhất, chúng ta sống giữa cuộc đời có biết bao thứ để đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng mà cái đáng quý nhất, cái đáng trân trọng nhất là ta được làm thân người. Vì rằng, trong kinh đức Phật có dạy: thân người khó được mà dễ mất. Khó được mà được là phần lớn do ở cái ân sinh, dễ mất mà còn là phần lớn do ở cái ân dưỡng. Vậy nên, hầu như toàn bộ hành trang vào đời của chúng ta đều thuộc vào bố mẹ. Cho nên người xưa có nói:

“Phụ hề sinh ngã

Mẫu hề cúc ngã

Ai ai phụ mẫu

Sanh ngã cù lao

Dục báo thâm ân

Hạo thiên võng cực”

“Cha sinh ta ra

Mẹ nuôi nấng ta

Thương thay cha mẹ

Nuôi ta nhọc nhằn

Muốn báo ơn dày

Nhưng công ơn cha mẹ

Như trời xanh cao rộng vô cùng”

Thứ hai, mẹ cưu mang mười tháng cực khổ khó nhọc. Ngay từ khi ta còn trong trứng nước mẹ đã đi đứng kiêng dè, uống ăn thận trọng, vì sợ động đến thai nhi. Rồi khi ta có tiếng khóc chào đời, bao nhiêu tình thương của mẹ đã dành hết cho ta. “Nuôi con chẳng quản chi thân, bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”, mẹ đã không từ nan dơ bẩn, đớn đau miễn sao con mình được no ấm, an lành.

Còn cha thì lao nhọc vất vả không sợ bất cứ một khó khăn nguy hiểm nào, miễn chỉ cần tìm được miếng cơm manh áo để lo cho sự sống của con, lo cho con đường công danh sự nghiệp sau này.

Đó là chưa kể đến nếu ta lỡ có một bịnh tật nào, hay lỡ vào đường tù tội, hay sa vào đường thất sủng sự nghiệp công danh, thì cha mẹ nguyện sao có thể hy sinh đời mình để cứu đỡ được cho con cái. Quả đúng là:

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Hay là :

“Công cha nghĩa mẹ cao vời,

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta”

Ân nghĩa của cha mẹ là cao quý thiêng liêng, tình thương của cha mẹ là lẽ sống, nên sự đáp đền cao cả cần được người con kính trọng. Vậy mà trên cuộc đời này có mấy ai coi trọng được điều đó. Tệ hơn nữa là khi lớn lên ta lại dễ dàng quên đi công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ rồi không lo phần báo đáp. Hoặc có báo đáp đi nữa thì làm một cách qua loa sơ sài vì sợ tiếng đời dư luận. Hoặc vì theo đường công danh lợi dưỡng mà tổ chức lễ lược một cách linh đình không đúng nghĩa.

Ai có chút phước duyên thì tuy đã lớn mà cha mẹ vẫn còn tại tiền. Ai kém hơn chút ít thì cha mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Vì cuộc sống bôn ba, vì trần duyên ràng buộc, vì lo cho ta được nên người mà cha mẹ đã lỡ phạm nhiều ác nghiệp, giờ đây không biết thác sanh vào chốn nào, tiếng khóc ai oán trách hờn đau đớn ta có thấu chăng, sao nỡ đành bất hiếu! mà dẫu hiếu để đáp trả ơn dày đi chăng nữa thì đâu phải muốn là được ngay.

Vì vậy, trong kinh Tăng Chi I đức Phật có dạy: “Có hai hạng người không thể trả ơn được! Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ, và dù tại đó cha mẹ vãi tiểu tiện cũng chưa làm đủ để đáp ơn mẹ cha”.

Giờ có được chút duyên lành đi chùa lễ Phật, gần được thầy lành bạn tốt, có đọc sách Thánh hiền, suy ngẫm lời Phật dạy, thì cần phải biết rằng: “Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên” người sống trên đời làm trăm việc tốt nhưng phải lấy hiếu hạnh làm đầu. Để mà hồi đầu hướng thiện, bố thí cúng dường, nhằm hồi hướng phụng dưỡng đấng sanh thành.

Theo truyền thống của Phật giáo, hằng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan, ngày chúng Tăng Tự tứ. Các Tỳ-kheo sau ba tháng an cư trau dồi giới đức, phước trí trang nghiêm, không những củng cố giới pháp cho bản thân mà còn củng cố sự thanh tịnh hòa hợp của Tăng già. Trong ngày Tự tứ, các Phật tử thiết lễ trai nghi dâng lên cúng dường, và nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà cha mẹ bảy đời người đã mất thì được siêu thoát, người còn sống thì được ân triêm lợi lạc. Đây là việc làm thiết thực và có ý nghĩa trọn vẹn để bày tỏ lòng tri ân báo ân lên đấng sanh thành.

Trong cuộc sống thì như chúng ta đã biết, ngày nào cũng cần có cơm ăn áo mặc, đói một chút cũng không được, nóng lạnh một chút cũng không xong. Trái gió trở trời, bệnh đau thì cần sự đỡ đần giúp đỡ... Do đó, không phải riêng gì đợi tới ngày rằm tháng bảy, chúng ta mới lo việc hiếu nghĩa để đáp trả ơn nghĩa sanh thành. Là người con Phật thì phải biết rằng, trả ơn cha mẹ là một việc làm cần thiết mà suốt đời ta làm mãi cũng không đủ. Công ơn cha mẹ thì như trời biển, vì thế mà ta phải tạo phước lành để hồi hướng cho người thân, cho cha mẹ; như trong kinh Địa Tạng đức Phật có dạy: trong bảy phần phước báo ta tạo ra, người mất hưởng một, mà ta lại hưởng hết sáu phần. Vậy nên, ngoài việc tạo phước thật nhiều để hồi hướng cho cha mẹ quá vãng, thì khi song thân còn sanh tiền chúng ta phải có bổn phận đền đáp thật thiết thực và thường xuyên để đúng theo tinh thần trong kinh đảnh lễ sáu phương (Trường Bộ I) mà đức Phật đã dạy:

“Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần

- Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc

- Giữ gìn gia phong

- Giữ gìn tài sản của cha mẹ

- Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già

- Lo đám tang đúng phong tục khi cha mẹ mất

- Khích lệ đạo giải thoát chánh kiến đến với cha mẹ...”

Lại, nói đến vấn đề hiếu hạnh, thì chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một bậc đại hiếu. Vì rằng, hạnh hiếu không phải đức Phật chỉ dạy bằng lời mà bằng cả chính hành động của Ngài. Sinh thời, động cơ Ngài xuất gia tầm đạo là để cứu phụ hoàng, mẫu hậu và chúng sanh thoát khỏi khổ đau sinh lão bịnh tử (Đại kinh bổn Trường bộ III). Sau ngày thành đạo, đức Phật đã về thăm phụ vương Tịnh Phạn và thuyết pháp cho phụ vương chứng đắc Tư-đà-hàm quả. Khi phụ vương băng hà thì Ngài đã cùng với gia quyến khiêng linh cữu của phụ thân mình đến nơi trà tỳ. Và đối với thân mẫu, thì đức Phật cũng đã lên tới cung trời Đao Lợi để thuyết pháp, giúp mẹ mình chứng quả Dự lưu.

Như vậy, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ ra thì phải biết hướng dẫn cha mẹ đến với con đường Chánh pháp. Trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Những ai đền đáp ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải tiền bạc thì không bao giờ đủ để đền đáp ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với chamẹ không có lòng tin Tam bảo, thì khuyến khích cha mẹ có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích cho cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ tham lam thì khuyến khích cha mẹ bố thí, đi vào con đường chánh kiến của Phật. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo là làm đủ và đáp đền ơn đủ cho mẹ và cha”.

Ngay Phật còn tại thế, các vị Thánh Tăng đã thể hiện hạnh hiếu một cách hết sức tiêu biểu. Ngài Mục-kiền-liên được tôn xưng là đại hiếu vì dám xả thân xuống địa ngục cứu mẹ. Do lúc còn sinh tiền, mẹ Ngài đã tạo quá nhiều ác nghiệp.

Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp đã đảnh lễ Thế Tôn và nhập Niết-bàn tại nơi mẹ cư trú để thuyết phục cho mẹ nghe pháp và chứng quả Dự lưu, vì mẹ Ngài sinh thời theo đạo lõa thể.

Chung qui lại, ta thấy đạo Phật đã thể hiện một tinh thần rất nhất quán “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Mọi con đường đi vào đạo từ bi giải thoát không ngoài con đường hiếu hạnh. Là người tu tập đạo giác ngộ, không thể có một hành giả đi vào con đường chân lạc, hạnh phúc mà có thể bất hiếu với cha mẹ. Trong kinh đức Phật dạy sinh thời nếu không gặp Phật mà phụng dưỡng, hiếu kính cha mẹ thì ấy là thờ Phật vậy. Và hơn thế nữa, Ngài cũng đã dạy rõ rằng: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là do công ơn của cha mẹ. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu với cha mẹ”.

VQ.

Chú thích:

1.Từ điển Phật học, Nxb Khoa học Xã hội, (tr.1546-1547).

2. Dẫn lại kinh Vu Lan-Trí Quang dịch-Tr52

3. Từ điển Phật học, NXB Khoa học Xã hội, (tr.1546-1547)


TINH THẦN BÁO HIẾU THEO ĐẠO PHẬT^

Trí Tài

Hàng năm cứ mỗi độ mùa Vu Lan Báo Hiếu trở về là dịp cho chúng ta càng nhớ lại bổn phận của một người con hiếu đạo, tìm cách đền đáp ân đức sanh thành đối với mẹ cha, noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên và tiếp nối truyền thống cao đẹp, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt nam. Ngày nay, đại lễ Vu Lan không còn là ngày lễ riêng của người Phật tử, mà nó đã trở thành ngày lễ hội chung của dân tộc. Vì thế không riêng gì những người con Phật, mà hầu như mọi người Việt Nam nói riêng một số dân tộc Á Đông nói chung đều lấy ngày này làm ngày lễ thiêng liêng để tưởng nhớ đến những bậc cha mẹ, những người đã sanh thành và dưỡng dục họ thành người.

Đức Phật thường dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”,hay là: “Thiên kinh vạn điển hiếu hạnh vi tiên”,những lời dạy đó đã phần nào đánh thức được cội nguồn sâu xa trong tâm hồn của hàng vạn người con còn mẹ còn cha biết quay lại với chính mình, nhận ra tinh thần hiếu đạo để sống cho thích hợp. Chính điều đó đã chỉ bày cho chúng ta những phương pháp báo hiếu ân đức cha mẹ qua ngày lễ Vu Lan, bao gồm bốn phương thức:

a. Hiếu Đạo: Xưa kia đức Mục-kiền-liên chứng đắc lục thông, Ngài dùng thiên nhãn thông thấy mẹ mình bị đọa trong địa ngục A-tỳ. Với lòng thương xót cảnh đói khát, Ngài đã vội đem cơm dâng mẹ, nhưng do nghiệp báo của mẹ quá nặng nên không ăn được. Mặc dù Ngài được xưng danh là người có thần thông siêu phàm nhưng cũng không thể cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ đau của địa ngục. Ngài bèn bạch với đức Phật chỉ bày phương pháp cứu mẹ thoát khỏi cảnh Tam đồ. Đây chính là lòng hiếu đạo. Như vậy, hiếu đạo có nghĩa là lòng chí thành chí thiết của con cái đối với cha mẹ, tìm cách cứu độ ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ ra khỏi ác đạo. Đó là thực hành hạnh hiếu đúng với tinh thần của đạo Phật, ngoài ý nghĩa này ra thì đều là cách báo hiếu của thế gian.

b. Hiếu Dưỡng: Chữ Dưỡng có nghĩa là nuôi, chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ về các mặt vật chất, như cung cấp cơm ăn, áo mặc, thuốc thang… không thiếu thứ gì, mùa nào thì có đồ ăn thức uống, áo quần phù hợp với thời tiết mùa đó, như vậy là chúng ta đang hiếu dưỡng với cha mẹ. Nhưng sự quan tâm, chăm sóc nuôi dưỡng này phải xuất phát từ lòng từ hoan hỷ, chứ không phải phát xuất từ ý tưởng xem việc nuôi dưỡng cha mẹ là phận sự phải làm, là điều bắt buộc, là vì phận làm con phải có trách nhiệm… Những ý tưởng như trên đều không đúng với hiếu dưỡng của người con Phật.

Trong kinh Tăng Chi I, số 751, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo có hai hạng người, ta nói không thể trả ơn được; thế nào là hai? Đó là cha và mẹ. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy này các Tỳ-kheo, cũng chưa đủ để trả ơn cho cha và mẹ. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, cha mẹ có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, các Tỳ-kheo cũng chưa làm đủ để trả ơn cha và mẹ.”

c. Hiếu Hạnh: Có nghĩa là người con luôn luôn giữ mình trong mọi hành động, lời nói và ý tưởng, không bao giờ làm điều gì để người khác chê bai là đứa con hư hỏng, xấu xa. Những lời chê bai, chửi mắng, nói xấu nếu để đến tai cha mẹ thì điều đó sẽ làm cho cha mẹ buồn rầu trở thành những hành vi bất hiếu. Bởi vậy, những việc làm của chúng ta trong hiện tại nếu sống thích hợp, đem lại tiếng tốt cho cha mẹ thì đó sẽ là sự báo hiếu. Sự kính trọng, nể phục của người khác đối với cha mẹ mình đôi khi tùy thuộc vào hành vi, cử chỉ, nói năng giao tiếp của chính những người con. Cho nên người con hiếu hạnh phải biết gieo những điều tốt đẹp với những người xung quanh, để gây uy tín, tiếng thơm cho cha mẹ của mình.

d. Hiếu Tâm: Có nghĩa là khi chúng ta vì hoàn cảnh hay vì một nguyên do gì đó mà phải sống xa quê hương, xa cách cha mẹ, nhưng tâm tư của chúng ta vẫn luôn luôn hướng về cha mẹ, không khi nào quên những gì cha mẹ từng chỉ dạy khi còn ở gần. Những ý tưởng như vậy gọi là hiếu tâm.

Là người Phật tử, phải trả hiếu cho cha mẹ mình bằng tinh thần hiếu đạo thì mới mong báo đáp ân đức sanh thành của cha mẹ đúng theo những lời dạy của đức Phật. Cho nên đã là người con hiếu thảo thì không nên quá nuông chiều theo những ý muốn của cha mẹ để làm những việc sai trái, lỗi lầm đem lại tai hại cho bản thân hay người xung quanh. Vì làm như vậy, vô tình chúng ta đã tạo thêm nghiệp xấu cho cha mẹ, làm cho cha mẹ phải nhận lấy quả báo xấu đọa lạc các cõi không tốt trong tương lai.

Nếu cha mẹ còn sanh tiền, bổn phận làm con phải khuyên cha mẹ tin luật nhân quả, khuyên cha mẹ quy y Tam bảo, tránh dữ làm lành, tu nhơn tích đức, thực hành mọi điều thiện trong đời này, hoặc giả lúc cha mẹ lâm chung thì không nên tổ chức đám đình tốn kém, mà phải tạo phước đức cho cha mẹ bằng cách bố thí, phóng sanh... tùy khả năng của mình, tự mình làm hay người thân trong gia đình làm lễ cầu siêu cho hương linh của ông bà cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ được sanh về cảnh giới an vui; hay thỉnh cầu chư Tăng giới đức, chú nguyện tụng kinh niệm Phật, hồi hướng cho hương linh siêu thăng tịnh độ. Trong thời gian này không nên sát sanh mà hãy mở rộng lòng thương nghĩ đến những người cô thế, tàn tật để giúp đỡ hầu đem phước thiện này hồi hướng cho người thân và cho tất cả chúng sanh. Đó là việc làm đúng đắn của người con có hiếu.

Hôm nay các đệ tử Phật may mắn được tu học trong giáo pháp, nghe được những lời dạy vàng ngọc từ kim khẩu của đức Phật, được thấy những gương báo hiếu đền đáp của Ngài đối với đấng sanh thành không chỉ trong kiếp hiện tại mà còn trải qua vô lượng kiếp phụng dưỡng, không có tấm gương hiếu hạnh nào có thể so sánh được với Ngài.

Vu Lan trở lại, nhắc nhở hàng Phật tử chúng ta dù xuất gia hay tại gia, hãy luôn lo nghĩ để đền đáp ân đức sanh thành của ông bà cha mẹ còn hiện tại hay đã quá vãng. Tuy thế, chúng ta không phải đợi đến ngày Vu Lan mới cầu nguyện, mới cúng dường trai Tăng, mới nhớ nghĩ đến cha mẹ mà lúc nào chúng ta cũng phải luôn nhớ đến việc báo ân cha mẹ. Cho nên mỗi độ Vu Lan về là mỗi lần nhắc nhở lòng hiếu của người con Phật chúng ta, chứ không phải đợi tới ngày hội Vu Lan thiêng liêng mới thể hiện tinh thần báo hiếu.

Phật dạy: “Thiện cùng cực không gì hơn hiếu, ác cùng cực không gì hơn bất hiếu”. Qua đó thấy được tinh thần hiếu hạnh của đạo Phật là vô cùng cao cả. Nếu loài người không thực hành gương hiếu hạnh thì xã hội loài người sẽ hết sức man rợ; gia đình không có những người con có hiếu thì những gia đình đó sẽ không bao giờ có hạnh phúc; xã hội thiếu những người con hiếu thảo thì xã hội đó sẽ mất trật tự, an ninh, đâm thuê chém mướn… Chừng đó đủ thấy được tầm quan trọng của việc hiếu nghĩa như thế nào! Cho nên, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ ràng để báo đáp ân đức sanh thành của cha mẹ mình đúng với chính pháp, xứng đáng là người con hiếu thảo, xứng đáng là đệ tử chân chánh của đức Phật, như Ngài đã dạy: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo phụng thờ cha mẹ cũng như khéo phụng thờ chư Phật”.


Vu Lan ngày về^

Nguyên Châu

Vu Lan, mùa Báo hiếu lại về trong hơi ấm lửa hồng của tình Mẹ.

Mùa Thu Vzlen lỏi vào lòng nhân thế sao mà thiêng liêng, mầu nhiệm không cùng.

Hàng năm, cứ mỗi độ Thu về, vào dịp Rằm tháng Bảy (A.L), khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi xuyên qua miền ngược, trong lòng người con hiếu thảo nào cũng rộn ràng với niềm vui sướng hay trầm lắng nỗi thương yêu để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của mẹ cha, dù còn sống hay đã mất, cũng như để ôn lại sự tích hiếu thảo của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Sự tích ấy có tác dụng rất sâu rộng và miên trường. Kể từ khi đạo Phật có mặt trên trái đất này, dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ, nhưng tác dụng ấy vẫn còn hiện hữu giữa cuộc đời như là lời cảnh tỉnh hùng tráng làm rung động trái tim của bao người. Tình mẹ thơm ngát như hoa buổi sáng, dạt dào như sóng vỗ trùng khơi, đã lắng đọng tới tầng sâu thẳm của tiềm thức, thấm vào lòng người cho mọi người cảm nhận được hơi ấm của cuộc sống.

Vu Lan Bồn, nói tắt là Vu Lan, xuất phát từ tiếng Sanskrit là Ullambana, một hình thức đọc gọn của chữ Avalambana, Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền, nghĩa là mở sợi dây treo ngược chân lên trời đầu xuống đất, đó là một hình phạt vô cùng tàn khốc, hình phạt này đang được áp dụng cho mọi tội đồ.

Lễ Vu lan đã trở thành ngày hội lớn đối với các nước theo truyền thống Phật giáo Đại thừa như: Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Hoa, và Việt Nam v.v… Ở những nước này, người ta vẫn còn giữ nguyên truyền thống xa xưa, coi đạo hiếu là lửa thiêng hun đúc tinh thần dân tộc:

“Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Tiếng chuông siêu độ, ngân nga huyền diệu và kéo dài, như thúc dục làn sóng người quỳ lạy dưới Phật đài đem hết lòng thành cầu nguyện Tam bảo gia hộ và độ trì cho cha mẹ được thoát khỏi cảnh u linh ảm đạm:

“Công dưỡng dục thâm ân dốc trả,

Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền

Làm con hiếu hạnh vi tiên…”

(Kinh Vu Lan bồn)

Lời nhắc nhở ấy không phải là một vấn đề trừu tượng hay một ý niệm suông, đó là những gì mà bậc Toàn giác, bậc Thánh trí đã thấy bằng Phật trí của mình; nó đã trở thành kinh nhật tụng khắc ghi trong tâm khảm của người Á Đông, và dần dần chuyển hóa thành hơi thở của cuộc sống và được thốt lên thành những câu ca dao, tục ngữ của người dân Việt, vừa giản dị, vừa mộc mạc nhưng đầy tình yêu thương cao cả:

“Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một như đường mía lau”.

Đó là một thứ tình yêu cao quý, trường cữu và bất tận được sánh như núi Thái Sơn, ví như nước cam lồ:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Tình cha thương con cao như núi Thái Sơn, thì nghĩa mẹ đầm thấm, nồng nàn, miên man bất tuyệt như nước trong nguồn chảy ra. Trong mái ấm gia đình, người cha là hình ảnh trụ cột, để chống chèo con thuyền đứng vững trước bão táp mưa sa của cuộc đời. Người mẹ là biểu tượng cho dòng sông dài dịu ngọt tưới tẩm tình yêu thương êm ái. Nếu người mẹ là cả một tình thương được biểu lộ rõ ràng, chín bỏ làm mười, thì tình cha thương con lại kín đáo, kỷ cương và sáng suốt hơn.

Qua bao nhiêu năm tháng, hình ảnh của người cha, bóng dáng của người mẹ, đã lăn lộn, gánh chịu gió mưa giữa cuộc đời. Dẫu cực khổ trăm lần cha mẹ cũng cam chịu, miễn rằng con được sung sướng an lành. Con đau, cha mẹ cũng buồn rầu não ruột. Cha mẹ đã dạy cho con từ thuở còn nâng niu, vỡ lòng, cho đến lúc trưởng thành; lo cho con mở mang trí tuệ, công thành danh toại, dựng vợ gả chồng đến nỗi tóc mẹ chuyển màu bạc trắng, hình hài gầy guộc và héo mòn theo năm tháng:

“….Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau.

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen.

Đâu con dốc nắng đường quen,

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần.

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao…”

(Xuân Quỳnh)

Quả thật không có tình nào cao hơn tình mẹ, không có nghĩa nào cao hơn nghĩa cha. Tôn giả Mục-kiền-liên, Hiền triết Mạnh Tử, Thánh đức Gandhi và một số hiền nhân khác đều là những bông hoa tuyệt vời trong đời. Những vị ấy mới thực sự trở về trong vòng tay thân thương vô hạn của mẹ. Và hãy thử hỏi chính mình đã lần nào trở về với vòng tay của mẹ chưa hay là cứ để thời gian lặng lẽ trôi đi bên cuộc sống bận rộn của con người. Rồi bất chợt đến một ngày nào đó mình lại hối tiếc, thầm oán trách. Bây giờ dẫu muốn cũng thật khó mà tìm được những tình cảm cao đẹp ấy.

Vu lan, ngày lễ thiêng liêng lại về, khơi nguồn cái đẹp của Đạo, mở bày cái đẹp của Hiếu. Với lòng yêu kính mẹ cha, con xin kính dâng lên Người một bông hoa tinh khiết, tràn ngập bao la trong tiếng chuông chùa ngân vang, như đánh thức con trở về nhận diện, tiếp xúc với mẹ trong ngày hội, và xin luôn luôn tâm niệm thành kính một lời:

Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm

Vì lòng hiếu thảo ân thâm phải đền.

Và xin mọi năm tháng đều là năm tháng của Vu Lan, mọi không gian đều là không gian của hiếu thảo.

Ân Nghĩa Sanh Thành^

Nguyên Liên

Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quả thật là vô cùng vô tận. Tình thương và sự hy sinh đó thể hiện một phần qua việc mang thai con và sinh nở. Bởi những ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được sự khổ nhọc và nguy hiểm vô cùng trong thời kỳ này, từ đó sẽ cảm thông và hoài niệm ân đức sâu dày của người mẹ đối với bản thân mình.

Sự khó khổ và nguy hiểm của người mẹ trong thời kỳ khi mang thai và sanh nở như thế nào? Người mẹ mang thai con trong chín tháng mười ngày, thân thể nặng nề mỏi nhọc, tợ như người mang đá nặng ngàn cân bên mình. Trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi của người mẹ đều không được tự nhiên. Khi đi thì chậm chạp, khi đứng bứt rứt khó chịu, khi nằm không được như ý, khi ngồi thật khó khăn. Còn nỗi khổ về ăn uống của người mẹ thì vô tận, có những thức ăn lúc bình thường người mẹ không muốn ăn, nhưng nếu thức ăn đó có lợi cho thai nhi mẹ hiền chẳng từ nan. Hay ngược lại có những thức ăn thường ngày người mẹ rất thích, nhưng nếu thức ăn ấy có hại cho thai nhi mẹ hiền sẵn lòng cam chụi, ân đức nuốt đắng nhổ ngọt của người mẹ quả thật là vô vàn.

Khi thai nhi ngày một lớn người mẹ càng khó khổ. Những lúc thai nhi vùng vẫy người mẹ tợ thấy như có ai lấy cây đánh mạnh vào bụng. Khi thai nhi đói khát cấu xé, người mẹ dường như rách nát tâm can. Trong thời gian mang thai, người mẹ luôn canh cánh nỗi sợ hãi bên lòng, đêm đêm như bịnh nặng ngày ngày tợ hoàng hôn, thận trọng trong mỗi hành động, sợ làm tổn hại đến con mình.

Đó mới chỉ là nỗi khổ về sinh lý, còn nỗi khổ về mặt tâm lý của người mẹ lại càng bội phần. Kể từ khi mang thai con, tâm người mẹ có những biến chuyển rõ rệt. Do sức nghiệp cảm của thai nhi tác động, người mẹ sanh tâm tham đắm các mùi vị bất tịnh, thích ăn những thức ăn cấu bẩn. Do tâm sân của thai nhi ảnh hưởng khiến người mẹ có những cơn nóng giận vô cớ. Do tâm tham dục của thai nhi, trong thời gian mang thai tâm sinh lý của người mẹ có những khát khao hơn lúc bình thường. Tóm lại trong giai đoạn này, tâm người mẹ hay sanh ra sự gắt gỏng, nóng nảy hoặc những tâm tham lam vụng vặt… Lại có nhiều người mẹ trong khi mang thai ưa thích những cảnh ma quái, cảnh đâm chém lẫn nhau, và trong thời gian này thường có vô số ác quỷ đoanh vây phá hại người mẹ.

Đó là những nỗi khổ đau của người mẹ trong mười tháng mang thai, còn nỗi nguy hiểm của người mẹ khi sanh nở lại càng bội phần. Tục ngữ Việt Nam có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ý câu tục ngữ nhằm nói lên sự cô độc, sự đau đớn và nguy hiểm vô cùng của người mẹ khi sanh con. Bởi không có sự nguy hiểm nào sánh bằng nỗi nguy hiểm tánh mạng ngàn cân treo sợi tóc của người mẹ lúc đang sanh nở. Không chỉ là nỗi đau và sự nguy hiểm vô cùng đe dọa thể xác, người mẹ còn phải chịu sự bấn loạn, sự lo âu hốt hoảng tột cùng của tinh thần.

Mang thai đến tháng thứ mười, là lúc hài nhi lộn ngược, đầu hướng xuống sản môn hình chất lần lần to lớn, thời gian này người mẹ luôn ở trong trạng thái hồi hộp khó thở, ăn không ngon miệng, ngủ không an giấc và không dám đi xa. Trước giờ chuyển bụng, người mẹ đau đớn vô vàn, khuôn mặt nhợt nhạt, mồ hôi tuôn trào, ruột gan cảm nhận dường như bị ai cấu xé, thân thể như bị ai phanh ra. Những cơn co thắt trong ruột, làm người mẹ đứng nằm không yên.

Lại, tư thế người mẹ lúc sanh con thật là bất tiện. Khi đứa con từ từ sinh ra, người mẹ cảm thấy như bị ai banh thịt, đau đớn vạn trạng máu huyết dầm dề. Toàn thân người mẹ co giật, nghe trong người các cơ thịt co rút, lại mỗi lần sanh nở người mẹ phải mất biết bao nhiêu máu và tủy, khiến cơ thể yếu đi và các đốt xương đen và dễ gãy. Vì thế trong kinh Báo hiếu, Phật dạy tôn giả A-nan muốn phân biệt được đâu là xương đàn ông và đâu là xương đàn bà, thì hãy xem xương nào trắng mà nặng là của đàn ông, xương nào đen mà nhẹ là của đàn bà.

Có điều, người mẹ nếu sanh nở dễ dàng, đứa con thuận chiều mà sanh thì nỗi đau vừa phải, còn gặp phải những đứa con khó sanh hay sanh ngược, người mẹ lại càng đau đớn bội phần rên la không xiết, v.v… Đó là nỗi đau sinh lý, còn về tâm lý người mẹ lúc sanh nở, tinh thần người mẹ luôn căng thẳng, luôn sống trong trạng thái đau đớn hoảng loạn tinh thần, sống chết không hay, chỉ mong cầu sao cho mẹ tròn con vuông.

Cảnh tượng lúc sanh nở cả mẹ lẫn con thật hãi hùng. Quả thật đây là ranh giới giữa sống và chết, là nơi biểu hiện cao tột của tình thương và sự hy sinh của người mẹ. Trong khi sanh nở, thậm chí có trường hợp phải mổ người mẹ để cứu hài nhi, có trường hợp hy sinh con để cứu sống mẹ, hay ngược lại hy sinh mẹ để cứu sống con, có trường hợp cả mẹ lẫn con đều chết trên giường sanh. Cảnh đau đớn vạn trạng và nhuốn đầy màu tang tóc lúc người mẹ sanh nở quả thật đáng kinh đáng sợ biết dường nào.

Bởi không có nỗi đau và sự nguy hiểm nào bằng nỗi đau và sự nguy hiểm của người mẹ khi mang thai và sanh nở như thế, nên trong An sĩ toàn thơ quyển Tây quy trực chỉ, phần Khái tín tạp thuyết có bài văn ngắn tựa là “Đại hiếu bất nguyện nhập thai” (Người đại hiếu không nguyện vào thai mẹ) trong đó có đoạn: “Thần thức con người khi gá vào thai mẹ, không những tự mình thọ khổ mà còn làm cho mẫu thân bị đại khổ… Con đường tự tử chính giờ phút này, cơ duyên giết mẹ cũng từ nơi đó… Lúc sanh ra hài nhi chịu khổ đã đành, mà người mẹ cũng muôn vàn thống khổ. Từng phút từng phút gắn liền với cái chết, mỗi niệm mỗi niệm sợ sanh khó được, khi sanh nở bao nhiêu tinh huyết hao mòn, nỗi khổ của từ mẫu nói sao cho hết”.

Ngày nay trên khắp nẽo đường vô số kẻ qua người lại tấp nập như thoi đưa, nhưng trong số người đông đảo đó có được mấy ai biết báo đáp ân đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết được sự khó khổ và nguy hiểm khi người mẹ mang thai và sanh nở mình! Suy nghĩ cho kỹ, trong vòng luân hồi bất tận này, nếu chúng ta thác thai một lần là làm khổ lụy cha mẹ một đời, thác thai ngàn lần làm khổ lụy cha mẹ ngàn đời.

Vì thế, hôm nay chúng ta đã có duyên lành học Phật pháp, được đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ bi thương xót đặc biệt chỉ dạy cho pháp môn niệm Phật, nếu hiện tại chúng ta một lòng niệm Phật A-di-đà, cầu nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương, thì khi lâm chung sẽ được Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn. Một khi đã được sanh về Tây phương Tịnh độ, gá sanh nơi hoa sen ở ao Liên Trì thì tự mình tránh khỏi hoạn nạn về sanh khổ, mà đối với cha mẹ vĩnh viễn không làm khổ nhọc và nguy hiểm tánh mạng cho cha mẹ.

Sau khi được vãng sanh về Tây phương Cực lạc, lần hồi tu tập chứng được Vô sanh pháp nhẫn, chúng ta lại thừa nguyện tái lai hồi nhập Ta-bà, cỡi thuyền đại nguyện cứu độ cha mẹ. Như vậy, nếu chúng ta phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, há chẳng phải là đang thực hành hiếu đạo xuất thế hay sao.


Nước và Sóng^

Diệu Hải

Tình mẹ và con, một tình yêu thiêng liêng trong nhân loại. Tình yêu ấy gắn bó thiết tha như sóng và nước. Nước là mẹ và sóng là con. Sóng ôm lấy nước, nước cuộn trong sóng, ngàn đời rong ruổi trên biển xanh, như tình mẹ bao la ấp ủ con thơ dại.

Từng mùa Xuân ấm áp đi qua. Từng Hạ vàng chợt đến. Mùa Thu êm đềm nhẹ trôi, để gió Đông se lạnh thổi về. Vạn hữu vẫn lưu chuyển. Tạo hóa cứ mãi xoay vần, biến hoại. Nhưng với mẹ, tình yêu cho con muôn đời vẫn ngọt ngào. Vu-lan về, bâng khuâng nhìn cánh lá rơi, con nghĩ đến vô thường. Con thương mẹ mỏi mòn theo năm tháng để con thành đạt trên đường đời. Từng cánh quạt nồng ấm, từng tách trà cỏn con, từng hỏi han tí chút con dành cho mẹ, để nụ cười bao dung của mẹ nở tròn, và con cảm nhận hạnh phúc con còn có mẹ.

Sự bao dung ấy như nước mẹ ngàn đời che chở sóng con. Mẹ ngàn đời khao khát hòa nhập tâm tư con. Mẹ thiết tha dạy bảo con hãy ngoan hiền. Sóng con vẫn chạy theo tiền cảnh của đầu ghềnh ngọn thác xa xăm, để sau những đợt sóng lăn tăn vỗ về chân ghềnh thác đá, con ngỗ nghịch muốn trèo lên cả đỉnh cao. Con nào biết, bọt sóng con mỏng manh bội lần những kiếp phù du. Thác ghềnh chỉ chiếm một góc trời biển cả, nhưng sức mạnh vẫn thuộc về ghềnh thác, sóng ơi! Với con, dù phủ tràn trắng xóa cả đại dương, là bọt sóng, mãi mãi con vẫn là bọt bóng nước. Mẹ lo âu, nhưng con vẫn muốn so đo cùng thác cao sừng sững. Cũng ghềnh thác này, ngày nào con tung tăn chạy theo bóng dáng hùng vĩ của ngoại cảnh sắc trần, bỏ mặc mẹ một mình giữa ngàn khơi mênh mông. Rồi cũng với thác ghềnh này, hiện tiền con lại muốn hơn thua. Mẹ dạy con từ bi và tỉnh thức, nhưng lòng háo thắng của con vẫn đi đầu. Không nhân nhượng, không xót thương, sóng thức con đập phá thác ghềnh. Không trí tuệ, sóng thức con chạy theo nông nổi. Át cả tiếng mẹ khàn hơi níu kéo, sóng con vẫn gào thét giữa từng cơn gió mạnh, hất tung bọt trắng, lên ghềnh thác cao. Ngạo nghễ giữa trời cao, thác ghềnh hùng vĩ hất trọn mảng bọt rơi ập xuống. Con thua bại, đổ nhào từng mảng bọt bong bóng vỡ trên mặt nước mẹ đại dương. Dù đau đớn, mẹ vẫn dang tay sẵn đón con về. Mẹ biết, khi chưa biến thái thành những con sóng bạc đầu phủ chụp biển xanh, con vẫn luôn là những cơn sóng ngầm dữ dội quậy phá lòng biển mẹ cuộn đau. Trong thầm lặng, mẹ vẫn nhẹ nhàng bao bọc sóng con. Sóng thức con vỡ nát tan, cũng là lúc tâm nước mẹ xoáy cuộn, đọa đày trong muôn kiếp trần ai. Từng bọt sóng thức vỡ tan, cũng chính là tâm nước mẹ mất đi nguồn như nhiên tịch tĩnh. Nước là sóng, sóng là nước. Mẹ là con, con là mẹ. Sóng và nước không hai cũng không một. Sóng con, nước mẹ, không một cũng không hai. Nước mẹ thường an nhiên trong tự thể như như, nhưng sóng thức con miệt mài lao xao rong ruổi. Sóng gào thét giữa cơn dông sấm sét, sóng gầm gừ trong cơn bão tố hung tàn, sóng vùng vẫy giữa đêm trường mùa Đông giá buốt và bạo tàn trong cơn lốc quay cuồng, để lòng biển mẹ âm thầm chịu đựng. Một đời con mãi đi hoang. Một đời con mãi lang thang, mặc mẹ mong chờ con trở lại mái nhà xưa tịch tịnh. Này con sóng nhỏ, hãy như con ngây thơ bé bỏng ngày nào, với nét đẹp trong sáng chấp cánh bay, dù chỉ để ngời sáng trong đôi mắt mẹ, giờ đã mờ đi vì năm tháng lụn tàn. Con hãy biến thái là âm vang nhẹ êm của sóng biển hiền hòa, cho ngàn đời tâm nước mẹ yên nghỉ an lành trong vĩnh hằng tịch tĩnh, cho vạn hữu chung quanh hòa theo khúc nhạc của sóng biển êm đềm. Âm vang sóng-nước hòa quyện không rời, như tình mẹ con muôn đời gắn bó thiết tha. Hãy nghe mẹ quay về, lăn tăn vỗ bờ cát mịn.

Thác ghềnh, hải đảo là quyến thuộc của con. Rong xanh, cồn cát là bạn thân thương của con. Hãy đùm bọc thân bằng con nhé. Con phải biết ray rứt khi con làm cọng rong xanh sứt cánh; phải hối lỗi chân thành khi vô tình con lỡ làm đau viên đá cuội chạy lăn. Con hãy nâng niu từng cọng rêu tí xíu, hãy giữ gìn từng hạt cát bé con. Từng nhỏ nhiệm ấy là góp nhặt cho thiên thu an lạc, cho hạt giống từ bi nẩy mầm, để hiện hành khúc hoan ca tỉnh thức. Sóng biết không? Vạn hữu chung quanh con là bạn hữu, là quyến thuộc, trong trùng trùng pháp giới của sóng nước mênh mang quay cuồng, của luân hồi sanh tử. Hãy nhận ra nhau, này con sóng nhỏ, để sống chan hòa trong tưởng niệm tri ân. Con hãy nhớ, mái ấm gia đình là cả pháp giới hiện hữu ngay trong sóng thức con lao xao, không dừng nghỉ.

Giờ đây, sóng thức hiền hòa, theo tâm nước mẹ về lại chốn quê xưa. Âm vang sóng-nước bấy giờ thanh trong, hòa nhịp cùng tiếng nhạc reo vui của hàng dừa trước gió. Đó là pháp âm nhiệm mầu mãi mãi ngân vang, mà Bụt đã truyền trao cho từ thuở nào.


Người Phật tử tại gia^

Ỷ Thu Am

(Tiếp theo)

BỔN PHẬN THIÊNG LIÊNG

Trên bình diện tương đối, các pháp hiện hữu trong chiều kích tương quan tương duyên mật thiết, từ một hạt bụi đến sơn hà đại địa, không một pháp nào có thể tồn tại mà không có mối tương sinh tương hệ với những pháp khác. Con người cũng vậy. Làm người ai mà không có những liên hệ gắn bó với gia đình và xã hội. Người Phật tử cũng không ngoại lệ và còn có thêm mối tương quan với đạo pháp nữa. Trong mối liên hệ ấy, người Phật tử tất nhiên phải thể hiện bổn phận của mình sao cho toàn vẹn.

1. ĐỐI VỚI BẢN THÂN: Người Phật tử trước hết phải chuyển hóa bản thân mình trong mục tiêu giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não. Có chuyển hóa được bản thân mình thành một người hữu ích, người Phật tử mới nói đến việc làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội và đạo pháp. Khi bản thân mình chưa được chuyển hóa thì mình chính là căn nguyên của mọi phiền não, khổ đau và bất ổn, như vậy làm sao người Phật tử có thể chuyển hóa cho gia đình và xã hội?

Gia đình và xã hội đều lấy cá nhân của mỗi con người làm thành tố cơ bản, vì gia đình và xã hội chỉ là một tập hợp của nhiều cá nhân. Chính vì thế, người Phật tử phải nỗ lực tu sửa bản thân, nghiêm túc chấp hành các quy giới mà mình đã thọ, y chỉ theo lời Phật dạy và theo sự hướng dẫn của vị Bổn sư tu tập các pháp môn, diệt trừ tham sân si, phá bỏ bản ngã vị kỷ. Song song với việc chuyển hóa tâm thức, xây dựng đạo đức bản thân, người Phật tử cần phải nỗ lực không ngừng trong việc lành mạnh hóa cơ thể để có đầy đủ thể lực tiếp tục con đường tu tập độ mình và người. Phát huy trí tuệ và thể hiện tâm từ bi cũng là bổn phận thiêng liêng của người Phật tử tại gia đối với bản thân.

Chuyển hóa cá nhân theo tinh thần của đạo Phật cũng chính là phương cách trọng yếu nhất để hộ trì Phật pháp. Mỗi người Phật tử tại gia sống như Chánh pháp nghĩa là thể hiện hiệu năng giác ngộ và giải thoát của đạo Phật trong đời sống thường nhật của mình, tức là góp phần xưng đáng vào việc duy trì và phát huy tinh hoa và chất liệu sinh động của đạo Phật giữa cuộc đời. Bởi vậy, những ai dù mang danh nghĩa là Phật tử nhưng trong đời sống thực tế không thật sự sống theo tinh thần của đạo Phật, không có lòng chuyển hóa cuộc đời mình từ tăm tối khổ đau lên tỉnh giác an lạc, thì đó chỉ là thứ danh nghĩa suông không ích lợi gì cho mình và đạo. Người như thế làm sao nói đến việc xây dựng gia đình, xã hội và hộ trì Phật pháp?

2. ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH: Lần đầu tiên khi con người biết nhìn ra thế giới bên ngoài và thật sự nhận thấy có sự hiện hữu của người khác ngoài bản thân mình, kẻ tha nhân ấy chính là những thành viên của gia đình, là ông bà cha mẹ anh em và vợ chồng con cái. Tha nhân ở đây không phải là kẻ xa lạ mà chính là một người khác, một hiện hữu khác ngoài bản thân của mình. Trong ý nghĩa đó, khi một người biết quan tâm và lo lắng đến gia đình tức là người đó đã thật sự bước ra ngoài cái vỏ ốc vị ngã của mình. Thể hiện tinh thần vị tha của đạo Phật, trước hết và cơ bản, có thể bắt đầu từ đây. Hơn thế nữa, công lao sinh thành dưỡng dục lớn lao của ông bà cha mẹ, tình nghĩa sâu đậm của vợ chồng, và mối liên hệ huyết thống đối với con cái là động lực để cho mỗi thành viên trong gia đình phải có bổn phận với nhau.

Chính vì vậy, người Phật tử tại gia có bổn phận thiêng liêng phải xây dựng và chuyển hóa gia đình. Xây dựng gia đình có nghĩa là làm tròn trọng trách của ông bà đối với con cháu, của cha mẹ đối với con cái, của chồng đối với vợ hay của vợ đối với chồng, và của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Khi mỗi người trong gia đình làm tròn bổn phận của mình tức là cách xây dựng gia đình hữu hiệu nhất. Cha mẹ thì cấp dưỡng đầy đủ cho con cái từ tinh thần đến vật chất, từ cách sống đạo đức đến cách tiếp xử với tha nhân. Vợ chồng thì đối xử nhau tương kính tương thuận và thành thật chung thủy. Con cái thì đối với cha mẹ một lòng kính trọng hiếu thảo.

Chuyển hóa gia đình có nghĩa là mỗi thành viên trong gia đình đều có bổn phận mang tinh thần của đạo Phật vào đời sống gia đình để từ đó cảm hóa những người thân của mình. Phương cách cảm hóa kiến hiệu nhất là chính mình làm gương cho gia đình trong việc thực nghiệm sự giác ngộ và giải thoát của đạo Phật. Đem tinh thần của đạo Phật vào đời sống thực tế bằng cách hiếu thảo với người trên, hòa thuận và thương yêu kẻ dưới, sống không tà hạnh để giữ hạnh phúc vợ chồng, sống không nói dối để dạy con thành thật, sống không rượu chè cờ bạc để làm gương kỷ cương, giáo dục vợ chồng con cái bằng tinh thần tự giác giác tha, từ bi khoan dung và độ lượng để khai mở tâm thức cho người thân. Hướng dẫn gia đình đến gần với đạo Phật bằng cách đưa gia đình đi chùa thường xuyên, khuyến khích việc đọc tụng kinh điển, hay nghe giảng kinh thuyết pháp. Cổ võ việc thực hành các điều lành và xa lánh các việc ác.

3. ĐỐI VỚI XÃ HỘI: Một cá nhân hay một gia đình không thể tồn tại nếu không có mối tương quan tương duyên với xã hội. Con người thọ nhận rất nhiều ân huệ từ xã hội mà họ sinh trưởng, từ vật chất đến tinh thần. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, nhà chúng ta ở, kiến thức chúng ta có được, đạo đức và luân lý chúng ta thừa hưởng, tất cả đều là sản phẩm của xã hội mà trong đó chúng ta sinh tồn. Như thế, làm người ai cũng phải có bổn phận đóng góp vào việc xây dựng xã hội theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Đối với người Phật tử tại gia, ngoài ân huệ của xã hội, đối với họ còn là vấn đề hạnh nguyện vị tha xuất phát từ tâm niệm từ bi đối với đồng loại, đối với chúng sanh. Ngày nào mà xã hội còn phiền não, khổ đau và bất ổn thì ngày đó người Phật tử tại gia còn phải thi thiết hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho mọi người. Mục tiêu xây dựng xã hội của người Phật tử tại gia là để chuyển hóa xã hội từ vô minh và phiền não đến giác ngộ và giải thoát. Để hoàn thành việc xây dựng xã hội, người Phật tử tại gia cần thực hiện bốn phương thức nhiếp hóa mà đạo Phật gọi là Tứ Nhiếp Pháp sau đây:

a. Bố Thí: Ban phát điều gì cho người khác với tâm niệm từ bi bình đẳng gọi là bố thí. Người Phật tử tại gia có thể thực hiện việc bố thí qua ba cách: Thứ nhất, đem tài sản của cải mà mình có ban phát cho người khác, hoặc cũng có thể đem thân xác của mình mà bố thí cho người khác. Thứ hai, đem giáo pháp thậm thâm vi diệu của chư Phật mà ban bố cho người khác để họ có thể theo đó mà tu tập. Thứ ba, làm chỗ che chở cho người khác khiến ho không còn sợ sệt.

b. Ái ngữ: Người Phật tử tại gia có thể dùng lời lẽ dịu dàng, bình dị và khoan dung để cảm hóa nhân quần xã hội. Người sử dụng ái ngữ đúng theo tinh thần của đạo Phật là người không khởi niệm hận thù, sân si đối với tha nhân, hay nói cách khác, là người luôn luôn mang tâm niệm từ bi bình đẳng trong mọi hoàn cảnh. Người như thế lúc nào cũng nghĩ đến việc cứu giúp kẻ khác thoát khỏi khổ đau.

c. Lợi hành: Để cảm hóa tha nhân và xây dựng xã hội, người Phật tử tại gia cũng phải lăn xả vào các công tác từ thiện làm lợi ích cho mọi người. Làm bất cứ điều gì, người Phật tử tại gia cũng nghĩ đến lợi ích giác ngộ vô minh và giải thoát khổ đau cho con người, cho xã hội. Trong phương cách này, người Phật tử tại gia đôi khi phải thể hiện đức hùng lực để khuất phục các thế lực vô minh manh động và kiến tạo sự an lạc thái bình cho xã hội.

d. Đồng sự: Vì để cảm hóa con người và xã hội, người Phật tử tại gia có lúc cũng phải dấn thân vào mọi hình thái sinh hoạt đa dạng của xã hội, như nhập cuộc vào các tầng lớp xã hội, như làm người thương gia, viên sĩ quan, vị tướng, nhà giáo, vị tu sĩ, người nông dân, v.v… Có dấn thân vào các hình thái sinh hoạt đa dạng của xã hội như thế, người Phật tử tại gia mới có thể thực hiện thuận tiện hạnh nguyện tự giác giác tha của mình.

4. ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP: Nhờ ân đức của đạo Phật, của Tam bảo mà người Phật tử tại gia mới thấy được hướng đi đích thực, mới xác định được chánh tín, mới tìm được phương thức chuyển hóa đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của mình một cách thực tiễn và ích dụng. Trong ý nghĩa này, đạo Pháp quả thật là quý giá vô ngần, là mầu nhiệm vô lượng đối với người Phật tử tại gia. Đạo Pháp quý giá và mầu nhiệm này cần phải được bảo trì và xiển dương để làm lợi ích cho mình và nhân quần xã hội.

Vì vậy, hộ trì Tam bảo và xiển dương Phật pháp là bổn phận thiêng liêng của người Phật tử tại gia. Nhưng người Phật tử tại gia hộ trì đạo pháp như thế nào?

Trước hết và căn bản nhất là mỗi người Phật tử tại gia phải nỗ lực hành trì Phật pháp và chuyển hóa đời sống cá nhân mình. Đem Phật pháp nhiệm mầu phổ biến khắp nơi bằng kinh sách, bằng thuyết hóa, bằng đời sống gương mẫu của mình. Thường xuyên đi chùa tụng kinh, nghe Pháp, và làm việc từ thiện hay góp phần vào những sinh hoạt của các tổ chức Phật giáo. Xem Phật pháp là mạng mạch của đời sống, người Phật tử tại gia cho đến trọn đời không bao giờ rời bỏ.

KẾT LUẬN

Người Phật tử tại gia nên thường trực quán niệm rằng, chúng ta sinh ra trên cõi đời này dù là với muôn ngàn khổ lụy, song có điều thật hy hữu mà chúng ta lại có được đó là làm người. Đức Phật đã từng dạy rằng làm người là một điều rất khó trong thân phận của một chúng sinh. Nhưng Ngài cũng đồng thời dạy rằng gặp được Chánh pháp lại càng khó hơn. Người nào càng lịch nghiệm trong sự vô thường và khổ đau của cuộc đời càng nhiều thì sẽ nhận thức được một cách sâu sắc về giá trị mầu nhiệm của giáo pháp đức Phật. Bởi vì, giáo pháp ấy là diệu dược có công năng phi thường trong việc chữa lành bệnh khổ não cho chúng sinh.

Đời này, chúng ta không những đã được sinh làm người mà còn được gặp Chánh pháp. Chính vì thế, là một Phật tử tại gia, chúng ta phải biết trân quý và vận dụng giá trị của kiếp người cho việc học hỏi và thực nghiệm Chánh pháp. Đồng thời phát tâm dõng mãnh trong việc bảo tồn và xiển dương Phật pháp để làm lợi lạc cho quần sinh. Có như vậy, chúng ta mới có thể báo đáp phần nào trong muôn một ân đức hóa độ sâu dày của đức Phật và lịch đại Tổ sư, cũng như không hỗ thẹn mang danh là người con Phật.

TƯƠNG QUAN GIỮA DU-GIÀ HÀNH TÔNG VÀ HOA NGHIÊM TÔNG^

Zhihua Yao (Boston University)

Đạo Phật, nói chung, được biết đến như là một tôn giáo tự phản tỉnh và tự thực chứng, tập chú vào phép tu tập nội quán bản tâm. Vậy nên nhiều tông phái đồng tán thành sự tu tập nội tỉnh nhất tâm, xem đó là vấn đề thiết yếu nhất của tông phái mình. Mặc dù pháp tự quán chiếu bản tâm rất phong phú, nhưng Phật giáo đã không phát triển giáo lý tự quán chiếu một cách rõ ràng mãi cho đến khi bộ môn Nhận thức luận được ra đời trong hệ thống triết học Phật giáo Ấn Độ. Trước đó, có thể đạt đến ý nghĩa quan trọng của bản thể học, trong ý nghĩa hiện hữu được xem như nguyên lý nền tảng thực tại của tâm, nhưng vấn đề làm sao để tự nhận biết được sự hiện hữu ấy là một vấn đề chưa được thỏa đáng. Chính ngài Trần-na (480-540), một nhà tư tưởng Phật giáo kiệt xuất, người đầu tiên đã hệ thống hóa những thảo luận về đề tài tự nhận thức với thuật ngữ svasaṃvitti(tự chứng) hoặc là svasaṃvedana1. Sau ngài Trần-na, vấn đề nầy được tranh luận một cách sôi nổi trong giới học giả Phật giáo cũng như trong các triết gia Ấn Độ. Vấn đề trước tiên của chúng tôi trong bài viết nầy là Phật giáo Trung Hoa đã hiểu ý niệm tự chứng (svasaṃvitti) nầy như thế nào. Chắc chắn chúng ta đã biết rằng giáo lý về Nhận thức luận của Trần-na đã được giới thiệu ở Trung Hoa do học thuyết của ngài Pháp Hộ (Dharmapla) về 4 tiến trình nhận thức của Duy thức tông Trung Hoa mà được mệnh danh là Pháp tướng tông do ngài Huyền Trang (602-664) và Khuy Cơ (Kuiji, 632-682) lập nên. Một bài kệ nổi tiếng được truyền tụng trong các nước Phật giáo Đông Nam Á là: “Tứ phần và tam cảnh là một nữa của học thuyết Duy thức tông.”2

Điều nầy chứng tỏ mức độ giáo lý tự chứng đóng một vai trò cơ bản trong Duy thức tông Trung Hoa. Bây giờ các tông phái khác thì sao, đặc biệt là các tông phái ‘Trung Hoa’? Họ có một giáo lý về tự chứng hay không? Nếu có, sự tương quan hay khác biệt với giáo lý Duy thức như thế nào? Trong ba tông phái chính của Phật giáo Trung Hoa, Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông và Thiền tông, thì Hoa nghiêm tông có vẻ là mảnh đất tốt nhất để xem xét sự tương quan với Duy thức tông về mặt lịch sử.

Sau đây, tôi sẽ khảo sát sự tiếp cận của Hoa nghiêm tông về giáo lý tự chứng thông qua nghiên cứu các tác phẩm của một số Đại sư Hoa nghiêm tông nổi tiếng như ngài Trí Nghiễm (Zhiyan), Pháp Tạng (Fazang), Tông Mật (Zongmi), Tử Tuyền3. Tôi sẽ đồng nhất ý niệm ‘nghiệp tướng’ hay karmalakṣaṇa, một ý niệm có nguồn gốc từ Kinh Lăng-giàvà trong Luận Đại thừa khởi tín(Awakening of Faith), như là một tư tưởng của Hoa nghiêm tông về giáo lý tự chứng. Tôi sẽ trình bày ý niệm được ngài Trí Nghiễm sử dụng khi khảo sát học thuyết của ngài về tâm, được đồng nhất với thuật ngữ svasaṃvitti, thuật ngữ chỉ cho sự tự chứng trong Duy thức tông của ngài Pháp Tạng và Tử Truyền, và sẽ trình bày vai trò cốt yếu của hệ thống vũ trụ theo ngài Tông Mật. Tôi sẽ trình bày sự khác nhau giữa ý niệm karmalakṣaṇacủa Hoa nghiêm tông và svasaṃvitti trong giáo lý Duy thức tông, chủ yếu là do tính chất khác nhau của hệ thống học thuyết mà chúng được đặt vào. Ý niệm trước là một sắp xếp theo hệ thống vũ trụ luận, trong khi ý niệm sau là một cơ cấu nhận thức luận. Hiểu sự khác nhau nầy sẽ giúp cho chúng ta nhận ra vài khía cạnh cơ bản trong Phật giáo Trung Hoa.

I. NGUỒN GỐC CỦA A-LẠI-DA THỨC (ĀLAYAVIJÑĀNA)

Đưa ra nền tảng về sự nghiên cứu giáo lý của Tam luận tông (Shelun school) trong thời gian đầu, ngài Trí Nghiễm4, vị Tổ thứ hai của Hoa nghiêm thường được xem là người góp phần đặc biệt cho Hoa nghiêm tông với học thuyết về tâm của Ngài. Sơ Tổ tông Hoa nghiêm, ngài Đỗ Thuận5, người đã cung cấp những chỉ dẫn có tính thực tiễn hay tính tôn giáo cho Hoa nghiêm tông, trong khi vị Tổ thứ ba, ngài Pháp Tạng (Fazang, 643-712), lại đóng góp vào sự hệ thống hóa giáo lý Hoa nghiêm tông6. Tư tưởng của ngài Trí Nghiễm về tâm được tóm tắt rất súc tích trong một chương về sự hình thành của Duy thức tông là Hoa nghiêm kinh nội chương môn đẳng tạp khổng mục chương,7một tác phẩm được ấn hành ngay sau khi ngài Huyền Trang hoàn thành bản dịch và biên soạn Thành duy thức luận. Trong tác phẩm của mình, ngài Trí Nghiễm thường trích dẫn Thành duy thức luận, và trong nhiều trường hợp, ngài đã công nhận nhiều thuật ngữ ‘tân dịch’ của ngài Huyền Trang. Nhưng thuật ngữ tự chứng phần, chỉ cho sự tự chứng, là một ngoại lệ. Tuy nhiên, khảo sát kỹ chương nầy, tôi thấy có nhiều ý tưởng thích hợp với nghĩa tự chứng. Tác phẩm trên của ngài Trí Nghiễm, gồm tất cả mười phần, là một nỗ lực để đạt đến những mục tiêu sau:

1. Đưa ra sự sắp xếp theo pháp số về tâm hay thức, như nhất tâm, tám thức, chín thức, mười thức, mười một thức, bốn thức và vô số tướng trạng của tâm.

2. Trình bày danh pháp của thức thứ tám và bảy thức khác như A-lại-da thức (ālayavijñāna), A-đà-na thức ( ādānavijñāna), Mạt-na thức (manovijñāna), v.v...

3. Nêu ra bản thể của A-lại-da thức, tức Như-lai tạng (tathāgathagarbha).

4. Chỉ bày rõ mục đích của giáo lý A-lại-da thức là để giáo hóa hàng Bồ-tát.

5. Xác lập A-lại-da thức thành ba nhóm theo văn hệ Du-già hành tông, đó là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận và Du-già sư địa luận, Nhiếp Đại thừa luận(s: Mahāyāna-saṃgraha 攝大乘論) và Hiển dương thánh giáo luận(Prakaraṇārya).

6. Thảo luận tư tưởng A-lại-da thức có hoàn chỉnh theo tinh thần của Nhị đế không?

7. Thảo luận A-lại-da thức có diệt hẳn hay không?

8. Chỉ bày A-lại-da thức huân tập như thế nào?

9. Thảo luận A-lại-da thức chân thật hay hư vọng?

10. Đạt đến đệ nhất nghĩa đế của vô tự tánh.

Trong phần thứ bảy, ngài Trí Nghiễm đã thảo luận về sự chuyển hóa toàn triệt của A-lại-da thức. Ngài chủ trương rằng những gì biến mất chính là sự trình hiện thay thế cho tâm thể, và chính hiện hữu nầy sẽ chấm dứt ở giai vị đầu tiên của Đệ thập địa - bhūmi. Sau đó, Ngài tiếp tục với sự thảo luận rất hay về nguồn gốc của A-lại-da thức.

Hỏi: A-lại-da thức dựa vào đâu để làm nguồn gốc của nó?

Đáp: Một niệm vô minh sinh khởi ngay trong hiện tại chính là nguồn gốc của A-lại-da thức . Chúng ta biết được nhờ vào đâu? Do từ tác phẩm Hiển dương thánh giáo luận: “Tập khí vô minh hí luận (prapañca) từ vô thỉ chính là nguyên nhân chủ yếu của A-lại-da thức.” Lại nữa, trong Luận Đại thừa khởi tín có nói: “Một niệm vô minh tức là bất giác. Nếu được giác ngộ, tức không còn khởi niệm. Động niệm tức liền có khổ, quả không hề rời nhân.”Sự chín muồi của A-lại-da thức chính là quả. Thế nên một niệm vô minh chính là nhân của A-lại-da thức8.

Lời đáp của ngài Trí Nghiễm, niệm () là cốt lõi nhưng là một chữ khó dịch. Chiết tự gồm chữ kim () có nghĩa là hiện tại, ghép với chữ tâm () có nghĩa là suy tư, nhớ nghĩ mà thành. Tôi thấy rất giống với chữ smṛti trong tiếng Sanskrit và chữ dran trong tiếng Tây Tạng, cả hai từ nầy đều có nghĩa là nhớ nghĩ, sự chú tâm.9“Một niệm tưởng dấy lên ngay hiện tiền”chính là sự sinh khởi trước tiên của một niệm. Đó chính là trạng thái ban sơ của sự chú tâm hay tâm thức, chẳng ý thức điều gì khác ngoài chính nó. “Hiện tiền” có nghĩa là ngay bây giờ và ngay tại đây, chuyển tải cả hai ý niệm thời gian và không gian. Nó tương đương với ý nghĩa đương hạ trong Thiền tông. Cả hai thuật ngữ đều xem hiện tại như là thực tại duy nhất để nắm giữ hay tách rời vì quá khứ đã biến mất rồi và tương lai thì chưa tới.

Nguồn gốc của A-lại-da thức, nói chung được xem như là một đề mục không thích đáng trong Du-già hành tông. Theo quan niệm của tông nầy, A-lại-da thức được xem như là chủng tử của vô minh từ vô thủy, thế nên vô ích khi suy đoán về nguồn gốc của A-lại-da thức. Tuy nhiên, trong hệ thống về tâm của Trung Hoa, thật là vô lí khi một vật có chỗ kết thúc mà không có điểm bắt đầu. Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa, tiết mục liên quan đến nguồn gốc của A-lại-da thức là ‘vấn đề nan giải của lịch sử’10. Đối với Phật giáo Trung Hoa, điều nầy cũng giống như vấn đề về cái ác (evil) đã làm nhức đầu nhiều nhà thần học Thiên chúa giáo hằng thế kỷ.

Câu trả lời của ngài Trí Nghiễm ở trên là một trình bày rõ ràng chính xác theo cách rất mẫu mực mà chúng ta có thể thấy được qua nhiều học giả Phật giáo Trung Hoa. Nhưng những trích dẫn bổ sung của Ngài rất thú vị vì chúng dẫn cho chúng ta lần theo vết tích của lối suy luận đưa đến nguồn gốc của thức tâm ô nhiễm. Trích dẫn đầu tiên là từ Hiển dương thánh giáo luận (Prakaraṇārya) của ngài Vô Trước, một luận giải chỉ còn bản dịch tiếng Hán. Cung cấp cho chúng ta 19 miêu tả rõ ràng sự hiện hữu của A-lại-da thức, chi tiết thứ ba trong đó được ngài Trí Nghiễm trích dẫn, có chút ít khác với bản gốc, trong đó nói: “Tập khí hí luận từ vô thủy là nhân (của A-lại-da thức).”11Theo bản văn nầy, tập khí hí luận từ vô thủy được xem như là nền tảng cho sự đột khởi tâm nhiễm ô hiện tiền. Nghe như thể tâm nhiễm ô có nguồn gốc từ hí luận, tức là từ vô thủy. Thế nên đoạn văn nầy vẫn còn phù hợp với quan điểm Du-già hành tông chính thống mà không chút thắc mắc nghi ngờ gì về một nguồn gốc của tâm nhiễm ô. Tôi không hiểu tại sao ngài Trí Nghiễm lại chọn trích dẫn trên để bổ sung cho quan điểm của Ngài về nguồn gốc A-lại-da thức. Một nghi ngờ tương tự nẩy sinh trong một tác phẩm tranh luận với quan điểm của ngài Trí Nghiễm:

Hỏi: Cuốn luận trên (Hiển dương thánh giáo luận) cho rằng A-lại-da thức xem sự tạo nghiệp và nhiễm ô trong kiếp trước như là duyên, sự huân tập của hí luận tập khí từ vô thủy như là nhân, và sự chín muồi tâm thức khi các chủng tử hiện hành là thể. Theo luận văn nầy, thức tâm chính là cốt lõi của luân hồi sinh tử. Nếu nó không phải là nguyên nhân của luân hồi sinh tử, tại sao nó được đề cập trong ý nghĩa tương quan nhân quả của luân hồi sinh tử?

Đáp: Điều nầy xuất phát từ Thành duy thức luận để phân biệt nguyên lý về mối quan hệ thuần thục giữa nhân và quả trong dòng luân hồi sinh tử. Đó chính là pháp môn phương tiện, không có nghĩa cứu cánh. Chúng ta nên biết rằng chẳng có pháp nào ngoài thức mà có. Thức là một nghĩa của Như lai tạng, là phương diện nhiễm mà bất nhiễm.12

Ở đây ngài Trí Nghiễm tranh luận bác lại quan niệm ‘tân’ Du-già hành tông trong Thành duy thức luận, cho rằng A-lại-da thức là hoàn toàn nhiễm ô và có cội rễ từ trong vòng luân hồi sinh tử từ vô thủy. Trong đó Ngài tán đồng tư tưởng Như lai tạng bằng cách mô tả A-lại-da thức là vừa nhiễm ô vừa thanh tịnh. Ngay điểm nầy, Ngài bám rất sát tư tưởng A-lại-da thức trong luận Đại thừa khởi tín, nơi mà A-lại-da thức có hai phương diện, có nghĩa là giác và bất giác. Ngài Trí Nghiễm đã trình bày cho chúng ta bức tranh đa dạng về giáo lý Du-già hành tông, được gọi là học thuyết ‘cựu Du-già hành tông’, từ Địa luận tông và Tam luận tông ảnh hưởng lẫn nhau với quan điểm ‘tân Duy thức’ được giới thiệu bởi ngài Huyền Trang và các đệ tử.

(Còn nữa)

Nhuận Châu dịch

Chú thích:

1. svasaṃvedana: tự giác

2. Tứ phần tam cảnh Duy thức bán học (Duy thức tam loại cảnh nghĩa bản chất tư ký) (Kyoto, 1915), p. 1. Xem Classification of Buddhism của Bruno Petzold, (Wiesbaden: Harrassowitz Verlag, 1995), p. 328

3. 子璿(Zixuan; 9651038) Cao tăng tông Hoa Nghiêm thời Bắc Tống. Họ Trịnh, hiệu Đông Bình, người đời gọi Ngài là Trường Thủy Đại sư長水大師, Lăng Nghiêm Đại sư 楞嚴大師. Năm 9 tuổi theo ngài Khế Tông xuất gia ở chùa Phổ Tuệ, thường nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm. Năm 20 thọ giới Sa-di. Năm sau thọ giới Cụ túc. Khi tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm đến đoạn “động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sinh” liền có chỗ khai ngộ. Các trứ tác của Ngài có: Lăng Nghiêm nghĩa sớ 楞嚴義疏, Kim cương Bát-nhã kinh toản yếu khoa 金剛般若經纂要科, Khởi tín luận bút tước ký 起信論筆削記. Viên tịch năm 74 tuổi, được ban tử y và thụy hiệu Trường Thủy Sớ Chủ Lăng Nghiêm Đại sư 長水疏主楞嚴大師.

4. 智儼(Zhiyan, 602-668) Cao tăng đời Đường, họ Triệu. Hiệu là Chí Tướng Đại sư 至相大師, Vân Hoa tôn giả 雲華尊者. Năm 12 tuổi, theo ngài Đỗ Thuận xuất gia ở chùa Chí Tướng, núi Chung Nam. Năm 20 tuổi thọ giới Cụ túc. Năm 27 tuổi soạn bộ Hoa Nghiêm sưu huyền ký 華嚴經搜玄記, sau bộ sách nầy thành trở quy phạm của Hoa Nghiêm tông. Viên tịch năm 72 tuổi.

5. 杜順(Dushun, 557-640) Cao tăng đời Đường, họ Đỗ, xuất gia năm 18 tuổi, pháp hiệu Pháp Thuận. Theo học với ngài Tăng Trân chùa Nhân Thánh, chuyên tu tập định lực, sau vào núi Chung Nam tuyên dương giáo lý Hoa Nghiêm. Đời sau tôn xưng Ngài là Sơ tổ Hoa Nghiêm tông, xem Ngài như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hóa thân. Tác phẩm của Ngài gồm có: Hoa Nghiêm ngũ giáo chỉ quán 華嚴五教止觀, Hoa Nghiêm pháp giới quán môn 華嚴法界觀門, Thập môn thật tướng quán 十門實相觀、

6. Xem “Hoa Nghiêm Bồ-tát đạo chi cơ sở đích nghiên cứu” của Y Tạng Thụy Duệ (Kyoto: Heirakuji-Shoten, 1988), trang 828 và Mộc Phó Thanh Lý 木付清“Trung Quốc Hoa Nghiêm tư tưởng sử”. (Kyoto: Heirakuji-Shoten, 1992), pp. 81ff.

7. 華嚴經內章門等雜孔目章, 4 quyển , còn gọi là Hoa Nghiêm khổng mục chương 華嚴孔目章, gọi tắt là Khổng mục chương 孔目章, giải thích những danh số, pháp tướng trong kinh Hoa Nghiêm, gồm tất cả 141 chương.

8. Đại Chính tân tu Đại tạng kinh T1870:547a

9. Xem Janet Gyatso cd., trong tác phẩm Mirror of Memory: Reflections on MindfullnessRememberance in Indian and Tibetan Buddhism: SUNY, 1992), pp. 4-5.

10. 千古疑難, 森田龍仟Thiên cổ nghi nan, sâm điền long thiên (Thích Ma-ha-diễn chi nghiên cứu – Kyoto, 1922), p.427.

11. Vô thủy hí luận tập khí vi nhân –T1602:480c

12. T1870:545c.


Nó vốn như vậy^

Hướng Thiên

“Lẽ ra nó không nên như vậy”,“Lẽ ra nó phải như thế”là những câu than vãn mà chúng ta thường bắt gặp. Hay nói đúng hơn, đó chính là tâm lý thường tình của nhân loại chúng ta. Nguyên nhân do đâu? Do chúng ta không nhận thức đầy đủ lý tánh Như Thị của các pháp. Mọi sự vật hiện tượng, dù biểu hiện của nó có thế nào đi nữa, vốn chỉ là sự thể hiện của lý Duyên khởi. Các pháp do duyên sinh, các pháp do duyên diệt. Điều kiện hội tụ thì có sự sinh khởi, điều kiện tán thất thì có sự diệt vong. Tán tụ diệt sinh đều là bất khả tư nghị, đều là “pháp nhĩ như thị”. Mọi sự vật hiện tượng đã là “pháp nhĩ như thị - pháp tánh là như vậy”,nói theo ngôn ngữ đời thường là: “Nó vốn như vậy”, nó tồn vong theo cách mà nó phải thế, cho nên chúng ta không thể “mong nó như thế này”,“mong nó như thế khác”.

Con người cảm thấy bực bội, đau khổ mỗi khi đối diện với thực tế không như ý là bởi họ phản kháng lại cái sự thật rằng “mọi vật tồn tại theo cách mà chúng là”. Với tri thức góp nhặt, khô cứng, con người luôn luôn có xu hướng đóng khung tất cả sự tươi nhuận của cuộc sống. Họ ước lượng thực tại qua những khái niệm mà họ đã xây dựng sẵn. Họ muốn “cái này phải như thế này”, “cái này phải như thế khác”để cuộc sống phải diễn ra một cách đơn điệu như chính bản thân họ, để họ cảm thấy “dễ chịu” trong khi lòng họ đầy ắp những lo toan, muộn phiền. Nhưng rồi vạn vật vẫn cứ thế, vẫn hợp tan theo lý tắc của chúng mà bỏ mặc tham muốn của con người, để con người đứng nhìn chúng trôi qua trong nỗi xót xa bất lực. Con người cảm thấy bất lực bởi con người không hiểu được chúng, không hiểu được lý tắc dẫn sinh ra chúng - không hiểu được các pháp do nhân duyên mà sinh diệt.

“Nó vốn như vậy”,nhưng đã là “như vậy” thì tại làm sao nhà Phật nói thế gian là khổ? Đó là bởi vì “như vậy” ấy không thỏa mãn nỗi khát ái của con người. Con người muốn có một “như vậy” khác, thế nhưng cái “như vậy” mà họ mong ước ấy không trở thành hiện thực. Mong ước là mong ước cái “chưa có”, cái “chưa có” một khi trở thành “cái có” thì nó không còn là cái để con người mong ước. Cho nên, nếu con người có thể sẵn sàng chấp nhận một cách bình thường những gì xảy đến mà trong lòng không hề mong ước thì họ không còn đau khổ nữa, bởi chính ước muốn ấy - thái độ chấp trước đối với người, cảnh, vật - đem lại đau khổ hơn là chính bản thân sự việc. Người tiều phu suốt đời chỉ có một manh áo vá và chiếc rìu, nhưng không vì thế mà cảm thấy đau khổ; trái lại, vị vua cai trị cả vương quốc mà lòng vẫn thấy không vui.

Vì ao ước có một “như vậy” khác, con người đã “bào chế” ra những nguyên tắc để quy ước cuộc sống, tạo ra những mô hình để mọi người rập khuôn theo: “Anh phải như thế này”, “anh phải không như thế này”. Thực sự con người đã tạo ra những mối nhợ để tự ràng buộc lấy chính họ. Con người sẽ đau khổ càng nhiều nếu họ càng tạo ra nhiều phép tắc để khống chế sự vận hành của thế giới, bởi dù cho họ cố gắng cưỡng bức thế giới tuân theo những phép tắc của họ bao nhiêu đi nữa thì những phép tắc ấy vẫn thường xuyên bị phá vỡ. Tại vì sao? Tại vì “pháp nhĩ như thị – nó vốn như vậy”. “Nó vốn như vậy” là phù hợp với thực tại, phù hợp với lý duyên sinh, phù hợp với pháp tánh. Nếu con người đặt ra quy luật để cưỡng bức sự vận hành của cuộc sống thì không còn là “nó vốn như vậy” nữa, cuộc sống sẽ không còn êm đềm như vũ điệu của thần Shiva. Kết quả tất nhiên là quy luật sẽ bị phá vỡ và khi ấy đau khổ sẽ kèm theo.

Chúng ta thường thấy, khi con người lớn lên trong môi trường có nhiều quy định “nên” và “không nên”, cách cư xử của họ bị quy tắc hóa và tự động hóa rất nhiều. Tính sáng tạo và nhạy bén của họ bị vùi dập không có dịp để phát triển. Họ trở thành xơ cứng trước sự biến chuyển không ngừng của thế giới, chỉ biết “nên” và “không nên” mà không biết tự hỏi về sự đổi mới, sáng tạo. Vì thế khi gặp sự việc trái ý thì họ chỉ biết bực bội, kêu la, phản kháng; không biết “nó vốn như vậy” để tùy thuận mà hành sự, để chấp nhận trong tâm thái cảm thông. Có chấp nhận thì mới có cảm thông, nếu cứ một mực mang tâm trạng phản kháng thì làm sao có thể trải lòng ra mà cảm thông được.

Vì vậy, bí quyết là Việc gì đến, cứ để cho nó đến một cách tự nhiên, bình thường. Chúng ta chỉ cần ý thứcđược chúng đang đến. Nếu ngay giây phút đang đếnấy mà chúng ta ý thức được nó thì có nghĩa rằng chúng ta đang cảm nhận được những gì đang biến chuyển trong tâm ta chứ không chỉ có sự biến chuyển của thế giới xung quanh. Ở đây, câu nói “nó vốn như vậy” như một câu thần chú nhiệm mầu. Bất cứ điều gì xảy ra, ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, chúng ta chỉ cần dùng câu nói “nó vốn như vậy” để quán chiếu, lập tức sự an lạc sẽ có mặt trong tâm chúng ta. Một khi thể nghiệm được “nó vốn như vậy” thì sự an tịnh nội tại của chúng ta không còn bị ngoại cảnh chi phối.

Việc gì đến, cứ để cho nó đến một cách tự nhiên, bình thường không có nghĩa rằng chúng ta không thể làm gì khác hơn để kiến tạo đường hướng cho sự việc xảy ra theo ý muốn của mình; nó chỉ có nghĩa rằng ta bằng lòng với những kết quả đạt được hơn là chấp chặt vào chúng. Điều cốt yếu cho việc xử lý những tình thế, ý tưởng, và tình cảm có tính thử thách không phải là ở sự kháng cự lại chúng, mà đúng hơn, là ở việc trở nên chấp nhận chúng một cách đầy đủ như mức ta có thể. Đón nhận những gì đang xảy đến, cả những gì chúng ta đang nghĩ và cảm, dù cho điều đó không thoải mái. Mặc dù thoạt nhìn có vẻ nỗi bực dọc được tạo ra bởi những điều mà chúng ta phản kháng, nhưng thực chất, nó đến từ chính sự phản kháng.Hơn nữa, phản kháng là biểu hiện nỗi bất lực của con người trước cuộc sống. Bao giờ sự phản kháng chấm dứt thì đau khổ của con người mới được trừ diệt.

Mỗi khi trong người cảm thấy có sự phản kháng, hãy nhìn vào thực tại và nghĩ đến “nó vốn như vậy” để tiếp nhận sự việc với tâm thái chấp nhận. Thật nhiệm mầu, khi không còn sự phản kháng, tâm chúng ta trở nên trong sáng và tính sáng tạo cũng bắt đầu trổi dậy, đồng thời tâm ta tràn đầy niềm vui và dễ cảm thông hơn.

Hãy mở rộng tình thương^

Trúc Lam.

Trong cuộc sống có biết bao trở ngại, ngăn trở chúng ta thực hiện một dự định gì đó. Có những điều tưởng chừng như vô lí nhưng đã mặc nhiên chấp nhận trong hành trình tìm kiếm một chút niềm vui trong cuộc sống. Có lẽ sẽ dễ chịu hơn khi những việc mình làm đạt được như những gì mình mong muốn, chẳng ai dại gì rước thất bại vào cho mình cả. Từ đó, ta sẽ có cái nhìn cảm thông hơn, và dang tay nâng đỡ những lầm lỗi mà bất cứ ai sai phạm, ngay cả bản thân mình cũng không nên khắt khe. Mỗi sai lầm đều có cái giá của nó, nhưng qua sai lầm, thất bại sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn.

Trong cuộc sống hiện nay, con người dường như luôn đố kị nhau, luôn có cái nhìn xét nét, không tin tưởng lẫn nhau. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội phát triển. Nếu xét cho kĩ, cũng do tâm ích kỉ cả. Nói như thế không có nghĩa là cuộc sống bản chất vốn dĩ như thế và không thể không chuyển dịch được. Thử nghĩ, chúng ta sẽ cô đơn biết chừng nào khi quanh ta không một ai? Chúng ta sẽ như thế nào khi một mình trên cõi thế gian này? Cuộc sống có mối tương quan của nó, không thể có được cái này nếu thiếu vắng cái kia, nói theo nhà Phật thì đó là nhân duyên, là duyên khởi. Khi chúng ta buồn thì chỉ buồn một mình, khi chúng ta vui thì thấy ai cũng vui. Khi buồn là lúc tâm hồn một người đang cần một tâm hồn khác an ủi và chia sẻ. Giải bày là một nhu cầu rất cần thiết trong cuộc sống của con người, nhất là cuộc sống ngày nay, một cuộc sống được viện dẫn là hiện đại, văn minh… mà sao ai nấy cũng sống trong lo âu, buồn giận. Con người hiện đại thường bị stress, luôn căng thẳng, lòng người không còn chỗ cho tình thương nẩy mầm, không còn chỗ cho gia đình khác tồn tại. Thiết nghĩ, nếu không có mọi người gia đình chúng ta sẽ sống với ai. Điều cốt yếu trong cuộc sống là tình người mà cấp độ dễ dàng nhận biết nhất chính là sự quan tâm lẫn nhau.

Tình người không cần định nghĩa, không cần một loại lí luận nào phân tích, mổ xẻ; nó cũng giống như Phật tánh của chúng sanh luôn sẵn có trong mỗi con người, nhưng mấy ai chịu đem nó ra trang trải với cuộc đời. Họ bảo thủ trong khuôn khổ gia đình, nhưng cũng chưa hoàn toàn hiểu hết giá trị của tình thương ấy; nhiều gia đình buông thả con cái, không quan tâm đến cuộc sống của nó như thế nào và hậu quả là xã hội phải oằn lưng gánh vác trách nhiệm giáo dục. Thật ra, quan tâm đến nhau là biểu hiện của tình người, vui với niềm vui của mọi người, đau buồn với những mất mác của đồng loại. Tại sao chúng ta không một lần dang tay cứu giúp một tâm hồn đang bị sa đọa thay vì xa lánh, mắng nhiếc nó. Thử một lần bị sa đọa mới thấy giá trị của lòng thương, sự quan tâm giữa con người với con người. Ở đây tình thương biểu hiện qua những cử chỉ nhỏ nhặt như một anh mắt, một nụ cười, một cánh tay dang ra…

Tinh thần từ bi của đạo Phật không xa xôi, dịu vợi như mọi người từng nghĩ, không phải giáo điều chỉ gói gọn trong phạm vi của những bậc tu hành. Tinh thần từ bi được hiểu theo ngôn ngữ dân gian đời thường chính là lòng người. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, quan trọng là chúng ta vận dụng như thế nào để ngôn ngữ ấy có giá trị trong thực tiễn của cuộc sống bằng hành động cụ thể. Quan tâm đến nhau để tâm hồn được ấm áp, để tin tưởng rằng cuộc sống này vẫn còn những giá trị nhân bản.

Trên hành trình của một đời người bất chợt nhìn lại những mất mát đau thương của bản thân, nhân rộng những đau thương ấy để thấy mọi người và ta cũng vì những thứ ấy mà khổ đau. Như thế rất cần sự ấm áp của tình thương của mọi người cho nhau. Đức Phật cũng từng dạy: “Không có giai cấp trong mỗi chúng sanh khi mà nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ”, chúng ta hãy phát huy những lời dạy của Ngài ngay trong cuộc sống thực tại này, áp dụng vào những sinh hoạt thường nhật để thấy từ lí thuyết đến thực hành không còn dịu vợi xa xôi nữa.


ẢNH HƯỞNG CỦA NGHỆ THUẬT HY LẠP LÊN NÉT ĐIÊU KHẮC BAN ĐẦU CỦA PHẬT GIÁO^

Quảng Anh

(Tiếp theo)

Các đặc tính khác của nghệ thuật Hy Lạp cũng tìm đường thâm nhập vào nghệ thuật hình tượng của Phật giáo, đó là Hy Lạp tôn sùng mỹ lệ nhưng khi La Mã chiếm đoạt Hy Lạp thì ý niệm mỹ lệ dần dần biến thể thành ý niệm về sự tàn tạ, hư hao. Trong nghệ thuật Gandhara, điều nầy có thể nhìn thấy qua pho tượng tạc đức Phật trong giai đoạn tìm đạo và tu theo lối khổ hạnh. Nghệ thuật Gandhara đã tạo ra một số tác phẩm mô tả giai đoạn hành xác nầy rất tượng hình với thân thể gầy đét, khuôn mặt già nua, xương sống xương sườn trên người lộ rõ.

Hình người không phải là vật duy nhất được chuyển đi trên đường Tơ Lụa mà hình ảnh sư tử cũng được phô bày trong nghệ thuật Gandhara nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng. Sư tử là hình tượng đã có từ rất lâu, trước cả nghệ thuật Hy Lạp nhưng sư tử được xem như biểu tượng thiêng liêng của con người thì là chuyện lạ lùng. Tại Gandhara, người ta tìm thấy những tượng hay cặp tượng sư tử khắc trên đá như là biểu tượng của đức Phật, hay của giòng họ đức Phật, của vua Asoka, của người Kushan, và hình ảnh sư tử đã theo đường Tơ Lụa tới Trung Hoa, rất thịnh hành vào thời nhà Đường tức là vào thế kỷ thứ 7, 8, 9 sau Tây lịch. Tượng sư tử được dựng ở đền đài, cung điện của thiên tử, sau biến thể thành Lân múa ngày Tết. Dĩ nhiên Trung Hoa không có sư tử mà hình ảnh con vật nầy trong văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ một loạt hình tượng của nghệ thuật Phật giáo tại Gandhara vốn chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, được chuyển đi tới lui qua lại trên đường Tơ Lụa.

Lịch sử của các thành phố ở Trung Á (Central Asia) ghi lại đặc tính khoan hòa cao độ. Một phần lớn có thể vì đây là những thành phố nằm trên đường giao dịch buôn bán, lòng cuồng tín tôn giáo không mang lại lợi nhuận, phần khác có thể vì nhiều người tị nạn chạy tới các thành phố nầy nên họ có khái niệm là óc tín ngưỡng hẹp hòi sẽ không đem lại lợi ích ấm no. Kết quả các cuộc đào xới, khai quật trong khắp vùng Trung Á cho thấy nơi đây hết sức khoan hòa về mặt tôn giáo, có mặt đủ mọi tín ngưỡng tại các thành phố nầy. Tính cách khoan hòa trên đây kéo dài trong một thời gian khá lâu, từ lúc các thành phố được tạo lập cho tới thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch, lúc mà ảnh hưởng mỹ thuật của Hy Lạp trở nên mạnh mẽ, sau đó kéo dài đến tận lúc Hồi giáo bắt đầu du nhập vào Trung Á, sự khoan hòa chấm dứt vào thời nhà Đường ở Trung Hoa tức là thế kỷ thứ 8 sau Tây lịch.

Trong khoảng thời gian rất dài nầy, các tôn giáo sinh hoạt cạnh nhau rất hòa thuận, hình tượng của các niềm tin khác nhau được nghệ nhân tạo nên, chẳng hạn như tượng nữ thần 4 tay ngồi trên lưng sư tử ở một nơi gần thành phố Samarkhan vào thế kỷ 7 sau Tây lịch. Mặt khác, mảnh thảm dệt cũng ở vùng nầy vào thế kỷ thứ 1 BC, mô tả các thần linh trong thần thoại Hy Lạp. Một mẫu vật khác do ngành khảo cổ tìm được là bức bích họa trên tường vào thế kỷ thứ 3 BC, đây là một phần của trọn bức vẽ dài với các hình tượng có đường nét hoàn toàn của La Mã, “La Mã” đến nỗi người ta tự hỏi có nghệ nhân La Mã nào lạc loài đến đây trong thời kỳ nầy để sáng tạo ra tác phẩm trên và tiếp tục tạc tượng, vẽ bích họa, đắp phù điêu theo đường nét của La Mã và Hy Lạp hay không?

Một chứng cớ của việc có nhiều tôn giáo hiện diện trong vùng được thấy ở 2 địa điểm khác của Trung Á, một nơi là Turfan, người ta tìm thấy vết tích của Thiên Chúa giáo lúc ban đầu với đồ vật mô tả tín đồ cử hành lễ Lá, nơi khác thì đào xới được tượng đẹp đẽ bằng đất sét của vị Bồ-tát đắp theo kiểu thức Kushan, tại Uzbekistan thì có những miếu thờ của đạo Phật, nói chung tôn giáo đã theo việc giao thương trên đường Tơ Lụa mà lan đi khắp nơi trong vùng. Tại Tây Ấn (thời nhà Đường ở Trung Hoa) vào thế kỷ thứ 7, 8, người ta dễ dàng tìm thấy nơi đó nhà thờ Thiên Chúa giáo, thánh đường Mosque của Hồi giáo, thánh đường Synagogue Do Thái giáo, miếu thờ của Khổng giáo, nói chung là các tôn giáo, niềm tin đều có mặt ở Tây Ấn, không chỗ nầy thì chỗ kia trong thành phố. Vì vậy không có gì ngạc nhiên là mỹ thuật Hy Lạp dưới hình thức nầy hay hình thức nọ, đã được truyền đi trên cùng lộ trình qua các hình tượng điêu khắc mọi loại hay ảnh hưởng đến nghệ thuật địa phương.

Nói chung thì việc lan truyền hình tượng Phật giáo ở các nơi xa xôi, một phần là do việc buôn bán theo đường Tơ Lụa, một phần là do các nhà sư từ Trung Hoa len lỏi vào các nơi xa xôi, ngược xuôi trên đường Tơ Lụa sưu tầm kinh điển. Thí dụ nổi tiếng nhất là ngài Huyền Trang thời nhà Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh, cuộc hành trình gian khổ nầy đã gợi hứng cho văn sĩ Trung Hoa viết nên chuyện Tây Du Ký. Tuy nhiên khi ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ 5 và sau đó là ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7, vào tới Gandhara thì đạo Phật và nghệ thuật Phật giáo đã suy tàn, biến mất ở nơi đây. Những vùng mà 2 nhà sư đi qua chỉ còn là phế tích hoang tàn của cộng đồng Phật giáo phồn thịnh khi trước, không còn chùa hay tự viện, không còn tăng sĩ, không còn nghệ thuật Phật giáo nữa, chỉ còn lại dấu vết, hình ảnh, tượng thờ tại Gandhara mà thôi. Nếu các nhà sư đầu tiên mang kinh điển Phật giáo vào Trung Hoa là người Kushan hay ngay cả người Parthian (Tây Hạ) là một bộ lạc ở vùng giáp ranh với Afghanistan và Pakistan, thì về sau nầy, các nhà sư Trung Hoa đi tới Kushan tìm Chân kinh, ngoài kinh điển, họ còn mang về nước các hình tượng như đàn tràng Mandala, tượng nhà sư, xâu chuỗi, nhưng trên hết vẫn là tượng đức Phật và đó là kiểu thức của mỹ thuật Hy Lạp. Chúng ta thử xem qua ảnh hưởng của mỹ thuật Hy Lạp như thế nào.

Trước tiên là tượng ngồi của nữ thần Hy Lạp với dáng điệu đặc biệt của đôi tay, 1 tay duỗi thẳng ra, 1 tay giơ lên cao, thong dong, thanh nhã, duyên dáng. Kiểu thức nầy được lập đi lập lại nhiều lần trong nghệ thuật Phật giáo, từ Trung Hoa sang tượng đồng của Triều Tiên, Nhật Bản vào thế kỷ 6 qua các tượng Quán Thế Âm hay vị Phật tương lai của đời sau là đức Di Lặc.

Kiểu thức khác đáng đề cập đến là tượng Phật tại Afghanistan vào thế kỷ thứ 6. Lúc ban đầu, đường nét của tượng thần Hercules và đường nét của các lực sĩ đã được dùng để tạc tượng đầu của đức Phật với nét mặt Tây phương như xương hàm rộng, gương mặt chữ điền, mắt sâu và mũi cao kiểu tây phương hay áo choàng dài cổ rộng và rũ xuống với những nếp gấp nhưng từ từ về sau, dù rằng đường nét của khuôn mặt đức Phật dần dà có nhiều nét Á châu hơn, nhưng đường nét Hy Lạp nầy vẫn được dùng cho các hình tượng khác của nghệ thuật Phật giáo như tượng thần Hộ Pháp, tượng chư Thiên...

Nghệ thuật Phật giáo tiếp tục nẩy nở ở Trung Hoa và Nhật Bản, khởi đầu từ mỹ thuật ở Gandhara rồi về sau, khi đường Tơ Lụa chấm dứt, cộng đồng Phật giáo dọc theo đường nầy tàn lụn và Phật giáo tại Trung Hoa bị cắt đứt với kinh điển ban đầu và mỹ thuật Phật giáo ban đầu thời Kushan, thì nghệ thuật Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản tiếp tục dựa trên kiểu thức của mỹ thuật Hy Lạp trong việc tạo hình tượng Phật giáo theo lý tưởng về mỹ lệ của Hy Lạp. Có nhiều hình tượng diễn tả ý niệm nầy, thí dụ như tượng đức Bồ-tát với đường nét uyển chuyển, tăng bào được tạc mềm mại uốn theo gió. Tới thời nhà Tống, từ thế kỷ thứ 10 -13, Phật giáo biến mất ở nơi phát sinh là Ấn Độ, đường Tơ Lụa hoàn toàn ngưng hoạt động, các thành phố trên đường nầy đã trở thành một phần của thế giới Hồi giáo và trong khi mỹ thuật Hy Lạp thời Trung Cổ bị lãng quên tại Âu châu thì mối liên hệ với mỹ thuật Hy Lạp vẫn được duy trì ở Trung Hoa và Nhật Bản theo cái lý tưởng về mỹ lệ thiêng liêng, về hình ảnh một thần linh mà bất cứ chúng sinh nào cũng có thể trở thành.

Hình ảnh một thần linh vừa thiêng liêng vừa trừu tượng vẫn còn sống động ở phương Đông. Cái lý tưởng của Hy Lạp về nét đẹp con người và nét đẹp thiêng liêng cùng với quan niệm của Phật giáo về cái đẹp đã gặp nhau, hòa hợp nhau tạo ra những hình tượng tôn nghiêm xinh đẹp như người ta nhìn thấy nơi các tượng Quán Âm bằng đồng làm vào thế kỷ thứ 12 đời Tống. Tóm lại, ý niệm về mỹ lệ thời cổ Hy Lạp trong một thời gian dài đã ảnh hưởng và tạo nên các hình tượng Phật giáo, một tôn giáo và một xã hội khác biệt, xa lạ với quan niệm của Hy Lạp. Đó cũng là điều thú vị khi mùa Thế Vận Hội khai diễn tại Athens, chúng ta có dịp nhớ về một thời đã qua trên con đường Tơ Lụa (Silk Road), nơi đó mỹ lệ của Hy Lạp ở phương Tây xa xôi đã ảnh hưởng đến mỹ thuật Phật giáo tận phương Đông.

(hết)

Hình ảnh và tài liệu tham khảo:

- Wood, Frances. The Silk Road, the Folio Society, London, 2002.

- Feltham, Heleanor. Bài thuyết trình trong cuộc triển lãm Treasures of Ancient Greecetại Bảo Tàng Viện PowerHouse Museum, Sydney, 2000.

- Cuộc Triển Lãm Buddha – Radiant Awakeningtại Viện Triển Lãm Nghệ Thuật Art Gallery of New South Wales, Australia, 2001.

Chú thích:

Hình 4:

PAKISTAN (Gandhara, thời kỳ Kushan), thế kỷ thứ 3 Tây lịch. Bức phù điêu diễn tả cảnh đức Phật trở về trái đất từ cõi trời Đao Lợi, với sự hộ tống của vị trời Đế Thích Indra (bên trái đức Phật, cầm chày biểu tượng của Sấm Sét) và Phạm Thiên Vương Brahma (bên phải đức Phật).

Hình 5:

PAKISTAN (triều đại Gandhara), Tượng Phật năm 150 Tây lịch. Tượng Phật nầy cho thấy ảnh hưởng của Hy Lạp – La Mã trên nét mặt và nếp gấp của bộ áo với bàn tay mặt đang biểu thị ấn Vô Úy abhaya mudra.

Hình 6:

PAKISTAN (Gandhara), Tượng Bồ-tát Di Lặc ngồi tham thiền, thế kỷ thứ 2 Tây lịch. Vật cầm nơi bàn tay trái của pho tượng có lẽ thay cho một bảo tháp là biểu tượng của đức Di Lặc.

Hình 7:

AFGHANISTAN (Gandhara), Tượng Phật vào thế kỷ thứ 6 Tây lịch. Đây là mẫu điêu khắc tượng Phật rất hiếm của thời cổ Gandhara mang đường nét Ba Tư (Iran) với vương miện trên đầu theo kiểu mẫu của vương quốc Ba Tư.


Khóa Lễ Thu ^

Vĩnh Thi

Đôi sen tay hé nụ

Em cười đẹp như hoa

Lời kinh nào em nguyện

Bằng trái tim thiết tha

Mùa thu dâng khóa lễ

Ngoài kia mây trắng bay

Thương màu hoa áo bạn

Hoen mi giọt lệ cay

Em quỳ xuống nơi này

Duyên từ muôn kiếp trước

Chuông Vu lan điểm nhẹ

Em dâng hết chân tình

Đôi tay như sen hé

Lòng kính thành như hoa

Nguyện người thương nhau mãi

Dù cuộc đời phong ba.


Đôi miền ngăn cách^

Mộng Yên Sinh

Con không biết, mẹ ơi! Con không biết!

Mãnh lực nào kéo mẹ bước ra đi?

Để lòng con sầu khóc hát chia ly

Vang vọng mãi tháng ngày, mưa nước mắt.

Lối mẹ đi, con nhớ rồi; lòng đất

Ủ ngàn năm mùa buốt giá trong tim

Dấu chân xưa nằm bất động im lìm

Hồn cỏ biếc rưng rưng tìm lối mẹ

Cỏ mơ ước trong lối mòn quạnh quẽ

Mẹ về đây tràn ngập bóng từ dung

Nhưng thời gian nối tiếp đến vô cùng

Mẹ xa vắng chưa về trên lối cũ

Con chờ đợi đến bao giờ mẹ hỡi!

Biết gì đâu? Con có biết gì sao?

Mẹ ra đi biền biệt tháng năm nào?

Để thương nhớ ngập dòng sông dĩ vãng.


Bụi Hồng^

Uyên Lam

Gió miên man lang thang từng góc phố

Ngõ trúc vàng quanh quẩn ánh trăng treo

Đêm hoang vu mơ mộng nắng qua đèo

Chợt lấp lánh hạt sương bay ngọn cỏ

Nơi góc phố bụi đường trần chưa tỏ

Phố lao xao ôm lấy mảnh vai sầu

Đời gầy guộc còn đâu làn tóc xỏa

Mắt nhạt nhòa cuốn lẫn bụi hồng bay.


Trầm Tích^

Ngọc Hân

Ta thuyền nhỏ đi vào con sóng dữ

Quay quắt giữa cường triều dũng mãnh tự ghềnh cao

Có phải năm xưa nghe tiếng gọi sông hồ

Quên con nước, một chiều thấp cao sóng áo

Đêm từng đêm âm ba nào vẫn đầm đầm vỗ nhịp

Một điệu huyền vang vọng lời kinh xưa

Cất tiếng ca, sao lạc điệu sông hồ

Sương nhớ khói, thuyền nhớ trăng nước nguồn thuở ấy

Xiêm áo mùa Thu mênh mang màu phổ độ

Ta cúi đầu bên bóng cả ghềnh non xưa

Biển chiều nay xin mượn triều hoa sóng bạc đầu

Vùi thuyền nhỏ mai nầy dấu sương phai trầm tích cũ.


Hạt bụi ca^

Thông Nhã

Biết đời mình rong rêu

Thì ngại gì mưa nắng

Biết nẻo về tang trắng

Ngại gì bàn tay không.

Đứng trước ngọn gió đông

Cười cành hoa năm cũ

Đôi khi mình du thủ

Để thấy mình mênh mông.

Biển dẫu động ngày đêm

Sóng tan về với nước

Ta một đời xuôi ngược

Thoảng bóng gầy khôn nguôi.

Nay mượn thân cát bụi

Sống trọn kiếp phù du

Bước ngang bờ hư thực

Ca lên lời thiên thu.


Hành trình^

Quang Tuệ

Vẫn tiếp tục cuộc hành trình bất tận

Và giã từ-Phải giã từ em thôi

Trả về em đôi mắt mộng xa xôi:

Em thấy sóng cứ bảo là biển thẳm.

Trả về em chiếc môi xinh ươm mộng

Chỉ nói lời không thực-Rất đong đưa!

Trả về em đôi tai nghe mà không lắng:

Những tung hô-khen tặng với xô bồ!

Và còn nữa-đôi tay em-Ta trả lại

Chỉ muôn đời tìm xúc chạm nhung êm

Ta bây giờ trở nên người hỗn độn

Một lần đi không nhập cuộc bao giờ.

Em đừng nói hôm qua hay mai mốt

Chẳng có thời gian thì em chớ phân chia

Chỉ tại chúng ta đang trên xe quay tít

Và chính ta tự quay tít như xe .

Dừng cuộc lữ là khi xe dừng bánh

Và tự ta cùng dừng lại như xe

Vượt ra khỏi thì an bình có mặt

Ta đang là cùng vũ trụ hòa ca.

Bụt gọi sáng nay^

Từ Niệm

Nắng ấm lên rồi

Gọi cánh bướm về

Bên vườn hoa cỏ dại

Chim dậy hót ca

Trong rừng thông gió thổi

Bước thiền hành in dấu ấn nguyên sơ

Hương cỏ thơm phảng phất thoáng qua hồ

Tất cả ấy như bàn tay Bụt gọi.


Ráng chiều^

Thiện Nguyên

Đường quê xao xác lá, cảnh chiều thật yên bình. Những chiếc lá cuốn mình theo ngọn heo may hờ hững như nhắc rằng mùa thu đã đến thêm một lần. Khói lam từ những mái nhà tranh tỏa lên không gian một mùi cay cay dễ chịu. Chiều như xuống nhanh hơn.

Nhấn mạnh bàn đạp, Hương như muốn thâu ngắn quãng đường để với em. Trán nàng lấm tấm mồ hôi, vạt áo bạc màu tung theo gió, tia nắng cuối ngày le lói, bóng Hương trải dài liêu xiêu.

Nghe tiếng xe đầu ngõ thằng Cườm đã reo lên.

- Hoan hô chị hai về.

Hương bế thốc em đặt em lên yên xe, thằng Cườm khoái chí nổ máy miệng gừm gừm, nhọc mệt như tan trên gương mặt rạng rỡ của cô gái đang tuổi tròn trăng.

- Em đã học bài chưa?

- Dạ rồi.

Câu nói nhắc Hương sống về với bao kỷ niệm, một năm thôi nhưng nó theo người đi mãi, ngày ấy những lần từ chợ về, mẹ chia bánh cho hai chị em, cũng hỏi như vậy. Rồi một buổi chiều, mẹ về nhà kêu nhức đầu, Hương thay mẹ chăm sóc em, nào ngờ, phải thay luôn đến bây giờ. Khóc không còn nước mắt trong ngày đưa tang mẹ. Cảnh nhà côi cút càng khốn khó hơn, năm tháng cơ cực cứ thế trôi đi.

Hương nối nghiệp mẹ nhận rau đi bỏ mối, vật lộn với chiếc xe đạp cũ, ngã không biết bao nhiêu lần mới điều khiển được. Và Hương như lớn lên từ đó.

- Chị hai ơi! Em đói rồi.

Câu nói của em kéo Hương quay về thực tại, bữa tối được dọn ra. Nén nhang từ tay thằng Cườm tỏa mùi dìu dịu, đó là thói quen chị em tập cho nhau từ ngày tang tế. Lắm lúc cu cậu chiếu lệ nhưng ánh mắt nghiêm khắc của chị đã huấn luyện cậu thành nếp.

- Mời mẹ về ăn cơm.

Đôi mắt người quá vãng mỉm cười trước tấm lòng con trẻ, hình như đằng sau nụ cười buồn ấy là nỗi ái ngại tràn ngập thương yêu. Những khi em đòi mẹ, hai chị em khóc như nhau, để dỗ em Hương bảo mẹ chưa về nhưng nước mắt cứ rơi. Ba chén cơm gạo cũ, bát canh rau sau vườn, chén nước tương thiếu gia vị, thực khách là hai người chưa kịp lớn. Đứa nhỏ không quen đòi ăn sướng, đứa lớn chưa thể làm khá hơn, hình như số phận cũng để dành một chút may mắn cho hai sinh linh bé nhỏ ấy, họ khỏe mạnh trước khắt khe của cuộc đời.

- Cườm ăn nhanh lên chút nữa chị cho lên chùa chơi.

- Thiệt hôn. Cườm sáng mắt.

- Em làm xong bài tập rồi, chị hai hứa hén.

- Thiệt mà nhanh đi.

Bát cơm sạch veo, với Cườm như thế là sướng nhất. Lên chùa có bạn chơi chung, được học hát, học trò chơi, mà thích nhất là những trái chuối vàng ươm ngọt lịm. Nhưng hôm nay cậu phụng phịu:

- Em không có áo mới, anh Nam có áo đẹp lắm chị may cho em một cái đi.

- Ngoan rồi chị may cho. Hương đấu dịu.

Lòng chị như thắt lại, không nỡ lừa em nhưng biết làm sao. Lo ăn đã khó nữa là. Nghe nói vậy thằng Cườm nhảy tưng tưng. Nhìn lại mình, chị cũng thấy ái ngại khi đến chỗ đông người, áo của mẹ để lại cũng đã ngã màu, áo của chị đã mặc qua nhiều nước.

Trăng tháng bảy nhuốm mây thu bàng bạc, bọn trẻ nhiệt tình ca hát, Hương chìm trong những lời cầu nguyện kính thành.

Khóa lễ Vu lan được tổ chức như thường lệ. Chùa nghèo, không có thầy, bà con ai có thứ gì cúng thứ đó. Dân quê lam lũ quanh năm chỉ những ngày như vậy họ mới nghỉ tay về chùa lễ Phật. Mọi người tập niệm Phật, chắp tay chào nhau đôi khi còn luống cuống vụng về, nhưng thế đã là quý lắm, sương nắng mòn vai làm sao có thì giờ học hỏi. Hương chấp tay theo mọi người, chị đặt trọn niềm tin cầu nguyện cho mẹ cha… trên áo chị đóa hồng trắng đang ngự trị, lòng chị nhói đau, một đôi ánh mắt ái ngại chợt nhìn, chuông chiều điểm nhẹ lan xa. Mùa hoa nay thay màu và chị hiểu rằng nó theo chị đến suốt đời; chị gọi trong tiếng nấc… mẹ ơi và dòng lệ không ngăn nổi.

- Mẹ ơi! Chúng con ra thăm mẹ.

Hai chị em quỳ trước mộ thì thầm. Cỏ một năm đã um tùm trên nấm đất. Mờ mờ sau màn khói, Hương bảo em thắp thêm nhang cho những ngôi mộ xung quanh. Chiều nghĩa trang đìu hiu gió, hai con người côi cút lom khom.

Ráng chiều ửng ở phía Tây, bóng hai chị em xiêu xiêu trải dài trên những nấm mộ mấp mô.

Thoáng suy tư^

Trí Đạo

Mùa phượng nở quê mình năm nay con không còn nhặt ép vào tim những trang sử có mẹ trong đời.

Mẹ ơi! Nơi phương xa con nghe tim mình hối hả, bởi Vu Lan mùa Báo hiếu lại về. Mùa lễ này con không được nhìn thấy mẹ, đang hao gầy với khuôn mặt qua nhiều nếp nhăn vì năm tháng gia đình mình nghèo khó. Con rời xa nhà đi theo tiếng gọi tỉnh thức, để tìm về món quà Chân như dâng tặng mẹ trong uyên nguyên dòng giác thuở nào.

Mẹ ơi! giữa hai bờ mộng - thực của cái quán trọ đời này, nào ma mỵ xảo thuật, nào cố chấp cường quyền. Con mông lung khiếp đảm như lạc đi phương hướng, nào biết đâu là lẽ huyền diệu của Phật đà. Có những đêm con suy tư thổn thức, huyết lệ tràn mà chẳng thót thành câu. Hiếu đạo kiếp này phải chăng con là kẻ vong ân thất nghĩa, hoang phí một đời mà chân tướng vẫn là kẻ phàm phu.

Mẹ ơi! Con vẫn biết mẹ ngày đêm mỏi mòn đợi ngày con trở lại, dù chỉ là giúp mẹ luồng chỉ qua kim tay bé nhỏ. Mẹ vẫn ngồi khâu cái áo cũ thuở nào con hay mặc. Mắt mẹ yếu dần vì thời gian hay nhìn nơi xa mong chí nguyện con thành tựu. Dầu cách trở quan san, nghìn trùng nơi viễn xứ, con vẫn luôn hoài niệm mẫu từ và thành tâm thắp nén hương lòng cầu nguyện hồng ân sắc tứ, mẹ vẫn luôn an lạc và hiện hữu trong con...


Bài ca cho con^

Tusita

À ơi… tiếng mẹ nhẹ nhàng,

Mênh mang mở lối thiên đàng cho con.

Một sự lựa chọn tự nhiên, ngay tức khắc của lí trí và trái tim con người về bài ca đầu tiên hay nhất thế gian: Bài hát ru.

Và mẹ chính là người thầy dạy nhạc, dạy yêu thương đầu tiên cho mỗi người. Bài ca cho con của mẹ vì thế mang những sắc thái độc đáo riêng biệt. Trước nhất nó gắn liền với ngôi nhà thân thương của mỗi chúng ta nên nó còn mang nặng cái hồn quê hương xứ sở. Sau nữa, nó còn là những lời hát trĩu nặng tâm trạng trong một mối quan hệ gần gũi, ấm áp, thiêng liêng: Mẹ-Con. Sữa mẹ thì nuôi phần xác, còn lời hát nuôi phần hồn. Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con bằng ngôn ngữ của trái tim. Lời lẽ vì thế đầy trìu mến yêu thương:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…

Rồi người mẹ âu yếm dỗ dành với lời lẽ chất phác nhưng chân tình sâu sắc như tấm lòng của mẹ:

Ru con con théc cho muồi

Mẹ đi chợ Truồi mua bánh con ăn.

Lời hứa gợi niềm vui chờ mẹ đi chợ về, trước và trong giấc ngủ là một sự chờ đợi thật thú vị: thấp thỏm nhất, háo hức nhất, hạnh phúc nhất. Và sau giấc ngủ sẽ là gặp gỡ, mừng vui. Trong vòng tay êm ấm của mẹ, cả một thế giới thần tiên hiện về chập chờn quanh trẻ. Cùng với lời hát ru, mỗi động tác vỗ về khi nhanh, mạnh khi đều đều, chậm rãi, êm dịu v.v… đều gởi gắm không chỉ tình yêu mà còn cả nỗi lòng. Đứa trẻ mặc dù chưa thể hiểu, nhưng người mẹ vẫn coi con là chỗ tựa, là người bạn tin yêu nhất, là nguồn sức mạnh để người mẹ sẵn sàng đương đầu với những cơn phong ba bão táp của cuộc đời:

Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Đường học của con thì nhiều hoa thơm trái ngọt, còn đường đời của mẹ thì thật lắm chông gai. Nhưng mẹ sẵn sàng đánh đổi để cho con luôn có được bầu trời hạnh phúc. Và vì thế lời hát ru của mẹ không chỉ chất chứa bao nỗi đắng cay mà còn truyền cho con tình yêu, niềm tin và nghị lực. Trong guồng quay vô tận của thời gian, những vất vả, đoạn trường của mẹ cứ chất chồng đến nghiệt ngã:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ vừa năm…

Thế nhưng lời ru con thì mãi mãi mang giai điệu êm ái. Bao nhiêu sóng gió của cuộc đời đã được mẹ nén chặt trong lòng để bày lên mặt hồ phẳng lặng những tháng ngày đầy mộng đẹp cho con. Không có gì có thể lý giải nổi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng phi thường ấy, ngoài tình thương con của mẹ. Đây chính là “huyền thoại mẹ” trong hát ru. Gọi là huyền thoại vì sự kiên nhẫn và sức chịu đựng ấy âm thầm mà thật khổng lồ, đẹp và lung linh lắm! Trong ý nghĩa này hát ru cũng là lời đánh thức mọi lãng quên.

Cuộc đời mẹ lắm đắng cay. Lời ru của mẹ vẫn ngọt ngào cho trẻ ngủ. Âm điệu lời ca giúp trẻ ngủ sâu, còn mẹ thì vẫn thức, thức cho những nỗi niềm không bao giờ vơi cạn:

Khóc làm chi hài nhi con hỡi

Cha con rày bạc ngỡi thì thôi

Hỡi chàng chàng ơi, hỡi chồng chồng ơi

Sao tệ bấy hỡi chàng, sao tệ bấy hỡi chồng?

Trong biển đời đầy bất trắc, cũng có khi lỡ bước sa chân, bài ca mẹ cho con còn là lời nhắn nhủ lẽ sống thanh cao:

À ơi…Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Nếu phải chọn một trong hai cái chết, người mẹ sẵn sàng chọn cái chết trong sạch để cho đàn con không đau lòng trong tủi nhục. Không chỉ nuôi dưỡng hình hài, mẹ còn chú trọng hun đúc cho con cái phần thiêng liêng, hoàn mỹ nhất trong cõi tinh thần: PHẨM CHẤT CON NGƯỜI. Con người có thể chết chứ quyết không thể nhục.

Rõ ràng, hát ru là tượng đài bất tử của lòng mẹ, tình mẹ. Tình thương con đã giúp những người mẹ vượt lên mọi hoàn cảnh, nỗi đau, sống cho con, vì con. Bài ca cho con, vì thế phải xem là nước mắt, là máu…

Lời ru của mẹ vốn đã hay lại được bao bọc trong ánh sáng thiêng liêng của tình mẫu tử nên càng lung linh, vi diệu. Nhân loại trong cuộc hành trình vạn kỷ để tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng, chắc chắn trong hành trang của mỗi người sẽ luôn cần có những lời hát ru, bởi vì:

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Nguyễn Duy)

THIỀN SƯ QUẢNG NGHIÊM và BÀI KỆ CUỐI ĐỜI CỦA NGÀI^

Phước Tâm

I. Vài nét tiểu sử và xuất xứ

1- Vài nét tiểu sử

Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190), thuộc thế hệ XI của thiền phái Vô Ngôn Thông, quê ở Đan Phụng, họ Nguyễn, sống vào thời Lý. Phụ thân mất sớm, Ngài theo cậu là Bảo Nhạc thọ nghiệp, từ đây tâm Bồ-đề được soi sáng.

Khi nhân duyên đã tròn, Ngài được nghe Trí Thiên giảng đạo ở chùa Phúc Thánh tại Điển Lãnh, rồi sau đó tu tập ở chùa Tịnh Quả, Trung Thụy, Trương Cánh.

Trải qua quá trình công phu, học vấn, Ngài ngộ lý Thiền tông nhân chuyện hai vị tôn túc là Đạo Ngộ và Tiệm Nguyên. Nghe nói đệ tử của Ngài nhiều lắm. Hôm nọ có đệ tử tên là Thường Chiếu (?-1203) nêu kinh Kim Cang hỏi:

- Pháp Như Lai liễu tri, pháp này không thật, không hư, vậy đó là pháp gì, thưa sư?

- Sư rằng: Con đừng có chê khéo Như Lai.

- Thường Chiếu đáp: Sư đừng có chê khéo lời Kinh.

- Sư hỏi: Kinh con nói đó là do ai nói ra thế?

- Thường Chiếu đáp: Thưa sư, sư đừng mãi hoài đùa giỡn với con, há chẳng phải Như Lai dạy sao?

- Sư biện luận: Nếu quả thật Như Lai nói ra, tại sao trong kinh khác lại dạy rằng: “Nếu nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là phỉ báng Như Lai rồi!”?

Thường Chiếu khựng miệng, không nói một lời.

Với những câu hỏi tương tự như vậy, Sư đều trả lời một cách rất hay, và thường làm cho đối tượng nghi vấn bừng ngộ sau lần tham vấn.

2- Xuất xứ bài kệ

Cùng với dòng thời gian trôi chảy ấy, cho đến một hôm, nhằm vào ngày rằm tháng 2 năm Canh Tuất, Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 (1190), Sư cảm thấy thân tứ đại của mình sắp tan rã, và cũng cảm thấy những gì cần làm đã làm xong, Sư chậm rãi gọi môn đồ đến căn dặn và khích lệ. Ngay lúc này đây, lúc mà chỉ còn vài ba hơi thở nữa là xem như chấm dứt một cuộc đời, thế mà Sư vẫn thản nhiên, ung dung như không hề có biến động gì, thảnh thơi đọc lên tôn chỉ đạo Thiền. Từng tiếng thanh thoát nhẹ rơi, đọng lại giữa không gian mênh mông, in sâu trong cõi lòng nhân thế:

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.”

(Lìa tịch mới bàn đến tịch diệt,

Được vô sinh sau bàn vô sinh

Làm trai lập chí xông trời thẳm,

Theo bước Như Lai luống nhọc mình).

Nói xong, Sư chắp tay ngay thẳng rồi ra đi, thọ 69 tuổi. Bằng Công làm lễ hỏa táng, dựng tháp thờ phụng.

II. Mạn giảng bài kệ

1. Cảnh giới Niết-bàn

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.”

Nghĩa là: Xa rời ham muốn lên cõi Niết-bàn rồi mới (có thể) bàn chuyện Niết-bàn, sau khi sinh vào cõi Vô sinh, mới nói đến Vô sinh.

Niết-bàn hay tịch diệt là chỉ cho sự vắng mặt (absence) và tắt ngấm (extinction) của các danh-tướng dục vọng (Trái tim của Bụt - Thích Nhất Hạnh). Theo quan niệm đạo Phật, hành giả nào muốn tri nhận trọn vẹn về Niết-bàn hay Tịch diệt, thì điều đầu tiên và cũng là điều then chốt nhất là hành giả ấy phải xa lìa những ham muốn đang tiềm tại trong tâm thức của mình. Tại đây, hành giả mới có thể cảm nhận được mùi vị của Niết-bàn. Nghĩa là, khi hành giả thênh thang từng bước đi về phía trước của cuộc đời mà ngũ căn vẫn bình yên, vẫn không đắm nhiễm ngũ trần, thì nghĩa lý nhiệm mầu nấp sau lớp vỏ mang tên Niết-bàn ấy sẽ nói lên tất cả những điều hành giả muốn quan tâm về nó. Cũng vậy, được thác sinh vào cõi Vô sinh, mới có thể nói đúng nghĩa về Vô sinh. Rõ ràng, đấy không phải là một triết thuyết trừu tượng mơ hồ hay suy luận bừa bãi, mà đấy chính là thực nghiệm sống. Thực nghiệm sống ấy vừa mang tính khoa học, vừa mang tính siêu khoa học. Tại sao người viết lại nói như vây, bởi vì nếu như khoa học xác nhận bản chất của một vật gì đó bằng con đường quan sát, lý luận, chứng minh, kiểm nghiệm thông qua trung gian ngũ quan, thì cái biết của đạo Phật không chỉ dừng lại ở điểm đó (như cái thấy dựa trên căn bản của Không tính, Vô ngã, Duyên khởi…tức cái thấy thuộc Tục đế) mà còn có sự hiểu biết rốt ráo tự thân của thực tại qua cảm nhận trực giác - con đường nhận biết nhanh nhất và chính xác nhất, không cần phải mày mò, suy luận gì cả. Như ăn một ly chè, bạn có thể trực tiếp cảm nhận được vị ngọt của nó mà không cần phải suy luận như kẻ ngoài cuộc. Suy luận về ly chè thì hoàn toàn không phải là ly chè như chính nó mà là quan niệm về nó. Quan niệm về nó thì khác với chính nó. Cái thấy ở đây là vượt ra ngoài tầm hiểu biết của loài người, vượt ra ngoài khuôn mẫu của mọi khái niệm; nó thuộc Chân đế, bất khả tư nghì.

Chân đế hay cái thấy trực giác - nhà Thiền gọi đó là: “ dĩ tâm truyền tâm”, có thể như vậy - là một con đường phi logic, siêu khoa học. Cảnh giới Niết-bàn, Tịch diệt hay Vô sinh chỉ có thể được luận bàn đúng như thực tại khi hành giả bước vào gội tắm trong dòng nước vô ngôn đặc biệt ấy. “Tự vô ngôn nghe tiếng nói nhiệm mầu, nguồn giao cảm ta nhờ tâm nhận hộ.” -thơ, Tuệ Nguyên. Tương tự như ví dụ về ly chè, ta thấy rõ rằng, nếu như hành giả muốn tri nhận bản chất của múi cam, múi quýt một cách chính xác, tốt nhất đừng nghe người ngoài cuộc nói lại hay bàn về, mà hãy đích thân nếm chúng. Bởi vì, các khái niệm mà người ta nói lại hay bàn về chỉ là lớp vỏ lộng lẫy được xây dựng trên chính quan niệm của anh ta mà thôi. “Cái nhìn chụp phủ lên sự vật những gì của nó, và nó mãi mãi chỉ thấy sự vật bị chụp phủ, mà không phải là sự vật như thật” - Cái nhìn, Thích Chơn Thiện. Còn Carl Jung, một nhà phân tâm học của thế kỷ 20, thì nói: “Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là”.Người ta hay nhìn sự đời qua khối lượng kiến thức đã được lượm lặt hoặc qua cõi lòng rung động đã được hình thành từ trước, nên sự đời thường bị méo mó đi nhiều:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đau bao giờ”

(Nguyễn Du).

Chân lí thực tại là vĩnh hằng, tròn trĩnh, châu biến; không thể dùng văn tự phô diễn đúng về nó được. Khi đề cập về vấn đề này, trong tác phẩm Thực Tại Tánh Không của Thích Tâm Thiện có đoạn viết: "Chân lí tự thân nó là bất khả thuyết, những gì chúng ta nói về chân lí đều không phải chân lí chính nó. Cũng như yêu thương, chúng ta nói về nó, nhưng những gì chúng ta nói về yêu thương, thì không phải sự yêu thương chính nó… Thực chất yêu thương (nó) không phải ở trong lời nói, mà trái lại nó chỉ có thể biểu hiện trong yên lặng và trong hành động mà thôi.”Như vậy, từ câu kệ mở đầu, Thiền sư đã dẫn chúng ta trở vế sống trong giây phút hiện tại; rằng, chớ hoài công tìm kiếm một định nghĩa chính xác, tận cùng về Niết-bàn. Khi nào đạt tới rồi sẽ hay! Lời dạy ấy phảng phất mùi thiền, gợi nhớ trong ta đoạn kinh Phật thuyết (tuy không giống hẳn, nhưng xét về chiều sâu của nó, thì không khác, đặc biệt là ở chỗ, muốn nhận biết về sự kiện, sự vật gì, cần thắp lên ánh sang của chánh kiến và chánh niệm nơi tự thân): “Này chư vị Kalamas, đừng vội tin theo truyền thuyết, truyền thống, cũng đừng vội tin theo những gì người ta thường nói hay uy quyền của kinh điển, cũng đừng theo các lí luận siêu hình hay các lời suy diễn, hoặc do thích thú một số học thuyết quan điểm, hoặc vì cảm phục tài đức một bực đạo sư. Nhưng đúng hơn, khi nào chính chư vị nhận xét: ‘các pháp này là bất thiện, đáng chê trê trách, bị người trí chỉ trích và nếu được thực hiện sẽ đưa đến bất hạnh, khổ đau’, thì này chư vị Kalamas, chư vị hãy bác bỏ chúng.

…Và khi nào chính chư vị nhận xét: ‘các pháp này thuần thiện, đáng được chấp nhận, được người hiền trí tán than và nếu được thực hiện, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, thì này chư vị Kalamas, chư vị hãy chấp nhận chúng”. (Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

Tuy nhiên, tại đây, điều đáng ghi nhận là: Cái biết đúng đắn chính nó, đòi hỏi hành giả phải hòa nhập trong bản thân của nó; nơi đó phải mách bảo cho hành giả toàn bộ “cái tự nó”. Rõ ràng, bài kệ đặc biệt nhấn mạnh đến kinh nghiệm thực chứng, thể nhập thực tại. Đây chính là trạng thái của Niết-bàn hay tịch diệt. “Trạng thái ấy các người không nên nỗ lực tìm kiếm để đúc kết thành định nghĩa, khái niệm, càng không nên chứng minh gì cả, khi nào đạt đến rồi sẽ rõ. Hãy trở về với thời khắc đang là này”. Người viết có thể mạo muội diễn tả thâm ý của Thiền sư là như vậy.

Con đường chuyển hóa để sau này hay tại bây giờ chứng ngộ là gì? Chúng ta hãy tiếp tục khảo sát và biện minh qua hai câu kệ tiếp theo.

2- Con đường đưa đến Niết-bàn

“Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”.

Nghĩa là: Nam nhi phải tự mình có cái chí vượt thoát tới trời cao, đừng đi theo bước đã đi của Như Lai.

Thiền sư Quảng Nghiêm cho rằng chí khí của bậc nam nhi quân tử phải là siêu thoát tới chân trời cao rộng, tâm hình dị tục, biết vượt qua mọi chướng duyên, nghịch lí và mọi chuyện tầm thường ở đời. Cái chí này không như cái chí nam nhi mà Nguyễn Công Trứ đã từng nói: “Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” ( Chí Nam Nhi). Ở đây, chúng ta nên hiểu hành động “xung thiên chí” của Thiền Sư Quảng Nghiêm là một quyết tâm dũng mãnh, nhằm đoạn sạch các nguyên nhân đưa đến khổ đau. Có lẽ, “chí xông trời thẳm” ấy là cách nói khác của giai trình tự phấn vươn lên trong quá trình tu tập của tự thân; khẳng định bản tính CÓ-THỂ siêu việt đang tiềm ẩn trong con người. Nếu như “Chí nam nhi”của Nguyễn Công Trứ đặt nặng ở bình diện Tướng, thì “chí nam nhi” của Thiền sư lại đặt nặng ở bình diện Tính. Hãy gạt bỏ những ham muốn tầm thường ở đời, hãy theo dõi, ý thức những gì đang diễn ra trong dòng tâm thức của chính mình, hãy luôn lập chí nguyện và nuôi dưỡng lí tưởng xuất thế. Toàn bộ điều đó có thể gọi là “chí nam nhi” của Thiền sư, cũng có thể gọi đó là “chí nam nhi” của những người ấp ủ chí nguyện “huýnh thoát trần thế”.

Tâm không vướng cảnh, thì cảnh đâu đeo đuổi tâm. Chỉ vì tâm bám víu cảnh, nên con người mới sinh ra khổ đau. Sự thật là như vậy, thế nhưng chúng ta cứ lầm tưởng khổ đau như là do ngoại giới nhúng tay vào. Khác với thế gian, người học đạo Thiền luôn ý thức được rằng hạnh phúc hay đau khổ đều bắt nguồn từ con tim nhạy cảm, nhiệm mầu, khó hiểu này. Không những có thế, người học đạo Thiền còn phải luôn hiện hữu tâm tự lực cánh sinh, định tỉnh bất động trước những cám dỗ của chợ đời, như:

“Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

(Nhạn không để dấu ở lại,

Nước chẳng lưu bóng làm chi).

Ở đây, “xung thiên chí” cũng chỉ để diễn đạt phong thái trượng phu mà thôi. Không bận lòng với những nghĩa cử mà mình đã làm, cứ tiếp tục bước trên con đường mà mình đang đi. Đấy cũng chính là tinh thần vô trước mà kinh Bát Nhã đề cập.

Trong câu kệ thứ ba, Thiền sư có nhắc tới khái niệm về Thiên (trời); rõ ràng đấy không phải là Sư lẫn lộn tư tưởng giữa đạo này với đạo khác, mà đấy là chỉ cho sự chứng ngộ cao nhất, tức Niết-bàn. Trong hệ thống kinh điển Phật giáo, Như Lai có bàn tới chữ này, như cụm từ “thiên nhãn thông” chẳng hạn. Thực ra, chữ “thiên” này xuất xứ từ quan niệm của Bà-la-môn giáo. Theo quan niệm của Ấn Độ lúc bấy giờ, Thiên được xem như là tối thượng, không thể lấy bất kỳ thứ gì để so sánh. Có lẽ, tùy thuận căn cơ chúng sinh nên Như Lai đành mượn chữ này để diễn đạt cái thấy cao nhất trong các cái thấy. Rất có thể do ảnh hưởng lối trình bày đó, cho nên Thiền sư đã quan niệm về Thiên cũng như vậy; ngoài nghĩa này, không còn nghĩa thứ hai. Cụm từ “xung thiên chí” đã thể hiện rõ bản lĩnh siêu việt của Ngài - một vị Thiền sư hăng hái, mãnh liệt, tràn đầy niềm tin vào tự thân; chỉ có tự thân mới có thể giải quyết được tất cả những uẩn khúc trong cuộc đời. Sinh tử hay Niết-bàn, khổ đau hay hạnh phúc cũng chính là do tự thân của mỗi người quyết định chứ không do một tha lực nào khác. Đó cũng là sự chiến đấu dũng cảm giữa nội tâm và ngoại cảnh.

Bằng bất kỳ con đường nào, bạn có thể vượt qua 12 nhân duyên, không bị ngoại cảnh chi phối, hay có thể đốt cháy những tàn dư của dục vọng đang ẩn dấu trong cõi lòng, thì lúc đó bạn không cần giẫm lại con đường mà Như Lai đã từng đi qua. Căn tính chúng sinh có sai biệt, mỗi người một vẻ, do đó không thể in ra một bản sao giáo dục, tu tập nhất định để áp dụng cho tất cả mọi người. Nhà giáo dục vĩ đại phải là nhà giáo dục có cái nhìn quán triệt, chính xác về đối tượng giáo dục, như biết đối tượng đó như thế nào (tính tình, sở thích, năng khiếu…) rồi từ đó trực tiếp tùy bệnh cho thuốc. Được như thế mới là phương pháp giáo dục tuyệt đỉnh.

Ngày nay, các nhà giáo dục dựa trên quy luật phát triển tâm - sinh lí của con người đã đúc kết thành một số mô hình giáo dục nhất định cho từng lứa tuổi; tuy nhiên, sự giáo dục đó hoàn toàn không mang tính triệt để như phương pháp giáo dục vừa được trình bày trên. Thế nhưng muốn đạt được phương pháp giáo dục ấy, hay nói cách khác muốn nhận diện đối tượng một cách chính xác, tốt nhất hành giả phải có cái nhìn “như thị”, cái nhìn trực giác, biết rõ đối tượng đang khao khát gì, thiếu thốn gì, rồi thình lình thả một công án giữa hư vô, đột nhiên đối tượng bừng ngộ. Thật ra, sự bừng ngộ này không phải là ngẫu nhiên, mà đó chính là giọt nước cuối cùng được đổ đúng lúc và đúng chỗ - người viết có thể hình dung sự bừng ngộ ấy là như vậy. Pháp môn thiền là đốn siêu cửa ngõ phương tiện, chủ yếu là thông qua con đường trực giác “dĩ tâm truyền tâm”, tự thân áp dụng linh động phương pháp tu hành sau khi thâm hiểu Phật pháp. Tinh thần phá chấp ấy không phải như lời ông Vũ Tiến Quỳnh nhận xét khi ông bàn về bài kệ này trong quyển Văn Học Trên Những Chặng Đường Chống Phong Kiến Xâm Lược: “Bài kệ của sư đọc cho môn đồ trước lúc chết đây là lần thứ nhất trong thiền gia Việt Nam có một thiền sư có tư tưởng hoài nghi với cái đạo của mình tôn thờ”.Trong một bài viết khác, cũng thuộc tác phẩm này, lại phê bình: “Đã đi tu mà ca ngợi chí xung thiên và xem thường con đường Phật đã đi như một thứ đường mòn già đó, thì thật quá lắm. Tư tưởng đó không phải ý tứ phóng túng của một vị thiền sư…”

Để đánh tan những nhận xét thiếu tính minh tường và thẩm thấu của những học giả nói trên, chúng ta hãy dẫn chứng một vài vần kệ và lời dạy liên quan. Những vần kệ và lời dạy mà chúng ta thường bắt gặp trong thơ thiền sau đây, sẽ làm rõ giá trị bất hủ và tính sáng tạo vô tận của nó.

(còn nữa)


Chuyện tiền thân : BÙN NÀO LÀM UẾ ĐƯỢC PHA LÊ !*^

Quang Sơn

Tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện về việc các tu sĩ ngoại đạo đã thuê người sát hại cô Tôn-đà-lợi (Sundarī).

Thời bấy giờ, dân chúng rất kính trọng đức Phật. Sự kính trọng này giống như năm con sông đổ vào đại dương. Những tu sĩ ngoại đạo nhận thấy rằng lợi lộc và lòng tôn kính không còn đến với họ nữa, nên tập họp lại và cùng nhau bàn bạc:

– Thưa huynh đệ, từ khi Sa môn Cù Đàm (Gotama) xuất hiện, chúng ta không còn nhận được lợi lộc và dân chúng không còn kính trọng chúng ta nữa, chẳng còn một ai biết đến sự có mặt của chúng ta. Ai sẽ là người giúp chúng ta sĩ nhục Sa môn Cù Đàm, và khiến cho dân chúng đừng cúng dường và kính trọng ông ta nữa?

Rồi họ đã nghĩ ra, “Tôn-đà-lợi là người có thể giúp chúng ta thực hiện việc này”.

Vì thế một hôm, khi Tôn-đà-lợi đến thăm khu rừng những vị ngoại đạo cư trú, những vị ngoại đạo gật đầu chào cô nhưng ngậm thinh không nói một lời nào. Cô ta hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng không một ai trả lời. Cô hỏi tiếp:

– Thưa các thầy, có điều gì làm cho các thầy bực mình chăng?

Họ nói:

– Này chị, chị không nhìn thấy Sa môn Cù Đàm quấy rầy chúng tôi, tước đi phẩm vật cúng dường và thanh danh của chúng tôi ư?

– Vậy con có thể làm gì để giúp các thầy đây? Cô ta hỏi.

– Này chị, chị xinh đẹp và đáng yêu. Chị có thể làm nhục Sa môn Cù Đàm, lời nói của chị có thể tác động đến rất nhiều người. Nếu ông ta bị hạ nhục, thì chúng tôi có thể nhận lại được lợi lộc và thanh danh của mình.

Cô ta đồng ý rồi ra về. Sau đó, cô ta thường mang hoa, dầu thơm, long não, gia vị và trái cây; đợi đến chiều tối, lúc đám đông sau khi nghe đức Thế Tôn thuyết pháp xong và trên đường trở vào kinh thành, cô ta hướng mặt đi đến tinh xá Kỳ Viên. Nếu có ai hỏi cô đang đi đâu, cô ta nói:

– Tôi đang đi đến chỗ Sa môn Cù Đàm, và tôi sẽ ở lại đấy với ông ấy trong một hương phòng.

Sau đó, cô nghỉ qua đêm ở chỗ những tu sĩ ngoại đạo, vào buổi sáng cô ta lại trở về theo con đường từ tinh xá Kỳ Viên vào kinh thành. Nếu có ai hỏi cô ta đi đâu về, cô ta trả lời:

– Tôi đã ở với Sa môn Cù Đàm trong một hương phòng, và ông ấy đã làm tình với tôi.

Một vài ngày sau, những vị ngoại đạo thuê một vài tên côn đồ giết chết Tôn-đà-lợi trước phòng đức Phật và ném xác cô ta vào trong đống rác. Rồi họ lại rêu rao tìm kiếm Tôn-đà-lợi, và trình báo với nhà vua. Nhà vua yêu cầu họ chỉ ra nơi họ nghi vấn. Họ trả lời rằng trước đây một vài ngày cô ta có đi đến tịnh xá Kỳ Viên, nhưng họ không biết những gì xảy ra sau đó. Nhà vua bảo họ đến đó tìm kiếm cô ta. Được phép thế, họ dẫn theo những người hầu của nhà vua, và đi đến Kỳ Viên. Ở đấy, họ lùng sục khắp nơi cho đến khi họ tìm thấy xác Tôn-đà-lợi ở trong đống rác. Bảo mang đến một cái cáng, họ đưa xác cô ta vào kinh thành, tâu với nhà vua rằng những đệ tử của Sa môn Cù Đàm đã giết chết Tôn-đà-lợi và ném cô ta vào trong đống rác để che đậy tội lỗi đấng Đạo Sư của họ. Nhà vua bảo họ đi khắp kinh thành thông báo việc này. Họ đi khắp các đường phố rêu rao:

– Xin hãy đến xem những gì mà những Sa môn Thích tử đã làm.

Rêu rao xong, họ quay lại cổng cung điện. Nhà vua đặt xác Tôn-đà-lợi trên một cái bệ, rồi cho mang vào nghĩa địa canh giữ. Trừ các Tỳ-kheo ra, còn tất cả dân chúng đi khắp trong thành, ngoài thành, khắp công viên, rừng cây, lăng mạ sĩ nhục các Tỳ-kheo và la lớn:

– Xin đến xem những gì mà những Sa môn Thích tử đã làm.

Chư Tỳ-kheo bạch lại tất cả sự việc này lên đức Thế Tôn. Ngài nói:

– Thôi được, các thầy hãy đến quở trách những người này bằng lời sau:

Người thích nói dối đọa địa ngục

Người làm, bảo không có khác chi.

Hai hạng người này khi bỏ mạng

Sanh vào cõi ác không hồ nghi.

Sau đó, nhà vua ra lệnh cho một vài người đi điều tra xem người nào đã giết phải Tôn-đà-lợi. Bấy giờ, những tên vô lại đang ngồi uống rượu bằng đồng tiền vấy máu và tranh cãi với nhau. Một tên nói với một tên khác:

– Mày đã giết Tôn-đà-lợi bằng một cú đánh, rồi ném xác cô ta vào trong đống rác, giờ đây mày lại mua rượu bằng đồng tiền vấy máu đó!

– Đúng đây rồi, đúng những tên này rồi.

Những sứ giả của nhà vua nói và bắt lấy những tên côn đồ, kéo chúng đến trước nhà vua. Nhà vua hỏi:

– Có phải các ngươi đã giết cô ta không?

– Thưa đại vương, chúng con đã làm việc đó. Họ trả lời.

– Ai bảo các ngươi làm?

– Tâu đại vương, những tu sĩ ngoại đạo.

Nhà vua cho gọi những tu sĩ ngoại đạo đến. Ông bảo: – Hãy nhấc Tôn-đà-lợi lên và mang cô ta đi quanh kinh thành, khi các ngươi đi hãy hô to: Cô Tôn-đà-lợi muốn làm nhục Sa môn Cù Đàm, chúng tôi đã giết cô ta; tội lỗi này không phải của Sa môn Cù Đàm, cũng không phải của những đệ tử ông ấy; tội lỗi này là của chúng tôi!

Họ làm theo như vậy. Quần chúng mê mờ trở lại tin tưởng đức Phật. Còn những vị ngoại đạo không còn làm điều ác nữa, do phải nhận lấy sự trừng phạt vì tội sát hại. Từ đó về sau, thanh danh của đức Phật ngày càng trở nên rộng lớn. Rồi một ngày nọ, chư Tỳ-kheo bắt đầu đàm luận việc này trong Chánh pháp đường:

– Thưa các Hiền hữu, những tu sĩ ngoại đạo muốn bôi nhọ đức Phật, và rồi chính họ tự bôi nhọ lấy mình. Từ đó, lợi lộc và thanh danh của chúng ta được gia tăng!

Đức Thế Tôn đi vào và hỏi họ đang bàn luận việc gì? Họ bạch sự việc với Ngài. Ngài nói:

– Này các Tỳ-kheo, để làm nhơ uế Thế Tôn là điều không thể. Cố gắng làm nhơ uế Thế Tôn thì cũng giống như cố làm nhơ uế một viên bảo ngọc. Vào đời quá khứ, người ta muốn làm nhơ uế một viên ngọc đẹp, và họ có cố thế nào cũng không thể làm được, nên đành chịu thất bại.

Và rồi, Ngài kể cho họ một câu chuyện đời quá khứ.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua nước Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh vào trong một gia đình Bà-la-môn. Khi Ngài trưởng thành, nhận thức được nỗi khổ đau phát sanh từ tham ái, Ngài đã rời bỏ gia đình sống đời sống xuất gia. Sau khi vượt qua ba rặng núi của dãy Tuyết Sơn, đến đấy, Ngài xuất gia làm ẩn sĩ, sống trong một thảo am.

Gần thảo am của Ngài có một hang động pha lê, có ba mươi con heo rừng sống trong ấy. Gần hang động, có một con sư tử thường hay qua lại và cái bóng của nó phản chiếu trong pha lê. Những con heo rừng thấy cái bóng phản chiếu này sinh sợ hãi nên trở thành gầy còm, xanh xao. Chúng nghĩ, “sở dĩ chúng ta thấy cái bóng phản chiếu này bởi vì lớp pha lê quá sáng. Chúng ta hãy làm dơ bẩn và uế màu nó đi.” Vì thế, chúng lấy một ít bùn từ một cái hồ gần đó và chà xát mãi lên lớp pha lê. Nhưng pha lê, được lớp lông cứng của những con heo chà xát càng trở nên sáng bóng hơn.

Chúng không biết xoay xở ra làm sao nên quyết định đến hỏi ẩn sĩ, làm cách nào chúng có thể làm dơ bẩn được lớp pha lê. Sau khi đi đến vị ẩn sĩ, chúng cung kính chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên và đọc lên hai bài kệ:

Ba mươi chúng tôi bảy năm nay

Sống trong hang động pha lê này.

Giờ cố làm mờ đi ánh sáng

Nhưng chúng tôi đành chịu bó tay.

Dù chúng tôi đây dốc hết sức

Làm mờ ánh sáng pha lê đi.

Pha lê vẫn tỏa ánh sáng rực,

Nguyên nhân có thể là do gì?

Bồ-tát lắng nghe, sau đó Ngài đọc lên bài kệ thứ ba:

Pha lê quý giá, không tì vết

Sáng rực, trong suốt; đâu phải gương.

Ánh sáng của nó mãi chắc thật

Không có vật gì làm tổn thương.

Này những bạn heo, tốt nhất hãy

Chọn lấy nơi khác mà náu nương.

Chúng đã làm như vậy khi nghe câu trả lời này. Rồi Bồ-tát trú sâu trong thiền định, và sau đó sanh về thế giới Phạm Thiên.

* * *

Sau khi kết thúc pháp ngữ này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền Thân:

Vào thuở ấy, Ta chính là vị ẩn sĩ.

(*) Tiền Thân Maṇisūkara, số 285, bản Anh ngữ.

Lời bàn:

Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được những điều an ổn, gặp được những người tốt, sẵn lòng thương yêu và giúp đỡ. Bên cạnh những người thương yêu và quý mến, vẫn có những người luôn ghanh ghét, đố kỵ, tìm cách vu khống, bôi nhọ và hãm hại chúng ta. Điều đó là lẽ thường tình trong cuộc sống, bởi lẽ sống giữa đời này khó tìm ra người hoàn toàn được thương yêu mà không bị ganh ghét. Vì thế trong cuộc sống, chúng ta đừng mong rằng tất cả mọi người sẽ luôn yêu thương và quý trọng chúng ta, mà chúng ta phải làm sao tự hoàn thiện lấy bản thân, sống như thế nào đó để khi đối mặt với những ghanh ghét, vu khống… chúng ta vẫn có được một thái độ tỉnh táo, bình thản, sẵn sàng đón nhận và chuyển hóa mà không sinh lòng oán trách, thù hận.

Cuộc đời của đức Phật là tấm gương sáng, phản chiếu rất rõ phẩm hạnh này. Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, đức Phật gặp rất nhiều chướng ngại, đối mặt với không ít những lời sỉ nhục, vu khống, bôi nhọ… Nhưng đứng trước những trường hợp như vậy, Ngài luôn thể hiện một thái độ bình thản, sẵn sàng đón nhận như là cái tất yếu phải có; không dao động sợ hãi, không oán hận trả thù. Ngài bình thản đón nhận vì tin rằng: “Kẻ ác hại người hiền chẳng khác nào ngước lên trời phun nước miếng, nước miếng chẳng đến trời mà trở lại rơi nhằm vào mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người mà trở lại dính vào thân. Người hiền không thể hại được mà họa ắt mình phải chịu”.1

Ở câu chuyện này, một lần nữa chúng ta lại nhận thấy điều ấy.

Những tu sĩ ngoại đạo vì mục đích lợi lộc và muốn được dân chúng tôn kính nên đã bày mưu bôi nhọ thanh danh đức Phật. Đức Phật bình thản đón nhận và tin rằng chính những kẻ vu khống kia sẽ gặt lấy quả ác do việc làm xấu xa của họ, và quả thật đã đúng như vậy.

Một người phạm hạnh thì giống như một viên bảo ngọc, như một tấm pha lê sáng trong, dù có đem bùn đen bôi lên cũng không thể nào làm dơ uế được. Cố công bôi nhọ, sĩ nhục người phạm hạnh thì cũng giống như bầy heo kia ra sức đem bùn chà lên pha lê, mong làm mờ đi ánh sáng của nó. Pha lê trái lại không mờ mà tự làm hao tổn sức mình và rước họa vào thân.

QS.

(1) “Ác nhân hại hiền giả do ngưỡng thiên nhi thóa, thóa bất chí thiên hoàn tòng kỷ đọa. Nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn bộn kỷ thân, hiền bất khả huỷ, họa tất diệt thân”. (Kinh Tứ thập nhị chương)

Gương hiếu hạnh của một Thiền sư Nhật Bản^

Chúc Thanh

Có lần ở trong thư viện của Học viện Huế, tôi nhìn thấy cuốn “Góp nhặt cát đá” của Thiền sư Muju. Vì tính hiếu kỳ và lần đầu tiên biết đến tựa đề này, nên trong đầu tôi đã khởi lên những câu hỏi: “Góp nhặt cát đá là gì?”hay “Cát đá có gì quý không?” Tôi liền lật lướt qua và thấy từng mẫu chuyện ngắn nói về Thiền. Trong đó có chuyện nói về “gương hiếu hạnh của một Thiền sư Nhật Bản”. Chuyện kể rằng:

Shoun là một Thiền sư của phái Soto. Thân phụ qua đời khi Shoun còn là một thiền sinh, vì thế Shoun phải chăm sóc mẹ già, bất cứ đi đâu Shoun cũng dắt mẹ theo, nên Shoun không thể ở chung với các Thiền sư khác. Vì tỏ lòng hiếu kính đối với mẹ, Thiền sư đã dựng một ngôi thảo am nhỏ để ở và chăm sóc mẹ già. Hằng ngày, Thiền sư chép kinh điển và những bài kệ để kiếm tiền sinh sống, nuôi dưỡng mẹ già.

Mỗi lần thiền sư mua cá cho mẹ thường bị người ta cười chế nhạo “Một nhà Sư không được ăn cá”, nhưng thiền sư không quan tâm đến lời thị phi của mọi người. Tuy nhiên, mẹ Ngài rất đau lòng khi nghe những người xung quanh chế nhiễu con mình, cuối cùng bà bảo: “Mẹ nghĩ mẹ nên làm một Ni cô, mẹ cũng có thể ăn rau đạm bạc qua ngày”. Chiều ý nguyện của mẹ, thiền sư tán thành và hai mẹ con cùng nhau tu tập Pháp môn Thiền Quán.

Một hôm, Thiền sư đến một vùng xa hẻo lánh để giảng dạy cho các Thiền sinh, vài tháng sau mới về và được tin mẹ Ngài vừa mất. Bạn đồng môn cũng như những người quen thân, không biết Thiền sư ở đâu mà tìm, vì thế đám tang được cử hành. Ngay lúc đó, Ngài vừa về đến và bước tới gõ đầu thiền trượng vào quan tài, nói:“Thưa mẹ, con đã về”

Rồi Thiền sư trả lời thay mẹ:

- “Con ơi, mẹ mừng thấy con đã trở về”.

Thiền Sư đáp :

- Vâng, thưa mẹ con cũng mừng lắm!

Rồi Thiền sư bảo những người xung quanh:

- Nghi lễ đám tang đã xong. Các vị có thể chôn cất được rồi…

LỜI BÀN:

Sống trên đời ai cũng có cha mẹ, người nuôi dưỡng ta thành nhân. Với ân đức thiêng liêng cao quý ấy không ai có thể quên được.

Hiếu đạo theo tinh thần của đạo Phật không những báo ân cha mẹ bằng những việc làm như cõng cha mẹ đi khắp cả tam thiên, hay lóc xương xẻ thịt để dâng lên cha mẹ…mà còn phải tìm cách hướng dẫn cho cha mẹ tu tập để thoát ly ra khỏi sanh tử.

Trong lĩnh vực thế gian, một người con hiếu thảo là người luôn săn sóc cha mẹ bằng miếng ngon vật lạ, đem lại niềm vui mỗi khi đi làm về. Đến lúc cha mẹ sắp gần đất xa trời con cháu lại gần gũi nhiều hơn…Tuy thế, những việc làm hiếu thảo này chỉ thuộc phương diện của cải vật chất và dựa trên lòng tôn kính là chính.

Vấn đề hiếu đạo ở đây chính là người xuất gia cũng như tại gia, dùng “Đạo tâm”để hướng dẫn cha mẹ có được chánh kiến, chánh tín đối với 3 ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Tinh thần thiết thực nhất của người con hiếu thảo là luôn tán thán công đức niệm Phật, tụng kinh, tọa thiền và khuyên cha mẹ nên làm theo. Đó là báo ân cha mẹ của bậc trí tuệ. Thế nên đức Phật dạy: “Những ai đền ân cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ đền đáp công ơn cha mẹ. Nhưng, này các Tỳ-kheo! Ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo khuyến khích cho có lòng tin, cha mẹ sống tà giới khuyến khích vào chánh giới, với cha mẹ gian tham khuyến khích bố thí, với cha mẹ tà kiến khuyến khích vào chánh kiến, trí tuệ như vậy mới có thể đền đáp thâm ân cho cha mẹ”.

Cũng vậy, câu chuyện về Thiền sư Nhật Bản đã kể lại tinh thần báo hiếu bằng tấm lòng hiếu kính và công năng tu tập của Thiền sư Shoun. Mặc dù là một Thiền sư tài cao đức trọng, nhưng Ngài đã làm tròn hiếu đạo, nhẫn nhục kiên trì và không động tâm trước lời khen chê đàm phiếm của thế gian. Nhờ đó mẹ Ngài đã trở thành một tu sĩ chân chánh, an nhiên tự tại trước lúc lâm chung.

Nỗi khắc khoải của nó ^

Minh Hạnh

Nó là một Tăng sinh khát khao tìm đọc những tác phẩm luận bàn về sự mâu thuẫn của kiếp người nên Nó không tin tưởng, không tạo một điểm tựa cho bước khởi đầu của suy tư. Với Nó, mọi sự thật chỉ diễn ra ở một thời điểm nào đó trong mộng mị chiêm bao, rồi ra tất cả sẽ chìm vào khoảng trời xa xăm bất định. Thế vậy thì, có gì mà phải giữ gìn với xung quanh. Nó trở nên lập dị trong cách sống để chứng tỏ mình có một cá tính cô đọng của riêng mình. Thà sống thực sự còn hơn theo sự chiều chuộng cái nhìn của người khác. Nó ăn nói tùy tiện, vì con người đã ẩn mình sâu thẳm dưới đáy ngôn ngữ và xây dựng nền tảng của mình trên đó. Nó muốn phá vỡ nền tảng đó bằng thân hình mong manh của mình. Nó ăn mặc xuề xòa y như thể là người đứng ngã tư đường khinh khi phố thị. Nó thích nhìn phố thị đông đúc như nhìn lớp phấn bạc của lá sen hơn là nhìn đóa sen.

Nó ưa đứng soi gương bên cái tủ sắt thật lâu. Nó khẳng định hành động soi gương ấy không phải là muốn làm sáng tỏ ý nghĩa cầm đuốc vào ban ngày để đi tìm Con Người của người xưa. Hôm bữa, cách đây không lâu, Nó ngủ gật trong lớp. Nó mơ thấy mình lọt vào một thế giới huyền diệu với những âm thanh phá vỡ “sắc không” giải thoát. Nó thấy mình tồn tại trong một hữu thể lưu ly tự tại. Bất chợt tỉnh dậy, Nó thấy giáo sư đang giảng Trung luận. Nó ngớ người. Nó nhìn giáo sư ngơ ngác như thể là mới gặp giáo sư lần đầu tiên vậy. Nó tự hỏi giáo sư đang giảng hôm nay có phải là giáo sư của mấy bữa trước? Nó không tìm ra câu trả lời, vì đã có rất nhiều câu trả lời trong sách vở. Nó muốn trả lời cho chính Nó, chứ không phải trả lời cho xong để hợp thức hóa câu hỏi. Nó cảm thấy khuôn mặt của mọi người và của chính Nó bị chẻ đôi. Dường như trong người Nó có hai thực thể tương khắc nhau đang cùng tồn tại. Một thực thể mà Nó hiện mang, và một thực thể mà Nó cố công tìm gặp trong suốt thời gian còn lại của đời này và của cả những kiếp khác. Nó muốn thấy bộ mặt của Nó ra sao, nên Nó ưa đứng trước tấm gương ấy. Người ta phân biệt người này và kẻ khác mà ít lẫn lộn nhất là do thấy được Cái Mặtcủa mỗi người. Nhưng một sự vật cụ thể xúc chạm được, khi nhìn, người ta chỉ nhìn được cận ảnhcủa nó; huống hồ lại nhìn gián tiếp khuôn mặt của mình qua tấm gương soi. Vậy ra, khuôn mặt muôn đời không ai tự mình nhìn thấy được, chỉ xúc chạm mà thôi. Nó chưa bao giờ biết mình là ai, cũng chẳng ai trên đời hiểu nó là người thế nào. Nếu có điều ngược lại, tức là Nó là tất cả của chính mình trong mọi lúc, thì Nó không cần phải nói cho người khác biết cái ngườimà nó thật sự nghĩ Nó là, và hiển nhiên chẳng có điều ngộ nhận xảy ra từ người khác về Nó. Trong những người đui, què, câm, điếc,... Nó tội nghiệp cho người đui nhất, vì khả năng chống chọi với môi trường xung quanh để sinh tồn mong manh dễ vỡ. Nó thương cảm thằng mù vì Nó mang thân phận người mù, dù đôi mắt Nó vẫn sáng. Nó không bao giờ chơi được một nửa cung đàn còn lại, cũng chẳng bao giờ tụng được trọn vẹn câu kệ còn dở dang. Với Nó, một nửa không phải là một phần từ cái được chia hai. Không có khái niệm một nửatrong suy tư của Nó. Nếu hiểu được một phần vấn đề thì vấn đề chưa hiểu vẫn còn nguyên xi. Vì rằng, một phần đã hiểu là chuyện đã xong, nó là quá khứ; một phần còn lại chưa hiểu là chuyện còn ở phía trước, nó là tương lai. Một vấn đề vừa nằm ở quá khứ, vừa hiện hữu ở tương lai, mà hiện tại không thấy xuất hiện, vấn đề ấy không thể có. Không có vấn đề được hiểu một phần. Nó muốn tìm cái chân lý chuyên nhất, nhưng sự vật thì lại đưa đến chân lý tương hợp với những gì Nó tri nhận. Nhưng sự tri nhận của Nó không bao giờ trọn vẹn. Bằng chứng là cùng một quyển sách, trong những thời điểm khác nhau, Nó tri nhận khác nhau. Đằng trước của tri nhận này luôn có vô số chứng cứ của tri nhận khác. Thời gian, tuổi tác, kinh nghiệm chẳng có cơ sở gì để làm nền tảng cho một chứng cứ sau cùng. Dường như cuộc sống được cơ cấu trên nghịch lý nên Nó phải dại bước dấn chân vô định trên con đường khô rốc sau trận mưa rào, để tìm xem có còn một hạt mưa nào đọng trên bụi cỏ dại ven đường hay không. Thà thất vọng hơn là tin ẩu, Nó nghĩ thế. Dấu mặt sau cái cột nhà rồi nghĩ sẽ không ai thấy mình là hành động tự lừa dối. Thế nhưng để đừng vướng vào đám mây mù ấy không phải dễ. Hồn mộng bỗng chốc vợi đi, Nó dần tan rã trước khi cá tính cô đọng hiện hữu. Nó nghĩ, phải có một ước vọng thì mới cứu vãn được kiếp người ô trọc.

“Đốt nhang, nhang thơm thì phải có bụi, mà có bụi thì phải quét, chứ đừng có mong nhang thơm mà không có bụi”.

Bây giờ, Nó thấy một niềm khắc khoải mênh mang dâng lên trong người. Khi bản ngã chưa được nhìn rõ, thì nỗi khắc khoải của Nó cũng chính là của Tôi và của Con Người

Xin vơi thù hận - Xin đừng sát sinh^

TV. Nam Mô

Khủng bố và tử hình là hai ấn tượng gây xúc động và kinh hoàng trên khắp thế giới hiện nay. Những người Phật tử bắt đầu suy nghĩ gì về quê hương đất nước mình; liệu một ngày nào đó chúng ta có thoát khỏi món nợ oan trái xa xưa chăng? Liệu quy luật nhân quả tuy là công minh song có thể có một ngoại lệ nào chăng? Chúng ta yên tâm, vì kinh pháp còn ghi rõ: ‘Tu là chuyển nghiệp’. Quan trọng là sớm biết giác ngộ và sám hối kịp thời, - ‘dừng chân thì nghiệp chẳng theo; nương tay thì nghiệp chẳng đeo vào mình’.

Đức Phật đã dạy một quy luật muôn đời: “Lấy oán báo thù, oán thù chồng chất. Lấy đức báo oán, oán tự tiêu tan...” Nhiều người tin rằng họ có thể tiêu diệt hận thù bằng sự thù hận khác thô bạo hơn, nhưng không bao giờ được. Chỉ có cách ngược lại là dùng tình thương mới đoạn diệt được hận thù, thì nhất định hòa bình sẽ hiện hữu trường tồn.

Vấn đề phạt án tử hìnhcũng là một trong những nguyên nhân của chiến tranh. Một số các nhà làm luật trên thế giới đã phản tỉnh suy nghĩ: “Tại sao chúng ta không giam sống họ trong nhà tù hay ngoài côn đảo xa xôi? Chúng ta hẳn biết rằng tội nhân có thể kiếm sống trong trại giam bằng sự lao động có ích lợi cho họ. Ai cũng biết rằng tử hình là một hình thức bạo ngược triệt phá lòng nhân từ”. Và nhớ rằng khi tình thương yêu ra đi thì hòa bình cũng đi theo luôn. Giết nhiều người trong các nhà tù là đưa đến tàn sát con người ngoài mặt trận. Hành động đó quả là biện pháp kinh tế tầm thường khi nghĩ đến phương sách tiết kiệm tiền bạc bằng cách giết bớt những kẻ sát nhân. Cuộc chém giết như vậy dẫn đến cuộc thảm sát tập thể ngoài chiến trường với hậu quả tổn thất vô cùng to lớn.

Tử hình là áp dụng thực tế theo luật Moses, nghĩa là mắt đền mắt, răng đền răng, mạng đền mạng. Nhưng luật ăn miếng trả miếng này hoàn toàn khác với luật “bất phản kháng” của chúa Jésus có nghĩa là không chống lại điều ác. Nếu ai tát má bên phải, bạn đưa thêm má bên trái cho tát. Sự thù hận luôn luôn đưa đến chiến tranh, tha thứ đưa đến hòa bình tịnh lạc.

Ước gì chúng ta có khả năng chuyển hóa được tâm thức các nhà lãnh tụ, các tướng quân trên thế giới. Chúng ta sẽ kiến nghị họ nên dừng tay khủng bố, dừng lại mọi cuộc giao tranh, xâm chiếm lãnh thổ nhau. Thử hỏi đất đai này có giá trị gì? Máu xương của loài người mới đáng giá! Lòng tham ái si mê đã che mờ đôi mắt, khiến quý vị ham thích chiến tranh khủng bố sát hại gây đau thương sầu khổ cho biết bao người vô tội? Tại sao quý vị lại muốn tuôn ra hàng biển máu chỉ đổi lấy mấy thứ đất bùn vô giá trị. Thật là bi thương khủng khiếp! Hàng biển nước mắt hòa chung với máu của bao sinh linh đàn ông, đàn bà, con nít, nát tan từng mảnh trong sự thống khổ điêu tàn của chiến tranh quy mô-một loại tử hình không kêu án-thật là chập chồng oan trái hận thù cứ mãi mãi gặp nhau muôn kiếp.

Trong khi các nước đang hung hăng tiêu diệt lẫn nhau không chút thương xót, chúng ta nên mạnh dạn cất tiếng nói rung lên hồi chuông báo động để cứu vớt nhân loại đang khổ đau trong sự hủy diệt và đang rơi vào trong các đọa xứ. Quý vị không nhận ra rằng chính mình đang hạ sát huynh đệ của mình chứ không phải kẻ thù. Mỗi quốc gia đều là thiện hữu tâm giao. Tham ái, sân hận, ngu si mới là kẻ thù của quý vị. Kẻ thù nguy hiểm này đang nằm bên trong ta. Các bậc Đại sư trong thế kỷ 21 này khuyên chúng ta nên mở rộng tấm lòng-hãy tập quán chiếu: Nhận ra mọi hữu tình đã từng là mẹ mình, nhớ lại tâm từ của họ, tích cực đền đáp công ơn đó, thương yêu và tử tế với họ, rộng lòng từ bi, có hạnh nguyện dấn thân và phát tâm Bồ-đề. Đôi khi còn hỷ lạc coi kẻ thù như là vị thầy thiện hạnh của mình.*

Lại phải tỉnh giác rằng mọi sự việc nào cũng đều có quan hệ với nhau. Sự bình yên phúc lạc của ta không còn là một vấn đề cho riêng mình. Nếu họ không được bình yên thì không có cách gì ta sống bình yên. Quan tâm đến phúc lạc của người khác là quan tâm đến phúc lạc của mình. Tâm phân biệt và chia cách chính là gốc rễ của bạo lực và hận thù. Chỉ có sự lắng nghe sâu sắc và giao tiếp hiền hòa ta mới có thể chuyển hóa được những quan kiến sai lầm vốn là nền tảng của bạo lực** của khủng bố điêu tàn.

Đức Bồ-tát đã dạy: “Thà chết mà chiến thắng cám dỗ còn hơn sống mà phải thảm bại đau thương.” Cho nên tự chiến thắng chính mình mới là chiến thắng vĩ đại.

Các quốc vương thích giao tranh nhưng không phải chiến trường trong tâm. Nếu các vị lãnh tụ tự chinh phục mình thay vì chinh phục kẻ thù bên ngoài thì họ sẽ tận hưởng hòa bình an lạc hạnh phúc biết bao! Thời cổ đại xa xưa có tục lệ vua giao chiến với vua - lịch sử của Silanka {Ceylon} vua Dutugemunu giao tranh với vua Elasa đã hô to: “Để ta giao chiến với đối thủ”. Vậy là quân lính giạt ra hai bên làm khán giả, nhìn hai tướng quân của mình so gươm sinh tử. Quân lính sẽ thấy rõ ai là người thắng, ai là kẻ bại cuộc. Vua Dutu giết chết vua Elasa, tức thì quân lính của phía bại trận chạy về; cuộc chiến chấm dứt. Tập tục này thật hay, cứu được nhiều mạng người. Đó là loại chiến thuật chiến lược hết sức tiết kiệm. Chỉ có một trong hai người chết, còn bao nhiêu đều sống sót. Quả là đại hạnh phúc.

Một nước nào đó bị bại trận sẽ nuôi hận trong tâm. Chúng ta chiến thắng tức là đã tạo thêm nhiều kẻ thù. Vì vậy nên hòa hoãn và tha thứ. Người thắng kẻ thua phải ôm chầm lấy nhau trong tình thân ái như hai võ sĩ giao đấu trên võ đài. Sau trận đấu họ bắt tay nhau nở nụ cười trong tinh thần võ sĩ đạo cao thượng. Cũng theo gương đó, khi các quốc vương chấm dứt cuộc chiến thế giới, các quốc gia hãy bắt tay nhau. Chúng ta chỉ cần có vậy, và nên tích cực thực lòng thương yêu cứu sống lẫn nhau.

Mọi người hãy làm cho các nhà lãnh tụ quốc gia hiểu rằng cố gắng chinh phục thế giới bằng hận thù đều vô ích. Chúng ta hãy noi gương đức Phật hàng phục thế giới bằng tình thương. Người chiến thắng vinh quang nhất bằng hận thù chỉ đưa đến bại vong sau cùng. Đức Phật đã hàng phục thế giới cách đây 2500 năm bằng tình thương và chân lý như thực. Ngài mãi mãi là bậc thầy của nhân loại, là nguồn ánh sáng của mười ngàn thế giới, là nguồn năng lượng tình thương, khiến cho con người tỏa sáng mãnh liệt những niệm tưởng từ bi vô lượng trên khắp vũ trụ nhân gian. Dù đi đứng nằm ngồi hãy làm cho chúng sinh tràn ngập lòng từ bi khắp nơi. Chỉ có tình thương mới hóa giải được hận thù. Bởi vì có tịnh hóa thế giới mới đưa đến hòa bình thế giới.

(Thiền Viện Nam Mô lược dịch)

BC : * His Holiness The DALAI LAMA, SHAMBHALA SUN September 2OO3

** The most Venerable THÍCH-NHẤT-HẠNH, SHAMBHALA SUN JULY 2004


ẤN ĐỘ - Vừa khai quật một Thánh tích Phật giáo tại bang Gulbarga^

Một nhóm nghiên cứu của viện nghiên cứu Kannada thuộc đại học Karnatak vừa mới khai quật một thánh tích Phật giáo cách đây 2000 năm tại làng Tunnur, Chitapur Taluk, bang Gulbarga, Ấn Độ.

Hơn một thập niên trước, các nhà khảo cổ Ấn Độ đã tìm thấy một thánh tích Phật giáo gần khu du lịch Sannati cách làng Tunnur vài km. Về sau, nơi đây được xem là di tích lịch sử của quốc gia; nó được bảo vệ, tái tạo và tiếp tục khảo cổ.

Lần khảo cổ gần đây nhất, các chuyên gia đã tìm thấy những bức tranh nhân tạo và đồ gốm quý giá biểu hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo trong khu vực. Ngoài ra, họ còn tìm thấy những bức tranh điêu khắc nghệ thuật, trong số đó có một bức tranh điêu khắc mô tả câu chuyện tiền thân Mondoka. Bức tranh này điêu khắc hình dáng hoàng hậu Amatya, ngựa Pattada và voi Pattada một cách rõ nét, tương tợ như bức tranh mới khai quật ở Bellary trước đó. Hai bức điêu khắc khác cũng liên quan đến chuyện tiền thân Mondoka, một bức tranh mô tả hình ảnh vua, hoàng hậu và hoàng thân quốc thích; bức còn lại mô tả nhân dân trong nước. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những di vật mang biểu tượng pháp luân của Phật giáo, và một đoạn bức tường của một ngôi bảo tháp đã bị tàn phá.

Tất cả những di vật này được khai quật rải rác trong phạm vi khoảng 1 km thuộc làng Tunnur.

Những di vật đã được tìm thấy trong làng Tunnur, thuộc khu vực Gulbarga, Ấn Độ chứng tỏ rằng cách đây trên 2000 năm, tại nơi này Phật giáo rất hưng thịnh và phát triển. Ngày nay, nơi đây được xem là thánh tích Phật giáo và cần được bảo quản, duy trì và tái tạo.

Từ Quang


MYANMAR : HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ 4 TỔ CHỨC TẠI YANGON^

Ngày 30 tháng 7 năm 2004, nguồn tin chính thức của Myanmar (Miến Điện) đã loan báo dự kiến có khoảng trên 1700 đại biểu, đến từ 30 quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 4 tổ chức tại Yangon, Myanmar. Hội nghị sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 12 năm 2004.

Hội nghị thượng đỉnh lần này có tính quy mô rộng rãi hơn so với ba đại hội được tổ chức tại Nhật Bản, Thái Lan và Combodian. Nội dung bàn thảo xoay quanh những vấn đề chính: Làm sao đẩy mạnh sự thống nhất các truyền thống và tông phái khác nhau của Phật giáo trên khắp thế giới, nhằm phát triển và hưng thịnh Phật giáo; đồng thời tìm ra phương pháp góp phần gìn giữ hòa bình thế giới.

Theo thống kê gần đây nhất, tín đồ Phật giáo tại Myanmar chiếm khoảng 89.3% trong tổng dân số 53 triệu người. Hầu hết Phật tử theo truyền thống Nam tông. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức theo truyền thống Phật giáo Nam tông.

Đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ tư gồm các vị đại diện cho Tăng già và Phật tử tại gia đến từ các nước như: Thái Lan, Lào, Combodian, Nepal, Tích Lan, Malaysia, Ấn Độ, Mông Cổ, Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mexico, Bhutan, Đài Loan, Anh quốc, Hoa Kỳ, Úc, v.v...

Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới, hai năm tổ chức một lần. Hội nghị lần này được sự tài trợ của ngân sách chính phủ sở tại và tổ chức giáo phái Nenbutsushu Phật giáo Nhật Bản.

Tuệ Tâm


TRUNG QUỐC: Tìm thấy ngọn núi có hình dáng đức Phật nằm^

Hai nhà khoa học thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc vừa phát hiện ngọn núi Yuanham Uulaiin Sume có hình dáng đức Phật nằm vào sáng ngày 22/7/2004.

Nhà khoa học Mã Bình và một đồng sự trong khi đang thực hiện cuộc khám phá của mình đã phát hiện ngọn núi Yuanham Uulaiin sume nằm ở phía Bắc, khu tự trị Mông Cổ, trải dài hơn 10 km, có hình dáng giống như đức Phật đang nằm, đầu quay về hướng Đông Bắc và chân hướng về phía Tây Nam.

Ông Mã Bình nói: “Lúc 4 giờ sáng, ngày 22 tháng 7, tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy một hình ảnh huyền diệu xuất hiện giữa không gian”. Một ngọn núi hình dáng đức Phật đang nằm “Đứng nhìn từ xa khoảng 10 km, chúng ta còn có thể nhìn thấy rất rõ tóc vòng xoắn, chân mày, mũi, miệng, cổ, ngực, tay, chân của đức Phật. Một hình đức Phật nằm rất cân đối và thanh nhã”.

Trong khi đó, hình ảnh đức Phật nhập Niết-bàn được miêu tả trong các kinh, là dáng nằm nghiêng bên phải, chân trái đặt trên chân mặt; oai hùng như dáng nằm sư tử.

(Theo Chinaview)

Yến Nhi

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/08/2010(Xem: 7302)
Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch) là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu. nó đã trở thành một nghi thức có tính cách truyền thống trong lễ Vu Lan. Gần đây, tuy có một số người như TT Vân Đàm (Tu viện Pháp Vương, Fairfax, Virginia) hay Cư sĩ Bình Anson (Chủ tịch Hội Phật Giáo Tây Úc) đặt vấn đề về việc lễ Bông Hồng Cài Áo có phù hợp với nghi thức Vu Lan của Phật Giáo hay không, cho tới nay nó này vẫn là một trong những nghi thức không thể thiếu của lễ Vu Lan tại hải ngoại.
06/08/2010(Xem: 8911)
Ta từng nghe lời tạc như vầy: Một thuở nọ Thế-tôn an-trụ Xá-vệ thành Kỳ-thụ viên trung, Mục-liên mới đặng lục-thông, Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm-luân. Công dưỡng-dục thâm-ân dốc trả, Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền, Làm con hiếu-hạnh vi tiên,
04/08/2010(Xem: 8466)
Đối với đa số, cái chết thường được quan niệm như một vách ngăn giữa hai thế giới: người mất–kẻ còn, hay cõi âm và dương thế. Trong cái nhìn của đạo Phật, cái chết được xem là một phần tự nhiên của cuộc sống. Trước sự ra đi của người thân, nhiều người thường rất đau buồn, đôi khi quên đi những sự chăm sóc và giúp đở cho người đã khuất một cách thiết thực và ý nghĩa. Nhân mùa Vu Lan–Báo hiếu PL.2546-2002, NSGN giới thiệu cùng bạn đọc về lời của một người ở thế giới bên kia, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Geneve (Thụy Sĩ) với các con của ông, và vài gợi ý về phương pháp chăm sóc, giúp đở người thân trong tình trạng đặc biệt: ốm đau nặng hoặc lâm chung...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]