(Tương Đương với quyển thứ 20, phẩm “Hằng Già Đề Bà”, MHBNBLM)
Tóm lược:
Lúc bấy giờ, trong pháp hội có một Thiên nữ tên là Căng Già Thiên, từ chỗ ngồi đứng dậy, phủ che vai bên trái, gối phải quỳ xuống đất, chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Con sẽ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Cõi Phật mà con cầu như cõi Phật mà hiện nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì các đại chúng đã nói đầy đủ tất cả cảnh tướng cõi ấy, ở trong Kinh Bát nhã Ba la mật này.
Căng già Thiên nói như vậy rồi, liền lấy các thứ hoa vàng, hoa bạc, hoa tươi trên bờ, dưới nước, các đồ trang nghiêm và cầm một chiếc thiên y(2) màu vàng, cung kính chí thành mà rải lên Phật. Do thần lực của Phật, thiên y bay vọt lên hư không, xoay qua phía bên phải, ở trên đỉnh Phật, biến thành đài báu có 4 trụ, 4 góc, thêu dệt trang trí rất dễ ưa thích.
Thiên nữ cầm đài báu này ban cho các hữu tình đều có như nhau, hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao.
Lúc bấy giờ, Như Lai biết thiên nữ kia, chí nguyện sâu rộng, liền mỉm cười, và khi chư Phật mỉm cười thì thường có các thứ hào quang từ miệng phóng ra, nay Phật Thích Ca cũng vậy, từ trong diện môn của Ngài, phóng ra các thứ hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, biếc, tía, lục, chiếu khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới trong 10 phương, rồi trở lại cõi này, hiện đại thần biến, xoay quanh Phật ba vòng, rồi nhập vào đỉnh Phật.
Lúc bấy giờ, A nan thấy việc ấy rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quì xuống đất, chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười, vì thường chư Phật mỉm cười, chẳng phải là không có nhân duyên?
Phật bảo A nan:
- Nay Thiên nữ này, ở đời vị lai sẽ được làm Phật, kiếp tên Tinh Dụ, hiệu Phật là Kim Hoa Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạc Già Phạm. A nan nên biết, nay thiên nữ này, tức là thân nữ cuối cùng phải thọ; bỏ thân này rồi, liền thọ nam thân, tận đời vị lai, chẳng thọ lại thân nữ; từ đây chết rồi, sanh vào thế giới rất dễ ưa thích của đức Phật Bất Động Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở phương Đông. Tại cõi Phật kia, siêng tu phạm hạnh. Vị nữ này ở thế giới ấy cũng có tên là Kim Hoa, tu Bồ Tát hạnh.
Này A nan! Đại Bồ Tát Kim Hoa này, ở cảnh giới ấy chết rồi lại sanh phương khác, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sanh ở bất kỳ cõi nào cũng chẳng xa Phật. Như chuyển luân vương từ đài quán này đến đài quán khác, vui vẻ hưởng lạc cho đến mạng chung, chân chẳng chạm đất, Bồ Tát Kim Hoa cũng lại như vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác cho đến quả vị Giác ngộ tối cao ở trong bất cứ đời nào thường không xa Phật, nghe thọ Chánh pháp, tu Bồ Tát hạnh.
Lúc bấy giờ, A nan thầm nghĩ thế này: Bồ Tát Kim Hoa, khi thành Phật cũng tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật sâu xa. Chúng đại Bồ Tát ở pháp hội ấy, số nhiều hay ít có giống như hội chúng Bồ Tát của Phật này hay không?
Phật biết ý nghĩ ấy, bảo A nan:
- Đúng vậy! Đúng như ông đã nghĩ! Bồ Tát Kim Hoa khi thành Phật cũng vì chúng hội tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế. Chúng đại Bồ Tát ở pháp hội kia, số nhiều hay ít cũng như hội chúng Bồ Tát của Phật này.
Này A nan! Nên biết, đại Bồ Tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, thì thế giới của Phật ấy, số lượng đệ tử xuất gia rất nhiều, chẳng thể tính đếm: Hoặc trăm ngàn muôn ức, hoặc triệu, hoặc trăm triệu, hoặc ngàn triệu, hoặc trăm ngàn triệu chúng đại Bí sô, chỉ có thể nói tóm lại là vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn ức triệu chúng đại Bí sô.
Này A nan! Nên biết, đại Bồ Tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, ở cõi Phật ấy, không có nhiều tội lỗi như trong Kinh Bát nhã Ba la mật này đã nói.
Bấy giờ, cụ thọ A nan lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay thiên nữ này, trước đây, đối với đức Phật nào, đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ tối cao, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng mà nay được gặp Phật, cung kính cúng dường, để được thọ ký Bất thối chuyển?
Phật bảo A nan:
- Nay thiên nữ này, ở chỗ Phật Nhiên Đăng đã phát Bồ đề tâm(3), trồng các căn lành, hồi hướng Phật đạo. Cho nên nay gặp ta, cung kính cúng dường để được thọ ký Bất thối chuyển.
Này A Nan! Như lúc đó chính ta dùng năm cành hoa, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề. Phật Nhiên Đăng biết thiện căn của Ta đã thành tựu nên thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Ta. Khi ấy, nữ nhơn này nghe Ta được thọ ký liền rải năm cành hoa vàng, cúng dường Phật Nhiên Đăng và nguyện rằng: Cầu mong cho con ở đời sau cũng được thọ ký Vô thượng Bồ đề như đại Bồ Tát này.
Cụ thọ A nan nghe Phật nói xong, rất đổi vui mừng, lại bạch Phật:
- Nay thiên nữ này, từ lâu, vì quả vị Giác ngộ tối cao, trồng cội phước, nay được thành thục nên được Phật thọ ký.
Phật bảo A nan:
- Đúng vậy! Nay thiên nữ này, từ lâu đã vì quả vị Giác ngộ tối cao, trồng cội phước, nay đã thành thục nên được Ta thọ ký.
Thích nghĩa:
(1). Căng Già Thiên tên của một thiên nữ xuất hiện trong Kinh Đại Bát Nhã , Kinh MHBNBLMĐ gọi là Hằng Già Đề Bà. Tuy hai mà một, tên của Thiên nữ được Phật thọ ký.
(2). Thiên y: Áo của nhà Trời như áo của các Thiên vương.
(3). Phát Bồ đề tâm hay Bồ đề tâm (Phạm: bodhi-citta) Gọi đủ: A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm. Cũng gọi là Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Đạo tâm, Đạo ý, Đạo niệm, Giác ý. Tức là tâm cầu Bồ đề vô thượng (cầu thành Phật). Tâm Bồ đề là hạt giống sinh ra hết thẩy chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn các pháp lành. Nếu phát khởi tâm nầy mà tu hành tinh tiến, thì sẽ mau chóng được Bồ đề vô thượng. Cho nên biết tâm Bồ đề là chỗ bắt đầu của tất cả thệ nguyện chân chính, là gốc của Bồ đề, là chỗ dựa của đại bi và Bồ Tát học. Bồ Tát Đại thừa trước hết cần phải phát tâm rộng lớn, gọi là phát tâm Bồ đề, phát tâm, phát ý; mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm. Người cầu sanh về Tịnh độ, cũng phải phát tâm Bồ đề. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ nói, ba bậc người cầu vãng sanh đều phải phát tâm Vô thượng bồ đề. Về thể tính của tâm Bồ đề, Kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Trụ tâm nói, biết tâm mình một cách như thực, đó là Bồ đề. Tức tâm tự tính trong sạch sẵn có là tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề nhờ vào nhiều duyên mà phát khởi. Theo Kinh Bồ Tát Địa trì quyển 1, thì có bốn thứ: 1- Thấy nghe thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn của chư Phật và Bồ Tát mà phát tâm. 2- Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ đề và Bồ Tát tạng mà phát tâm. 3- Tuy chưa nghe pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn giữ gìn pháp mà phát tâm. 4- Tuy không thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh đời ô trọc bị phiền não quấy phá khó phát được nên mình phát tâm. Lại Phát Bồ đề Tâm Kinh luận quyển thượng phẩm Phát tâm cũng nói có bốn duyên: 1- Tư duy về chư Phật. 2- Quán xét lỗi lầm của thân. 3- Thương xót chúng sinh. 4- Cầu quả tối thắng. Vô Lượng Thọ Kinh tông yếu lấy bốn thệ nguyện rộng lớn làm tâm Bồ đề và chia làm hai loại là Tùy sự phát tâm (do những việc cụ thể mà phát) và Thuận lý phát tâm (do chân lý phổ thông mà phát). Đại thừa Nghĩa chương quyển 9 thì lập ba loại phát tâm: 1- Tướng phát tâm, thấy tướng sinh tử và Niết bàn, nhàm chán sinh tử mà phát tâm cầu Niết bàn. 2- Tức tướng phát tâm, biết bản tính của sinh tử vắng lặng không khác gì Niết bàn; lìa tướng sai biệt mới khởi tâm bình đẳng. 3- Chân phát tâm, biết bản tính Bồ đề là tự tâm mình, Bồ đề tức là tâm, tâm tức là Bồ đề, mà quay về tâm gốc của chính mình. Ma Ha Chỉ Quán quyển 1 thượng nói, các Bồ Tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, cho đến Viên giáo đều do suy lường về cái lý của Sinh diệt Tứ đế, Vô sinh Tứ đế, Vô lượng Tứ đế, Vô tác Tứ đế mà phát tâm, cho nên gọi là suy lý phát tâm. Luận Đại thừa Khởi tín thì nói ba loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hành phát tâm, và Chứng phát tâm. Trong tín thành tựu phát tâm mà sinh khởi Trực tâm, Thâm tâm, Đại bi tâm thì cũng gọi là ba loại phát tâm. Mật giáo chủ trương phát tâm là một trong năm lần chuyển biến của chữ A, và dựa vào ba thứ Tâm Bồ đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam ma địa trong luận Bồ đề tâm mà lập bốn loại phát tâm: 1- Tín tâm, chỉ cho tâm đối với việc cầu Vô thượng bồ đề không một mảy may ngờ vực. Vì tâm này là nền tảng của muôn hạnh nên cũng gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch). 2- Đại bi tâm, sau khi phát Bạch tịnh tín tâm, lại lập bốn thệ nguyện rộng lớn, tâm này cũng gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện Bồ đề tâm. 3- Thắng nghĩa tâm, trong các giáo pháp, chọn lựa giáo pháp chân thực. Tâm này cũng gọi là Thâm Bát Nhã tâm, Thắng nghĩa Bồ đề tâm. 4- Đại Bồ đề tâm, ngay lúc quyết định bỏ phần kém, chọn phần hơn, thì chư Phật mười phương liền hiện ở trước mặt để chứng minh, các ma thấy thế sợ mà rút lui. Đại Bồ đề tâm này cũng gọi Tam ma địa Bồ đề tâm. Tuy chia ra bốn tâm như trên, nhưng vốn là một thể, cho đến lúc thành quả Phật cũng không giây phút nào rời nhau. Được như thế là nhờ tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian tu tam mật của chư tôn mà ra, nên gọi là Hữu tướng Bồ đề tâm. Nhưng vì xưa nay vốn có tướng tức không tướng, cũng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ đề tâm. Trong tông Tịnh độ Nhật bản, Ngài Nguyên Không có soạn Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, cho Bồ đề tâm là tạp hành, nên loại bỏ. Căn cứ vào lý này, phái Trấn tây thuộc tông Tịnh độ mới chia tâm Bồ đề thành Bồ đề tâm Thánh đạo môn và Bồ đề tâm Tịnh độ môn, và cho rằng Bồ đề tâm là Tổng an tâm, Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, vì thế chủ trương cần phải phát tâm Bồ đề. Lại nữa, phái Tây sơn thuộc tông Tịnh độ chia Bồ đề tâm làm Bồ đề tâm hành môn và Bồ đề tâm quán môn, chủ trương không cần Bồ đề tâm hành môn là vì trong Bồ đề tâm quán môn đã đầy đủ tam tâm rồi. Còn Tịnh độ chân tông thì chia Bồ đề tâm thành Tự lực Bồ đề tâm và Tha lực Bồ đề tâm. Trong hai tâm này, Phật dùng thệ nguyện gốc cho chúng sinh tâm tin ưa, tức là tín tâm chân thực vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha cứu độ hết thảy chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực Bồ đề tâm, Tịnh độ đại Bồ đề tâm. [X. Kinh Đại phẩm Bát Nhã Q.9; Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.9; Kinh Ưu bà tắc giới Q.1; Kim cương đính liên hoa bộ tâm niệm tụng nghi quĩ; Đại nhật Kinh sớ Q.1, Q.14; Ma ha chỉ quán Q.1 hạ]. - Từ điển Phật Quang.
Ai cũng có một tâm, Phật cũng có một, chư Bồ Tát, Thanh văn cũng có một tâm không khác. Ngộ cũng tâm ấy mà mê cũng tâm ấy. Mê thì thấy có nhiều tâm. Ngộ chỉ có một tâm. Tu cũng từ tâm ấy mà ra. Biết vậy, cứ ngày ngày quán chiếu tự tâm là tốt. TB
Lưu ý:
Muốn hiểu về ý nghĩa Bồ đề tâm (một tiêu đề vĩ đại trong mạch sống Đại thừa), xin xem Luận Bốn: “Gandavỳuha và mong cầu giác ngộ” của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận quyển hạ, trang 163 trở đi.
Lược giải:
Kinh Đại Bát Nhã đột ngột đưa ra một nhân vật tên là Căng Già Thiên hay Hằng Già Đề Bà, được Phật thọ ký thành Như Lai Chánh Đẳng giác. Sự kiện nầy có lẽ làm độc giả ngạc nhiên. Nhân vật nầy không phải là một Bồ Tát đại từ đại bi như đức Quán Âm, đại trí như Văn Thù Sư lợi, đại hạnh như Phổ Hiền… Nhân vật nầy cũng không phải là đại đệ tử trí tuệ của Phật như Xá Lợi Phất, thần thông biến hóa như Mục kiền Liên, “người giải Không” bậc nhất như Tu Bồ Đề, người có trí nhớ siêu việt như Ngài A Nan hay biện tài vô ngại như Phú Lâu Na v.v… thường xuất hiện trong nhiều Kinh điển Phật học. Nhân vật nầy chỉ là một người bình thường như những chúng sanh bình thường khác.
Tuy nhiên, Căng Già Thiên biết chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, lại phát nguyện rộng lớn tu hành sáu phép Ba la mật liền được Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Điều đó chứng tỏ bất cứ ai tu Bát nhã Ba la mật chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, phụng thờ Thiện hữu tri thức, cúng dường nhiều đời Phật… đều có cơ hội được thọ ký như trường hợp của thiên nữ nầy.
Phẩm nầy không phải là một phẩm đặc biệt, nhưng trở thành đặc biệt. Thiên nữ này bình thường cũng giống như trăm ngàn thiên nữ khác nhưng được thọ ký thành Phật vì chí nguyện sâu rộng, phát Bồ đề tâm, tu hành lục độ vạn hạnh,trồng nhiều cội phước, nay đã thành thục nên được Phật thọ ký. Điều đó có nghĩa ai cũng có phần nếu tiến tu như thiên nữ Căng Già Thiên này.
Phần thưởng Giác ngộ to lớn nhất không phải chỉ dành riêng cho Phật, mà dành cho tất cả chúng sanh kể từ khi Phật chứng ngộ. Phật đã trao chìa khóa đó cho tất cả chúng sanh kể từ khi Ngài Giác ngộ từ 26 thế kỷ trước. Phật đã “rát hầu rã họng” thét vào tai chúng sanh mà mấy ai chú ý nghe theo. Phát Bồ đề tam, tịnh tu phạm hạnh rồi một ngày nào đó sẽ có cơ hội, không thể ngồi hả miệng chờ sung rụng, phải cần tu khổ hạn, đào xới bới vỡ thì mới có miếng ăn./.
Trong những thành tựu ngày càng sâu sắc hơn của khoa học hiện đại là sự khám phá rằng thân và tâm không tách biệt và độc lập, nhưng đúng hơn là cùng một thực thể được nhìn từ hai góc độ khác nhau. Descartes đã sai lầm trong việc tách rời giữa thân và tâm. Và y học phương Tây theo sau những người đi trước, đã có sai lầm tương tự trong việc xem nhẹ ý nghĩa những trạng thái tinh thần của bệnh nhân đối với điều kiện sức khỏe của họ.
Sự rèn luyện cốt lõi nhất trong Phật giáo, và cho chủ đề này trong bất kỳ con đường tâm linh nào đều là “phương tiện thiện xảo”, nhờ đó hành giả có khả năng chuyển hóa mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày của họ thành rèn luyện tâm linh. Rèn luyện tâm linh là những luyện tập làm giải thoát tâm thức khỏi sự bám chấp mãnh liệt và lực khao khát thúc đẩy của chúng ta. Sự rèn luyện tâm linh xoa dịu đau khổ tạo ra bởi quan điểm chật hẹp, cứng rắn và những cảm xúc hỗn loạn, thiêu đốt của chúng ta.
Vâng theo lời dạy của Thầy Lama Zopa Rinpoche, chúng con dịch cuốn sách này ra tiếng Việt với ước muốn chia sẻ những lời dạy của Thầy đến bạn bè, tất cả những ai quan tâm tu tập Phật pháp, đặc biệt là trau giồi Bồ-đề tâm để chữa lành tận gốc mọi bệnh tật của cả thân và tâm.
Chúng con kính dâng lòng tôn kính và tri ân sâu xa lên Thầy Zopa Rinpoche, một Kadampa trong thời hiện đại, Người là nơi nương tựa của chúng con mãi mãi, Người dạy chúng con đi vào đường tu giác ngộ.
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà.
Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
Đặc tính: Tự thể của thân trung ấm mang 5 đặc tính:[38]
1. Nó có đầy đủ các giác quan.
2. Vì nó sinh ra một cách tự nhiên, tất cả các chi (tay chân) chính và phụ của nó sinh ra đầy đủ đồng thời với thân.
3. Vì nó có thân vi tế nên không thể bị tiêu diệt dù bằng vật cứng như kim cương.
4. Trừ nơi tái sinh của nó như là trong dạ con, bụng của người mẹ, ngoài ra không vật gì có thể cản được thân trung ấm đi qua, dù là núi non, hàng rào v.v...
Việc tìm hiểu về các tông phái khác nhau trong đạo Phật luôn là điều cần thiết đối với hầu hết những người học Phật.Tập sách này là một công trình biên soạn công phu, có hệ thống, tuy ngắn gọn nhưng khá đầy đủ để mang lại một cái nhìn tổng quan về các tông phái trong đạo Phật, cũng như giúp người đọc nắm hiểu sơ lược về tôn chỉ và đặc điểm chính yếu của từng tông phái.
“Đạo lý nhà Phật, là một nền đạo lý thâm trầm, siêu việt hơn hết”.
Ấy là lời nói của nhiều nhà thông thái xưa nay trên hoàn võ, và cũng là một mối cảm của chúng tôi nữa.
Sau khi lăn lóc nơi trần gian thế sự, mỏi gối chồn chân vì bã lợi danh, chìm nổi nơi bể ái sóng tình, rồi ngồi nghĩ lại cái đời mình, bao người lấy làm ngao ngán! Bấy giờ tưởng đạo lý nhà Phật với mình cũng như chiếu bông gối dựa đối với người buồn ngủ, tha hồ mà ôm ấp lấy!
Sức sống của một nền đạo lý từ bi, trí tuệ như Đạo Phật thì chỉ có thể là sức sống văn hóa. Bởi vì, chỉ trên bình diện văn hóa, hoặc ở những hình thái sống động của đời sống hoặc thâm trầm trong tâm hồn con người, nguồn suối từ bi, trí tuệ mới có thể thẩm thấu, chan hòa như đã thẩm thấu chan hòa trong đời sống và tâm hồn của phần lớn các dân tộc Á Đông.
Tuy là những tích xưa, chuyện cổ, nhưng đối với người có óc quan sát sẽ rất là bổ ích, vì trong ấy chứa đựng những tư tưởng cao xa thâm thúy về triết lý đạo đức.
Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn. Sau khi xem những chuyện tích được sưu tập trong phần này, hy vọng độc giả sẽ có thể dễ dàng thấy được những ý nghĩa đạo lý đã có tự ngàn xưa, được ghi lại qua những câu chuyện rất thú vị, làm cho chúng ta vui thích.
Tín đồ Phật giáo tin rằng có một con người thật được tôn xưng là đức Phật, hay Đấng Giác Ngộ, đã nhận ra được trí huệ sáng suốt xa xưa, hay nói đúng hơn là từ vô thủy, của con người. Và ngài đã làm được điều này ở Bihar, Ấn Độ, vào khoảng từ năm 600 cho đến 400 trước Công nguyên – thời gian chính xác không được biết.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.