Hôm đó chúng tôi hẹn nhau ở một bến taxi để cùng đi dự một dạ hội lớn ở nhà hát Bastille Ba Lê. Đây là một buổi trình diễn của nhóm bà Pina Bausch, rất nổi tiếng. Bọn tôi người nào cũng áo quần bảnh bao. Các ông thì côm-pờ-lê đen, cờ-ra-vát, có người còn đeo nơ. Các bà các cô thì áo dài lộng lẫy, trang sức sang trọng, nước hoa thơm lừng. Chúng tôi ha hả cười nói ồn ào vì lâu rồi mới có dịp gặp nhau đông như vậy.
Đang vui bỗng nhiên tôi im bặt, vì cảm thấy có cái gì khác lạ. Nhìn quanh mới thấy có hai ông bà cụ già người nghèo, mặt mũi dơ bẩn, áo quần lếch thếch, đang nhìn bọn chúng tôi. Các bạn tôi cũng ngừng nói chuyện.
Cặp vợ chồng này, nhất là người vợ, nhìn chúng tôi mặt hằm hằm. Bà đảo mắt một vòng, rồi bất chợt trừng mắt nhìn tôi. Bà khệnh khạng đến gần, cố ý đánh rơi một đồng tiền xuống đất, đoạn quát lên : « Nhặt đồng xu cho tao ! ».
Các bạn tôi đùng đùng nổi giận. Có người nói : « Thôi tụi mình đi đi, trễ giờ rồi ! ».
Tôi thấy lòng dâng lên một niềm thông cảm, vội cúi xuống tìm đồng xu, rồi móc túi lấy một đồng khác, trịnh trọng, lễ phép, đưa hai đồng tiền cho bà ta. Các bạn tôi im lặng nhìn theo, không ai nói gì. Chúng tôi ùn ùn kéo nhau đi.
Dù bà lên tiếng hằn học, tôi không giận, vì đã thấy sự cách biệt lố bịch giữa chúng tôi và vợ chồng bà. Riêng tôi hiểu tại sao tôi lại có cử chỉ lễ phép như vậy. Đó là vì tôi nhớ những kỷ niệm hồi còn nhỏ! Hồi đó, mẹ tôi luôn luôn cất sẵn mấy đồng tiền trong một cái hộp, để dành cho người nghèo. Nhiều người ăn mày hay đi qua trước cửa nhà. Họ rên la, chúng tôi sợ lắm. Mỗi lần nghe tiếng họ, mẹ tôi lại lấy một chút tiền rồi gọi một đứa đem ra cho. Mẹ nói « Con phải cầm hai tay, rồi cúi chào và lễ phép đưa cho người ta !» Khi đến lượt, tôi cầm tiền chạy ù ra, làm như mẹ nói, rồi chạy ù vào ôm chân mẹ…
Không biết bao nhiêu năm đã lưu lạc xứ người, mà trong tiềm thức, tôi vẫn còn nhớ lời mẹ dạy.
Gửi ý kiến của bạn